Mình thấy các trích đoạn trong sách "Tôi Tự Học" của cụ Nguyễn Duy Cần này rất hợp với Web, nên chia sẻ lại.

_________________________

"Hạng người “ngụy bác học” hay “ngụy trí thức” lại cũng là nạn nhân của vấn đề nan giải: cái học thì vô cùng mà thời gian thì có hạn. Họ không chịu dốt, nhưng họ cũng không có đủ can đảm làm nhà chuyên môn. Họ là hạng người “dở dở ương ương”: cái gì cũng biết, nhưng không có cái gì thực biết. Đấy cũng do lối học ở nhà trường đã đào tạo một hạng người “bác học nửa mùa”. Sách gì họ cũng đọc nhưng mà họ chỉ đọc phớt qua như con bướm giỡn hoa. Họ bàn đến nguyên tử lực, họ nói chuyện Einstein và thuyết tương đối, họ bàn đến vô vi của Lão Tử, họ luận về Tam giáo, sành chính trị, kinh tế... không có câu chuyện gì là không thấy họ phê bình chỉ trích như một kẻ chuyên môn. Những nhà “bác học nửa mùa” này hiện thời đã chiếm số khá đông trong nhân loại. Chế độ dân chủ cho phép họ nghênh ngang múa mép trong khắp các ngành hoạt động xã hội. Những báo chí, những sách phổ thông viết một cách hối hả của những “học giả nửa mùa” là những “tội nhân” đã đào tạo ra hạng người này, nhất là cái học “bách khoa” của chương trình giáo dục hiện thời. Hạng “ngụy trí thức” này thật là cả một tai vạ cho xã hội hiện thời. Đối với hạng dốt và hạng chuyên môn trên đây, họ là hạng người bêu xấu sự học, hạng người đáng ghét nhất. Dân chúng thiếu học thường bị bọn người này lòe bịp, khiến kẻ nào múa môi lẻo mép nhất thường được quần chúng hoan nghênh. Và chính họ, đôi khi là kẻ dẫn dắt dân chúng vào những con đường phiêu lưu tăm tối của lịch sử.

Đọc thêm:

Học, cần phải làm như con ong nút nhụy, đừng học đòi theo con bướm giỡn hoa. Có người tưởng rằng mình sẽ có được số vốn học hỏi vừa căn bản, vừa rộng rãi bằng cách hàng ngày đọc năm ba quyển sách, chín mười tờ báo, đi xem ba bốn phòng triển lãm, đi nghe hai ba cuộc diễn thuyết văn học, chính trị, triết lý, v.v... Là vì theo họ, nhờ thế họ sẽ được sự “nhìn xa thấy rộng”, tất cả mọi năng khiếu đều sẽ được khải phát đủ mọi khía cạnh. Họ lầm! Tôi thấy nhiều người đọc sách, đọc báo như điên. Bất cứ gặp gì dưới tay là họ đọc ngốn đọc nghiến, họ đọc cả tủ sách này đến tủ sách kia, bất cần là sách hay sách dở. Nếu họ là bậc thông minh triệt để thì tôi chẳng dám nói, vì đó là những ngoại lệ. Thực sự, với hạng tầm thường như chúng ta, tôi quả quyết những người học như thế ấy không làm gì đào tạo cho mình một cơ sở văn hóa vững vàng được cả. Với cách học như thế, chắc chắn họ chỉ được một cái học ngoài da, một cái bọc hào nhoáng không sao “tiêu hóa” được. Cái học ấy có hại hơn là có lợi cho óc phán đoán đúng đắn và mực thước. Chồng chất không thứ lớp những sự học hỏi hiểu biết của ta, đâu phải là mục tiêu của văn hóa. Riêng ra, mỗi sự kiện tự nó không có ý nghĩa gì cả: nó chỉ có giá trị khi nào nó được sắp đặt ngay vào vị trí của nó, liên lạc mật thiết với nhau như một tổ chức tự nhiên của một vật sống. Một ý tưởng rời rạc không thể dắt dẫn gì ta được trên con đường hành động. Là vì trong thực tế, sự việc trên đời là một cái gì phức tạp muôn màu và một khi muốn đem nó ra thích ứng với sự đời, ta phải đem ý tưởng này sửa chữa lại bằng những ý tưởng khác, chứ không thể theo một chiều nào được. Vì vậy, sự tổ chức lại các điều học hỏi của ta còn quan trọng hơn là những điều mà ta đã học hỏi. Và chính sự tổ chức cho có hệ thống đàng hoàng là quan trọng nhất, nên sự tản mạn đó đây của óc tò mò của ta như trước đây đã không lợi gì cho ta cả, trái lại là một trở ngại to lớn cho cái học về bề sâu của ta vậy.

Cái học mà vụ về bề rộng và bề cạn, nghĩa là cái gì cũng biết nhưng không có cái gì là thật biết, là “kẻ thù” số một của văn hóa. Có người lật sách đọc mà không quan tâm gì đến cái tên của tác giả, cái tựa của quyển sách. Họ đọc rồi là quên rồi. Có người, mỗi tuần lễ, đọc có trên mười quyển tiểu thuyết, hoặc mười quyển sách nghiên cứu phổ thông hạng rẻ tiền về triết học hay khoa học dành riêng cho những kẻ không thích cố gắng và suy nghĩ. Đó không phải là lối đọc sách để mà học. Đọc sách để giải buồn trong những lúc ngồi không ở trên toa xe thì lại là một việc khác. Đọc sách để giải trí thì nên đọc những tác phẩm để cầu vui. Trái lại, đọc sách để đào tạo cho mình một cái vốn hiểu biết đứng đắn, phải đọc một cách chọn lọc, những tác phẩm hàm súc tư tưởng và ý nghĩa, những tác phẩm không thể nào đọc qua một bận mà lĩnh hội hết được ý nghĩa, những tác phẩm mà ta càng đọc đi đọc lại càng thấy thâm trầm. Vấn đề này, chúng ta sẽ xem xét lại một cách rạch ròi hơn sau đây.

Đọc thêm:

Thế nào là một quyển sách hay? Làm cách nào để nhìn ra nó và tìm ra nó?
Sách hay, đây là nói về sách học trước hết. Tùy theo loại, mỗi loại đều có cái hay của nó và cách lựa chọn cùng việc đánh giá cũng khác nhau xa.
Bắt đầu bằng cách loại trừ.
Loại trừ đầu tiên những thứ sách học mà dài nhăng nhẳng, to lớn nặng nề. Một người đọc sách, nhất là đọc sách để học, ngày giờ của họ dĩ nhiên có hạn, sự chăm chú, năng lực tinh thần cũng như trí nhớ cũng có hạn. Bởi vậy, một quyển sách học mà dài lê thê bất tận không thể thích nghi được. Thật ra, người nào viết sách học mà viết lê thê bất tận là chứng tỏ sự bất tài và bất lực của mình. Sách học, càng ngắn càng tốt, càng gọn càng hay. Loại sách “Expliquez-moi...” của “Les Éditions Foucher” rất tài tình. Hầu hết những sách dạy về sử học ở trung học thường là những sách quá dài.

Sách nào quá dài, tốt hơn đừng đọc. Hãy đợi khi mình đã có được một luồng mắt thống quan rồi, bấy giờ sẽ đọc đến những sách trường giang của những nhà nghiên cứu và chuyên môn. Kế đó nên loại trừ những sách buồn chán. Sách học mà trình bày một cách buồn tẻ khô khan là sách không nên đọc: mất thì giờ, mất hứng thú, thật không kết quả gì.

Và sau cùng, hãy loại trừ những sách khó hiểu. Sách khó hiểu là sách của  hạng tác giả không biết mình nói cái gì. Phần đông họ là những kẻ có đầu óc mù mờ, cho nên họ luộm thuộm, nói cái gì cũng chả ra cái gì. Rất có thể, tác  giả là bậc thông thái, nhưng họ đã quên họ đang dạy học, dạy học cho những đầu óc tầm thường. Họ viết cho họ hơn là cho học sinh. Đó là cái tật của phần đông các nhà viết sách học hiện thời. Có khi vì họ muốn cầu kỳ để tăng “giá trị” của họ. Những loại sách ấy không nên giao cho học sinh, vì nó sẽ dễ làm chán nản và làm cho học sinh mất cả hứng khởi của sự học.
Tóm lại, cần phải loại trừ những loại sách dài lê thê bất tận, những sách buồn chán, những sách đọc “khó tiêu”. Tuy nhiên, một quyển sách ngắn, vui vẻ và dễ dàng cũng rất dễ biến thành những thứ sách đơn sơ quá, thiếu căn bản, thiếu cương yếu và là những thứ sách rỗng tuếch, rất tầm thường. Vậy cần phải làm một cuộc chọn lọc để có sách không dài, không chán mà cũng không khó đọc như đã nói trên. Phải làm cách nào để chọn lựa, trong khi mình chỉ là tay ngang, một người đang ở thời kỳ “tập sự”? Muốn phê bình cho đúng đắn “ông thầy” của mình, ít ra mình cũng phải biết rõ cái khoa của mình học.

Muốn đọc sách để bổ túc cho trí thức, cần nhất là phải biết cách đọc sách mới đặng. Có nhiều kẻ đọc sách như điên, luôn luôn sách chẳng rời tay, nhưng kết quả không ích lợi gì cho đường học hỏi của họ cả vì họ không biết đọc sách. Trong túi họ, ta thấy luôn luôn đầy sách báo. Hễ vừa ngồi xuống, bất luận là ở trên xe đò hay toa xe điện là ta thấy họ mở sách báo ra mà đọc. Họ đọc tiểu thuyết, đọc những tin tức hằng ngày, đọc luôn cả những cột quảng cáo không sót một chữ. Sách ở thư viện họ đọc gần hết. Nhưng họ không hiểu họ đọc những gì, cũng không rõ tên tác giả là ai. Đó là lối đọc sách nguy hiểm nhất. Jules Payot nói: “Đọc sách là một cách lười biếng nguy hiểm nhất, bởi kẻ làm biếng mà ở không, họ sẽ cảm thấy như khó chịu với lương tâm. Trái lại, nếu họ có đọc sách, họ tin rằng họ có làm việc và nhân thế, cái bệnh lười biếng của họ không còn thế nào trị đặng nữa”. Thật đúng như vậy. Lối đọc sách này chỉ làm phí thời giờ mà thôi. Nếu ta thành thực với ta, ta sẽ thấy sau một tuần lễ, ta sẽ không còn nhớ gì nữa cả.

Đọc thêm:

Có một hạng độc giả đọc sách để mà lo việc khác. Họ vẫn chăm chú đọc hàng này đến hàng kia, nhưng thực sự tâm tư họ đi vào chỗ khác. Đó là một cố tật, không nên bắt chước. Lại cũng có một hạng độc giả, sách gì cũng đọc, nhưng họ chỉ đọc từ chặng, khúc đầu, khúc đuôi rồi xếp sách lại, tin tưởng rằng mình đã hiểu được tất cả ý tưởng của tác giả. Tôi dám quả quyết rằng kẻ đọc sách như thế, dù là bậc thông minh thế nào, cũng không làm gì hiểu được tất cả quyển sách. Nhất là một quyển sách thuộc về loại sách học, trong đó, mỗi câu có khi là một vấn đề, sự liên lạc của nó không thể bỏ qua một đoạn nào mà khỏi phải hiểu sai. Hạng độc giả này, đọc đây một đoạn, đó một đoạn, họ lật hình này xem, lật hình kia xem, đọc cầu vui, đọc không mục đích và đọc mãi suốt ngày. Có ai hỏi họ làm gì trong ngày: họ bảo họ đọc sách. Nhưng thực sự, trí họ như con bướm chập chờn lởn vởn đóa hoa này sang đóa hoa kia. Xong rồi, đầu óc họ vẫn trống trơn, không còn lưu lại một ấn tượng gì cả. Cũng có khi họ nhớ, nhưng chỉ nhớ những vụ lặt vặt không đầu đuôi, không thành vấn đề gì cả.

Nghệ thuật gì mà khó khăn thế? Chỗ liên lạc giữa người đọc sách và người viết sách phải như thế nào? Người đọc sách phải giữ thái độ gì để khỏi bị sách đầu độc, và trái lại, nhờ sách mà làm giàu thêm kinh nghiệm? Phải đọc những sách gì, và nhất là phải đọc cách nào? Đối với những loại sách danh tác, ta phải đối xử như thế nào? Trái lại, đối với những sách hạng thứ, những sách phổ thông có tính cách nhập môn, những sách có tính cách đại lược hay trích lục ta phải sử dụng cách nào? Lợi ích của quyển sách phải chăng cũng chỉ có một giới hạn nào và nó phải dừng lại nơi đâu? Đó là mới kể sơ vài phương diện của vấn đề đọc sách để rèn luyện trí não mà thôi, chứ thật ra có rất nhiều cách đọc sách: có kẻ đọc sách để tìm tài liệu tin tức; cũng có kẻ đọc sách để giết thời giờ và để giải buồn. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ nên chú trọng đến cách đọc sách để tự học nghĩa là để đào tạo cho mình một cơ sở văn hóa tinh thần mà thôi, vì đó là mục đích của quyển sách này. Như vậy, sự đọc sách để tìm an ủi trong đau khổ, đọc sách để tìm một sức mạnh tinh thần, giúp tâm hồn mình thêm nhẫn nại, can đảm mà vượt qua những thống khổ của cuộc đời, đọc sách để tìm hứng thú cho tinh thần cũng đều thuộc về loại đọc sách để tự học cả, vì phàm cái chi hoạt khởi được tâm cảm mình, đổi mới được về khuynh hướng “chân”, “thiện”, “mỹ” đều bổ ích cho tinh thần trí não của mình.

Có một đặc điểm này để nhận thấy cái hay của một quyển sách, bất cứ là một quyển sách loại gì, là càng đọc đi đọc lại chừng nào, càng thấy nó rộng rãi sâu xa chừng nấy. Một quyển sách mà tháng này đọc thấy hay, tháng sau đọc lại thấy bớt hay hoặc hết hay là một quyển sách tầm thường. Có nhiều quyển sách mình chỉ đọc qua một bận là hết muốn giữ nó bên mình. Trái lại, quyển sách hay dù cho một năm sau, ba năm sau, hay mười năm sau nữa mà đọc lại vẫn thấy thâm trầm man mác không biết chừng nào. Trình độ mình càng ngày càng lên cao, mình lại thấy nó càng thâm sâu hơn nữa. Những sách lầm thường không sao chịu nổi thử thách của thời gian. Đó là loại sách mà người ta thường gọi là “sách bất tận”. Cần lựa những sách ấy làm sách “gối đầu giường”. Những sách như quyển Tư tưởng lục (Pensées) của Pascal, Éthique của Spinoza, Pensées của Épictète và Marc-Aurèle, L’Imitation de Jésus-Christ, Bible, Nam Hoa kinh, Đạo Đức kinh, Kinh Dịch v.v... là những sách rất hay, đọc đến chết vẫn còn thấy sâu sắc thâm trầm.

Tuy nhiên, sách hay cũng không phải cần luôn luôn là “sách bất tận” mới được. Những quyển sách khêu gợi được ta nhiều ý nghĩ đột ngột, lạ lùng và mới mẻ, dù không thể nhìn nhận tư tưởng của tác giả, ta cũng không sao tránh khỏi những bâng khuâng và hoài nghi, hoặc trong nhất thời đưa đến cho ta những vấn đề mà xưa nay ta chưa từng để ý đến, đều là những thứ sách làm giàu thêm cho ta về kinh nghiệm, về tư tưởng và về tài liệu. Những thứ sách ấy cũng được xem là sách hay"

_______________