Từ bé, mình đã rất thích tưởng tượng. Khi thấy một bộ quần áo đẹp trên kệ, mình sẽ tưởng tượng bản thân, chị gái, mẹ hoặc thằng em họ trong bộ quần áo đó sẽ như thế nào. Khi nhìn thấy một đám mây, mình sẽ nhìn đám mây đó chằm chằm cho đến khi mình gọi tên được hình thù của nó: một con mèo đang ngậm tẩu hoặc thi thoảng là một con thằn lằn đuôi cá. Mỗi lần đọc sách, mình luôn hình dung về khung cảnh mà tác giả miêu tả. Khi nhắm mắt và nghĩ về cảnh bọn nhóc trong Khu vườn mùa hạ đến thăm ông lão, mình thấy nắng và không khí thật giống những hôm cả lũ trẻ xóm mình đi xin xoài xanh. Đôi lúc, mình gập cuốn sách lại và những hình ảnh cứ thế hiện lên trong đầu: những nhân vật chính đang nướng khoai trong rừng, người mẹ nâng đứa con trên tay mà gào khóc, chiếc khăn màu đỏ ướt nhẹp tấp vào bờ sông,... Nhiều lắm! Những hình ảnh rất dễ đến với mình. Có thể vì thế mà mình thích toán hình và những bài thiền yêu cầu hình dung hơn cả. Duy chỉ có một thứ mà mình thật sự cảm thấy khó tưởng tượng, đó là: hình dung bản thân đang ở trong hình hài của người khác, đứng ở vị trí của họ mà cảm nhận, suy nghĩ!
Đọc thêm:
Mình không biết bạn như thế nào nhưng trong cuộc sống riêng, dù bé hay lớn, mình vẫn luôn nghe những câu đại để như:
- Con phải đặt mình vào vị trí của bố để thông cảm.
- Con phải là mẹ thì mới hiểu được mẹ đau đầu như thế nào!
- Em cứ thử là anh mà xem. Em không là anh, em không hiểu được đâu.
- Mày phải lead team như chị thì mày mới biết được!
Là mình bị khuyết thiếu khả năng đó hay những người quanh mình không thấy được sự khó khăn của việc đặt mình vào vị trí người khác nhỉ? Mỗi lần ai đó nói mình phải đứng từ góc nhìn của đối phương để hiểu vấn đề, mình thực sự rất bối rối. Nhiều lúc đứng ở vị trí của bản thân, còn chẳng gọi tên được cảm xúc, suy nghĩ của chính mình nữa là đặt mình vào vị trí của người khác.
Thế nên, việc hình dung, tưởng tượng để "đặt mình vào vị trí người khác" là bất khả thi (ít nhất là đối với mình). Dùng cách đó, ta đặt mình vào vị trí người khác & dùng đôi mắt của họ để nhìn vấn đề nhưng chưa chắc chúng ta đã nhìn được theo cách mà họ sẽ nhìn. Vì sao ư? Vì dù thế nào thì background trưởng thành của mỗi người đều khác nhau, bạn sẽ chẳng thể nào biết hết những trải nghiệm đã tạo nên lối nghĩ của họ, kể cả những người lớn lên cùng nhau, sống cùng nhau. Chưa kể, cùng là niềm vui hoặc nỗi đau nhưng do cấu trúc di truyền, do hiểu biết cá nhân, sự tổng hòa các mối quan hệ, mỗi người đã có một cách cảm nhận riêng biệt. Không một ai có cùng xuất thân, cùng cấu trúc sinh lý, cùng vòng tròn quan hệ và cùng trải nghiệm cả. Kể cả chúng ta trải nghiệm chung một sự kiện: Trúng số hoặc bị phản bội thì cũng rất khó để cảm nhận giống nhau. Cơn đau của tôi có thể là tổng hợp của rất nhiều hình ảnh, sự nóng lên ở ngực và tay còn cơn đau của bạn là cảm giác nghẹn ở cổ, ở đầu và ở bụng. Chúng có cùng tên gọi nhưng sự biểu lộ ở từng người, từng thời điểm, hoàn cảnh là khác biệt. Thế nên việc ai đó nói với mình rằng: "À vì tôi cũng đã từng như thế nên tôi rất hiểu cảm xúc của bạn." hầu như không có nhiều giá trị và không phải lúc nào chúng ta cũng có may mắn gặp được người trải nghiệm điều giống hệt mình. Một ông bố nói với đứa con rằng: "Ngày xưa bố làm ăn cũng đã từng thất bại như vậy nên bố rất hiểu cảm giác xấu hổ, mất phương hướng của con." sẽ vô tình đẩy đứa con đó ra xa hơn. Việc chia sẻ đó chỉ cho thấy rằng: Bố cũng đã từng xấu hổ, mất phương hướng chứ không khẳng định: Bố cũng như con hay bố nhìn thấy được điều đó ở con, trong khi người kia cần ta nhìn thấy rõ ngổn ngang trong lòng họ, ở thời điểm hiện tại chứ không phải xem họ như một lăng kính phóng chiếu trải nghiệm của ta trong quá khứ/ do ta tưởng tượng ra.
Một khách hàng của mình khi phải chia sẻ với gia đình rằng: Bạn ấy đang phải điều trị rối loạn lo âu, mẹ bạn ấy liền vội vã: Nhưng mọi thứ đều rất ổn, con lo âu vì điều gì? Có phải vì điều này, điều kia không? Điều bạn ấy cần là sự ghi nhận của gia đình về một sự thật rằng: Bạn ấy đang không ổn trước đã. Việc "đặt mình vào vị trí người khác" bằng cách tưởng tượng, người mẹ đã dùng kinh nghiệm và suy luận của mình để cho rằng: Phải có lý do gì đó cụ thể, rõ ràng dẫn đến căn bệnh này, trong khi nguyên nhân của rối loạn lo âu không nhất định đến từ một tình huống! Bài toán chúng ta thấy rất dễ giải có khi là thứ khiến người khác rất đau đầu mà. Không phải vì họ nhạy cảm hơn, họ ngu dốt kém cỏi hơn, họ sai, họ yếu đuối, mà vì đơn giản: họ khác ta.
Dù bạn là tuýp người như thế nào thì bản chất vẫn là con người và con người thì đều có nhu cầu "được hiểu, được lắng nghe". Vì vậy, mình đã tiếp cận một cách "đặt bản thân vào vị trí người khác" mà bản thân thấy hiệu quả hơn, đó là: Chấp nhận sự khác biệt về trải nghiệm và để họ tự nói ra... cho mình biết. Cuối cùng, thì việc "đặt mình vào vị trí người khác" cũng là để hiểu câu chuyện của họ, hiểu điều gì đang diễn ra, hiểu nguyên nhân của nó. Vậy nên, thay vì cố hình dung, tại sao không để họ - nhân vật chính được lên tiếng về câu chuyện của mình? Chúng ta không cướp sóng của họ bằng cách kể về trải nghiệm tương tự của ta hay giải toán thay họ. Chúng ta ở đó để sân khấu của họ có khán giả. Mỗi người đều có những câu chuyện cần được tự thân kể ra. Người mẹ có thể hỏi đứa con: Rối loạn lo âu thực sự là gì? Con thường không ổn nhất vào lúc nào? Lúc đó có chuyện gì xảy ra? Những biểu hiện là gì? Bác sĩ đã dặn dò gì với con? Mẹ có thể làm gì cho con được?. Người bố cũng có thể nói: Con muốn kể bố nghe chứ? Con đang cảm thấy như thế nào ngay lúc này?.
Một chiếc chân lý đi vào lòng đến từ chiếc camera chạy bằng cơm của Gongjin.
Một chiếc chân lý đi vào lòng đến từ chiếc camera chạy bằng cơm của Gongjin.
Đọc thêm:
Với những câu hỏi gợi mở đó, ta từng bước đi vào, đứng cùng lãnh địa của đối phương. Tuy có thể không có cùng cảm nhận, không cùng trải nghiệm nhưng ta vẫn hiểu được những chuyện đang diễn ra, thấy được cảm xúc và suy nghĩ của người kia mà không cần cố gắng cảm nhận bằng cơ thể và tâm trí của mình - điều mà ta rất khó để làm được. Hơn hết, cách này còn giúp chính đối phương tự giải phóng mình thay vì bối rối và bế tắc vì người kia không hiểu. Tất nhiên, chúng ta cũng có những lúc muốn người khác hiểu mà chẳng cần nói thành lời. Giận dỗi hay tỏ thái độ là một ví dụ điển hình của điều đó. Chúng ta giận khi chúng ta muốn được người khác nhìn thấy cảm xúc của mình mà không muốn lên tiếng. Nhưng suy cho cùng ẩn sâu dưới đó cũng là mong muốn được biết: Người kia chú tâm đến mình như thế nào? Thế nên, việc bình tĩnh, thiện chí đặt câu hỏi, tỏ rõ mong muốn: "Mình thật sự muốn hiểu và cảm nhận bạn" phần nào sẽ đáp ứng được nhu cầu sâu kín đó.
Trong một bài viết gần đây trên page, mình có chia sẻ về một ý tưởng mà mình vừa được tiếp nhận. Đại ý nói rằng: Chúng ta là những câu chuyện ta kể về mình. Nếu ta không tự kể câu chuyện của ta, câu chuyện sẽ tự kể nó thông qua ta, theo cách mà ta không ưa thích lắm.
Bài viết trên Deep Talk with Monet - Facebook Page của mình
Bài viết trên Deep Talk with Monet - Facebook Page của mình
Trải nghiệm khi đến với mỗi người sẽ rất khó để người kia cảm nhận chính xác. Sau kỳ thi THPT năm 2017, mình thấy từ "thấu cảm" và "đồng cảm" được phổ biến và giải thích rõ hơn. Khi mình đi học NVC - giao tiếp phi bạo lực, mình cũng được bạn điều phối minh họa khá rõ về 2 khái niệm này. Mình hiểu ta cần sự thấu cảm từ người khác chứ không đơn thuần là đồng cảm. Sự thấu cảm là khả năng nhìn thấy cảm xúc của đối phương, không phải là đồng nhất cảm xúc với đối phương. Khi đi học, mình được thực hành một bài tập Lắng nghe trái tim. Chúng mình không được nói chuyện với nhau, chỉ dùng các biểu cảm để kể một câu chuyện. Vì không có ngôn từ, chúng mình không thể dùng tâm trí để suy đoán, chỉ dùng cảm nhận để nhận biết cảm xúc của đối phương. Vậy mà, dù chẳng biết chính xác câu chuyện là gì, hầu hết chúng mình đều gọi tên đúng cảm xúc mà người đó biểu hiện. Đôi khi ta không cần dùng não để hiểu ai đó, ta chỉ cần trái tim. Khi người đó buồn, ta biết họ đang buồn, ta mong muốn cùng họ hiểu nỗi buồn đó, ta cho phép bản thân được hiểu họ theo cách của họ thông qua những câu hỏi, cảm nhận nhưng không suy đoán hay khẳng định dựa trên trải nghiệm của mình. Ta không thương hại họ, phán xét họ vì ta không phải là người đó để thực sự biết cái gì đúng, cái gì sai; cái gì là đáng buồn, cái gì là không. Mình thật sự không thích khi ai đó trên mạng comment vào một câu chuyện rằng: Sao ngu thế? Bỏ quách công việc đó đi! Bỏ người đó đi! Yêu dại quá, vân vân và mây mây. Khi suy đoán, bản thân mình và nhiều người mình biết thường hay có thói quen so sánh trải nghiệm. Ai đó nói với rằng: Họ khổ lắm, họ phải sống như thế này như thế kia. Chúng ta sẽ có xu hướng: Nhiêu đó thì nhằm nhò gì? Ngoài kia bao nhiêu người khổ hơn đấy thôi! hoặc Ồ, cậu khổ hơn rất nhiều người đấy! Nhiều bạn tâm sự với mình cũng có xu hướng: Em buồn lắm dù em biết nỗi buồn của em không là gì với những gì chị trải qua. Mình liền vội vã: Không, nỗi buồn là nỗi buồn. Chúng ta không so sánh "anh khổ hơn tôi" hay "tôi khổ hơn anh" để làm gì cả. Với hiểu biết và trải nghiệm cá nhân, mình nhận ra việc so sánh các trải nghiệm cũng là một chiến lược tâm trí để ta đáp ứng nhu cầu được lắng nghe của mình. Ta so sánh ai vui hơn, ai khổ hơn, ai sướng hơn để thông qua đó kể một câu chuyện về ta. Ừ, tôi không khổ bằng nhưng tôi thế này... Ừ, tôi không sướng bằng, nhưng chuyện của tôi là thế này. Nhiều lúc trong vô thức, mình còn nhận ra, mình có một niềm tin: Khổ hơn thì đáng được cảm thông hơn, đáng được yêu hơn, đáng được tha thứ hơn. Và có thể việc so sánh cuối cùng cũng là cách để ta đi tìm tình yêu từ người khác hoặc từ chính mình. Trải nghiệm đơn thuần là trải nghiệm. Sướng khổ, buồn vui cũng chỉ là những trải nghiệm, mình không nghĩ chúng ta cần so sánh chúng mà cái chúng ta cần là nhìn thấy chúng, gọi tên chúng và tự thân kể chúng. Dù bạn yêu thương ai đó đến nhường nào thì giây phút bạn "cướp sóng" khi người đó đang muốn kể câu chuyện của họ cũng là giây phút bạn đẩy họ ra xa, thay vì kéo họ lại với mình. Chúng ta không nhất thiết phải nén câu chuyện của mình nhưng mỗi sân khấu chỉ có một nghệ sĩ, chúng ta có thể chờ show diễn của đối phương dừng lại rồi bắt đầu buổi diễn của mình. Và quy tắc chung là show diễn của ai, người đó sẽ tỏa sáng, người còn lại hãy trọn vẹn với vai trò khán giả: lắng nghe với sự chú tâm và tò mò một cách thuần khiết. Với mình, đó mới là cách để chúng ta đặt mình vào vị trí của nhau một cách lành mạnh và hiệu quả nhất.
Đọc thêm: