Lần đầu tiên trong đời bản thân được trải nghiệm cảm giác đọc xong một cuốn sách hơn 1000 trang mà quay ra tự hỏi mình: “Sao đã hết rồi?” và hằn học “D’ hiểu mình đã làm gì 30 năm qua, để đến giờ mới đọc tuyệt tác này”.


Còn nhớ cách đây 2 3 năm, trong một tối thứ 6 cuối tuần, 2 thằng nghiên cứu sinh (một thằng người Việt, một thằng người Nga) vì đã quá nản với những con số và mô hình, rủ nhau ra pub làm cốc bia. Chuyện này dẫn sang chuyện nọ, kết quả là buổi tối kết thúc ở nhà thằng bạn người Nga, với những Dostoevsky, Kafka, Tolstoy, vv. đưa lối cho 2 chai Vodka xách tay từ Nga cạn không còn lấy 1 giọt, để sáng hôm sau tỉnh dậy lại ngỡ ngàng tự hỏi thế quái nào mà sau đấy vẫn lết về được đến nhà. 
Để hơn một tháng qua, bản thân thực sự xúc động khi gặp lại được cái tình cảm nồng ấm, nhiệt thành mà giản dị ấy, nhưng là của cả một dân tộc, trong Chiến tranh và hòa bình (CT&HB). Nó hiện lên sáng ngời trong từng nhân vật, từ anh chàng bá tước Pierre Bezukhov với trái tim nhân hậu và công tước Andrew Bolkonski hiểu biết, dũng cảm mà cực kỳ nhân văn của xã hội thượng lưu; đến bác nông dân Platon hiền lành, sống cuộc đời đẹp đạo, giản dị, chân thành, không suy tính mà lại thành ra sâu sắc. Tất cả những con người đó đã góp phần phác họa một hình ảnh dân tộc Nga thực sự đẹp, mà sao thấy gần gũi với chính con người Việt Nam mình quá.
***
Người ta chắc sẽ khó có thể phân định được một thể loại riêng biệt cho kiệt tác này, vì CT&HB là tổng hợp của lịch sử, triết học, tâm lý học, xã hội học, và thậm chí cả tôn giáo. Cái hay là tất cả những thứ giáo điều khô khan ấy được phản ánh trong cuộc sống, để ta hiểu được cái giá trị cứu cánh của tôn giáo với anh chàng bá tước Pierre ngây thơ đã quá quen chìm đắm trong các cuộc xã giao nhạt nhẽo, hợm hĩnh mà vô nghĩa của giới quý tộc hay những cuộc bù khú rượu chè với đám thanh niên nhà quyền chức thâu đêm; hay sự thay đổi một cách tất yếu về cách nhìn nhận cuộc đời của công tước Andrew sau một lần suýt mất mạng ngoài chiến trường; và đặc biệt nhất, đó là cái sức mạnh có thể phá vỡ mọi triết lý, lý trí, và tất cả những thứ con người khác của tình yêu.
Nguồn: Google
Đúng, chính thứ tình cảm ma mị ấy, thứ mà con người có lẽ sẽ không bao giờ có thể hiểu và chế ngự được, chính nó đã đánh thức tâm hồn khô cằn của công tước Andrew, để từ đó người đàn ông từng trải, hiểu biết, mang quyết tâm sống một cuộc đời đạo hạnh ấy lại một lần nữa xốn xang, hành động như một đứa trẻ, không thể làm chủ được mình đến mức cãi nhau gay gắt với cha. Cũng chính nó khiến cho cô nàng tiểu thư Natasa xinh đẹp thuần khiết mất hoàn toàn sự kiểm soát bản thân, để nàng lao theo một cuộc tình vụng trộm vô cùng khờ dại ngu ngốc và mất đi phẩm hạnh cũng như sự cao quý của mình. Khi mà chiến tranh là biến cố chính bên ngoài, thì chính tình yêu mới là chất keo thầm lặng, dính những con người ấy với nhau, để họ chìm đắm trong hạnh phúc hay ngụp vùi trong đau khổ thương tâm.
***
Tất nhiên, CT&HB còn là một tác phẩm lịch sử về một trong những cuộc chiến tranh vĩ đại nhất của lục địa già, chiến tranh Tây-Đông thời Napoleon. Nhưng, có lẽ khác với tất cả những nhà viết sử khác, Tolstoy muốn cho người ta thấy chiến tranh là thứ ngu ngốc nhất mà con người có thể tạo ra, nhưng cũng là thứ mà con người thực ra không có quyền quyết định nhiều như họ vẫn tưởng. Chiến tranh, thực ra chính nó cũng là sản phẩm của hàng trăm hàng nghìn những biến cố ngẫu nhiên của lịch sử, và nói rằng Napoleon tạo ra cuộc chiến ấy, hay Alexander I, hay bất cứ ai khác, thực ra cũng chỉ là những nhận định cực kỳ ngây thơ và ngờ nghệch mà thôi.
Chiến tranh không phải là một cái gì lịch sự phong nhã, nó là cái việc bỉ ổi nhất trên thế gian, cần phải hiểu điều đó, chứ đừng như trẻ con chơi trò chiến tranh... Mục đích của chiến tranh là giết người, những thủ đoạn của chiến tranh là: gián điệp, phản bội và khuyến khích sự phản bội, làm nhân dân phá sản, cướp bóc và giành giật của cải của họ để nuôi quân: lừa đảo và dối trá thì đựơc gọi là mưu trí quân sự; lối sống của tầng lớp quân nhân là mất tự do, tức là bị kỷ luật, sống gò bó: sống nhàn dật, ngu dốt, tàn ác, dâm đãng, rượu chè bê tha. Và tuy thế, tầng lớp quân nhân vẫn là tầng lớp cao nhất, được mọi người kính trọng. Tất cả các hoàng đế, trừng hoàng đế Trung Hoa, đều mặc quân phục: người ta lại ban thưởng lớn nhất cho kẻ nào giết được nhiều người nhất.
...
Ngày mai đây hàng vạn người sẽ gặp nhau để đánh nhau, tàn sát nhau, làm cho nhau què quặt, rồi sau đó người ta sẽ tổ chức những buổi lễ tạ ơn Chúa vì đã giết được nhiều người (con số này người ta còn phóng đại lên) và người ta công bố thắng trận, cho rằng càng có nhiều người bị giết thì công lao càng lớn.
...
Tất cả những kế hoạch tác chiến hoàn hảo nhất và sâu sắc nhất bao giờ cũng đều có vẻ sai lầm khi trận đánh không giành được thắng lợi, và bất cứ chuyên gia quân sự nào cũng phê phán nó với một giọng văn quan trọng và đầy ý nghĩa. Trái lại, những kế hoạch kém nhất sẽ đâm ra có vẻ rất hay ho khi người ta đã giành được thắng lợi, và những người rất đứng đắn sẽ viết ra hàng pho sách để chứng minh giá trị của nó.


Tuy nhiên, với bản thân mình, điều thú vị nhất trong CT&HB có lẽ lại chính là đoạn kết, khi mà Tolstoy muốn dạy lại một bài học cho những nhà viết sử. Thực sự giống như một review trên Goodreads, nếu bỏ qua những lời dạy này thì tác phẩm có lẽ là hoàn hảo. 

Vì cũng giống như chính luận điểm của Tolstoy, khi ông cho rằng lịch sử mới là bàn tay vô hình chi phối mọi cuộc đời: là lịch sử bắt buộc hàng chục vạn quân lính tuân thủ theo Napoleon để hành quân đánh nước Nga, cũng là lịch sử khiến những người dân Nga hiền lành, đôn hậu tự đốt nhà đốt thành và thét lên "Ura" mà lao vào trận chiến, thì cũng chính lịch sử chọn Tolstoy để tôn vinh những người anh hùng thầm lặng như tướng Kutuzov, những người chỉ cố hiểu sự vận hành của dòng chảy sức mạnh và cứu lấy đất nước, nhân dân mình, chứ hoàn toàn không có chút tư lợi về bản thân, những người mà khi cuộc chiến kết thúc sẽ tự lui mình, gần như không ai biết tên họ, và thậm chí nhiều khi còn bị sỉ nhục, phỉ báng; và bên cạnh đó đưa ra một quan điểm hoàn toàn trái ngược về một Napoleon, không những không hề vĩ đại mà lại thiển cận, bất tài và ái kỷ đến xuẩn ngốc. Trong việc dạy lại bài học về sự khách quan của lịch sử, chính Tolstoy lại để mất đi sự khách quan của mình, mà quên mất rằng dù sao đi nữa ông vẫn là một người Nga, và tất cả những tài liệu, cũng như những câu chuyện mà ông thu thập được về lịch sử dù có sâu rộng đến đâu đi chăng nữa cũng không bao giờ có thể phản ánh được sự thật tuyệt đối

Cũng dễ hiểu thôi, cái khách quan tuyệt đối ấy, chắc sẽ chẳng bao giờ có trên đời.

Và một dân tộc nồng ấm, nhiệt thành, giản dị như thế, khi đem quân đi chiến đấu ở những nơi khác thì cũng sẽ hoàn toàn có thể hành động như những con thú vật mà thôi. Như cách 16 tên lính Nga đã lần lượt hãm hiếp cô bé Ba Lan Florentyna đến chết trong tác phẩm Hai số phận vậy.

A Dreamer