Thiên vị có phải "chuyện thường" ở SEA Games?
Đoàn Thể thao Việt Nam đã gặp những thất bại tức tưởi ở SEA Games 30 dù chiến thắng tưởng chừng như trong tầm tay. Đấu trường SEA Games...
Đoàn Thể thao Việt Nam đã gặp những thất bại tức tưởi ở SEA Games 30 dù chiến thắng tưởng chừng như trong tầm tay. Đấu trường SEA Games đã quá bình thường với chuyện thiên vị?
KHẲNG ĐỊNH: Ở SEA Games chắc chắn có thiên vị
SEA Games, đấu trường thể thao tổng hợp lớn nhất Đông Nam Á, nơi mọi quốc gia thành viên đều muốn giành lấy những thành tích cao nhất về cho đất nước. Tuy nhiên, cũng vì thế, SEA Games dần trở thành một nơi "vơ vét" huy chương của nước chủ nhà đăng cai, và kỳ Đại hội năm nay cũng không ngoại lệ khi các trọng tài tỏ ra khá thiên vị chủ nhà trong những ngày thi đấu vừa qua.
Sự thật mất lòng: Đối với các quốc gia có nền võ thuật quá mạnh như Philippines hoặc Thái Lan, SEA Games là nơi để võ sĩ hạng B đến hạng C của họ thi đấu. Thậm chí, họ chỉ coi đây là một sân chơi cho võ sĩ trẻ trải nghiệm cảm giác thi đấu quốc tế. Rất hiếm khi bạn thấy những tay đấm thành tích cao của những nước này quyết định đầu quân cho SEA Games.
HLV Nguyễn Văn Chương, HLV trưởng tuyển Wushu Việt Nam cho biết: "Những ngày đầu, các trọng tài chấm rất ổn, nhưng đến những ngày sau bắt đầu họ thiên vị hơn một chút. Một phần cũng vì môn Wushu khá trừu tượng. Như nội dung Thái Cực Kiếm vừa rồi, Việt Nam mình cũng có khả năng giành vàng. Nói chung là cả đoàn đều mong chờ những tấm huy chương vàng mà đến ngày cuối mới có được."
HLV Nguyễn Văn Chương nêu ra trường hợp VĐV Trần Thị Minh Huyền giành HCB dù cô thực tế xứng đáng nhiều hơn thế: ‘Ví dụ nội dung Thái cực kiếm vừa rồi. Đáng ra mình có thể giành được HCV. Dẫu vậy, chủ nhà lại lấy được HCV dù VĐV của họ đuối hơn’. Dẫu vậy, HLV Nguyễn Văn Chương cho đó là điều bình thường tại các kỳ SEA Games.
Không chỉ có những môn trừu tượng, mạnh cảm tính trong chấm điểm như Wushu, ngay cả các môn đối kháng rõ ràng như Arnis và đấu kiếm liễu cũng gặp phải những chỉ trích tương tự về sự thiên vị của chủ nhà Philippines. Thậm chí, trong nội dung đấu kiếm, võ sĩ Đỗ Thị Ánh đã bị thiên vị không được công nhận điểm số khiến HLV tuyển Việt Nam phải bức xúc vào sân phản đối với trọng tài. Lật lại lịch sử tại SEA Games 26, ở nội dung Pencak Silat còn có tình huống võ sĩ nước bạn chạy trốn sau lưng trọng tài vẫn được công nhận chiến thắng. Rõ ràng sự thiên vị là có tồn tại ở đấu trường SEA Games.
Nhưng có phải thất bại nào cũng do thiên vị gây ra?
Những nội dung có phần cảm tính như Dancesport, Wushu, Múa quyền võ thuật,... là rất dễ để thiên vị, nhưng đối với các môn đối kháng trực tiếp như võ thuật đối kháng,... sự thiên vị có thể nằm ở cách điều hành trận đấu và cách tính điểm cho mỗi hiệp đấu khác nhau dựa trên sự thể hiện của võ sĩ. Điều này lại mở ra một vấn đề khác khó nói hơn: Lỡ như, chính chúng ta, mới là những người đang thiên vị thì sao?
Lật lại thất bại đáng buồn của Trương Đình Hoàng tại kỳ Victory 8 đầu tiên trước đối thủ Mateo Tapia, rất nhiều người hâm mộ đã cho rằng Trương Đình Hoàng bị "xử ép". Để giải thích vì sao Trương Đình Hoàng xứng đáng chiến thắng, họ đã chỉ ra rằng, Đình Hoàng thi đấu lấn lướt hơn, liên tục ép đài đối thủ người Úc. Nhưng nếu xem kỹ lại trận đấu, tỉ lệ ra đòn hiệu quả của Trương Đình Hoàng cũng không phải là quá cao, vì những cú đánh của anh đa phần đã bị chống đỡ bằng khuỷu tay Tapia. Tapia mới là người đã có tỉ lệ ra đòn chính xác hơn.
Trong Boxing có 2 điều khiến một võ sĩ chiến thắng trong hiệp đấu, đó là yếu tố kiểm soát đài, chính là điều mà Đình Hoàng đã làm rất tốt. Tuy nhiên, yếu tố còn lại là yếu tố ra đòn hiệu quả thì rõ ràng, Tapia đã tung ra ít đòn đánh hơn, nhưng lại chính xác hơn hẳn so với Trương Đình Hoàng. Như vậy, nếu người giám định chấm cho Tapia chiến thắng trong các hiệp đấu, họ cũng đã dựa trên các tiêu chí chấm điểm đúng đắn, sao lại gọi là thiên vị?
Ở kỳ Victory 8 đầu tiên, khi vẫn còn mang nặng tính chất giao hữu quảng bá, giải đấu đã được tổ chức theo điều luật AIBA, tức là mỗi hiệp đấu sẽ được chấm trên thang điểm 10. Nếu một hiệp đấu có ưu thế nhẹ nghiêng về một bên, hiệp đấu đó sẽ được chấm 10-9 với 10 điểm cho võ sĩ ưu thế. Nếu một hiệp đấu quá chênh lệch, 10-8 sẽ là số điểm trong hiệp đó. Điểm số 10-7 gần như rất ít xảy ra trong các trận đấu quá cân bằng về trình độ. Và đương nhiên, chỉ có vỏn vẹn 4 hiệp đấu, Trương Đình Hoàng chỉ cần thất thế 2 hiệp đấu là đã nắm một nửa thất bại trong tay, mà rõ ràng cả hai đều là những đối thủ cân sức cân tài.
Trong một thế trận cân bằng như thế, nếu chấm Tapia thắng vẫn có thể giải thích được, chấm Trương Đình Hoàng chiến thắng cũng có thể giải thích được, nhưng tại sao người hâm mộ lại nổi nóng khi giám định chọn Mateo Tapia? Có phải do người hâm mộ đang thiên vị cho Trương Đình Hoàng mà bỏ qua vấn đề chuyên môn hay không?
Trương Đình Hoàng vs Mateo Tapia chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho sự công minh bị công kích là "thiên vị" chỉ vì trận đấu được tổ chức ở Việt Nam mà võ sĩ Việt Nam lại thất bại.
Với cá nhân mình, căn bệnh trầm kha của khán giả cũng như quan chức thể thao Việt Nam ta chính là việc họ hành xử như những đứa trẻ mỗi khi thua trận. Thất bại là tiền đề của tiến bộ, càng sợ thất bại bao nhiêu, càng lún sâu trong ao làng bấy nhiêu.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất