Series bài viết này là câu tự chuyện về cuộc đời của tác giả, kể về những gì tác giả đã trải qua, chiêm nghiệm lại, rút ra bài học cho chính mình. Trong quá trình viết bài khó tránh khỏi việc có những góc nhìn hạn chế về 1 người, 1 tổ chức, hay một công việc (dù đã hạn chế việc nói cụ thể vào đối tượng). Mong nhận được sự thông cảm! Hiện các bài viết được chia thành nhiều phần nhỏ để thuận tiện trong việc viết của tác giả (mình sẽ cố gắng viết nhiều hơn trong 1 phần để tránh bị loãng bài). Việc tổng hợp các bài viết thành 1 bài duy nhất sẽ được cân nhắc sau khi hoàn thiện Series này. Cảm ơn các bạn đã theo dõi. Have fun!
Bước vào trường đời năm 22-23 tuổi, với tôi lúc ấy mọi thứ thật mơ hồ. Tôi tốt nghiệp ở 1 trường không mấy danh tiếng (ULSA - nếu bạn biết - khóa C10), học 1 khoa không ưu ái con trai (Kế toán), bằng tốt nghiệp của tôi cũng chẳng đẹp: Khá. Vậy nên hiển nhiên là tôi nhận được bài học đầu tiên:

Bài học thứ 1: Bằng cấp để làm gì?

Xã hội không coi trọng bằng cấp, điều đó đúng hay không thì chưa biết. Nhưng bằng mà không tốt thì sẽ gặp khó khăn nhiều lắm.
 Lúc đầu tôi hồ hởi đưa bằng của mình vào hồ sơ xin việc, nhưng nhanh chóng nhận ra trên tập CV trong tay nhà tuyển dụng có nhiều bằng KTQD, HVTC, Ngoại thương... và người ta còn đạt loại Giỏi. Vậy tôi làm gì có "cửa". Đã thế người ta còn hỏi "Em có kinh nghiệm không?" - Không à, thế thì không được rồi.
Đó là chuyện hơn 10 năm trước. Sau 10 năm nhìn lại thị trường tuyển dụng thì thấy vẫn vậy. Hay có thể tôi không cập nhật thông tin nên chưa biết có gì thay đổi không.
Mất mấy tháng mà không tìm được công việc nào. Tôi không chê trách gì ngôi trường tôi học. Tôi đã có quãng thời gian tuyệt vời ở đó: tập trung học tập, làm lớp trưởng, được bạn bè quý mến, thầy cô cũng quý mến tôi. Ở đó tôi tìm lại được chính mình sau 2 lần thi trượt đại học. Nên cái gì cũng có giá của nó, phải chấp nhận mà đi tiếp. Nếu có trách chỉ trách bản thân. Những cái gì đã là quá khứ thì không thay đổi được đâu, chỉ có đi tiếp như thế nào thôi.
Tôi lúc đó chỉ nghĩ là: muốn kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Bởi vậy nên việc gì cũng được, miễn là chân chính và kiếm ra tiền. Bố tôi chỉ cho tôi 1 chỗ: Làm rửa xe máy. Tôi vui vẻ nhận lời.

Đọc thêm:

Bài học 2: Giá trị sức lao động

Nếu mà nghĩ 12 năm học, rồi học cả cao đẳng (lúc ấy tôi mới học xong cao đẳng) mà để đi rửa xe máy thì thật là "kém". Phí tiền ăn, tiền học để làm gì, khi mà công việc này không đòi hỏi phải có học. Học xong lớp 4 cũng đi làm việc này được, miễn là có sức khỏe và đủ tuổi lao động. Tôi chẳng để tâm lắm tới điều này. Bởi vì khi ấy tôi nghĩ rất đơn giản.
Làm việc đó kể ra cũng vui. Quen những người bạn mới, họ đúng là không được học hành đầy đủ, không có điều kiện như tôi, nhưng họ rất nhiệt tình và thân thiện. Họ giúp đỡ tôi nhiều. Một "công tử bột" như tôi làm sao làm việc này tốt được. Vậy nên được họ giúp đỡ quả là may mắn với tôi.
Tháng đầu tiên được trả công. Cầm những đồng lương đầu tiên mình làm được, tôi không nghĩ đến số lượng. Tôi chỉ nghĩ là "vậy là mình đã kiếm được tiền". Những ngày tháng đổ mồ hôi, bùn đất đầy người, nước xà phòng ăn mòn da tay, những mệt mỏi sau cả mấy tiếng lao động... cuối cùng cũng được đền đáp.
Chỉ đến tháng thứ 2 tôi mới để ý đến "bao nhiêu". Tôi nhẩm tính để biết một tháng mình lao động bao nhiêu tiếng, được trả công bao nhiêu. Vậy là 1 giờ được trả lương ngần ấy cho việc rửa xe. Tôi đã hiểu. Hẳn là việc khác thì lương khác, công sức bỏ ra cũng khác.
Lao động chân tay trả lương bèo lắm. Bởi vì ai cũng làm được. Chẳng cần được đào tạo bài bản, chẳng cần bỏ tiền bỏ thời gian ăn học nhiều, cứ có sức là làm được. Vậy thì 12 năm học, 3 năm cao đẳng nó phải khác.
Sau khoảng 4 tháng tôi nghỉ làm. Vì tôi tìm được 1 công việc đúng ngành nghề. Tuy lương không cao vượt trội so với việc rửa xe máy, nhưng chắc chắn cách thức làm việc sẽ khác, phù hợp hơn với 1 đứa như tôi.
Những ngày tháng rửa xe khiến tôi nhận ra: Mình không hợp với nghề này, và mình không bao giờ muốn làm nghề này 1 lần nữa.

Đọc thêm:

Bài học 3: Chốn công sở

Những tưởng đi làm chốn công sở, công việc bàn giấy sẽ an nhàn và dễ kiếm tiền hơn, nhưng làm rồi mới biết: NHẦM, NHẦM TO!
Việc gì mà tạo ra giá trị trực tiếp thì luôn có người đảm nhiệm rồi, cũng không đến lượt 1 thằng lính mới như tôi sờ vào.
Những người ấy sao mà giỏi: Giỏi giao tiếp, giỏi nịnh, giỏi xã giao, giỏi nói dối, giỏi chuyên môn, giỏi tính toán, giỏi thủ đoạn... cái quái gì cũng giỏi. Tôi như lạc vào 1 cái mê cung với đầy rẫy những năng lực, thủ đoạn, gian dối... cứ cuốn vào nhau, khiến tôi chẳng biết đường nào mà lần. Họ làm tốt như vậy rồi cần gì đến mình nữa - tôi tự hỏi.
Công việc hàng ngày của tôi là: đến công ty thì chào hỏi người ta, rồi đi rửa chén, pha trà, quét nhà, tưới cây, ai sai ra ngân hàng thì đi, ai bảo tìm giúp đồ thì tìm, ai nhắn làm cái gì thì làm. Trong các cuộc họp thì chẳng ai nói gì ngoài sếp lớn, tôi cũng ngậm miệng an phận, bởi biết gì mà nói.
Mỗi ngày đi làm tôi cảm thấy: Mình đang làm cái quái gì vậy? Còn tệ hơn cả rửa xe nữa. Nhận lương (đôi khi chậm) mà chẳng thấy vui. Chỉ thoáng vui vì có tiền tiêu thôi, còn lại là buồn. Buồn vì lương này nó không phản ánh đúng giá trị sức lao động. Tôi mà là người trả lương thì tôi sẽ không trả cho 1 thằng làm những việc như vậy.
Tệ hơn nữa là tôi không biết lối thoát ở đâu. Bởi "đúng ngành nghề được đào tạo rồi nhé", "làm văn phòng chẳng sướng hơn lao động tay chân à?". Tôi sẽ đối mặt ra sao với những ánh nhìn từ bố mẹ, người yêu, bạn bè bây giờ?
Một lần nữa tôi nhận ra: Mình không hợp với việc này.
Giá như có ai, giá như có cách gì thoát ra, chắc chắn tôi sẽ nắm lấy. Nhưng chỉ biết chờ đợi và hy vọng thôi. Bởi bản thân tôi đã lạc lối và bất lực rồi.
(to be continued)
--- 
Hết phần 1.
10/12/2020
Xem tiếp Phần 2