Các phần trước: Phần 1
Series bài viết này là câu tự chuyện về cuộc đời của tác giả, kể về những gì tác giả đã trải qua, chiêm nghiệm lại, rút ra bài học cho chính mình. Trong quá trình viết bài khó tránh khỏi việc có những góc nhìn hạn chế về 1 người, 1 tổ chức, hay một công việc (dù đã hạn chế việc nói cụ thể vào đối tượng). Mong nhận được sự thông cảm! Hiện các bài viết được chia thành nhiều phần nhỏ để thuận tiện trong việc viết của tác giả (mình sẽ cố gắng viết nhiều hơn trong 1 phần để tránh bị loãng bài). Việc tổng hợp các bài viết thành 1 bài duy nhất sẽ được cân nhắc sau khi hoàn thiện Series này. Cảm ơn các bạn đã theo dõi. Have fun!

Bài học thứ 4: Tra tấn bằng cafe


Sau một thời gian làm văn phòng, có 1 người xuất hiện và họ kéo tôi ra khỏi môi trường đó. Với tôi mà nói đó là 1 lối thoát. Nhưng ở 1 góc nhìn khác, người ta bảo rằng đó là cách khéo léo để cho tôi nghỉ việc mà không mất uy tín. Sao cũng được! Điều tôi cần lúc này là một hướng đi mới, không phải đắm mình trong vũng lầy đó nữa.
Khi ấy tôi coi việc rời công ty, đi theo người ta là để "học khôn". Bởi tôi tự nhận thấy mình ngu dốt, kém cỏi, bất tài. Tôi chẳng có năng lực gì đặc biệt. Học hành cũng chẳng hơn ai. Va chạm trường đời khiến tôi nhận ra mình không thích nghi nổi với môi trường khắc nghiệt.
Người kia, tạm gọi là 1 ông anh, bảo tôi: mày suy nghĩ chậm lắm. Quả thật khi 1 vấn đề xảy ra, tôi chưa kịp hiểu có chuyện gì thì ông anh đã nghĩ được trăm ngàn hướng. Người ta còn chưa kịp nói ông ấy đã đoán ra, đã nghĩ thông và nói thay cho họ luôn. Mồm miệng ông ấy thì hót hay hơn cả đa cấp. Tôi phục lắm, thầm nghĩ đây đúng là người thầy phù hợp với mình.
Ông anh hay hẹn tôi ngồi cafe nói chuyện. Những buổi cafe dài miên man, lúc đầu là 1-2 tiếng, sau dần 4-6 tiếng. Chủ yếu tôi ngồi nghe ông anh nói. Tôi được khai sáng nhiều điều. Cuối những buổi nói chuyện ấy, tôi sẵn sàng trả tiền cafe, bởi cái giá cho những bài học chỉ là 1 ly cafe, quá rẻ!
Nhưng không phải buổi cafe nào cũng vui vẻ và có bài học hay. Có những buổi ông anh chất vấn tôi. Giống như hỏi cung, như đi phỏng vấn, như đứng trước quan toà. Ổng bắt tôi suy nghĩ về tương lai, về bản thân, về những gì tôi làm, những điều tôi nói. Ổng quay tôi như quay dế. Tôi im lặng ko dám trả lời, ổng lại đá sang chuyện khác. Khi tôi vui vẻ thoải mái hơn ổng lại đá xoáy tôi. Một trò chơi kéo co về thần kinh diễn ra suốt 4-5 tiếng đồng hồ. Thận và bàng quang tôi như muốn nổ tung vì buồn đái, mồ hôi túa ra, tim đập nhanh, đầu óc quay cuồng... hơn cả là nỗi sợ. Tôi lo sợ về tương lai u ám của mình. Tôi chẳng biết mình nên đi đâu, làm gì. Tôi muốn nói một cái gì đó, nhưng cổ họng cứ nghẹn đắng...
Tiền cafe tôi vẫn trả, dù tôi không còn nhận lương và không có nguồn thu nhập nào khác.
24 tuổi, tôi lạc lõng giữa dòng đời, móc từng xu cuối cùng cho những ly cafe. Giờ nó không còn rẻ nữa.

Bài học thứ 5: Còn muốn trả tiền cafe nữa không?

Tôi vẫn nhớ hôm ấy, ông anh ngồi thuyết giáo cho tôi 1 bài dài về chuyện: đừng mất tiền ngu.
Như thường lệ, tôi vẫn thấy hay. Gần như chưa bao giờ tôi thấy ông anh hết chuyện để nói. Những câu chuyện mới lạ, hấp dẫn và thú vị. Những bài học về cách ứng xử trong cuộc sống luôn có sức hút với tôi. Cuối buổi ông anh nhìn tôi dò xét: mày còn bao tiền trong túi.
Tôi bảo: em vẫn còn tiền. 
Tôi móc ví trả tiền cafe. 
Ông anh hỏi: thế muốn ngồi cafe nữa không?
Lúc ấy tôi nghĩ: ông anh muốn ngồi nữa à? Tôi thì mỏi lắm rồi. Cũng biết gì để nói đâu, toàn ngồi nghe đấy thôi. Nhưng tôi vẫn gật đầu: anh muốn uống ở đâu?
Ông anh nhìn sâu vào mắt tôi: Mày vẫn muốn uống nữa à?
Tôi mới phải là người hỏi câu này mới đúng chứ nhỉ? Tôi ngập ngừng: Anh muốn  uống thì em ok thôi.
Kiểu trả lời lấp lửng, trốn tránh, đẩy trách nhiệm cho người khác dường như đã quá quen với tôi rồi.
Thế thì đi tiếp! Ông anh vừa nói vừa dắt xe ra khỏi quán.
Đi một lúc, ông anh hỏi: Thế những gì tao nói mày có hiểu không?
Tôi trả lời như phản xạ: Hiểu chứ ạ.
Phét! mày chả hiểu cái gì.
Tôi im lặng ko biết mình mắc lỗi gì?
Nếu không thích uống cafe nữa thì mày phải nói.
Dạ...
Tiền trong túi mày, muốn tiêu gì là quyền của mày.
Dạ...
Nếu không cần thiết thì đừng có mất tiền ngu. Mày suýt mất 1 cốc cafe nữa vì ngu đấy.
Giờ tôi mới giật mình. Đúng là tôi không muốn uống cafe nữa, vậy mà tôi vẫn gật đầu đi uống tiếp. Bởi vì cả nể, bởi vì quý mến, hay bởi vì sợ không dám từ chối người ta. Đúng là mất tiền ngu.
Em hiểu rồi.
Thế đi về được chưa?
Tiền trong túi mình là tiền của mình. Tiền ra khỏi túi thì không còn là của mình nữa, kể cả cho người ta vay. Nếu không kiểm soát được tiền trong túi mình thì chẳng bao giờ khôn lên được đâu.
Có lẽ đây là bài học đắt giá nhất tôi học được sau khi gia nhập trường đời.
(to be continued)
---
Hết phần 2.
11/12/2020
Xem tiếp: Phần 3