Thương mến gửi Rosaria,
Có dạo, một người bạn hỏi ý kiến tôi về câu chuyện của Sisyphus. Trong thần thoại Hy Lạp, các vị thần đày đọa Sisyphus trong một vòng lặp vô hạn. Anh buộc phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi để rồi nhìn nó lăn xuống chân núi suốt đời. Bạn tôi rất Camus, hỏi rằng đời người há chẳng vô nghĩa lắm sao? Con người cho dù thông minh, tài giỏi, nhà mặt phố bố làm to đến đâu đều độc một chấm nhỏ trong vũ trụ toàn tri; lay lắt trước bàn tay cái chết. Tôi bảo, bi kịch hay hài kịch chỉ cách nhau một điệu cười mỉa thôi bạn ơi, và cái chết là một quản sinh nghiêm khắc, nhắc nhở ta về những bài kiểm tra tốt nghiệp với đáp án bỏ trống. Chừng nào thịt chó mắm tôm còn hợp pháp, thơ ca sống mãi, Winrar vẫn cho tôi xài chùa hàng năm; tôi nguyện đẩy đá tảng lên xuống đến mãn kiếp.
Vục mặt đẩy đá bở hơi tai, đầu óc nảy số liên tục một câu hỏi hôm nay ăn gì, tôi chẳng còn tâm trí để nhìn cảnh vật xung quanh, để cảm thấy. Ở lưng chừng dốc đứng, tôi vặn cổ sang ngang cho đỡ mỏi, rồi chợt thấy một cô gái đang ngồi đọc sách dửng dưng, mặc kệ từng cơn gió nóng phả vào thinh không cùng bụi mịn.

"Tôi mong em để ý, khi tôi không ở bên", tôi thì thầm rồi mặc kệ tảng đá rơi xuống vực, tôi tiến lại gần với một ý định dường như đã tỏ tường từ trước. "Rosaria, còn anh?", em nở nụ cười tươi bắt lấy tay tôi, tôi gãi đầu bẽn lẽn chỉ nói mỗi chữ "chào". Rosaria mặc chiếc váy trắng, đầu đội vòng hoa; tôi chẳng thể rời khỏi đôi mắt to tròn nếu không vì cặp sừng hươu trên đầu em. Đôi sừng thon dài, mỗi chiếc chẻ thành 2 nhánh nhỏ với kích thước đều nhau, được đặt để như cách chúng nên xuất hiện. Bên dưới đôi chân trần phóng khoáng, một chú chó xúc xích nằm ngủ như thể mọi giấc mộng trong vũ trụ đang diễn ra bên trong bộ lông mượt mà kia. 
"Hôm nay anh thế nào?", Rosaria nhoẻn miệng cười lần nữa. Như mọi tô hủ tiếu gõ 30k với chả cùng thớ thịt theo mỏng tang gió thổi bay, mối quan hệ giữa tôi và Rosaria bắt đầu từ đó.
Tôi gặp Rosaria hầu như mọi ngày. Em mời tôi vào khu vườn khuất nắng hè, khuất cả những suy nghĩ cuộn quay. Chúng tôi kể cho nhau nghe về những chuyện nhỏ chuyện to, chuyện tào lao, chuyện trên mây, chuyện thủ thỉ hay chuyện phát thanh đầu phố; những định lý ngang trái chẳng thể chứng minh hay suy nghĩ bộc trực bất thình lình.
 

Có lúc, chúng tôi trao nhau những cuốn sách sờn gáy, trang sách hơi nhàu vì lật dở nhiều lần. Em bảo em thích sở hữu những cuốn sách như thế, "Cuốn sách đã dùng chứa cả những trăn trở của người đọc", Rosaria thích thú. Tủ sách nhà em chứa mọi thể loại tả pí lù; những quyển sách đa cấp xen kẽ những pho truyện chưởng Kim Dung, đủ loại tiểu thuyết diễm tình sánh vai cùng những cuốn sách huyền thuật dày cộm gáy nát, lông vũ và thảo mộc. "Khách ghé thăm tặng cả sách quý cho em đấy", Rosaria giải thích trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi.
Em yêu tình ca Pháp, city pop Nhật và cả những bản alternative rock mà tôi thuở còn emo luôn mở to mỗi bận quẹt Tinder. Tôi chẳng muốn em biết về khoảng thời gian tôi emo rầu rĩ, từng nghĩ rằng bản thân chẳng hề xứng đáng với tình yêu, ở mọi dạng thức của nó. Thế mà, em đã nhận ra. Một lần, em bắt gặp tôi lẩm nhẩm.
"You're aching, You're breaking
And I can see the pain in your eyes
Says everybody's changing
And I don't know why" - Everybody's changing - Keane.
"Anh có muốn kể về chuyện đó không?", em gợi hỏi. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng chỉ cần im lặng lơ đãng thì em sẽ không hỏi nữa. Vài phút trôi qua, em vẫn ngồi nguyên tư thế ấy cùng ánh nhìn mong mỏi, đặt một tay lên vai tôi và thế là tôi đầu hàng. Tôi kể cho Rosaria nghe về khoảng thời gian tôi nóng lòng chạy đuổi yêu thương. Tôi dùng Tinder như thể bản thân sợ bị bỏ lại phía sau bởi cuộc đua chạy tìm oxytocine. Bất chấp mảnh vá chằng chịt trong tim, tôi lao đầu vào những mối quan hệ không đầu cuối. Những mối quan hệ thượng tôn tình dục, được tôi dán cho cái mác trải nghiệm tuổi trẻ. Cái tôi edgy không ngừng chứng tỏ sự sầu muộn cần thiết, hợp thời trong xã hội quẹt phải; tôi bỏ mặc trái tim ráo cạn cảm xúc và mục ruỗng dần đều.

Em gật đầu, không nói gì và mỉm cười, đưa tôi một ly matcha mát lạnh. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ thổ lộ rằng tôi yêu em, vào mùa trăng non sắp tới. Nhưng yêu em lúc này, tôi phải độc chiếm lấy em. Tôi chưa từng biết yêu là gì, có thể tình yêu thực sự là một buổi chiều đầy gió và mây, tôi trúng gió nằm lăn ra rồi rơi vào vòng tay em. Nhưng, tôi nhận ra em chẳng thể của riêng tôi được. Tình yêu không phải chiếc hộp đầy, ta cố nhồi nhét cảm xúc vào đó và gọi đó chính là tình yêu; tình yêu giãn nở, tình yêu phát triển theo bất kì chiều kích nào loài người có thể trải nghiệm, tình yêu chỉ có thể nở rộng chứ không hề và không nên thu hẹp đi. Rosaria không thuộc về bất kì ai cả, em tồn tại độc lập giữa tình yêu thương của lữ khách qua đường.
Thời gian không thèm chờ đến khi giàn hoa giấy nở hoa. "Anh có người yêu rồi đấy", tôi hét to vào mặt Rosaria. Một mối quan hệ tôi không bao giờ nghĩ rằng bản thân sẽ gặp phải, cảm xúc tôi vang dội thổn thức theo từng nhịp thở. Ngày em ấy nói lời đồng ý, tôi đầu hàng trước tiếng gọi tình yêu, thế là chẳng còn mâm thịt chó nào làm tôi hạnh phúc tột cùng như giọng nói người yêu nữa. "Sẽ khó khăn lắm đấy", Rosaria kiên nhẫn sau khi đón nhận loạt xúc cảm bùng phát của tôi, về mối quan hệ cách nhau một nghìn cây số. Tôi biết, nhưng tôi lúc ấy bỏ lơ mọi dự cảm, cắm cúi vào một bài học về sự đổ vỡ chực chờ sắp tới. Yêu, chỉ là yêu thôi mà.

Sau mọi nhọc nhằn đứt gãy, tôi quay lại với tảng đá số phận, xoay vần nó lên đỉnh núi để rồi nhìn nó rơi xuống như đã định sẵn. Tôi lại tìm tới Rosaria với một con tim đầy sẹo. Khác hẳn mọi lần, tôi có thể khóc với em, tôi không nên kìm giữ cơn sóng cảm xúc này nữa, thái dương tôi đau lắm rồi. Vì sao những dấu hiệu tươi đẹp đều chạm phải ngõ cụt như thế? Vì sao chúng ta bắt đầu bằng tình yêu, duy trì bởi cơn giận và kết thúc ở những cơn tiếc nuối trượt dài? Vì sao chúng ta mãi không còn là con người trước đó?
"Em không biết tất cả điều đó đâu, em chỉ luôn biết một điều ta thay đổi theo từng mili giây, những mảng da tróc, tóc rụng, ta thay đổi theo cấp độ tế bào". Rosaria đặt tay lên vai tôi và rồi nỗi đau sẽ nuôi nấng nỗi đau, cho đến khi trái tim chai lì của tôi được tưới tắm.
Chúng tôi ngồi cạnh nhau xem cùng một bộ phim. Không còn là Eternal Sunshine of Spotless Mind nữa, tôi chọn Closer. Tác phẩm của đạo diễn Mike Nichols miêu tả tình yêu với mọi sự phức tạp và đơn giản của chính nó. Tình yêu đơn giản khi những sự rung động bởi hợp chất sinh hóa đem hai con người đến với nhau và tan vào nhau. Tình yêu phức tạp khi được đặt trong một hình thái đan xen giữa các mối quan hệ nhập nhằng, hay là những trách nhiệm kèm theo; tình yêu cứ thế trở thành một dạng kiến trúc đa tầng mà ai lạc vào chẳng thể thoát ra. Kết thúc Closer, Rosaria nhìn tôi bằng một ánh mắt nương náu, em chực khóc. Tôi nắm lấy tay em và nghĩ thầm dòng thời gian trong tình yêu thật vô nghĩa. Chỉ cần một khoảnh khắc, ta chấp nhận và đầu hàng trước dòng chảy, để mặc cho tình yêu dẫn lối. Ta nhận biết rằng ta cần phản kháng, tự do ý chí kêu gào nổi loạn lật đổ tên bạo chúa dắt mũi, nhân danh tình yêu. Nhưng, đó là tình yêu mà, rồi sao nữa?

Khoảng thời gian này, tôi và Rosaria trao nhau nhiều cuộc (tự) đối thoại. Em hỏi tôi về sự sống đáng giá bao nhiêu, tôi bảo bằng 5 tô hủ tiếu. Em lại hỏi tôi rằng vì sao con cá biết bơi, con chim biết hót, con chó biết sủa và con người biết khổ đau; tôi nói đó là sự tất yếu của cuộc sống, đói thì ăn, đau thì phải kêu la và cái chết để biết rằng bản thân còn cảm thấy. Thế rồi, tôi hỏi em về những dự cảm, chúng tới với tôi kèm theo sự rời đi của những cơn đau xưa cũ. Tôi cảm thấy em sẽ rời đi, Rosaria rồi sẽ không ở đó nữa, ở lưng chừng dốc núi.
"Anh đoán xem, chẳng điều gì tồn tại mãi", vẫn nụ cười nhẹ nhàng, em nói với tôi. "Tại sao thế em?", tôi thổn thức như thể đã lặp lại hàng vạn lần, trong vô số thế giới song song khác. Rosaria không nói gì thêm và tôi buộc phải tìm cho mình một câu trả lời tường minh hay đó chính là bóng đêm bên trong tôi, sợ hãi rúm ró vì chẳng thể thay đổi kết quả tất yếu.
Tôi tìm tới Shuji Terayama, lần này tôi xem phim một mình. Tôi chọn xem Chết trên quê hương, một hợp tuyển những giấc mơ phá vỡ bức tường thứ 4 của vị đạo diễn. Bộ phim miêu tả những ẩn khuất thuở ấu thơ, sự mất kết nối với đứa trẻ bên trong buộc Shuji tìm về ngôi làng xưa cũ và đối diện với bản thể thuở nhỏ của chính ông. 
Trong khi Ajedrando Jodorowsky thử nghiệm những giấc mơ to lớn về sự móc mỉa chính trị hay thách thức các thế lực tôn giáo; Shuji Terayama vẽ nên một bức tranh rất gần gũi với văn hóa bản địa Nhật Bản đan xen ẩn ức tình dục. Ông muốn đưa những hình ảnh đó vượt xa những trải nghiệm màn ảnh, đến với đời thực, hoặc chúng vốn dĩ tồn tại ở nơi đây. Và Shuji Terayama thực sự cho tôi một câu trả lời. Trong bộ phim có một câu chuyện về người mẹ cố gắng kiềm giữ cậu con trai, không cho cậu rời xa khỏi mình. Ngôi nhà của họ chỉ sở hữu một chiếc đồng hồ cũ kĩ đã sửa đi sửa lại vô số lần. Một hôm, cậu trai xin mẹ tiền để mua một chiếc đồng hồ đeo tay cho bằng bạn bằng bè. Nhưng, mẹ cậu phản ứng cực kì gay gắt, bà cho rằng thời gian chỉ được giữ ở trong ngôi nhà này, cậu không được phép mang đi bên người. Ham muốn chiếm giữ, kiểm soát không chỉ là đứa con của mình mà cả dòng thời gian bộc lộ rõ rệt lên hành động của người mẹ. Tuy nhiên, khái niệm về thời gian có thể không phải là những điều chúng ta đã được dạy, thời gian chẳng khác gì những hạt cát, càng nắm chặt chúng càng chảy nhanh hơn. Và rồi, cậu bé cũng bỏ mẹ mà đi.
Có thể, tôi không nên tìm cho mình một câu trả lời chi tiết, có thể không nên có một câu trả lời như thế. Mọi sự đến và đi như cách guồng quay sự sống vận hành. Em, Rosaria đã hoàn thành bài học của mình, sự ra đi của em đưa tôi vào những bài học mới. Lần này, tôi phải học khi không có em. Đây không phải là một lời từ biệt, đây chỉ là một lời tự thú không nề hà tự vệ. Về việc, Rosaria em có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời tôi. Tôi tin rằng những dòng chảy sẽ đưa ta về với nhau và em không còn là Rosaria xưa cũ tôi từng biết. Bây giờ, tôi chỉ mong ngóng đến tương lai để còn bẽn lẽn gãi cổ chào em lần thứ hai. Xin chào em.

Nguồn ảnh: https://www.facebook.com/Rosaria-Books-Coffee-2156266411290583