Các phần trước: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5
Series bài viết này là câu tự chuyện về cuộc đời của tác giả, kể về những gì tác giả đã trải qua, chiêm nghiệm lại, rút ra bài học cho chính mình. Trong quá trình viết bài khó tránh khỏi việc có những góc nhìn hạn chế về 1 người, 1 tổ chức, hay một công việc (dù đã hạn chế việc nói cụ thể vào đối tượng). Mong nhận được sự thông cảm! Hiện các bài viết được chia thành nhiều phần nhỏ để thuận tiện trong việc viết của tác giả (mình sẽ cố gắng viết nhiều hơn trong 1 phần để tránh bị loãng bài). Việc tổng hợp các bài viết thành 1 bài duy nhất sẽ được cân nhắc sau khi hoàn thiện Series này. Cảm ơn các bạn đã theo dõi. Have fun!

Bài học thứ 9: Hội thảo đa cấp


Không thể ở nhà làm miễn phí mãi được, một thời gian sau thì tôi cũng phải xách mông đi mà xin việc. Điều khác biệt ở chỗ bây giờ tôi chủ động tự tìm thay vì nhờ bố mẹ giúp đỡ. Ít nhất bây giờ tôi cũng biết mình thật sự cần việc gì, có thể làm gì, mức lương ra sao. Trước khi tìm việc tôi cũng đã nhẩm tính mức lương cho mình rồi. Bởi lúc này tôi thật sự cần có 1 mức lương đủ nuôi sống bản thân.
Tôi nộp CV đi nhiều nơi, cứ như đi "phát tờ rơi" vậy. Tôi có đọc mấy bài viết trên mạng nói rằng có nhiều công việc "lừa đảo" lắm, nếu không cẩn thận thì tiền mất tật mang. Bởi vậy nên tôi cũng rất thận trọng khi được người ta gọi điện. Hồi ấy cũng đã xuất hiện đa cấp rồi. Có lần tôi cùng bạn đi tham dự 1 buổi hội thảo. Tôi đi vì muốn tận mắt chứng kiến xem họ có lừa thật không, và nếu lừa thì lừa như thế nào. Chúng tôi đi theo 1 nhóm chứ không đi 1 mình. Tới nơi thì thấy đông nghẹt người. Bên trong là 1 phòng họp cỡ lớn, lớn hơn cả hội trường phòng họp của trường đại học, ấy vậy mà chật kín người, thậm chí phía dưới nhiều người còn phải đứng.
Sân khấu khá hoành tráng, có MC nói chuyện thật năng nổ. Không khí trở nên hào hứng. Họ giới thiệu bán thực phẩm chức năng, thuốc gì đó. Rồi nhanh chóng giới thiệu những tấm gương "thành công". Những người bảnh bao trong bộ vest, giày đen bóng lộn, thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng. Tôi như không tin vào mắt mình. Với 1 thằng "tháng không kiếm nổi một triệu" như tôi mà nói, đó là điều quá sức tưởng tượng. Những tràng pháo tay chúc mừng vang lên không ngớt. Gần như không khí không lúc nào chùng xuống để cho người ta kịp định thần suy nghĩ.
Nhưng những ngày tháng cắp đít theo học khôn với ông anh đã níu giữ tôi lại. Có điều gì đó không ổn ở đây. Nhớ lại bài học "trả tiền cà phê" mà tôi giật mình. Người ta dễ mất tiền nhất khi họ đang hưng phấn. Chiêu này tôi đã thọ giáo ông anh nhiều rồi. Xét về khả năng làm người khác hưng phấn, bị cuốn theo câu chuyện thì những kẻ ở đây thua xa ông anh tôi. Tôi bất giác đưa tay vào túi quần, giữ chặt cái ví mỏng dính trong tay. Tôi thầm nghĩ: nếu những gì ông anh dạy là đúng thì kiểu gì cuối buổi họ cũng sẽ kêu mình bỏ tiền ra. Tôi không để ý đến không khí xung quanh nữa, mà chỉ muốn kiểm tra xem nhận định này có đúng không. Tôi muốn kiểm chứng những gì ông anh đã dạy mình.
Quả thật điều đó đã tới. Một đứa bạn trong nhóm tôi hào hứng đăng ký ngay. Khoảng gần 300 ngàn. Rồi người ta hối thúc tôi tham gia cùng. Tôi viện cớ quên mang tiền, kéo đứa bạn ra ngoài, đi thẳng một mạch về nhà mà không quay đầu lại.
Mấy ngày sau bạn tôi lại hỏi chuyện đăng ký tham gia, bởi người bạn kia (bạn của bạn tôi) rất say mê và hào hứng, luôn rủ rê chúng tôi tham gia để làm F2 của bạn đó. Tôi một mực chối từ.
Quả thật tìm được việc làm tử tế không hề dễ. Cạm bẫy luôn ở xung quanh và tấn công vào những lúc ta không đề phòng nhất, lúc ta yếu thế nhất. Những thứ khơi dậy lòng tham trong lòng người ta thì đều là cạm bẫy. Những thứ khiến ta hưng phấn thì cũng sẽ là thứ muốn lấy tiền trong túi ta. Tôi đã thấm thía bài học này và luôn mang nó bên mình, để từ đó trèo lên từ đáy của đời mình.
(to be continued)
---
Hết phần 6
14/12/2020
Xem tiếp Phần 7