Learning pattern, mình không biết dùng từ tiếng Việt nào cho chuẩn nên mượn tạm tiếng Anh dù cũng không thích lắm.
Ý tưởng là tất cả mọi người đều có khả năng học và thành thạo bất kỳ kĩ năng nào. Tất nhiên, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nội tại của mỗi người như môi trường, sự kiên trì, trí thông minh,... mà một số người có thể giỏi hơn một chút.
Kết quả của việc học một kĩ năng nào đó theo mình có 2 khả năng:
- Bạn giỏi đến mức bạn có thể sống bằng kĩ năng đó. Đây là nhóm người giỏi hơn một chút mà mình nhắc ở trên.
- Bạn giỏi vừa vừa đến mức có thể chém gió về kĩ năng đó và kết hợp với các kĩ năng khác bạn sẵn có để có có lợi thế cạnh tranh riêng (theo ngôn ngữ cờ vua :) ). Ví dụ như bạn học chụp ảnh, bạn không giỏi đến mức trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhưng bạn cũng đủ giỏi để có khả năng chụp một bức ảnh đẹp, chém gió về những bức ảnh đẹp và góp ý (nếu người kia cần) để giúp họ chụp đẹp hơn.
Và điều mình hướng tới là muốn mọi người có thể học bất cứ kĩ năng gì đến một trình độ ở khả năng thứ 2.
Lập trình, tuyển dụng, chụp ảnh, thiết kế, marketing, phân tích dữ liệu, ......
Mình luôn tự hỏi liệu có pattern nào trong việc học các kĩ năng trên không?

I. Các yếu tố để bạn học một kĩ năng



1. Idea- Ý tưởng
Ý tưởng ở đây là điều khiến bạn tò mò với kĩ năng đó.
Trẻ con có thể học bất cứ thứ gì vì chúng tò mò với mọi thứ, tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia?
Mà mình cũng để ý là nhiều người làm nghề gì đó đều bắt đầu bằng sự tò mò.
Thế nên, tò mò là bước đầu tiên để bắt đầu học bất kỳ kĩ năng gì.
2. Method- Phương pháp
Phương pháp là cách bạn thực hành để thành thục kĩ năng nào đó. Vì mỗi người có kĩ năng, tính cách, sở trường,... khác nhau mà có phương pháp khác nhau.
Ví dụ như học tiếng Anh chẳng hạn, bạn sẽ thấy vô số phương pháp khác nhau mà mọi người kháo nhau: nghe chép chính tả, học từ mới qua flashcard, học qua xem phim, học qua nghe nhạc,....
Bạn thành thạo trình độ đến mức nào tùy thuộc vào bạn có tìm đúng phương cho bản thân hay không.
3- Products- Sản phẩm
Học luôn đi đôi với hành! Sản phẩm ở đây là kết quả việc bạn thử nghiệm những gì bạn đã luyện tập.
Ví dụ: bạn luyện nghe tiếng anh chẳng hạn, bạn muốn biết mình nghe tốt đến đâu, bạn thử nghiệm nghe các trang tin tiếng anh, nghe người nước ngoài nói chuyện,.... 
Một trong những trở ngại lớn nhất của phần sản phẩm này là tâm lý sợ sai hoặc tâm lý mọi thứ phải hoàn hảo.
Bạn sợ sai, bạn sẽ ngại không thử nghiệm và bạn sẽ không biết mình tiến bộ đến đâu. Sợ sai cũng sẽ dẫn đến cóng tâm lý khiến bạn không thể thể hiện hết những gì bản thân đã luyện tập.
Bạn muốn mọi thứ phải hoàn hảo thì bạn sẽ luyện tập mãi mà không thử nghiệm nên cũng không biết mình tiến bộ thế nào.
Cả hai tâm lý trên đều là chướng ngại khi học bất kì kĩ năng nào.
4. So sánh và phân tích
Critique nghĩa là "phê bình", nhưng mình không thích từ phê bình lắm vì nó thường mang tính chỉ trích nhiều hơn là mang tính xây dựng. 
So sánh và phân tích những sản phẩm của bạn tốt ở điểm nào, chưa tốt ở điểm nào, tại sao và làm thế nào để cải thiện. Thường thì sẽ có 2 điều khiến bạn làm mãi mà chưa có sản phẩm tốt:
- Bạn luyện tập chưa đủ nhiều.
- Bạn luyện tập sai phương pháp.
Lắng nghe và tổng hợp những "góp ý xây dựng" là cũng là một điều giúp bạn tiến bộ rất nhanh khi học một kĩ năng nào đó. Một góp ý xây dựng sẽ giúp bạn hiểu được ngay điều gì tốt điều gì chưa tốt ở sản phẩm để cải thiện thay vì mò mẫm một mình để tự tìm ra cái sai.
Bạn cũng cần ngoài tai những bình loạn tiêu cực như chê vô lý, chửi đổng và mắng té tát,... Những điều tiêu cực trên sẽ khiến bạn mang tâm lý sợ sai và muốn mọi thứ phải hoàn hảo.

II. Quá trình để học một kĩ năng

Quá trình này được rút ra sau khi mình thử nghiệm với 3 chủ đề khác nhau
Ý tưởng của quá trình này là:
1. Phân tích kĩ năng thành các kĩ năng nhỏ 
2. Tìm ra phương pháp phù hợp để luyện các kĩ năng nhỏ
3. Áp dụng
4. Phân tích những điều tốt và chưa tốt khi áp dụng để tìm cách luyện tập tốt hơn.
5. Tạo ra một framework để chia sẻ với những người có mong muốn cùng học kĩ năng trên. Tại sao phải tạo framwork chia sẻ ?
- Giúp bạn xem lại quá trình học kĩ năng đó, từ đó bạn hiểu bản thân phù hợp với kiểu phương pháp nào để áp dụng học những kĩ năng khác.
- Chia sẻ để giúp những người muốn học đỡ mất thời gian mò mẫm nữa, họ có thể thay đổi phương pháp để phù hợp với bản thân họ nhưng họ biết những kĩ năng nhỏ nào cần luyện tập.

III. Những kĩ năng đặc biệt

Bạn có thể thấy những yếu tố và quá trình khi học một kĩ năng nào đó mình tổng hợp ở trên chỉ áp dụng được ở những kĩ năng logic, tức là những kĩ năng mà kết quả có thể phân tích được đúng, sai và tại sao để giúp bạn tiến bộ.
Còn có những kĩ năng mà chỉ có thể cảm nhận và không thể phân tích được tại sao bạn tốt, tại sao bạn chưa tốt. Mình gọi đó là những kĩ năng đặc biệt như:
- Âm nhạc
- Hội họa
- Múa 
- Văn chương
........
Tất nhiên, kĩ năng nào cũng đòi hỏi luyện tập lâu dài, nhưng mình nghĩ để giỏi những kĩ năng trên cần thêm một chút nhạy cảm, sự tinh tế và cảm xúc nữa chứ không chỉ đơn thuần luyện tập là đủ.

IV. Chuyện năng khiếu 

Mình là người không tin vào năng khiếu. 
Năng khiếu = Tò mò + Tập luyện thông minh và kiên trì+ Môi trường