4 năm trước, khi những trận đấu của ĐTQG VN không có quá nhiều người xem, định kiến “ Thôi VN đá thì xem làm gì “,” Tôi chẳng bao giờ xem Việt Nam đá “ chưa được xóa bỏ hoàn toàn, vì sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, tuyển nước nhà chưa có một thành công thực sự nào bùng nổ nếu không muốn nói là đang ngày càng tệ đi. Lúc bấy giờ, đến Đội tuyển quốc gia đi đá giải lớn và Vleague mà lượng khán giả còn không cao chứ không nói gì là các lứa U. Nhưng vào thời điểm đó, khi mà NHM khắp cả nước thường bỏ qua những trận đấu trong giải nội để xem các trận cầu ở trời Âu, thì Đoàn Nguyên Đức hay còn gọi là Bầu Đức đã trình làng lứa cầu thủ HAGL đầu tiên – với Xuân Trường, Văn Toàn, Đông Triều, Tuấn Anh,… và Công Phượng. Vào trận đấu ở vòng bảng giải U19 ĐNA 2014, ĐT U19 VN đối mặt với đối thủ là U19 Australia. Vào phút thứ 88, tưởng chừng như một tình huống rất bình thường, thế nhưng cả chảo lửa Mỹ Đình đã vỡ òa khi thấy một chàng trai cao 1m68 đi bóng qua nửa đội hình các cầu thủ cao to và thực hiện cú sút trái phá mang lại bàn thắng duy nhất của trận đấu. Nhưng không chỉ giúp đội nhà đặt một chân vào bán kết mà Phượng và đồng đội còn mang lại một luồng gió mới cho nền bóng đá nước nhà. Và đây cũng là cầu thủ làm tôi ấn tượng nhất lứa U19 năm đó.

Chỉ sau một đêm, NHM nước nhà chú ý đến bóng đá nội nhiều hơn, ủng hộ và xem tuyển nước nhà thi đấu nhiều hơn, hơn cả vậy, 90 triệu người dân như phát cuồng và trầm trò trước tài năng của cầu thủ gốc Nghệ An – lúc đó anh còn đang đeo băng đội trưởng của đội U19. Chỉ ngay sáng hôm sau, sự nổi tiếng, các phóng viên, nhà báo, thợ chụp ảnh và NHM vây kín cựu thủ quân của ĐT U19 VN. Nhưng đó cũng chính là con dao 2 lưỡi, những rắc rối ngoài sân cỏ, những tin đồn bị kẻ xấu thêu dệt để trục lợi, những bài báo lá cải nhằm câu view, những lời nói không hay,… cứ mãi chẳng buông tha cho tiền đạo số 10 này. Đầu tiên là vụ lùm xùm về gian lận tuổi, sau đó là chuyện tình cảm với ca sỹ Hòa Minzy,… Những bê bối đã làm xấu hình ảnh của CP10 trước nền bóng đá nước nhà, người ta chỉ trích Phượng, thậm chí có những thành phần còn miệt thị, chửi rủa không thương tiếc anh ấy trong khi họ quên mất những đóng góp to lớn của anh ấy trên sân bóng. Ý thức và sự thiếu hiểu biết của người dân Việt đã giết hại chính tài năng của một người Việt. Những tưởng các sự việc ấy làm Công Phượng nhụt chí nhưng không hề, Phượng đã chiến đấu, đã tự vượt qua, đã nỗ lực từng ngày trước hết là về mặt tâm lý. Có quãng thời gian tiền đạo xứ Nghệ thú nhận mình đã từng bị trầm cảm, khi lên tuyển tập trung dưới thời ông Miura anh rất ít khi cởi mở, vẻ mặt đượm buồn là điều mà các đồng đội thường thấy, anh thường tách đội ở trong phòng một mình, chẳng đi chơi nói chuyện với ai, cứ như vậy khiến Phượng gặp rắc rối cả về chuyên môn. Hồi đó, Phượng vẫn được đá cắm, nhưng lối chơi rê dắt nhiều, lạm dụng kĩ thuật ở nhiều tình huống không đúng lúc khiến cho số 10 này trở nên lạc nhịp, mất kết nói với toàn đội, và như vậy anh lại bị chỉ trích. Rồi ông Hữu Thắng là người đã thay đổi anh, Phượng là người được nhiều người yêu quý, được đồng đội nể, anh được chơi rất tự do, nhưng lối đá của anh không hề phù hợp với chiến thuật toàn đội. HLV đồng hương của Phượng đã nhiều lần nói chuyện riêng với anh ấy, rồi ông đi đến quyết định chuyển băng đội trưởng của Công Phượng sang cho Xuân Trường. Nhà cầm quân 46 tuổi này nhận ra vấn đề của Phượng không phải là chuyên môn, vì Phượng đẳng cấp từ tuyển trẻ, điều đó không cần phải chứng minh, mà là ở tinh thần, dường như những áp lực khủng khiếp mà NHM nước nhà đặt lên vai anh là quá lớn, những sức ép ấy cứ dồn nén lên đôi chân của cầu thủ chỉ mới 24 tuổi quá nhiều khiến cho những bước chạy, những pha xử lý của anh ấy không còn được thanh thoát, uyển chuyển nữa. Phượng bị vấn đề tâm lý quá nặng, anh không giải tỏa được sức ép mà cứ cố thi đấu với một cái đầu nặng trịch những suy nghĩ bắt buộc phải chơi hay vì mình là đội trưởng, vì mình được kì vọng, vì mình là ngôi sao,… Cựu thuyền trưởng ĐTVN đã yêu cầu Phượng chơi đơn giản nhất có thể, miễn sao hiệu quả, một lối đá thực tế và thông minh hơn cần được áp dụng với cầu thủ này. Băng đội trưởng lập tức được trao cho Xuân Trường và trung vệ Tiến Dũng. Lần đầu tiên người ta được thấy Công Phượng bùng nổ là ở trận đại thắng 4-0 trong trận ra quân gặp U22 Timor Leste tại bảng I vòng loại U23 Châu Á diễn ra chiều ngày 19/7/2017. Từ ấy, Phượng dần trở thành một mẫu tiền đạo toàn diện và khác biệt hơn so với một Công Phượng cứ cắm đầu chỉ có rê và sút như trước đây. Rồi dần dần Phượng thành công hơn ở vị trí tiền đạo lùi và tiền đạo cánh phải. Ngoài sân cỏ, anh mở lòng, vui vẻ, hòa đồng hơn với BHL và các đồng đội. Những tín hiệu tích cực từ phía NHM cũng như giới chuyên môn dần dần đến với cựu tuyển thủ U19 VN. Đỉnh điểm là vai trò của anh trong chiến dịch U23 Châu Á 2018 đầy oai hùng. Năm ngoái tại Thường Châu, vẫn là một Công Phượng lạnh lùng, có phần trầm tính, nhưng anh không hề còn là siêu sao nằm trên trang bìa của các tờ báo như trước nữa. Người ta thấy một số 10 đóng góp hết mình vào lối chơi toàn đội, anh ấy chấp nhận tiêm thuốc giảm đau để được cống hiến cho màu cờ sắc áo tổ quốc, Phượng ở trên sân di chuyển rộng, anh rất chăm chỉ lui về hỗ trợ phòng ngự. Ghi bàn thắng cực kì quan trọng vào lưới Iraq ở Tứ Kết và cũng chính chàng trai này đã kiếm về quả phạt ở trận chung kết để Quang Hải vẽ nên đường cong làm nức lòng biết bao CĐV. Rồi đến cả khi về sân bay, Phượng ăn mặc giản dị, không một paparazzi vây quanh. Nhưng, những người trong giới luôn luôn khẳng định vai trò tối quan trọng của CP10 trong hệ thống chiến thuật của ông Park. Những nỗ lực, những sự đánh đổi của Phượng đã được đền đáp. Một cầu thủ dù nổi tiếng nhưng không bao giờ lên báo phát biểu bậy bạ, không có scandal, facebook cá nhân của Phượng cũng không có lượt like “ khủng” như các cầu thủ cùng trang lứa. Khi thất bại ê chề tại SEAGAMES 29, Phượng cũng xin lỗi và nhận lỗi chứ không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh như nhiều cầu thủ khác. Không xuất hiện với bộ cánh mấy trăm triệu mỗi khi ra ngoài, lối sống giản dị đã tôi luyện nên một chàng trai đã từng trải, đã chai sạn với nỗi đau và một người đàn ông già trước tuổi. CP10 đã thực sự lột xác và trưởng thành hoàn toàn.

Thực sự tôi rất khâm phục trước những phẩm chất đáng quý của Phượng. Dẫu biết vẫn còn những pha rê bóng không sáng suốt, vẫn còn những pha dứt điểm thiếu chính xác nhưng Phượng là mảnh ghép không thể thiếu ở đội tuyển ngay lúc này và còn về sau nữa. Nhưng cách đối mặt với truyền thông, dư luận và sự nỗ lực, chiến đấu vượt qua mọi thử thách của anh là điều mà tôi thấy đáng học tập. Chúc anh chân cứng đá mềm với sự nghiệp của mình và cảm ơn những cống hiến to lớn của anh cho ngành thể thao nước nhà.
Có tham khảo tư liệu của kênh youtube Minh Hải Vlogs của nhà báo Minh Hải.
Đọc thêm: