"người về mưa động trong mây mừng ta như thể ngày gầy nắng xưa người về chân bước trong thơ tháng năm tận tuyệt đủ chưa oán cừu"
-- Du Tử Lê --
Đến đây, nếu bạn đồng ý với tôi là những o ép trong một cuộc sống vốn bất định là không thể loại bỏ, rằng không phải lúc nào ta cũng trả lời được ngay lập tức ý nghĩa của cuộc sống là gì, bạn sẽ công nhận cảm giác “trôi dạt” hay “cứ để cho dòng đời xô đẩy” là hoàn toàn có thật.
Sống, hay kể cả chỉ trôi dạt trong cuộc đời như vậy, theo tôi, ngoài lòng ham sống như đã nói, còn có một thứ nữa đóng vai trò hết sức quan trọng cho mỗi cá nhân.
Đó là Cảm xúc.
Và tôi sẽ xin giải thích dài dòng về “cảm xúc” một chút.
Mỗi người trong số chúng ta đều phát triển từ một đứa trẻ. Một đứa trẻ thì hoàn toàn bản năng: khi đói nó khóc, khi no nê nó cười. Những hành động của nó hoàn toàn được chi phối bởi những cảm xúc nguyên sơ. Hai cảm xúc nguyên sơ nhất là khó chịu và thích thú. Khi lớn lên, các cảm xúc cũng phát triển phức tạp hơn với nhiều cung bậc khác nhau nhưng về cơ bản vẫn được chia làm hai loại này.
Một cách hiểu phổ biến là cảm xúc và lý trí thì hoàn toàn trái ngược. Khi chạy theo cảm xúc thì đánh mất lý trí và ngược lại. Tuy nhiên, theo một số quan điểm hiện đại tôi được biết, điều đó không hoàn toàn đúng.
img_0
Cảm xúc là một chức năng cực kỳ cổ xưa không chỉ ở loài người mà còn ở tất cả các loài động vật bậc cao. Thường những chức năng cổ xưa như hít thở, chạy, ngửi, nếm…. đều có một điểm chung: chúng phục vụ cho mục đích sống còn là bảo tồn sự sống của sinh vật. Cảm xúc làm chính xác việc đó, chức năng hàng đầu của nó là đảm bảo sự an toàn. Nếu tổ tiên chúng ta nhìn thấy một con hổ răng kiếm nhưng vẫn tiếp tục bình thản ngồi quan sát và phân tích tình hình, khả năng cao là anh ta không thể sống sót.
Những kẻ bị hổ ăn thịt đơn giản là không thể để lại nguồn gen với đặc tính “bình tĩnh phân tích các tình huống khẩn cấp ” cho thế hệ sau. Khi thấy hổ trong rừng, đơn giản là chúng ta bỏ chạy trong nỗi sợ hãi tột cùng. Không chỉ hổ, chúng ta còn luôn cảm thấy muốn bỏ chạy khi thấy chuột, gián, hay bất cứ thứ gì động đậy trong bóng tối mà ta không chắc là cái gì. Đơn giản đó là vì chúng ta đều là hậu duệ của những tổ tiên đã quá quen với việc hoảng sợ chạy thoát thân mỗi khi nhìn thấy những con thú ăn thịt trong hàng triệu năm, vì chỉ có những kẻ đã chạy thoát thân trong quá khứ mới sống sót để mà truyền lại gen đến thế hệ ngày nay thôi.
Nhìn thấy hổ thì phải chạy ngay, đó chính là logic sống còn trong hàng triệu năm chứ đâu! Và để đảm bảo tác dụng tuyệt đối, logic đó cần khởi phát với một xung lực cực mạnh khiến đôi chân ngay lập tức phải chạy điên cuồng không cần đợi suy nghĩ. Thứ có thể phát huy năng lực mạnh mẽ và ngay lập tức như thế chỉ có một: Cảm giác sợ hãi tột độ.
Từ góc độ này, cảm xúc không phải là phi logic, cảm xúc chính là một loại logic rất nhanh, rất cô đọng đi kèm với xung lực tinh thần lớn hơn những logic chậm rãi thông thường được gọi là lý trí mà thôi.
Mặt khác, nếu quan sát đủ kỹ, bạn sẽ thấy lý trí cũng không hoàn toàn vô cảm. Lý trí vẫn đi kèm với cảm xúc nhưng ở mức độ nhẹ hơn, vi tế hơn: chút hồi hộp qua ngay, chút căng thẳng, tẹo phấn khích, thoáng bồn chồn… Thậm chí trạng thái bình thản đến thờ ơ cũng vẫn là một loại cảm xúc, chỉ là chúng ít được người ta để ý hơn mà thôi.
Như thế, cảm xúc có thể được xem như một loại logic tức thời có tác dụng kích hoạt những hành vi nhất định. Cảm xúc có thể hình dung như việc não bộ ưu tiên một loạt các xử lý dữ liệu giác quan từ môi trường xung quanh vô cùng nhanh theo các khuôn mẫu có sẵn được hình thành từ vô số các dấu ấn đã có trong tiềm thức. Gần như tức thời não bộ đưa ra kết quả xử lý rằng “nên tránh khỏi môi trường này” (dưới dạng cảm xúc khó chịu) hoặc tín hiệu “có thể thoải mái ở lại đây” (dưới dạng cảm xúc dễ chịu).
Một mặt chúng ta dựa vào cảm xúc như những tín hiệu đầu tiên để phản ứng với môi trường xung quanh, mặt còn lại chúng ta chủ động theo đuổi những cảm xúc dễ chịu trong lúc cố tránh những cảm xúc khó chịu.
Trong xã hội hiện đại, rất ít khi ta phải chú ý đến chuyện an toàn tính mạng. Thế là bất cứ lúc nào rảnh rỗi, tạm thời thoát được áp lực trách nhiệm/ công việc là ta tự động hướng đến các niềm vui luôn có sẵn trên mạng hay trong đồ ăn thức uống … Giờ đây quá dễ thấy các thanh niên vừa ăn trưa vừa cắm mặt vào tiktok/ video clip, học sinh ra một góc hành lang chơi game giờ giải lao, các quán nhậu nhộn nhịp sau giờ tan tầm, nhân viên văn phòng vui vẻ với những đồ ăn vặt order… “Anh/ chị ….. cho vui” trở thành câu mời cửa miệng. Cuối giờ làm tôi hay được các bạn “mời anh ra ăn hoa quả cho vui” trong lúc tôi đang …… ngồi lướt tí web tin tức cho ….. thư giãn :).
Chúng ta làm tất cả những việc cho vui đó hết sức tự nhiên và gần như vô thức. Mỗi người có một tập các nguồn vui khác nhau: người hút thuốc, uống bia, người uống trà sữa, nghe nhạc, người đàn hát, người đạp xe, oánh MMA, sưu tầm đồng hồ …. Rất có thể cái chúng ta thích không phải là bản thân điếu thuốc, cốc bia, cốc trà sữa, bản nhạc…., mà cái làm chúng ta ham muốn là cảm xúc do trà sữa, bản nhạc, do sự chinh phục, do sự đổ mồ hôi, do cái ảnh đẹp cúng face … mang lại.
Cái nghiện thực sự là nghiện cảm xúc vậy (**)
(**) Hệ quả tất yếu của những o ép gia tăng trong một xã hội đề cao cảm xúc sẽ là sự mất cân bằng cảm xúc. Tôi cho rằng đó là một đặc trưng của xã hội hiện đại. Những con thú trong tự nhiên không bao giờ có đủ điều kiện để đắm chìm vào cảm xúc. Bản thiết kế của các sinh vật dường như đảm bảo vui và buồn là không kéo dài và cảm xúc tự cân bằng trở lại rất nhanh. Mọi sinh vật trong tự nhiên đều có vẻ thờ ơ/ thản nhiên đến dửng dưng như chưa từng có chuyện gì xẩy ra mặc dù ngay lúc trước chúng vừa trải qua những tình huống rất gay cấn: săn mồi, chạy trốn kể săn mồi, đánh nhau để giành giật thứ gì đó …. Chỉ trong xã hội hiện đại cỗ máy cân bằng mới trở nên trục trặc và dẫn đến chứng rối loạn cảm xúc, trầm cảm, ….
# phần 5: