Tất nhiên! Các bậc danh giá lương thiện không hiểu rằng người ta có thể lương thiện theo cách khác với họ.
- André Gide, Bọn làm bạc giả. Phùng Văn Tửu dịch
Blossoming Almond Tree; Vincent van Gogh, 1890
Erich Fromm, một đại diện tiêu biểu cho trường phái Freudo-Marxism*, trong một buổi phỏng vấn (1977), nhận xét về nước Mỹ:
"Hầu hết mọi người giả bộ rằng họ đang hạnh phúc, thậm chí với chính bản thân mình. Bởi, nếu bạn không hạnh phúc, bạn có thể được xem là một thất bại. Vậy nên, bạn phải đeo một lớp mặt nạ, của sự hài lòng, của sự hạnh phúc. Bởi nếu không, bạn sẽ mất giá trị trên thị trường, bạn không còn là một con người bình thường hay một cá nhân có năng lực.
Nhưng, hãy nhìn mọi người xem. Anh có thấy sau lớp mặt nạ đó là một sự không yên, cáu kỉnh, giận dữ, trầm uất, thao thức, và bất hạnh. Cái mà người Pháp gọi là 'malaise' (một cảm giác bất an không rõ nguyên do)."

Điều này không sai với những gì tôi quan sát được ngay bây giờ, ở Việt Nam. Nếu như giới trẻ, minh chứng rõ nhất là những diễn ngôn trên Spiderum, phát triển kháng thể mạnh mẽ với những ý tưởng như "sự thành công về tiền bạc" hay "sự thành công về địa vị xã hội", thì dường như vẫn để lọt cái ý tưởng về "sự thành công trong đời sống tâm lý cá nhân" qua hệ miễn dịch; để nó thâm nhập một cách mạnh mẽ vào hệ thống điều hướng của từng cá nhân, điều chỉnh thái độ của họ; mà biểu hiện là những con người sành đời giả tạo luôn rao giảng về sự tự do cá nhân và những trải nghiệm đỉnh cao, nhưng không thể nào cảm thấy bình yên mỗi khi thiếu vắng những con chiên nghe họ thuyết giảng; sự rao giảng với chức năng thực sự như một nỗ lực tự-xác-nhận cho cái sự bình yên trong tâm hồn mà họ không hề có.
* Freudo-Marxism là một trường phái triết học kết hợp giữa Freudianism và Marxism, nghe có vẻ hơi lai tạp, tuy nhiên lại đặc biệt phù hợp trong thời đại mà con người ngày càng trở nên xa lạ với cuộc sống; minh chứng rõ ràng cho sự cấp thiết của Freudo-Marxism là sự nổi lên của ngôi-sao-triết-gia-cộng-sản Zizek. Marx sử dụng biện chứng duy vật để bàn về xã hội tác động lên cá nhân ra sao, còn Freud sử dụng hệ thống tâm bệnh học của mình đi tìm nguyên nhân đằng sau mỗi triệu chứng của cá nhân. Freudo-Marxism nỗ lực ý thức hoá và tìm hiểu nguyên nhân đằng sau mỗi hiện tượng xã hội, và liên hệ của chúng với tâm lý cá nhân.
***

1

Bất hạnh như một cấm kỵ. Sự không hạnh phúc và sự tiêu cực là thứ cần phải tránh xa, lẩn trốn, và không được đưa vào mọi cuộc nói chuyện, trao đổi, bài viết, và thậm chí là cả suy nghĩ.
Tôi có viết bài cho một tạp chí kinh doanh. Sếp tôi, một người đúng nghĩa theo chủ nghĩa Tào Tháo, luôn mỉa mai và nghi ngờ động cơ đằng sau mọi hành vi của doanh nghiệp, nhưng lại phản ứng dè chừng mỗi khi tôi viết bài có dính một chút tiêu cực vào. Tôi biết đó là do cơ chế của tờ báo, nhưng cơ chế của tờ báo phản ánh cơ chế của người đọc, và cơ chế của người đọc phản ánh cơ chế của xã hội. Con người không chịu được sự tiêu cực, và nếu có nói ra cái gì tiêu cực thì cũng đảm bảo phải vẽ ra được một giải pháp tươi sáng ngay sau đó. Mọi sự bất hạnh phải được bọc đường dưới lớp vỏ trào phúng hoặc bài học rút ra; nếu không gây cười hay không tôn vinh một điều tích cực nào đó, thì cái bất hạnh không tồn tại.
Một vấn nạn từng một thời nổi đình nổi đám là "con quỷ muốn cho lời khuyên," hoặc là nó vẫn nổi đình nổi đám nhưng tôi không còn tiêu thụ những nội dung đó nữa. Khi nghe một người chia sẻ câu chuyện có phần tiêu cực của mình, phản ứng rất bình thường của người đối diện là đưa ra lời khuyên với hi vọng có thể giúp anh bạn tội nghiệp kia vượt qua nghịch cảnh. Nhưng không ai cần nghe lời khuyên, thậm chí là cả khi họ yêu cầu như vậy. Việc cho lời khuyên cũng biến thành một văn hoá độc hại khiến con người dần thu mình, không muốn chia sẻ; đâu ai lại muốn nhận được lời phán xét đầy bực tức "sao có một vấn đề mà mày mãi không giải quyết được vậy?" sau khi chia sẻ chân thành khó khăn của mình, đặc biệt là khi họ đang trong tình trạng dễ-bị-tổn-thương nhất khi tin tưởng người kia mà phơi bày ra vết thương của mình.
Nhưng, việc người bạn kia đưa ra lời khuyên không phải là do họ vô duyên hay không nhận thức được nguyên tắc cơ bản của giao tiếp. Cái nguyên nhân ẩn dấu bên trong là người kia không thể chịu nổi cái ý tưởng rằng cuộc đời có những có khăn không thể vượt qua. Cái ý tưởng này như một bệnh dịch đe doạ cái sự hạnh phúc và tích cực giả tạo trong con người kia, nên anh ta phải tìm cách bác bỏ hoặc dồn nén nó bằng mọi giá. Đưa ra lời khuyên và bực tức khi bạn của mình không nghe theo lời khuyên là một cách để bác bỏ và dồn nén nó. Họ khuyên người khác, nhưng thực chất là để trấn an chính mình. Và khi người kia không làm theo lời họ, họ lập tức ngăn cách bản thân mình và con người bất hạnh kia bằng một bức từng "thằng đó/con đó bị khùng", như người ta xây tường thành và cách ly những người mang bệnh dịch bên trong đó; "bị khùng" là bức tường thành ngăn cách giữa những con người bình thường với sự tích cực của họ và những con người có vấn đề với sự tiêu cực của họ. Sự tích cực, vì vậy, được an toàn.
Cái xu hướng dựng tường, cách ly những điều tiêu cực này có thể quan sát được ở mọi cuộc hội thoại, từ ngoài đời thực đến trên mạng xã hội, và cả những thứ không phải hội thoại như biển quảng cáo, tranh ảnh, thuần phong mỹ tục, chương trình ti vi, trong tâm trí, lúc nằm mơ; chúng được thể chế hoá, tích hợp vô đời sống hàng ngày và biểu hiện một cách tinh tế khó lòng nhận ra được.
Quan sát xem. Một hội bạn thân, một lớp học đoàn kết, một nhóm những bạn trẻ cùng chung chí hướng, một đám cưới, một đám ma, một buổi offline, một chuyến đi phượt, một bữa tiệc tân gia, một tiệc nướng mừng sinh nhật, họ nói gì và bàn về những chủ đề gì trong những buổi gặp mặt ấy, nếu không phải là những thứ mà họ tự hào về chính mình, tự hào về con mình, tự hào về cháu mình, tự hào về bạn mình, tự hào về thần tượng của mình, tự hào về người ngồi cạnh họ ở bến đợi xe buýt. Mỗi thành tựu, mỗi sự tự hào, mỗi trải nghiệm tích cực được góp vô buổi nói chuyện, là một sự hạnh phúc được nảy sinh; rôm rả, cười nói, ấm áp; sự hạnh phúc và năng lượng tích cực được lan toả, cuộc sống này thật tươi đẹp và thiêng liêng; ngay cả những người phiền muộn nhất cũng phải cố nghĩ ra dăm ba chuyện vui vẻ để kể với mọi người; không khí phấn khởi, lạc quan, và đầy hy vọng; ai nấy ra về với nụ cười trên môi.
Gần đây, tôi có đọc một bài viết trên vnexpress, mục ý kiến. Tác giả là một người giỏi tiếng Anh, có thể đoán là vậy từ cái cách anh ta phân tích lời bài hát Happy New Year của ABBA. Tác giả nhận ra được cái sầm thảm và lo âu của những ca sĩ trong bài hát, về sự sợ hãi tương lai, về những mất mát quá khứ, và nỗi cô đơn của hiện tại; và quyết định không bật bài hát này trong dịp Tết sắp tới, cũng như đặt câu hỏi liệu mọi người khác có ý thức được rằng bài hát này nó tiêu cực đến vậy không mà cho phát từ năm này qua năm khác.
Những năm gần đây, nổi lên vụ xem xét lại những câu chuyện cổ tích được kể cho con nít. Mà cũng không cần những tranh cãi gần đây thì cái xu hướng thơ ngây hoá truyện cổ tích cũng diễn ra từ hàng chục năm trời; khi cái đầu lâu trong truyện sọ dừa cùng hình vẽ bà mẹ uống nước từ cái đầu lâu đó được đổi tên thành sọ dừa và hình ảnh một cái sọ dừa dễ thương; cô tấm trong truyện tấm cám không còn làm mắm cô cám để gửi về cho gì ghẻ nữa; chuyện ngụ ngôn của La Fontaine bị lên án vì dạy trẻ em cách lươn lẹo; và có khi sắp tới Mị Nương sẽ không chấp nhận hôn nhân sắp đặt nữa mà bỏ trốn cùng tình yêu Thuỷ Tinh của mình.
Năm 2019 có một vị tiến sĩ tôn giáo học bị cả hệ thống Phật Giáo Việt Nam, từ những vị "cao tăng" đến những Phật tử ngoan đạo lên án, chửi rủa, thậm chí là nguyền rủa, vì dám động đến những thực trạng tiêu cực của Phật Giáo, cũng như sử dụng ngôn ngữ "không phù hợp" khi nói về những điều thiêng liêng. Trong khi bê bối của Phật Giáo Việt Nam thì đâu có thiếu, và cái ngôn ngữ không phù hợp kia cũng chẳng phải để công kích mà là để miêu tả một góc nhìn khác từ những hệ thống tư tưởng khác. Vậy giờ phải làm sao? Dựng tường, gán nhãn những tên kia là tha hoá, cách ly chúng, không để cho cái dịch bệnh gớm ghiếc này chạm được vào cái tà áo thanh khiết của những cao tăng và những Phật tử cao quý còn lại? Sau đó giãy nảy lên mỗi khi có ai đó dám đụng vô cái bí mật ô uế này?
Con người chúng ta sợ những điều tiêu cực đến vậy ư?
Rồi cái thứ được gọi là thuần phong mỹ tục, và cái thứ gọi là luân lý. Chúng là gì cơ chứ, nếu không phải là một cơ chế hoàn hảo giúp dồn nén những thứ tiêu cực, hoặc bị cho là tiêu cực? Chửi tục là vi phạm thuần phong mỹ tục. Ăn thịt chó là vi phạm thuần phong mỹ tục. Chọi trâu là vi phạm thuần phong mỹ tục. Hỗn hào với người lớn là vi phạm luân lý. Không tôn trọng những giá trị truyền thống là vi phạm luân lý. Thuần phong mỹ tục giống như việc con người tôn thờ hình tượng những cô tiên nữ hít sương trời để sống và không có đi đại tiện hay đánh rắm dơ bẩn như những tên tục tĩu dưới phàm trần. Nhưng, nếu như tiên nữ không tồn tại, và nếu ai cũng đi đại tiện, vậy thì chửi tục có gì xấu, chọi trâu có gì xấu, ăn thịt chó có gì xấu, nói về những thứ tiêu cực có gì xấu, và lên tiếng bảo vệ những điều mình cho là đúng thì có gì xấu? Nếu vi phạm cái gì liên quan đến quyền lợi của người khác thì hãy quy định bằng pháp luật. Tại sao lại chơi cái luật rừng là lôi thẻ bài dư luận để đàn áp những thứ rất thật như vậy?
Và hãy nhìn vào trang Facebook của Spiderum. Không phải là minh chứng rõ ràng nhất cho diễn ngôn đàn áp sự tiêu cực, hay những thứ bị cho là tiêu cực - tức những thứ trái ngược với quan điểm của cá nhân hay sao? Tôi nhớ có một lần trang chủ Spiderum đăng bài viết nói về góc nhìn của một con lợn trước khi bị làm thịt. Không ít bình luận tỏ ra e dè, gớm ghiếc như thể bài viết đã kích hoạt một vài mâu thuẫn đạo đức trong họ, sau đó phán xét đạo đức người viết.
Và rồi những bài viết trên Spiderum về những trải nghiệm tiêu cực của bản thân, cũng phải năm bảy lần cầu xin sự tha thứ của người đọc vì dám viết và đăng những thứ tiêu cực này lên; à không, cầu xin sự tha thứ vì ngay từ đầu dám suy nghĩ về những suy nghĩ tiêu cực, phạm huý và làm ô uế vào cái sự tích cực thiêng liêng nào đó của người đọc.
Hãy nhìn xem cái cấm kỵ bất hạnh này thâm nhập vào đời sống cá nhân một cách tinh tế như thế nào.
Đến cả trong giấc mơ, người ta cũng không dám mơ những điều tiêu cực. Ý thức được ví như rạp hát của tâm trí; và giấc mơ là một trạng thái thay đổi của ý thức, nơi con người không có quyền kiểm soát những thứ được chiếu trên rạp hát, và những nghệ sĩ thì trình diễn những nội dung kỳ quặc và rời rạc. Giấc mơ được Freud miêu tả như "con đường dát vàng dẫn đến vô thức", bởi khi không có sự kiểm soát của ý thức và đạo đức, rất nhiều thứ sâu thẳm bên trong con người sẽ được phơi bày ra. Nhưng ngay cả trong một hoàn cảnh như thế, những nội dung tiêu cực nhất cũng không thể hiện ra một cách hoàn chỉnh, mà phải thông qua một quá trình cắt ghép, nhào nặn, bóp méo, ẩn dụ, để tạo ra một tác phẩm không thể nào hiểu được nếu không bỏ tâm ra ngồi phân tích từ năm này qua năm khác. Dồn nén sự tiêu cực dường như đã trở thành bản năng của con người, từ những ngày đầu mới bập bẹ tập ý thức về môi trường xung quanh.
Bất hạnh như một cấm kỵ. Không ai muốn nghe về nó, không ai muốn nói về nó, không ai muốn nghĩ về nó, không ai muốn mơ về nó. Mặc dù nó là những thứ rất thật.
***

2

Tích cực như một vật tổ. Tín ngưỡng vật tổ (totem-giáo) là hình thức xã hội cổ xưa nhất của loài người, nơi mà mọi người trong một thị tộc/bộ lạc tin rằng họ có mối liên kết ruột thịt thông qua một vật thể trung gian thần thánh nào đó. Thần Đạo của Nhật Bản, Thờ Sinh Thực Khí của người Chăm, Thờ Cá Ông ở Vũng Tàu là những vết tích của totem-giáo trong thời hiện đại; Ngọn lửa trong "Chúa Ruồi" của William Golding cũng là một vật tổ; nhưng vết tích mạnh mẽ nhất của totem-giáo nằm ở cái xu hướng của nó trong mỗi con người và trong mỗi cộng đồng.
Trong "Chúa Ruồi", ngọn lửa là vật tổ mang lại văn minh, trật tự, và sự gắn kết cho đám trẻ, còn con quái vật trên đỉnh ngọn đồi là thứ cấm kỵ đáng phải tránh né bằng mọi giá, tuy nhiên cũng mang một sự cám dỗ khó cưỡng. Càng sợ hãi con quái vật thì ngọn lửa càng có uy quyền, càng muốn thoát khỏi hoang đảo thì việc duy trì ngọn lửa càng là việc sống còn. Cái ngày mà bọn trẻ cắm đầu con heo rừng lên cái cọc là ngày mà bọn chúng không còn e sợ cấm kỵ nữa, vật tổ vì thế cũng sụp đổ theo, cái xã hội nhỏ của đám trẻ rơi vào hỗn loạn và man rợ, giết chóc và phá huỷ.
Cái xu hướng totem-giáo này thể hiện trong sự cấm kỵ của bất hạnh và tính vật tổ của tích cực.
Bất hạnh là cấm kỵ; tích cực là vật tổ. Cái sự sợ hãi, dè chừng, khinh bỉ, cô lập, tránh né, dập tắt sự bất hạnh như một chức năng phục vụ cho ý chí sinh tồn của chủng loài; bởi sau khi đàn áp thành công sự tiêu cực trong cuộc đời, thì niềm vui sống sẽ tuôn chảy như một suối nguồn vô tận và sự tích cực sẽ ngập tràn.
Cái cơ chế này là hợp lý và cần thiết. Nếu không nhờ nó thì nền văn minh con người không thể tiến triển như ngày nay.
Khi tìm hiểu về hiện tượng tự sát, tôi nhận thấy một điều: không phải con vật nào cũng có khả năng tự sát. Bởi, để sống, sinh vật chỉ cần làm theo bản năng. Nhưng để chết, nó chắc hẳn phải ý thức được sự sống và sự lựa chọn của mình. Loài nào biết và loài nào không biết tự sát là một chủ đề rất gây tranh cãi; giả thuyết của tôi thì là càng phát triển khả năng ý thức thì con vật đó càng có khả năng biết tự sát. Cá heo là một ví dụ. Khi đặt một tấm gương trước một con cá heo bảy tháng tuổi, nó há mõm, vặn mình như thể đang quan sát những phần cơ thể bình thường không thấy được (Link). Một chú cá heo khác, được đặt tên là Peter; khi chú bị chia tách khỏi Lovatt, người nó yêu thương, nó hít một hơi thật sâu, bơi xuống tận đáy hồ và không bao giờ trồi lên nữa - không giống những con vật khác, hành động thở của cá heo là một nỗ lực có ý thức, nếu nó không trồi lên để thở nữa nghĩa là nó đang tự sát (Link). Người ta tin rằng khả năng ý thức mình trong gương là biểu hiện của sự tự ý thức bản thân mà chỉ động vật cao cấp mới có, tôi tin rằng khả năng tự sát còn là một biểu hiện rõ ràng hơn nữa.
Ý thức được sự sống của mình là khởi đầu của mọi loại ý thức cao hơn. Là khởi đầu của tất cả, của mọi sự phát triển và của văn minh loài người. Nhưng việc này cũng đồng nghĩa với việc ý thức được việc ta có sự lựa chọn; và đây là một lời nguyền, có thể kéo cái văn minh loài người xuống địa ngục. Trong buổi bình minh của nhận thức, con người không tìm được lý do tại sao phải sống tiếp. Vì vậy, họ lảng tránh nó, với đủ thứ như thần thoại, tôn giáo, tình yêu, lý tưởng, giá trị nhân văn, những hình mẫu văn học, lòng vị tha, nghệ thuật. Tất cả đều có một chức năng là vách ngăn cản cá nhân không đi đến được sự thật. Sự thật rằng sự tồn tại của con người, lúc nào đó cũng sẽ chấm dứt; rằng sự tồn tại của con người, thật ra cũng ngớ ngẩn và vô nghĩa, như cách chúng ta đến với sự sống - ngẫu nhiên và vô mục đích. Sự thật này phải bị che dấu và phải bị đàn áp. "Cái chết, giống như ánh mặt trời, không nên bị nhìn chằm chằm vào" - François VI. Cái chết là cấm kỵ và sự sống là vật tổ. Nếu không nhờ cơ chế vật tổ - cấm kỵ, có lẽ loài người đã tuyệt chủng từ lâu.
Cái chết, tôi tin rằng nó là một trong những cấm kỵ lâu đời nhất, bên cạnh loạn luân. Con người bình thường có lẽ không có ai dám lôi chủ đề tự sát, chết chóc, hay loạn luân ra để bàn luận trong một buổi họp mặt vui vẻ đâu. Thậm chí, trong những xã hội totem-giáo thuở sơ khai, ai mà loạn luân hay có tiếp xúc với người chết, dù cố ý hay vô tình, đều phải chịu hình phạt khủng khiếp từ bộ lạc, nhưng kinh khủng hơn là hình phạt khủng khiếp từ bên trong tâm lý của chính họ, dẫn đến những cái chết rất kỳ bí và "ma quỷ" (Freud, 1913).
Sự khiếp hãi những cấm kỵ này càng lớn, thì uy quyền của những vật tổ càng nhiều. Cơ chế này có chức năng, chức năng bảo vệ sự sinh tồn và phát triển của giống loài. Bất hạnh, vì vậy, phải chịu số phận trở thành mồi tế cho sự tích cực và thịnh vượng của con người.
Hãy lấy lại ví dụ về những buổi họp mặt vui vẻ, khi những con người bất hạnh nhất cũng phải cố lục lại những mẩu ký ức vui vẻ hiếm hoi trong tâm trí của mình để góp vui. Đó có thể là một buổi tất niên của gia đình, nơi mà lần lượt ông bà, cha mẹ, anh chị, ai cũng chia sẻ những ước mơ và hy vọng về tương lai; và đứa con út, vốn mang trong mình sự phẫn uất bấy lâu, phá hỏng bầu không khí ấm áp này bằng những suy nghĩ tiêu cực của mình, bắt đầu bởi câu nói "mọi người có bớt giả tạo đi được không?" có thể nói ra thành tiếng hoặc không. Nhưng, có lẽ không ai là không biết họ đang giả tạo. Họ có lẽ còn trải nghiệm đủ sự tiêu cực trong cuộc đời này hơn nhiều lần cậu con út kia, nhưng tại sao họ vẫn phải cố tỏ ra vui vẻ? Không phải để có một chút an ủi trong cái cuộc đời hỗn loạn này thôi hay sao? Vậy thì liệu cậu con út kia có là ích kỷ không, khi phanh phui ra cái sự giả tạo này ra, bởi khi làm thế, có mỗi cậu là cảm thấy khoái cảm, còn trong những người còn lại là sự ghen tị.
Vi phạm cấm kỵ là một khoái cảm; không những thế nó còn mang đến sự ghen tị cho những người xung quanh, bởi "sao hắn lại được vi phạm cấm kỵ, còn mình thì không?" Khoái cảm khi vi phạm cấm kỵ giống như khi một đứa trẻ ăn vụng một miếng bánh sinh nhật vốn dành cho chính nó. Nhưng nếu đứa trẻ nào cũng ăn vụng bánh sinh nhật thì vào buổi lễ sinh nhật còn chiếc bánh nào để đốt nến nữa. Và nếu ai cũng tự do lan toả cái sự tiêu cực và phẫn uất này thì bầu không khí chung của cộng đồng sẽ trở nên tồi tệ và ảm đạm biết bao. Những kẻ này không biết nghĩ cho cộng đồng sao? Thật là một lũ ích kỷ. Và liệu có ai hiểu cho nỗ lực của những kẻ giả tạo kia không? Khi họ là những kẻ đang hi sinh bản thân và cố gắng nhất vì mọi người.
Không cần nói thì Daniel Hauer và gymer Duy Nguyễn chỉ là những nạn nhân của cái cơ chế vật tổ - cấm kỵ này. Họ là những kẻ thành thật hay những tên ích kỷ? Đám đông cuồng nộ là những tên đạo đức giả hay những kẻ bảo vệ giá trị?
Dù sao thì, Tích cực như một vật tổ. Cho dù cái sự tích cực ấy có là giả tạo hay ảo tưởng, nó vẫn có chức năng. Con người không thể nào sống mà không lãng mạn hoá mọi thứ, từ ảo tưởng về thế giới công bằng, ảo tưởng về sứ mệnh cá nhân, hay ảo tưởng về một cuộc đời đáng tự hào. Bởi thực tế vốn khô khốc với những điều bất hạnh bị quỷ ám. Những người tri giác đúng nhất về cuộc đời là những người có nguy cơ trầm cảm cao nhất - như cái cách chủ nghĩa "hiện thực trầm cảm" (depressive realism) phát biểu.
***

3

Con người marketing hoá. Nếu như trong cuốn "Vật tổ và Cấm kỵ", Freud (1913) nhận xét rằng các cấm kỵ nói chung đang biến mất đi ngày một nhiều, thì dường như cấm kỵ bất hạnh lại đi theo chiều hướng ngược lại. Cái sự tránh né bất hạnh, từ một hiện tượng rất bình thường, ngày càng trở nên cực đoan và bệnh lý.
Khi đọc những nội dung lĩnh vực kinh doanh đủ nhiều, thì một người có lẽ sẽ bị ám ảnh với cái ý tưởng "xây dựng thương hiệu cá nhân" đủ nhiều. Nhưng có lẽ không cần đến báo chí, hay thậm chí khả năng đọc hiểu, cái ý tưởng "tốt khoe xấu che" đã ăn sâu trong mỗi cá nhân đến mức coi nó như một điều thiết yếu dẫn tới thành công.
Lang thang trên những group facebook, tôi bắt gặp không ít những "micro influencer" là những cô gái với ngoại hình trẻ đẹp đăng bài tìm kiếm đối tác xây dựng thương hiệu cá nhân - "ngoại hình thì mình có rồi, mình đang cần xây dựng chiến lược nội dung cho thương hiệu cá nhân" - công thức đơn giản nhất để trở thành "KOL" thời nay, mà nội dung ở đây ám chỉ những câu quote tích cực và truyền cảm hứng cóp nhặt được, biến mình thành một hình mẫu phong cách sống, thu hút theo dõi là những người muốn trở thành giống vậy.
Hiện tượng này không phải là mới, chỉ là chưa bao giờ nó trở nên phổ biến, có cấu trúc, có kế hoạch, và chuyên nghiệp như bây giờ. Hơn cả thế, xây dựng thương hiệu cá nhân không chỉ là "tốt khoe xấu che", mà còn là điều chỉnh sở thích, thái độ, tính cách của bản thân theo cái hướng được khao khát bởi mọi người. Nhưng không chỉ là những idol hay micro influencer, mọi người trong xã hội này đều như vậy. Bởi nếu không vậy thì làm sao cái danh tính của bản thân có điểm nhấn trong thị trường được; nền công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ nhân cách vì vậy cũng phát triển không ngừng - với những sách self-help, với những khoá học, hội thảo, và cả trong giao tiếp thường ngày - mọi người bán cho nhau những lời khuyên về cách làm người, như thể thông qua việc này thì họ tăng được giá trị của mình trên thị trường.
Ý của Erich Fromm khi gọi "con người định hướng marketing" là khi cá nhân từ bỏ đời sống nội tâm của mình, coi nhân cách của mình như một món hàng trên thị trường, và để cung cầu xác định xem mình sẽ có những nét tính cách gì.
Tích cực ư? - Tốt, thị trường đang cần những người với nét tích cực. Lạc quan ư? - Tốt, thị trường đang cần. Truyền cảm hứng ư? - Tốt, thị trường đang cần. Đam mê và nhiệt huyết ư? Nụ cười luôn nở trên môi? Kỹ năng giao tiếp linh hoạt? Bản lĩnh và thu hút? Phải đạo chính trị? - Tốt, bỏ hết vào giỏ hàng cho tôi.
Con người định hướng marketing phát triển nở rộ trong thời kỳ kinh tế thị trường phát triển, khi trái đất trở nên phẳng, và con người thích hợp cho các vị trí cần thiết thì thừa mứa - từ nhân viên văn phòng, các cấp lãnh đạo, đến bạn thân và người yêu; nếu người này không còn thoả mãn tôi nữa, tôi có thể dễ dàng tìm kiếm một người bạn thân mới trong thị trường ngoài kia.
Thị trường vẫn phát triển, các công ty không tuân theo quy luật cung cầu bị đào thải, và con người cũng vậy. Chúng ta là ai cơ chứ mà dám vỗ ngực nói rằng mình đứng ngoài quy luật?
Tính tiêu cực và sự bất hạnh không có chỗ đứng trong cái thị trường này. Không ai mà muốn làm bạn, hay muốn tiến cử những người suốt ngày u sầu. Không còn cách nào khác, sự tiêu cực và bất hạnh phải bị dồn nén hơn bao giờ hết trong lịch sử.
Như Marx nói "tư bản không phát minh ra tính xa lạ (alienation), tư bản chỉ làm trầm trọng thêm nó thôi," thì ở đây "thị trường không phát minh ra cấm kỵ bất hạnh, thị trường chỉ làm trầm trọng thêm nó thôi." Mọi thứ đều có mức độ của nó; từ một cơ chế khoẻ mạnh, chỉ cần làm trầm trọng thêm một chút, sẽ trở thành một cơ chế bệnh lý.
***

4

Những thứ bị dồn nén luôn tìm cách quay trở lại. Freud nói vậy; và nếu có đúng không thì hãy thử thí nghiệm nổi tiếng về con thỏ màu xanh lá - càng cố không nghĩ về nó thì hình ảnh con thỏ màu xanh lá càng xâm nhập vào tâm trí (Clark và c.s, 1993); và nhớ lại xem những lúc đang phải che dấu điều gì thì đó có phải là những lúc bất an nhất và không thể dừng suy nghĩ về cái điều phải che dấu đó nhất không.
Phóng sự tổng kết năm 2020 của VTV có trích lời phó thủ tướng Vũ Đức Đam, rằng "đạo đức xã hội đang thực sự xuống cấp," với các cơ cở lợi dụng tôn giáo và từ thiện để trục lợi, các giang hồ mạng livestream trở thành idol, tăng nhanh các vụ cướp ngân hàng, tham nhũng đất công, nâng khống giá thiết bị y tế, v.v..
Tôi không chắc nhận xét này có thực sự đúng với các số liệu thống kê hay không. Tôi cũng không rõ đạo đức xã hội được định nghĩa như thế nào là chính xác. Nhưng rõ rằng ấn tượng về một 2020 nhiều tội phạm và tệ nạn là thật. Có lẽ là do những áp lực tới từ covid và thiên tai ư? Nhưng nếu không có cái mồi gì đó sẵn, thì stress đến cách mấy cũng đâu làm đạo đức con người xuống cấp như vậy được? Vì sao mà con người lại làm điều xấu nhỉ?
Tạm bỏ qua tội phạm có tổ chức. Con người không thường phạm pháp hay làm điều xấu một cách có ý thức và có tính toán, con người thường phạm pháp một cách rất bộc phát, vô ý thức, và vô lý. Một đứa trẻ khi bóp cổ chết đứa em của mình, nó thậm chí còn không ý thức được điều đó, cho đến khi đứa em của mình chết thật rồi, nó mới nhận ra điều mình vừa làm; truyền thông đổ lỗi cho bà hàng xóm tiêm nhiễm vào đầu đứa trẻ rằng ba mẹ đẻ em bé là không còn thương nó nữa, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng lời nói của bà hàng xóm này (như một hành động thể hiện quyền lực bằng cách áp đặt nỗi sợ) chẳng có mấy giá trị với đứa trẻ, nếu nó không có một vài ý tưởng gì đó sẵn rồi.
Tôi tin rằng một sự bất mãn, hay mạnh hơn là một sự phẫn uất tích tụ, là căn nguyên của những hành vi phá huỷ này; và đối tượng cho cái sự phá huỷ có khi còn chẳng liên quan gì đến nguyên nhân của sự tích tụ bất mãn. Nguyên nhân cho sự bất mãn và phẫn uất thì xuất phát từ những xung năng không được thoả mãn, hay một cách lỏng lẻo là từ việc dồn nén những cảm xúc của bản thân.
Có lẽ tôi đang chụp mũ, nhưng tháng rồi tôi có tham dự một đám tang; nhà gia chủ có phát kinh Phật, nhưng tất cả những gì tôi nghe được chỉ là Nho giáo đã được chính trị hoá từ thời nhà Hán bên Trung Quốc, hoàn toàn không có một chút Phật giáo nguyên thuỷ nào; một cuốn băng phát từ sáng đến tối, mà tất cả nội dung đều xoay quanh hai chữ Đạo Hiếu, và cách đứa con sẽ bị trừng phạt khủng khiếp thế nào khi không quy phục cha mẹ, thậm chí khi cha mẹ có chửi mắng, đánh đập đứa con ra sao đi nữa, bởi dù sao thì việc này cũng xuất phát từ "tình yêu thương" của cha mẹ; ừ, chắc là yêu thương, chắc có lẽ chỉ trừ cái ông cha dượng bị tuyên án tử hình vì bạo hành đến tử vong một bé trai 3 tuổi hồi tháng 11 vừa qua. Liệu có quá không khi gọi cuốn băng này là một nỗ lực để áp đặt hệ tư tưởng của giới cai trị?
Có bao nhiêu thứ trong xã hội hoạt động tương tự cuốn băng này rồi, những tư tưởng tích cực một chiều độc hại. Đừng nói với tôi đây chỉ là một đoạn băng bày tỏ lòng biết ơn và yêu thương với cha mẹ, tôi tin chắc rằng không ít người đang khốn đốn vì những lời tuyên truyền thế này, những người không thể căm ghét được cha mẹ mình dù họ có tồi tệ ra sao; và cuối cùng, họ phải căm ghét ngược lại chính bản thân mình vì dám nảy ra ý tưởng căm ghét cha mẹ - một ý tưởng không thể chấp nhận được mà họ đã nội hoá từ những thứ được tuyên truyền.
Cái sự căm phẫn và uất hận sẽ trở thành xung năng phá huỷ, mà triệu chứng là những căn bệnh nhiễu tâm (rối loạn tâm thần có nguyên do từ tâm lý), hoặc những hành vi độc ác với người khác.
Liệu một người luôn mồm nói về sự tích cực thì những sự tiêu cực trong anh ta có được thuyên giảm hay không; hay là anh ta sẽ ngày càng trở nên xa cách với cơ thể và cảm xúc của mình? Và nếu anh ta không còn kết nối được với cảm xúc của mình, thì điều gì sẽ điều hướng anh ta trong cuộc sống? Lý trí, kỷ luật, và nguyên tắc ư? Tôi thì không bao giờ tin tưởng được một người không sử dụng được cảm xúc của mình, những tên thái nhân cách đích thực. Hoặc nếu không thái nhân cách thì cái cách anh ta dồn nén những cảm xúc của mình, tôi tin chắc rằng có một sự uất hận nào đó bên trong anh ta, và cái lý trí, kỷ luật, và nguyên tắc sẽ trở thành giáo điều và gia trưởng, làm đau khổ và phá huỷ những người thân bên cạnh anh ta. Câu thoại nổi tiếng trong The Dark Knight "một vài kẻ chỉ muốn chứng kiến thế giới này bị thiêu rụi," tôi tin nó không chỉ nói về những tên tội phạm tâm thần như Joker, mà nói đến một phần nào đó bị dồn nén và phẫn uất trong mỗi con người, cái phần đó cảm thấy được kết nối, được vỗ về, và được thoả mãn khi xem những bộ phim về những nhân vật phản diện. Và điều thú vị với cái phần độc ác và phẫn uất này là cá nhân không ý thức được nó, nếu may mắn thì chỉ có những người xung quanh mới cảm thấy có vấn đề gì đó với anh ta. Nếu không bị làm cho mất trí, họ sẽ thấy được sự độc ác của những kẻ cực đoan với sự tích cực này.
***

5

Tính hai mặt của cảm xúc. Sau cái chết của người thân, một hiện tượng được ghi nhận rộng rãi là sự tự trách mình và cảm thấy tội lỗi của cá nhân (e.g., Ylitalo, 2007; Stroebe, 2014). Nhiều người cho rằng họ có lỗi khi không chăm sóc người thân đủ tốt trong những ngày cuối cùng. Tuy nhiên, cũng có những người, tôi tin là rất nhạy cảm với cảm xúc, để ý thấy rằng trong đống cảm xúc đau buồn lẫn lộn, có một cảm xúc về niềm vui và sự thanh thản. Họ vui vì người thân của mình (cuối cùng cũng) mất; điều này chắc chắn không thể chấp nhận được với một cá nhân có lương tâm khoẻ mạnh, nên gây nên một sự tội lỗi không thể nào hoà giải và dẫn tới trầm cảm.
Freud, tất nhiên, không thể nào không chú ý tới hiện tượng này; và ông gọi đây là "tính hai mặt" của cảm xúc, rằng càng yêu một người thì ta càng ghét họ, càng tôn thờ một người thì càng khinh bỉ họ, và càng muốn bảo vệ một người thì càng muốn gây hại cho họ.
Đoạn sau trong tiểu thuyết "Căn cước" của Milan Kundera miêu tả tuyệt đẹp tính hai mặt của cảm xúc: Trong mất phút nỗi buồn nhớ lạ lùng ập đến nàng trên bãi biển, nàng đột nhiên nhớ đến đứa con đã chết và một cơn sóng hạnh phúc ùa vào nàng. Rồi sau nàng sẽ thấy hoảng sợ thứ cảm xúc đó. Nhưng trước cảm xúc không ai làm gì được, nó tự nảy ra và không chịu sự kiểm soát nào. Hối hận về một hành vi, một lời nói nào đấy thì được, chứ không thể hối hận về một cảm xúc, đơn giản là vì chúng ta không có quyền lực gì với nó. Ký ức về đứa con đã mất làm nàng thấy hạnh phúc, và nàng chỉ có thể thắc mắc là điều đó có nghĩa gì. Câu trả lời đã rõ: điều đó có nghĩa là sự có mặt của nàng bên cạnh Jean-Marc là tuyệt đối và nó có thể tuyệt đối được là nhờ sự vắng mặt của đứa con trai nàng. Nàng cảm thấy hạnh phúc vì con nàng đã chết. Ngồi đối diện Jean-Marc, nàng muốn nói ta lên với anh điều đó, nhưng không dám. Nàng không biết anh sẽ phản ứng thế nào, sợ rằng anh lại cho mình là đồ quái vật. [...] Vào buổi chiều ấy, ngay trước khi thiếp ngủ (Jean-Marc đã ngủ rồi), nàng còn nhớ đến đứa con đã mất một lần nữa, hồi ức đó lại kéo theo cái đợt sóng hạnh phúc đáng khinh ghét kia. Và khi ấy nàng tự nhủ rằng mối tình của nàng với Jean-Marc thật quả là một chuyện tà đạo, một sự vi phạm các luật bất thành văn của cộng đồng loài người mà nàng đã lánh xa; nàng tự rằng cần phải giữ kín mối tình thái quá này để khỏi gây cho người khác sự phẫn nộ căm tức. (Ngân Xuyên dịch)
Lỡ văn vở rồi, để văn vẻ thêm chút nữa có lẽ nên mượn lời Jung ở đây: "đó là một psyche, mà cái bản chất của nó chỉ có thể miêu tả bằng những nghịch lý: nó là cá nhân cũng như phi cá nhân, đạo đức và vô đạo đức, công bằng và bất công, luân lý và phi luân lý, trí thông minh xảo quyệt đồng thời cũng mù loà ngu dốt, mạnh mẽ một cách vô hạn và yếu đuối một cách vô cùng, v.v..” (Thư Jung gửi Kelsey, 3 May 1958). 
Cái vô thức, trong phân tâm, là một bể chứa những xung năng, là mọi ham muốn và cũng là mọi năng lượng cho mọi hoạt động tâm thần lẫn thể chất; một cách lỏng lẻo, có thể coi những năng lượng này là những cảm xúc. Và khi cảm xúc ở dạng vô thức, nó vô định hình, vô lý lẽ, và cũng không chịu bất kỳ sự phán xét đạo đức nào của ý thức. Phán xét cảm xúc có lẽ là cái trò chơi của văn minh và ý thức; ý thức thì biến cảm xúc, vốn là những xung động của sinh lý, thành một trải nghiệm cảm xúc; văn minh thì phân loại chi tiết thái độ cho cảm xúc đó, rồi gán ý nghĩa cho nó. Văn minh dạy cho ta một số cảm xúc là được hoan nghênh, và một vài cảm xúc là đáng xấu hổ, đáng cảm thấy tội lỗi, và đáng bị trừng phạt.
Nhưng cái quá trình nhào nặn, định hình, gán ý nghĩa cho cảm xúc, để biến một cái từ không-là-gì thành một cái là-gì, hẳn cũng phải tạo ra một cái phản-là-gì; giống như định luật cổ điển trong vật lý - năng lượng không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, vật này sang vật khác. Để tạo nên một cảm xúc hạnh phúc thì phải có một đối trọng bất hạnh, bởi nếu không có sự bất hạnh để so sánh thì làm sao cá nhân có ý tưởng về sự hạnh phúc; để tạo nên một một cảm xúc yêu, thì cá nhân phải có một cảm xúc ghét làm đối trọng, nếu không thì sao cá nhân hiểu yêu là gì; để hiểu sự tích cực thì cá nhân phải rất thấm sự tiêu cực. Giống như đồ thị hình sin, một cực cảm xúc càng mạnh mẽ thì cực còn lại cũng sẽ mạnh mẽ tương đương - biên độ càng thấp thì hạnh phúc lẫn bất hạnh cũng nhạt nhẽo như nhau; biên độ càng cao thì hạnh phúc lẫn bất hạnh cũng mạnh mẽ như nhau. Vì vậy, tôi không tài nào hiểu được và không thể nào tin được những quan niệm như "gạt bỏ những đam mê tiêu cực, để hướng tới những đam mê tích cực và tình yêu thương."
Nhưng cái văn minh, khốn nạn thay, luôn ép cá nhân dồn nén mặt còn lại của cảm xúc. Đối với người thân yêu thì chỉ có yêu, không có ghét. Đối với kẻ thù thì chỉ có ghét, không có yêu. Vậy là cá nhân không có cách nào khác, phải tách hai mặt của cảm xúc ra thành hai cảm xúc riêng biệt; rồi hoặc là tìm cách dồn nén cái mặt vô luân kia, hoặc phóng chiếu nó lên một thứ khác. Phóng chiếu cảm xúc tiêu cực lên một thứ, và giữ lại cảm xúc tích cực lại một thứ là cơ chế của hiện tượng vật tổ - cấm kỵ. Phóng chiếu càng nhiều sự tiêu cực lên cấm kỵ, thì càng nhiều sự tích cực được giữ lại với vật tổ.
Nhưng vô ích, ý thức con người thì có thể bị đánh lừa, nhưng vô thức thì không thể. Cái phức cảm oedipe dù được dồn nén ra khỏi ý thức, nhưng được cài cắm một cách tinh tế, và kết quả là cá nhân sau này có xu hướng yêu và cưới một người có điểm gì gợi nhớ lại người cha/mẹ khác giới của mình khi xưa. Những người nổi tiếng được hưởng nhiều quyền lợi nhất, cũng là những người bị dò xét và bị phán xét thậm tệ nhất mỗi khi làm sai; được bọc dưới lớp vỏ "quyền lợi đi đôi với trách nhiệm" là cái cảm xúc vừa yêu vừa ghét của người theo dõi.
Ở thời cổ đại, những người mà ta yêu thương nhất, như cha mẹ, vợ chồng, hay con cái, khi chết đi sẽ trở thành những nỗi ám sợ kinh hãi nhất cho cá nhân. Điều này nghe hoàn toàn trái ngược với thời đại này, khi ta có xu hướng tin rằng ông bà, cha mẹ ở trên trời cao vẫn đang yêu quý và phù hộ cho con cháu. Nhưng một tư tưởng như ở vế sau chỉ xuất hiện mãi tận sau này, khi cái xu hướng cấm kỵ được thuyên giảm; ở một xã hội cổ xưa, nếu không thể ghét một người còn sống, thì mọi sự căm ghét sẽ được chuyển sang hồn ma của họ khi đã chết; ở một xã hội hiện đại, cá nhân có thể tự do yêu lẫn ghét một người còn sống, sự căm ghét không bị dồn nén, thì khi họ chết cái nhu cầu căm ghét hồn ma của họ cũng không còn.
Đó là cách cảm xúc hoạt động, luôn có hai mặt, và càng dồn nén một cảm xúc nào đó thì nó sẽ càng tìm những cách khác để biểu lộ ra ngoài. Freud cho rằng ở những người nhiễu tâm thì cái xu hướng hai mặt của người cổ đại được thể hiện mạnh mẽ, và để chữa trị cho họ, tất nhiên là phải lôi những cảm xúc căm ghét, những cảm xúc bị cấm kỵ ra ánh sáng của ý thức; để họ chấp nhận chúng, và sau khi chấp nhận rằng mình có những cảm xúc vô luân này, rất tự nhiên, triệu chứng của họ biến mất. Nhưng tất nhiên, phương pháp này gặp rất nhiều sự kháng cự, bởi đâu phải ai cũng chấp nhận cái mặt tà đạo của mình giống như nhân vật nữ trong truyện của Milan Kundera.
***

6

Mỗi một lựa chọn đều là sai lầm và bệnh lý. Mục 5 phía trên không phải là giải pháp, bởi cứ cho là cá nhân thấu hiểu và chấp nhận được tính hai mặt của cảm xúc, nhưng anh ta cuối cùng vẫn phải lựa chọn một thái độ và một cách hành động nhất định trong từng trường hợp; ừ thì tôi vừa yêu vừa ghét cha mẹ, nhưng tôi vẫn phải yêu cha mẹ nhiều hơn ghét/hoặc ghét nhiều hơn là yêu; ừ thì tôi vừa yêu vừa ghét kẻ thù của mình, nhưng tôi vẫn phải ghét họ nhiều hơn là yêu/hoặc yêu nhiều hơn là ghét; ừ thì tích cực và tiêu cực, bất hạnh hay hạnh phúc luôn đi kèm với nhau, nhưng tôi vẫn hoặc hành động theo cách lan toả sự tích cực, hoặc hành động theo cách miêu tả chân thực sự bất hạnh của cuộc đời.
Ở dạng khả thể thì luôn tồn tại mọi khả năng, con mèo của Schrodinger có thể vừa sống vừa chết; nhưng ở hiện thực, khi được "nhìn" thì con mèo chỉ có thể hoặc sống hoặc chết; nhìn ở đây là gì thì còn bỏ ngỏ, ai biết được là cái nhìn triết học của Sartre hay cái nhìn bằng tế bào nón và tế bào que của vật lý học. Dù sao thì, hiện thực hoá là một quá trình hi sinh và chọn lựa.
Và khi lựa chọn cho mình một thái độ đối với một sự việc, như một hệ quả, anh ta đang tạo ra cho mình một sự dồn nén, có thể là mạnh, có thể là yếu, đối với cảm xúc ở chiều ngược lại. Đó là lý lo tôi tin mỗi sự lựa chọn đều là bệnh lý; nhưng dù sao thì bệnh lý và sự mâu thuẫn trong tinh thần vốn là động lực cho mọi hoạt động của con người.
Tôi thích một từ như "lựa chọn" hơn một từ như "giải pháp" rất nhiều. Bởi lựa chọn, ngay trong từ ngữ của nó, hàm chứa một sự chủ quan và một sự hi sinh/đánh đổi; nói chung là một sự không hoàn hảo và cá nhân phải chấp nhận và chịu trách nhiệm cho nó. Và khi không hoàn hảo thì mỗi lựa chọn đều là sai lầm.
Mỗi một lựa chọn là bệnh lý và sai lầm, nhưng nếu không lựa chọn nghĩa là cá nhân đang chủ động lựa chọn việc trốn tránh trách nhiệm của mình, nghĩa là chối từ sự tồn tại và hiện hữu của mình; không phải nó là điều gì sai trái, chỉ là đây cũng là một sự lựa chọn. Và dù có thế nào đi nữa, dù có lựa chọn ra sao, tôi nghĩ tốt hơn hết là nên ý thức về cái sự lựa chọn này.
Bài viết liên quan:
1, Về sự lựa chọn của con người
2, Về sự cần thiết của sự tự quyết (giành lấy quyền lựa chọn)
__________________________________________
Bài viết đơn giản là miêu tả một hiện tượng mà tôi tin rằng ai cũng biết, chỉ là có ý thức được rằng mình có biết hay không thôi. Hy vọng bài viết có thể ý thức hoá được một phần nào đó những hiểu biết này, và cũng hi vọng rằng việc trình bày nó dưới một hệ thống ngôn ngữ khác sẽ giúp những góc nhìn khác được triển nở.
__________________________________________
Tham khảo:
1, Freud, S. (1913). Totem and Taboo. (Đoàn Văn Chúc dịch)
2, Fromm, E. (1947). Man for Himself: An Inquiry Into the Psychology of Ethics.
----Surphi10, 06/01/2021