cuộc sống #1: sẽ luôn có o ép
cuộc sống và một vài điều không bao giờ thay đổi, từ tương lai, từ bản thân tính tổ chức của xã hội ...
“nằm nghe xôn xao tiếng đời
mà ngỡ ai đó nói cười”
— Thảo Phương —
Lang thang trên mạng
Đôi khi tình cờ status bạn bè hiện vào newsfeed trên facebook của tôi. Hầu hết mọi người chia sẻ niềm vui nhưng thi thoảng cũng có câu chuyện buồn.
Hôm trước là status “chưa vui” của một cô bạn, có người hỏi tại sao buồn thì câu trả lời rất đơn giản: “(mood) up mãi sao được nên down là phải có, nhưng giờ lại up rồi”!
Cái gì đã khởi đầu, ắt phải kết thúc, rồi lại có cái khác khởi đầu tiếp nối. Không thể có cái gì kéo dài mãi. Cảm xúc cũng như cuộc sống, ắt phải thay đổi thôi mà.
Rồi thì hôm nọ video quảng cáo một kênh kiểu dạy đời tình cờ hiện vào youtube của tôi. Thấy có vẻ triết lý nên nán xem họ tiếp cận cuộc sống thế nào. Theo video nọ thì bí mật của cuộc sống có thể tóm gọn trong ba câu hỏi: Tôi là ai? Đây là đâu? Tôi ở đây để làm gì?
Lang thang như thế tôi bỗng nẩy ra cảm hứng ngẫm nghĩ về vài điều trong cuộc sống, và bài viết này là kết quả. Xin lưu ý là bài viết dù khá dài nhưng không nhằm đưa ra bất kỳ giải pháp nào.
I. Những thôi thúc cơ bản
Vâng, cuộc sống đa dạng, cuộc sống muôn mầu. Cuộc sống là hàng tỷ câu hỏi bất tận. Có những câu hỏi to lớn như đã nêu, có những câu hỏi thì be bé hơn…
Một buổi trưa chờ quay cơm ở cơ quan, chợt nghe một lời thở than: Lại phải ăn mà chả biết ăn gì! Có cách nào không phải ăn không nhỉ?
Thầm trả lời: hiển nhiên là chả có cách nào. Đã là sinh vật thì phải ăn. Cuộc sống dù biến hoá đa dạng cỡ nào thì “phải ăn” vẫn là một thôi thúc cơ bản và nguyên sơ nhất. Không ăn thì đói, mà “đói thì đầu gối phải bò”.
Nếu suy xét đủ sâu, sẽ thấy chỉ thôi thúc cơ bản này thôi đã giúp hình thành vô số chuyện. Đọc Lược sử loài người (Noah Harari), ta được biết trong khoảng 2 triệu năm kể từ khi loài người xuất hiện, cái đói chỉ được giải quyết qua việc săn bắt và hái lượm. Trong hàng triệu năm nguồn thức ăn của nhân loại hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên và con người duy trì cuộc sống bầy đàn bấp bênh như mọi con thú khác. Cho đến tận lúc đó, “con người” vẫn chỉ là một động vật “không có gì nổi trội”.
Để rồi đến 12 ngàn năm trước, vấn đề “phải ăn” được giải quyết đột phá với cách mạng nông nghiệp. Lần đầu tiên trong giới tự nhiên, một động vật kiểm soát được nguồn thức ăn, một bước nhảy lên đầu chuỗi thức ăn và trở thành chúa tể muôn loài. Từ chỗ ăn bữa nào lo bữa đó, chúa tể mới tiến lên tích trữ sẵn bữa ăn cho ngày mai, cho tháng sau, năm sau… Năng lực tích trữ đó dẫn đến năng lực tích luỹ tài sản. Tích luỹ tài sản làm nên phân chia tài sản và tư hữu. Để giải quyết việc phân chia (hoặc tranh giành) tài sản và bảo vệ tư hữu, các hình thái tổ chức xã hội, rồi các nhà nước ra đời, phát triển đến ngày nay.
Như thế, do bởi một vài nhu cầu cơ bản cùng vài đột phá công nghệ đơn sơ, xã hội hình thành như một dạng nền móng (platform) để giải quyết ngày càng hiệu quả ở quy mô lớn các vấn đề ăn, mặc, ở …thường ngày. Trẻ em không còn sinh ra hầu như “trần trụi giữa thiên nhiên” như hàng triệu năm trước nữa mà sinh ra đã được hỗ trợ đầy đủ trong một xã hội hiện đại.
Nhưng điều đó cũng có cái giá của nó!
Xã hội ra đời để giải quyết vài thôi thúc cơ bản: phải ăn, phải ở…., nhưng bản thân nó cũng góp tạo thêm vài thôi thúc cơ bản nữa. Các thôi thúc đó được gọi ở mức vĩ mô là “pháp luật”, “luật lệ” …, còn ở mức vi mô, nó là những cái hết sức cụ thể và be bé. Ví dụ nhỏ là bạn sẽ phải “đúng giờ”: ăn theo giờ, ngủ theo giờ, đổ rác theo giờ… Ngoài ra ngày nay bạn phải có điện thoại, phải định danh để sử dụng các dịch vụ của xã hội. Và kể cả bạn chăm chỉ tuân theo đầy đủ các quy định của xã hội, từ bé đến lớn ngoan ngoãn ăn ngủ, đi học, ra trường đi làm ngon ngẻ đi nữa thì cũng không có nghĩa bạn sẽ được “yên thân”! Chẳng sớm thì muộn bạn sẽ bị hỏi: “Thế bao giờ thì mày lấy vợ/ lấy chồng ?” “Bao giờ thì có con?” :) …
Nếu không có xã hội, sẽ không có những áp lực phải hành xử theo chuẩn mực “bình thường”. Nếu vẫn chỉ là động vật sống bằng hái lượm, sẽ không có chuẩn mực nào cả nhưng đổi lại, bạn hoàn toàn có thể chết đói mà không ai hỏi, bị giết mà chẳng ai biết.
Như vậy, dù thế nào đi nữa, cuộc sống được thiết kế cùng những o ép có tính nội tại sẵn có và thường trực. Đôi khi là những o ép mang tính vật chất, bản năng (cái đói, cái rét….) nổi trội, khi khác thì những o ép tinh thần/ xã hội trở nên nổi trội.
phần #2:
phần #3:
--- chuyển đăng từ ---

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất