Vào ngày 23/3 vừa qua, bóng đá Việt Nam đã vừa trải qua một sự kiện kinh hoàng gây chấn động dư luận cả nước. Cụ thể, ở phút thứ 30 trong trận đấu giữa CLB TPHCM với CLB Bóng đá Hà Nội thuộc vòng 5 giải bóng đá Vô địch quốc gia V-League 2021, tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh bên phía CLB TPHCM đã có một pha vào bóng rất nguy hiểm đối với tiền vệ Đỗ Hùng Dũng cuả CLB Hà Nội. Pha vào bóng thô bạo đã khiến Hùng Dũng phải rời sân bằng cáng và được đưa vào bệnh viện địa phương để điều trị phẫu thuật. Chấn thương khiến Hùng Dũng gãy xương mác, xương cẳng chân và dự kiện anh sẽ mất 5-6 tháng để đi lại bình thường và mất 1 năm để trở lại sân cỏ đỉnh cao. Đây là một tổn thất không hề nhỏ đối với bóng đá Việt Nam khi mà ĐTQG Việt Nam sẽ lên đường sang UAE vào tháng 6 tới để có 3 trận đấu then chốt cho tấm vé đi tiếp vào vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 khu vực châu Á. Rất nhiều người hâm mộ đã không khỏi bàng hoàng và lo lắng cho tương lai của chàng tiền vệ tài hoa này, nhất là khi biết được Hùng Dũng đang ở độ chín của sự nghiệp, cũng như vai trò của anh trên ĐTQG trong những năm vừa qua quan trọng thế nào. Những lo lắng của họ đều có cơ sở khi mà đã từng có rất nhiều ngôi sao của bóng đá thế giới mãi mãi không thể tìm lại được chính mình, cũng như là rất nhiều tài năng trẻ đã “sớm nở chóng tàn” vì bị những chấn thương dày vò, hoặc chí ít là họ đã không còn có thể cống hiến cho khán giả những màn trình diễn đỉnh cao như những gì đã thể hiện trong quá khứ. Thậm chí đã có những trường hợp cầu thủ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp nhưng đã phải sớm giải nghệ vì những vấn đề liên quan đến chấn thương.
Ảnh minh họa
Sau đây chúng ta hãy cùng điểm lại 5 cầu thủ tiêu biểu bị những chấn thương quái ác hủy hoại sự nghiệp như những lời giải thích cho lý do tại sao 2 chữ “chấn thương” lại là điều cấm kị trong bóng đá.

1. Ronaldo Luis Nazario De Lima


Ronaldo De Lima (Nguồn: Wallpaper Crave)
Được biết đến với biệt danh “Người ngoài hành tinh” với những pha đi bóng ảo diệu hơn cả ảo thuật gia thông thường của xứ Samba, Ronaldo De Lima được đánh giá là một trong những tiền đạo vĩ đại nhất của bóng đá thế giới với 2 lần vô địch World Cup 1994 và 2002 cùng ĐTQG Brazil và hàng tá những danh hiệu lớn nhỏ ở cấp độ CLB. Anh cũng đã từng có 3 lần được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA vào các năm 1996 (cầu thủ trẻ nhất lịch sử đoạt được danh hiệu này), 1997, 2002; cùng với hai lần đoạt danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu vào các năm 1997 và 2002. Dù chưa dành được một danh hiệu UEFA Champions League nào nhưng anh vẫn được rất nhiều người trong giới chuyên môn công nhận là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất mà bóng đá thế giới đã từng sản sinh ra.
Chấn thương đầu gối đã khiến Ronaldo mãi mãi đánh mất bản thân mình. 
(Nguồn ảnh: Web24 News)
Tuy nhiên, khi mà khán giả thế giới đang say sưa với những pha đi bóng đỉnh cao cũng như những kiệt tác mà Ronaldo vẽ ra thì một tai họa bất ngờ ập đến khiến sự nghiệp quần đùi áo số của anh bị ảnh hưởng rất nhiều. Tháng 11/1999, Ronaldo đã dính phải một chấn thương đầu gối nghiêm trọng đầu tiên trong sự nghiệp khi đang khoác áo Inter Milan và khiến anh phải rời xa sân cỏ đỉnh cao trong khoảng thời gian khá dài là 5 tháng. Ngày 22/4/2000, khi mà Inter đang bị Lazio dẫn 2-1 trong trận chung kết Coopa Italia, HLV huyền thoại Marcelo Lippi đã buộc phải dùng đến con bài quan trọng nhất của mình nhằm cải thiện khâu tấn công của “the Nerazzurri”. Ronaldo chính thức tái xuất sau một quãng thời gian khá dài ngồi ngoài vì chấn thương. Sau khi vào sân được 6 phút, Ronaldo có bóng và thực hiện một động tác đi bóng kĩ thuật khi đang chạy ở tốc độ cao, đó là đảo chân liên tục để lừa bóng qua hậu vệ đối phương. Pha đi bóng với tốc độ quá nhanh đã khiến anh không thể giữ thăng bằng và ngã gục xuống trước vòng cấm của Lazio. Khi anh rời sân, cả khán đài sân Olimpico ở thủ đô Rome như chết lặng khi chứng kiến chấn thương kinh hoàng của một thiên tài sân cỏ và nó đã trở thành một trong những sự kiện để lại rất nhiều tiếc nuối trong lịch sử làng túc cầu. Đến cả một cầu thủ nổi tiếng đá rắn như Diego Simeone bên phía Lazio cũng không khỏi bàng hoàng và xót xa khi chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó. Chấn thương đã khiến anh lại phải tiếp túc rời xa bóng đá đỉnh cao 17 tháng, và anh đã không bao giờ có thể tìm lại cảm giác bóng đỉnh cao như thời điểm trước năm 2000 nữa. Tuy nhiên, Ronaldo vẫn không nhụt chí và luôn luôn chăm chỉ tập luyện để duy trì phong độ đỉnh cao. Và thành quả cho nỗ lực không biết ngừng nghỉ của anh đã tới khi mà vào năm 2002, Ronaldo cùng với những Rivaldo, Ronaldinho một lần nữa đưa Selecao lên đỉnh thế giới và có lần thứ 3 đoạt Quả Bóng Vàng năm đó. Sau chức vô địch World Cup 2002, anh quyết định chuyển sang Real Madrid để gia nhập “Dải ngân hà Galaticos” cùng những Zinidine Zidane, Raul Gonzalez, Fernando Hierro... Dấu ấn lớn nhất của anh tại “Kền kền trắng” có lẽ là cú hat-trick vào lưới Manchester United của Sir Alex Ferguson ngay tại Old Trafford trong khuôn khổ cúp C1 châu Âu mùa giải 2002-03. Tuy nhiên “người ngoài hành tinh” bắt đầu có dấu hiệu tăng cân khiến anh ngày càng trở nên nặng nề hơn và mãi mãi không thể tìm lại được những năm tháng huy hoàng. Năm 2007, anh chuyển sang khoác áo A.C Milan và chấn thương lại một lần nữa không buông tha cho “người ngoài hành tinh” khiến anh chỉ ra sân được 7 trận ở mùa bóng 2007/2008 trước khi chấm dứt hợp đồng với Milan vào tháng 6/2008. Chính Clarence Seedorf, một người đồng đội của Ronaldo tại Milan, đã khuyên anh không nên tiếp tục thi đấu vì bị chấn thương hành hạ quá nhiều. Ronaldo sau đó chuyển sang CLB Corithians ở quê nhà Brazil vào năm 2009 và dành 2 năm cuối cùng của sự nghiệp tại đây. Anh chính thức giải nghệ vào ngày 14/2/2011 sau khi không thể giúp Corithians có thành tích tốt tại Copa Libertadores. Sau khi giải nghệ, anh quyết định đi theo con đường kinh doanh và bắt đầu có đam mê đầu tư cũng như chơi chứng khoán. Anh đồng sở hữu đội đua F1 A1 Brazil, đồng sở hữu công ty tiếp thị thể thao 9INE, có cổ phần trong CLB Fort Lauderdale Strikers. Năm 2015, Ronaldo đã mở 8 chi nhánh mới của Học viện bóng đá Ronaldo tại Trung Quốc, Mỹ và Brazil. Anh hiện cũng đang nắm giữ tới 51% cổ phần của CLB của Tây Ban Nha là Real Valladolid.
Hiện tại, anh đang là một doanh nhân rất thành đạt với việc nắm giữ 51% cổ phần CLB Real Valladolid. (Nguồn ảnh: CNBC) 

2. Marcel "Marco" Van Basten

Marcel Van Basten – tiền đạo hay nhất mọi thời đại của bóng đá Hà Lan.
(Nguồn ảnh: FIFA)
Trong số những trường hợp được nêu ra ở bài viết, có lẽ chấn thương của Marcel Van Basten để lại cho fan bóng đá nhiều nỗi buồn và tiếc nuối nhất. “Thánh Marco” sinh ngày 31/10/1964 tại Ultrect, Hà Lan. Ông được biết đến là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất mọi thời đại với 276 bàn thắng trong một sự nghiệp tuy ngắn ngủi nhưng rất lừng lẫy. Van Basten được biết đến là một cầu thủ rất nhạy bén về chiến thuật, cũng như các kỹ năng xử lý bóng điệu nghệ và nhưng cú sút volley thần sầu, đẹp mắt. Trong suốt sự nghiệp ngắn ngủi nhưng vĩ đại của mình, ông đã giành được 3 Quả Bóng Vàng (1988, 1989 và 1992), 1 lần được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA vào năm 1992, UEFA EURO 1988 và nhiều danh hiệu lớn nhỏ khác cùng Ajax Amsterdam và A.C Milan. Khi Van Basten mới 18 tuổi, ông đã có trận ra mắt cho Ajax khi vào sân thay cho “thánh” Johan Cruyff – huyền thoại bóng đá Hà Lan và ghi bàn trong chiến thắng 5-0 trước NEC Nijmegen. Ông đã 4 lần liên tiếp dành vua phá lưới của giải VĐQG Hà Lan vào các năm 1984, 1985, 1986 và 1987 với 117 bàn sau 112 trận. Đỉnh cao là mùa giải 1985/1986, Van Basten đã bỏ túi cho mình 37 pha lập công sau 26 trận và giành luôn danh hiệu Chiếc giày vàng châu Âu năm đó. Mùa giải 1986/1987, ông ghi bàn vào lưới Lokomotic Leipzig mang về cúp C2 cho phòng truyền thống của Ajax trước khi được Silvio Berlusconi đưa về A.C Milan. Trong mùa giải đầu tiền ở Milan, đội bóng đã giành được Scudetto đầu tiên sau 8 năm nhưng ông chỉ được ra sân vỏn vẹn 11 trận vì chấn thương mắt cá. Tuy vậy, Van Basten vẫn bỏ mặc hết tất cả mà cùng ĐTQG Hà Lan tham dự EURO 1988 – giải đấu mà ông đã tỏa sáng để giúp “Cơn lốc màu da cam” lần đầu có được một danh hiệu cao quý. Ở kì EURO đó, ông đã ghi được 5 bàn thắng với 1 hat-trick vào lưới tuyển Anh, 1 bàn trước Tây Đức ở bán kết và cùng với Ruud Gullit lập công trong chiến thắng 2-0 trước Liên Xô ở chung kết. Sau chức vô địch, ông cùng 2 người đồng hương là Ruud Gullit và Frank Rijkaard đã kết hợp để tạo thành “bộ 3 Hà Lan bay” giúp Milan có một đội hình vĩ đại và hùng mạnh nhất châu Âu thời điểm đó. “Bộ 3 Hà Lan bay” đã giúp “the Rossoneri” bành trướng khắp châu Âu với 3 Scudetto (1987-88, 1991-92, 1992-93), 2 lần liên tiếp đoạt cúp C1 châu Âu (1988-89, 1989-90);  4 lần đoạt siêu cup nước Ý (1988, 1992, 1993, 1994), 3 siêu cup châu Âu (1989, 1990, 1994), 2 cúp Liên lục địa (1989, 1990). Năm 1990, ông cùng Hà Lan tham dự World Cup nhưng bị loại bởi Tây Đức ở vòng 2 trước khi tiếp tục để “ngựa ô” Đan Mạch loại ở bán kết EURO 1992 sau loạt luân lưu 11m. Mùa giải 1992-93, Van Basten thi đấu rất thành công khi đã giúp Milan trải qua chuỗi 58 trận bất bại và dành giải thưởng cầu thủ xuất sắc năm của châu Âu lần thứ 3. Anh cũng là người thứ 3 đạt được danh hiệu cao quý này 3 lần trong sự nghiệp sau Johan Cruyff và Michel Platini. Đáng tiếc thay, đây cũng là những dấu ấn đỉnh cao cuối cùng mà Van Basten để lại cho bóng đá thế giới.
Bộ 3 “Hà Lan bay” vĩ đại. Thứ tự từ trái qua: Ruud Gullit, Van Basten, Frank Rijkaard.
(Nguồn ảnh: Đẳng cấp đá banh)
Mùa giải 1992-93, chấn thương mắt cá chân của ông ngày càng trầm trọng ở trong trận gặp Ancona khiến ông phải rời sân. “Thánh Marco” đã phải phẫu thuật và phải rời xa sân cỏ trong vài tháng. Van Basten đã được ra sân để thi đấu trận chung kết C1 mùa đó nhưng cái mắt cá chân “phản chủ” của ông đã khiến ông không thể làm được gì trước khi Milan để thua 0-1 trước đội bóng Pháp Olympique De Marseille tại Munich – nơi mà đã từng chứng kiến không ít những khoảnh khắc đỉnh cao của Van Basten. Ở trận đấu đó, ông thậm chí còn phải đau đớn rời sân sau pha tắc bóng của Basile Boli bên phía Marseille. Đó cũng là lần cuối cùng trong sự nghiệp mà Van Basten được ra sân cống hiến cho đội chủ sân San Siro. Sau đó, ông hy vọng được tiếp tục cống hiến cho Hà Lan ở World Cup 1994 nhưng đã bị Milan từ chối vì lo ngại sẽ ảnh hưởng tới quá trình hồi phục. Thậm chí, Van Basten đã không bao giờ còn có thể tiếp tục cống hiến được cho Milan thêm một trận nào nữa. Trong một lần trả lời phỏng vấn của Sky Sports, Van Basten hồi tưởng, “Nghĩ về trận chung kết ấy mà xem, chúng tôi thua bởi mắt cá của tôi quá tệ. Năm 1994 đội vô địch, đến năm 1995 thì thua Ajax. Khi ấy tôi vẫn là thành viên của đội bóng, dù chẳng thể tập tành gì. Tôi vẫn cứ ở đó. Nếu tôi hoàn toàn khỏe mạnh, Milan đã vô địch Champions League ba mùa liên tiếp". Ngày 17/8/1995 là một dấu mốc buồn trong lịch sử của Rossoneri khi mà Van Basten mới ở tuổi 30 nhưng đã phải chính thức đầu hàng với chấn thương mắt cá chân quái ác và tuyên bố giã từ sân cỏ khi sự nghiệp còn đang dang dở với nhiều nuối tiếc. Van Basten chia sẻ, "Tôi sẽ không bao giờ quên ngày tôi quyết định giải nghệ. Đó là một ngày tháng 8, khi tôi đang tập luyện một mình ở Milan. Và rồi tôi nhận ra rằng mình không thể thực hiện các bài tập mà HLV đã giao. Tôi bắt đầu chán nản. Tôi không chỉ chơi bóng trong sự đau đớn, tôi còn phải vĩnh viễn sống chung với nó. Cuộc sống của tôi không thể trở lại một cách bình thường, các bác sĩ không biết làm thế nào để giúp tôi vượt qua điều đó. Và rồi ngày hôm đó, khi đang ở một mình trên sân cỏ, tôi tự nhủ: 'Thế là đủ rồi' ". Điều này đã tạo ra nỗi buồn vô hạn đối với các CĐV bóng đá toàn thế giới nói chung và các fan trung thành của sắc đỏ đen thành Milan nói riêng. Ngày hôm đó, cái vẫy tay của Van Basten đã khiến tất cả các cổ động viên có mặt tại San Siro, cũng như những người đang theo dõi ông qua màn ảnh nhỏ không thể kìm lòng. Thậm chí, đến cả một người sắt đá như HLV Fabio Capello cũng phải rơi nước mắt vì thương cậu học trò xuất sắc nhưng đen đủi của mình. Van Basten đã quyết định nén đau để chạy những bước chạy cuối cùng vòng quanh SVĐ như một lời chào từ biệt tới các Milanista – những người đã đồng hành cùng ông trong quãng thời gian đầy vinh quang và đã mong chờ một ngày ông tái xuất, cũng như mái nhà A.C Milan – nơi đã để lại cho ông rất nhiều kỉ niệm đẹp nhưng cũng rất nhiều những kí ức buồn. “Như một đám tang", Van Basten kể lại với Sky Sports. "Không phải tôi qua đời, mà sự nghiệp bóng đá của tôi đã chết. Tôi cảm nhận rõ điều đó. Đồng đội hiểu, CĐV trên sân San Siro khi ấy và cả những người đang xem truyền hình cũng hiểu điều đó. Thật là một thời khắc đặc biệt trên toàn thế giới, một khoảnh khắc lịch sử. Đó là khoảnh khắc chàng cầu thủ trong tôi đã chết". Van Basten cũng đã thừa nhận ông luôn luôn không muốn tin chấn thương quái ác đó là sự thật kể cả sau khi đã giải nghệ. Mãi tới tận năm 46 tuổi, ông mới chấp nhận sự thật là mọi thứ đã chấm hết và buông xuôi hoàn toàn. Sau này Van Basten cũng đã thử sức mình ở vai trò HLV với khả năng tư duy chiến thuật nhạy bén khi còn là cầu thủ. Tuy nhiên ông đã thất bại trong cả 2 lần đảm nhận HLV cho đội tuyển Hà Lan tham dự EURO 2008 khi bị Nga loại ở tứ kết, cũng như cho CLB Ajax Amsterdam khi đội này bị loại khỏi UEFA Champions League năm 2009.
Trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến tháng 10/2018, Van Basten đã nắm giữ vai trò là 1 giám đốc kỹ thuật của FIFA. (Nguồn ảnh: Sportskeeda)

3. Owen Hargreaves

Owen Lee Hargreaves (Nguồn ảnh: BBC)
Owen Lee Hargreaves sinh ngày 20/1/1981 tại Calgary, Alberta, Canada. Anh là con trai út trong số 3 đứa con của bà Magaret và ông Colin Hargreaves. Cha anh đã di cư từ Vương Quốc Anh đến Canada vào những năm 1980 trước khi cưới bà Magaret. Năm 1997, anh chuyển qua Bayern Munich khi mới 16 tuổi từ Calgary Foothills. Anh chơi cho đội U19 của Munich trong 2 năm rưỡi trước khi trải qua 6 tháng ở đội nghiệp dư. Anh đã từng cùng U19 Bayern Munich tạo nên một kì tích khi vào tới tận trận chung kết Cúp quốc gia Đức năm 1998 và chỉ chịu thua trên sân của đại kình địch Borussia Dortmund sau loạt luân lưu đầy may rủi. Anh có trận ra mắt tại Bundesliga vào ngày 12/8/2000 khi vào sân ở phút thứ 83 thay cho Carsten Jancker, trước khi lần đầu góp mắt trong đội hình xuất phát của hùm xám xứ Bavaria hơn 1 tháng sau đó trong trận gặp SpVgg Unterhaching. Anh góp phần không nhỏ cho sự thành công của Bayern Munich mùa giải 2000-01 với chức vô địch Bundesliga cũng như UEFA Champions League với màn trình diễn thượng hạng trước Real Madrid ở trận bán kết C1 năm đó. Màn trình diễn đỉnh cao này đã đưa anh lên một tầm cao mới trong sự nghiệp. Anh cũng trở thành cầu thủ người Anh thứ 2 sau Steve McManaman giành C1 cùng một CLB ko thuộc nước Anh. Mùa giải 2001-02, anh đã ngày càng chứng tỏ năng lực của anh và trở thành nhân tố không thể thiếu của Bayern Munich mặc dù đó là một mùa giải mà hùm xám xứ Bavaria chỉ về đích thứ 3 tại Bundesliga, lọt vào tứ kết Champions League, và bị Schalke 04 loại ở cúp Quốc gia. Tuy nhiên bắt đầu ở mùa giải 2002-03, anh đã bắt đầu phải trải qua cảm giác bị các chấn thương hành hạ lần đầu tiên trong sự nghiệp. Đó là mùa giải mà anh cùng Bayern Munich ăn mừng chức vô địch Bundesliga và DFB Cup, cũng như có được bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp ở Bundesliga khi lập công vào lưới của Borussia Monchengladbach vào ngày 26/1/2003. Đáng tiếc, anh đã bị chấn thương hành hạ tới 3 lần trong một mùa giải vào tháng 9 (rách bắp cơ đùi), tháng 10 (bắp chân) và chấn thương cơ khép ở cuối mùa giải khiến anh nghỉ thi đấu 3 tuần. Những chấn thương quái đản này đã khiến anh phải nghỉ thi đấu 25 trận tại Bundesliga, 4 trận tại các giải cúp và 3 trận tại Champions League. Mùa giải 2003-04, anh ra sân tổng cộng 38 trận cho Bayern Munich nhưng không thể giúp hùm xám xứ Bavaria gạt hái được bất kì danh hiệu nào năm đó khi mà đội bóng của anh chỉ về nhì tại Bundesliga và bị Real Madrid knock-out khỏi cúp C1. Anh một lần nữa cùng Bayern Munich lên ngôi tại Bundesliga và DFB Cup ở mùa 2004-05 sau 27 trận tại Bundesliga (ghi được 1 bàn thắng), đá 3 trận tại các giải cúp (ghi 2 bàn) và 8 trận tại Champions League. Mùa giải 2005-06, anh cùng đội bóng của anh khánh thành và chuyển địa điểm thi đấu sang SVĐ Allianz Arena. Trong mùa giải đầu tiên ở SVĐ mới, đội bóng của Owen giành được Bundesliga và Cup quốc gia. Anh đã góp mặt ở 27 trận đấu tại Bundesliga (có 1 pha lập công), đá 3 trận tại các giải đấu cup (ghi 2 bàn) và 8 lần ra sân tại Champions League. Cũng trong cùng mùa giải đó, anh với Bayern Munich đã quyết định ngồi vào bàn đàm phán để kéo dài mối lương duyên giữa anh và đội chủ sân Allianz Arena thêm 4 năm nữa vào tháng 10 năm 2005. Nhưng đen đủi thay, anh lại một lần nữa bị hành hạ bởi chấn thương ở chân khi đang ở trong giai đoạn tươi đẹp nhất sự nghiệp. Chấn thương khiến anh hầu như không thể cống hiến cho Hùm xám xứ Bavaria trong các trận đấu ở mùa 2006-07. Nhưng anh cũng trở lại kịp thời tại vòng 16 đội cup C1 năm đó để đóng góp vai trò quan trọng giúp Bayern Munich có chiến thắng quan trọng 2-1 ở Allianz Arena để giúp Bayern Munich đá văng Real Madrid khỏi giải đấu với tổng tỷ số 4-4 nhưng Bayern đi tiếp nhờ luật bàn thắng trên sân khách (Bayern thua 2-3 ở Santiago Bernabeu ở lượt đi) trước khi bị A.C Milan loại ở vòng tứ kết với tổng tỷ số 2-4.
Năm 2007, anh quyết định chuyển sang khoác áo Manchester United sau 1 thập kỷ gắn bó với Bayern Munich. (Nguồn ảnh: Planet Football)
Ngay khi anh hồi phục chấn thương, đã có một dấu mốc lớn xảy ra đối với sự nghiệp của Hargreaves. Ngày 31/5/2007, truyền thông thế giới đã bắt đầu dấy lên tin đồn về việc anh rời Bayern Munich sau 10 năm gắn bó để gia nhập Manchester United của Sir Alex Ferguson. Những lời đồn đoán trên đã trở thành sự thực khi anh chính thức gia nhập đội chủ sân Old Trafford với mức phí chuyển nhượng là 17 triệu bảng. Mùa giải đầu tiên mà Hargreaves trở thành một phần của “bầy Quỷ đỏ” đã diễn ra rất thành công khi anh góp mặt trong 34 trận đấu của nửa đỏ thành Manchester trên mọi đấu trường và anh đóng góp vai trò quan trọng trong cú đúp danh hiệu Premier League và UEFA Champions League mùa giải 2007-08 của Manchester United. Đặc biệt, anh là một trong những cầu thủ thực hiện thành công 1 quả penalty giúp Man United đánh bại Chelsea tại chung kết C1 trong đêm mưa Moscow huyền ảo. Đối với một cầu thủ bỏ gần như cả mùa giải cuối cùng ở CLB cũ như Owen Hargreaves, việc anh vẫn có thể thi đấu và đóng góp vai trò quan trọng ở Manchester United quả thực là rất đáng kinh ngạc. Sau mùa giải đầu tiên rất mĩ mãn tại “nhà hát của những giấc mơ”, các Manucians đã kì vọng vào việc Hargreaves sẽ ngày càng phát triển và trở thành “một con Quỷ đỏ” đích thực tại Old Trafford.
Owen Hargreaves và người đồng đội trẻ tuổi Cristiano Ronaldo trong màu áo Quỷ đỏ.
(Nguồn ảnh: The Mirror)
Nhưng những ai chờ đại điều đó có lẽ đã phải vỡ mộng vì sau đó là chuỗi những tháng ngày kinh hoàng đối với Hargreaves. Anh bắt đầu chuỗi “series” kinh hoàng của mình vào tháng 7/2008 với những vấn đề ở đầu gối chân và phải ngồi ngoài 50 ngày. Cuối tháng 9/2008, anh tái xuất sân cỏ nhưng lại lập tức dính một chấn thương bánh chè đầu gối và nó nặng hơn lần trước rất nhiều khi anh phải rời xa sân cỏ tới 283 ngày. Đầu tháng 7/2009, anh bình phục chấn thương và cùng Manchester United tham dự tour du đấu hè nhưng lại 1 lần nữa chấn thương đầu gối lại quay trở lại tiếp tục hành hạ Hargreaves vào cuối tháng 7 khiến anh vắng mặt 153 ngày. Khi mùa giải 2010/2011 bắt đầu, lại là chấn thương đầu gối quay trở lại để tiếp tục “ám” Hargreaves và sau đó nối tiếp bằng một chấn thương khác ở bắp vế giữa tháng 11/2010 và lại khiến anh không thể cống hiến cho màu áo Qủy đỏ thành Manchester cho tới tận tháng 4/2011. Mùa giải 2010/2011 kết thúc cũng là lúc hợp đồng giữa anh và đội chủ sân Old Trafford hết hạn. Trong 3 mùa giải sau 2007/08, Hargreaves chỉ chơi tổng cộng 5 trận cho United và trận chính thức cuối cùng anh hiện diện trên sân là thắng lợi 2-1 của “Quỷ đỏ” trước Wolves tối 6/11/2010. Trận ấy, Hargreaves chơi 10 phút đầu trước khi tái phát chấn thương và bị thay ra bởi Bebe. Những chấn thương liên tiếp trong 3 năm đã khiến Sir Alex Ferguson mất niềm tin vào anh. Rõ ràng, “máy sấy tóc” chỉ trân trọng một Owen Hargreaves khỏe mạnh, lành lặn và luôn thể hiện những kĩ năng đỉnh cao của mình. Đây cũng chính là nguyên nhân lớn nhất khiến quan hệ giữa anh với Sir Alex ngày càng tệ đi. Đỉnh điểm cho sự rạn nứt giữa quan hệ của vị thuyền trưởng người Scotland với Hargreaves là khi Sir Alex đã viết trong cuốn tự truyện “My Autobiography” rằng Owen Hargreaves là một pha chuyển nhượng “đi vào lòng đất” của Manchester United dù anh đã có mùa giải ra mắt rất thành công. Nhưng cũng phải thông cảm cho anh khi mà rõ ràng những năm tháng chơi trong màu áo nửa đỏ thành Manchester đã lấy đi của anh rất nhiều. Anh liên tiếp bị hành hạ bởi những ca chấn thương, thứ mà đã ngăn cản anh vươn tới đỉnh cao cùng United cũng như đã khiến anh giải nghệ chỉ sau 1 năm rời Old Trafford. Tuy nhiên đó cũng chỉ là 1 phần. Trong 1 lần trả lời phỏng vấn của BT Sports khi anh chuyển sang khoác áo Manchester City vào tháng 8/2011, anh đã cho rằng chính những sai lầm trong phương pháp điều trị của đội ngũ y tế tại Old Trafford đã khiến anh thành ra thế này. Mặc dù quãng thời gian của anh tại Man United chỉ gói gọn trong 2 từ “chấn thương”, dù không được Sir Alex yêu quý, dù anh đã lựa chọn khoác áo đội bóng kình địch cùng thành phố, nhưng anh vẫn nhận được tình cảm đặc biệt từ các Manucians. Đây có lẽ là niềm an ủi duy nhất, cũng như là một trong những số ít những kí ức tốt đẹp mà Owen Hargreaves – nay đang là BLV có tiếng của BT Sport, có thể nhắc khi nhớ lại những năm tháng không mấy tươi đẹp ở Manchester United.
Owen Hargreaves sau khi giải nghệ đã trở thành một bình luận viên nổi tiếng của kênh BT Sport. 
(Nguồn ảnh: Daily Mail)

4. Alexandre Pato

Alexandre Pato trong màu áo của AC Milan (Nguồn ảnh: Ace Football)
Alexandre Rodrigues da Silva sinh ngày 2/9/1989 tại Pato Branco, Paraná, Brazil, được biệt đến nhiều hơn dưới cái tên Alexandre Pato. “Pato” là biệt hiệu mà anh đặt theo nơi mình được sinh ra, Pato Branco. Anh bắt đầu sự nghiệp của mình ở CLB Internacional với việc chơi ở các cấp độ đội trẻ. Năm 17 tuổi, anh đã được đôn lên thi đấu ở đội 1 và ngay lập tực ghi bàn giúp Internacional thắng SE Palmerias vào ngày 26/11/2006. Vào ngày 13/12/2006, lúc anh mới được 17 tuổi 102 ngày, anh đã ghi bàn cho Internacional trong chiến thắng 2-1 trước Al-Alhy Cairo tại bán kết cúp liên lục địa. Bàn thắng này đã giúp anh phá vở kỷ lục cầu thủ trẻ nhất ghi bàn của “vua bóng đá” Pele (17 tuổi 239 ngày). Anh sau đó đã được rất nhiều CLB tên tuổi chú ý như Arsenal, Juventus, Inter Milan, Chelsea...  Ngày 2/8/2007, AC Milan quyết định móc hầu bao 24 triệu euro để có sự phục vụ cuả tài năng được dự báo sẽ có sự nghiệp vĩ đại không kém gì Ronaldo De Lima hay Pele. Tuy nhiên Pato chỉ có thể chính thức khoác lên mình chiếc áo sọc đỏ đen danh giá vào tháng 1/2008 vì Liên đoàn bóng đá Italia không cho các đội bóng sử dụng cầu thủ dưới 18 tuổi. Cuối cùng, giấc mơ được song hành cùng các thần tượng của anh như Kaka, Ronaldinho, Dida đã trở thành hiện thực khi anh mới chỉ bước qua tuổi vị thành niên. Anh không cần quá nhiều thời gian để làm quen và ngay lập tức thể hiện tài năng của mình ngay những ngày đầu đặt chân tới Milan. Ngay trong trận đấu đầu tiên của Pato, anh đã đóng góp 1 pha lập công trong chiến thắng 5-2 của Rossoneri trước SSC Napoli. Ở trận đấu thứ 2 của Pato cho Milan, anh lại một lần nữa ghi bàn cho đội bóng, sau đó là một tần suất ghi bàn khá là ấn tượng. Báo chí của đất nước hình chiếc ủng khi đó như đắm say trước những gì mà Pato thể hiện ở mà anh thể hiện ở một độ tuổi mà có lẽ nhiều người vẫn đang tiếp bước trên con đường học vấn. Rê dắt kĩ thuật, kĩ năng xử lý bóng đỉnh cao, tốc độ của một con báo, khả năng ra chân nhanh như điện và khả năng không chiến rất tốt là tất cả những gì fan bóng đá được chứng kiến ở anh. Pato như là một sự pha trộn hài hòa giữa Ronaldo De Lima và Cristiano Ronaldo vậy, thứ mà đã khiến anh trở thành một tiền đạo thực thụ. Không có gì quá bất ngờ khi mà vào năm 2009, anh đã giành giải thưởng cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm (Golden Boy). Với những gì đã thể hiện, anh tất nhiên được CĐV bóng đá trên toàn thế giới nói chung và các Milanista nói riêng kì vọng sẽ trở thành một cầu thủ vĩ đại như những gì Van Basten hay Geogre Weah đã làm được, thậm chí sẽ còn vĩ đại hơn.
Chấn thương liên miên đã ngăn cản Alexandre Pato vươn tới đỉnh cao cùng Milan.
(Nguồn ảnh: Zing)
Tuy nhiên, cũng giống như Owen Hargreaves, anh cũng đã làm các CĐV đội nhà thất vọng khi liên tục dính đủ mọi chấn thương như bàn chân, mắt cá, gót chân đến rách bắp chân. 1 năm rưỡi đầu của anh tại San Siro đã diễn ra hoàn hảo khi anh có 24 pha lập công và 6 pha kiến tạo cho Milan tại Seri A và anh đang dần trở thành một biểu tượng của đội bóng. Song, những chấn thương liên miên đã khiến anh chỉ chơi được 25 trận cho nửa đỏ đen thành Milano ở mùa giải 2009-10. Mùa 2010-11, điều đó lại tiếp tục lặp lại một lần nữa. Đỉnh điểm của bi kịch là thời điểm 2 năm cuối cùng của Pato ở Milan, anh gần như không ra sân bất kì một phút nào và phải làm bạn với giường bệnh. Dấu ấn lớn nhất của anh sau mùa giải 2009-10 có lẽ chỉ là một pha dứt điểm đập cột để tạo điều kiện cho Kevin-Prince Boateng lập công trong chiến thắng 2-1 của Rossoneri trước Inter tại trận tranh siêu cup nước Ý diễn ra tại Bắc Kinh tháng 8/2011. Anh đã được Ban lãnh đạo AC Milan quyết định gửi sang Mỹ để điều trị dứt điểm tất cả các thể loại chấn thương đã đeo bám anh suốt những năm qua nhưng kết quả thu về được chỉ là một con số 0 tròn trĩnh. Vào mùa hè 2012, anh đã quyết định rời Milan trong đau đớn và nuối tiếc để trở về quê nhà Brazil thi đấu cho Corinthians vào ngày 4/1/2013 với mức giá 15 triệu euro. Như vậy, Alexandre Pato tuy mới chỉ 22 tuổi, một độ tuổi mà đáng lẽ ra các cầu thủ đang học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm để vươn tới đỉnh cao, nhưng Pato đã “sớm nở chóng tàn” để lại rất nhiều sự xót xa và nuối tiếc cho các cổ động viên. Nhưng chấn thương cũng chỉ là 1 phần khiến anh sớm qua thời đỉnh cao khi mà anh cũng bị gánh nặng về mặt tâm lý. Carlo Ancelotti, người thầy đầu tiên của Pato tại Milan, đã từng nói “Khi thấy Pato chơi bóng lần đầu tiên, tôi đã nghĩ rằng chỉ ghi 1 bàn thắng/trận là quá ít với đẳng cấp của cậu ấy. Tôi đã nói: Này Pato, cậu có thể ghi được 3 bàn trong trận này. Đôi khi, cậu ấy hài lòng quá sớm”. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng anh còn là một cầu thủ thiếu ý chí, một yếu tố rất quan trọng để trở thành siêu sao sân cỏ. Việc dễ bị chán nản, thiếu tự tin về bản thân rồi buông xuôi đã khiến anh đánh mất bản thân. Chính bản thân anh cũng đã thừa nhận điều này trong một lần trả lời phỏng vấn, “Một chấn thương nhỏ cũng trở thành một vấn đề rất lớn. Tôi mất tự tin và cảm thấy ngày càng cô đơn, không có chút tinh thần nào để vượt qua những năm tháng khó khăn ngày ấy”. Anh đã được nhiều người nhận xét là một thần đồng bóng đá không chịu lớn của xứ Samba chính là vì sự thiếu tin tưởng vào bản thân.
Vào nửa sau của 2015-16, anh đã được tới Chelsea thi đấu theo một bản hợp đồng cho mượn nhưng việc không thể hiện được gì nhiều đã khiến BLĐ của The Blues quyết định không gia hạn hợp đồng với anh. Không lâu sau khi bị Chelsea trả lại, Corinthians đã tìm được đối tác để bán cựu tiền đạo AC Milan. Cụ thể, theo tiết lộ của Globo Esporte, Corinthians và Villarreal đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng chân sút 27 tuổi vào mùa hè 2016. Việc chuyển tới Villarreal đã giúp anh tiếp tục có cơ hội được chinh chiến tại UEFA Champions League vì Villarreal đã kết thúc La Liga 2015-16 ở vị trí thứ 4 trên BXH và giành được suất tham dự trận play-off để giành vé vào thẳng vòng bảng. Tuy nhiên đội của Pato đã để thua AS Monaco với tổng tỷ số 1-3, qua đó không có vé dự C1 mùa đó. Vào mùa hè 2017, anh một lần nữa bị đem bán vì không đáp ứng đủ nhu cầu chuyên môn. Anh chuyển đến Thiên Tân Quyền Kiện – một đội bóng đang thi đấu tại giải VĐQG Trung Quốc. Chỉ khi anh chuyển tới một môi trường bóng đá mà các cầu thủ thua xa anh về mặt trình độ chơi bóng, anh mới tìm lại được phần nào bản năng sát thủ của mình với 36 pha lập công sau 60 trận đấu trước khi quay về Brazil để thi đấu cho Sao Paolo ở mùa giải 2019-2020.
Hiện tại, anh đang thi đấu tại Orlando City ở Mỹ với 1 bản hợp đồng có thời hạn 1 năm
(Nguồn ảnh: Major League Soccer)

5. Theo Walcott

Theo Walcott trong màu áo của Arsenal (Nguồn ảnh: Arsenal.com)
Theo James Walcott sinh ngày 16/3/1989 tại Stanmore ở thủ đô London của nước Anh nhưng lại lớn lên ở Compton, Berkshire. Anh có cha là người gốc Jamaica còn mẹ là người Anh da trắng chính gốc. Anh là một fan cứng của Liverpool và khi anh được Chelsea mời làm cậu bé nhặt bóng, anh đã có dịp được gặp mặt các thần tượng của anh ở Liverpool như Michael Owen, Robbie Fowler. Thưở nhỏ, anh đá cho đội bóng của địa phương, trước khi chính thức gia nhập Newsbury rồi sau đó là Swindon Town. Tại đây, anh chỉ cần 6 tháng để lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng Southampton và Chelsea, và anh đã từ chối Chelsea để gia nhập đội chủ sân St.Mary. Vào năm 2003, Nike đã quyết định kí một bản hợp đồng tài trợ cho Walcott khi anh mới chỉ có 14 tuổi. Trong thời gian đầu khởi nghiệp ở Southampton trong màu áo của đội trẻ, anh đã từng cùng Southampton vào tới chung kết FA Cup trẻ. Bên cạnh đó, Walcott cũng đã lập kỷ lục là cầu thủ trẻ nhất ra sân thi đấu cho đội dự bị Southampton khi mới chỉ 15 tuổi 175 ngày trong trận đấu mà anh vào sân từ băng ghế dự bị gặp Watford vào tháng 9/2004. Hơi tiếc cho anh khi mà anh không thể cùng Southampton chinh chiến ở Premier League khi mà Southampton đã phải xuống chơi tại Championship vào cuối mùa giải 2004-05. Năm 2006, khi anh mới chỉ có 17 tuổi, BLĐ Arsenal đã quyết định chi 5 triệu bảng để đưa Walcott về với sân Emirates. Số tiền này có thể tăng lên tới 12 triệu bảng tùy vào những gì anh thể hiện ở câu lạc bộ cũng như đội tuyển quốc gia. Trong thời gian thi đấu cho Pháo thủ thành London, anh đã thể hiện bản thân mình một cách rất tuyệt vời và được HLV Arsene Wenger đánh giá rất cao, tạo điều kiện tối đa để anh phát triển. Anh có trận ra mắt đội 1 vào ngày 19/8/2006 ở trần đấu khai màn Premier League gặp Aston Villa. Anh vào sân từ băng ghế dự bị vì ngay lập tức đóng góp một kiến tạo cho Gilberto Silva lập công. Sự xuất hiện tiếp theo của anh là bốn ngày sau đó tại Champions League , trong trận lượt đi vòng loại thứ ba của Arsenal với Dinamo Zagreb, anh trở thành cầu thủ trẻ nhất của Arsenal xuất hiện trong giải đấu danh giá nhất châu Âu, một kỷ lục sau đó bị phá bởi tiền vệ Jack Wilshire. Nhờ những thành tích ấn tượng trong màu áo của Arsenal và tuyển Anh, Walcott đã được bầu chọn Vận động viên thể thao trẻ tuổi xuất sắc nhất năm 2006 của BBC. Trong vai trò của một tiền đạo cắm, Walcott luôn luôn khiến đối thủ khiếp sợ khi phải đối mặt với mình. Mùa giải 2012-13, anh là Vua phá lưới của Arsenal. Theo Walcott là một cầu thủ có khả năng rê bóng khéo léo và tốc độ nhanh, điều mà khiến anh được những người trong giới chuyên môn đánh giá rất cao. HLV Pep Guardiola, một trong những vị thuyền trưởng giỏi nhất trong làng túc cầu, cũng đã phải nói rằng “Nếu muốn ngăn chặn anh ta thì không còn bất kì một giải pháp nào khác ngoài việc có một khẩu súng lục”. Trong khi đó, siêu sao Lionel Messi cũng nhận định rằng Theo Walcott là một trong những cầu thủ nguy hiểm nhất mà Messi từng đối đầu. Trong suốt 12 năm gắn bó với đội chủ sân Emirates, anh đã bỏ túi cho mình 65 bàn thắng sau tổng cộng 270 lần thi đấu cho Arsenal. Sự kì vọng của Arsenal dành cho Theo Walcott là rất lớn khi mà anh mang trên mình chiếc áo số 14 của cây săn bàn huyền thoại Thierry Henry. Chính anh đã từng nói việc anh được mang số áo này là một vinh dự lớn và anh cũng nói rằng sẽ cố gắng để làm được những gì mà “đứa con của thần gió” đã làm được trong quá khứ. Không chỉ anh và BLĐ Arsenal, các fan của Pháo thủ cũng kì vọng anh sẽ là người kế thừa xứng đáng những di sản mà huyền thoại người Pháp để lại, nhất là khi nhìn Theo Walcott thi đấu, rất nhiều người đã liên tưởng tới những màn trình diễn của Thierry Henry thời kì đỉnh cao phong độ.
Những chấn thương quái ác đã khiến anh không thể thi đấu với đúng năng lực của mình. (Nguồn: Thể thao số)
Kì vọng là như vậy, thế nhưng chấn thương dai dẳng khi tập trung cùng đội tuyển Anh cũng như ở Câu lạc bộ đã khiến anh mãi mãi không thể đáp lại những mong muốn của Ban lãnh đạo cũng như các Gunners. Theo một thống kề vào năm 2014 của tờ L'Equipe (Pháp), trong suốt khoảng thời gian từ 2006 đến 2014 thì anh đã “vô địch” về số ca chấn thương tại Arsenal với tổng cộng 42 lần, nhiều hơn người đứng thứ 2 là Vassirlki Diaby 2 ca chấn thương. Trong giai đoạn từ năm 2013 tới 2015, Theo Walcott chỉ ra sân được gần 40 trận vì phải gắn bó với giường bệnh. Đây là khoảng thời gian đen tối nhất trong sự nghiệp của anh, anh thi đấu ngày càng nhạt nhòa và ngày càng sa sút. Khả năng khéo léo cũng như tốc độ của anh ngày càng đi xuống một cách trầm trọng trông thấy. Mùa giải 2016-17, anh đã có màn “comeback” rất hoàn hảo với 19 lần đưa bóng vào lưới đối phương. Tuy nhiên, đó có lẽ chỉ là những giây phút lóe sáng hiếm hoi của anh trước khi lụi tàn. Sau mùa giải đó, anh phải cay đắng chấp nhận rời Arsenal để tìm bến đỗ mới vì không thể cạnh tranh được với những con người tài giỏi khác ở CLB. Điểm đến tiếp theo của anh là câu lạc bộ vùng Merseyside Everton. Tại đây, anh được Ban lãnh đạo đội bóng dành một sự ưu ái đặc biệt với cái mác “ngôi sao” trong quá khứ bằng cách luôn luôn cho anh góp mặt trong đội hình xuất phát của đội chủ sân Goodison Park. Tuy nhiên nhiêu đó là chưa đủ để anh tìm lại ánh hào quang năm xưa của mình vì độ tuổi của anh không cho phép anh làm điều đó. Trong khoảng thời gian từ năm 2018 tới năm 2020, anh mới chỉ có vỏn vẹn 10 pha lập công sau 77 lần ra sân thi đấu cho Everton. Sau này với việc ngày càng có nhiều cầu thủ tài năng nổi lên như Richarlison, Bertrand, Dominic Calvert-Lewin; anh đã phải chấp nhận lùi về phía sau để nhường lại ánh hào quang cho họ. Anh chỉ có thể ngồi hồi tưởng lại những năm tháng đỉnh cao trong quá khứ chứ không bao giờ có thể tìm lại được bản lĩnh của một người đã giành danh hiệu Cậu bé vàng nữa. Tháng 10 năm 2020, anh đã được quay trở lại mái nhà xưa Southampton theo một bản hợp đồng cho mượn sau 14 năm phiêu bạt ở Arsenal và Everton với rất nhiều ánh hào quang nhưng cũng rất đen tối. Cho đến thời điểm hiện tại, anh mới chỉ có vỏn vẹn 10 lần ra sân với 2 pha lập công. Có lẽ con đường để anh tìm lại ánh hào quang xưa vẫn có rất nhiều chông gai và thử thách. Chúng ta hãy cùng hi vọng anh mọi điều tốt đẹp hơn sẽ tới với anh, và cũng chúc cho anh gặp nhiều may mắn và tràn đầy sức khỏe trên con đường tìm lại chính mình.

Lời kết

Qua bài viết này, có lẽ rất nhiều độc giả đã hiểu được tại sao 2 từ “chấn thương” lại bị cấm kị trong bóng đá đến vậy. Nó đã tàn phá và hủy hoại biết bao nhiêu là tài năng cũng như là siêu sao của bóng đá thế giới, đặc biệt là trường hợp của Marco Van Basten khi mà sự nghiệp đang bay cao của ông bỗng sập xuống trong gang tấc chỉ vì những chấn thương dai dẳng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lên án những hành động phi thể thao như trường hợp của Ngô Hoàng Thịnh những ngày vừa qua nhằm bảo vệ đôi chân của các cầu thủ. Đồng ý rằng đôi lúc cầu thủ có thể phải dùng đến tiểu xảo để đem lại lợi ích cho đội bóng mình đang thi đấu, tuy nhiên việc quyết liệt quá mức cần thiết mà quên mất việc giữ cái đầu lạnh thì đúng là cần phải hạn chế để giữ gìn một môi trường thể thao trong sạch. Trong thế giới bóng đá, có rất nhiều hậu vệ như Sergio Ramos, Pepe, Jaap Stam bị mệnh danh là những gã “đồ tể” của thế giới túc cầu. Tất nhiên chúng ta không thể phủ nhận rằng họ là những hậu vệ xuất sắc, tuy nhiên việc họ cũng có một số lượng anti-fan lớn cũng là một điều tất yếu với một lối đá quyết liệt quá mức cần thiết. Mong rằng trong tương lai, VFF cũng như FIFA sẽ có thêm những điều luật bóng đá nghiêm ngặt liên quan tới việc phạm lỗi quá quyết liệt nhằm giúp làng túc cầu thế giới tránh được những trường hợp chấn thương đáng tiếc như đã liệt kê ở trên. Còn về phần Hùng Dũng, tôi cũng như NHM bóng đá Việt Nam nói chung mong anh luôn luôn giữ gìn sức khỏe, nghỉ ngơi phục hồi thật tốt để sớm quay trở lại trở lại phong độ đỉnh cao như những gì một số trường hợp cá biệt như Luke Shaw hay Aaron Ramsey đã làm được. Dù có như thế nào đi chăng nữa, tôi cũng như NHM Việt Nam sẽ luôn ở bên cạnh và động viên anh để mọi người có thể tiếp tục nhìn thấy những bước chạy của một trong những tiền vệ hay nhất mà bóng đá Việt Nam đã sản sinh ra.  
Đọc thêm: