Tôi và bạn, chúng ta đều nghiện những thuật ngữ. Chúng ta nghiện những định nghĩa, khái niệm. Bởi vì, nền giáo dục của chúng ta dựa trên việc định nghĩa. Tôi là aaa, bạn là bbb, cái bàn là ccc, còn cái ghế là ddd.
Đừng lạm dụng thuật ngữ nữa, được không?
Đừng lạm dụng thuật ngữ nữa, được không?
Điều này vừa có lợi vừa có hại. Lợi ở chỗ bạn sẽ sử dụng những cái thuật ngữ này để tiến vào thế giới của sự hiểu biết. Nhưng, cái hại của nó là nó sẽ ngăn bạn đi xa hơn trong cái thế giới ấy. Tiếp cận thế giới kiểu ấy sẽ có giới hạn. Luôn luôn có giới hạn. Rào cản ngôn ngữ sẽ khiến bạn không cập bến được với những bến bờ cao hơn. Tôi gọi những khái niệm bạn và tôi học được là “chấp niệm”, nó như một cái mỏ neo của chiếc thuyền tri thức. Nếu chúng ta không nhổ neo, thì chiếc thuyền không thể tiến xa hơn trong vùng biển rộng lớn này.
Khái niệm chính là rào cản lớn nhất của việc tiếp thu tri thức, tiếp thu “sự thật”.
Công dụng duy nhất của khái niệm là một cái cốc, để đựng được một chút nước chứa đựng sự thật. Nếu bạn phá bỏ được cốc nước ấy thì bạn mới hiểu được “sự thật”. Nếu bạn tìm ra một khái niệm khác, đó chỉ là đổi cái cốc khác mà thôi. Cái cốc mới có thể to hơn hoặc bé hơn, hoặc thậm trí là cái thau đi chăng nữa thì nó vẫn có giới hạn.
"Logic sẽ đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B. Trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta tới mọi nơi" - Albert Einstein
Đấy là lý do mà nhiều khi bạn đọc sách giáo khoa lại không hiểu cái khái niệm đấy. Nhưng khi bạn đọc tiểu thuyết, xem phim, nghe nhạc lại hiểu cái khái niệm ấy. Ngôn ngữ nghệ thuật khắc họa được những thứ còn thiếu mà ngôn ngữ khoa học không tài nào giải thích nổi. Tôn giáo cũng kiểu như vậy.
Tình yêu đôi lứa chẳng hạn. Định nghĩa của khoa học thật là … kì . Người ta định nghĩa tình yêu bằng dopamine, bằng oxytocin, bằng adrenaline và bằng vasopressin. Hmmm. Tình yêu của cụ Xuân Diệu đơn giản hơn nhiều:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…
Hay tình yêu của của cụ Puskin là:
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng, Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen, Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm, Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
Hoặc một cô gái tôi đang tìm hiểu, cô ấy nói: “Tình yêu đơn giản là em ghét thuốc lá nhưng người yêu em hút thì chấp nhận được.”
Tôi thì rất thích quan điểm này trên mạng: “Không có chữ nào là yêu, nhưng lại có nghĩa là yêu”
Với nhân vật của Châu Tinh Trì thì đó là “Tôi nuôi cô”
“Tôi nuôi cô” – Không có chữ nào là yêu nhưng lại có nghĩa là yêu
“Tôi nuôi cô” – Không có chữ nào là yêu nhưng lại có nghĩa là yêu
Đấy, nếu cứ đọc sách khoa học, nếu cứ bám vào dopamine, bằng oxytocin, bằng adrenaline và bằng vasopressin đấy thì làm sao mà người ta hiểu được tình yêu? Chẳng thà ta cứ đọc thơ Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, đọc văn của Murakami, của Mạc Ngôn, Lỗ Tấn, kịch của Shakespeare nhạc của Beethoven, Chopin,… còn hiểu tình yêu hơn.
Biết và hiểu là hai cái khác nhau. Rất nhiều khi chúng ta nhìn mặt chữ, nhìn khái niệm rồi học vẹt, nghĩ đó là hiểu. Thực chất không phải. Hiểu đôi khi phải thực hành mới hiểu được. Hiểu đôi khi là dùng ngôn ngữ của chính bản thân mình diễn tả lại mới là hiểu được. Hiểu đôi khi chính là một sự khắc cốt ghi tâm. Hiểu đôi khi ta chính là nó mà nó chính là ta. Biết là học sinh, hiểu là bậc thầy. Biết là nghiệp dư, hiểu là chuyên nghiệp.
Giác ngộ cũng như vậy. Nhiều khi người ta lạm dụng từ giác ngộ nhưng chưa chắc hiểu giác ngộ là gì. Nói thật chính tôi cũng không hiểu. Tôi chỉ biết thôi. Tôi đọc nhiều về giác ngộ đến cái đoạn tôi nhận ra là ngôn ngữ chính là rào cản lớn của giác ngộ. Nếu bỏ được ngôn ngữ thì may ra mới giác ngộ được. Và sâu xa hơn nữa là nếu bỏ được cái ý muốn bỏ ấy nữa cơ. Đấy, giác ngộ là cái việc vừa phức tạp vừa đơn giản như vậy đấy.
Chính vì vậy nên nếu ai hỏi tôi giác ngộ là gì. Tôi chỉ có thể cười trừ phát biểu: “Giác ngộ là một tiếng chuông.”
Vì tôi chỉ biết đến như thế mà thôi. Và tôi tin người hỏi câu đó cũng không thể hiểu được nếu không tự mình giác ngộ.
Nói thêm về giác ngộ thì có một vài câu sau đây tôi khá tâm đắc các bạn đọc có thể tham khảo:
"Sắc tức là không, không tức là sắc" - Tâm Kinh Bát nhã Ba la mật đa.
“Tiếng vỗ của một bàn tay là gì?” - Thầy Mokurai trao cho trò Toyo công án để đi vào thiền.
“Trước khi gặp thiện tri thức, tôi thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông. Sau ba mươi năm, tôi thấy núi sông là núi sông”. - Thiền sư Duy Tín đời Tống
"Giác ngộ là khi con sóng nhận ra nó chính là Đại Dương." - Thầy Thích Nhất Hạnh
Quả đúng là khó để hiểu “giác ngộ” khi sử dụng tư duy và khái niệm thông thường đúng không?
Việc từ bỏ khái niệm giúp chúng ta lớn hơn. Khi chúng ta yêu chúng ta lớn hơn, khi chúng ta giác ngộ, chúng ta lớn hơn. Lớn hơn ở đây không phải lớn hơn ở mặt thể xác mà là lớn hơn ở mặt bên trong tâm hồn. Nếu bạn muốn lớn hơn, bạn phải buông bỏ những khái niệm cũ, những chấp niệm cũ để đón nhận cái mới. Vậy nên mới nói trưởng thành là biết buông bỏ. Khi nói buông bỏ một người chính là buông bỏ cái sự cố chấp hiện hữu của người ấy ở trong thâm tâm ta. Chứ ta có nắm cái gì vật chất của người ấy đâu mà bỏ. ( Nếu lỡ nắm thật thì bỏ đi nhé vì phạm pháp và phạm đạo đức đấy- nghiêm túc không đùa)
Chúng ta luôn phải lớn hơn. Con người sống là để lớn hơn. Giống như khi trồng một cái cây, cái cây ấy phải phát triển: đâm trồi nảy lộc, ra lá, thành cây, ra quả, ra nhiều quả hơn. Lớn về thể xác thì dễ hơn là lớn ở trong tâm hồn. Bởi vì lớn thể xác chỉ cần ăn uống đầy đủ, tập luyện đầy đủ là qua thời gian sẽ lớn. Lớn tâm hồn khó hơn vì thức ăn của tâm hồn là những thứ vô hình. Thức ăn của tâm hồn là âm nhạc, là tranh ảnh phim truyện, là văn chương, là tình yêu, là cảm xúc, là thời gian, là không gian, …
Nếu tâm hồn ăn phải thứ tốt thì tâm hồn mạnh khỏe, nếu tâm hồn ăn phải thứ ô nhiễm, tâm hồn bị yếu đi, bị ma hóa, bị tha hóa đi, bị vẩn đục đi. Hãy luôn chú ý những thứ mà bạn nạp vào tâm hồn của mình. Những thứ mà bạn ăn rồi sẽ trở thành bạn đấy.
Quay trở lại với mạch chính của bài viết thì những khái niệm ngày xưa mà bạn thuộc lòng nhiều khi chính là hòn đá cản chân bạn tiến sâu vào thế giới tri thức. Nó khiến bạn nhắm mắt chứ không phải là mở mắt.
Nếu một cuốn sách nào khuyên bạn chỉ cần đọc cuốn sách này là đủ, câu đó chắc chắn không đúng. Nếu một bài viết nào trên spiderum này khuyên bạn chỉ cần đọc bài viết này là đủ, câu đó của bài viết ấy chắc chắn sai. Vì đấy là họ đang cổ súy cho sự đóng trong tri thức của bạn. Một cái đầu phải mở thì mới có thể đón nhận cái mới được. Mà muốn một cái đầu mở thì bạn phải … quên những khái niệm mà bạn đã được học đi. Người ta nói nhớ để quên, quên để nhớ là vì vậy. Phải quên những cái cũ đi thì mới có thể tiếp nhận những cái mới được.
Phải quên người yêu cũ đi thì mới có thể yêu người yêu mới được. Phải quên sự giác ngộ đi thì mới có thể giác ngộ được.
Việc quên cái mình được học là một trong những yếu tố để vượt lên sự biết tiến đến sự hiểu.
Có rất nhiều câu trả lời cho những câu hỏi khó mà chúng ta không thể tìm kiếm ở trong khoa học. Ta phải tìm nó ở nghệ thuật hoặc các bộ môn tương tự. Có những câu hỏi tưởng chừng như rất dễ mà lại khó nếu bạn tìm cách trả lời máy móc như được học. Đơn cử như câu hỏi "Nhà là gì?"
Tôi làm kỹ sư xây dựng và tôi biết định nghĩa của cái nhà là gì. Đương nhiên. Và tôi nghĩ bạn đọc nào cũng biết. Nhưng hiểu về nhà là một chuyện hoàn toàn khác.
Tôi không thích định nghĩa trong sách giáo trình đó, tôi thấy nó không hay. Và luôn có thiếu sót. Nghệ thuật, tôn giáo, triết học khắc họa về nó đầy đủ hơn nhiều.
Trong bài “Ngày chưa giông bão”, Ca nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh viết là: “Dẫu trần gian cho anh đắng cay nơi em là nhà”. Như vậy em ở đây là nhà. Vậy nhà là em và em là nhà. Em là bình yên vậy nhà là bình yên. Em là an toàn vậy nhà là an toàn. Em là tình yêu vậy nhà là tình yêu. Em là nơi trở về vậy nhà là nơi trở về.
Như vậy em đâu chỉ là em và nhà đâu chỉ là nhà.
Trong bài “Chưa bao giờ”, rapper DSK viết là “Đi đến đâu có chỗ gối đầu thì đó là nhà”. Như vậy nhà với anh là tất cả mọi nơi, cứ gối đầu được thì anh gọi là nhà. Nếu suy nghĩ như vậy thì kể cả anh có ra ngoài đường nằm thì anh đâu có vô gia cư. Vì với anh đó chính là nhà cơ mà. Một câu rap thể hiện được sự tự do, khai phóng đến vô cực của người nghệ sĩ. Nếu ai hỏi tôi tự do là gì, tôi xin mượn câu của Đen Vâu: “Chẳng tự do đến mức buông lơi như DSK”. Đúng vậy, tự do thực sự chính là phải như DSK đó các bạn. Bốn bể là nhà.
"Tự do như làn khói"
"Tự do như làn khói"
Như vậy mọi nơi đâu chỉ là mọi nơi và nhà cũng đâu chỉ là nhà.
Chỉ độc một câu hỏi nhà là gì thôi tôi cũng có thể viết hẳn một bài viết phân tích rồi. Bởi vì đơn giản là tôi không bị bám vào khái niệm nhà mà sách giáo trình cung cấp cho tôi. Tôi đã thả rơi nó ngay từ khi tôi bắt đầu viết, bắt đầu suy nghĩ. Chúng ta không thể đi sâu hơn nếu chỉ tin vào khái niệm cũ. Vì đã bị chặn ngay từ bước đầu của việc suy nghĩ rồi.
Tôi có thể phát biểu “cơ thể” là nhà của tâm hồn. Vì nhà là vật chứa đựng. Cơ thể chứa đựng tâm hồn.
Tôi có thể nói nhà là “tổ ấm” của con người. Vì loài nào cũng có tổ ấm của nó. Như con chim làm tổ chim đẻ trứng vậy. Con ong có tổ ong. Con rùa có cái mai rùa.
Bởi vì tôi có thể nói như vậy nên tôi sẽ hiểu nỗi buồn của người vợ trong câu thơ sau đây:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.”
Người phụ nữ có nhiều nỗi buồn, một trong những nỗi buồn nhất khi lấy chồng chính là … xa nhà. Và đau buồn hơn nữa là lấy chồng ở xa, tết nhất không được đón giao thừa ở nhà. Có những nỗi đau buồn mà phải đủ trải tôi mới thấm. Nhớ nhà là một trong những nỗi đau buồn như thế.
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” – Qua đèo ngang – Bà Huyện Thanh Quan.
Người ta yêu tổ quốc vì bản chất tổ quốc là một cái nhà to to. Ở trong cái nhà to to ấy có chứa ngôi nhà nho nhỏ của chúng ta. Lúc này ta phải bảo vệ tổ quốc bởi vì mất nước là mất nhà. Nước mất thì nhà tan. Người xưa nhắc ít bao giờ sai.
Nhà là nơi để về. Nhà là động lực khiến chúng ta lớn lên. Nhà là quê hương. Mà “Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người” mà. Nhà chính là một trong những nơi chữa lành tốt nhất.
Có lẽ chính vì vậy mà Gen Z mới có trend “Về quê healing” chăng.
Dù là một người nằm trong Gen Z theo định nghĩa của cộng đồng mạng. Nhưng đến nay tôi vẫn rất nghi ngờ về cái định nghĩa này. Nhắc đến Gen Z tôi lúc nào cũng kiểu như là hmm sao lại chọn chữ Z nhỉ. Nghe như tận thế đến nơi. Bởi vì Z đứng cuối bảng chữ cái tôi được học mà. Đặt tên thế hệ mình là Gen Z liệu có phải là ái kỷ quá không ta, vì nghĩ mình là đứng cuối bảng chữ cái rồi thì ai đứng sau nữa.
Sau này, rất lâu sau tôi mới nhận ra yêu bản thân chính là ái kỷ. Chẳng qua “yêu bản thân” là “ái kỷ kiểu người lớn”. Còn từ ái kỷ mà họ hay dùng có nghĩa là "yêu bản thân kiểu trẻ con”.
Khác nhau ở chỗ nào? Khác nhau ở hai điểm. Một là tình yêu. Hai là đối tượng yêu. Hai điểm này của người lớn đều khác trẻ con.
Khi ta nói “ta yêu ta”. Có nghĩa là ta dành hết tình cảm gọi là tình yêu với cái người gọi là ta.
Chúng ta không thể yêu chính mình nếu chúng ta không hiểu được tình yêu và không hiểu được bản thân mình. Khi nói yêu ai đó ta phải hiểu người đó. Chỉ quen biết thì không thể yêu được. Đó chỉ là thích thôi. Nên mới nói trước khi yêu phải “tìm hiểu”. Tìm và hiểu.
Chưa hiểu yêu sao mà yêu được? Chưa hiểu bản thân bao giờ sao mà yêu bản thân được đây?
Gần đây tôi viết một bài viết khá nhậy cảm về “nam tính độc hại”, bài viết có nhiều quan điểm gây tranh cãi. Tôi biết điều đó nhưng vẫn đăng tải bởi vì tôi nghĩ, viết lách là để cho bản thân tôi đọc trước. Rồi mới tới độc giả của mình. Với tôi đó chính là yêu bản thân.
Có người sẽ gọi đó là ái kỷ hay ích kỉ. Đúng. Đó là ái kỷ chỉ bởi vì tôi chưa đủ lớn thôi. Nếu tôi đủ lớn, họ sẽ lại gọi đó là “yêu bản thân”.
Thế thôi.
14/01/2024 An Phạm