Em ơi có thấy hôm nay đẹp lắm?


I. Chi tiết là tốt

Phải mất rất rất lâu mình mới nhận ra được sự thật rằng cuộc sống thì không tốt hay tệ mà nó chỉ... có vậy. Nó chỉ đơn giản là trung tính. Và chúng ta là người quyết định nó tốt hay tệ.
Ý mình không phải là bạn có thể làm nó tốt lên hay tệ đi đâu, ý mình là bạn có thể thấy nó tốt hoặc tệ. Nhưng việc bạn thấy nó tốt hay tệ không có nghĩa là nó tốt hay tệ, nó cũng chỉ... có vậy. Cuộc sống đơn giản là trung tính.
Hôm nọ mình có nghe được một bình luận về bài viết "Người trẻ (hút) cần:" khá hay: 
Thế nên nếu bạn là người hay thổn thức với những status viral trên mạng về một cuộc sống nhàm chán rập khuôn kiểu thế này thì hãy thôi đi nhé:
"Tôi sinh ra
Lắc lư lắc lư trên con ngựa gỗ
Vui chơi ở cái thời còn chẳng biết vui chơi là gì
Rồi không vui chơi nữa
Đi học 12 năm sau đó
Rồi lại học nữa, ừ, vì tôi học giỏi mà
Rồi lại học nữa, ý tôi là đi làm cũng là một kiểu học tập
Vì Bill Gates từng bảo "Học, học nữa, học mãi"
Ý tôi là Mark, nhầm Marx. À ý tôi là Lenin.
Nhưng nó cũng chả quan trọng lắm nhỉ.
Rồi cưới vợ, sinh con, già đi

Những việc này thì quan trọng.
Rồi ngồi trên một chiếc ghế tựa
Loại mà có bốn chân gắn trên hai cái bánh vòng ấy
Lắc lư lắc lư
Nghĩ về một tuổi trẻ nuối tiếc
Tuổi trung niên nuối tiếc
Cuộc đời nuối tiếc.

Một cuộc đời không phải của Bill Gates, hay Mark
Marx, hay Lenin nào đó.
Một cuộc đời với những câu chuyện dang dở chẳng còn thời gian để hoàn thành nữa

Tiếc nuối cho đến ngày
Tôi chết
Rồi ai đó lại sinh ra
Lắc lư, lắc lư."
- Tiến chấm. -
Sau khi đã lược bỏ đi rất nhiều thứ thì cuộc đời ai có lẽ cũng thế, và nó cũng chẳng phải điều gì đáng buồn cả. Hạnh phúc chưa bao giờ đủ lớn để bao trọn 12 năm đi học, nhưng nó luôn xuất hiện xuyên suốt trong đó qua những khoảnh khắc be bé xinh xinh, chỉ là chúng ta chọn cách quên đi. Chúng ta chọn cách quên đi, như mọi khi, để có thể tự than khóc cho chính mình.
Rằng, à, mình thật tội nghiệp ấy nhỉ?
Như thể rằng một cuộc đời đau khổ là thứ sẽ giúp bạn có thể gặp được Bụt hay ông già Noel vào một đêm đầy tuyết. Sự thật là bạn có thể còn chẳng được nhìn thấy tuyết trong suốt vài chục năm tới. Nhưng cuộc đời cũng chẳng vì thế mà mất vui đâu.
Chúng ta nên tập trung vào những chi tiết để thấy rằng cuộc sống thật ra muôn sắc màu và thật đáng giá, thay vì lược bỏ khiến chúng trở thành một check list khô khan rồi bảo rằng như thế là nhàm chán. Dù cho bạn không mưu cầu niềm vui từ những buổi tụ tập, bạn không khát khao việc phải khám phá thật nhiều nơi hay ho, bạn không hứng thú với thứ niềm vui mỏng manh từ những chất kích thích, không thích những giai điệu vui tai,... đi chăng nữa, thì luôn có một vài khoảnh khắc nào đó. Một vài khoảnh khắc nhắc bạn rằng cuộc sống thật tuyệt.
Hãy nhớ lại những lần bạn rửa bát, à không, thật ra cái này quên đi cũng được.
Hãy nhớ lại thỉnh thoảng bạn lướt qua ai đó rồi tâm trí đảo lộn một thời gian.
Hãy nhớ lại đôi lúc bạn đi một mình từ trường về nhà, chân đá đá cục đá rồi vô tình gặp một chú cún đáng yêu nào đấy.
Hãy nhớ lại đôi lần bạn làm ai đó mỉm cười thật sự, và bạn cũng mỉm cười thật sự.
Hãy nhớ lại khoảnh khắc lũ bạn ngồi lên lưng bạn rồi nhún nhún, rồi một thằng/con khác cũng nhảy lên theo, rồi nhiều đứa khác nữa... À thật ra thì cái này cũng không vui lắm, nhưng mà nó đáng yêu mà đúng không? Lmao.
Hay nhớ lại lần mẹ nhổ tóc bạc cho bạn, hoặc lần bố chở bạn đi học vào sáng sớm chẳng hạn.
Hãy nhớ lại lúc bạn bước dưới mưa nghĩ về vật lý lượng tử, hoặc lúc bạn lặn thật sâu xuống nước cho tới khi thấy đầu bị ép lại vì áp lực.
Nhớ lại lúc chú mèo của bạn chạy đến và ngồi lên bụng của bạn.
Nhớ lại những tin nhắn làm bạn cười mỉm, dù thật ra chúng chủ yếu là linh tinh và vô nghĩa.
Hay lúc bạn say và ngồi soi gương chẳng hạn.
Hay một bộ phim
Một bản nhạc
Một...
Hãy nhớ lại cuộc đời của bạn.
Để biết rằng thật ra nó được lấp đầy bởi những trải nghiệm khác lạ và thú vị, và nó là của riêng bạn.



II. Nhưng đừng quá tập trung vào chi tiết

Chúng ta thường nhìn vào tổng thể lúc cần đi sâu vào chi tiết và ngược lại. Mình có vài người bạn với vài câu chuyện (không vui lắm) chỉ vì chẳng thể bình tĩnh nhìn lại toàn bộ sự việc.
(bọn kể chuyện của bản thân hay bảo đó là chuyện của bạn nó lắm)
(nhưng mình không thế đâu nhé)
Cậu bạn của mình chia tay mấy năm rồi nhưng giờ vẫn còn nhớ người yêu cũ. Mình còn nhớ lúc gần chia tay, mỗi lần cậu này gặp tâm sự đều kể ra một câu chuyện hoàn hảo mà ở đó hai người không nên đi cùng nhau nữa.
Một câu chuyện kể về một cô gái không còn mấy mặn mà với những câu đùa của bạn trai dù trước đó thì có. Đã vậy cách cô gái nhìn những chàng trai khác cũng lạ và cách cô gái nhìn bạn trai của mình cũng lạ. Hơn thế nữa hai người cũng dần cảm thấy không muốn dành thời gian cho nhau nữa. Bạn trai của cô cũng cảm thấy cuộc sống bắt đầu có nhiều áp lực hơn và dường như bạn gái của mình không muốn nghe, thế nên anh cũng hạn chế kể. Anh nhìn thấy nhiều cơ hội mà mình đã bỏ qua và càng đau đáu về chuyện này hơn. 
Câu chuyện về cơ bản là thế, lược đi một vài đoạn anh bạn mình mô tả về những cảm xúc tiêu cực đã phải chịu trong một thời gian dài với một giọng điệu như thể Sherlock Holmes nắm trong tay lời giải của một vụ án - dù anh ấy cũng chẳng tự nhận ra được điều này.
Thế rồi hai người chia tay, dù không suôn sẻ lắm. Cậu bạn mình có nói về việc cô gái muốn níu kéo nhưng anh ấy lại dứt khoát như thế nào, về những buổi tối nằm buồn như chó cắn.
Rồi cũng cậu bạn ấy trong một lần khác tâm sự đã thổ lộ rằng mình còn yêu cô bạn kia như nào và tiếc nuối mối quan hệ ấy ra sao.
Có lẽ sau khi đã bình tĩnh lại, cậu ấy mới nhận ra dù cho những biểu hiện kia có là thật đi chăng nữa (mà chưa chắc nó đã là thật) thì đó cũng chỉ là những chi tiết nhỏ trong một bức tranh lớn. Chỉ là trong lúc không tỉnh táo (mà ai chẳng có những lúc như thế), lại còn bước vào giai đoạn khủng hoảng của mối quan hệ (mối quan hệ nào chẳng có điều này) cậu đã bị cái gọi là (gọi là cái gì í nhỉ) thiên kiến xác nhận cuốn đi và tự mình viết ra một câu chuyện như thật.
Có lẽ cậu quên đi hết những ánh mắt yêu thương hai người dành cho nhau, những buổi đi chơi cùng, những cậu chuyện chia sẻ cùng nhau, những lần nằm cạnh nhau,... dù cho đó mới là những chi tiết chiếm lấy phần lớn câu chuyện.
Người ta nhìn thấy những gì họ muốn thấy.
Cô bạn của mình cũng đáng thương không kém. Cô luôn giỏi trong việc nhìn ra những khuyết điểm của bản thân, những việc mình làm chưa tốt rồi dằn vặt và tự đánh giá luôn là bản thân chưa tốt. Nhưng tiêu cực là cô ấy cư xử như thể cô chưa tốt thật và lúc nào cũng phải sống trong một mớ cảm xúc - mà theo mình nghĩ là - chẳng đáng phải chịu đựng như thế. Tại sao lại không thể nhìn ra tổng thể để thấy một cuộc đời tương đối thành công và nhìn nhận bản thân một cách tích cực hơn nhỉ, mình nghĩ.
Rồi lại có cô bạn khác giỏi nhìn thấy những khuyết điểm nơi người khác. Đến mức ngay cả sau khi hoàn thành một dự án tương đối thành công thì cô ấy với đồng nghiệp của mình vẫn có thể blame nhau về những mâu thuẫn từ những ngày bắt đầu. Việc liên tục bị thu hút sự chú ý vào những chi tiết (mà thường là không tốt) khiến cô bạn này trở nên phát xít quá mức. Đôi lúc nỗ lực của người khác dường như bị gạt đi hết, chỉ còn lại trơ trọi một vài lỗi lầm mà ngay chính họ cũng không muốn.
Chúng ta nhìn vào một vài chi tiết mà tự đánh giá chính mình
Hoặc đánh giá người khác
Hoặc đánh giá câu chuyện của người khác
Rồi sau đó lại đánh giá họ, thường là thế
Suy cho cùng, cũng chỉ là tự mình làm khổ mình mà thôi.



III. Mình viết cho ai

Đôi lúc mình gặp một vài bài viết và thấy nó hiển nhiên, bình thường thậm chí là nhàm chán nhưng lại thấy rất nhiều người khen hay. Đôi lúc mình lục lại dòng thời gian và thấy rằng trước đây mình cũng rất khoái chí những bài như thế.
Đôi lúc những bài viết mình thấy hay người khác lại thấy nhàm chán. Hay đôi lúc những bài viết của mình có người thấy hay, có người lại thấy chán, và chính mình cũng lúc thấy hay lúc thấy bản thân viết rất chán.
Rồi mình nhận ra vấn đề là thế giới này quá đỗi đa dạng, chuyển động không ngừng và ngay cả chính mình cũng vậy. Riêng về những thứ thuần mang tính cảm nhận thì chẳng có gì đúng hẳn cũng chẳng có gì sai hẳn.
Thế nên mình quyết định khoanh vùng lại mục đích của những việc mình muốn làm, xem đó là cột mốc níu mình lại khỏi việc buông xuôi và nản lòng. Vì tính mình dễ xao động, một trăm lượt upvote cũng chẳng nhiều trọng lượng bằng một lượt downvote. Giữa những bình luận khen ngợi, chỉ cần một vài bình luận phê bình xuất hiện cũng khiến mình bắt đầu phải nghĩ ngợi nhiều.
Cho đến khi mình nhận ra rằng bản thân chỉ có thể cắt một miếng bánh nhỏ của cái bánh to ơi là to, để phục vụ một nhóm người rất nhỏ thích ăn bánh, và trong nhóm nhỏ ấy chỉ có một vài người khen ngon. Nhưng bấy nhiêu là đủ, và đó cũng chỉ là khởi đầu. Thay vì chấp nhận rằng "không ai thích bánh của mình" và ngồi yên buồn rầu chẳng làm gì cả.
Mình viết cho chính mình, ngay lúc này. Hey chào thằng nhóc lớn hơn một tí ở tương lai, có thể dòng này sẽ trigger mày ấy nhỉ? Nhưng bố cũng chẳng quan tâm lắm đâu nhé lmao.
Mình viết cho những người trẻ hoặc không còn trẻ lắm, những người vốn nghĩ ngợi rất nhiều điều hay ho nhưng chưa thể sắp xếp chúng một cách rõ ràng. Những người nhạy cảm, đáng yêu và đang trên con đường hoàn thiện chính mình.
Tất nhiên những bài viết của mình chẳng thể gây ấn tượng được những người vốn đã hoàn thiện, định hình bản thân rõ ràng hay những người có một hệ thống quan điểm chắc chắn riêng, kiểu thế. Thậm chí nhiều người còn không bao giờ nhìn thấy những bài viết này, hoặc không thích, hoặc tẩy chay lên án.
Thậm chí bạn - ngay lúc này - thấy bài viết này cũng tương đối hay, tay đã đặt lên nút chia sẻ, nhưng sau này lại cảm thấy chúng vô vị. Nhưng chẳng sao cả, vì ngay lúc này, ở đây và chính bạn - bạn thích là đủ.
Quan điểm của mình là có người biết rồi thì có người chưa biết, thế nên cứ viết thôi.
Mình kể câu chuyện trên và những câu chuyện khác nữa để muốn nhắc nhở các bạn là, à, chẳng thể tham lam quá được đâu. Chúng ta chẳng thể có nhiều thứ, chẳng thể là chàng hoàng tử biết bơi lội bắn cung làm thơ chơi auto chess nhân phẩm cao và tán gái cực giỏi lại còn nuôi nhiều mèo. Chúng ta chẳng thể hoàn thành tốt tất cả mọi việc, chẳng thể gây ấn tượng tốt với tất cả mọi người, chẳng thể nói ra toàn những lời đúng đắn.
Nhưng cũng chẳng sao cả đâu, bạn tôi.
Chúng ta luôn cố gắng để trở nên tốt hơn, và dường như luôn chưa đủ tốt.
Nhưng cũng chẳng sao cả đâu, bạn tôi.
Mấu chốt là luôn cố gắng.
Thats how life works.



IV. Vì sao mình viết

Có nhiều người thích động cơ hóa hành động để tìm ra ý nghĩa cuộc đời.
Mình không thích như vậy, nếu không muốn nói là rất ghét. Vì đa phần những người như thế thường có suy nghĩ khá lệch lạc và không đầy đủ. Ví dụ họ thường hỏi:
Mày viết để làm gì, có được gì không?
- À, ừ, thật ra là chả được mẹ gì. Bố mày thích thế thôi, có được không?
Hay những câu kiểu: học toán để làm gì, đọc sách để làm gì, nghĩ nhiều làm gì, vui chơi cờ bạc làm gì, uống rượu bia làm gì,... có được tích sự gì không. Kiểu như thế.
Vấn đề ở đây là, đôi lúc bạn làm việc A sẽ dẫn tới việc B. Có nhiều khi bạn phải làm A để được B. Ví dụ như:
Bạn mua con cá để có con cá.
Bạn mở cuốn sách để cuốn sách được mở ra.
...
Có một vài việc tương đối giống mô hình A -> B:
Bạn đi làm để có tiền.
Bạn học để có kiến thức.
...
Nói tương đối giống là vì có thể nó sẽ không đơn giản thế. Có thể bạn đi làm nhưng không phải vì tiền, có thể bạn đi làm nhưng không có tí đồng xu cắc bạc nào, có thể bạn đi học vì vui, có thể bạn đi học nhưng chả có tí kiến thức nào,...
Có nhiều việc nó còn phức tạp hơn nhiều.
Dịch bởi Megamind Mega từ Reddit VN
Yeah, và đó là cuộc sống. Thế nên nếu bạn ngưng động cơ hóa mọi chuyện (mà thường là những động cơ thấp hèn), bạn có thể làm được rất nhiều việc, và nó đều tốt cho bạn.
Ví dụ chúng ta giải toán không hẳn để tìm ra kết quả. Chúng ta giải toán để rèn luyện tư duy, để có thể giúp não bộ tập quen với việc sắp xếp mọi việc một cách logic. Cho nên dù bạn có quên sạch kiến thức đi chăng nữa cũng chẳng quan trọng. Vì bạn tập thể dục không phải để nhớ được bài thể dục ấy suốt đời. Bạn tập thể dục vì ngay lúc đó bạn đã tập. Làm toán cũng vậy.
Chúng ta tiết kiệm để tập thói quen tiết kiệm. Tức là bạn nên tập tiết kiệm dù số tiền tiết kiệm được rõ ràng là không đáng kể. Khi bạn có mười nghìn bạn để dành một nghìn thì mười ngày cũng chỉ có mười nghìn. Nhưng nếu bạn đã có được thói quen tiết kiệm, thì khi bạn có một tỷ bạn sẽ có được thói quen tiết kiệm được một trăm triệu. Và chính thói quen tiết kiệm mới là điều quan trọng, chứ không phải khoản tiền tiết kiệm được.
Làm việc tốt cũng vậy, người tốt thì luôn làm việc tốt vì đó là thói quen, tính cách của họ. Kẻ thích động cơ hóa thì làm việc tốt theo... mùa vụ. Chỉ khi hắn có được lợi ích thì mới sẵn sàng làm việc tốt. Đó là lý do vì sao nhiều người dù rõ ràng làm việc tốt nhưng vẫn bị chỉ trích. Vì cái mọi người nhìn vào không phải là kết quả, mà là động cơ. Tất nhiên mình sẽ không nói là mình có ý đá đểu tổng thống Phan Anh của chúng ta đâu nhé.
Thế nên mình viết để giữ được thói quen viết, để giữ được những lợi ích mà việc viết đem lại, còn những gì theo sau đó chỉ là phụ.
Đây cũng là cách mình chọn để nhìn nhận người khác. Mình đánh giá cao sự nỗ lực, dù cho có thể cuối cùng người đó không tạo ra được một kết quả như ý, nhưng sự nỗ lực mới là thứ đáng trân trọng. Mình cũng chẳng thèm để ý tới những người có rất nhiều thành tựu nhưng phía sau đó là những động cơ không ra gì hoặc thiếu chắc chắn.
Một người thành công thì có thể là "một người nỗ lực + may mắn" hoặc "một kẻ không ra gì + may mắn". Còn một người nỗ lực thì có thể thành công, có thể không, nhưng dù sao đó vẫn là một người luôn nỗ lực.
Do đó đầu năm nay mình chẳng mong làm được điều gì lớn lao, chỉ mong có thể làm được những điều chắc chắn để dần dần xây dựng chính mình.
Hành động tạo thói quen, thói quen tạo nên tính cách và tính cách định hình con người bạn. Chứ không phải ngược lại.
Lại self-help rồi đấy.
Nhưng mà, chúc may mắn nhé, bạn tôi.
Tôi chỉ viết được vài dòng thế thôi, còn đâu là do bạn tất.

Ảnh: Shutterstock.
Góc tri ân tác giả: ủng hộ qua ví momo 0912684840