Đây không phải post chữa lành
từ trái sang: kim tiền - vạn niên thanh - bơ
từ trái sang: kim tiền - vạn niên thanh - bơ
Đã từ rất lâu rồi, mình không còn sử dụng đồng hồ để thức dậy đúng giờ vào buổi sáng. Mình có thể thức dậy tự nhiên như vậy, làm vài động tác yoga, đoán giờ giấc thông qua độ đậm nhạt của ánh sáng, vệ sinh cá nhân, nấu ăn một chút cho buổi trưa, dọn dẹp căn phòng rồi thay quần áo đi làm. Tất cả những hành động đó mình làm trong cái lành lạnh của buổi sáng, trong ánh sáng mờ mờ của tự nhiên. Mình tự tin đến nỗi có thể không bật đèn, thậm chí nhắm mắt để thao tác tất cả mà không có chút đổ vỡ hay gượng gạo. Tâm trí mình hoàn toàn tỉnh táo và sảng khoái. Mỗi ngày mình có thể làm việc hầu như liên tục từ sáu giờ sáng đến mười một giờ đêm. Mình nhận ra mình có thể làm được điều này vì mình đã “dọn dẹp” mọi thứ rất tốt trong năm qua. 
Thật tuyệt nếu mình có thể duy trì tinh thần tốt như vậy cho năm 2024, và có thể là cho nhiều năm còn lại của cuộc đời. 
Mỗi người sẽ có một cách riêng để sống và làm việc hiệu quả, nếu bạn quan tâm, có thể tham khảo một chút cách làm của mình để dọn dẹp lại cuộc sống, bắt đầu một năm 2024 thật tốt hơn.
Dọn dẹp. Dọn và dẹp. Tức là làm cho ngăn nắp và bỏ đi những thứ không cần thiết. Điều đó đến từ bên trong lẫn bên ngoài, từ vật chất lẫn ý thức. Mỗi người đều có nhiều vùng đất cần được dọn dẹp như thế: từ nơi sống đến trí não, đến các mối quan hệ xã hội. Khi mọi thứ vào vị trí của nó, tự khắc sẽ phát huy tác dụng tối đa. 
I. Dọn dẹp nơi ở/làm việc 
Có lẽ không phải nói nhiều về lợi ích của việc giữ nơi ở của mình thật ngăn nắp, sạch đẹp. Mình có một căn phòng trọ nho nhỏ, khiêm tốn về diện tích lẫn tiện nghi. Rõ ràng đây không phải nơi lí tưởng nhất để sống ở mức vừa phải chứ đừng nói đến làm việc hiệu quả hay sáng tạo. Thế nhưng với tất cả quyết tâm và dự định tương lai của mình tại thành phố này, mình đã cố gắng tối đa hoá không gian sống bằng cách ngăn nắp nhất có thể. Mục tiêu là chỉ giữ lại những gì cần thiết nhất và luôn giữ cho mọi thứ không bừa bộn, bẩn thỉu. 
1.1.   Luôn giữ sàn nhà và bát đũa sạch sẽ trước khi ngủ. Đồ ăn thừa trong bát đũa bẩn sau mỗi bữa ăn hoặc vương vãi trên bàn, trên sàn nhà là nơi ở lí tưởng của lũ côn trùng gây hại. Hãy chắc chắn rằng phải giữ thật sạch sẽ những nơi mà gián, muỗi, chuột, bọ có thể trú ẩn. Khoan hãy dùng những biện pháp mạnh kiểu như bình xịt côn trùng, bẫy chuột, gián vì không chừng những biện pháp này có thể gây hại cho chính bạn mà cũng khiến cho căn phòng bừa bộn hơn. 
1.2.   Dọn dẹp phòng mỗi tuần. Dọn từ trên xuống dưới, từ chỗ hay hoạt động nhất đến chỗ ít hoạt động nhất. Luôn làm sạch bụi (tức làm khô) trước khi lau (tức làm ướt) những vật dụng có thể lau được. Chú ý những chỗ bẩn nhất trong nhà đó là: thảm trải sàn, giẻ lau, bệ bồn cầu, bàn chải đánh răng, túi xách, tay nắm cửa,...
1.3.   Biết dẹp bỏ những thứ không cần thiết: hoá đơn, bao bì sản phẩm: chai lọ đã hết hạn hoặc lâu không dùng đến, bút bi hết mực,... có cả tỉ thứ như vậy. Với mình thì những gì không động đến quá 3-6 tháng là có thể gạt bỏ vĩnh viễn ra khỏi không gian sống của mình. 
- Những thứ mà mình không thể bỏ đi đó là những đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống: nồi cơm điện, bình nước siêu tốc, nồi điện, bát đũa, bàn chải + kem đánh răng + dầu gội + soap, lap top, điện thoại, sách vở, giường, bàn học, quần áo thông dụng + giày dép + túi xách + balo, quà được tặng. Những thứ này thì nhất định không thể vứt đi mà phải giữ thật kĩ, thật bền và vệ sinh thường xuyên. 
- Những thứ khác thì có thể có hoặc không, nhưng không thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn của những thứ thiết yếu và không thể làm cho không gian quá lộn xộn đến mức mất định hướng và khó chịu. 
- Với những thứ thuộc về đam mê, ví dụ như mình thích vẽ tranh và thêu thùa, mình có một góc nhỏ riêng cho chúng, và phải giữ chúng thật gọn gàng, không xoay chuyển. 
- Những đồ vật tích luỹ/tái chế: Có một thời gian mình tích luỹ rất nhiều vé xe bus và hoá đơn siêu thị. Điều này đến một cách tự nhiên chứ không có mục đích gì cả. Đến bây giờ, bất cứ khi nào ra ngoài mà buộc phải sử dụng cốc nhựa, chai nhựa hay hộp nhựa, hộp giấy, hay bất cứ thứ gì có thể tái chế được, mình đều mang về nhà để “chờ thời cơ" tái chế. Điều này phải rất thận trọng nếu bạn không muốn biến căn phòng của mình thành một cái kho! 
 trái dừa khô được tận dụng làm chậu xương rồng^^
trái dừa khô được tận dụng làm chậu xương rồng^^
Mình có thói quen download tất cả mọi thứ có thể tìm thấy trên mạng về máy tính và tải lên drive dùng dần. Thực tế thì số tài liệu mình “động" đến trong số này là rất rất ít. Thế nhưng mình cũng không thể biết khi nào thì đột ngột dùng đến những thứ này và việc tích luỹ kiến thức kiểu vậy khiến cho mình có cảm giác như mình cũng… học thật. Và thi thoảng trong những lúc giết thời gian thì mình cũng có bỏ ra đọc. Có vẻ như khá hữu ích và cũng không tốn diện tích như những tài liệu giấy. Đương nhiên là mình không nhất thiết phải xoá đi, tuy nhiên mình có thể sắp xếp lại theo folder để có thể hệ thống mọi thứ và có thể tìm được khi bất chợt cần đến. Ví dụ, mình học và hành nghề luật. Mình luôn có 1 folder lớn là “Stolen docs” và quẳng tất cả mọi thứ vào đó theo những folder nhỏ hơn. Bạn có thể sắp xếp theo những tiêu chí: 
- Theo tên tác giả: I. Kant, Trần Đức Thảo, Phạm Công Thiện,... 
- Theo thể loại: Classics, Journal, Books, Non-fiction...
- Theo năm/tháng/quý…
- Theo lĩnh vực công việc: Dân sự, hình sự, hành chính, kinh doanh thương mại, trọng tài,...
ví dụ về một folder
ví dụ về một folder
Nói chung thì mọi thứ khá tương đối và chỉ cần xây dựng một kho dữ liệu không quá loạn xì ngầu và khi cần dùng đến thì biết chúng ở đâu là được. 
II. Dọn dẹp tâm trí
Lướt quẹt quá nhiều là thói quen xấu hơn mọi người tưởng. Nó khiến chúng ta mất tập trung và luôn bị phân tán, nhũng nhiễu bởi quá nhiều thông tin được nạp vào não bộ một cách bất ngờ, không có chủ đích. Đương nhiên mạng xã hội không phải tác nhân duy nhất gây mất tập trung, nhưng là nguyên nhân phổ biến và chính yếu. Vậy nên, cần tách bạch mọi thứ và khiến bản thân tập trung nhất trong tất cả những gì mình làm, giảm sự phụ thuộc vào mạng xã hội và những hoạt động không cần thiết. 
Lí tưởng nhất là chia ra những khung giờ có thể sử dụng mạng xã hội, ví dụ: 9h, 13h, 20h,... Mỗi khung giờ lướt khoảng 30p, đại loại vậy. Điều này không thể áp dụng cho tất cả vì thực chất có những công việc gắn bó trực tiếp với mạng xã hội, cần phải có sự hiện diện trên mạng xã hội thường xuyên. Mình biết là rất khó để có thể tập trung, ngay cả tránh xa mạng xã hội và các phương tiện gây xao nhãng. Bởi tác nhân gây mất tập trung xuất phát từ bên ngoài lẫn bên trong. 
Thiền. Hoặc ngồi yên không làm gì trong 15 phút mỗi ngày. Điều này thì thực sự khó. Bởi đối diện với tất cả những suy nghĩ của mình là việc ít người làm được. Vì đa phần con người tự nhìn vào mình thì đều thấy... khó coi. Tự làm việc với bản thân nhiều khi còn khó hơn với người khác nhiều, vì chúng ta hay tự biến thành những bản thể khác nhau cho phù hợp với mong muốn và kỳ vọng của bản thân và của người khác. Nhìn vào bản thân đúng nghĩa là nhìn vào "the true self", là "phiên bản" duy nhất mà mỗi chúng ta nhất quyết giữ lại, cho dù phải từ bỏ hết những "phiên bản" khác.
...rất nhiều lúc tự lan man
...rất nhiều lúc tự lan man
Viết ra giấy những suy nghĩ, cảm xúc và ước mơ. Nói chung viết ra là cách giải toả tâm trí và sắp xếp lại những ý tưởng. Mình có 1 cuốn sổ luôn mang theo mình và mình đã viết hầu như hàng ngày, từ tự sáng tác, nhật ký đến ghi chép khi đọc sách,... Viết còn là cách tăng khả năng tư duy và diễn đạt bằng ngôn ngữ vô cùng hiệu quả. Một năm vừa rồi, mình viết rất nhiều, cuốn sổ A5, 160 trang mình luôn mang theo người đã dày kín chữ. Những điều viết ra không nhất thiết phải “có giá trị" nào đó, kiểu như có thể tổng hợp lại để xuất bản tập thơ, tập truyện, mà đơn giản đó là suy nghĩ, cảm xúc của bạn được ghi lại, như một cách bạn tự trân trọng chính mình. Và việc nhìn lại những suy nghĩ, cảm xúc đó cũng là cách thẳng thắn, dũng cảm nhìn lại chính bản thân.
"em gầy như liễu trong thơ cổ"
"em gầy như liễu trong thơ cổ"
Ngủ đủ giấc. Việc cảm thấy bị đuối, mệt, yếu đến nhiều hơn từ việc bộ não phải làm việc quá nhiều. Bộ não khoẻ mạnh xuất phát từ những giấc ngủ chất lượng. Hãy đặt chỉ tiêu cho bản thân. Thực tế thì mỗi người có nhu cầu về giấc ngủ khác nhau dựa trên độ tuổi, giới tính, đặc thù công việc. Với mình thì một giấc ngủ hoàn hảo là từ 11h đêm hôm trước đến sáu giờ sáng hôm sau. Giữa trưa thì mình tranh thủ chợp mắt khoảng 30 phút.  Nhưng nói chung thì việc ngủ sớm chưa bao giờ là một lời khuyên thừa thãi. Một giấc ngủ sâu bắt đầu trước 11h đêm với bóng tối bao trùm và tránh xa thiết bị điện tử luôn luôn là biện pháp tối đa hoá hiệu quả công việc, và phương pháp... dưỡng da tốt nhất.
III. Dọn dẹp các mối quan hệ
Hơi quá đáng nếu coi các mối quan hệ như sự vật, sự việc và có thể bị dọn và dẹp. Tuy thế thì chúng ta phải thừa nhận rằng phần lớn những rắc rối trong cuộc sống của mỗi người đến từ những lựa chọn sai lầm về những người chúng ta giữ bên cạnh. Đương nhiên có những mối quan hệ không thể “dẹp" hoặc ít nhất không thể “dẹp" một cách dễ dàng như quan hệ huyết thống (cha mẹ, anh chị em, (và) họ hàng), quan hệ hôn nhân (vợ, chồng), quan hệ nuôi dưỡng (cha nuôi - con nuôi, mẹ nuôi - con nuôi). Những mối quan hệ này thì ta PHẢI dành một thời gian nhất định để quan tâm, nuôi dưỡng. 
Trừ những trường hợp rất điển hình, tháng nào mình cũng sắp xếp về thăm gia đình ở quê. Và lần nào thì mình cũng chuẩn bị quà cho người thân, hoặc ít nhất thì tham gia vào các hoạt động ở nhà: nấu nướng, dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, phụ giúp người thân trong công việc của họ. Phải nói rằng việc duy trì mối liên hệ tốt với gia đình, người thân giúp chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng. Giống như nền móng của một ngôi nhà, gia đình có yên thì việc học tập, làm ăn ngoài xã hội mới ổn. Và nếu đứt mối liên hệ với gia đình thì những việc chúng ta làm cũng không còn có ý nghĩa nữa. 
Còn những mối quan hệ không dựa trên các quan hệ mình kể trên, đó là bạn bè, đồng nghiệp, người yêu, anh em kết nghĩa, bạn làm ăn,... thì lại có cách cư xử khác. Đối với mình thì cách cư xử sẽ phụ thuộc vào tính chính danh của mối quan hệ và mỗi người đều có một “cữ" (giới hạn) đối xử riêng. Nhiều khi không phải theo mức độ cao thấp, ai ưu tiên ai mà là ai phù hợp với cách đối xử nào. 
Điều mà không nhiều người có thể làm được đó là mạnh dạn bước ra khỏi một mối quan hệ không còn “cần thiết" với mình nữa. Một mối quan hệ chỉ đem lại sự mệt mỏi, chán chường hay cảnh giác, hoặc thậm chí chẳng mang lại ích lợi gì ngoài sự mất thì giờ. Đừng vì sự tiếc rẻ những kỷ niệm đã qua, sự ngại ngùng vì phải nói lời tạm biệt với một người mình từng thân, từng yêu mà cứ tiếp tục với sự khó chịu trong mối quan hệ đó. 
Tại đây mình tạm chưa nói về tình yêu, mình đang nói về tình bạn nói chung. Thực tế thì không phải việc nào cũng có thể khéo léo hay “lựa lựa” để cùng tiếp tục mối quan hệ. Ai đó có thể nghĩ rằng mình cố chấp, chính bản thân mình cũng đã thấy mình cố chấp. Tuy vậy thì mọi nỗ lực cố gắng để có thể “hoà hợp" được với những người bạn đó đều không thành, và đến khi không chịu đựng được mà phải nghỉ chơi thì mình nhận ra bản thân thực sự đã kiệt sức. Ở cạnh một người không phù hợp giống như đi một đôi giày chật. Nếu cứ cố gắng chịu đựng thì đến một lúc nào đó, đôi chân sẽ mệt nhoài, đau đớn. 
Cũng có thể mình đã ở một mình quá lâu, cái tôi của mình lớn đến mức đã lấp đầy không gian sinh sống, điều đó khiến mình cảm giác như không còn chỗ cho bất kì ai khác. Chớ nghĩ rằng mình không có bạn. Ngược lại, thậm chí nhiều là đằng khác. Và họ đều là những người bạn tốt, họ luôn giúp đỡ và mang đến cho mình những khoảng thời gian tuyệt vời. Nhưng trong số những người từng là bạn của mình, đã có những người đem đến cho mình những cảm xúc rất tiêu cực, họ đã không dành cho mình sự tôn trọng như cách mình dành cho họ sự tôn trọng. Hãy nhớ rằng, nếu nền tảng của mối quan hệ đó là bình đẳng, win-win, bất cứ khi nào bạn cảm thấy sự cân bằng bị phá vỡ, bạn có quyền bước ra khỏi mối quan hệ đó. Mình rất mong bạn suy nghĩ thật kĩ về việc kết thúc nếu những dấu hiệu sau bắt đầu xuất hiện dày đặc: 
- Họ, hoặc bạn chỉ tìm đến nhau nếu một trong hai cần sự giúp đỡ. Điều này không hẳn là xấu. Thực tế thì rất nhiều người bạn của mình chỉ xuất hiện nếu họ cho rằng mình cho thể giúp ích gì đó cho tình trạng của họ, và hầu hết trường hợp mình đều giúp đỡ họ. Điều này hay xảy đến khi hai người không có sự gặp mặt thường xuyên, dẫn đến chỉ liên lạc khi có công có chuyện. Không hẳn là dấu hiệu cho thấy họ không tốt, nhưng hãy để ý xem họ ứng xử với sự giúp đỡ của bạn như thế nào: bày tỏ thái độ cảm ơn, có đề nghị được trả ơn, mời gặp mặt trực tiếp, hay sẵn sàng giúp đỡ trong trường hợp ngược lại... Nếu không, bạn chỉ là một chỗ nhờ vả không hơn không kém, không phải trường hợp nào cũng là bị lợi dụng, nhưng chắc chắn mối quan hệ như vậy không có sự công bằng và hài hoà về lợi ích. 
- Không đạt được hiệu quả trong giao tiếp và không tôn trọng sự khác biệt của nhau. Ví dụ dễ thấy nhất là trong các cuộc trò chuyện qua lại, một trong hai bên hoặc cả hai không thực sự chú ý vào câu chuyện của đối phương. Điều này thì rất rõ, đó là việc “mạnh ai nấy nói", không quan tâm rằng đối phương có thực sự muốn lắng nghe điều mình đang nói hay không, hay việc chẳng quan tâm người ta muốn nói cái gì. Những cuộc trò chuyện chủ yếu là một người nói, một người lướt điện thoại, hoặc cả hai cùng lướt điện thoại, hoặc cả hai cùng nói nhưng là tranh nhau nói hoặc nói những chuyện của riêng mình, không có câu chuyện nào phát triển nhờ vào sự tò mò hay quan tâm từ đối phương. Hoặc, chẳng qua là hai người có tư tưởng quá khác biệt, chỉ có thể khai thác câu chuyện ở mức độ bề mặt, một khi đi sâu vào những vấn đề quan trọng hoặc nhạy cảm, cả hai không cùng tiếng nói. Kiểu như những câu chuyện à ê kiểu nói xấu người này, tức tối người kia, hai người tỏ ra rất “đồng tâm", nhưng khi lái sang những câu chuyện như “có nên lập gia đình khi chưa ổn định kinh tế”, “lòng yêu nước thời hiện đại", “làm trái ngành nhiều tiền hay đúng ngành ít tiền",... thì lại rất là “chan chát". Thực tế thì không ai có suy nghĩ giống hệt ai, và sự khác biệt trong tư duy, hành động làm nên sự đa dạng trong mối quan hệ bạn bè. Sự khác biệt trong quan điểm của mọi người không bao giờ là lí do duy nhất và quan trọng nhất để chấm dứt một mối quan hệ mà là thái độ của cả hai về sự khác biệt đó. Chọn quay mặt đi để tránh vướng vào những tranh cãi hay từ từ ngồi lại giải thích cho nhau quan điểm của hai bên, thuyết phục nhau hay cãi vã, miệt thị lẫn nhau - có lẽ ai cũng biết cách cư xử nào là của những người bạn thật sự. 
- Bạn không (còn) cảm thấy bản thân được phát triển, tự tin, đẹp đẽ hơn khi ở cạnh họ. Điều này rất dễ thấy. Đối phương tốt là một đối phương có giá trị, giá trị đó phải là năng lượng tích cực, sự động viên, khích lệ bạn vượt qua những khó khăn. Người đó phải có những đức tính tốt nhất định để bạn có thể học hỏi, noi theo và hoàn thiện bản thân tốt hơn.
Sẽ thật không nên nếu mình kết thúc bài viết này bằng cái gạch đầu dòng cuối cùng ở bên trên. Mình đã định viết một bài viết thật gọn gàng, quạnh quẽ nhưng xem ra vẫn còn hơi lộn xộn. Mình cũng hiểu là rất khó để buông bỏ bất kỳ điều gì trong cuộc sống, vì hiện tại có lẽ ai cũng sợ những bất trắc có thể xảy ra, những đồ đạc linh tinh, những suy nghĩ cảnh giác, những mối quan hệ (nhiều khi là độc hại) có thể tạo ra một vỏ bọc tạm thời che chắn cho những nỗi sợ ấy. Mình mong những bạn đọc được bài viết này sẽ thật mạnh mẽ, tự tin, bản lĩnh, sẽ làm thật tốt việc “dọn dẹp" cuộc sống của mình. 
ngày mồng Bốn tháng Chạp, năm Quý Mão 2023
_Mikodmi_