Lợi ích của một bộ não song ngữ
Lược dịch từ bài The Benefits of a Bilingual Brain của tác giả Mia Nacamulli trên TED - Ed. Cảm ơn mọi người đã theo dõi ! ...
Lược dịch từ bài The Benefits of a Bilingual Brain của tác giả Mia Nacamulli trên TED - Ed.
Cảm ơn mọi người đã theo dõi !
" Hablas español ? Parlez- Vous Francais ? 你会说中文吗? ( Nǐ hùi shuō zhōngwén ma) ? Nếu bạn trả lời " Sí ", " Oui " hoặc 会 (Huì) và bạn đang đọc cái này bằng tiếng Việt thì khả năng lớn là bạn thuộc về thế giới song ngữ hoặc đa ngôn ngữ rồi đấy !
Bên cạnh lợi ích của việc có thể xõa thoải mái trong những chuyến du lịch hoặc xem phim mà không cần phụ đề thì việc biết hai hoặc nhiều ngôn ngữ thực tế là sẽ khiến não của bạn thực sự nhìn và làm việc khác hoàn toàn so với những người đang sử dụng một ngôn ngữ.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là Việc biết một ngôn ngữ mới thật sự có ý nghĩa gì ?
Khả năng ngôn ngữ về cơ bản sẽ được chia ra làm 2 phần :
Phần Chủ động : Nói và viết
Phần bị động : Nghe và đọc
Trong khi một người có khả năng ngôn ngữ cân bằng thường có thể cân bằng giữa mọi khía cạnh của hai ngôn ngữ thì hầu hết những người đa ngôn ngữ trên khắp thế giới biết và sử dụng ngôn ngữ theo nhiều mức độ khác nhau, phụ thuộc vào từng tình huống và cách họ học được mỗi ngôn ngữ.
Họ có thể được chia ra làm 3 kiểu điển hình.
Hãy lấy ví dụ về Gabriella. Gia đình cô bé nhập cư đến Mỹ lúc cổ mới có hai tuổi.
Là một người song ngữ phức hợp, Gabriella đồng thời phát triển cả hai ngôn ngữ gần như cùng một lúc với một khái niệm giống nhau trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Tây Ban Nha. Trong khi cô bé bắt đầu quá trình khám phá thế giới xung quanh
Anh trai ở tuổi thiếu niên của cô bé thì lại thuộc kiểu song ngữ ngang hàng, làm việc với hai bộ khái niệm. Học tiếng Anh ở trường trong khi tiếp tục nói chuyện với bạn bè và gia đình bằng tiếng Tây Ban Nha khi ở nhà.
Cuối cùng bố mẹ Gabriella lại thuộc kiểu song ngữ thứ cấp. Họ học ngôn ngữ thứ hai bằng việc lọc ngôn ngữ đó thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Bởi vì tất cả các kiểu người song ngữ hoàn toàn có thể thành thạo một ngôn ngữ bất kể giọng nói hay cách phát âm.
Sự khác biệt này có thể khó nhận ra được rõ ràng khi quan sát từ bên ngoài. Nhưng những tiến bộ công nghệ gần đây trong việc nghiên cứu não bộ đã giúp các nhà thần kinh học đưa ra cái nhìn khách quan hơn về tác động của việc học ngôn ngữ mới đối với bộ não của chúng ta.
Thông thường bán cầu não trái sẽ trội hơn trong tư duy phân tích logic, trong khi đó bán cầu não phải lại thiên về tư duy cảm xúc và xã hội. Mặc dù đây không phải là sự phân chia tuyệt đối.
Thực tế ngôn ngữ bao gồm cả hai kiểu chức năng trong khi sự phân cấp não bộ phát triển dần dần theo độ tuổi, điều này dẫn tới giả thuyết “ Giai đoạn quan trọng ”.
Theo giả thuyết này thì trẻ em có vẻ như học ngoại ngữ dễ dàng hơn bởi vì tính linh hoạt, mềm dẻo của bộ não trong độ tuổi này cho phép chúng sử dụng cả hai bán cầu não trong việc tiếp thu một ngôn ngữ mới. Trong khi với người lớn ngôn ngữ được phân cấp về một bên bán cầu não, thường là bên trái.
Nếu điều này là thật thì việc học ngôn ngữ ngay khi còn bé sẽ giúp bộ não nắm bắt được toàn diện bối cảnh xã hội lẫn tính cảm xúc trong ngôn ngữ đó.
Ngược lại với những người học ngôn ngữ mới khi trưởng thành họ sẽ ít bị phụ thuộc vào cảm xúc mà thay vào đó là cách tiếp cận thiên về lí trí hơn khi đối mặt với một vấn đề bất kì trong ngôn ngữ thứ hai so với là tiếng mẹ đẻ của họ.
Nhưng bất kể học ngôn ngữ mới vào thời điểm nào thì việc biết nhiều ngôn ngữ sẽ cho phép bộ não của bạn đạt được những lợi ích rõ rệt.
Một vài lợi ích trong số đó thậm chí có thể nhìn bằng mắt thường được.
Ví dụ như mật độ chất xám cao trong não bao gồm các tế bào và các khớp thần kinh. Bên cạnh đó các bộ phận của não ở vùng này hoạt động mạnh hơn khi sử dụng ngôn ngữ thứ hai.
Một bộ não song ngữ được tập gym liên tục trong suốt cuộc đời như vậy sẽ giúp làm chậm nguy cơ mắc các bệnh như Alzheimer và chứng mất trí nhớ lên tới 5 năm.
Các lợi ích của một bộ não song ngữ dường như đã được phổ biến khá rộng rãi ngày nay, nhưng lại là điều đáng ngạc nhiên đối với những chuyên gia thời kì trước.
Trở lại trước những năm 1960, song ngữ bị coi như là một sự bất lợi làm chậm sự phát triển của trẻ em. Khi mà bắt chúng phải sử dụng quá nhiều công sức để phân biệt giữa hai ngôn ngữ. Đây là một quan điểm dựa trên những nghiên cứu sai lầm.
Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng tuy thời gian phản ứng và các lỗi mắc phải của một vài học sinh song ngữ có tăng lên trong quá trình làm các bài kiểm tra chéo ngôn ngữ, nhưng bên cạnh đó cũng chỉ ra rằng sự tập trung và nỗ lực cần thiết để chuyển đổi giữa hai ngôn ngữ sẽ kích hoạt nhiều hoạt động trong não hơn do đó có khả năng giúp củng cố vùng vỏ não tiền trán vùng lưng bên.
Đây là một bộ phận của não bộ đóng nhiều vai trò lớn trong việc thực hiện chức năng: Giải quyết vấn đề, chuyển đổi giữa các nhiệm vụ và loại bỏ những thông tin không liên quan trong lúc đang tập trung.
Kết luận lại thì việc biết hai thứ tiếng có thể không giúp bạn trở nên thông minh hơn nhưng nó sẽ giúp bộ não trở nên khỏe mạnh, phức tạp và chủ động hơn.
Và nếu như bạn không có may mắn để học một ngôn ngữ mới lúc còn bé, thì đừng buồn, chẳng bao giờ là quá muộn để tặng cho chính mình một đặc ân.
Đó là việc thực hiện bước nhảy vọt ngôn ngữ từ Hello sang Hola, Bonjour hoặc 你好(Nǐ hǎo).
Bởi vì với bộ não, một chút luyện tập nhỏ có thể tạo ra những thay đổi lớn."
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất