Trung vệ Huỳnh Tấn Sinh: Cái tâm tối hay nạn nhân của ‘’những người tốt im lặng’’
Trung vệ Huỳnh Tấn Sinh. Ngày 24/3/2021, trong trận đấu giữa Quảng Nam và Sài Gòn tại vòng loại Cúp Quốc gia 2021, dù đội nhà giành...
Ngày 24/3/2021, trong trận đấu giữa Quảng Nam và Sài Gòn tại vòng loại Cúp Quốc gia 2021, dù đội nhà giành chiến thắng nhưng chắc chắn HLV Dương Hồng Sơn không thể hoàn toàn hài lòng. Trung vệ quan trọng trong đội hình Quảng Nam, Huỳnh Tấn Sinh đã nhận thẻ đỏ gián tiếp và phải rời sân ngay từ cuối hiệp 1, đồng nghĩa với một án treo giò nữa.
Với cá nhân trung vệ mang áo số 3, anh đã làm được một việc: khiến cái tên của mình được nhắc đến trở lại sau 1 năm dài gần như biến mất trên truyền thông. Nhưng chắc cũng chẳng vui vẻ gì…
Mới đầu năm 2020, Tấn Sinh còn là ‘’soái ca của U22’’, trung vệ thép của thầy Park, nhà vô địch SEA Games, blah blah blah,…
Nhưng truyền thông hiện đại mới bạc làm sao. Sau chiến dịch U23 châu Á thất bại, rồi đợt dịch COVID-19 và Quảng Nam xuống hạng, cái tên Huỳnh Tấn Sinh nhanh chóng đi vào quên lãng. Lên Google, gõ từ khóa “Huỳnh Tấn Sinh’’, những bài viết, video gần nhất (không tính về chiếc thẻ đỏ hôm 24/4) đều đã từ tháng 2/2020.
Và đặc biệt, trong danh sách triệu tập mới nhất của ĐTQG Việt Nam, Tấn Sinh cũng chẳng có mặt, dù danh sách này có đến 37 người. Anh thậm chí còn chẳng nằm trong quy hoạch, chẳng có ai đoái hoài nhắc đến, nhớ tiếc.
Trong cuộc đời, không có gì dễn ra mà không có lý do của nó.
Với Huỳnh Tấn Sinh, ‘’tiên trách kỷ, hậu trách nhân’’. Mọi chuyện có vẻ như bắt đầu từ lối đá, từ thái độ trên sân của bản thân anh, và sau đó là thêm sự dung túng của môi trường xung quanh cho những hành động sai trái.
--
Bạn còn nhớ câu chuyện của Quế Ngọc Hải khi HLV Park Hang-seo mới đến Việt Nam?
Ông thầy người Hàn Quốc không triệu tập Hải Quế, mặc cho cầu thủ này đã khẳng định được bản thân như một trong những trung vệ xuất sắc dải đất hình chữ S. Lý do: ông không thích những cầu thủ phòng thủ nóng tính, có thói quen vào bóng thô bạo, thừa thãi, thích tranh cãi với trọng tài, đặc biệt là ở vị trí phòng ngự.
Ông Park nói thẳng như vậy trên truyền thông, để Ngọc Hải ý thức được mà cố gắng cải thiện mình. May mắn là cầu thủ đang khoác áo Viettel đã biết quay đầu là bờ. Từ chỗ vào bóng kết thúc sự nghiệp của đồng nghiệp, Quế Ngọc Hải dần bớt đi những pha vào chém đinh chặt sắt thừa thãi, biết tiết chế hơn trong những tình huống tranh cãi, giao tiếp với đồng đội nhiều hơn là càm ràm với trọng tài hoặc đối thủ.
Nhưng với Huỳnh Tấn Sinh, câu chuyện lại rất khác.
Đằng sau bản mặt điển trai (ngoại hình quan trọng đến thế sao?), cầu thủ quê Quảng Nam này lại để lại dấu hỏi về cái đức, cái tâm của mình.
Hãy bắt đầu từ ngày 10/12/2019, trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 30.
Phút 75, khi thế trận đã an bài với tỷ số 3-0 nghiêng về Việt Nam, Huỳnh Tấn Sinh có một pha lao cả người, cộng thêm một cái cùi chỏ văng ra cho cầu thủ số 11 của Indonesia. Sau pha bóng đó, cầu thủ người Quảng Nam nở nụ cười khoái trá.
Phút 87, Tấn Sinh đẩy ngã thủ môn ''Kepa Indo'' khi anh này chuẩn bị phát bóng.
Sau trận đấu, đã có những tranh cãi về hành vi của Tấn Sinh. Nhưng nhìn chung dư luận cũng cho qua, vì trận đấu ấy giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia cũng chẳng khác nào màn đấu võ của cầu thủ 2 đội, tạm cho là không giữ được bình tĩnh cũng là thường.
Rồi đến ngày 10/01/2020. Vòng bảng VCK U23 châu Á, U23 Việt Nam gặp U23 UAE.
Ngay trong hiệp 1, Tấn Sinh đã nhận một thẻ vàng. Cầu thủ này cũng liên tục bị số 9, Ali Saleh của UAE qua mặt rất nguy hiểm.
Đến phút 48, một pha xoạc bóng bay cả người cầu thủ đối phương của Tấn Sinh chỉ thiếu chút nữa là dẫn đến penalty. Tất cả khiến HLV Park Hang-seo phải rút Tấn Sinh ra ngay phút 54, để đưa một Đình Trọng mới hồi phục chấn thương vào.
Nhưng điều quan trọng hơn, lại một lần nữa, Tấn Sinh đánh cùi chỏ với cầu thủ đối phương, trong một pha bóng cũng rất vô thưởng vô phạt. Ai xem tình huống đó cũng phải đồng ý rằng đáng ra, cầu thủ này phải nhận thẻ vàng thứ 2 và rời sân.
Sau trận, Tấn Sinh nói ‘’sẽ cố gắng làm tốt hơn ở những trận tới’’.
Nhưng hóa ra, đó đã là trận đấu cuối cùng của anh cho các cấp độ ĐT - ít nhất là tính đến hiện tại.
--
Sau trận đấu với U23 UAE, HLV Park Hang-seo vẫn phát biểu rất nhẹ nhàng về Tấn Sinh, cho rằng anh ‘’đôi khi không kiểm soát được cảm xúc’’ và được thay ra là chuyện rất bình thường.
Nhưng ngay lúc đó, có lẽ ông đã hiểu việc sử dụng Tấn Sinh mạo hiểm đến thế nào. Bằng chứng là trong cả 2 trận đấu còn lại của vòng bảng giải U23 năm 2020, Tấn Sinh chỉ còn ngồi trên ghế dự bị, dù cho ông Park có phải mạo hiểm sử dụng Trần Đình Trọng mới trở lại sau chấn thương, hay xếp Đức Chiến đá trái sở trường ở vị trí trung vệ.
Niềm tin dành cho Huỳnh Tấn Sinh của thầy Park đã cạn trên đất Thái Lan.
Có thể tưởng tượng, một người thầy tâm lý như HLV Park Hang-seo sẽ không bỏ mặc học trò. Ông có thể đã nói chuyện riêng với Tấn Sinh, trong hoặc sau những ngày ở Thái, nhắc nhở cầu thủ này phải bỏ ngay những tiểu xảo thừa thãi xấu xí, những pha vào bóng nguy hiểm đi, và, tất nhiên, cải thiện nhiều hơn về mặt chuyên môn nữa. Ta đã thấy rõ, thể hình và khả năng của Tấn Sinh đủ bắt nạt vài hàng xóm Đông Nam Á, nhưng ra bể lớn thì chỉ là con mồi ngon cho những cầu thủ tấn công như Ali Saleh của UAE!
Giả sử có cuộc trò chuyện đó, Tấn Sinh đã đáp lại tấm chân tình từ người thầy của mình như thế nào?
Về chuyên môn, trở về từ thất bại ở U23 châu Á, Huỳnh Tấn Sinh lại được trọng dụng ở vị trí trung vệ của đội bóng quê hương Quảng Nam. Tuy nhiên, kết cục của đội chủ sân Tam Kỳ chỉ là một suất xuống hạng.
Cả mùa giải 2020, trong 19 trận đấu trên mọi đấu trường, Quảng Nam chỉ có duy nhất 1 trận giữ sạch lưới. Tất nhiên, thành tích rồi tệ này có sự đóng góp của cả hệ thống kém cỏi, nhưng trách nhiệm của Tấn Sinh trong đó chắc chắn là đáng kể. Chẳng ai ca ngợi anh trong bức tranh ảm đạm chung của bóng đá xứ Cao lầu.
Xuống chơi ở Hạng Nhất, Tấn Sinh vẫn mắc sai lầm, thậm chí là sai lầm sơ đẳng. Có thể thấy trung vệ cao 1m84 đang ở vào một trạng thái không tốt.
Về mặt thái độ, rõ ràng Huỳnh Tấn Sinh thể hiện thua xa so với người đàn anh Hải Quế.
Tấn Sinh vẫn ngựa quen đường cũ, vẫn vào bóng bằng 2 chân trong những tình huống xác suất thành công xấp xỉ con số 0, vẫn lao vào đối thủ với cái cùi chỏ đi trước. Hậu quả nhãn tiền là những án phạt luôn lơ lửng chờ giáng xuống, và tấm thẻ đỏ trong trận đấu cúp quốc gia ngày 24/4/2021 dường như chỉ là điều tất yếu mà thôi.
Chỉ Tấn Sinh mới biết trong đầu của anh là những suy nghĩ thế nào, nhưng với người khác, nếu nhìn vào những tư liệu về cầu thủ này, sẽ là rất logic để đưa ra kết luận: chơi xấu đã ăn vào máu, đã trở thành bản năng của Tấn Sinh. Từ mùa 2019 với những quả vào bóng rùng rợn như với Minh Vương của Hoàng Anh Gia Lai, và một tình huống tặng cùi chỏ cho Văn Toàn trong cùng trận đấu, Tấn Sinh đã thể hiện rõ dòng máu nhà võ trên sân cỏ của mình.
Đáng tiếc, qua thời gian, những biểu hiện bạo lực của cầu thủ này chỉ có xu hướng xuất hiện nhiều lên chứ chẳng hề giảm đi, vừa làm xấu hình ảnh cá nhân của anh, vừa làm xấu hình ảnh bóng đá Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
HLV Park Hang-seo giờ không còn nhắc đến cầu thủ thi đấu ở giải Hạng Nhất này nữa. Đợt tập trung ĐTQG trước mắt, ông không triệu tập Tấn Sinh, cũng chẳng ai thắc mắc hay ý kiến.
Từ một vị trí tiềm năng trên hàng thủ của ĐT, Tấn Sinh giờ đây về mức thường thường bậc trung, và có thể sẽ gia nhập danh sách những tài năng sớm nở chóng tàn mà bóng đá Việt từng chứng kiến.
Ngẫm lại, Tấn Sinh đáng trách, nhưng cũng đáng thương, đáng tiếc.
Tuổi đời của Huỳnh Tấn Sinh còn rất trẻ, vẫn còn là độ tuổi cần được giáo dục, cần được uốn nắn, thậm chí cần được răn đe khi cần thiết. Nhưng hãy xem, người lớn đã làm gì với Tấn Sinh?
Khi Tấn Sinh đạp bóng bằng 2 chân với Minh Vương, trọng tài chỉ rút thẻ vàng. Khi Tấn Sinh văng cùi chỏ vào mặt Văn Toàn, trọng tài cũng chẳng nói gì.
Và lạ thay, trọng tài FIFA ở trận chung kết SEA Games hay ở vòng chung kết U23 châu Á cũng chỉ nhắc nhở khi Tấn Sinh đánh nguội cầu thủ Indonesia và UAE. Lẽ nào họ cũng muốn làm hỏng một tiềm năng của bóng đá Việt Nam?
Khi Tấn Sinh chơi chiêu với cầu thủ Indo, BLV lão làng Quang Huy nói một câu gọn lỏn: ‘’Một động tác thừa của Tấn Sinh’’. Một tính từ duy nhất: thừa.
Không lên án. Không cho khán giả truyền hình biết cái cùi chỏ ấy là rất xấu, là ti tiện, là ngu ngốc. Một sự đồng tình theo kiểu ‘’họ chơi ta, ta có quyền chơi lại họ’’.
Rồi đến VCK U23 châu Á, BLV của VTV cũng xài cách nói tương tự trong trận gặp UAE. Chỉ lo ‘’có VAR đấy sợ ăn thẻ đỏ’’. Lại không lên án...
Thiết nghĩ, một trong những sứ mệnh của truyền thông, của người làm truyền thông - đặc biệt là làm báo như VTV, VTC - phải là GIÁO DỤC CON NGƯỜI. Giáo dục khán giả - người xem, giáo dục các đối tượng liên quan, như trong trường hợp của Tấn Sinh, là bản thân cầu thủ này.
Khi tôi bình luận trên một group Facebook lớn của CĐV bóng đá Việt Nam lên án hành động của Tấn Sinh, một người trả lời tôi theo kiểu ‘’thôi anh hùng bàn phím đi, mày giỏi vào sân đá’’ (?).
Tôi biết nói gì hơn đây?
Giá như những con người có cái vinh dự ngồi bình luận trên sóng trực tiếp kia ý thức được rõ ràng hơn trách nhiệm của họ, rằng mỗi lời nói của họ có thể tạo ra một phản ứng xã hội mạnh mẽ đến thế nào, thì mọi chuyên hẳn đã khác.
Nếu những Quang Huy, Biên Cương chỉ trích mạnh mẽ lối đá xấu của Tấn Sinh (và nhiều cầu thủ/đội bóng Việt Nam khác), phân tích phải trái rõ ràng ra, rất nhiều khán giả cũng sẽ hiểu được câu chuyện. Đến lượt mình, họ cũng sẽ lên tiếng phản đối, và khi ấy Tấn Sinh sẽ phải biết nhìn nhận lại. Đấy là khi áp lực đám đông được vận dụng đúng đắn, tích cực.
Nhưng than ôi, điều ấy đã chẳng xảy ra.
Vậy là từ trọng tài (đại diện cho những nhà quản lý), những người có tiếng nói (KOL trong giới bóng đá) cho đến số đông CĐV (số đông chứ không phải tất cả nhé, cũng có những người đã lên tiếng yêu cầu Tấn Sinh thay đổi), mỗi người đã góp một tay, để làm nên con quái vật trên sân cỏ.
Thế giới tệ đi không phải bởi những kẻ xấu, mà là bởi sự im lặng của những ‘’người tốt’’.
Trường hợp của Huỳnh Tấn Sinh – ít nhất là cho đến hiện tại – chính là một ví dụ.
Hiện thực đã thật khắc nghiệt, vậy điều gì chờ đợi ở tương lai?
Xin được nhắc lại, Tấn Sinh sinh năm 1998, vẫn còn trẻ. Anh còn nhiều thời gian để thay đổi, như người đàn anh Quế Ngọc Hải đã làm được ở một độ tuổi gần như tương tự.
Nhưng muốn thế, sẽ đòi hỏi rất rất nhiều nỗ lực của cầu thủ người Quảng Nam. Anh cần nghiêm túc xem lại lối đá của bản thân, tu tập tâm tính (thậm chí tìm đến bác sĩ tâm lý nếu cần thiết để học cách kiểm soát cảm xúc). Về chuyên môn, tiếp tục học hỏi và cải thiện, thay vì duy trì một cách chơi bảo thủ và kém linh hoạt như hiện tại.
Xin nói thật, cá nhân tôi đã từng rất căm phẫn khi chứng kiến cái cách Tấn Sinh thi đấu.
Nhưng thời gian qua, khi đã học hỏi được nhiều hơn, tôi biết rằng con người chẳng bao giờ nên đánh giá người khác một cách tuyệt đối, bởi họ không có quyền, và cũng chẳng có cơ sở tuyệt đối nào để đánh giá chính xác đến 100%, thậm chí 50, 70% đã là không tưởng.
Ngay lúc viết những dòng này, tôi nghiêng về hướng Tấn Sinh đáng thương hơn là đáng trách, vì những lý do mà tôi đã trình bày. Tôi hy vọng anh sẽ có thể thay đổi mạnh mẽ, để bóng đá Việt Nam lại có một câu chuyện đẹp như Quế Ngọc Hải đã quay đầu là bờ. Còn về cái cách những ‘’người tốt’’ đã im lặng, tôi đã viết đủ, và cũng hy vọng sẽ được thấy những thay đổi tích cực trong tương lai.
‘’Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại’’.
Hãy cố lên, Huỳnh Tấn Sinh!
_ Ảnh minh họa sưu tầm từ Internet _
Bên cạnh Spiderum, mình còn chia sẻ các bài viết về bóng đá trên fanpage Facebook. Nếu các bạn quan tâm, xin hãy ghé qua địa chỉ này nhé ^^: https://www.facebook.com/classof2000s
Hoặc nếu các bạn muốn trao đổi, kết bạn với tư cách cá nhân thì đây là địa chỉ FB của mình: https://www.facebook.com/bartholomewvu51628
Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hy vọng đã mang lại cho các bạn điều gì đó có giá trị.
Bên cạnh Spiderum, mình còn chia sẻ các bài viết về bóng đá trên fanpage Facebook. Nếu các bạn quan tâm, xin hãy ghé qua địa chỉ này nhé ^^: https://www.facebook.com/classof2000s
Hoặc nếu các bạn muốn trao đổi, kết bạn với tư cách cá nhân thì đây là địa chỉ FB của mình: https://www.facebook.com/bartholomewvu51628
Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hy vọng đã mang lại cho các bạn điều gì đó có giá trị.
À, cho mình quảng cáo nốt một page Facebook nữa thôi :pp https://www.facebook.com/20DGL18 là trang Facebook chính thức của cộng đồng bóng rổ do mình xây dựng và quản lý tại Mai Lâm, ngoại thành Hà Nội.
Mình luôn tự hào rằng đây là một dự án ý nghĩa, đã tạo nhiều điều kiện được vui chơi, học hỏi cho các bạn học sinh, nên nếu có thể thì mong mọi người có thể ủng hộ nó bằng cách theo dõi hoặc like page nhé, cảm ơn các bạn ^^~
Mình luôn tự hào rằng đây là một dự án ý nghĩa, đã tạo nhiều điều kiện được vui chơi, học hỏi cho các bạn học sinh, nên nếu có thể thì mong mọi người có thể ủng hộ nó bằng cách theo dõi hoặc like page nhé, cảm ơn các bạn ^^~
Đọc thêm:
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất