Người máy có mơ về cừu điện không? - Giải thích tựa sách
「 Người máy có biết mơ không? Rick tự hỏi. Rõ ràng là có; thế nên thỉnh thoảng chúng mới giết chủ nhân của mình rồi trốn đến đây. Một...
「 Người máy có biết mơ không? Rick tự hỏi. Rõ ràng là có; thế nên thỉnh thoảng chúng mới giết chủ nhân của mình rồi trốn đến đây. Một cuộc sống tốt đẹp hơn, thoát cảnh nô lệ. Như Luba Luft; hát Don Giovanni và Đám cưới Figaro thay vì lao động khổ ải trên đồng ruộng khô cằn đầy sỏi đá. 」
Người máy có mơ về cừu điện không? là một cuốn sách thuộc thể loại sci-fi được Philip K. Dick sáng tác, sau này trở thành nguyên tác của bộ phim noir kinh điển Blade Runner.
Giữa không gian lãng đãng và trì trệ của một Trái đất hoang tàn, những con người không có khả năng tài chính để di cư lên sao Hỏa đành phải ở lại với Đất Mẹ, sống lay lắt qua ngày chỉ với một khao khát duy nhất: giữ được khả năng thấu cảm. Rick Deckard - một tay săn tiền thưởng cũng không phải ngoại lệ. Anh ta khao khát sở hữu một con cừu bằng da bằng thịt thay cho con cừu máy giả tạo hắn nuôi trên tầng thượng. Một con vật nuôi còn sống giống như một tấm huân chương cho cuộc đua "Thấu cảm", một thứ đồ xa xỉ mà nhất định hàng xóm trông vào sẽ phải nể phục anh.
Để "đầu tư" cho cái khao khát xa xỉ ấy, Rick lên đường "thu hồi" sáu tên người máy bỏ trốn vô cùng nguy hiểm để rồi bị đẩy vào hoang mang về bản chất công việc của chính mình.
Cuốn sách có một tựa đề lạ: Người máy có mơ về cừu điện không?
Mơ vốn là hoạt động đầy tính "người". Con người có những giấc mơ hình thành từ ký ức, trải nghiệm, tư duy và mong ước lúc thức. Philip K. Dick trước hết đặt câu hỏi: Người máy có mơ không? Người máy có khả năng tư duy và thấu cảm như con người không?
Từ chương 16 (trang 224): Rick Deckard thừa nhận: Người máy rõ ràng biết mơ. Chúng có những ước mơ và hoài bão khác, vượt khỏi cái vòng lặp nô lệ trên hành tinh thuộc địa. Bởi vậy để biến ước mơ thành hiện thực, chúng giết chủ nhân của mình rồi trà trộn vào Trái Đất.
Vế sau của câu hỏi cũng kỳ lạ không kém: "Người máy có mơ về cừu điện không?"
Tại sao lại là con cừu mà không phải một con vật nào khác?
Nếu để ý theo dõi các sản phẩm điện ảnh và hoạt hình của phương Tây, ta có thể dễ dàng nhận ra thói quen "đếm cừu" để đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Thêm vào đó, một chứng cứ khoa học rất đáng cân nhắc là khi con người tư duy, các nơ-ron thần kinh sẽ dẫn truyền các xung điện, nhờ đó giấc mơ được hình thành bởi một hệ thống xung điện lan truyền từ các nơ-ron thần kinh bị kích thích liên tục. Từ một khía cạnh nào đó, chẳng phải những chú cừu mà con người mơ thấy hằng đêm không quá khác biệt so với những chú cừu điện?
Philip K. Dick sử dụng một hình ảnh rất quen thuộc trong văn hóa của mình để đặt ra câu hỏi: liệu người máy có đếm cừu điện trước khi ngủ? Liệu chúng có mơ thấy những con cừu giống như con người thường làm?
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả thường xuyên khiến Rick Deckard tự vấn đề chính triết lý sống của mình. Hắn luôn coi người máy chỉ là một lũ máy móc vô tri, chúng không thể thấu cảm, dù chúng có tân tiến đến đâu cũng không bao giờ có thể là một dạng sự sống. Vì thế Rick coi công việc của mình chỉ là "thu hồi" những mẫu người máy nổi loạn chứ không phải giết chúng. Chẳng ngờ khi tiếp xúc với những mẫu người máy tân tiến này, Rick đã bị đẩy vào vòng triết lý hiện sinh, khiến hắn hoang mang về chính những định kiến vững chắc nhất của mình.
- Nếu người máy có thể mơ thì người máy khác con người ở chỗ nào?
- Nếu chúng có thể suy nghĩ và ước mơ thì chúng có phải một dạng của sự sống không?
Người máy có mơ về cừu điện không? Câu trả lời nằm ở mỗi độc giả.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất