Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:


Bài này mình chỉ tập trung đề cập tới chiến dịch Linebacker II và cuộc đàm phán dài nhất lịch sử dẫn tới Hiệp định Paris 1973, có gì thiếu sót mong mọi người bổ sung thêm.

Từ chiến dịch Linebacker II . . .

Giáng sinh năm 1972, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn khác ở miền Bắc hứng chịu đợt bom dữ dội suốt 12 ngày đêm (18 - 30/12) trong một nỗ lực của chính quyền Nixon nhằm đe dọa và buộc chính quyền miền Bắc quay trở lại bàn đàm phán kết thúc chiến tranh.

Theo ước tính từ History.com, ít nhất 20.000 tấn bom đã được trút xuống miền Bắc Việt Nam, khiến 1,318 dân thường thiệt mạng, đường xá, cầu cống, bệnh viện bị phá hủy nghiêm trọng. Ở chiều ngược lại, tổng cộng 15 máy bay B-52, trong tổng số 26 máy bay của Mỹ đã bị bắn rơi (con số do Việt Nam đưa ra là 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F-111 và 42 máy bay chiến thuật khác). Sự chênh lệch này là tương đối dễ hiểu vì bên nào cũng có xu hướng cung cấp con số có lợi cho mình.

Điều tương tự xảy ra với nhận định của cả Bắc Việt và Mỹ khi nói về kết quả của 12 ngày đêm không ngủ này. Cả 2 bên đều nhận định đây là một chiến dịch thành công: Mỹ, theo lời Cố vấn quân sự Henry Kissinger, cho rằng Linebacker II đã khiến chế độ cộng sản ở Bắc Việt phải "quỳ gối", đẩy họ vào thế phải nối lại đàm phán; Bắc Việt lại cho rằng 12 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đã thành công trong việc buộc Mỹ phải nhượng bộ các điều khoản đàm phán có lợi và dần rút quân khỏi Việt Nam, hoàn thành bước 1 "đánh cho Mỹ cút" trước khi hoàn thành bước 2 "đánh cho Ngụy nhào" năm 1975.

44 năm sau, hãy cùng nhìn lại những hình ảnh mùa Giáng sinh năm 1972 để thấy được sự khốc liệt của chiến tranh trước khi tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân dẫn đến chiến dịch này của Mỹ thông qua câu chuyện về hai nhân vật: Cố vấn Bắc Việt Lê Đức Thọ và Cố vấn Hoa Kỳ Henry Kissinger.



Linebacker II sau đó chịu không ít chỉ trích từ các lực lượng phản chiến ở Mỹ. Họ cho rằng chiến dịch đánh bom răn đe này dù ngoài mặt luôn được tuyên truyền sẽ chỉ tấn công vào các điểm quân sự trọng yếu của chính quyền Bắc Việt nhưng thực tế lại phá hủy đường xá, bệnh viện và tước đi sinh mạng của hơn một ngàn dân thường, đồng thời đẩy hàng ngàn người khác vào thế mất hết nhà cửa, của cải hay thậm chí cả người thân . . .


Tới những cuộc đàm phán bí mật . . .

Bốn năm trước đó (1968), những cuộc đàm phán về vấn đề hòa bình tại Việt Nam bắt đầu được tiến hành với hai nhân vật chính:

Đại diện chính quyền Hoa Kỳ là Cố vấn quân sự, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Henry Kissinger - một học giả người gốc Do Thái, đã từng làm giảng viên tại đại học Harvard danh tiếng, đồng thời là tác giả của hàng loạt đầu sách về chính trị và quan hệ quốc tế. 

Kết quả hình ảnh cho kissinger

Henry Kissinger


Đối thủ của Kissinger, hay đại diện của chính quyền miền Bắc Việt Nam là Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ, dĩ nhiên nhỏ bé và thua kém nhiều về tiếng tăm. Ông Thọ thuộc nhóm 5 người "quyền lực" nhất trong chính quyền Bắc Việt lúc bấy giờ.

Kết quả hình ảnh cho Lê đức thọ

Lê Đức Thọ


Kissinger, với bề dày kinh nghiệm và học thức, được kì vọng sẽ giúp người Mỹ áp đảo và nhanh chóng đạt được những thỏa thuận có lợi. Bản thân Kissinger, theo lời những người tham gia thuật lại, cũng rất tự tin, đôi khi tới mức tự mãn trong các cuộc đàm phán. Thế nhưng thực tế đã không diễn ra dễ dàng như ông tưởng tượng.

Từ năm 1970 tới 1973 đã có tới hàng trăm giờ đàm phán được ghi âm lại giữa hai người đàn ông khác biệt hẳn từ quốc gia, sắc tộc tới hệ tư tưởng. Đó là những giờ phút căng thẳng, cân não, và đã nhiều lần đi vào bế tắc do "không bên nào chịu nhường bên nào". Theo thống kê, từ 1968, đã có tổng cộng 45 cuộc gặp riêng cấp cao bên cạnh 201 phiên họp công khai, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn cho tới khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973. Địa điểm họp cũng được thay đổi rất nhiều để đảm bảo tính bí mật: họ gặp nhau lần đầu ở căn nhà số 11 đường Darthé thuộc Choisy-Le-Roi (Paris), di chuyển qua rất nhiều địa điểm khác ở ngoại ô Paris và gặp riêng những lần cuối cùng ở  Saint Nom la Breteche. 

Bản thân việc quyết định chọn Paris làm điểm đàm phán cũng phải mất rất nhiều thời gian để đi tới thống nhất. Ban đầu, Washington đề xuất Geneva (Thụy Sĩ) còn Hà Nội đề xuất Phnom Pênh. Washington ko chịu, lại đề xuất New Delhi, Jakarta, Vientiane và Ragoon trong khi Hà Nội chọn Warsaw. Washington tiếp tục không đồng ý, đồng thời đưa ra một danh sách dài (Colombo, Kathmandu, Kuala Lumpur, Kabul, Tokyo, Helsinki, Rome…), trước khi Hà Nội chọn Paris vào 2/5/1968. Hai bên thậm chí còn tiếp tục tranh cãi về . . . hình dáng cái bàn họp trong vòng vài tháng tiếp theo, để rồi tới 15/1/1969 mới thống nhất sử dụng "kiểu bàn do Liên Xô đề xuất: Chiếc bàn tròn cho 4 bên tham gia đàm phán, cùng hai bàn chữ nhật đặt cách bàn tròn 0,45m ở vị trí đối diện làm chỗ ngồi cho thư ký; trên bàn tròn không có cờ và biển." (theo Dân trí).

Đã có nhiều thời điểm, cuộc họp có thêm sự tham gia của 2 bên khác - Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm đại diện và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa của tướng Nguyễn Văn Thiệu. Chính sự tham gia của các bên này khiến cho những cuộc đàm phán bí mật càng ngày càng căng thẳng và đi vào ngõ cụt. Tướng Thiệu thì không công nhận quyền chính trị của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và cầu viện sự trợ giúp từ Mỹ để đạt được những điều khoản có lợi với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, trong khi bà Nguyễn Thị Bình yêu cầu tướng Thiệu từ chức và chính quyền Sài Gòn chấm dứt chiến tranh, trả tự do tù nhân chính trị, hủy bỏ chính sách bình định… Hiển nhiên, không bên nào chịu nhường bên nào, gián tiếp khiến cho Nixon và Kissinger quyết định dội bom miền Bắc trong sự kiện đã được đề cập ở phần đầu bài viết. Trong cuộc gặp cuối cùng trước Giáng Sinh 1972, Kissinger thậm chí đã chúc Cố vấn Lê Đức Thọ một kỳ nghỉ lễ . . . vui vẻ.

Kissinger có lẽ không ngờ đối thủ trên bàn đàm phán với mình lại "cứng" như vậy. Mãi tới hơn 10 năm sau, trong một dịp đối thoại lại trong chương trình Nightline của đài ABC, ông vẫn tỏ rõ sự hằn học khi cáo buộc lãnh đạo Bắc Việt chơi đòn tâm lý, câu giờ, lợi dụng sự chia rẽ của nội bộ nước Mỹ và báo chí Mỹ để gây sức ép lên chính phủ Hoa Kỳ nhằm đạt được những điều khoản có lợi trong Hiệp định Paris. Tuy nhiên, Kissinger vẫn buộc phải thừa nhận sự dũng cảm và nhất quán của Cố vấn Lê Đức Thọ. Ở chiều ngược lại, ông Thọ cáo buộc Kissinger dối trá và xuyên tạc sự thật về việc chính quyền Bắc Việt vi phạm các điều khoản của Hiệp định đã được kí kết. Ông thậm chí đã viết trong hồi ký của mình: "Nếu như không xuyên tạc sự thật, ông ta đã không phải là Kissinger."

Một cuộc chiến kéo dài, cân não, mang ý nghĩa quan trọng và để lại dư âm lâu dài không chỉ với những người tham gia . . . 

Nếu có thời gian và cảm thấy hứng thú, các bạn nên xem thêm phim tài liệu này, thực sự rất hay:


Và giải Nobel vì Hòa Bình gây nhiều tranh cãi . . .

Sau Hiệp định Paris 1973, cả cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger được trao giải Nobel vì Hòa Bình vì đã đạt thỏa thuận ngừng bắn, tạo điều kiện rút quân Mỹ khỏi Việt Nam và tạo tiền đề cho kết thúc của cuộc chiến tranh đã tiêu tốn nhiều giấy mực báo chí quốc tế.

Trước cơ hội trở thành người Việt đầu tiên và duy nhất đạt giải Nobel, ông Thọ đã thẳng thừng từ chối vì lý do ở Việt Nam chưa có hòa bình thực sự. Ông giữ im lặng, không giải thích thêm về quyết định này cho tới 20 năm sau, khi chính ông tiết lộ lý do chính xác trong bộ phim "From Hollywood to Hanoi": "Họ trao giải cho cả người gây chiến tranh lẫn người đem lại hòa bình. Sự lẫn lộn đó khiến bác không thể nhận giải thưởng Nobel được."

Clip phỏng vấn:

Về phía Mỹ, giải Nobel vì Hòa bình được Nhà Trắng đón nhận với một tâm thế trái ngược. Kissinger rất vui vẻ khi biết tin, trong khi Tổng thống Nixon thậm chí còn phát biểu cho rằng giải thưởng này là "sự tưởng thưởng xứng đáng cho nghệ thuật đàm phán của người Mỹ trong công cuộc chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình ở Việt Nam".

Niềm vui đó không tồn tại được lâu vì truyền thông Mỹ hiển nhiên không đồng cảm với Nixon và Kissinger. Tờ New York Times gọi giải thưởng Nobel năm đó là "Nobel vì Chiến tranh". Tờ Washington thì cho rằng "người Na Uy thực sự rất có khiếu hài hước" (Hội đồng xét giải Nobel là người Na Uy). Diễn viên hài nổi tiếng chuyên châm biếm chính trị Tom Lehrer thậm chí đã phát biểu: "Châm biếm chính trị đã trở nên lỗi thời kể từ khi Henry Kissinger được trao giải Nobel vì Hòa bình". Không chỉ dừng lại ở giới truyền thông Mỹ, sự phản đối còn được thể hiện mạnh mẽ hơn khi hai thành viên Hội đồng xét duyệt giải Nobel đã lập tức xin từ chức.

Kissinger sau đó không tới dự buổi trao giải tại Oslo vì lo lắng sẽ trở thành mục tiêu đả kích của các nhóm biểu tình phản chiến. Năm 1975, khi chính quyền Sài Gòn thất thủ, ông để nghị trao trả lại kỷ niệm chương nhưng không được Hội đồng Nobel chấp nhận.



Nguồn tham khảo:

History.com

BBC

VnExpress

Time

Nobelprize.org

Dân Trí

Wikipedia

Los Angeles Times

New York Times