Các phần trước: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4
Series bài viết này là câu tự chuyện về cuộc đời của tác giả, kể về những gì tác giả đã trải qua, chiêm nghiệm lại, rút ra bài học cho chính mình. Trong quá trình viết bài khó tránh khỏi việc có những góc nhìn hạn chế về 1 người, 1 tổ chức, hay một công việc (dù đã hạn chế việc nói cụ thể vào đối tượng). Mong nhận được sự thông cảm! Hiện các bài viết được chia thành nhiều phần nhỏ để thuận tiện trong việc viết của tác giả (mình sẽ cố gắng viết nhiều hơn trong 1 phần để tránh bị loãng bài). Việc tổng hợp các bài viết thành 1 bài duy nhất sẽ được cân nhắc sau khi hoàn thiện Series này. Cảm ơn các bạn đã theo dõi. Have fun!

Bài học thứ 8: Học gì, học như thế nào?


Sau thời gian học với Thầy, tôi dành nhiều thời gian để luyện tập những gì đã học. Những công việc không quá khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ, ví như việc phải lặp đi lặp lại 1 thao tác 10 nghìn lần mà không được có sai sót gì. Có những khi tôi mất cả mấy ngày cho những việc như vậy, khá là mỏi mắt, mỏi lưng, mỏi tay. Khi ấy tôi tự hỏi: tại sao mình lại làm được như vậy? tại sao mình đủ kiên nhẫn làm việc này, trong khi còn bao mối lo khác trên vai? Quả thực khi tập trung vào việc đó, dù cho nó nhàm chán, thì nó cũng giúp tôi tạm quên đi được những mối lo kia.
Sau này tôi nhận ra rằng mình có thể dùng cách khác nhanh hơn, hiệu quả hơn mà vẫn đạt được hiệu quả tương đương với việc lặp đi lặp lại thao tác kia. Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Tôi đã học được sự tập trung, sự kiên nhẫn, kiên trì trong một thứ mà tôi xác định là mình muốn làm. Nếu chỉ chăm chăm tìm giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất thì sẽ không bao giờ làm được việc gì đâu. Phải tận dụng những gì mình đang có ở hiện tại để mà giải quyết thôi. Dốt thì làm thủ công cũng được, bởi cuối cùng người ta cũng chỉ nhìn vào kết quả, đâu ai biết mình đã làm những gì. Muốn đỡ vất vả thì phải chịu khó tự mà học thêm, đọc thêm, tìm tòi những cái mới. Hóa ra giá trị của việc học là ở đó.
Rõ ràng tôi đã không nhận ra một điều quan trọng, đó là Thầy tóc đã bạc. Thế hệ của Thầy đã qua rồi, cách làm của Thầy đã cũ rồi. Còn tôi thì cứ chăm chăm học theo cách của Thầy. Nó đúng nhưng không còn hợp với thời đại nữa. Cũng đâu thể yêu cầu những người như Thầy phải cập nhật kiến thức mới được. Đó là nhiệm vụ của tôi, của thế hệ đi sau. Cái tôi học được ở thầy không phải là sử dụng Excel như thế nào, mà là phải trả lời câu hỏi: học gì, học như thế nào. Bảo sao học có 10 buổi thầy đã cho tôi nghỉ. Tôi phải tự tìm câu trả lời cho riêng mình thôi.
Sau khi làm được một số bài, tôi tìm kiếm một số nhóm về kế toán trên facebook để "khoe". Điều bất ngờ là người ta rất hào hứng đón nhận sản phẩm của tôi. Dù sản phẩm thật thô sơ và chưa có kinh nghiệm thực tế, người ta vẫn chia sẻ cho nhau ầm ầm. Cũng có vài người hỏi tôi những vấn đề sâu hơn. Tôi vờ như mình giỏi lắm, nhưng âm thầm đem những câu hỏi ấy đi hỏi những người khác. Khi có câu trả lời, tôi cố gắng nói lại theo cách của tôi. Nói là "ăn cắp chất xám" có đúng không nhỉ? Tôi chẳng quan tâm. Đâu ai bắt phạt đâu mà sợ. Dẫu sao tôi làm việc này một cách tự nguyện và hoàn toàn miễn phí cơ mà.
Nhờ việc này mà tôi học thêm được khối thứ, những thứ mà mình chưa bao giờ được động vào. Tôi dần dần nhận ra những yêu cầu của công việc kế toán, của thủ kho. Những việc mà bình thường người ta gặp khó thì tôi sẽ nhận để giải quyết. Đối với tôi nó như một mỏ vàng mà mình cứ muốn đào mãi. Tôi vui vì những lời cảm ơn, vui vì những thứ mình học thêm được, vui vì mình có thêm cái gọi là "kinh nghiệm" để tôi có thể thỏa sức chém gió sau này khi đi xin việc.
Sau này khi đọc được câu: "Cách học tốt nhất chính là dạy cho người khác cái mà bạn đang học" tôi luôn gật gù tâm đắc và cho nó quá đúng.
Khổ một nỗi, không ai trả công cho việc này. Người yêu và bố mẹ tôi cứ nhìn tôi mà ngán ngẩm: mày (anh) định như thế đến bao giờ?
Tôi im lặng không biết phải trả lời sao nữa.
(to be continued)
---
Hết phần 5
14/12/2020
Xem tiếp Phần 6