Làm thế nào để người Việt yêu các đội bóng Việt?
Mình thấy nhiều đội bóng ở V-League cứ loay ha loay hoay tìm kiếm các CĐV trung thành. Một số đội cũng chịu khó đầu tư công sức, tiền...
Mình thấy nhiều đội bóng ở V-League cứ loay ha loay hoay tìm kiếm các CĐV trung thành. Một số đội cũng chịu khó đầu tư công sức, tiền bạc, cũng làm lắm chiêu trò, nhưng các khán đài thì thường vẫn còn đầy chỗ trống. Người bình thường khi ra đường cũng ít nhận mình là fan của các đội trong nước.
Tất nhiên, ở một vùng trũng bóng đá như Việt Nam thì việc thanh niên thiếu nữ phát cuồng vì các đội bóng lớn ở nước ngoài trong khi thờ ơ với các đội bóng nội là điều hoàn toàn dễ hiểu. Đấy chưa nói tới chuyện văn hóa cổ động bóng đá trong nước ở Việt Nam cũng khá ọp ẹp, nên người ta hầu hết là đến sân... tùy hứng và ít khi tạo được một hiệu ứng lan tỏa tới mức thành văn hóa.
Nhưng thu hút thêm CĐV mới ở Việt Nam có khó không? Dễ ợt, nếu các đội bóng thực sự quyết tâm! Và dưới đây là những "bí kíp":
+ TẠO RA MỘT HÌNH ẢNH ĐẸP
Trước tiên, khoan nói tới chiến lược nào to tát, yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc kéo CĐV tới sân và sau đó là có tình yêu với đội bóng, là chơi đẹp. Chơi đẹp ở đây không nhất thiết phải là theo đuổi một lối chơi tấn công đẹp mắt. Tất nhiên, những đội chơi tấn công cống hiến sẽ có nhiều lợi thế hơn, nhưng điều mấu chốt vẫn là thái độ của đội bóng trong các trận đấu.
Chơi đẹp là gì? Luôn nỗ lực hết mình mỗi khi vào sân. Tôn trọng đối thủ. Tôn trọng trọng tài. Tôn trọng người xem. Cấm tiệt những hành vi bạo lực trong các cầu thủ. Chẳng ai có thể ghét bỏ một đội bóng luôn nỗ lực hết mình và chơi fair-play cả, ngay cả khi đội bóng ấy đạt kết quả không tốt. Một chú rùa tận tụy thì bao giờ cũng được yêu quý hơn một con thỏ kiêu căng.
Tạo ra và duy trì một thái độ chuyên nghiệp. Đừng có kiểu hôm nay vui thì đá, ngày mai chán thì đòi bỏ giải. Chỉ tính tới chuyện bỏ giải trừ khi bạn đủ khả năng lối kéo các đội bóng khác tự lập ra một giải đấu riêng mà bạn cho rằng có thể vận hành tốt hơn giải đấu hiện tại. Chẳng ai muốn làm fan của một đội bóng "hờn dỗi" và lúc này cũng hành xử như ở các giải làng cả.
Và cuối cùng, chơi đẹp là cùng nỗ lực tạo ra một sân chơi "công bằng". Công bằng ở đây không có nghĩa là bạn phải cố gắng... yếu bằng đối thủ. Công bằng là không cố gắng tạo ra những lợi thế "phi pháp" bằng cách mua chuộc trọng tài, đi đêm, hay lợi dụng vị thế gây sức ép lên ban tổ chức.
+ KHUYẾN KHÍCH SỰ TRUNG THÀNH
Tạo điều kiện tối đa cho những CĐV trung thành và có mong muốn gắn bó lâu dài. Họ chính là những hạt nhân. Một mặt, họ đảm bảo các trận đấu không diễn ra trên những sân bóng vắng lặng. Mặt khác, tình yêu của họ nếu được khuyến khích thể hiện có thể trở thành một dạng virus lan tỏa, và từ họ sẽ có thêm nhiều người biết và yêu đội bóng của bạn.
Nếu có thể, âm thầm lập ra các hội Ultra. Hoặc nếu những hội nhóm như thế đã tồn tại rồi, thì âm thầm hỗ trợ họ hết sức có thể. Trang bị áo, cờ, các dụng cụ cổ động khác trong thời gian đầu. Hỗ trợ tài chính cho các nhóm (nếu cần) cho tới khi họ có thể đứng vững được. Dành riêng một khu khán đài cho những nhóm Ultra như thế. Ở châu Âu thì thường các nhóm Ultra gấu ó nhất được bố trí ngồi ở khu khán đài phía nam. Đó có thể là một gợi ý tốt để bắt đầu.
Khuyến khích lập ra các hội CĐV chính thức. Hình thức này rất phổ biến ở các nước Nam Âu, tiêu biểu là Tây Ban Nha với các nhóm penya (nhóm CĐV nhỏ không bao gồm các socio - thành viên đóng phí - nhưng được công nhận chính thức). Liên hệ thường xuyên, hỗ trợ tốt nhất cho các nhóm này trong khả năng và khuôn khổ cho phép. Khuyến khích, tạo điều kiện để các nhóm này có sự hiện diện trên khán đài, cụ thể là thông qua việc treo các banner trên khán đài.
Ưu đãi tối đa cho các CĐV mua vé mùa. Đội bóng như một doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần khách hàng. CĐV chính là khách hàng. Và CĐV mua vé mùa chính là khách hàng VIP. Họ là những con gà đẻ trứng vàng, và đẻ một cách ổn định. Thế nên, hãy chăm sóc họ tốt nhất có thể.
Ưu tiên các vị trí đẹp. Ưu tiên cho họ tham gia các sự kiện do đội bóng tổ chức. Vé mùa đồng nghĩa với thẻ giảm giá khi mua hàng ở các cửa hàng của đội bóng, hoặc của những đối tác đang có liên hệ với đối thủ. Có thể kết hợp với các hãng vận tải để vé mùa trở thành vé xe bus miễn phí trong ngày diễn ra trận đấu. Kết nối thường xuyên bằng e-mail. Hỗ trợ di chuyển trong trường hợp CĐV mong muốn theo đội ở các trận sân khách. Ưu tiên cho CĐV giữ chỗ, và ưu tiên về giá, nếu tiếp tục mua vé mùa ở mùa tiếp theo (kiểu tích lũy credit). Tổ chức các trò chơi có thưởng mỗi đợt bán vé mùa.
Nâng cấp SVĐ. Ghế phải luôn sạch sẽ trước trận. Nhà vệ sinh phải luôn thơm tho.
+ KẾT NỐI VỚI CỘNG ĐỒNG
Một đội bóng đúng nghĩa thì luôn phải gắn tên mình với một cộng đồng. Đừng bao giờ tạo ra cảm giác đội bóng là của doanh nghiệp này, doanh nghiệp nọ. Làm thế chỉ tổ gây phản cảm, khó chịu trong chính cộng đồng mà mình đang hướng tới. Rồi rốt cuộc lại phải trả tiền cho mấy đứa công nhân trong doanh nghiệp đi "đóng giả" làm fan.
Thực ra, gắn tên doanh nghiệp vào tên đội bóng là một cám dỗ không dễ vượt qua. Đặc biệt là ở các nền bóng đá không có bề dày truyền thống như châu Á, nơi các đội bóng vẫn hoạt động theo hình thức phụ thuộc vào một công ty/ông chủ. Nhưng dần dần thì chính các công ty/ông chủ kia cũng nhận ra rằng việc gắn tên như thế không thể kéo dài mãi. Đội bóng muốn có cộng đồng - tức "khách hàng" - thì phải là đội bóng của cộng đồng.
Tạo dựng được một sợi dây kết nối với cộng đồng là một công việc không dễ dàng, đòi hỏi nhiều công sức, và không được ngắt quãng. Đội bóng nên lập ra một Quỹ vì cộng đồng. Liên tục tổ chức các cuộc thăm hỏi, trao quà động viên những trường hợp khó khăn đặc biệt - những bệnh nhân ung thư, người vô gia cư... Nếu cần thiết, thuê đội ngũ chuyên nghiệp làm những video mang tính viral. Hãy là một đội bóng "tốt".
Ngoài ra, đội bóng cũng nên biến những ngày diễn ra trận đấu thành ngày hội gia đình. Ở Việt Nam bây giờ, sân chơi cho trẻ em vận động khá xa xỉ. Hãy biến điều ấy một lợi thế. Dựng lên các sân chơi với các trò chơi miễn phí/ có thưởng xung quanh SVĐ. Bạn có thể cùng một lúc "tấn công" được vào nhiều đối tượng tiềm năng - những CĐV hiện tại (bố mẹ) và những CĐV tương lai (các em bé).
Quán triệt với mọi cầu thủ rằng CĐV/cộng đồng là tất cả. Luôn cám ơn, khen ngợi sự nhiệt tình của các CĐV trong những phát biểu liên quan tới trận đấu, trên truyền hình hay trên mạng xã hội. Nếu có thể, yêu cầu những cầu thủ không có trong danh sách thi đấu lên khán đài ngồi cùng các CĐV, đặc biệt trong các trận sân khách. Biến nó thành một kiểu "văn hóa".
Hàng tuần, phải có những buổi tập mở cho các CĐV theo dõi. Yêu cầu các cầu thủ tích cực ký tặng, giao lưu với các CĐV mỗi ngày. Ra sân vỗ tay chào khán giả. Hết trận tới các khán đài cám ơn.
Tận dụng tối đa sức mạnh của mạng xã hội!
ĐẶC BIỆT, bỏ ngay cái kiểu thuê mấy ông nổi tiếng lên đóng giả làm fan để làm chim mồi đi. CĐV giờ có phải bò đâu mà không nhận ra mấy cái chiêu trò ấy. Vả lại, hãy để những người nổi tiếng cảm thấy tự hào vì là fan của đội bóng, chứ đừng để điều ngược lại.
Đấy, tất cả đấy! Muốn đội bóng có nhiều fan, thì cứ thế mà làm. Không làm được, thì đừng có kêu khóc về chuyện CĐV ở ta không yêu bóng đá. Nhé!
-----
https://vietcuongbongda.wordpress.com/…/kiem-fan-cho-doi-b…/
/the-thao
- Hot nhất
- Mới nhất