Vài năm trước, mình cũng có học guitar đôi chút, đánh được vài hợp âm, quạt chả được vài điệu cơ bản. Sau khoảng 1 tuần thôi là mình thấy nhạt, chẳng còn gì hay ho nữa cả! Mình muốn tự đánh những bản nhạc mình yêu thích và chơi đàn ngẫu hứng.
Mình xem những bản solo trên youtube. Ui! Nhìn thế tay thật nguy hiểm, lại còn chơi cao vút chứ không chỉ mấy hợp âm ở thế 1 như mình biết. Nản 1!
Thường thì các bản nhạc có tab hướng dẫn để đánh theo, nhưng mình không thích làm theo hướng dẫn, mình thích hiểu ý tưởng gốc, từ đó áp dụng theo cách của mình. Tại sao lại có thế tay này? Tại sao có thế tay kia? Tại sao họ lại đánh được trên cao như thế? Không biết hỏi ai, không có tài liệu. Nản 2!
Mình cũng có lên mạng đọc nhạc lý, cũng 1-3-5 tạo thành hợp âm, cũng biết về âm giai, nhưng chẳng biết ứng dụng kiểu gì, mà trên mạng đến 99% toàn nói chung chung bề mặt, chứ ít khi nói tận gốc vấn đề. Lại không biết hỏi ai, cũng không có tài liệu để tham khảo. Nản 3!.
Mình không thể tune đàn bằng tai, không biết hợp âm phối hợp thế nào, không thể quạt chả đúng nhịp. Nản 4!
Với 4 cái nản trên tại nên cái NẢN TOÀN TẬP, mình gác đàn, không đụng vào đàn nữa. Chấp nhận mình không có khả năng học nhạc. Nhưng tham vọng chơi guitar một bản nhạc mình yêu thích vẫn ở đó.
Gần đây, mình nghiền phim "Chuyện đời bác sĩ", cảm thấy nếu như mình có thể chơi trong một ban nhạc với những người bạn thì hay biết mấy. Trong phim lại còn có nhân vật chính hát toàn lệch tone nữa chứ :) Hóa ra điếc tone cũng không phải vấn đề lớn lắm. Cảm hứng học guitar dâng trào !!!
Thế là mình lại bắt đầu tìm cách học guitar lại. Lần này thì khác, với nguồn tài liệu miễn phí vô cùng, với kinh nghiệm tự học:
Mình quyết định sẽ học guitar đàng hoàng chứ không dẫm phải vết xe đổ như lần trước. Vì thiếu khả năng cảm âm và chẳng có năng khiếu gì về âm nhạc, mình quyết định học nhạc theo cách của bản thân. Không quạt chả, không ngồi đánh giai điệu, không tập âm giai đánh ĐỒ RÊ MI nhạt nhẽo nữa, mà nghiên cứu, tìm hiểu có hệ thống và tập luyện có mục đích.
I. Nhạc lý
Trước hết phải hiểu cốt lõi ý tưởng, mà muốn hiểu cốt lõi thì phải hiểu nhạc lý. Về nhạc lý thì nhiều nhưng có vài yếu tố cần thuộc lòng:
1. Khoảng cách cao độ giữa các nốt nhạc thấp nhất là nửa bước (half step): Khoảng cách giữa nốt Mi và nốt Fa, giữa nốt thường và nốt thăng, giữa nốt thường và nốt giáng.
2. Khoảng cách cao độ giữa các nốt khác là 1 bước (whole step): khoảng cách giữa Đô và Rê là một ví dụ.
3. Từ khoảng cách cao độ tạo nên công thức âm giai.
Ví dụ như âm giai trưởng:
C, D, E, F, G, A, B
whole, whole, half, whole, whole, whole, half
Ví dụ như âm giai thứ:
A, B, C, D, E, F, G
whole, half, whole, whole, half, whole, whole
4. Trong âm giai, ta lại có khoảng cách giữa các nốt gọi là quãng. Ví dụ như từ C đến E gọi là quãng ba, từ G đến A gọi là quãng hai cứ thế đến quãng 8 là từ C đến Cế.
5. Từ âm giai là ta lại có công thức tạo nên các triad, các triad này là nền tảng để tạo nên các hợp âm.
Có nhiều loại triad nhưng chỉ cần nhớ một loại triad của âm giai trưởng từ đó suy ra các loại khác.
Công thức triad trưởng: 1-3-5
Tức là triad trưởng được tạo nên từ hai quãng ba trong âm giai, hay đơn giản hơn là được tạo nên từ nốt I, nốt III và nốt V của âm giai.
Ở đây mình nói chính xác là hợp âm trưởng vì còn có các loại hợp âm khác như sus thì nó lại không còn đúng lý thuyết hai quãng ba nữa.
6. Một điều quan trọng khác cần nhớ là
Quãng 3 trưởng: 3 nốt cách nhau tổng cộng 4 half step. VD: Đồ- Rê- Mi
Quãng 3 thứ: 3 nốt cách nhau tổng cộng 3 half step. VD: Rê- Mi- Fa
Quãng 4: 4 nốt cách nhau tổng cộng 5 half step: VD: Đồ- Rê- Mi- Fa
Quãng 5: 5 nốt cách nhau tổng cộng 7 half step: VD: Đồ- Rê- Mi- Fa- Son
II. Cần đàn:
Muốn chơi đàn, thì phải biết đàn. Muốn biết đàn thì trước hết phải nhớ được nốt trên cần đàn.
Sai lầm từ lần học đầu tiên là chỉ quanh quẩn trên khu vực 3 ô đầu từ đó không thể chơi được cao hơn.
1. Các dây đàn guitar: E- A- D- G- B- E
Điều đáng nhớ là khoảng cách cao độ giữa các dây đàn:
E- A: quãng 4
A- D: quãng 4
D- G: quãng 4
G- B: quãng 3 trưởng.
B- E: quãng 4
Điều hay ho ở đây là nếu ta chọn nốt G ở dây 3 (E), ta suy theo quãng cao độ trên ta sẽ có
Nốt C ở dây 5
Nốt F ở dây 4
Nốt Bb ở dây 3. Bạn có nhớ quãng 3 trưởng cách quãng 4 khác nhau 1 half step đã được nói ở trên không? Chỉ cần lùi ô một theo hướng bụng đàn ta sẽ có nốt B. Từ đó ta sẽ có 5 quãng 4.
Nốt D ở dây 2.
Nốt G ở dây 1
2. Pattern quãng tám
Nếu như bạn chọn một nốt bất kỳ trên cần đàn, bạn đều có thể tìm được quãng tám của nốt đó bằng pattern này.
- Dây E (1) và Dây E (6) là 2 quãng 8
- Chọn một nốt ở cần đàn, xuôi xuống bụng đàn, cách một dây và cách một fret ta có một quãng 8.
- Chọn một nốt ở cần đàn, ngược lên ngọn đàn, cách hai dây và cách hai fret ta có một quãng 8.
- Giữa dây 2 (B) và dây 5 (A) cách nhau 1 fret là 1 quãng 8.
- Lưu ý là do dây 2 và dây 3 cách nhau 1 quãng ba trưởng, nên khi bạn tìm quãng 8 từ dây 4 (D) ở dây 2 (B) thì bạn phải lùi theo hướng xuống bụng đàn 1 ô tức nửa cung.
3. Tạo triad trên cần đàn và hiểu được hợp âm
Triad là hình thức sơ khai nhất của hợp âm, thực ra triad là hợp âm tối giản chỉ với 3 nốt quan trọng nhất của hợp âm. Từ khoảng cách giữa các dây và công thức quảng tám ta có thể tự tạo ra hợp âm của riêng mình cũng như hiểu tại sao hợp âm cơ bản lại có hình như thế.
Ví dụ: như mình muốn một hợp âm Son trưởng chỉ từ dây 6 đến dây 4.
Mình biết âm giai của hợp âm này là : A, B, C♯, D, E, F♯, and G♯
Từ đó suy ra triad: A- C#- E
Mình có nốt A ở dây 6 (E) ô 5, thẳng xuống dây 5 ô 5 là nốt D (nhớ khoảng cách giữa dây 6 và dây 5 là quãng 4) mà mình lại cần quãng ba nên mình phải dịch lên theo hướng ngọn đàn một ô để có nốt C#. Làm tương tự với nốt C#, nhưng lần này ta lùi lại 2 ô vì khoảng cách giữa C# và E ít hơn nửa bước (1 half step) so với A và C, ta sẽ có nốt E ở dây 4. Từ đó ta có hợp âm La trưởng chỉ ở 3 dây trên.
Nếu như bạn để ý thêm chút nữa, kết hợp công thức quãng tám và khoảng cách giữa các dây vào nốt La trên dây 6, và có nốt C# ở dây 5. Ta sẽ tìm thấy nốt A ở dây 3 và nốt C# ở dây 2. Từ đó, ta có một triad khác của La trưởng. Đây chính là hợp âm La trưởng cơ bản mà mọi người đều được học ngay khi bắt đầu học đàn. Tại sao có ba dây buông? Vì các dây buông chính là 2 dây E và một dây D chính là những nốt trong triad nên ta không cần bấm nữa :)
Mọi người có thể thử nghiệm tương tự để hiểu hơn về các hợp âm cơ bản được dạy ban đầu trên trang:
À, còn một điều thú vị khác, là nếu bạn hợp âm La trưởng trên xuống một dây, dịch dây hai vào một ô theo hướng bụng đàn để giữ nguyên khoảng cách cao độ vì khoảng cách giữa dây 2 và dây 3 thiếu nửa bước như đã nhắc ở trên. Ta sẽ có hợp âm Rê trưởng.
Nếu bạn dịch hợp âm La trưởng lên một dây, dịch dây hai vào một ô theo hướng ngọn đàn để giữ nguyên khoảng cách cao độ vì khoảng cách giữa dây 2 và dây 3 thiếu nửa bước như đã nhắc ở trên. Ta sẽ có hợp âm Mi trưởng.
Tại sao ta có được hợp âm Rê trưởng và Mi trưởng chỉ bẳng cách dịch hợp âm La lên xuống như thế? Vì khoảng cách giữa cách dây là quãng 4, tương tự với hợp âm Mi và hợp âm La là quãng 4, hợp âm La và hợp âm Rê cũng là quãng 4. Nhớ dịch chuyển nữa bước khi lùi giữa dây hai và dây ba.
III. Hợp âm chặn
Cách hay nhất để chơi nhạc ở các ô cao hơn trên cần đàn là chơi hợp âm chặn.
Hợp âm chặn có hai loại chính
- Root 6th: Hợp âm Mi trưởng dịch lên theo hướng bụng đàn.
- Root 5th: Hợp âm La trưởng dịch lên theo hướng bụng đàn.
Bạn có thể dịch xuống một dây như làm với hợp âm La ở trên để có hợp âm chặn Root 4th: Hợp âm Rê trưởng chặn dịch lên theo hướng bụng đàn
Cứ theo khoảng cách cao độ giữa các nốt mà ta sẽ có Fa trưởng, Son trưởng, La trưởng, Si trưởng với Root 6th và Si trưởng, Đô trưởng, Rê trưởng, Mi trưởng với Root 5th.
Điều mình để ý ở đây là các nốt theo thứ tự từ dây 6 đến dây 1 của hợp âm chặn:
- Root 6th: R—5—R—3—5—R
- Root 5th: X—R—5—R—3—5
Thực tế hợp âm chặn là kết hợp của 2 triad khác nhau. Như vậy, tùy vào giai điệu mà ta không cần thiết phải bê nguyên xi hợp âm chặn mà có thể chỉ dụng phần trên hoặc phần dưới của hợp âm chặn để kết hợp cho phù hợp.
IV. Các biến thể
Bạn chỉ cần biết công thức triad của các hợp âm khác để biến hóa hợp âm chặn.
Ví dụ: Công thức hợp âm thứ là 1- 3b- 5
Mình chỉ cần lùi ngón bấm số 3 xuống một ô là có hợp âm thứ.
Bạn có thể nghe các thể loại hợp âm 9, hợp âm 11, ....Nghe có vẻ nguy hiểm chứ thực ra nó là âm giai nhân 2 để có các số trên.
VD: Trên âm giai C trưởng
- C, D, E, F, G, A, B- C, D, E, F, G, A, B
- 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7- 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14
Bạn muốn có hợp âm C11 chẳng hạn, bạn thấy nốt 11 thực chất là nốt 4. Thế nên, nếu bạn muốn hợp âm C11, bạn chỉ cần thêm nốt F vào hợp âm C trưởng là xong. Đơn giản!
V. Tập luyện
Lý thuyết như vậy là đủ. Bây giờ đến phần luyện tập.
1. Đánh ngẫu hứng
Mình đặc biệt chú ý đến licks và riffs trong nhạc Blues vì:
- Không quá dài như một bài hát mà chỉ từ 4- 12 ô nhạc phù hợp với người không có nhiều thời gian tập luyện
- Mỗi Licks và Riffs đều là ví dụ thể hiện các nốt trong âm giai liên kết như thế nào, cụ thể hơn với Riffs là ví dụ các hợp âm được sử dụng thế nào.
- Mỗi Licks và Riffs đều chứa một kĩ thuật cụ thể như mute, vibrant,...
- Mỗi Licks và Riffs đều có giai điệu riêng để luyện tập.
- Âm giai, hợp âm là chữ cái, bài hát là đoạn văn, thì có thể coi các đoạn lick, riff là câu văn. Ghép thế nào, ứng dụng thế nào là khả năng của mỗi người.
2. Kết hợp giai điệu và hợp âm
- Đánh giai điệu: Nghe giai điệu, tải bản nhạc (sheet) trên mạng xuống để đánh giai điệu. Mình dùng bản nhạc để vừa luyện xem nốt nhạc, vừa luyện nhớ nốt trên cần đàn.
- Cách tìm hợp âm trong một ô nhạc: Với những lý thuyết như trên thì mình có thể xem những nốt trong một ô nhạc là gì để tìm triad phù hợp để suy ra và thử nghiệm các hợp âm khác nhau mà không còn phụ thuộc vào chỉ hợp âm trưởng, hay hợp âm thứ.
- Luyện trên bài hát mình thích.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất