Trong bóng đá không có tính chất bắc cầu.
Chúng ta nghe câu này quá thường xuyên từ các BLV Việt Nam. Nó đúng, mà cũng chưa đúng. Hãy cùng phân tích về đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia sau trận đấu ngày 12/12 để thấy rõ.
Ảnh: Thanh niên.
Ảnh: Thanh niên.
Sau khi Malaysia dễ dàng đánh bại 2 đối thủ Campuchia và Lào với các tỷ số 3-1 và 4-0, đã có những NHM Việt Nam tỏ ra lo lắng cho thầy trò HLV Park Hang Seo - đội bóng chỉ đánh bại Lào với tỷ số 2-0 trước đó.
Nhưng cuối cùng điều gì đã xảy ra trên sân thì ai cũng thấy. Những chú hổ Harimau cầm cự được khoảng nửa tiếng đồng hồ trước khi bị vùi dập 3 bàn không gỡ.
Không chỉ là kết quả, cách thắng trên sân cho thấy sự vượt trội hoàn toàn của tuyển Việt Nam. Kiểm soát thế trận, khoá chặt trung tuyến và mọi khu vực nhạy cảm, thoải mái phối hợp tấn công,... những gì đội bóng áo đỏ thể hiện là đủ để bạn không cần là chuyên gia cũng cảm nhận được tính thuyết phục.
Ảnh: NLĐ.
Ảnh: NLĐ.
Rõ ràng là dự đoán trận Việt Nam - Malay bằng cách "bắc cầu" qua tỷ số trận gặp Lào là không hề đúng. Vậy tại sao người Mã có thể thắng Lào đậm hơn người Việt, nhưng rồi lại thảm bại trước chính Việt Nam?
Câu trả lời nằm ở điều mà chúng tôi cũng đã nói ở trên: không chỉ là kết quả, phải nhìn vào cách thắng nữa.
Malaysia đánh bại Lào bằng sự vượt trội về sức mạnh và kỹ thuật nhiều hơn là chiến pháp. 3/4 bàn thắng của đội bóng áo vàng trước Lào được thực hiện ở những đường phản công và phạt góc - nơi Safawi Rasid và các đồng đội nhanh hơn, cao hơn, khoẻ hơn đối thủ (thực tế thì cả pha làm bàn thứ 3 cũng mang dấu ấn sức mạnh rõ rệt của cầu thủ làm bàn).
Với các tình huống tấn công giáp lá cà, cần bài vở để phá vỡ khối đội hình của đối phương, các học trò của ông Tan Cheng Hoe thể hiện không ấn tượng. Tương tự như trận gặp Campuchia, Malaysia cũng để lộ ra những khoảng trống cho đối thủ chơi bóng: Lào có đến 10 cú sút ở trận này.
Thông số trận đấu Malaysia 4-0 Lào. Nguồn: Google.
Thông số trận đấu Malaysia 4-0 Lào. Nguồn: Google.
Việt Nam lại chơi với Lào theo một cách khác hẳn. Dâng cao đội hình, kiểm soát bóng đến 77% và phối hợp chủ động, nghĩa là Xuân Trường và các đồng đội chấp nhận không cần đến các pha phản công, thay vào đó cố gắng thiết kế các miếng tấn công đủ hay để phá vỡ lớp phòng ngự Lào dày đặc.
Cách chơi này khiến Việt Nam không dễ ghi bàn vào lưới thủ môn Keo-Oudone Souvannasangso như Malaysia. Đổi lại, Lào gần như không được chơi bóng khi gặp Việt Nam: kiểm soát bóng 23%, sút bóng 4 lần (3 quả sút xa cầu may) là minh chứng. Tất cả những gì người ta còn nhớ về phía đội Lào là pha đối mặt của Billy Ketkeophomphone với Nguyên Mạnh, một lỗ hổng hiếm hoi mà hàng phòng ngự Việt Nam để lộ ra khi đối thủ phát bóng dài.
Thông số trậận Lào 0-2 Việt Nam. Nguồn: Google.
Thông số trậận Lào 0-2 Việt Nam. Nguồn: Google.
Trở lại với trận đấu Việt Nam - Malaysia. Rõ ràng khi đối đầu với các danh thủ của V-League, cầu thủ Malaysia không còn lợi thế về thể hình, tốc độ như khi đá với Lào. Khi đó, họ buộc phải "cao cờ" hơn đối thủ thì mới mong có kết quả tốt, nhưng rõ ràng đội quân của ông Park là những người thiện chiến hơn khi xét về bài vở chiến thuật, khối đội hình cũng như khả năng phối hợp trong cả phòng ngự lẫn tấn công.
Vậy thì việc Malay thua, thậm chí thua to là dễ hiểu.
Thông số trận Việt Nam 3-0 Malaysia. Nguồn: Google.
Thông số trận Việt Nam 3-0 Malaysia. Nguồn: Google.
Như vậy, tính chất bắc cầu không phù hợp để dự đoán rằng Malaysia sẽ thắng Việt Nam, dựa trên tỷ số thắng của 2 đội trước Lào. Đó là bởi bóng đá không bắc cầu bằng tỷ số mà bắc cầu bằng cách chơi.
Khi 2 đội cân bằng trên hệ quy chiếu về thể chất, đội có chiến thuật tốt hơn, vận hành nhuần nhuyễn hơn sẽ thắng. Thực ra nếu bắc cầu bằng tiêu chuẩn lối chơi thì cũng có thể dự đoán từ đầu rằng Việt Nam sẽ chơi trên cơ Malaysia (đặc biệt khi đội bạn mất quá nhiều người), dù thắng ít hơn khi gặp Lào.
Đặt ngược lại vấn đề, giả sử 2 đội bóng sở hữu lối chơi giống nhau, ta có thể dự đoán theo kiểu bắc cầu từ những trận họ chơi với cùng 1 đối thủ khác hay không?
Câu trả lời là vẫn có thể, nhưng chỉ là "có thể" - ở một mốc % cũng không khả quan lắm.
Lý do là vẫn còn quá nhiều biến số xuất hiện trong mỗi trận đấu: tình trạng chấn thương, thể chất và tâm lý của các cầu thủ; HLV có thể bất ngờ đổi chiến thuật trước hoặc trong trận; điều kiện thời tiết, sân bãi, trọng tài, CĐV... cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc.
Từ những phân tích trên thì có lẽ, bạn nên từ bỏ ý định áp dụng tính chất bắc cầu trong dự đoán kết quả bóng đá. Bắc cầu chỉ là một tính chất toán học cơ bản, trong khi mỗi trận cầu đã trở thành một bài tập xác suất thống kê rất nâng cao với số biến đầu vào lớn và có mức tùy biến khủng khiếp đến mức hiện nay chưa phần mềm, chưa công cụ nào đủ khả năng phân tích đầy đủ để cho ra dự báo chính xác.
Nhưng không phải cũng chính vì thế mà bóng đá mới hấp dẫn sao?
Môn thể thao vua dành cho chúng ta một chút khoảng trống để dự đoán logic, nhưng thực ra lại khó lường vượt ngoài tầm mức phân tích của bộ não con người. Nó vừa đủ newbie-friendly, nhưng vẫn đủ hấp dẫn để đối tượng người chơi già đời, ham học hỏi và thích chú ý tới tiểu tiết có thể khai thác.
Đặc điểm này cũng chính là sức mạnh tạo nên điều thu hút cho bất cứ bộ môn nào tự định nghĩa nó là "game", đồng thời cũng là bài học để mỗi chúng ta có thể biến không chỉ cuộc chơi mà cả cuộc sống của bản thân trở nên thú vị: hãy giữ một phần nhất định trong tầm kiểm soát, phần còn lại thì cố gắng hết sức để handle tốt nhất các yếu tố tuỳ biến, và chấp nhận may mắn hoặc vận rủi đến khi nó phải đến.
Tận hưởng được sự cân bằng giữa cái chắc chắn và cái khôn lường, bạn sẽ là người hạnh phúc.
_ Ảnh minh họa, sưu tầm từ Internet _
Bên cạnh Spiderum, mình còn chia sẻ các bài viết về bóng đá trên fanpage Facebook. Nếu các bạn quan tâm, xin hãy ghé qua địa chỉ này nhé ^^:
Hoặc nếu các bạn muốn trao đổi, kết bạn với tư cách cá nhân thì đây là địa chỉ FB của mình:
Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hy vọng đã mang lại cho các bạn điều gì đó có giá trị.
À, cho mình quảng cáo nốt một page Facebook nữa thôi :pp
https://www.facebook.com/20DGL18 là trang Facebook chính thức của cộng đồng bóng rổ do mình xây dựng và quản lý tại Mai Lâm, ngoại thành Hà Nội. Mình luôn tự hào rằng đây là một dự án ý nghĩa, đã tạo nhiều điều kiện được vui chơi, học hỏi cho các bạn học sinh, nên nếu có thể thì mong mọi người có thể ủng hộ nó bằng cách theo dõi hoặc like page nhé, cảm ơn các bạn ^^~