Trước khi vào bài, tôi muốn làm rõ một số thứ để giảm thiểu số lượng gạch nhận về (bởi vì tôi không thích xây thêm cái nhà nữa đâu). Bản thân tôi đang theo học tại một trường đại học đào tạo về khoa học, do đó tôi rất hiểu việc có những ngành nghề bắt buộc phải đến trường học thật nhiều, chẳng hạn như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, luật sư, nghiên cứu sinh... Tôi không phản đối sự tồn tại của trường học nói chung. Tôi đang chỉ ra những lí do tại sao nó không phải thực thể “thần thánh” như nhiều người nghĩ.
Nhiều người trong số chúng ta được thồn vào đầu cái suy nghĩ “phải đến trường, phải học thật giỏi, thì mới được lên lớp, đỗ đại học, xin được công việc tốt, kiếm được tiền và giàu có”. Bố mẹ, ông bà, thầy cô giáo, xã hội... ai cũng nói với chúng ta như thế. Lí do tại sao phụ huynh châu Á thích con mình làm bác sĩ, kỹ sư hay luật sư là vì những nghề này có thu nhập, học vấn và địa vị xã hội cao - họ cho rằng nhiêu đó thôi là thịnh vượng, bởi họ sống trong một xã hội nơi Khổng Tử đã ăn sâu vào tiềm thức.
Thế mà vẫn có những nghịch lý hết sức kì lạ, khi mà những người không có thành tích tốt lại cũng thành công ngang ngửa, thậm chí hơn cả những sinh viên xuất sắc hay những chuyên gia hàng đầu. Trong khi đó, nhiều vị chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học, sức khỏe, kinh tế, xã hội... từng mài đít hàng chục năm trên các giảng đường và làm việc vô cùng chăm chỉ thì lại vật lộn với chuyện cơm áo gạo tiền. Kể cả khi thu nhập của họ rất cao, thì họ cũng phải trả giá bằng sức khỏe, giấc ngủ, tinh thần và các mối quan hệ.
Trường học vẫn dạy cho bạn những bài học cũ kỹ về kiến và châu chấu, rằng lũ kiến chăm chỉ cần mẫn sẽ có thức ăn vào mùa đông còn đám châu chấu lêu lổng lười biếng rồi sẽ chết đói chết rét, qua đó nhắc nhở bạn tầm quan trọng của việc học hành và làm việc chăm chỉ cần mẫn. Nhưng ngày nay, chăm chỉ không còn là yếu tố quyết định sự giàu có và sung túc nữa. Lũ kiến có sai không, có ngu dốt không? Không và không, nhưng con người không nên tôn thờ cách làm việc của lũ kiến, càng không nên tôn sùng những nhà máy sản xuất “người óc kiến” được gọi bằng cái tên trường học. Hay nói đúng hơn, trung tâm giáo dục công nghiệp.

Tại sao giới tinh hoa duy trì hệ thống giáo dục công nghiệp

Nền giáo dục bắt buộc ~12 năm mà đại đa số các quốc gia trên thế giới áp dụng có nguồn gốc từ châu Âu thời kì cách mạng Công nghiệp. Nó là hoàn hảo cho một nền kinh tế nặng công nghiệp: nó là một công xưởng sản xuất hàng loạt lực lượng lao động chính quy, có tay nghề, biết đọc viết, tính toán cơ bản, hiểu biết cơ bản, vạn người thì thảy vạn người giống nhau về mẫu mã, tác phong, tư tưởng, thái độ, sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh - dù là cầm bút, cầm búa, cầm liềm hay cầm súng - để kéo cỗ máy công nghiệp khổng lồ mang tên quốc gia về phía trước. Chính quyền, các ông chủ và nhà tuyển dụng rất thích nó chính vì điều này.
Lớp học thời kì Cách mạng Công nghiệp
Lớp học thời kì Cách mạng Công nghiệp
Những  thứ như là trợ cấp, an sinh xã hội, nghỉ hưu... đều là những công trình của Thủ tướng Đế chế Đức Otto von Bismarck. Bismarck đề xuất mức tuổi nghỉ hưu là 70 tuổi, nhưng đã bị rút xuống 65. Điều này không quá quan trọng, bởi tuổi thọ trung bình của người Phổ lúc đó còn không vượt quá 50, nhưng nó lại để lại hai hậu quả cho thế hệ sau.
Thứ nhất, ngày nay, nhờ y học phát triển mà nhiều người sống đến tận năm 90 tuổi. Chính quyền Phổ nếu vẫn tồn tại có thể phá sản vì chi phí an sinh xã hội khổng lồ. Tuy nhiên đến nay thì tuổi nghỉ hưu ở nhiều quốc gia vẫn vậy, thậm chí ở cả các nước già hóa dân số. Gánh nặng về y tế và an sinh xã hội đã đè nặng lên các công dân trẻ tuổi đóng thuế ở Mỹ và một số nước phương Tây - mỗi đứa trẻ Mỹ sinh ra đã phải gánh nợ công hàng chục nghìn đô trên lưng nó.
"Mỗi ngày, chính phủ (Mỹ) thu về 6 tỷ đô la và tiêu 10 tỷ đô la. Có nghĩa là mỗi ngày chính quyền liên bang phải vay thêm 4 tỷ đô la ngoài con số mà mình có. Nói trắng ra, nếu làm ăn kiểu như chính phủ thì bất kì hoạt động kinh doanh nào cũng sẽ sập tiệm". _Donald Trump, 2011_
Thứ hai, tư duy “cứ làm việc chăm chỉ, sau này sẽ giàu có và chính quyền sẽ lo cho chúng ta khi về già” dần dần ăn sâu bám rễ. Ngày nay ở Đức, dù an sinh xã hội rất tuyệt vời và chăm sóc người già là một vấn đề rất được quan tâm, nhưng nếu không có một khoản đầu tư dài hạn và chỉ sống nhờ lương hưu khi nghỉ việc, bạn sẽ ra đi trong nghèo khổ. Đây không phải những gì tôi bịa ra, mà là những gì một YouTuber người Đức là Radical Living đã chia sẻ trong một video nói về lao động ở nước Đức.
Vậy nên, ý tưởng “học tốt - đỗ đại học - kiếm tiền - giàu - về già được nhà nước nuôi” là một tàn dư của thời kì cách mạng Công nghiệp đã qua. Sau một cuộc Đại Suy Thoái và hai cuộc Thế Chiến, mọi thứ thay đổi. Từ nửa sau của thế kỷ XX, thế giới thay đổi một cách chóng mặt. Thời đại Công nghiệp kết thúc và thời đại Thông tin bắt đầu. Ngày càng nhiều đột phá khoa học công nghệ ra đời. Các sản phẩm trí tuệ giờ đây đáng giá hơn nhiều so với sản phẩm hữu hình. Facebook, Microsoft, Google, thị trường chứng khoán, cổ phiếu, bitcoin... không tồn tại về mặt vật lý, nhưng lại có giá trị hơn bất cứ công xưởng, xí nghiệp, nông trường, hầm mỏ hay giàn khoan nào.
Cách mạng Thông tin đã tới, nhưng các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế của thời kì Công nghiệp thì không sụp đổ. Thậm chí họ vẫn thịnh vượng và vẫn cần đến lực lượng lao động dồi dào của nên giáo dục công nghiệp. Các công ty thời đại Thông tin như Facebook và Google dù kinh doanh các sản phẩm của thời đại mới nhưng vẫn hoạt động theo cơ chế cũ. Chỉ có giới tinh hoa làm chủ mới là những con người của thời đại cách mạng Thông tin, còn số đông thì vẫn mắc kẹt ở thời đại Công nghiệp. Giới chủ thích vẫn cần công nhân, nhân viên nghiên cứu và phát triển, nhân viên văn phòng, kế toán, kỹ sư, IT, tiếp thị, sales, marketing, phân tích... để làm những công việc Công nghiệp trong khi họ thảo luận những ý tưởng Thông tin. Zuckerberg có trực tiếp viết ra các thuật toán của Facebook không? Không, hắn thuê đám IT đầu to mắt cận học hành cả chục năm ở mấy trường Ivy League về làm việc đó trong khi hắn ngồi nghĩ về AI và Metaverse.
Chính vì lí do đó, giới tinh hoa toàn cầu không muốn chế độ giáo dục công nghiệp bị loại bỏ - họ cần nó tiếp tục tồn tại để cung cấp cho họ nguồn nhân lực dồi dào, cần mẫn và trung thành. Các tập đoàn lớn bắt tay cùng chính phủ. Một bên mang lại tăng trưởng kinh tế, đút lót đều đặn và ủng hộ tiền cho các chiến dịch tranh cử. Một bên duy trì hệ thống giáo dục công nghiệp cùng các loại an sinh xã hội, bảo hiểm, trợ cấp, lương hưu... mà nếu kẻ nào không đi làm là coi như cũng bị cắt phéng luôn, đồng thời kiểm soát truyền thông và giáo dục nhằm định hướng xã hội để chê bai lũ châu chấu lười biếng và triệt hạ những con kiến “tách đàn”, khiến cho nó mau mau trở lại đàn kiến chăm chỉ kia. Một kế sách “cây gậy và củ cà rốt” điển hình, tồn tại nhiều nhất ở một số nền kinh tế hàng đầu châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.
Vậy là, trường học và xã hội vẫn muốn bạn đi theo lối mòn, tuyệt nhiên không phải vì nó không bắt kịp được với sự thật rằng cách mạng Công nghiệp đã đi đến hồi kết và cách mạng Thông tin đang lan rộng như dịch sởi. Những cá nhân và tổ chức đứng sau hệ thống giáo dục và truyền thông hiểu rất rõ xu thế của thời đại, và những người đi ngược lại với nó sẽ chẳng khác nào một con chó bị buộc vào chiếc xe hơi: nó sẽ bị lôi xềnh xệch đi, và càng kháng cự thì nó càng đau đớn. Tuy nhiên họ vẫn duy trì nền giáo dục và tư duy xã hội của thời kì cách mạng Công nghiệp, trong khi làm giàu nhờ những thành quả của lối tư duy trong thời đại Thông tin, đồng thời lợi dụng sức lao động chân tay và (đặc biệt là) trí óc của những con người thuộc thời đại Công nghiệp, được sản xuất ra bởi nền giáo dục công nghiệp.

Tác động lên cá nhân và xã hội

Điều này có xấu không? Khi nhìn tổng thể thì cũng không hẳn. Các báo cáo cho thấy nền kinh tế vẫn tăng trưởng đều. Người ta được trả lương, có tiền để duy trì cuộc sống tiện nghi, lập gia đình, cho con cái học hành... Ai đi làm sẽ có phần, ai không đi làm thì chẳng có gì, ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, hết sức sòng phẳng và công bằng. Tầng lớp trung lưu ngày một đông lên, lại kích thích tăng trưởng kinh tế qua hoạt động mua sắm. Nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực của họ (bác sĩ, kỹ sư, kế toán trưởng, trưởng phòng marketing...) có thu nhập hàng tháng đáng mơ ước, và được nâng lên các chức vụ quản lý trong công ty, vừa có tiền vừa có địa vị cao, khiến bản thân họ phổng mũi, họ hàng hãnh diện và người đời đố kị. Của cải trong xã hội ngày một nhiều. Ti vi báo đài đâu cũng nói về tăng trưởng, về tương lai tươi sáng trước mắt.
Nhưng ở góc độ cá nhân thì sao?
Thu nhập cao đồng nghĩa với thuế cao. Bao nhiêu công sức bạn bỏ ra cuối cùng bốc hơi dưới danh nghĩa thuế. Ở Bắc Âu, thuế có thể lên đến 50%. Bạn đi làm 40 giờ mỗi tuần thì 20 giờ là làm không công. Ít nhất thì ở Bắc Âu bộ máy chính quyền ít quan liêu và họ có thể chi tiêu đồng thuế của bạn một cách minh bạch để mang lại lợi ích cho bạn. Tại nhiều nơi khác trên thế giới, thậm chí ngay tại phương Tây, họ không những không làm được như thế mà còn làm điều ngược lại. Thiên hạ hay bảo nhau rằng nếu chính quyền liên bang Hoa Kì phụ trách sa mạc Sahara thì chỉ trong vòng 5 năm sẽ bắt đầu phải đi vay thêm cát.
40 giờ thì có mười mấy giờ làm không công - đó là đó là nếu bạn vẫn còn làm 40 giờ - nhiều người lại lựa chọn làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, hoặc tự mở dịch vụ làm riêng (bác sĩ mở phòng khám tư, đầu bếp mở quán ăn riêng chẳng hạn). Họ kiếm hàng ngàn đô một tháng, thậm chí là cả chục ngàn đô, nhưng làm việc đến mười mấy giờ một ngày, làm ngày làm đêm, làm cả ngày cuối tuần. Thậm chí có những người mà cái ngày duy nhất họ được nghỉ trong cả một năm là ngày mồng 1 tháng 1 (dương hoặc âm lịch). Hoặc cái ngày này họ cũng phải mở laptop ra cày cuốc và chẳng một phút nào ngơi tay.
Áp lực lên sức khỏe và tinh thần là khổng lồ. Các sếp, doanh nghiệp và xã hội thích sự làm thêm giờ của bạn bởi nó tạo ra thêm lợi nhuận cho họ. Nhưng đối với bản thân bạn, nó tàn phá sức khỏe đến mức khủng khiếp. WHO xếp hạng Làm Ca Đêm vào nhóm 2A - Nguy cơ gây ung thư (chỉ sau nhóm 1). Cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi, nhưng bạn hi sinh luôn cả sức khỏe vì công việc. Đôi giày chạy bộ bạn mua từ vài năm trước còn mới toanh, nhưng bạn không chạy được. Lâu lắm rồi bạn không ngủ được đủ 8 tiếng. Bạn đi làm trong tình trạng thiếu ngủ, kiệt quệ và uể oải. Bạn hi sinh cả giờ nấu và giờ ăn để làm việc - bạn phải mua thức ăn nhanh, đồ ăn sẵn hoặc đồ ăn đặt trên Grab Food hoặc Baemin để ăn, dù biết là không tốt cho sức khỏe. Bạn mới ba bốn chục tuổi đã thừa cân, béo phì, rụng tóc, thoát vị đĩa đệm. Bạn hi sinh giờ phút thư giãn để làm nô lệ cho thuật toán và content nhanh của Facebook và TikTok. Đầu óc bạn luôn căng như dây đàn, không có phút nào nghỉ ngơi. Bạn luôn chán nản, bực bội và cau có chẳng biết vì lí do gì.
Bạn dành thời gian cho công việc nhiều hơn cho bản thân, gia đình, bạn bè, con cái. Không có thì giờ chăm con, bạn phó mặc con cho công nghệ để nó đỡ quấy bạn khi bạn làm việc. Những đứa con của bạn lớn lên với iPad là cha và iPhone là mẹ. Rồi sau này bạn lại phó mặc hết cho nhà trường, gia sư, trung tâm dạy thêm. Đứa trẻ nhìn mặt giáo viên nhiều hơn cha mẹ. Trường học trở thành “ngôi nhà thứ hai” đúng nghĩa đen. Vài năm sau bạn lại tự hỏi sao chúng luôn có vẻ tách biệt khỏi bạn.
Bạn sa đọa vào những thú vui tầm thường để giải khuây. Bạn nhậu nhẹt, rượu chè, hút hít, bay lắc, tiệc tùng, trai gái, du lịch xa xỉ - những thói quen chẳng chóng thì trầy cũng sẽ tàn phá cơ thể và ví tiền của bạn. Nỗi sợ bị bỏ rơi khiến bạn bấu víu vào đám bạn suốt ngày ăn chơi đàm đúm, những cuộc vui có thể khiến bạn giải tỏa trong chốc lát nhưng cả thế giới của bạn sẽ lại sụp đổ khi bạn nhìn vào hóa đơn. Bạn rút lui vào thế giới ảo, lãng phí hàng giờ đồng hồ cho mạng xã hội, phim ảnh, game và porn - điều đã và đang xảy ra với giới trẻ tại nhiều nước châu Á. Bạn lao vào siêu thị như một con thiêu thân và bắt đầu mua sắm thật nhiều để thể hiện đẳng cấp. Điện thoại iPhone đời mới nhất cũng phải xúc ngay, bộ quần áo cả trăm đô cũng phải sắm, bộ bàn ghế kia đẹp, bộ loa kia chất, bộ ấm chén tinh xảo. Bạn trở thành nạn nhân của chủ nghĩa tiêu thụ, sắm về chẳng biết để làm gì nhưng cứ sắm về đã, trước mắt là sướng cái tôi, sau đấy là để khoe khoang. Đôi khi bạn còn chẳng có tiền nhưng bạn vẫn cứ mua. Mua những thứ bạn không cần, để khoe với những người bạn không ưa, bằng số tiền mà bạn không có.
Các công ty thường khuyến khích nhân viên của mình vay tiền thật nhiều. Bởi họ biết rằng nếu bạn nghỉ việc và không có tiền trả nợ, bạn chết. Các khoản vay giúp họ trói buộc bạn vào công ty và bạn sẽ phải nài lưng ra làm để mà trả nợ. Nhà trường, giáo viên, truyền thông và xã hội xối vào tai bạn rằng “lao động là vinh quang”, “kiến và châu chấu” để bạn tiếp tục cống hiến và xây dựng ước mơ cho một tên giám đốc đang nằm dài trên cái du thuyền của hắn ngoài biển. Đồng lương tháng hắn phát cho bạn còn gây nghiện hơn cả heroin. Bạn nghiện đồng lương, nghiện luôn cả công việc. Văn hóa doanh nghiệp khiến bạn ảo tưởng rằng đồng nghiệp là gia đình và công ty là nhà. Bạn làm đến mười mấy tiếng một ngày, rất chăm chỉ, nhưng thu nhập cao thì lại tăng thuế, và bạn phải trả giá bằng sức khỏe và thời gian dành cho gia đình.
Một sinh viên mới ra trường có mức lương 7 đến 8 triệu 1 tháng, làm việc trong vòng 10 năm có thể kì vọng tăng lương lên 15 hoặc 20 triệu. Thậm chí nếu sớm leo được lên chức vụ cao hơn thì có thể kiếm được nhiều hơn. Nhưng lương cao thì thuế lại cao, ngoài ra bạn thử tính xem thu nhập như thế thì đến bao giờ mới mua được nhà hay xe? Rồi con cái học hành, sinh hoạt phí ngày một đắt đỏ, giá cả leo thang... cuối cùng bạn còn lại điều gì? Muốn mua tài sản lớn, bạn chẳng có lựa chọn nào ngoài vay tiền, rồi nài lưng ra trả nợ. Lại rơi vào cái vòng xoáy làm thêm giờ để trả nợ. Sức khỏe ngày một giảm sút.
Khi bạn đi làm, bạn thuộc về công ty. Khi bạn về nhà, bạn thuộc về Meta, Google, Apple, Netflix. Khi bạn đi mua sắm, bạn thuộc về các hãng thời trang. Khi bạn mua nhà và xe, ngân hàng sở hữu bạn. Khi bạn đến bệnh viện, bạn thuộc về ông bác sĩ. Khi bạn tống một núi thuốc vào người, bạn thuộc về các công ty dược. Chẳng có một giây phút nào bạn được tự do.

Vậy trường học đứng ở đâu trong tất cả những chuyện này?

Trường học không dạy bạn gì về tiết kiệm, vay nợ, thuế má hay tài chính - những kỹ năng sinh tồn tối quan trọng trong thời đại Thông tin. Giáo viên cũng không đời nào kể cho bạn về sự thật đằng sau chủ nghĩa tập đoàn và mặt tối này của xã hội hiện đại, họ chỉ dừng lại ở cái điệp khúc “học giỏi, đỗ đại học, việc làm ổn định, lương cao...”. Chính quyền và các ông chủ không cần bạn biết những thứ này, bởi một khi bạn đã biết thì họ không đời nào có thể lôi tiền ra bắt nạt bạn được, vì bạn sẽ gia nhập tầng lớp tinh hoa. Gia đình cũng không dạy bạn những thứ này, vì họ làm gì biết mà dạy, mà nếu có biết thì cũng lại là “học giỏi, đỗ đại học, việc làm ổn định, lương cao...”, bởi họ cũng chui ra từ cái lò sản xuất người lao động mang tên trường học và họ cũng chỉ biết nói lại những gì trường học dạy họ, như một đám robot.
Thiếu hiểu biết là một thứ giặc, nhưng lâu nay bạn và gia đình đang sống, ăn, ngủ cùng với giặc. Thiếu hiểu biết về tài chính khiến rất nhiều người dù kiếm được cả chục ngàn đô la một tháng nhưng vẫn chật vật chuyện tiền nong vì các khoản chi phí và nợ nần, rồi rất nhiều người trúng số độc đắc nhưng kết cục lại tan nát hơn cả hồi chưa trúng, rồi vô số ngôi sao thể thao hoặc văn nghệ sĩ dù kiếm được cả triệu đô trong thời hoàng kim nhưng cuối cùng lại khánh kiệt.
Thiếu hiểu biết là giặc, còn tri thức là vũ khí, nhưng trường học lại muốn bạn tay không bắt giặc, hoặc là vứt cho bạn cây rìu đá để đối đầu với súng đại liên.
Bạn được dạy vô số thứ mà sau này bạn nhận ra rằng tính ứng dụng của chúng chẳng nhiều đến vậy: logarit, định luật quang điện, oxy hóa khử, ý nghĩa của hình ảnh bà cụ trong Vợ Nhặt, lịch sử thành lập đảng Cộng sản Liên Xô... Lên đại học cũng vẫn còn mớ triết học Mác Lênin, chủ nghĩa xã hội, kinh tế chính trị, đường lối cách mạng... Bạn có thể coi đây là “giáo dục cơ bản” và cần thiết với mọi đối tượng học sinh sinh viên, nhưng nếu bạn là một nhân viên ngân hàng thì bạn cũng không cần phải biết nhiều đến thế về phương trình lượng giác bậc ba hay mạch điện RLC có R biến thiên, hoặc nếu bạn trở thành một kỹ sư thì bạn cũng chẳng cần quan tâm Nguyễn Tuân là ông nào mà bạn vẫn có thể làm một kỹ sư tốt. Việc bạn học những thứ này chỉ có một mục đích duy nhất: nếu bạn không học thì bạn không lên được lớp và không ra được trường.
Còn cả cái yếu tố “luyện tư duy” nữa, nhiều người nghĩ rằng thôi thì chúng vô dụng nhưng ít ra chúng luyện được tư duy. Giống như tự huyễn hoặc rằng rượu bia có hại nhưng xây dựng được bản lĩnh con người. Xin đính chính rằng bạn không hề được dạy tư duy - cái mà hầu hết trẻ em được dạy là bấm máy, công thức giải nhanh, mẹo, casio thần tốc, ghi nhớ, học thuộc, học vẹt, lươn lẹo, gian lận, quay cóp... Bạn chẳng thể luyện tư duy bằng mấy cái trò vặt vãnh này, chúng chỉ luyện khả năng đối phó và luồn lách của bạn. Đến cả giáo viên toán cấp 3 của tôi còn than phiền về điều này, thầy nói rằng trẻ con giờ học toán bằng ghi nhớ chứ chẳng còn tư duy gì hết, nếu như thế thì vứt cho chúng nó một cái casio và quyển sách vào phòng thi đi cho rồi!
Ừ thì trong xã hội có người này người kia, ai theo ngành nào thì sẽ thấy cái đó hữu dụng, nhưng nhà tuyển dụng thì vẫn cứ luôn than phiền sinh viên đại học ra trường thiếu kỹ năng mềm và dốt tiếng Anh trầm trọng. Tấm bằng đại học tốn của bạn 4 năm, cộng với 12 năm mài đít trên ghế nhà trường là 16 năm. Tuy nhiên việc học hành giỏi giang và có được một tấm bằng đại học chưa chắc đã đảm bảo được một công việc lương cao và ổn định. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, những ngành nghề năm nay có vẻ hot chưa chắc 4 năm sau vẫn còn giữ được độ “nóng”. Nhiều sinh viên đâm đầu vào một ngành nghề nào đó chỉ để 4 năm sau nhận ra nhân lực ngành này đã bão hòa và cạnh tranh quá khốc liệt. Chưa kể, sự đột phá về công nghệ sẽ dẫn tới sự tinh gọn về nhân lực của các công ty. Tự động hóa, phần mềm, thuật toán hay thậm chí là robot sẽ thay thế con người làm một số công việc trong tương lai.
Tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng do vậy sẽ ngày một gắt gao và đòi hỏi thêm nhiều kỹ năng mà bạn không thể học ở trường đại học, hoặc nếu có thì cũng chỉ vô cùng qua loa và nặng tính hình thức. Làn sóng cử nhân thất nghiệp sẽ lại trồi lên nuốt chửng xã hội. Mà nếu có được một công việc thì bức tranh vẫn ảm đạm vô cùng.
Con người ngày nay sống trong sợ hãi. Sợ mất việc, bởi mất việc là mất hết: không an sinh xã hội, không cơm ăn áo mặc, không điện nước, không nhà cửa. Nếu sự giàu có được tính bằng số ngày có thể sống nếu nghỉ việc từ hôm nay, có lẽ nhiều người sẽ không trụ nổi một tuần chứ đừng nói là một tháng. Từ nỗi sợ mất việc mới dẫn đến sợ sếp, sợ chính quyền. Sợ sếp nên sếp rủ đi nhậu là phải đi theo sếp, dù biết thừa men gan đang tăng cao còn căn bệnh viêm màng túi tái phát. Sợ chính quyền hạch sách nhũng nhiễu, sợ cảnh sát, sợ mấy tay công chức bàn giấy, sợ ông nọ bà kia, ông tổng thống, bà thủ tướng. Lòng tự trọng rúm ró hết cả lại.
Trường học không những không cung cấp tri thức để đẩy lùi sợ hãi, họ còn gia tăng thêm nỗi sợ trong con người. Đã bao nhiêu lần bạn đi học mà bạn sợ cái người đứng trên bục giảng đến mức chỉ dám cúi gằm mặt? Khóc nức nở vì bố mẹ bạn dọa không cho bạn đi học nữa? Tìm cách giả chữ ký phụ huynh trên bản kiểm điểm vì nếu bị phát hiện sẽ bị đánh đòn? Khổ sở vì điểm thấp hơn bạn bè? Bố mẹ bạn phải cắn răng đóng tiền học thêm cho bạn vì sợ bạn không theo kịp bạn bè trên lớp, hoặc bị giáo viên trù dập? Bị bêu tên trước toàn trường vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần - khác quái gì nhục hình công khai thời Trung Cổ? Từ giáo viên cho đến đám sao đỏ cờ đỏ bạn đều sợ như ngáo ộp?
Vậy đấy, trường học dựa vào nỗi sợ, mà cụ thể là sợ sự nhục nhã, để ép bạn phải phục tùng. Ở trường sợ hãi giáo viên, về nhà sợ hãi bố mẹ, đi làm sợ hãi sếp, sống sợ hãi chính quyền. Trên tất cả, trường học dạy bạn sợ sai lầm. Sợ sai lầm là một trong những bài học xuẩn ngốc nhất mà trường học có thể dạy bạn. Trong khi con người học hỏi nhờ sự nhìn nhận và sửa chữa sai lầm, trường học muốn bạn né tránh tất cả những sai lầm, bởi bạn chỉ cần có một sai lầm thôi là bạn sẽ trượt khỏi đường đua lên top, điểm kém, giáo viên khiển trách, bố mẹ thất vọng. Thomas Edison mất hàng nghìn thí nghiệm để tìm ra cách chế tạo bóng đèn tối ưu nhất. Sẽ ra sao đây nếu như anh chàng sinh viên Edison đi học và giáo viên nói với anh: “Cậu Edison, đây là lần thứ ba cậu mang lên đây một cái bóng đèn không thể sáng lâu được rồi. Cậu định trượt môn đến bao giờ nữa đây? Cậu là một tên thất bại và cậu sẽ chẳng làm nên nổi trò trống gì. Cậu nên chọn một cái đề tài vừa sức và thực tế hơn, đừng mơ mộng viển vông nữa. Nếu cậu thất bại thêm một lần nữa, tôi sẽ đuổi học cậu. Cậu sẽ làm một công việc chân tay cực nhọc đến hết đời vì cậu là cái loại không bằng cấp”.
Sự phục tùng không những đến từ sự sợ hãi của bạn, mà còn cả những thủ đoạn kinh tế chính trị đứng sau bộ máy trường học. Trẻ em là đối tượng dễ sai bảo, do đó giới tinh hoa thích sử dụng trường học làm công cụ định hướng suy nghĩ của trẻ em từ nhỏ. Kẻ nào kiểm soát được tâm trí của trẻ em ngày hôm nay, kẻ đó sẽ định đoạt số phận của quốc gia và nhân loại vài thập kỷ tới, thậm chí hàng trăm năm tới nếu trong số lũ trẻ có một vài đứa xuất chúng. Giáo dục (cùng với truyền thông) trở thành công cụ của chính trị để nhồi sọ trẻ em. Nếu như ở Việt Nam là chủ nghĩa dân tộc thì ở Bắc Mỹ và Tây Âu lại là tư tưởng cánh tả, ở Nhật hay lại là chủ nghĩa tập đoàn, ở Trung Quốc là chủ nghĩa Đại Hán, ở Nga là chủ nghĩa Đại Nga... 
Cho con cái sang phương Tây du học không phải là giải pháp triệt để. Nhiều người nghĩ rằng nếu giáo dục ở Việt Nam thất bát đến vậy thì nên cho con cái sang Mỹ, Canada, Australia, EU, Anh... để được chạy trốn áp lực, được thảnh thơi, được trải nghiệm nền giáo dục tiên tiến, được tiếp xúc với văn minh nhân loại. Đúng một phần. Phải thừa nhận rằng nền giáo dục của họ vượt trội so với giáo dục Việt Nam ở nhiều mặt, nhưng không có nghĩa những yếu tố phi giáo dục không tồn tại. Thậm chí còn có nhiều vấn đề khác đau đầu hơn, chuyện trường học trở thành trung tâm nhồi sọ cho các mưu đồ chính trị là một ví dụ. Hoặc trường học bị biến thành cỗ máy in tiền cho các nhà quản lý - điều này đặc biệt kinh khủng ở Mỹ. Năm 2018, mỗi sinh viên Mỹ gánh trung bình 76 ngàn đô la nợ tiền cho vay sinh viên (khoản vay để trả học phí), con số này không có xu hướng dừng lại. Bên cạnh đó, rất nhiều người Mỹ vẫn tin rằng bằng đại học định đoạt vận mệnh con người, nhưng các tập đoàn lớn ở Mỹ lại thừa nhận nhiều sinh viên dù tốt nghiệp MIT hay Harvard cũng đều thiếu kỹ năng làm việc trầm trọng.
Ngoài ra, bạn có thể cho con sang nước ngoài học, tìm cách định cư và có một công việc tốt ở nước ngoài, lương rất cao và cả nhà hãnh diện vì có đứa con đi nước ngoài. Nhưng thuế ở nước ngoài cực cao, đồng thời cuộc sống chưa chắc đã dễ dàng khi có tiền. Con bạn vẫn là con kiến, dù được trả lương cao và sống ở nước ngoài nhưng vẫn an phận là con kiến, làm công ăn lương cho kẻ khác, và vẫn hoàn toàn có thể gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống giống như bạn nếu không được cung cấp đủ kiến thức và kỹ năng. Phá sản, thất nghiệp hay nợ nần vẫn luôn tồn tại dù ở ta hay ở Tây. Hãy hỏi một người từng sống ở nước ngoài xem họ sống có sung sướng không, khả năng cao câu trả lời là không đâu.

Vậy làm gì bây giờ?

Sự thật là đây. Bất cứ nền giáo dục nào trên thế giới, dù là Việt Nam hay Hoa Kì, dù là Phần Lan hay Nhật Bản thì cũng có những vấn đề như nhau. Nhưng bài viết này không bảo các bạn hãy bỏ học. Bài viết này muốn truyền tải về những mặt trái của nền giáo dục công nghiệp cũng như những sự thật đằng sau nó, nhưng tôi không nghĩ chúng ta có thể xóa sổ trường học. Giáo dục cơ bản vẫn là một điều cấp thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần phải luôn khắc ghi câu nói sau đây của Albert Einstein:
Giáo dục là những gì còn lại trong đầu sau khi đã quên hết những gì học ở trường.
Mục đích của sự giáo dục không nên là học mọi thứ trong sách giáo khoa, mà là luôn luôn cố gắng học hỏi những thứ thậm chí còn không có trong sách giáo khoa. Nhiều người thực sự đánh giá quá cao trường học khi hỏi những câu “tại sao trường học không dạy tôi thứ này?”, “cái này rất hữu dụng, tại sao trường học không dạy?”, “thứ này cần được dạy cho học sinh”... Trên thực tế, có lẽ vì nó quá hay nên mới không được dạy ở trường học và bạn nên cảm thấy may mắn vì điều đó. Trường học thực sự rất chuyên nghiệp trong việc giết chết niềm đam mê của học sinh đối với một thứ gì đó, nếu bạn muốn giới trẻ ngừng yêu thích thứ gì thì tốt nhất là nên cho nó vào chương trình giảng dạy. Nếu truyện ngôn tình hay manga mà được đưa vào giảng dạy, có lẽ người ta sẽ bắt đầu đọc văn học cổ điển để giải trí mất.
Bạn cần ngừng thần thánh hóa trường học. Dừng việc coi trường học là thánh điện của tri thức và giáo viên là mấy quyển bách khoa toàn thư sống. Trường học chỉ là một cơ sở giáo dục cơ bản, chỉ vậy thôi. Quan điểm hay lời khuyên của giáo viên cũng nên chỉ mang tính chất tham khảo hơn là lời sấm truyền của Thượng Đế. Việc đến trường học rõ ràng là quan trọng - phải có ai đó dạy bạn những kiến thức cơ bản ở một số lĩnh vực. Nếu bạn cảm thấy một môn học nào đó không cần thiết phải học quá chuyên sâu, có thể đơn giản bởi vì bạn không thích, thì bạn cũng không cần phải lao đầu vào mà sống chết học. Nếu có một môn học nào đó bạn thích, đừng để cái guồng quay học - thi giết chết đam mê của bạn. Hãy để trường học “đào tạo” bạn những thứ cơ bản, còn để việc “giáo dục” lại cho người tốt nhất có thể chịu trách nhiệm với nó: bạn. Đúng thế, bản thân bạn.
Ngày nay, thánh điện của tri thức là chính bạn, còn bách khoa toàn thư sống là cả thế giới. Đối với những người thông thái và hiểu biết rộng nhất, kiến thức đến từ sách giáo khoa chỉ là hạt cát trong sa mạc. Trường học của họ chính là vũ trụ này. Sự học hỏi không dừng lại khi đã rời khỏi ghế nhà trường, trên thực tế họ còn nghĩ rằng sau khi rời khỏi trường học thì họ mới bắt đầu được giáo dục thực sự. Ngoài ra, sự hỗ trợ của Internet và việc đọc sách ngày một trở nên dễ dàng hơn cũng giúp con người có được khả năng tự giáo dục tốt hơn bất cứ thời điểm nào trong quá khứ. Với chỉ vài cú click chuột hoặc đi một chút ra hiệu sách là bạn đã có thể tiếp cận được với tri thức rồi. Giá cả cũng chẳng phải là quá đắt đỏ, nếu so sánh với học phí đại học.
Có lẽ bây giờ bạn đang hỏi tôi: Hayden, thế thì chúng ta tự học cái quái gì đây? Câu trả lời mà tôi đưa ra cho bạn là: “Tôi không biết, người biết rõ nhất nên là bạn chứ không phải tôi”. Phải, chúng ta có bảy tỉ người trên thế giới với những mối quan tâm và sở thích khác nhau. Những gì tôi cho là hợp với bản thân tôi thì có lẽ lại không hợp với người khác. Tôi có thể không thích học âm nhạc nhưng có một anh bạn nào đấy lại thích guitar. Tôi có thể thích đọc sách khoa học nhưng người khác lại thấy khoa học quá khó hiểu. Như tôi đã nói ở trên, bạn và những người ở thế hệ chúng ta có quyền tiếp cận đến tri thức có khi còn hơn cả Isaac Newton hay Henry Ford thời trẻ. Bạn có thể tìm hiểu về bất cứ thứ gì mà bạn muốn, miễn là bạn luôn duy trì ngọn lửa đam mê tri thức và không để nó lụi tàn sau mười hai năm mài đít trên ghế trường học.  
Tuy nhiên thì cũng có một số kỹ năng mà ai cũng nên biết để có thể thành công. Những kỹ năng này có rất ít trường học thực sự dạy bạn (thực ra hầu hết chúng ta đều đã có cơ hội thực hành chúng ở trường, nhưng phần lớn lại rất qua loa và hình thức). Trong gia đình, khả năng cao là bố mẹ cũng không dạy bạn những thứ này. Bạn nên ngừng coi giáo dục là trách nhiệm của trường học hay Bộ Giáo dục. Giáo dục là trách nhiệm của ba bên là bản thân bạn, gia đình và trường học. Do vậy, có những thứ bạn thực sự phải tự học lấy bằng chính công sức của bạn thay vì dựa dẫm vào trường học hay cha mẹ. Bạn có thể học hỏi qua các loại sách vở và Internet, và qua việc thực hành và rút kinh nghiệm. Rồi sau này, khi bạn có con, bạn nên dạy lại những thứ này cho chúng, và hướng dẫn chúng tự học.
Giáo dục truyền thống giúp bạn tồn tại, còn tự giáo dục giúp bạn thành công.
Jim Rohn
Những kiến thức và kỹ năng quan trọng mà theo cá nhân tôi, một người sống trong thời đại Thông tin cần nắm vững:
- Đặt mục tiêu chi tiết, về mọi mặt của cuộc sống, cho mỗi mốc thời gian 1 năm tới, 3 năm tới, 5 năm tới, 10 năm tới hoặc hơn thế. - Sử dụng thành thạo ba ứng dụng Microsoft Office cơ bản là Word, Powerpoint và Excel. - Hiểu cơ bản về thiết kế, bố cục, phối màu. - Tư duy làm người lãnh đạo. Khả năng diễn thuyết, lập luận, phản biện. Kỹ năng lắng nghe, giao tiếp và thương lượng. - Kỹ năng bán hàng, quảng cáo và marketing (và khả năng bảo vệ bản thân khỏi những thứ này). - Làm việc nhóm, tinh thần cộng tác, đôi bên cùng thắng. - Làm thế nào để khởi nghiệp và bắt đầu công việc kinh doanh riêng. - Kiến thức tài chính cá nhân: lãi suất kép, tiết kiệm, thuế má, đầu tư, tín dụng, vay nợ, bảo hiểm... - Sự kiên trì, nhẫn nại, không sợ sai lầm, không sợ bị từ chối hay thất bại. Khả năng rút ra bài học từ mỗi sai lầm. - Lối sống kỷ luật, tập trung, năng suất, tối giản. - Khả năng tập trung cao độ trong một khoảng thời gian dài. Ưu tiên làm việc thông minh hiệu quả thay vì chăm chỉ. - Quản lý thời gian, đương đầu với stress, cân bằng trong cuộc sống. - Các mối quan hệ. Giáo dục giới tính. Cách đối nhân xử thế. Yêu đương và gia đình. Từ thiện đúng cách. Yêu thương nhân loại. - Sơ cứu cơ bản. Sửa chữa nhà cửa, đồ đạc và phương tiện cơ bản. Tự vệ và bơi lội. - Tầm quan trọng của cơ thể khỏe mạnh. Ăn uống dinh dưỡng. Tập thể dục thường xuyên. - Tầm quan trọng của giấc ngủ (cái này quan trọng đến mức phải tách ra riêng). - Hiểu về những mặt tối của chủ nghĩa tập đoàn, lối sống công nghiệp, sản phẩm truyền thông giải trí. Cách chống lại cám dỗ của công nghệ. - Nghệ thuật làm cha mẹ tốt của thời đại Thông tin. - Sức khỏe tinh thần. Điều này là cuối cùng và quan trọng nhất, quyết định tất cả các yếu tố còn lại. - ...
Nghe thì có vẻ rất nhiều, nhưng bạn sẽ thấy bất ngờ khi bạn thực ra đang học những điều này hàng ngày, hàng giờ. Hơn nữa, tại sao mỗi chúng ta đều có 24 giờ, nhưng Tổng thống Mỹ lại có thể điều hành cả một cường quốc trong khi một cậu sinh viên thì luôn than phiền mình thiếu thời gian? Vậy nên đừng nói rằng bạn không có thời gian để học thêm cái gì mới.
Một trong những lí do tôi rất thích Superman là bởi vì anh ấy dạy cho chúng ta rằng: một người có thể toàn năng hoặc toàn thiện, nhưng vẫn sẽ phải rút ra những bài học mới. Nếu một người như Superman vẫn có thể học thêm những bài học mới (thì nếu anh ta không học thêm cái gì thì tại sao phim và truyện của anh ta lại nhiều đến thế), thì chúng ta - những kẻ không toàn năng cũng chẳng toàn thiện - làm sao mà có thể tự cho rằng mình đã có tất cả các câu trả lời được.
Bạn cũng là một Superman, và kể từ hôm nay, bạn phải học bay rồi!
Bạn cũng là một Superman, và kể từ hôm nay, bạn phải học bay rồi!

Tổng kết

Bài viết đến đây đã rất dài, nhưng thực sự là tôi không muốn cắt xén nó đi ở đâu cả. Bởi tất cả những gì tôi nói ở đây đều cần thiết để vẽ ra cho bạn một bức tranh toàn cảnh về sự liên hệ giữa hệ thống giáo dục và chủ nghĩa tư bản tập đoàn hiện đại, cũng như những ảnh hưởng của nó lên cấp độ cá nhân. Tin tốt cho bạn là ngày nay, với sự phổ cập của Internet và việc mua sách đã trở nên dễ dàng, bạn có thể học theo bất cứ cách nào, ở bất cứ đâu, học bất cứ thứ gì mà bạn muốn. Liệu bạn có tận dụng cơ hội này để gia nhập nhóm thiểu số trong xã hội hay không? Hay bạn đã cảm thấy hài lòng với việc làm một con kiến giữa bầy kiến - có mạ vàng nhưng vẫn chỉ là một con kiến?
Lựa chọn là của bạn. Nhưng có hai loại người trong xã hội này. Người học cả cuộc đời, và người học mỗi ở trường. Bạn nghĩ những người thành công nhất, giàu có nhất, hạnh phúc nhất là người như thế nào?
Lưu ý rằng, dù bài viết rất dài, nhưng các bạn hãy quay lại đọc lại từ đầu nếu như đọc đến đây mà các bạn vẫn nghĩ rằng:
- Tác giả khuyên giới trẻ bỏ học hết. - Tác giả muốn giới trẻ ngu và lười. - Tác giả là kẻ chống đối xã hội (anti-social). - Tác giả muốn con người bỏ cuộc sống hiện đại, quay về rừng sống như khỉ. - Tác giả không muốn con người cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống. - Tác giả vô ơn, không biết ơn cha mẹ và những người đã dạy dỗ mình ở trường. - Tác giả nghĩ rằng kể cả các bác sĩ, kỹ sư, nhà nghiên cứu... cũng không cần đi học.