Hơn 1 tuần trước, tôi đã viết về việc La Liga đi đầu trong top 5 giải VĐQG châu Âu để đưa ra thông điệp trên sóng truyền hình trực tiếp về xung đột Nga – Ukraine: ‘’Stop War’’.
Chỉ trong ít ngày, tình hình thay đổi rất nhanh. Cả Premier League và Bundesliga – 2 giải đấu của các cường quốc châu Âu Anh và Đức – đã lên tiếng rõ ràng, ủng hộ Ukraine bằng các hình họa, biểu trưng được custom theo màu cờ Ukraine trên sóng truyền hình
Để phản pháo, truyền hình Trung Quốc quyết định không phát sóng 1 vòng đấu của Premier League vì điều này. Người Trung Quốc có thể đang cần đến lời khuyên của Eileen Gu – ‘’tất cả mọi người đều có thể tải VPN’’.
Well, câu trên đây được tôi viết trước khi Premier League ‘’quay xe’’, bỏ avatar Facebook màu cờ Ukraine, và ở trận Norwich – Chelsea, băng đội trưởng cờ Ukraine cũng biến mất rồi. Thật muốn để lại một chữ ‘’hèn’’.
Và khá ‘’thú vị’’, La Liga tuần qua quyết định lên tiếng mạnh mẽ hơn như các đồng minh. Thay vì ‘’Stop War’’, thông điệp từ Xứ đấu bò là ‘’Stop Invasion’’ (Dừng xâm lược).
Một thông điệp nhân đạo đã biến thành một thông điệp chính trị.
La Liga đổi các khẩu hiệu ở trên sân cũng như trên truyền hình từ ''Stop War'' thành ''Stop Invasion".
La Liga đổi các khẩu hiệu ở trên sân cũng như trên truyền hình từ ''Stop War'' thành ''Stop Invasion".
Tôi đã không định viết về chuyện phản ứng của thể thao (phương Tây) với sự kiện Ukraine, nhưng sự thay đổi của La Liga là một chất xúc tác thúc đẩy tôi post bài viết thể hiện quan điểm này. Thực tế, có thể đây chẳng phải một quan điểm trọn vẹn và nó sẽ rất khác với những gì bạn từng nghĩ, từng đọc. Hy vọng ít nhiều cũng mang được giá trị tham khảo.
Trước hết, tôi muốn kể cho bạn một câu chuyện. Chúng ta trở lại một chút với thời điểm khoảng vài năm về trước, khi Trung Quốc mới đưa ra khái niệm ‘’đường lưỡi bò’’ bị người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế phản đối kịch liệt.
Về thời điểm và nhân vật, có thể tôi sẽ có nhầm lẫn do không tìm lại được nguồn chính xác. Tuy nhiên, mong bạn hiểu rằng (1) một sự kiện tương tự về bản chất đã diễn ra trong thực tế và (2) quan trọng chính là bản chất, ý nghĩa không hề thay đổi; nếu tôi sai về chi tiết, hãy nhìn vào tổng thể câu chuyện để rút ra bài học.
Thời điểm đó, rất nhều nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ ‘’đường lưỡi bò’’ này. Hệ quả là họ đối diện với một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của fan hâm mộ Việt Nam nói riêng, đồng thời sản phẩm nghệ thuật cũng bị tẩy chay.
Một trong số những đối tượng này là Lục Tiểu Linh Đồng. Sau khi diễn viên này lên tiếng ủng hộ ‘’ đường lưỡi bò’’, một đài truyền hình ở khu vực phía Nam Việt Nam đã hủy ngang việc chiếu lại bộ phim ‘’Tây Du ký’’ (Lục Tiểu Linh Đồng đóng vai Tôn Ngộ Không) trên sóng của họ.
Trên một tờ báo giấy uy tín của Việt Nam, đã có một bài xã luận nhận định thế này: Hãy phân định một cách rạch ròi những gì chúng ta đang nói đến, việc hủy ngang chiếu phim như thế là không nên. Hãy hiểu là ‘’Chúng tôi không thích phát ngôn của Lục Tiểu Linh Đồng, nhưng phim của Lục Tiểu Linh Đồng thì vẫn có giá trị và hãy cứ chiếu’’.
Cái này nên gọi là ‘’Tách chính trị khỏi nghệ thuật’’ đúng không?
Nghe quen nhỉ các bạn?
Tôi muốn mượn câu chuyện này để chứng minh một luận điểm rằng: Sẽ chẳng có thứ gì tách biệt hoàn toàn được khỏi chính trị cả. Thay vào đó, bạn chỉ có thể hạn chế ảnh hưởng của chính trị đến lĩnh vực của bạn – và hạn chế đến mức độ nào là do quyết tâm và ý chí của bạn thôi.
Như câu chuyện thể thao, người ta đang nói rằng ‘’tại sao khi các nước thuộc NATO, Mỹ gây ra chiến tranh và cướp đi tính mạng thường dân, (thể thao của) họ lại không phải chịu những gì mà Nga đang phải trải qua ở hiện tại’’? Điều này đúng ở sự thật rằng các nước phương Tây không phải chịu những án phạt, những sự tẩy chay rộng rãi trên trường quốc tế, nhưng không phải ai cũng làm ngơ cho họ.
Mohamed Salah từng không bắt tay với các cầu thủ Israel mà đưa ra nắm đấm để cụng tay, bởi anh phản đối cách dân tộc Do Thái áp bức các quốc gia Ả Rập. Chính quyền Mỹ có thể dung túng cho nạn phân biệt chủng tộc, nhưng phong trào Black Lives Matter vẫn tìm được cách lên tiếng ở những sân khấu lớn nhất, như giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ NBA (dù cũng có những quy định kiểu ‘’tách thể thao khỏi chính trị’’).
Mohamed Salah không bắt tay các cầu thủ của đội Maccabi Tel Aviv - CLB của Israel.
Mohamed Salah không bắt tay các cầu thủ của đội Maccabi Tel Aviv - CLB của Israel.
Trở lại với câu chuyện về Nga, tôi có một suy nghĩ như thế này: sẽ là hợp lý nhất nếu UEFA và FIFA dừng mức độ trừng phạt ở việc chuyển các trận chung kết Champions League và Vòng play-off World Cup 2022 ra ngoài lãnh thổ Nga.
Ngoài lề một chút, việc sân Stade de France được lựa chọn đăng cai trận chung kết UEFA Champions League 2021/22 khiến tôi có cảm giác không được khách quan, vì chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu hiện tại là ông Nasser Al Khelaifi – ông chủ đội bóng Paris Saint-Germain. Chắc chắn người Qatar muốn PSG sẽ chơi trận đấu lớn nhất cấp CLB ở sân nhà của họ - nước Pháp, nhưng đáng tiếc Paris lại gục ngã trước Real mất rồi.
Theo tôi, yêu cầu không chơi với Nga của các cầu thủ như Robert Lewandowski là thứ không thể đáp ứng. Thử hỏi nếu tất cả các cầu thủ trên thế giới đều áp dụng ‘’quyền’’ tương tự, từ chối ra sân với một đối thủ nào đó vì ‘’chúng tôi không thể thi đấu một cách thoải mái (dù chúng tôi biết các cầu thủ đó họ không có lỗi?)’’, thì các liên đoàn lớn có nên đáp ứng?
Đội tuyển Nga vốn đã phải chịu án phạt cấm thi đấu với màu cờ và quốc ca của họ do bê bối doping, vậy thì việc Lewandowski nói rằng chơi bóng với cầu thủ Nga làm gợi nhớ đến quốc gia này và hành động của họ càng giảm đi sức thuyết phục. Cần nhớ rằng trong văn bản chính thức mà các Liên đoàn Bóng đá Ba Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Séc cùng nhau gửi tới UEFA và FIFA cũng không hề có yêu cầu loại Nga khỏi nhánh đấu play-off của họ, thay vào đó chỉ đề xuất ‘’không thi đấu tại Nga do tình hình hiện tại’’.
Văn bản chung của 3 Liên đoàn Bóng đá Ba Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Séc chỉ đề nghị UEFA và FIFA giải quyết vấn đề địa điểm thi đấu.
Văn bản chung của 3 Liên đoàn Bóng đá Ba Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Séc chỉ đề nghị UEFA và FIFA giải quyết vấn đề địa điểm thi đấu.
UEFA và FIFA dừng lại ở việc chuyển các trận đấu khỏi lãnh thổ Nga sẽ là vừa đủ để (1) (gián tiếp) gửi thông điệp phản đối việc Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến tranh, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các liên đoàn phương Tây và (2) duy trì phần nào một trạng thái trung lập ( như là ‘’chúng tôi không tổ chức thi đấu tại Nga vì tình hình chiến sự, để đảm bảo an toàn cho mọi người chứ không ủng hộ bên nào’’), không tự biến mình thành trò hề như những gì chúng ta đã thấy những ngày qua.
Còn việc UEFA và FIFA quyết định loại Nga khỏi các giải đấu (hay tương tự là các quyết định của Ủy ban Olympic quốc tế IOC hay Ủy ban Paralympic quốc tế IPC) có thể nói là hoàn toàn phi logic, phản thể thao, tạo điều kiện cho những đội bóng, quốc gia khác có lợi thế bất công (như Ba Lan đã được vào thẳng chung kết play-off trong nhánh đấu của mình, gặp đội thắng trong trận Thụy Điển - Cộng hòa Séc) và tước đi những quyền cơ bản của các vận động viên Nga, những người mà xin nhấn mạnh một lần nữa, không hề có lỗi.
Tất nhiên, giải pháp này có vẻ thật nước đôi, nhưng bạn hẳn cũng hiểu rằng cuộc sống loài người không hoạt động đơn giản theo nguyên tắc nhị nguyên, 0 là sai còn 1 là đúng. Đa phần những vấn đề mà ta nhìn thấy và đối mặt, không phải màu đen tối tăm cũng chẳng hoàn toàn trắng thánh thiện. Chúng mang màu xám, có thể hiểu theo cách này cách khác, có mặt này đúng, mặt kia sai pha trộn lẫn nhau.
Vậy thì, tại sao ta lại không thể chấp nhận một giải pháp màu xám, ít nhất là để dung hòa lợi ích trước mắt của các bên, tránh đào sâu thêm mâu thuẫn - thứ hoàn toàn có thể kéo theo những hậu quả lâu dài?
FIFA và UEFA tuyên bố loại Nga khỏi các giải đấu ‘’cho đến khi có thông báo tiếp theo’’. Nhưng thông báo tiếp theo này là khi nào, và đến khi có thông báo tiếp theo ấy, liệu đã có bao nhiêu chuyện xảy ra?
Nếu Nga, Trung Quốc và các đồng minh không chỉ set up một trật tự thế giới mới mà cả một trật tự thể thao của riêng họ thì sao? Các quốc gia nhỏ sẽ phải theo bên nào (về cả chính trị và thể thao), theo phương Tây để bị Trung Quốc dằn mặt hay gia nhập khối Nga – Trung để bị trừng phạt?
Bây giờ UEFA, FIFA, IOC, IPC phán quyết trừng phạt vận động viên Nga, sau này khi những vận động viên này trở lại, liệu rằng họ sẽ không mang một tâm lý thù hằn vào thi đấu? Liệu rằng các vận động viên, cổ động viên phương Tây sẽ không ít nhiều ‘’kỳ thị’’ họ?
Tinh thần đoàn kết của thể thao quốc tế đang đứng trước thách thức vô cùng to lớn, chính nhờ vào những quyết định quá đáng và phi lý của các tổ chức quốc tế vốn vẫn được tiếng tham nhũng, lũng đoạn nhiều hơn là trong sạch.
Tôi biết rằng những gì mình viết ở đây có thể gây ra tranh cãi, và đó cũng là một lý do để từ ban đầu, tôi không có ý định viết về những gì thuộc bóng đá, thuộc thể thao liên quan đến tình hình Ukraine. Ta đã có đủ tranh cãi rồi.
Nhưng như đã nói, những trò hề mới nhất của các liên đoàn quốc tế - trong đó phải kể đến phán quyết FIFA cho phép các cầu thủ nước ngoài tự do rời Nga mà không bị trừng phạt, tức là vi phạm cả hợp đồng lao động! – đã khiến tôi cảm thấy cần công khai quan điểm của mình.
Nhưng bạn có biết không, tôi hay bạn, hay bất kỳ ai, kể cả những ngôi sao tiếng tăm nhất như Messi, như Ronaldo có lên tiếng bao nhiêu thì người Ukraine cũng vẫn phải chịu khổ nạn, việc Nga tiếp tục tiến quân hay lùi đi vẫn chỉ phụ thuộc vào Putin. Những lời nói, những phát ngôn của chúng ta không giúp ích nhiều đến vậy, và tất cả phân tích như những điều tôi viết phía trên cũng chỉ mang tính chất tham khảo, chia sẻ và học hỏi, còn chuyện gì xảy ra thì cũng đã rồi, nói vậy hay nói nữa cũng không thể đảo ngược dòng đời.
Với tư cách là những cá nhân, hay những tổ chức, tập thể ‘’thấp cổ bé họng’’, thứ chúng ta cần làm NHẤT không phải là tiếp tục ngày ngày đọc báo mạng, chỉ trích bên này bên kia, lớn lối bình luận, tranh cãi trên không gian ảo. Phát ngôn chỉ cần một bài đăng, một hình ảnh, để cho người ta biết quan điểm của bạn (nên là ủng hộ hòa bình, chấm dứt chiến tranh chứ không phải cổ vũ bên nào, phản ứng với bên nào), góp phần thể hiện sự ủng hộ với đúng đối tượng và truyền tải thông điệp. Sau phát ngôn, chúng ta có thể tạo ra những tác động trực tiếp, như quyên góp tiền để cứu trợ cho nạn nhân chiến tranh, những người có điều kiện thì cưu mang người tị nạn, trực tiếp đến Ukraine giải cứu, như vậy sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.
Còn nếu bạn không có điều kiện mang lại tác động trực tiếp, thì một tác động gián tiếp cũng là rất tốt rồi. Quan điểm của tôi rất đơn giản: Hãy sống tốt nhất cuộc sống của bạn. Làm tốt nhất những gì bạn cần, bạn muốn, và bạn biết là phải làm. Chỉ vậy thôi - bớt lại việc nói và quan tâm đến những thứ bạn không kiểm soát được, thay vào đó làm thật nhiều những điều hữu ích - tạo ra những GIÁ TRỊ cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.
Chúng ta đã đi rất xa khỏi phạm trù thể thao và bóng đá rồi phải không? Bạn sẽ hỏi tôi rằng cái chuyện này thì liên quan gì đến Nga và Ukraine vậy?
Peter Dinklage trong phim I think we're alone now.
Peter Dinklage trong phim I think we're alone now.
Tôi tin vào lý thuyết Entropy - thứ tôi biết đến nhờ xem diễn viên Peter Dinklage phát biểu trong phim I think We’re alone now (Tôi cũng chưa hiểu sâu gì đâu và google thì mới thấy entropy vốn là khái niệm thuộc về nhiệt động học, nên cao nhân nào có hiểu vấn đề này thì xin khai sáng giúp).
Đại khái là: Trong vũ trụ có một sự hỗn loạn nhất định; nếu chúng ta có thể dọn dẹp, làm giảm bớt sự hỗn loạn đó ở một nơi nào thì chúng ta cũng đã có thể làm giảm bớt sự hỗn loạn trong toàn cõi vũ trụ này rồi.
Tôi tin rằng nếu mỗi người sống tốt, tạo ra, trao đi năng lượng tích cực và giá trị thì dù ở Việt Nam, ở bất kỳ đâu trên quả địa cầu này, sự tích cực ấy vẫn có thể lan tỏa đến toàn vũ trụ, đến tất cả những nơi còn đang hỗn loạn như Ukraine, dù nhỏ bé nhưng không phải là hoàn toàn vô nghĩa.
Bạn có thể cho rằng tôi nghiện ngôn tình quá rồi, cứ ‘’tín hiệu từ vũ trụ’’ thôi, nhưng đây là quan điểm của tôi dựa trên cơ sở những gì tôi đã biết, đã học được và trải nghiệm. Bạn có thể không đồng tình, nhưng tôi hy vọng bạn sẽ không thể hiện sự phản đối bằng cách làm ngược lại lời khuyên ‘’sống tốt’’, vì giả sử nó chẳng tốt cho Ukraine, thì cũng tốt cho bản thân bạn.
Một bài viết đi khá xa khỏi địa hạt của bóng đá và thể thao, vấn đề phân tách chính trị ra khỏi những lĩnh vực của xã hội rồi, và tôi hy vọng những điều như thế này sẽ không bao giờ còn phải viết lại nữa.
Gửi những lời cầu chúc tốt đẹp nhất tới những con người đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, chỉ hy vọng họ sớm ổn định lại được phần nào cuộc sống. Mong rằng giao tranh sớm khép lại và thế giới này lại có thể nhìn thể thao bình thường như nó vốn là như thế.
Xin dành hình ảnh cuối cùng trong bài viết này cùng sự tôn trọng cho tuyển thủ quốc gia Nga, tiền đạo Artem Dzyuba. Một trong những người hiếm hoi phát ngôn và hành động như một con người chân chính xoay quanh những vấn đề khủng khiếp hiện tại.