Bài viết được chia sẻ lại từ group Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) với sự cho phép của chủ bài viết kiêm admin Long Nguyen. Nội dung đã có một chút chỉnh sửa cho phù hợp.
Wingsbook gần đây vừa nhá hàng hai cuốn Fantasy mới là The Haunting of Hill House và The Turn of the Screw, và trông bài này mà mình lại nhớ đến việc cái dòng kinh dị, đặc biệt nếu có liên quan đến ma quỷ ám ảnh gì đó, thường hay bị thiên hạ bắt phải đứng tách hẳn ra khỏi Fantasy chứ dứt khoát không được phép chui vào trong đấy.
Bản tiếng Việt sắp phát hành của The Haunting of Hill House và The Turn of the Screw
Như anh em đã biết, Fantasy là một cái ô rộng ngoài sức tưởng tượng, với điều kiện cần và đủ chỉ là có sự xuất hiện của một cái gì đó… điêu, và sự điêu đó hoặc không được giải thích, hoặc được giải thích bằng những mô típ phi khoa học (ví dụ như phép thuật, lời nguyền, ma thuật,...). Ngoài đấy ra thì thích cho cái điêu đi kèm lãng mạn hay cổ sử hay tâm lý hay hài hước hay kinh dị hay ám ảnh hay điều tra phá án gi gỉ gì gi thì không quan trọng.
Để dễ hiểu hơn thì anh em hãy tưởng tượng Fantasy cũng như bún ấy, bao gồm nhiều thể loại như bún đậu, bún thang, bún chả, bún cá, bún chả cá (không phải 2 thằng trước trộn nhau đâu nhé 🐧 ), bún nem, bún mọc, bún ốc, bún riêu, bún bò Huế, bún hải sản, bún bung, bún vịt, bún ngan, bún mắm, bún lèo, bún trộn, bún rạm, bún lòng,… Nói Fantasy chỉ toàn những tác phẩm như LotR (The Lord of the Rings) với Harry Potter thì cũng như bảo bún Việt Nam chẳng có gì ngoài bún chả với bún riêu vậy 🐧.
Mình hồi trước từng làm một bài bàn kỹ hơn về vấn đề này, kèm theo một danh sách các dòng Fantasy ngách nổi trội để làm minh chứng (tất nhiên chẳng thể điểm hết được vì chúng nó đông quá), anh em có thể tham khảo thêm ở đây để nắm rõ hơn về nó.
Vì không bị gò bó gì nên các tác phẩm Fantasy thỏa sức xây dựng và phát triển câu chuyện theo đủ mọi hướng, đẻ ra nhiều dòng ngách rất riêng biệt. Tuy nhiên, đôi khi chính cái sự đa dạng ấy lại gây khó dễ cho Fantasy. Nhiều dòng ngách nó có “cá tính” mạnh quá, khiến thiên hạ bị cuốn hẳn vào cái sự khác biệt nổi trội của nó và không để ý đến cái nền móng Fantasy chôn sâu dưới đất. Điển hình nhất sẽ là dòng kinh dị, đặc biệt là các mẩu truyện ma, với ví dụ dễ thấy chính là hai cái tác phẩm của Wingsbook đã khơi ra bài này.
Nhắc đến truyện ma thì 10 người chắc phải đến 9 không hề nghĩ về cái chữ Fantasy luôn. Nguyên nhân là bởi các mô típ của nhánh này nó quá độc đáo, và phần lớn chúng ta đều đã được làm quen với nó ngay từ khi chưa biết Fantasy là cái gì, thế nên cứ hình dung sẵn trong đầu nó là một thứ gì đó riêng rẽ. Tình cờ thì chính vì độc đáo đến thế, cái chữ “truyện ma” mang sức gợi tả rất cao, thế nên các NXB chẳng bao giờ đem chữ Fantasy ra nói khi nhắc đến chúng nó cả để đỡ phải giải thích lằng nhằng, mà gọi xừ nó là “truyện ma” luôn cho lành. Điều này tạo ra một hiệu ứng tương đương với định vị thương hiệu trong marketing, làm cho truyện ma càng trở nên độc lập trong tâm trí người tiêu dùng (ở đây là người đọc), và càng ít ai ngờ đến việc truyện ma chỉ là một tập con của Fantasy.
Chính vậy nên nếu giới thiệu 2 quyển của Wingsbook là Fantasy, chắc chắn sẽ có không ít người sửa lưng, bảo rằng, “Nó là truyện ma chứ Fantasy nào ở đây?” Họ cảm thấy để cuốn Turn of the Screw đứng bên cạnh một cuốn Fantasy "chuẩn" như Lord of the Rings thì có vẻ hơi lệch nhịp, bởi vì một thằng nói về ma mị, một thằng nói về chiến tranh với orc. Điều họ không nhận ra là nếu bảo trưng một con ma ra thì sẽ chịu chết ngay, vì cả ma với orc đều không tồn tại trong thế giới thức, và nếu không bước vào lãnh thổ của Fantasy thì sẽ chẳng đời nào tìm thấy chúng nó.
Nói cách khác, độ lôgic của câu kia cũng ngớ ngẩn tương đương cái câu “Nó là người Nghệ An chứ người Việt nào ở đây?” vậy 🐧.
Thú vị ở một chỗ là các thể loại tác phẩm ma mị với kinh dị, hay chỉ đơn thuần là tác phẩm tạo không khí ám ảnh thôi chứ có khi những thứ siêu nhiên nó chứa đựng chưa chắc đã tồn tại thật (ví dụ như Hill House và Turn of the Screw đều chưa chắc đã là ma ám thật, mà chỉ là nhân vật chính bị hoang tưởng thôi) lại có một cái tên chính thức rất hay, nghe xong phát là thấy rõ luôn bản chất Fantasy của nó, không thể cãi đi đâu được nữa.
Cái thuật ngữ ấy là “Fantastique.”
Fantastique là một từ gốc Pháp, và theo như một số nguồn thì có khi còn tồn tại lâu đời hơn cả từ “Fantasy” trong tiếng Anh. Hồi trước thì Fantastique dùng để chỉ chung cho những câu chuyện lấy bối cảnh là thế giới đời thường, nhưng lại có sự xuất hiện của các hiện tượng/thực thể siêu nhiên. Nó bắt đầu được định hình cụ thể từ tít tận thời Trung Cổ, với ví dụ bao gồm các tác phẩm trong bộ thần thoại về Vua Arthur hoặc những truyền thuyết xoay quanh các người hùng dân tộc của các nền văn hóa Châu Âu như Cú Chulainn (người hùng trong bộ truyền thuyết Ulster Cycle của Ireland) với Siegfried (người hùng trong The Song of the Nibelungs của Đức). Nếu để ý thì anh em có thể thấy đây khá sát với cách chúng ta định nghĩa Fantasy ngày nay, và nguyên nhân là bởi đây có thể được coi là một tiền thân của thuật ngữ Fantasy hiện đại.
Tất nhiên, vì bây giờ đã có cái ô chung Fantasy để gọi mọi thứ rồi, thế nên Fantastique không còn được dùng theo nghĩa phổ quát như cũ nữa, nhưng vẫn không biến mất hoàn toàn. Nó vừa thu hẹp lại để không bao trọn Fantasy, vừa nới rộng ra để tích hợp cả sự xuất hiện của một dòng tương đối mới là Sci Fi. Ngày nay, Fantastique hay được dùng để chỉ những tác phẩm nặng về khơi gợi không khí với màu sắc thường sẽ là u tối, ví dụ như tạo ra không khí trầm mặc, hoặc u buồn, hoặc căng thẳng, hoặc nghi ngờ, hoặc hoang mang, hoặc rùng rợn,…; đồng thời xoay quanh sự xâm lấn của các yếu tố Fantasy/Sci Fi vào thế giới thực, hay chỉ đơn giản là những yếu tố mang dáng dấp của Fantasy/Sci Fi chứ còn bản chất thực của nó thế nào thì để lấp lửng.
Bên cạnh The Haunting of Hill House và The Turn of the Screw thì ví dụ tiêu biểu về Fantastique còn có các tác phẩm của Edgar Allan Poe (chẳng hạn The Tell-tale Heart, The Black Cat, The Raven,…), A Thousand And One Ghosts của Alexandre Dumas Cha, The Demons Of The Night của Charles Nodier, The Metamorphosis của Franz Kafka, The Shining của Stephen King,…
Cái kiểu dễ bị hiểu lầm là dòng riêng biệt của Fantastique mang nhiều nét tương đồng với số phận của một số nhánh Sci Fi tập trung vào khoa học xã hội (tức những thứ thiên hạ vẫn hay nghĩ không phải “khoa học” 🐧 ), hoặc chỉ đẩy phần Sci Fi ở một mức rất nhẹ. Nếu muốn tìm hiểu cụ thể thì anh em hãy đọc thêm mấy bài này nhé:
- Sci Fi khác gì với “truyện khoa học”: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2979064378847476
- Lầm tưởng thường gặp về bản chất của Sci Fi: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/3113830008704245
- Giới thiệu sơ lược về Mundane Science Fiction: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/1496661110421151
- Giới thiệu sơ lược về Social Science Fiction: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/1489264607827468
Còn nếu anh em nào muốn tiếp tục tìm hiểu sâu thêm về Fantastique, cụ thể là cái phần xoay quanh các tác phẩm để lấp lửng bản chất của mình, thì hãy đọc bài này nhé: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/3209087672511811
-----
Bài đăng gốc: