“những đêm thức giấc nhìn trăng úa tưởng lửa rừng xa đốt giữa mây
— Phạm Thiên Thư —
Như đã phân tích, cuộc sống được thiết kế sẵn với những thôi thúc hay o ép thường xuyên từ tự nhiên, môi trường hay xã hội. O ép ở đây được hiểu theo nghĩa dù bạn là ai, bạn không thể tự do làm bất kỳ điều gì bạn thích mọi lúc mọi nơi, bạn không thể hoàn toàn tự do tận hưởng và vui sống.
“Vui sống tự do” về cơ bản là không thể kéo dài.
Có lần tình cờ lang thang ngoài xã hội, tôi được một anh bảo vệ kể lại câu chuyện buồn đấu tranh với bệnh ung thư của gia đình anh. Tôi vẫn còn rất nhớ câu anh kết luận: Chạy vạy tốn rất nhiều tiền của mà rốt cuộc mất mát vẫn hoàn mất mát.
Vâng, trên thực tế rất nhiều hoàn cảnh cho thấy dù ta không ngừng phải bỏ ra nhiều nỗ lực, không ngừng đầu tư vào cuộc sống, có rất ít đảm bảo chắc chắn về thành quả thu được. Tai nạn, bệnh tật có thể bất chợt xảy đến và cuốn đi mọi thứ. Với những hoàn cảnh như vậy, không dễ dàng để người ta chấp nhận rằng mọi công sức đầu tư và những mất mát đều chỉ là vô nghĩa. Sự vất vả thường ngày này rất cần một lý do để duy trì!
Với tất cả những sức ép an sinh, với tất cả cố gắng và nỗ lực để vượt qua các áp lực trong đời sống này, tự nhiên người ta nảy sinh ý nghĩ:
Rốt cuộc những nỗ lực này phải có ý nghĩa gì chứ!
Tóm lại, tôi cho rằng chính vì bản chất bất định và các o ép của cuộc sống (may mắn, tai nạn, ăn ở, quy định xã hội ….) mà con người tự đặt ra vấn đề ý nghĩa cuộc sống.
img_0
Khi bạn là người may mắn, có nhiều tự do lựa chọn hơn người khác, “thừa điều kiện” vượt qua dễ dàng những o ép của cuộc sống và cũng chẳng chịu cú sốc nào bất ngờ thì sự bất định kia đơn giản chỉ cho bạn thêm những trải nghiệm thú vị. Cuộc sống càng nhiều tự do và thú vị, ý nghĩa của nó càng ít cấp thiết.
Nhưng khi bạn là người thiếu may mắn, sự bất định tạo ra cảm giác chênh vênh. Bị o ép bủa vây, cảm giác chênh vênh làm cuộc sống càng bấp bênh và lúc chẳng may gặp tai nạn, ốm đau bạn càng cảm thấy rơi vào ngõ cụt. Lúc đó ý nghĩa cuộc sống càng trở nên cần thiết. Ý nghĩa cuộc sống khi được sáng tỏ sẽ trở thành niềm an ủi lớn, thành cứu cánh cuối cùng, nó cho bạn vũ khí tối thượng để chống lại thậm chí cả cái chết như trong sách thường ca ngợi: Hy vọng
Nhưng kể cả khi đã thắp được lên hy vọng, câu chuyện chưa chắc dừng lại ở đó. Cuộc sống đủ đa dạng và bất định để làm vài cú twist nữa. Có người tìm thấy cho mình ý nghĩa và trở lại ngoạn mục, nhưng cũng có những niềm hy vọng được thắp lên để rồi lụi tàn dần. Hy vọng lụi tàn và ý nghĩa cũng dần tan biến. Thậm chí với một số người khi ở vào bước đường cùng, ý nghĩa của cuộc sống đã biến mất.
Những người cùng quẫn có thể hoàn toàn ngừng suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống, họ không còn đủ thời gian hay sức lực để lo nghĩ đến bất kỳ cái gì ngoài mạng sống của bản thân. Ý nghĩa đã ra đi từ lâu nhưng hy vọng vẫn còn: hy vọng sống. Hy vọng đã co rút lại mức độ nhỏ nhất của nó là hy vọng được sống, chỉ cần được sống là đủ, chẳng cần thêm bất cứ ý nghĩa nào dẫn dắt nữa. Ở mức độ tối thiểu đó, bản thân cuộc sống là hy vọng, bản thân cuộc sống là ý nghĩa.
Cá nhân tôi thích tiếp cận vấn đề “ý nghĩa” cuộc sống từ góc độ tối thiểu đó. Ít nhất là không quên mức độ này. Một dạo một bạn học sinh quen tình cờ trên mạng liên tục hỏi tôi về ý nghĩa sống, mục đích sống trong khi bạn thừa nhận đang gặp vấn đề không thể tập trung vào những việc hàng ngày như học hành, làm bài tập…. Dường như không làm sáng tỏ “ý nghĩa cuộc sống” thì bạn không thể tập trung việc khác được. Sau nhiều nỗ lực giải thích cho bạn chủ đề này nhưng nhận thấy trả lời thêm chỉ khiến bạn lại hỏi và rối thêm, tôi đã đặt ngược lại cho bạn câu hỏi:
“Vậy ngày mai bạn có phải ăn không?”
Nói thế không phải là tôi phủ nhận mọi ý nghĩa cuộc sống. Bản thân tôi từng đọc “Đi tìm lẽ sống”, “Bắt đầu với câu hỏi Tại sao” và công nhận đó là những cuốn sách thực sự hay/ có ích. Chỉ đơn giản tôi thấy tư duy đi tìm lý do/ mục đích/ ý nghĩa là tương đối khó, không dành cho đại chúng. Nếu bạn không tự đặt cho mình trách nhiệm phải dẫn dắt nhiều người đi đến một cái đích nào đó thì không nhất thiết phải rèn luyện loại tư duy “tìm ý nghĩa cuộc sống” bằng mọi giá.
Với những người thấy chỉ cần dẫn dắt bản thân mình là đủ, tôi đề xuất 2 câu hỏi sau để thay thế:
. Bản chất thật sự/ tối hậu của cuộc sống là gì? và từ bản chất ấy thì . Điều quý giá nhất với một người đang sống là gì?
Theo tôi đó là 2 câu đủ khó nhưng đủ thiết thực để bắt đầu, và tôi sẽ rất vui nếu có dịp chia sẻ sâu với bất kỳ ai về 2 câu hỏi này :)
phần #4: