Lời người dịch:
Bài viết này có 11 ngàn 800 từ, và tôi đã dành khoảng 2 ngày để dịch từ bản gốc. Lý do? Tôi nghĩ rằng nó xứng đáng 49 phút đọc của bạn. Trong suốt quá trình dịch nó, tôi đã luôn tự hỏi: Tại sao một câu chuyện như thế này có thể tồn tại được ngay giữa thế kỷ 21, ngay bên cạnh những con người văn minh hiện đại là chúng ta? Tại sao một người có thể cam chịu kiếp sống nô lệ không có ước mơ, không mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình, không đòi hỏi bất cứ thứ vật chất nào?
Hy vọng rằng sau khi kiên nhẫn đọc hết bài, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời, giống như tôi. Và cũng hy vọng chúng ta sẽ học cách yêu thương nhiều hơn, giống như tác giả. 
Bài viết gốc được đăng trên The Atlantic của Alex Tizon, một nhà báo từng đạt giải Pulitzer và là tác giả cuốn sách Big Little Man: In Search of My Asian Self (Người đàn ông lớn nhỏ bé: Đi tìm con người châu Á của tôi). Ông vừa mới qua đời vào tháng Ba vừa qua. 
***
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

"Nô lệ" là từ chính xác nhất để mô tả cả cuộc đời bà, người phụ nữ đã sống với gia đình tôi trong vòng 56 năm, nuôi dạy tôi và anh chị em của tôi mà không có bất kỳ một đồng thù lao nào.

Đó là chiếc hộp nhựa màu đen có kích cỡ khoảng bằng chiếc lò nướng với đầy tro ở bên trong. Nó nặng khoảng 1,6 kg. Tôi đặt nó vào trong một chiếc túi lót vải và đóng vào vali của mình cho chuyến hành trình vượt đại dương tới Manila. Lúc đó là tháng 7. Từ Manila tôi đã đi ô tô tới một ngôi làng ở miền quê, nơi tôi trao lại tất cả những gì còn sót lại của một người phụ nữ - người đã dành 56 năm làm nô lệ cho gia đình tôi.
Tên bà là Eudocia Tomas Pulido. Chúng tôi gọi là bà Lola. Những ký ức đầu tiên của tôi về bà là dáng hình cao chưa đầy một mét rưỡi, với nước da nâu màu cafe và đôi mắt màu hạt điều. Lola mới chỉ 18 tuổi khi ông ngoại tôi tặng bà cho mẹ tôi như một món quà, và khi gia đình tôi chuyển tới Mỹ, chúng tôi đưa bà đi theo. Nô lệ là từ chính xác nhất để mô tả cả cuộc đời bà. Một ngày của Lola bắt đầu khi tất cả mọi người trong gia đình còn chưa thức dậy, và chỉ kết thúc khi tất cả đã chìm vào giấc ngủ. Bà nấu nướng ba bữa ăn mỗi ngày, dọn dẹp nhà cửa, làm tất cả những gì bố mẹ tôi yêu cầu, và chăm sóc tôi cùng bốn anh chị em của tôi. Bố mẹ tôi chưa bao giờ trả công, thậm chí còn liên tục mắng nhiếc bà. Bà không bị xích chân, nhưng cuộc sống của bà cũng chẳng khác một người bị xiềng xích là bao. Rất nhiều đêm khi tỉnh dậy đi vệ sinh, tôi thấy bà đang ngủ ở góc nhà, gục đầu trên một đống quần áo, tay vẫn còn giữ chặt miếng đồ đang gấp dở.
Lola
Đối với những người hàng xóm, chúng tôi là một gia đình nhập cư kiểu mẫu. Bố tôi có bằng luật, mẹ tôi chuẩn bị trở thành bác sĩ, chúng tôi thường đạt điểm cao trong ở lớp và luôn luôn lễ phép. Chúng tôi không bao giờ nói về Lola với bất kỳ ai. Bí mật của gia đình ngấm sâu vào con người chúng tôi.
Khi mẹ tôi qua đời vì bệnh bạch cầu năm 1999, Lola tới sống cùng tôi ở một thị trấn nhỏ phía Bắc Seattle. Tôi có một gia đình, một công việc, một ngôi nhà ở ngoại ô - một giấc mơ Mỹ điển hình. Và, tôi còn có một người nô lệ.
***
Sáng sớm hôm sau tôi tìm được một người lái xe, một người đàn ông trung niên nhã nhặn với biệt danh là “Doods”, và rồi chúng tôi lên đường bằng xe tải của ông, len lỏi qua dòng xe cộ. Cảnh vật nơi này luôn luôn khiến tôi kinh ngạc: những chiếc ô tô, xe máy và xe jeepney nhiều không đếm xuể (jeepney là một loại xe chở khách được sửa lại từ xe quân đội cũ); đoàn người len lỏi giữa những hàng xe cộ và đi lại trên bờ của dòng sông nâu; những người bán hàng rong đi chân đất đuổi theo những xe ô tô để bán thuốc lá, kẹo ngậm và lạc luộc đóng gói; những đứa trẻ ăn xin đang áp mặt chúng vào cửa kính…
Doods và tôi đi về nơi mà câu chuyện của Lola bắt đầu, ở phía bắc của vùng đồng bằng trung du: tỉnh Tarlac. Nơi đây - một quốc gia trồng lúa nước - là quê hương của ông ngoại tôi Tomas Asuncion, một trung uý quân đội nghiện xì gà. Những câu chuyện gia đình đã khắc hoạ hình ảnh của ông trong tôi là một người dữ tợn với những suy nghĩ dị thường và tăm tối, người có rất nhiều đất đai nhưng không có nhiều tiền, và giữ các cô tình nhân ở trong những ngôi nhà khác nhau của mình. Vợ ông - bà ngoại tôi - đã qua đời khi sinh cho ông một đứa con duy nhất, là mẹ tôi. Mẹ đã được nuôi nấng bởi rất nhiều utusans - những người hầu.
Tục sở hữu nô lệ có một lịch sử dài trên những hòn đảo của Philippines. Trước khi người Tây Ban Nha tới đây, những người dân bản địa đã bắt bớ lẫn nhau làm nô lệ, thông qua các cuộc chiến tranh, cướp bóc hoặc đòi nợ. Có rất nhiều kiểu người nô lệ: từ những tù binh chiến tranh, những người có thể giành lại tự do của mình bằng lòng dũng cảm; cho tới những người hầu trong gia đình, những người được coi là của cải và có thể bị mua đi bán lại. Những nô lệ “cấp cao" có thể sở hữu những nô lệ “cấp thấp”, và nô lệ “cấp thấp” lại sở hữu những nô lệ cấp thấp hơn… Một số người chấp nhận chọn thân phận nô lệ đơn giản vì họ muốn sinh tồn: họ sẽ lao động để đổi lấy thức ăn, nơi ở, và sự bảo vệ.
Khi người Tây Ban Nha tới đây vào thế kỷ 16, họ bắt dân bản địa làm nô lệ và sau đó thì mua thêm nô lệ châu Phi và Ấn Độ. Hoàng gia Tây Ban Nha đã dần dần loại bỏ việc sử dụng nô lệ tại mẫu quốc, song những nơi xa xôi tại Philippines thì họ không thể kiểm soát hết được. Truyền thống sử dụng nô lệ vẫn được giữ dưới một hình thức khác, ngay cả sau khi Mỹ kiểm soát đảo quốc này vào năm 1898. Ngày nay thậm chí ngay cả những người nghèo ở đây vẫn có thể có utusans hay katulongs (người giúp việc) hoặc kasambahays (người ở trong nhà), miễn là những người này nghèo hơn gia chủ.
Trung uý Tom - ông ngoại tôi - có tới những ba gia đình utusans sống trên những mảnh đất của ông. Vào mùa xuân năm 1943, khi người Nhật kiểm soát quốc đảo này, ông đã mua về một cô gái từ một ngôi làng ven đường. Cô ấy có họ hàng xa với gia đình. Ông tôi đã nhanh chóng nhìn thấy một món hời - một cô gái không xu dính túi, không được học hành, và dễ bảo. Bố mẹ cô ấy muốn cô cưới một người nông dân nuôi lợn gấp đôi tuổi cô: cô thực sự tuyệt vọng nhưng chẳng có nơi nào để đi cả. Ông tôi đã tiếp cận cô gái với một lời đề nghị: cô sẽ có thức ăn và nơi ở, với điều kiện là cô phải cam kết sẽ chăm sóc đứa con gái 12 tuổi của ông.
Lola Pulido (ảnh trái) là một phụ nữ đến từ miền quê nghèo ở Philippines. Ảnh bên phải là ông ngoại tác giả, người đã "mua" Lola về khi bà mới 18 tuổi.
Lola đồng ý, mà không hề hay biết rằng cô đang trao đổi cả cuộc đời mình.
“Cô ấy là món quà của bố dành tặng con" - Ông ngoại nói với mẹ tôi.
“Con không thích" - Mẹ tôi đáp, nhưng biết mình chẳng có sự lựa chọn nào khác.
Ông ngoại ra trận chiến đấu với quân đội Nhật, để lại mẹ tôi ở nhà cùng với Lola trong ngôi nhà tỉnh lẻ. Lola cho mẹ tôi ăn, chải tóc, và mặc quần áo cho mẹ tôi. Khi ra chợ, Lola mở ô che nắng cho mẹ. Buổi đêm, sau khi đã hoàn thành hết việc nhà - cho chó ăn, quét nhà, giặt giũ, gấp quần áo - bà ngồi bên cạnh giường mẹ tôi và quạt cho mẹ ngủ.
Một ngày ông ngoại Tom trở về từ cuộc chiến, và bắt quả tang mẹ tôi nói dối: bà làm một điều gì đó bí mật với một cậu con trai mà đáng ra bà không được phép nói chuyện cùng. Ông tức giận ra lệnh cho mẹ tôi đứng ra cạnh chiếc bàn. Mẹ co rúm lại sợ hãi cùng với Lola trong góc tường. Rồi bằng một giọng run sợ, mẹ nói với ông ngoại Tom rằng Lola sẽ nhận đòn thay cho bà. Lola nhìn mẹ tôi van lơn, nhưng rồi lầm lũi tiến tới bám tay vào chiếc bàn. Tom rút thắt lưng ra và quất xuống 12 nhát roi, mỗi nhát kèm theo một tiếng gằn giận dữ. Con-Không-Được-Nói-Dối-Ta. Con-Không-Được-Nói-Dối-Ta. Lola câm nín chịu đòn.
Sau này khi miêu tả sự dữ dội của câu chuyện này một cách vui vẻ, mẹ tôi vẫn mang giọng điệu như thể muốn nói “Con có thể tin nổi mẹ đã làm điều đó không?”. Khi tôi đem chuyện đó kể cho Lola, bà lắng nghe chăm chú, mắt nhìn xuống buồn bã, và sau đó bà lại nhìn tôi và nhẹ nhàng nói: “Đúng rồi, mọi chuyện diễn ra như vậy đó".
7 năm sau, vào năm 1950, mẹ tôi cưới bố tôi và chuyển tới Manila sinh sống, đưa Lola đi theo. Tâm hồn bị quỷ ám của ông ngoại Tom đã khiến ông tự kết liễu đời mình vào năm 1951, với một khẩu súng nòng 32 li nhắm thẳng vào thái dương. Mẹ tôi hầu như không bao giờ nói về chuyện đó. Bà thừa hưởng những tính cách của ông ngoại - buồn rầu, độc đoán, với một tâm hồn rạn vỡ luôn giấu kín. Bà cũng thuộc lòng bài học của ông ngoại về cách để trở thành một matrona, một bà chủ: Luôn hiểu rằng mình là người đưa ra mệnh lệnh. Bạn cần luôn nhớ những người nô lệ phải phục tùng mình, mọi lúc, mọi nơi, vì điều đó tốt cho chính họ và cho gia đình bạn. Họ có thể khóc và phàn nàn, nhưng tâm hồn họ sẽ cảm tạ bạn. Họ sẽ yêu thương bạn vì đã giúp đỡ họ hoàn thành đúng thiên chức mà Chúa đã ban cho họ.
Lola năm 27 tuổi, đang bế Arthur - anh trai của tác giả trước khi gia đình họ chuyển tới Mỹ.
Anh trai Arthur của tôi sinh ra vào năm 1951. Tôi là đứa tiếp theo, và sau tôi là ba người khác được sinh liên tục. Bố mẹ tôi kỳ vọng Lola sẽ tận tuỵ chăm sóc chúng tôi như bà đã làm với họ. Khi bà trông nom chúng tôi, bố mẹ tôi đi học và kiếm được bằng cấp cao, gia nhập hàng ngũ của rất nhiều người với học hàm học vị nhưng chẳng có việc làm. Rồi bước ngoặt xảy ra khi bố tôi được mời vào vị trí phân tích tài chính ở Bộ Ngoại giao. Tiền lương chỉ ở mức xoàng, nhưng vị trí này làm việc ở Mỹ - nơi mà cả ông và mẹ tôi đều mơ ước từ khi còn nhỏ, nơi mà có thể sẽ biến những giấc mơ của họ thành sự thực.
Bố được cho phép mang theo gia đình và một người thân. Vì biết rằng cả hai sẽ phải đi làm, bố mẹ tôi cần Lola đi cùng để chăm sóc những đứa trẻ và ngôi nhà. Khi mẹ tôi báo tin cho Lola, bà không nhận lời ngay vì rất tức giận. Nhiều năm sau Lola kể với tôi rằng bà đã rất sợ hãi khi đó. “Nước Mỹ quá xa, và bố mẹ cháu có thể không để bác trở về quê hương nữa".
Cuối cùng Lola cũng đồng ý vì bố tôi đã hứa với bà rằng mọi chuyện sẽ khác khi ở Mỹ. Bố tới nói với bà rằng ngay khi đặt chân tới Mỹ, bố mẹ tôi sẽ trả “lương" cho bà. Lola có thể gửi tiền về cho bố mẹ mình, và họ hàng ở quê. Lola có thể gửi tiền để xây một ngôi nhà kiên cố thay cho chỗ ở tồi tàn hiện tại của bố mẹ bà.
Chúng tôi tới Los Angeles vào ngày 12/5/1964, tất cả đồ đạc được đóng hộp và buộc bằng dây thừng. Lola đã sống cùng với mẹ tôi 21 năm tính đến thời điểm đó. Với tôi, Lola còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với bố hay mẹ. Bà là người đầu tiên tôi nhìn thấy khi thức dậy, cũng là người cuối cùng tôi tạm biệt trước khi đi ngủ. Khi còn nhỏ, tôi đã học cách gọi “Lola" (thực ra là “Oh-ah" thì đúng hơn) trước khi tôi học cách nói “Mẹ” hay “Bố". Khi chập chững biết đi, tôi nhất định không chịu ngủ mà không được Lola ôm, hay ít nhất là ở gần bên cạnh.
Tôi mới được 4 tuổi khi gia đình tôi tới Mỹ, lúc đó tôi còn quá nhỏ để băn khoăn về vai trò của Lola trong gia đình. Việc tôi và anh chị em mình được nuôi dạy ở bên này thế giới giúp chúng tôi có một bước tiến trong nhận thức - điều mà bố mẹ tôi không bao giờ có được, hoặc không bao giờ muốn có.
Bố mẹ tôi đã vay tiền để tới Mỹ, và sau đó phải tiếp tục vay mượn để trang trải cuộc sống ở đây. Bố tôi đã bị điều chuyển từ tổng lãnh sự ở LA về lãnh sự Philippines ở Seattle. Ông được trả mức lương 5,600$ một năm. Ông phải làm thêm một công việc thứ hai là lau dọn toa tàu, và một công việc thứ ba là người đi đòi nợ thuê. Mẹ tôi làm kỹ thuật viên trong một vài phòng nghiên cứu. Chúng tôi hầu như không nhìn thấy họ ở nhà, và khi trở về, họ luôn ở trong trạng thái kiệt sức và cáu bẳn.
Mẹ tôi sẽ về nhà và quở trách Lola vì đã không dọn nhà cẩn thận, hoặc quên không mang thư vào. “Tôi đã nói là bà phải mang thư vào nhà trước khi tôi về cơ mà?” mẹ tôi tức giận nói giọng bản địa. “Nó chẳng phải là một công việc gì khó học cả, một đứa ngốc còn có thể nhớ thưa bà". Tiếp đó tới lượt bố tôi về. Khi bố bắt đầu cất tiếng nói, tất cả mọi người trong gia đình đều co rúm lại. Đôi khi bố mẹ tôi sẽ “song kiếm hợp bích" cho tới khi Lola gục xuống khóc.
Điều khiến tôi băn khoăn là: bố mẹ rất tốt với những đứa trẻ chúng tôi, và chúng tôi cũng yêu họ. Nhưng họ có thể dịu dàng với chúng tôi, và dữ dằn với Lola ngay sau đó. Khi tôi khoảng 11, 12 tuổi, tôi bắt đầu hiểu về tình trạng tồi tệ mà Lola đang phải chịu đựng. Vào thời điểm đó Arthur hơn tôi khoảng 8 tuổi, và anh đã cảm thấy tức giận với điều đó trong một thời gian dài. Anh chính là người đã dạy cho tôi từ “nô lệ", khiến tôi hiểu rằng Lola thực sự là ai. Trước khi anh nói điều đó, tôi chỉ nghĩ rằng Lola là một thành viên không được may mắn trong gia đình. Tôi ghét những lúc bố mẹ tôi quát mắng bà, nhưng trước đó tôi chưa từng nghĩ rằng việc làm của họ là vô đạo đức.
Ảnh trái: Lola cùng với tác giả (bên trái) và các anh chị em. Ảnh phải: tác giả (thứ 2 từ bên trái) cùng với cha mẹ và các anh chị em, và Lola, 5 năm sau khi họ tới Mỹ.
“Em có thấy ai đang bị đối xử giống như bà ấy không? Có ai sống một cuộc sống tệ như vậy không?” - Arthur nói với tôi. Anh tóm tắt lại tình trạng của Lola: Không được trả lương. Làm việc kiệt sức mỗi ngày. Bị mắng xối xả mỗi khi ngồi nghỉ hơi lâu một chút hoặc buồn ngủ sớm một chút. Bị đánh nếu dám cãi lại. Mặc quần áo bỏ đi. Ăn cơm thừa canh cặn. Hầu như không bao giờ ra khỏi nhà. Không có bất kỳ bạn bè hay sở thích nào ở bên ngoài gia đình. Không có một nơi riêng tư nào (thực tế chỗ ngủ của bà ở trong nhà chúng tôi luôn là nơi nào đó còn trống sót lại - trên ghế dài, hoặc một góc trống trong phòng của các chị em tôi. Bà thường ngủ giữa một đống quần áo).
Chúng tôi không thể tìm được một ví dụ tương tự ở nơi nào khác trừ những nhân vật nô lệ trên TV và trong phim ảnh. Tôi nhớ đã xem một bộ phim về miền Tây nước Mỹ tên là The Man Who Shot Liberty Valance (Người đàn ông bắn Liberty Valance). John Wayne thủ vai Tom Doniphon, một chủ trang trại đồng thời là một tay súng cự phách luôn luôn “hét ra lửa" những mệnh lệnh của mình với Pompey, người nô lệ mà anh ta gọi là “cậu bé". Pompey thầm lặng và biết vâng lời gọi ông chủ của mình bằng một giọng tiếng Anh không sõi là “ngài Tom”. Mối quan hệ chủ - tớ của họ khá phức tạp. Tom cấm Pompey đi học, nhưng lại cho phép Pompey được uống rượu trong những quán chỉ dành cho người da trắng. Trong cảnh gần kết bộ phim, Pompey đã cứu ông chủ của mình khỏi chết cháy. Rõ ràng Pompey vừa sợ hãi vừa yêu thương Tom, và đã khóc thương khi Tom chết. Trong bộ phim này, tình chủ - tớ rõ ràng chỉ là phông nền cho cuộc đối đầu giữa Tom và tên ác nhân Liberty Valance, nhưng tôi không thể dời mắt khỏi Pompey. Tôi vẫn nhớ mình đã luôn liên hệ Lola với Pompey, Pompey với Lola.
Một ngày khi bố tôi phát hiện ra Ling - em gái tôi, khi đó 9 tuổi - đã bỏ bữa tối, ông tức giận mắng Lola xối xả vì lười biếng. Lola phân trần: “Tôi đã cố gắng cho nó ăn rồi". Lời tự vệ yếu ớt của Lola chỉ càng khiến cho bố tôi điên tiết, ông không kiềm chế được và đấm vào phía dưới vai của Lola. Lola chạy ra khỏi phòng - tôi có thể nghe thấy bà oà khóc nức nở.
“Ling nói nó không đói mà" - Tôi nói.
Bố mẹ tôi quay sang nhìn tôi. Họ có vẻ ngạc nhiên. Tôi thấy cơ mặt mình co rúm lại, thứ thường chỉ xảy ra khi tôi chuẩn bị khóc, nhưng lần này tôi không khóc. Trong ánh mắt của mẹ tôi ánh lên một thứ gì đó mà trước đây tôi chưa từng hay biết. Sự ghen tị chăng?
“Mày đang bảo vệ Lola đấy à?” Bố tôi lên tiếng. “Có phải mày đang cố gắng làm thế không?”.
“Ling đã nói là nó không đói". Tôi nhắc lại, nhỏ tới mức gần như tiếng thì thầm.

Giờ đây khi nghe tiếng khóc thảm thiết của bà, tôi cảm thấy phát điên lên.
Hồi còn ở Philippines, bố mẹ tôi không cần giấu diếm cách họ đối xử với Lola. Khi sang Mỹ, họ cư xử với bà còn tệ hơn nhưng cố gắng che giấu điều đó. Mỗi lần có khách ghé thăm nhà, bố mẹ tôi sẽ phớt lờ Lola, hoặc nếu được hỏi thì sẽ nói dối về bà và nhanh chóng chuyển sang chủ đề khác. Trong vòng 5 năm sống ở phía Bắc Seattle, chúng tôi ở đối diện với nhà Misslers, một gia đình 8 người vồn vã. Họ đã cho chúng tôi biết tới những thứ như mù tạt, thú chơi câu cá hồi, hay dùng máy cắt cỏ; xem bóng đá trên TV, và hò hét trong khi theo dõi diễn biến trận đấu. Lola sẽ phục vụ mọi người đồ ăn và nước uống trong suốt trận bóng, và bố mẹ tôi sẽ mỉm cười cảm ơn bà trước khi bà nhanh chóng biến mất. Bác Jim-to-lớn, người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình Missler hỏi: “Người phụ nữ nhỏ bé mà mọi người giữ ở trong bếp là ai vậy?”. Bố nói, đó là một người họ hàng ở quê chúng tôi, nhưng bà ấy rất xấu hổ khi gặp người lạ.
Billy Missler, bạn thân nhất của tôi thì không tin vào điều đó. Cậu ấy đã dành đủ thời gian ở nhà tôi, thậm chí thỉnh thoảng là cả cuối tuần để quan sát bí mật của gia đình tôi. Một lần khi nghe thấy tiếng mẹ tôi la hét ở trong bếp, cậu ấy liền đi vào, để rồi nhìn thấy khuôn mặt đỏ gay đang chằm chằm lườm Lola của mẹ tôi, còn Lola khi đó đang run rẩy trong góc bếp. Tôi theo sau Billy một vài giây. Khuôn mặt Billy đan xen những cảm xúc xấu hổ và bối rối. Chuyện gì vậy? Tôi kéo nó ra và bảo nó hãy quên chuyện đó đi.
Tôi nghĩ rằng Billy đã cảm thấy thương xót Lola. Nó ca ngợi hết lời tài nấu nướng của bà, và chọc bà cười như nắc nẻ - điều tôi chưa từng nhìn thấy trước đó bao giờ. Mỗi lần nó ngủ lại nhà, Lola đều làm món Filipino nó yêu thích nhất: cơm trộn thịt bò tapa. Nấu ăn thực sự là tài năng của Lola. Tôi có thể thấy rõ điều đó khi bà cho chúng tôi ăn hoặc nói rằng bà yêu chúng tôi. Trong một lần tôi nói Lola là một người dì họ hàng xa, Billy nhấn mạnh rằng lần đầu gặp mặt tôi đã kể với nó rằng bà là bà ngoại tôi.
“Bà ấy… là cả hai, có thể hiểu vậy" - tôi nói với nó đầy ẩn ý.
“Tại sao bà ấy luôn luôn làm việc?” - Billy gặng hỏi.
“Bà ấy thích vậy". Tôi đáp.
“Tại sao bố mẹ cậu lại mắng bà ấy?”
“Bà hơi bị lãng tai…”
Thừa nhận sự thật cũng đồng nghĩa với việc gia đình tôi phải hé lộ mọi thứ. Chúng tôi đã dành một thập kỷ đầu tiên cố gắng hoà nhập với vùng đất mới. Nhưng việc có một nô lệ ở trong nhà đã là không phù hợp rồi. Việc có một người nô lệ gieo vào lòng tôi một mối hoài nghi, rằng chúng tôi là kiểu người gì vậy, chúng tôi đến từ nơi nào… Chúng tôi có xứng đáng được chấp nhận ở nơi này không. Tôi đã luôn cảm thấy cực kỳ xấu hổ, kể cả việc tôi đã đồng loã che giấu việc này. Tôi vẫn ăn thức ăn Lola nấu, mặc quần áo bà giặt, ủi và treo lên mắc đó thôi? Nhưng nếu không có bà, mọi thứ sẽ trở thành thảm hoạ mất.
Có một lý do khác để giữ bí mật: Giấy tờ cư trú của Lola đã hết hạn vào năm 1969, 5 năm sau khi chúng tôi tới Mỹ. Bà đã tới đây bằng một loại hộ chiếu đặc biệt gắn liền với công việc khi đó của bố tôi. Sau rất nhiều lần bất đồng với cấp trên, bố tôi đã bỏ việc ở Lãnh sự quán và tuyên bố ông nhất định sẽ ở lại nước Mỹ. Ông tìm cách xin được đăng ký cư trú với tư cách công dân cho cả gia đình, nhưng Lola thì không thể. Đúng ra thì ông phải gửi Lola trở lại quê nhà.
Lola năm 1976, khi đó bà 51 tuổi.
Mẹ của Lola, bà Fermina, mất vào năm 1973; bố của bà, ông Hilario thì mất năm 1979. Cả hai lần đó Lola đều vô cùng mong muốn được trở về. Cả hai lần, bố mẹ tôi đều từ chối. Không có tiền, không có thời gian. Lũ trẻ cần bà. Chính bố mẹ tôi cũng sợ nếu phải thiếu bà, họ đã thừa nhận với tôi sau này như vậy. Nếu chính quyền phát hiện ra Lola, và họ chắc chắn sẽ biết nếu bà cố gắng bỏ đi, thì bố mẹ tôi sẽ gặp rắc rối lớn và thậm chí có thể bị trục xuất. Họ không thể mạo hiểm vì điều đó. Tình trạng cư trú của Lola được gọi là tago nang tago (TNT) trong tiếng Filipinos, nghĩa là “ở nước ngoài bất hợp pháp". Và bà đã ở trạng thái TNT trong vòng 20 năm.
Sau mỗi lần người thân của bà qua đời, Lola lại trở nên lầm lì và lặng thinh trong nhiều tháng liền. Bà hầu như không phản ứng gì khi bị bố mẹ tôi làm phiền. Thế nhưng rồi Lola lại tiếp tục cúi đầu, lẳng lặng làm công việc của mình.
Trong một thời gian dài Lola đã phải mang trọng trách của một người trưởng thành duy nhất trong gia đình. Bà biết tường tận những chi tiết trong cuộc đời chúng tôi mà bố mẹ tôi không bao giờ còn tâm trí để để ý tới. Chúng tôi mời bạn tới nhà, và bà đã lắng nghe những câu chuyện về trường học, tụi con trai con gái, và bất cứ thứ gì có trong đầu lũ trẻ chúng tôi. Từ những câu chuyện đó, bà hoàn toàn có thể kể tên được tất cả những cô gái tôi đã từng thích từ lớp 6 cho đến cấp 3.
Năm tôi 15 tuổi, bố tôi bỏ nhà ra đi. Tôi không muốn tin vào thực tế là ông đã ruồng bỏ những đứa trẻ chúng tôi và mẹ tôi sau 25 năm chung sống. Trong một năm sau đó bà vẫn chưa thể trở thành bác sĩ chính thức, và với chuyên môn về ngành Y khoa nội, thu nhập của bà không dư dả mấy. Bố tôi cũng không chi trả tiền nuôi con, vậy nên tiền bạc luôn trở thành một gánh nặng.
Mẹ tôi có thể nén nhẫn nại khi đi làm, nhưng vào buổi đêm trở về nhà bà hoàn toàn sụp đổ trong đau khổ và tuyệt vọng. Và nguồn an ủi lớn nhất của bà trong khoảng thời gian này, không ai khác, chính là Lola. Mẹ tôi càng cáu kỉnh với bà về những thứ nhỏ nhặt, thì Lola lại càng quan tâm tới mẹ nhiều hơn: Lola nấu những món bà thích, dọn dẹp phòng trên mức cẩn thận. Đôi khi tôi thấy hai người họ ở trên bàn bếp vào đêm muộn, thân thiết và trò chuyện về bố tôi. Đôi khi họ cùng cười khanh khách, đôi khi lại tỏ ra vô cùng giận dữ khi nói về tội lỗi của bố tôi. Họ hầu như không để ý chuyện lũ trẻ chúng tôi thoắt ẩn thoắt hiện bên ngoài.
Một đêm tôi nghe tiếng mẹ khóc, bà chạy ra phòng khách và sà vào vòng tay của Lola. Lola an ủi bà hết sức dịu dàng, hệt như cái cách bà đã nói với anh chị em chúng tôi khi chúng tôi còn nhỏ. Tôi nán lại nhìn, rồi trở về phòng mình, vừa lo cho mẹ, vừa cảm thấy ngưỡng mộ Lola.
***
Việc Doods không hề hay biết về mục đích chuyến hành trình của tôi thực sự khiến tôi nhẹ nhõm. Tôi đã có đủ những cuộc tự thoại diễn ra trong đầu mình. Tôi chẳng tốt đẹp gì hơn bố mẹ mình cả. Tôi đã có thể làm nhiều thứ hơn để giải thoát cho Lola. Tôi đã có thể làm cho cuộc sống của bà tốt đẹp hơn. Tại sao tôi không hành động? Tôi đáng ra đã có thể tố cáo bố mẹ mình, và việc đó sẽ huỷ hoại cả gia đình ngay tức khắc. Nhưng thay vì thế, tôi và các anh chị em của mình đã chọn cách im lặng, giữ kín mọi thứ thay vì phá huỷ cuộc sống trước mắt, để cho gia đình chúng tôi dần dần tan vỡ.
Doods và tôi đang đi giữa một miền quê tươi đẹp. Không phải là vẻ đẹp lung linh ta vẫn thường thấy trong các tờ rơi du lịch, nó thực sự sống động và có hồn, và nếu so sánh với khu vực thành thị, thì nơi đây cũng tinh tế không thua kém. Những dãy núi chạy dài song song ở hai bên đường cao tốc: dãy Zambales ở phía Tây, và dãy Sierra Madre ở phía Đông. Từng dãy núi từ Đông sang Tây đều mang một màu xanh và đổ dần sang thẫm.
Doods chỉ tay vào một đường mờ mờ phía xa. Đỉnh Pinatubo. Tôi đã từng tới đây vào năm 1991 để đưa tin về hậu quả sau khi ngọn núi lửa này phun trào - đây là thảm hoạ núi lửa lớn thứ hai thế giới trong thế kỷ 20. Những dòng dung nham từ núi lửa mà người bản địa gọi là lahars tiếp tục trào ra trong hơn một thập kỷ, nhấn chìm những ngôi làng cổ, lấp đầy những dòng sông và thung lũng, và xoá sổ toàn bộ hệ sinh thái. Dòng lahars đi xa tới tận chân những ngọn đồi ở tỉnh Tarlac - nơi bố mẹ Lola đã sống cả phần đời, nơi Lola và mẹ tôi đã từng ở đó. Rất nhiều dấu tích của gia đình chúng tôi đã bị chôn vùi trong chiến tranh và những trận lụt, và giờ một phần trong đó lại tiếp tục bị chôn vùi dưới một lớp bùn dày khoảng 6 mét.
Nơi đây cũng thường xuyên phải hứng chịu những trận đại hồng thuỷ. Những cơn bão chết người thường tàn phá nơi này vài lẫn mỗi năm. Nạn hôi của không bao giờ chấm dứt. Và những ngọn núi mơ màng một ngày quyết định rằng chúng phải thức giấc. Không giống như Trung Quốc hay Brazil, những nơi nếu thảm hoạ xảy ra thì sẽ có một số lượng lớn các vùng phải hứng chịu thiệt hại, Philippines là một quốc gia với những hòn đảo rải rác trên biển. Khi thảm hoạ xảy ra, những nơi đó bị nhấn chìm một thời gian, rồi sau đó cuộc sống lại tiếp diễn. Đó là lý do tại sao bạn vẫn có thể nhìn nhắm những cảnh vật tươi đẹp như tôi và Doods đang trải nghiệm.
Ruộng lúa ở Mayantoc, nơi Lola sinh ra và lớn lên.
Một vài năm sau khi bố mẹ tôi li hôn, mẹ tôi lấy một người chồng mới tên là Ivan, một người nhập cư gốc Croatia mà bà quen qua một người bạn. Lola được yêu cầu phải phục tùng “ông chủ” mới. Ông ta chưa bao giờ tốt nghiệp cấp 3, đã kết hôn tới 4 lần và là một tay cờ bạc trác táng, một kẻ luôn thích được quan tâm chăm sóc bởi mẹ tôi và Lola.
Ivan đã giúp tôi nhìn thấy một khía cạnh khác trong con người Lola mà tôi chưa từng hay biết. Việc ông ta lấy mẹ tôi chỉ là một sự nông nổi, và vấn đề lớn nhất là cách ông ta sử dụng tiền của mẹ tôi. Một lần trong cuộc cãi vã, khi mẹ tôi khóc còn và ông ta đang la mắng, Lola tiến tới và đứng chen vào giữa họ. Bà quay sang nhìn Ivan và gằn giọng gọi tên hắn ta. Hắn nhìn Lola, chớp mắt, và ngồi xuống. Tôi và em gái Inday bị đánh ngã trên sàn nhà. Ivan nặng khoảng hơn 113kg, và chỉ giọng nói trầm khàn của hắn thôi cũng đủ làm cho tường nhà rung chuyển. Lola đã khiến ông ta phải ngồi im chỉ với một từ. Tôi đã chứng kiến cảnh tượng này vài lần trước đó, nhưng phần lớn thời gian Lola vẫn phục tùng Ivan một cách vô điều kiện, vì mẹ tôi muốn vậy. Tôi đã đau lòng khi chứng kiến Lola hi sinh bản thân vì người khác, đặc biệt là trước những kẻ như Ivan. Nhưng điều khiến tôi thực sự nổi giận với mẹ lại đến từ một thứ có vẻ bình thường.
Mẹ tôi luôn luôn tức tối khi Lola bị ốm. Bà không muốn mọi việc bị đình trệ, không muốn chi trả tiền thuốc, và luôn buộc tội Lola giả vờ ốm hoặc không biết tự chăm sóc bản thân. Mẹ tôi đã làm điều đó khi Lola bắt đầu rụng răng vào cuối những năm 70. Lola đã nói rằng mình bị đau miệng trong hàng tháng trời, nhưng mẹ nói “Đó là cho bà không đánh răng cẩn thận thôi".
Tôi đã nói rằng Lola cần đi khám nha sỹ. Lola đã khoảng ngoài 50 tuổi và chưa bao giờ đi khám nha sỹ. Tôi đi học đại học cách nhà khoảng một giờ đi đường, và cứ mỗi lần về thăm nhà tôi lại đề cập về chuyện này. Một, rồi hai năm trôi qua. Lola phải uống thuốc giảm đau mỗi ngày, và hàm răng của bà trông giống như tượng đá Stonehenge nham nhở. Một ngày, sau khi chứng kiến cảnh Lola khó nhọc nhai bánh mì bằng một bên miệng chỉ còn sót lại vài chiếc răng hàm, tôi đã không thể kiềm chế nữa.

“Một nô lệ?” Mẹ tôi nói “Một nô lệ ư?
Cuộc cãi vã đêm đó giữa chúng tôi đã kết thúc khi bà tuyên bố rằng tôi chẳng bao giờ hiểu được mối quan hệ giữa bà với Lola. Không-bao-giờ. Giọng nói của bà khi ấy thấp và đau đớn tới mức giờ đây, sau rất nhiều năm, tôi vẫn còn cảm thấy trong lòng nhói lên mỗi lần nghĩ tới đêm đó. Thật tệ khi bạn ghét chính mẹ mình, và đêm đó tôi đã cảm thấy vậy. Ánh mắt mẹ tôi khi đó cũng cho thấy bà cảm thấy điều tương tự về tôi.
Cuộc cãi vã hôm đó chỉ làm đầy thêm nỗi sợ của mẹ tôi rằng Lola sẽ đánh cắp những đứa trẻ từ bà, và bà bắt Lola phải trả giá vì điều đó. Mẹ tôi chì chiết Lola nhiều hơn, và tra tấn bà bằng những câu nói đại loại như “Chắc là bà rất hạnh phúc khi thấy lũ trẻ ghét tôi phải không". Khi chúng tôi giúp đỡ Lola làm việc nhà, mẹ sẽ nổi đoá và châm chọc “Lola, bà nên đi ngủ đi. Bà đã làm việc vất vả lắm rồi nhỉ, lũ trẻ lo cho bà nhiều lắm". Một lần mẹ tôi gọi Lola vào phòng ngủ để nói chuyện, và sau đó Lola đi ra cùng một đôi mắt sưng húp. Cuối cùng, Lola cầu xin chúng tôi đừng cố gắng giúp đỡ bà nữa.
“Tại sao bà còn ở lại đây?” Chúng tôi hỏi.
“Ai sẽ nấu ăn?” bà nói, và câu nói này của bà với tôi cũng tương tự như “Ai sẽ làm tất cả mọi thứ?”. Ai sẽ chăm sóc chúng tôi? Và chăm sóc mẹ? Lần khác thì bà đáp: “Tôi biết đi đâu bây giờ?”. Điều này khiến tôi loé lên câu trả lời thực sự. Thời gian trôi quá nhanh kể từ khi chúng tôi sang Mỹ. Chúng tôi vừa mới bắt kịp với nhịp sống ở đây, một thập kỷ đã trôi qua. Ngoảnh đi ngoảnh lại, một thập kỷ nữa lại trôi qua. Tóc Lola đã điểm bạc. Họ hàng ở quê sau khi không nhận được khoản tiền hỗ trợ mà Lola đã hứa sẽ gửi về cho họ, đã tự hỏi chuyện gì đã xảy đến với bà. Bà không dám quay về quê hương vì xấu hổ.
Lola không có bất cứ ai thân quen ở Mỹ, cũng không có phương tiện di chuyển. Điện thoại làm bà bối rối. Những thứ máy móc công nghệ - máy ATMs, các thiết bị liên lạc, máy bán hàng tự động, và bất cứ thứ gì có bàn phím đều khiến bà hoảng sợ. Những người nói quá nhanh luôn khiến bà bối rối, và thứ Tiếng Anh bồi của bà cũng làm họ lâm vào tình cảnh tương tự. Bà không thể lên lịch một cuộc hẹn, sắp xếp một chuyến đi, điền một tờ đơn, gọi một bữa ăn mà không có người giúp đỡ.
Tôi tạo một thẻ ATM cho Lola gắn liền với tài khoản ngân hàng của tôi và dạy bà cách sử dụng nó. Bà dùng được lần đầu tiên thành công, song tới lần thứ hai thì loạn hết cả lên, và từ đó không bao giờ dùng nó nữa. Bà vẫn giữ chiếc thẻ bởi bà cho nó là một món quà từ tôi.
Tôi cũng dạy bà cách lái xe. Bà nguây nguẩy xua tay, nhưng tôi đã nhấc bổng bà lên rồi đặt bà ngồi vào ghế lái: cả hai chúng tôi cười vang. Tôi dành 20 phút giải thích về cơ chế điều khiển và cách lái. Ánh mắt bà chuyển dần từ tươi vui sang hoảng hốt. Khi tôi khởi động máy và bảng đồng hồ điện tử bật sáng, bà chạy biến ra khỏi chiếc xe vào trong nhà trước khi tôi kịp nói bất kỳ lời nào. Tôi đã thử vài lần sau đó. Tôi nghĩ rằng việc biết lái xe sẽ thay đổi cuộc đời bà. Bà có thể đi tới những nơi khác nhau, và nếu việc ở với mẹ tôi trở nên không thể nào chịu nổi nữa, bà có thể lái xe bỏ đi mãi mãi.
***
Con đường 4 làn đã trở thành hai làn, vỉa hè dần thay thế bằng sỏi đá. Những người lái xe ba bánh len lỏi giữa những làn ô tô và những chú trâu đang kéo từng đống tre. Thi thoảng một chú chó hay một bạn dê lại chạy ngơ ngác ngang qua đường trước xe của chúng tôi, khiến cho chiếc xe phải phanh gấp khốn khổ. Doods không chịu đi chậm lại. Đấy là luật của đường quê.
Tôi lôi bản đồ ra để tìm đường đi tới làng Mayantoc, đích đến của chúng tôi. Người dân đang gặt lúa, như họ vẫn làm cả ngàn năm nay. Chúng tôi đang tới rất gần rồi.
Tôi gõ ngón tay vào chiếc hộp nhựa rẻ tiền và hối hận vì đã không mua một chiếc bình đựng hài cốt tử tế, làm bằng sứ hoặc gỗ mộc. Những người thân của Lola sẽ nghĩ gì? Thực tế tôi biết sẽ chẳng có nhiều người còn lại. Lola chỉ còn lại một người chị em sống ở trong vùng, bà tên là Gregoria, năm nay đã 98 tuổi, và tôi cũng được biết là hiện tại trí nhớ của bà không còn tốt. Họ hàng nói rằng cứ mỗi lần nghe tới tên của Lola, bà sẽ khóc oà lên rồi ngay sau đó lại chẳng nhớ gì cả.
Ảnh trái: Lola và tác giả năm 2008. Ảnh phải: Tác giả chụp ảnh cùng chị gái của Lola, bà Gregoria.

Doods hướng về phía Tây Bắc của cao tốc Romulo, rồi sẽ trái vào Camiling, thị trấn nơi mẹ tôi đã sống cùng ông ngoại Tom trước đây. Giờ đây thì hai làn xe chỉ còn lại một, và sỏi đá giờ đã trở thành bùn đất. Con đường chạy dọc theo sông Camiling, hai bên là những rặng tre xanh rờn, và những ngọn đồi nhấp nhô phía trước. Đã tới chặng cuối cùng.
Tôi đã đọc một bài điếu văn trong đám tang của mẹ tôi, và những lời tôi nói đều là sự thật. Rằng bà là một người phụ nữ dũng cảm và mạnh mẽ. Rằng dù bà chỉ có một công việc bình thường, bà đã làm tất cả những gì có thể. Rằng bà thật rạng rỡ khi bà hạnh phúc. Rằng bà đã rất yêu những đứa trẻ của mình, đã cho chúng tôi một ngôi nhà thực sự ở Salem, Oregon, nơi mà trong những năm 80 và 90 thực sự là một tổ ấm chúng tôi chưa bao giờ có trước đó. Rằng tôi ước chúng tôi có thể còn cơ hội cảm ơn bà một lần nữa. Rằng chúng tôi đều rất yêu bà.
Tôi đã không nói về Lola, giống như cái cách mà tôi đã chủ động loại bỏ hình ảnh của Lola ra khỏi tâm trí khi tôi ở bên cạnh bà. Để yêu mẹ tôi cần đến biện pháp “phẫu thuật tâm lý" này. Đó là cách duy nhất để chúng tôi duy trì tình cảm mẹ con, đặc biệt là sau khi sức khoẻ của bà bắt đầu giảm sút, vào giữa những năm 90. Tiểu đường. Ung thư vú. Bệnh bạch cầu tuỷ cấp tính, một loại ung thư phát triển nhanh trong máu và tuỷ xương. Vốn là một người khoẻ mạnh, nhưng bà đã bị bệnh tật đánh gục, và trở nên xuống sức chóng vánh.
Sau cái đêm to tiếng với mẹ, tôi gần như né tránh việc về nhà. Tôi chuyển tới Seattle năm 23 tuổi. Khi trở về nhà, tôi nhận ra những thay đổi. Mẹ vẫn là mẹ, nhưng đã không còn lạnh lùng như trước nữa. Bà đã mua cho Lola một hàm răng giả tử tế, và để cho Lola có phòng ngủ riêng. Bà cũng tỏ ra đồng tình khi chúng tôi tìm cách thay đổi tình trạng cư trú của Lola. Dự thảo luật nhập cư năm 1986 của tổng thống Ronald Reagan đã tạo điều kiện cho hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp được ân xá. Cuối cùng thì sau một thời gian dài, chúng tôi cũng xin được quyền công dân Mỹ cho Lola vào tháng 10 năm 1998, chỉ 4 tháng trước khi mẹ tôi được chuẩn đoán bệnh bạch cầu. Mẹ tôi sống thêm được một năm sau đó thì mất.
Trong suốt quãng thời gian đó, bà và Ivan thi thoảng đi tới thành phố Lincoln ở vùng duyên hải Oregon, và đôi khi còn đưa Lola đi theo. Lola rất thích biển. Có lẽ bà hiểu rằng ở bên kia đại dương là những hòn đảo quê hương nơi bà luôn mơ ước được trở về. Lola vô cùng hạnh phúc khi thấy mẹ tôi ở bên cạnh bà, nhẹ nhõm, vui vẻ. Một buổi chiều bên bờ biển, hoặc chỉ 15 phút ở trong bếp cũng gợi nhớ cho bà tới những ngày xưa cũ ở quê hương, và khi đó, Lola dường như quên hết những năm tháng đằng đẵng sống trong đau khổ.
Tôi thì không thể quên được mọi chuyện dễ dàng như thế. Nhưng tôi đã nhìn thấy ở mẹ tôi một sự thay đổi - một thứ ánh sáng khác. Trước khi qua đời, bà đưa cho tôi xem những cuốn nhật ký của bà. Tôi khẽ lật từng trang giấy khi mẹ tôi đang nằm ngủ ở gần đó, và nhận ra những lát cắt trong cuộc đời bà mà tôi nhất định không chịu nhìn nhận trong nhiều năm liền. Bà đã theo học trường Y, một điều mà không nhiều phụ nữ thời đó làm được. Khi tới Mỹ, bà đã chiến đấu để giành lấy sự công nhận từ xã hội với tư cách một người phụ nữ và một bác sĩ là dân nhập cư. Bà đã làm việc trong vòng 2 thập kỷ tại Trung tâm Đào tạo Fairview ở Salem, một tổ chức liên bang hỗ trợ những người khuyết tật. Nhưng điều buồn cười là bà luôn tự coi thường nghề nghiệp của mình. Những bệnh nhân yêu quý và tôn thờ bà. Bà cũng có những đồng nghiệp nữ thân thiết để làm những việc rất “phụ nữ" cùng nhau: đi mua giày, tổ chức tiệc thử đồ tại nhà nhau, tặng nhau những món quà hài hước như những bánh xà phòng hình… dương vật, hoặc những tờ lịch có hình đàn ông bán khoả thân, rồi cùng cười như nắc nẻ. Nhìn những bức ảnh về những bữa tiệc của bà, tôi nhận ra mẹ cũng có một cuộc sống, một danh tính khác ở bên ngoài xã hội - thứ hoàn toàn tách biệt với cuộc sống gia đình, và với Lola.
Mẹ cũng viết rất chi tiết về từng đứa con trong gia đình, về cách bà cảm nhận về chúng tôi trong mỗi ngày cụ thể: tự hào, yêu thương hay oán giận. Bà cũng dành rất nhiều trang viết về những người chồng, cố gắng lý giải họ như những nhân vật cực kỳ phức tạp trong câu chuyện cuộc đời bà. Chúng tôi đều là những nhân vật chính trong các câu chuyện, còn Lola thì chỉ là nhân vật phụ. Khi bà được nhắc tới, thì thường sẽ là một người lấp ló trong câu chuyện của một ai đó khác: “Sáng nay, Lola đưa con trai yêu quý Alex tới ngôi trường mới. Mình hy vọng thằng bé sẽ nhanh chóng có những người bạn mới, và sẽ không còn cảm thấy buồn về việc lại phải chuyển nhà…” Rồi mẹ sẽ viết thêm khoảng 2 trang nữa chỉ nói về tôi, và không nhắc tới Lola thêm nữa.
Một ngày trước khi mẹ tôi mất, một vị linh mục đã tới nhà tôi để thực hiện những nghi lễ Công giáo cuối cùng. Lola ngồi bên cạnh giường mẹ tôi, cầm một chiếc cốc với một cái ống hút, sẵn sàng đưa cho mẹ tôi uống. Lola tỏ ra cực kỳ ân cần và nhẹ nhàng với mẹ tôi. Lúc đó đáng ra bà có thể lợi dụng sự yếu đuối của mẹ tôi để trả thù và xả cơn tức giận suốt bao nhiêu năm trời, nhưng bà đã không làm vậy.
Vị linh mục hỏi mẹ tôi rằng liệu có điều gì đó bà muốn tha thứ cho người khác, hoặc muốn được người khác tha thứ không. Mẹ tôi ngước nhìn khắp căn phòng với đôi mắt nặng trĩu. Rồi không nhìn vào mắt Lola, bà vươn người, chạm một bàn tay vào đầu Lola, và im lặng.
Tôi đã quên mất những thứ Lola có thể khiến cho tôi cảm thấy phiền toái (dù chỉ một chút). Bà luôn luôn nhắc nhở tôi phải mặc áo len vào nếu không muốn bị cảm lạnh (lúc đó tôi đã 40 tuổi). Bà liên tục càu nhàu về bố tôi và dượng Ivan: bố tôi là một người chây lười, còn Ivan thực sự là một kẻ ăn bám. Tôi đã phải học cách lờ bà đi.
Nhưng tôi thực sự không phớt lờ được tính tiết kiệm khủng khiếp của bà. Bà không bao giờ chịu vứt thứ gì đi, và thường xuyên kiểm tra thùng rác để chắc chắn rằng mọi người trong nhà chúng tôi không vứt đi thứ gì hữu ích. Thậm chí bà còn giặt và sử dụng lại khăn giấy ướt nhiều lần tới mức nó mủn ra (mọi người trong nhà không ai dám tới gần chúng). Căn bếp chật ních với những túi đồ tạp phẩm, hộp đựng sữa chua, lọ muối dưa… nói chung một phần diện tích trong nhà được trưng dụng để tích trữ đồ, và tôi chỉ có một từ duy nhất để miêu tả nó: một đống rác.
Lola vẫn nấu bữa sáng dù hầu như không ai có thể ăn nhiều hơn một quả chuối hoặc một thanh yến mạch trong tình trạng sấp ngửa vội vàng chạy ra khỏi nhà. Bà dọn giường, giặt giũ, lau dọn nhà. Tôi thường xuyên phải nhắc: “Lola, chúng cháu sẽ tự làm mấy việc đó", “Lola, đó là việc của hai đứa nhóc". Ừ được thôi, bà nói, và rồi lại cặm cụi đi làm tất cả mọi thứ.
Rồi tôi lại phát điên lên khi bắt gặp bà ăn khi đang đứng trong bếp, hoặc vội vã lau dọn mỗi khi thấy tôi bước vào phòng. Một ngày nọ sau nhiều tháng trời, tôi nói chuyện với bà.
“Cháu không giống như bố cháu. Bà không phải là người nô lệ ở đây". Tôi nói, và liệt kê hàng loạt những việc bà đã làm giống như một người hầu vậy. Khi thấy mặt bà tỏ vẻ ngạc nhiên, tôi hít một hơi thật sâu, hai tay ôm lấy khuôn mặt nhăn nhúm đang dò xét của bà rồi hôn lên trán bà. “Đây là nhà bà. Bà không ở đây để phục vụ ai cả. Bà có thể nghỉ ngơi mà, bà biết chứ?”
“Ừ được thôi". Bà vui vẻ nói. Rồi ngay sau đó lại cầm chổi lau nhà.
Thực ra Lola không biết phải làm gì khác. Tôi nhận ra tôi chính là người phải nghỉ ngơi và ngưng lo lắng. Nếu bà muốn nấu bữa tối, cứ để bà làm vậy. Sau đó thì cảm ơn bà và dọn rửa chén đĩa. Tôi liên tục phải tự nhắc bản thân: Cứ để cho bà được là chính mình. 
Một buổi tối tôi về nhà và thấy Lola đang ngồi chơi giải ô chữ, co chân lên ghế còn TV thì đang bật. Bên cạnh bà có một tách trà. Bà nhìn tôi, mỉm cười bẽn lẽn với hàm răng giả trắng bóng, và tiếp tục chơi ô chữ. Tiến bộ rồi, tôi thầm nghĩ.
Bà đã trồng cả một khu vườn ở sân sau nhà, với hoa hồng, tuy-lip và rất cả những loại phong lan trên đời. Bà thường dành cả buổi chiều chăm sóc chúng. Bà cũng đi bộ loanh quanh hàng xóm. Vào tuổi 80, khớp xương của bà gặp vấn đề và bà phải dùng gậy batoong để chống khi đi lại. Giờ đây, bà không còn là một đầu bếp nhẫn nhục nữa mà bắt đầu nấu như một nghệ sĩ thứ thiệt: bà chỉ nấu khi cảm thấy hứng thú. Bà làm những món ăn trên cả tuyệt vời, và nở nụ cười hiền hậu trên môi khi cả gia đình tán dương chúng.
Khi đi ngang cửa phòng Lola, tôi thường thấy bà đang nghe một băng cassette gồm những bài hát dân gian Philippines. Bà cứ nghe đi nghe lại nó. Vợ chồng tôi trả cho bà một khoản tiền 200$ một tuần, nhưng tôi biết bà đã gửi phần lớn trong số đó về cho họ hàng ở quê nhà. Một buổi chiều, tôi thấy bà đang ngồi ở cửa sau chăm chú ngắm nhìn một tấm ảnh của quê nhà mà ai đó đã gửi cho bà.
“Bà muốn về nhà chứ, Lola?”
Lola lật mặt sau của tấm ảnh, miết những ngón tay lên lời đề tặng, rồi lật lại và ngắm nghía nó từng chi tiết.
“Có", bà đáp.
Sau sinh nhật lần thứ 83 của bà, tôi đã mua vé máy bay cho bà trở về thăm nhà. Tôi tới đón bà một tháng sau đó để đưa bà trở lại Mỹ - nếu bà muốn vậy. Mục đích sâu thẳm của chuyến đi này là để tìm lại liệu bà còn có thể cảm thấy thân thuộc với nơi chôn rau cắt rốn, nơi mà bà đã dành phần lớn cuộc đời mình trông ngóng, hay không.
Và bà đã tìm thấy câu trả lời của riêng mình.
“Mọi thứ không còn giống như trước nữa", bà nói với tôi khi chúng tôi đi bộ khắp Mayantoc. Những trang trại cũ đã không còn. Ngôi nhà của bà đã không còn. Bố mẹ và hầu hết anh chị em trong gia đình bà đã qua đời. Những người bạn thời thơ ấu nếu còn sống cũng chỉ giống như những người lạ… Được tìm lại những kỷ niệm xưa cũ là một điều tuyệt vời, nhưng mọi thứ đã không còn giống như trước nữa. Lola cũng muốn dành những năm cuối cùng của bà ở nơi này, nhưng bà nói, mình chưa sẵn sàng.
“Vậy thì hãy quay trở lại khu vườn của bà thôi" - Tôi nói.
“Đúng, hãy về nhà nào!” - Lola phấn khởi.
Ảnh trái: Lola trở về thăm lại Philippines sau ngày sinh nhật thứ 83. Ảnh phải: Lola đoàn tụ cùng em gái Juliana, sau 65 năm xa cách.
Làm Lola vui vô cùng dễ. Chúng tôi đưa bà đi nghỉ cùng gia đình, và bà cảm thấy phấn khích khi ghé thăm phiên chợ quê dưới chân ngọn đồi. Lola bỗng biến thành một đứa trẻ, đầy háo hức và say mê trong chuyến dã ngoại: “Nhìn những quả bí ngòi này xem!”. Việc đầu tiên bà làm mỗi buổi sáng thức dậy là kéo tất cả những tấm rèm ở trong phòng, và dừng lại ở mỗi cửa sổ để ngắm nhìn một chút.
Bà cũng tự học đọc. Điều đó thực sự kỳ diệu. Sau nhiều năm, bà dần học được cách phát âm các chữ cái đúng chuẩn. Bà chơi những trò ô chữ dạng khoanh tròn một từ nào đó trong một khối đặc toàn các chữ cái. Phòng của bà tràn ngập sách trò chơi ô chữ, với hàng nghìn từ đã được khoanh tròn bằng bút chì. Mỗi ngày bà cũng dành thời gian để xem tin tức và chăm chú lắng nghe những từ bà biết. Bà đối chiếu những từ đó ở trên báo, để tìm ra nghĩa của chúng. Bà đã có thể đọc báo mỗi ngày, lần lượt từ trang đầu tới trang cuối. Bố tôi trước đây thường nói bà là một người đơn giản. Tôi thì lại nghĩ rằng nếu có thể được học đọc và viết thay vì làm ruộng quần quật từ khi 8 tuổi, bà đã có thể trở thành một người giỏi giang như thế nào.
Trong suốt 12 năm sống ở trong nhà tôi, tôi thường hỏi bà về cuộc đời và cố gắng hình dung một câu chuyện về bà - thói quen đó khiến bà khá tò mò. Mỗi lần tôi hỏi điều gì, bà đều đáp “Tại sao?”. Tại sao tôi lại muốn biết về tuổi thơ của bà? Tại sao tôi quan tâm tới chuyện bà đã gặp ông ngoại Tom như thế nào?
Tôi đã nhờ em gái tôi, Ling dò hỏi về chuyện tình cảm của bà vì tôi nghĩ rằng Lola sẽ thoải mái hơn khi chia sẻ với em ấy. Ling cười khúc khích. Một ngày khi Lola và tôi đang dọn dẹp đống đồ tạp phẩm, tôi buột miệng hỏi: “Lola, bà đã từng yêu ai bao giờ chưa?”. Bà mỉm người, và kể cho tôi nghe câu chuyện về lần duy nhất mà bà suýt chút nữa đã có một tình yêu. Khi đó bà 15 tuổi, có một anh chàng điển trai làng bên tên là Pedro để ý bà. Trong vài tháng liền họ đã gặt lúa ngay gần nhau. Một lần Lola đánh rơi cái bolo của bà - một cái liềm kiểu Philippines - Pedro ngay lập tức nhặt lên và đưa lại cho bà. “Tôi cũng thích cậu ta" bà thỏ thẻ.
Rồi bà im lặng.
“Và?” - tôi gặng hỏi.
“Sau đó anh ta quay đi" - bà nói.
“Và?”
“Thế thôi"
“Lola, bà đã bao giờ quan hệ với ai chưa?”
“Chưa".
Lola không quen với việc bị hỏi những câu hỏi riêng tư. “Katulong lang ako” - bà nói - “Tôi chỉ là một người hầu". Bà chỉ trả lời tôi theo kiểu nhát gừng, và một câu chuyện đơn giản nhất thôi cũng biến thành một cuộc đánh đố gồm khoảng 20 câu hỏi, kéo dài trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
Một trong số những câu chuyện đó, là việc tôi hiểu rằng dẫu rất tức giận với việc mẹ tôi luôn cư xử tệ, nhưng Lola không bao giờ thôi nhớ về mẹ tôi. Thi thoảng hồi còn trẻ, Lola cảm thấy cô đơn tới mức chỉ biết khóc. Tôi hiểu bà đã trải qua những năm tháng mơ ước có được một người đàn ông ở bên mình. Tôi đã nhìn thấy điều đó trong cái cách mà bà cuộn tròn người bên một chiếc gối to vào buổi đêm. Nhưng khi đã già, bà nói với tôi rằng bà nghĩ việc sống một mình không có gì là quá tệ sau khi đã gặp những người chồng của mẹ tôi. Bà không muốn nhớ về hai người đàn ông đó chút nào. Cuộc đời bà có thể sẽ hạnh phúc hơn nếu bà sống ở Mayantoc, cưới chồng, sinh con và có một gia đình giống như những anh chị em của mình. Nhưng rất có thể, nó sẽ còn tệ hơn. Hai em gái của bà là Francisca và Zepriana cũng đã ốm và qua đời. Một người anh trai tên Claudio thì bị giết chết.
Nhưng việc tự hỏi tất cả những điều đó thì có ý nghĩa gì vào lúc này? Bà hỏi tôi. Nguyên tắc sống của bà là Bahala na - Chuyện gì phải đến sẽ đến. Điều đã đến trong cuộc đời bà cũng là một gia đình nhưng theo kiểu khác. Trong gia đình đó, bà có 8 đứa trẻ: mẹ tôi, 4 anh chị em của tôi, tôi, và giờ là hai con gái của tôi. Tám người chúng tôi khiến cho cuộc đời bà trở nên đáng sống.
Chúng tôi không hề sẵn sàng cho cái chết bất ngờ của Lola.
Bà bị đau tim khi đang ở trong bếp nấu bữa tối, lúc đó tôi đang chạy ra ngoài làm mấy việc lặt vặt. Khi tôi trở lại thì bà đã đang ở giữa cơn đau. Vài tiếng sau đó ở trong bệnh viện, bà đã qua đời trước khi tôi kịp hiểu có chuyện gì xảy ra. Đó là 10h56 phút tối. Tất cả chúng tôi không tài nào hiểu nổi tại sao bà lại qua đời vào đúng ngày 7/11, ngày mất của mẹ tôi.
12 năm trôi qua chóng vánh. Lola thọ 86 tuổi. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của bà nằm trên cáng. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của những bác sĩ đêm đó đứng xung quanh một bà lão có nước da nâu, dáng hình nhỏ bé chỉ như một đứa trẻ - họ chắc chắn sẽ không thể hình dung nổi bà đã sống một cuộc đời đầy biến động như thế nào. Khác với tất cả mọi người, bà không có bất kỳ một khao khát cá nhân nào. Chúng tôi trân quý tấm lòng sẵn lòng hi sinh mọi thứ cho người khác, tình yêu thương và lòng trung thành vô hạn của bà. Bà đã trở thành một biểu tượng được tôn kính trong gia đình nhỏ của tôi.
Tôi mất tới vài tháng trời để kiểm tra hết những chiếc hộp của bà ở gác xép. Tôi đã tìm thấy những công thức nấu ăn bà cắt ra từ những tạp chí từ thập niên 70, khi bà bắt đầu học đọc. Những cuốn album có ảnh của mẹ tôi. Những giải thưởng của tôi và các anh chị em đã giành được khi ở trường học mà chúng tôi đã vứt đi hầu hết, nhưng được bà “cứu" lại. Một đêm tôi đã không thể ngừng nghẹn ngào khi tìm thấy một xấp giấy các bài báo cũ đã úa vàng do tôi viết và đã lãng quên từ lâu dưới đáy một chiếc hộp của bà. Khi đó bà không biết đọc, nhưng bà đã giữ chúng.
***
Doods hạ ghế xe xuống để tranh thủ ngủ một giấc. Tôi đeo túi lên vai, hít một hơi thật sâu, và mở cửa xe.
“Lối này". Một giọng nhỏ nhẹ cất lên, và tôi đi theo trên một con đường nhỏ dẫn vào ngôi nhà bê tông. Theo sau tôi là một đoàn khoảng 20 người già trẻ lớn bé, nhưng đa phần là những người già. Khi đã vào bên trong, tất cả bọn họ ngồi xuống ghế, trên trường kỷ và ngồi bệt dọc theo bức tường, để lại khoảng trống chính giữa căn nhà cho tôi. Tôi vẫn đứng, chờ đợi chủ nhà ra đón. Nó là một căn phòng nhỏ và tối. Mọi người liếc nhìn tôi như thể đang kỳ vọng điều gì đó.
“Lola đâu?” Có tiếng nói cất lên từ căn phòng bên cạnh. Trong khoảnh khắc tiếp theo, một người phụ nữ trung niên vận đồ ở nhà bước ra chậm rãi với một nụ cười. Đó là Ebia, cháu gái của Lola. Đây là nhà cô ấy. Cô ôm tôi một cái thật chặt, rồi lặp lại “Lola đâu?”.
Tôi mở khoá chiếc túi, và đưa nó cho cô. Cô nhìn tôi, vẫn mỉm cười, dịu dàng ôm lấy chiếc túi, tiến lại chiếc ghế dài và ngồi xuống. Cô thò tay vào trong túi, lấy ra chiếc hộp và nhìn vào nó từ mọi phía. “Lola đâu?” - cô nói rất nhỏ. Ở đây, người dân không có thói quen hỏa táng người thân của họ. Tôi không nghĩ cô ấy biết mình cần phải trông chờ điều gì. Cô để chiếc hộp lên đùi, gục đầu lên nó. Ban đầu tôi thậm chí còn nghĩ cô đang cười, nhưng nhanh chóng nhận ra đó là tiếng gào khóc thảm thiết. Vai cô rung lên, rồi cô than khóc đầy đau đớn, như tiếng khóc mà tôi đã từng nghe từ Lola trước đây.
Tôi đã không mang tro của Lola tới đây sớm hơn, một phần vì tôi không dám chắc rằng liệu có ai ở đây còn quan tâm tới bà hay không. Tôi không hề nghĩ mọi người ở đây lại đau xót nhiều đến vậy. Trước khi tôi kịp tiến tới an ủi Ebia, một người phụ nữ đã bước ra từ bếp và vòng cánh tay ôm lấy cô, rồi cô lại than khóc một lần nữa. Lúc này cả căn phòng tràn ngập tiếng khóc. Những người già, người thì bị mù, một vài người khác thì đã rụng răng, cũng cùng than khóc và không thể dừng lại được. Cảnh tượng ấy diễn ra trong khoảng 10 phút. Tôi đã xúc động đến nỗi không biết rằng nước mắt đã chảy dài trên má tự khi nào. Những tiếng nức nở nhỏ dần, rồi không gian lại chìm vào tĩnh lặng. Ebia sụt sịt, và nói đã đến giờ ăn rồi. Mọi người di chuyển vào bếp, mắt sưng húp, nhưng bắt đầu rôm rả trò chuyện.
Tôi ngoái nhìn chiếc túi trống rỗng nằm ở trên ghế dài. Tôi biết mình đã đúng khi đưa Lola trở lại, về với mảnh đất nơi bà đã sinh ra.
(Designed by Samurice)