Khi bạn nghe "tranh luận giữa bố mẹ và con cái", nếu là phụ huynh, bạn sẽ nghĩ như thế nào? "Tranh luận ư, con cái làm gì có quyền tranh luận với bố mẹ?", "Mình nói mà nó không chịu nghe". Còn nếu là con, chắc bạn sẽ nghĩ như này: "Bố mẹ không hiểu con", "Những cuộc tranh luận như thế chẳng đem lại kết quả gì đâu". Nếu bạn có suy nghĩ tích cực khác thì xin chúc mừng, còn nếu có những suy nghĩ như trên thì hãy đọc bài viết này vì nó dành cho bạn.
Hiện nay, ở hầu hết các gia đình ở xã hội Á Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng, luôn tồn tại một quan niệm rằng bố mẹ nói gì thì con cái nhất nhất phải nghe theo, không có quyền cãi lại, không có quyền phản bác, nếu phản bác và tranh luận với bố mẹ thì sẽ bị cho là hỗn, không nghe lời bố mẹ. Chính vì suy nghĩ đó nên các bậc phụ huynh thường kết thúc cuộc tranh luận bằng một câu: "Tao nói gì mày phải nghe, cấm cãi!" hay "Mày giỏi mày làm đi, không cần bố mẹ nữa chứ gì?", hay tệ hơn nữa là các vị bắt đầu mắng con bằng những ngôn từ bậy bạ và kinh khủng nhất,..., tất cả những cách đó đều khiến cuộc tranh luận đi vào ngõ cụt, mâu thuẫn cứ thế âm ỉ, người này không bằng lòng người kia, dẫn đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa cách và thêm căng thẳng. Vậy làm sao để cuộc tranh luận giữa bố mẹ và con cái thành công nhất? Điều này phải đến từ cả hai phía, chứ không chỉ riêng một mình bố mẹ.

1. Lịch sự và tôn trọng:

"Lịch sự" luôn là yếu tố đầu tiên đánh giá thái độ và không khí của buổi nói chuyện. Về việc này, bố mẹ phải là người làm gương trước khi trong bất kì một trường hợp nào cũng không được văng bậy, xúc phạm đến danh dự của con. Nhiều bậc phụ huynh khi không thể giữ nổi bình tĩnh thường hay mắng con bằng những lời lẽ bậy bạ và kinh khủng nhất, điều này không chỉ khiến con tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần, mà xa hơn nữa là ảnh hưởng đến cách xử sự của những đứa trẻ sau này. Bố mẹ nói bậy khi mất bình tĩnh sẽ khiến chúng nghĩ rằng, khi không thể bình tĩnh thì ta có quyền nói bậy và mắng mỏ người khác. Đó là một điều cấm kị, vì không chỉ ảnh hưởng đến sự thành công của cuộc nói chuyện mà còn ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ sau này. Còn về phía con cái, đương nhiên là con thì không thể nói bậy với bố mẹ, nhưng là con cũng cần phải "lịch sự" trong buổi tranh luận. "Lịch sự" ở đây được thể hiện ở chỗ không bỏ đi hoặc cắt ngang khi cuộc tranh luận đang diễn ra. Nhiều bạn vì quá ức chế trước lời nói của bố mẹ mà đứng dậy hét lên rằng: "Chúng ta kết thúc đi", và ngay sau đó vào phòng đóng cửa hoặc xa hơn nữa là bỏ nhà ra đi. Khoan hãy bàn đến việc đứa trẻ đó có láo hay không, hãy bàn đến cái thái độ của bạn khi cuộc tranh luận đang xảy ra. Đó là bất lịch sự, vì người trong cuộc chưa nói xong mà bạn đã bỏ về, vậy là thiếu "tôn trọng" người đối diện. Điều này không chỉ đúng trong cuộc tranh luận với bố mẹ, mà nó còn đúng trong bất kì một cuộc tranh luận nào.

2. Rõ ràng và thẳng thắn

Một số bố mẹ có suy nghĩ như thế này: "Nó còn nhỏ, mình có nói thì nó cũng không thể hiểu được đâu", tiếp theo nói với con: "Mày phải làm như này, vì đó là cách tốt nhất, sau này mày sẽ hiểu.", và không nói gì thêm, không giải thích, không bình luận, chỉ kêu con phải làm theo cách đó vì đó là cách "tốt nhất". Khi con cái bày tỏ quan điểm của chúng và hỏi tại sao con lại phải làm theo cách bố mẹ, thì cái mà chúng nhận được đó chính là sự nhấn mạnh lại của chữ "phải", không kèm theo lời giải thích mà thay vào đó là sự bác bỏ ý kiến của trẻ và lời kết luận muôn thuở của các cuộc nói chuyện: "Mày cãi tao đấy hả?". Và vậy là trẻ "phải" theo ý kiến của bố mẹ, mà chẳng hiểu vì sao mình phải làm như vậy, bao giờ hiểu ư? Theo như bố mẹ thì là "sau này", nhưng sau này thì còn gì để nói với nhau nữa, đúng không? Trong phạm vi cuộc tranh luận, sự "áp đặt" và "không rõ ràng" của bố mẹ khiến cho cuộc tranh luận kết thúc với sự khó chịu của trẻ khi chúng không được làm những gì chúng muốn và cũng chẳng hiểu tại sao chúng phải làm theo ý kiến của bố mẹ. Còn xa hơn nữa với sự phát triển của trẻ, áp đặt dần rồi thành quen, thứ bố mẹ nhận được chính là một con người không có chính kiến, không có khả năng phản biện và chỉ nghe theo ý kiến của người khác - một hệ luỵ cực kì nguy hiểm khi ta đang sống trong một xã hội mà kĩ năng tranh biện là điều không thể thiếu. Còn về phía con cái, sự "thẳng thắn" ở đây được thể hiện ở chỗ chúng bày tỏ được hết suy nghĩ của mình với bố mẹ, chúng nghĩ gì, nghĩ như thế nào, tại sao lại nghĩ như vậy, làm như thế có lợi gì và hại gì, giống như ta đang thuyết phục bố mẹ về cách làm của ta. Còn sự "rõ ràng" ở đây chính là cách ta trình bày với bố mẹ, giống như một bài văn nghị luận, phải có đầy đủ luận điểm, lí lẽ rõ ràng, và điều tiên quyết là phải dựa trên nguyên tắc 1: lịch sự và tôn trọng. Nhìn chung, nguyên tắc "rõ ràng, thẳng thắn" muốn thành công phải đến từ hai phía: bố mẹ "rõ ràng" với con và con "rõ ràng" với bố mẹ. Vì chúng ta là người nhà, nên có gì phải nói hết cho nhau nghe (tất nhiên dựa trên thái độ lịch sự và tôn trọng), nếu không, đó sẽ là mầm mống âm ỉ mãi, chỉ cần chất xúc tác là bùng lên sau này. Ta sẽ không thể tưởng tượng được nó sẽ kinh khủng như thế nào, vì thế, "rõ ràng" và "thẳng thắn" với nhau ngay từ đầu tuy có thể khiến cho người trong cuộc không vui lúc đó, nhưng mất lòng trước được lòng sau, còn hơn sau này ngọn lửa mâu thuẫn thiêu rụi cả căn nhà.

3. Hợp tác và cởi mở:

Nguyên tắc này phần lớn đến từ bố mẹ, đặc biệt là những thế hệ 6X - 7X, khi họ nghĩ rằng họ đã đủ từng trải để có thể biết phải làm gì. Đúng, họ đủ từng trải và trưởng thành hơn những đứa con để biết phải nên làm gì, nhưng khuyên khác hoàn toàn với áp đặt. Một số bậc phụ huynh vin vào cái cớ: "Tao trải đời nhiều hơn mày, có nhiều kinh nghiệm hơn mày, nên mày phải nghe tao, làm theo những gì tao nói.", mà bắt con cái làm theo ý của mình và bác bỏ hoàn toàn ý kiến của chúng với lý do: "Mày còn nhỏ thì không thể lường trước được hết các sự việc, nên mọi ý kiến của mày chỉ là viển vông!". Điều này không chỉ thể hiện sự bất lịch sự là không nghe con cái nói hết đã cắt ngang, mà còn thể hiện suy nghĩ bảo thủ, không cởi mở. Có thể chúng sai, có thể chúng đúng, nhưng dù thế nào thì cũng không thể bác bỏ hoàn toàn ý kiến của chúng với một thái độ bất hợp tác như thế. Nếu chúng đúng, bố mẹ có thể nói thế này: "Bố mẹ đồng ý với quan điểm của con, nhưng con có thể tham khảo thêm ý kiến của bố mẹ." và không ngần ngại so sánh ý kiến của mình với ý kiến của chúng ở cả điểm mạnh và điểm yếu, chứ đừng coi việc nhận sai trước mặt con cái là điều xấu hổ, trái lại, việc này khiến con cảm nhận được ý kiến của mình được tôn trọng và chấp nhận, nó không chỉ khích lệ tinh thần của trẻ mà còn khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ của mình. Còn nếu chúng sai, thay vì nói câu: "Mày còn nhỏ không thể lường trước được mọi việc, nên ý kiến của mày viển vông thôi con ạ!", hãy nói câu kiểu như: "Bố mẹ thấy ý kiến của con có phần bất hợp lí ở chỗ ..." hay "Con có thể tham khảo ý kiến của bố mẹ vì bố mẹ thấy nếu làm theo cách của con sẽ ..." và nói với con "rõ ràng" lí do tại sao mình thấy ý kiến của chúng sai và ý kiến của mình hơn chúng chỗ nào? Các bố mẹ khi thuyết phục con hãy trả lời đủ ba câu hỏi: "Ý kiến của mình là gì? Tại sao trẻ nên làm theo ý kiến của mình? Ý kiến của mình so với ý kiến của trẻ thì hơn và kém ở chỗ nào?". Việc này lại dựa trên nguyên tắc 1: Lịch sự và tôn trọng và nguyên tắc 2: Rõ ràng và thẳng thắn. Còn với con cái, hợp tác và cởi mở ở đây là chịu lắng nghe ý kiến của bố mẹ, và cũng giống như phụ huynh, đừng bác bỏ hoàn toàn mà không chịu nghe họ nói, đừng đứng lên và hét vào mặt bố mẹ rằng: "Con không đồng ý, bố mẹ không hiểu con!". Cũng giống như bố mẹ "hợp tác" và "cởi mở" với con cái, con cái cũng phải "cởi mở" và "hợp tác" với bố mẹ, có như vậy, cuộc tranh luận mới thành công, không chỉ khiến bố mẹ hiểu con hơn mà còn giải quyết mọi khúc mắc trong lòng của đôi bên, không kéo dài và âm ỉ mâu thuẫn.
Nhìn chung, nói thì dễ nhưng làm mới khó, nhưng hãy nhớ ba nguyên tắc trên, nó không chỉ áp dụng cho cuộc tranh luận của bố mẹ và con cái, mà còn là yếu tố nền tảng quyết định sự thành công của các cuộc tranh luận khác. Còn trong phạm vi giữa bố mẹ và con cái, nó là điều ngăn ngọn lửa mâu thuẫn bùng lên một cách mạnh mẽ do bị tích trữ quá lâu, và đồng thời nó cũng là dòng suối để hoà bình (một cách thực sự) mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, và cuối cùng, quan trọng hơn hết, ba nguyên tắc đó có thể giải quyết phần nào thực trạng những cuộc tranh luận đi vào ngõ cụt giữa bố mẹ và con cái, hay xa hơn nữa là giữa thế hệ này với thế hệ khác.