Món quà quý nhất với người làm đào tạo là lời cảm ơn
Là một người theo đuổi con đường giáo dục - đào tạo, mình luôn trăn trở với câu nói: "Làm giáo viên thì không giàu". Vốn không xuất...
Là một người theo đuổi con đường giáo dục - đào tạo, mình luôn trăn trở với câu nói: "Làm giáo viên thì không giàu". Vốn không xuất thân từ trường sư phạm, nhưng mình bị ảnh hưởng nhiều từ mẹ - một giáo viên dạy môn địa lý tại một trường cấp 2. Những lúc cùng mẹ soạn giáo án điện tử (bởi bà chẳng theo kịp về công nghệ), mình lại có dịp hiểu thêm về cách mà một giáo viên chuẩn bị cho một tiết học. Nó công phu lắm: Từ nội dung bài học phải bám sát chương trình, cho đến việc hình dung ra các hoạt động trên lớp diễn ra thế nào, rồi phải căn chỉnh thời gian cho từng nhịp giảng để tránh bị "cháy giáo án". Áp lực trên mỗi giờ học cũng nhiều, từ đủ phía: Ban giám hiệu, thanh tra cho tới học sinh, thậm chí cả từ phụ huynh học sinh nữa. Mà thứ áp lực lớn nhất mình nhận thấy chính là việc học sinh không coi trọng môn phụ - chúng nó chẳng chịu học, chẳng chịu ngồi yên cho bà dạy. Mấy năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, bà suốt ngày than thở với chồng con về cái sự "chán nghề, chỉ mong nghỉ hưu sớm". Nó khác hẳn với lúc xưa mới ra trường sư phạm, bà tâm huyết bao nhiêu, hào hứng bao nhiêu. Điều đó khiến tôi cũng không hào hứng với nghề này. Ấy thế mà chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào tôi lại bước chân theo con đường này.
Nói về sự giàu nghèo của một nhà giáo, tôi nhìn vào mẹ, vào gia cảnh nhà mình và dám khẳng định rằng chưa bao giờ giàu có về vật chất. Đồng lương giáo viên biên chế được bao nhiêu? có lẽ tôi không tiện nói ra, chỉ biết là mẹ tôi phải làm thêm nhiều nghề phụ mới mong có đủ thu nhập cho gia đình. Bởi môn phụ thì không có dạy thêm. Hiếm lắm tôi mới thấy có một nhóm học sinh tới tận nhà nhờ mẹ tôi phụ đạo thêm vài buổi - chắc 20 năm mới có 1-2 nhóm như thế. Bà có nghề tay trái là may quần áo. Hồi trước mẹ nhận thêm việc của một bên chuyên may đồng phục. Thế là ngoài giờ dạy học là bà lại tất bật ngồi bên chiếc máy khâu. Chúng tôi cũng phụ mẹ những việc như cắt chỉ, xếp vải, gấp quần áo để đóng gói... Có khi đến đêm khuya vẫn chưa xong việc. Rồi khi hết việc may quần áo, bà lại đăng ký bán hàng căng tin (canteen) ở trường. Tôi vẫn nhớ những buổi tối tận 11-12h bà mới đi chợ mua đồ bán canteen về, rồi sáng sớm hôm sau đã dậy từ 4 rưỡi 5 giờ để gọt hoa quả. Tiếp đến là một ngày tất bật vừa dạy học, vừa tranh thủ bán canteen. Giờ ra chơi là đông nhất, bán không xuể, tôi thường phải chạy ra bán giúp mẹ. Vất vả là thế nhưng bà vẫn làm, làm một cách quyết liệt, bởi thu nhập từ việc bán hàng canteen không hề nhỏ. Thế mới biết giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các môn học chính họ muốn giữ việc dạy thêm như thế nào.
Đến thời của tôi, dẫu không phải là một giáo viên chính quy mà chỉ là một người đi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực "ứng dụng tin học văn phòng vào trong công việc", nhưng tôi vẫn được nếm trải cái cảm giác được người khác gọi là "thầy". Tôi cũng phải soạn giáo án, thậm chí hàng tháng trời chỉ để dạy trong 1-2 ngày. Mỗi giờ học của tôi cũng áp lực đủ thứ. Tiêu biểu nhất là luôn luôn có người của đơn vị thuê đào tạo ngồi lẫn với học sinh để "giám sát thầy". Họ ngồi đó nhưng không học, mà đánh giá xem tôi dạy thế nào, có đúng chương trình không, không khí buổi học thế nào, các hoạt động lý thuyết và thực hành diễn ra làm sao, rồi tư thế, thái độ của tôi khi truyền đạt nữa. Họ có cả một danh sách dài những tiêu chí đánh giá. Nếu không đạt, họ sẽ phản hồi ngay lập tức, và gần như không có "cửa" để dạy tiếp. Tôi hay đùa với mẹ rằng, mỗi giờ dạy của con phải tương đương với thi giáo viên dạy giỏi cấp quận của mẹ ấy chứ. Mà cả năm mẹ mới dạy 1 buổi, còn tôi thì hầu như tháng nào cũng có vài buổi. Quen rồi thì thấy nó cũng bình thường, chứ lần đầu tiên đi dạy, tôi mất ăn mất ngủ bởi cái áp lực ấy. Dạy xong cảm giác như cạn kiệt sức lực, chỉ nằm xuống là ngất luôn ấy.
Dạy thuê - dạy vì được thuê - có lẽ đó là từ miêu tả chính xác việc tôi làm. Nói về thu nhập thì cũng khá lắm. 4-5 triệu cho 1 ngày dạy (full ngày 8 giờ). Quy ra giờ thì 500-600k/giờ, cũng gọi là khá. Dạy 2-3 ngày là bằng cả tháng lương của người khác rồi. Cũng hấp dẫn đấy. Nhưng ngó qua ngó lại, tôi thấy ít người đáp ứng được các tiêu chuẩn mà đơn vị thuê đào tạo đặt ra. Việc qua được vòng gửi xe nó là cái gì đó khó khăn lắm. Qua được vòng xét tuyển rồi, lại phải đối diện với cái áp lực vô hình cực kỳ lớn ở trên kia, mấy ai vững tâm trụ được. 8 tiếng liên tục, trong 3-4 ngày liền, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về thể chất lẫn tâm lý, cộng thêm với kinh nghiệm thì rất khó trụ vững. Bởi thế, cái giá này chưa phải là cao. Tôi biết có những người chỉ cần lên lớp, nói 1-2 tiếng, họ thu về hàng trăm triệu. Nhưng họ ở đẳng cấp khác. Họ đích thực là người giàu nhờ giáo dục, còn người như tôi thì không.
Mới vào lĩnh vực này, tôi cũng ham hố chuyện kiếm được nhiều tiền. Vừa có danh, vừa có tiền, lại là tiền sạch thì ai chẳng thích. Vào sâu trong nghề rồi tôi mới nhận ra: số tiền người ta trả cho 1 giờ dạy sẽ tương đương với áp lực, với đẳng cấp, với thương hiệu, với lượng kiến thức... có những thứ mà "đũa mốc không thể chòi mâm son". Nếu không biết bằng lòng với những gì đang có, chấp nhận rằng năng lực mình còn hạn chế, mà cứ "ham" muốn như người ta thì rất dễ lao xuống "hố". Giỏi thì đứng lên đó mà dạy, xem có mở được mồm hay không? Giỏi thì đối diện với ánh mắt của những người bên dưới xem, họ còn giỏi hơn mình gấp mấy lần ấy chứ, đừng tưởng cứ ngồi dưới là kém hơn người đứng trên. Họ hỏi xoáy cho vài câu có trả lời được không? Họ dám bỏ ngần ấy tiền để được nghe người khác nói, liệu họ có "dốt" không? Họ bỏ 1 đồng, họ muốn thu lại hàng nghìn đồng. Cái mà mình dạy họ, chính là chìa khóa để họ thu lại. Nếu không tương xứng với kỳ vọng, họ sẽ thẳng thắn nhận xét: "không đạt", và nguy cơ bồi thường hợp đồng là rất cao. Lúc ấy có dám bỏ tiền túi ra mà đền không?
Vậy nên thực ra, nói chuyện "giàu nghèo" trong giáo dục - đào tạo là một thứ gì đó rất dở hơi. Đã chọn nghề thì cố mà sống với nghề thôi, bởi sang nghề khác chắc gì thu nhập đã tốt hơn. Năng lực mình hợp với nghề này chứ đâu phải nghề khác. Mà nếu nói chuyện "bán chữ" thì nó lại mất đi cái ý nghĩa thiêng liêng của giáo dục. Sản phẩm của giáo dục, đào tạo là gì? Mình nghĩ đó là "động lực để người ta thích học, muốn học tiếp". Cái khó nhất là dẫn người ta đi từ 0 đến 1, tức là từ "chưa biết" đến "biết", còn biết rồi thì người ta có thể tự học tiếp được để hiểu, để ứng dụng, để thành thạo. Khi chưa biết, mọi thứ đều mơ hồ, khó khăn. Nó khiến người ta hoang mang và dễ mất động lực, dễ nản chí. Khi đó có người dẫn đường, giúp ta vượt qua giai đoạn đầu tiên ấy thì những bước đi tiếp theo sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Học tập thực ra cốt ở tự học. Có tự học thì mới học được nhiều, mới đào được sâu, chứ ai mà dạy mãi được, ai mà học hộ mình được. Nếu mình không tự học thì đâu phải là kiến thức của mình? Thế thì trả giá bao tiền cho cái kiến thức "vỡ lòng" ấy? Khi chưa biết thì thấy nó khó, thấy nó đáng nhiều tiền lắm; còn biết rồi lại thấy nó chỉ là căn bản, là thứ mà ai đi vào con đường này cũng phải biết, thành ra lại thấy nó không có nhiều giá trị.
Điều quý giá nhất khi theo đuổi giáo dục - đào tạo, theo mình là "Lời cảm ơn". Một lời cảm ơn chân thành, vô điều kiện sẽ chẳng thể mua được bằng tiền, cũng chẳng thể đem bán lại được. Nhưng lời cảm ơn ấy nó "giàu tình cảm". Trao kiến thức, nhận lại lời cảm ơn. Gieo 1 hạt, để rồi hạt nảy mầm, đó chính là điều trân quý nhất mà mình nhận ra khi theo đuổi con đường này. Cũng có lúc dạy chỉ để nhận tiền, nhưng so với nhận được một lời cảm ơn chân thành thì mình thấy lời cảm ơn cho động lực nhiều hơn.
Tất nhiên rằng mình không phủ nhận tầm quan trọng của tiền bạc trong cuộc sống. Người theo đuổi con đường giáo dục cũng cần tiền để sống, nhưng họ hay mang một tâm lý "không bán chữ lấy tiền". Họ lao động vì mục đích chính là thấy người học trưởng thành hơn, thấy niềm vui của họ khi biết thêm được kiến thức mới, phương pháp mới. Còn về tiền bạc thì làm gì cũng ra tiền thôi, chỉ là nhiều ít khác nhau. Họ chấp nhận làm thêm những việc khác để vẫn có thể bám trụ với nghề, để tiếp tục sự nghiệp trồng người, để mong rằng sẽ tiếp tục nhận được những lời cảm ơn. Đó là món quà quý nhất đối với họ.
21/11/2024
duongAQ
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất