"nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh và như thấy, kiếp xưa bước nhẹ về
— Phạm Duy —
Theo thời gian, chúng ta ngày càng thuần thục trong việc xử lý cảm xúc. Ai cũng muốn có được nhiều cảm xúc tích cực: vui vẻ, dễ chịu, bình an…. , sẵn sàng theo đuổi những phương pháp để kéo dài mãi, dài nữa những cảm xúc tích cực ấy.
Nhưng một lần nữa, bản chất bất định và những o ép kiên cố của cuộc sống luôn đảm bảo rằng không gì có thể kéo dài mãi. “Có vui ắt phải có buồn” (ngạn ngữ Nhật Bản). Nỗi buồn, cảm xúc khó chịu… rồi cũng sẽ đến và chúng cũng có thật y như những cảm xúc tích cực vậy.
Khi liên tiếp có được những cảm xúc tích cực, ta cho rằng mình có tự do tận hưởng cuộc đời, tự do vui sống. Nhưng rồi cảm xúc tiêu cực chắc chắn sẽ đến, ta nhận ra rằng “tự do vui sống” chỉ là ảo tưởng không bền vững. Sẽ không có công ty bảo hiểm nào dám cung cấp dịch vụ bảo hiểm cảm xúc tích cực cả ngày đâu!
img_0
Khoảnh khắc nhận ra sự không bền vững trên có thể là khoảnh khắc người ta nhìn ra các giới hạn hiện hữu trong cuộc sống từng cá nhân. Có những giới hạn cả về vật chất, thể chất lẫn tinh thần. Rất nhiều người thử vượt quá giới hạn, rất ít người thành công. Rất nhiều người đi học các khoá làm giầu, rất ít người thực sự đổi đời. Và kể cả với những người đổi đời, những giới hạn mới chắc chắn sẽ xuất hiện.
Nếu bạn là người thường xuyên cảm nhận, hay thường xuyên thử thách những giới hạn này một cách vô tình hay hữu ý, tự nhiên đến một lúc nào đó bạn sẽ đi tìm lời giải thích khả dĩ cho sự tồn tại những giới hạn trong đời mình. Bạn sẽ không nhìn vào bản chất của cuộc sống mà tôi đã hé lộ trong những phần trên (những o ép nội tại và bản chất bất định), mà thông thường, như vố số người khác trên thế gian, bạn sẽ đi đến một loại kết luận đại loại như sau:
“Số tôi nó thế”
Vào thời điểm bạn đi đến kết luận trên, thực chất bạn không còn là một người vô thần nữa. Bạn cũng không còn là người chỉ tin vào khoa học nữa.
(thế quái nào mà chủ nghĩa vô thần hoặc khoa học có thể giải thích sự tồn tại của “số phận”? Tôi chưa hình dung ra nổi)
Dù ý niệm “số phận” có rõ ràng hay không, dù bạn thấy những quan điểm kể trên có thuyết phục hay không thuyết phục với bạn, việc bạn bắt buộc có lúc phải đối diện với những giới hạn trong đời mình ắt sẽ dẫn bạn đến những loại niềm tin khác nhau về sự tồn tại của những thứ gì đó, những nhân vật hay những thế lực nào đó nằm ngoài tầm hiểu biết và kiểm soát của bạn. Khi nói rằng “bạn không còn vô thần nữa” thì ý tôi là vậy. Khi bạn tin vào điều gì đó khoa học chưa kiểm chứng được, bạn đã không còn vô thần nữa rồi.
Tôi gặp rất nhiều người tự nhận mình “vô thần”. Nhưng có thực sự như vậy không? cùng nhìn vào một vài chuyện tưởng không liên quan nhé.
Nếu bạn ở Việt nam, tôi cá 99% rằng:
. Bạn có đốt vàng mã một tháng 2 lần
. Cơ quan bạn có bàn thờ thần tài, có người thắp hương hàng ngày
Công nhận không?
Tất nhiên bạn có thể nói rằng bạn chẳng có niềm tin nào đặc biệt trong những chuyện trên cả, chỉ đơn giản là làm theo truyền thống, làm theo những gì mọi người làm thôi. Nhưng ngay từ đầu, tại sao bạn lại làm theo bất cứ điều gì người khác làm? Chẳng phải có việc nhiều người làm mà bạn vẫn không làm đấy sao (vd. chạy maraton, chơi đàn …. rất nhiều người làm đấy :)  ) ?
Và còn một điểm quyết định: liệu bạn có dám thử không đốt vàng mã nữa không? (*)
Nếu bạn thấy bất an khi không đốt vàng mã nữa, thực chất bạn vẫn tin vào giá trị của hành động (đốt vàng mã) đó. Cho rằng “có kiêng có lành” cũng chính là một loại niềm tin vào một thứ gì đó mơ hồ chẳng có căn cứ rõ ràng.
Những loại niềm tin chẳng cần đến một căn cứ rõ ràng nào như thế thực sự là phép màu kỳ diệu mà chỉ xã hội con người mới có!
Chỉ cần dựng nên một câu chuyện có vẻ hơi hợp lý, trích dẫn một vài nhân vật huyền bí nào đó, người ta có thể khiến khối người tin. Bình thường nhà bạn chẳng có chuyện gì, khi có chuyện nhỏ, có người bảo đi xem thầy, rồi cần thiết thì cúng bái chút ít. Đến khi đã gặp “thầy” rồi, hầu đảm bảo trên 90% là “hoá ra” nhà bạn đang hạn rất nặng, nhưng may còn kịp, và bạn sẽ chi bất cứ số tiền “nhỏ” nào cho lễ cúng mà thầy yêu cầu. Cúng lễ mà thành thì là do thầy cao tay, còn không thành thì là do nhà bạn chưa đủ “thành tâm”.
Rất nhiều người bị thao túng bởi niềm tin như vậy.
Ở chiều ngược lại, bạn không gặp “hạn” gì cả nhưng muốn làm ăn thuận lợi hơn một chút, đủ để vượt ông hàng xóm thôi. Dù đã học mấy khoá làm giàu, rồi theo cả những khoá “chuyển hoá năng lượng”, “làm chủ số phận”, “năng đoạn kim cương” …. rồi nhưng bạn vẫn chưa thấy thành quả ngay. Muốn đi nhanh hơn chút, có người lại mách bạn đến các ông thầy. Gặp thầy rồi thì “hoá ra” bạn sắp gặp quý nhân phù trợ, sắp vào cầu đến nơi rồi, chỉ cần …. (tiếp theo thế nào tự bạn điền tiếp vào chỗ trống giúp tôi nhé).
Và cuộc sống cứ thế xoay vần. Giữa những sức ép, trong sự bất định, đi tìm các cảm xúc dễ chịu và chiến đấu với các khó khăn! Dù thế nào, sớm hay muộn trong bạn cũng sẽ hình thành một loại niềm tin nào đó, chỉ là bạn chọn tin vào điều gì mà thôi.
img_1
đọc thêm về hạnh phúc: 
và về khó khăn mất mát: 
Hà nội, tháng 1 năm 2024
“từ đó ta là đêm
nở đoá hoa vô thường”
— Trịnh Công Sơn —
(*) Thực tế Giáo hội VN từng có công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các chùa vì Đức Phật không hề dạy các hình thức cúng lễ. Tuy nhiên có vẻ không ai dám nghe lời Trung ương Giáo hội Phật giáo :). Bản thân tôi đi Thái thấy bên đó không hề đốt vàng mã, thậm chí trong chùa cũng không thắp hương luôn, chỉ cúng mùi hương bằng hoa. Không có đốt cái gì cả nên trong chùa rất sạch sẽ, ít hoả hoạn.
--- bonus ---
Đến đây xin thử giới thiệu một phương án trả lời cho 3 câu hỏi lớn của kênh youtube kiểu triết lý dạy đời đã giới thiệu ở phần #1 (tên kênh này là “sự thật man”, thật sự là tôi ko biết gì kênh đấy đâu, chỉ mượn 3 câu hỏi từ đó thôi ạ) :)
Tôi là ai?:
Tôi là một cỗ máy xử lý cảm xúc (một loại instant logic tự động đi kèm với xung lực hành động)
Đây là đâu?:
Đây là một nơi có bản chất bất định được thiết kế với các o ép bền vững cả về vật chất lẫn tinh thần, nó không ngừng đặt ra các thách thử mở và không có công thức nào để “chiến thắng trò chơi” cả
Tôi làm gì ở đây?:
Không nhất thiết phải có câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi này. Ở mức độ căn bản tối thiểu, cuộc sống không cần bất kỳ một ý nghĩa ngoại lai nào, cuộc sống có thể tự nó vận hành một cách hoàn toàn khách quan. Một cách tự nhiên “tôi” luôn muốn sống tốt hơn, ngày mai có nhiều cảm xúc tích cực hơn hôm nay và mãi mãi như thế. Mong muốn ấy sẽ luôn gặp phải các giới hạn được tóm tắt bằng một khái niệm mơ hồ là “số phận”. Một số người chấp nhận số phận, một số người không, một số muốn thay đổi số phận ngay và luôn. Mọi người đều khác nhau nhưng mọi người đều ít nhiều sống với một số niềm tin vào những thế lực bí ẩn ở đâu đó trong vũ trụ còn nhiều điều chưa biết.