10 bài viết chỉ trong 1 tháng, mình nhận ra sự thật ngỡ ngàng gì?
Mình tưởng, hóa ra toàn là ảo tưởng...
Mình nhớ buổi chiều hôm ấy, trên chiếc ghế bành to đùng tại Highlands cùng cái không gian ồn ào với đủ loại âm thanh, mình mò mẫm về nội quy Spiderum. Có điều khoản nào cấm chia sẻ suy nghĩ cá nhân không? Thật may là chẳng có thứ đó, mình thở phào và bật google doc lên với bài đầu tiên: “Viết dở, không ai đọc thì như tự kỷ…."
Cho tới bây giờ thì câu đó đã không đúng. Tuy mình viết chưa hay, nhưng cũng có người đọc và không như tự kỷ…
Với vỏn vẹn chút kinh nghiệm kia, mình biết đó chỉ là hạt cát so với nhiều anh chị có tới 300 - 400 bài cùng lịch sử hoạt động từ 5, 6 năm trước. Vậy nên tất cả điều mình sắp chia sẻ đều là góc nhìn bản thân. Mục đích vẫn như mọi bài trước: chỉ cần nó có ích với dù chỉ một người thì cũng nên làm.
Với tư cách người viết ĐỀU ĐẶN...
1. Không có mục tiêu đủ lớn + kỷ luật đủ nhiều = CHẮC CHẮN BỎ CUỘC
Đây là điều quan trọng nhất, trong cả viết lách hay những thứ khác ngoài đời sống.
Nó liên quan tới vấn đề hơi nhạy cảm
Mình không biết các writer khác, có anh chị nào kiếm tiền trực tiếp nhờ viết trên Spiderum không ạ?
(Mình rất mong nhận được giải đáp)
Tạm bỏ qua nhiều giá trị lớn lao vì mình không đề cập tại đây.
Nếu không tạo ra tiền một cách TRỰC TIẾP và NGAY LẬP TỨC. Chúng ta sẽ cần những động lực và mục tiêu cực kỳ mạnh mẽ để duy trì viết đều đặn.
Để chia sẻ góc nhìn, để cải thiện kỹ năng, để bổ sung portfolio, để lưu giữ vài suy nghĩ vu vơ…Có vô số mục tiêu khác nhau nhưng để duy trì thường xuyên, chúng ta phải biết rõ mình đang làm vì thứ gì.
Còn kỷ luật, quá nhiều phương pháp để tham khảo, hoặc mọi người có thể xem của mình (vì mình thấy nó quá hiệu quả nên mới nhắc lại nhiều lần - Với đây là bài thứ 10, mình đã hoàn thành kỷ luật:
2 bài/ tuần trong vòng 1 tháng )
Nhìn chung, để viết chất lượng với tần suất cao mà lại không thấy lợi nhuận ngay lập tức, đó là điều không thể vì…
2. Một bài viết chất lượng sẽ “thiệt hại” đáng kể
Chất lượng = Tạo ra giá trị (càng nhiều thì tốt) + Chỉn chu về ngôn từ (chính tả, câu cú) + Tối ưu về thẩm mỹ (layout, hình ảnh)
Hóa ra viết không chỉ là viết, mà nó sẽ như thế này:
Suy nghĩ ý tưởng -> Tìm ý chính -> Đào ra ý nhỏ -> Viết -> Tìm tòi, tham khảo -> Delay -> Viết tiếp -> Nghỉ ngơi -> Viết thêm -> Chỉnh sửa lần 1 -> Chỉnh sửa lần n…-> Design -> Up bài -> Chỉnh sửa, bổ sung thêm…
Đã làm thì làm cho tốt nhất trong khả năng có thể.
Với quan điểm trên, một bài viết của mình thường trải qua cả đống giai đoạn như thế. Vậy nên nó cần cả chất xám lẫn thời gian đáng kể. ( Tổng thời gian để hoàn thành 1 bài rơi vào khoảng 6, 7 tiếng).
Huống hồ những bài của mình ít áp lực vì không có dính dáng số liệu hoặc tính chất học thuật. Vậy nên mình thật sự respect những bài viết với hàm lượng chuyên môn dày đặc, thật sự kỳ công!
Thiệt hại đáng kể, nhưng lợi ích thì kể không hết…Vì kể không hết nên mình sẽ để link một bài khá bao quát và xúc tích về viết lách của anh Hoangthoughts - Một kênh đáng để follow.
VIẾT LÀ ĐỂ TRẢI NGHIỆM CUỘC ĐỜI THÊM LẦN NỮA.
3. Trong vô vàn thể loại, chia sẻ góc nhìn là loại dễ nhất
Nhưng cũng khó nhất.
Với toàn bộ 10 bài viết theo hướng chia sẻ góc nhìn và 30 video trên Instagram cũng tương tự, mình nhận ra 2 đặc điểm của nó.
Dễ nhất: Ai cũng làm được
Vì nó có mác quan điểm cá nhân - kim bài miễn tử cho hầu hết tranh luân. Miễn là góc nhìn không quá lệch lạc về mặt đạo đức hoặc vi phạm pháp luật, hoặc không gây hại tới ai. Tất cả quan điểm đều là hợp/không hợp tùy người. Vậy nên về dạng này, chúng ta sẽ đỡ lo lắng về tính đúng sai (còn gạch đá thì vẫn xảy ra như thường nếu góc nhìn đó quá khác đám đông)
Vì nguyên liệu vô hạn: Chúng ta có vạn suy nghĩ. Thực ra mỗi suy nghĩ chính là 1 góc nhìn về cuộc sống. Từ chuyện nhỏ nhặt đời thường tới tầm nhìn vĩ mô thế giới, tất cả đều có thể xuất hiện dưới dạng bài viết. Vậy nên chúng ta không cần bận tâm về nguồn ý tưởng.
Khó nhất: 2 đặc điểm khiến nó dễ nhất cũng là thứ cản trở lớn nhất.
Vì quan điểm cá nhân nên sẽ không có bố cục hoặc cách tiếp cận cụ thể như những dạng khác (Bài viết chuyên môn có thể bắt đầu theo trình tự tăng tiến, dễ tới khó,...)
Với góc nhìn, chúng ta phải tự nghĩ ra hướng đi cho mình. Nếu nó không đủ sâu sắc hoặc khác lạ, chúng ta sẽ rất ngượng nếu viết ra những thứ tầm tầm đại trà…
Nguyên liệu vô hạn nhưng trải nghiệm có hạn. Hôm kia khi lang thang Spiderum, mình vô tình đọc bài viết
Và mình ấn tượng với comment này:
Mình thấy khá đúng. Nếu không gia tăng trải nghiệm cả về số lượng lẫn chất lượng, chúng ta sẽ bị bó buộc trong vài suy nghĩ luẩn quẩn. Điều này sẽ hạn chế kiến thức để chúng ta chia sẻ đều đặn.
Nếu nó chỉ mãi chừng đó thì nói hoài cũng hết thôi à.
Vậy với dạng topic chia sẻ quan điểm, để có output (góc nhìn) thì phải bổ sung input (trải nghiệm) một cách đáng kể.
4. Đừng chạy theo đám đông.
Vì chủ đề nào cũng sẽ có người quan tâm.
Từ nhật ký cá nhân tới review sách tới bàn luận nghệ thuật, chia sẻ về blockchain hay thảo luận vấn đề vĩ mô như chiến tranh Nga - Ukraina. Spiderum có mọi thể loại cùng lượng độc giả tương ứng.
Trời sinh voi trời sinh cỏ
*Lạc đề một tí
(Mình còn tham khảo góc nhìn ngành nghề như Marketing, Product Management hay lĩnh vực Crypto trên Siderum , à tranh thủ xíiiiu :>: Mình đang '"available" trong ngành Marketing, level Intern/Fresher tại TPHCM, có anh chị nào hữu duyên thì kết nối giúp mình với ạ :> Mình cảm ơn rất rất nhiều)
Tiếp tục thì việc tiếp thu kiến thức nhờ Spiderum là quyết định sáng suốt cực kỳ. Vì lẽ đơn giản, gần như chỉ có người pro mới dám chia sẻ chuyên môn trên một nền tảng công khai với lượng người dùng lớn. (Không pro cũng có, nhưng qua cách viết thì chúng ta sẽ biết phần nào khả năng của họ rồi, không ổn thì lướt thôi) và viết trên Spiderum không bị TIỀN chi phối. Vẫn có nhiều mục đích cá nhân kèm theo, nhưng không phải viết vì tiền thì tính chất sẽ khác. Đa số bài mình tham khảo đều theo hướng cá nhân hóa, gần gũi và dễ hiểu.
*Mọi người có thể search thử keyword về ngành của bản thân. Đảm bảo sẽ có thứ hay ho. Bác sĩ, kỹ sư, công nhân, lập trình, sales, marketing...ngành nào cũng nhiều bài để tham khảo.
Trở lại vấn đề chính, đừng chạy theo đám đông còn nhờ lý do:
Vì phong cách nào cũng được đón nhận.
Mình biết những người có nhiều suy nghĩ như mình, vài chiếc acc mới đáp ứng đủ nhu cầu bản thân. Mỗi acc sẽ là một phong cách.
Trên spiderum, dễ thấy nhất là việc xưng hô: Cậu, tớ, tôi, bạn, mình,..gì cũng có cùng lối viết hàn lâm hay freestyle, hay bằng tiếng anh cũng có luôn. Điểm chung là: Nó đều được đón nhận, không người này thì sẽ người khác. Nên việc gượng ép bản thân là điều vô ích.
Như mình từng đề cập “Authenticity” - Cái chất thực sự trong mỗi người, cái bản ngã của chúng ta. Nếu như viết là để trải nghiệm cuộc đời thêm lần nữa, thì chẳng lẽ chúng ta lại muốn sống dối lòng thêm lần nữa ư?
5. Càng viết càng thấy mình không biết
Trước đây mình rất tự tin về khả năng truyền đạt của bản thân. Mình trao đổi với bạn bè một cách đơn giản và tự tin. Nhưng khi viết nó ra, chúng ta phải hệ thống hóa lượng thông tin đó. Logic và xúc tích, nhưng cũng phải dễ hiểu cho mọi người đọc.
Hơn nữa, nhờ viết mình đã kiểm chứng câu: “Người khôn ngoan là người biết mình không biết gì”. Mình không khôn ngoan nhưng mình nhận thấy: khi viết ra một thứ, mình sẽ tự phản biện rất căng thẳng vì “Tìm ra rất nhiều mâu thuẫn trong mọi giá trị” - Câu này mình nhận được từ comment trong bài trước. Mình thấy thứ nào cũng có thể bị phản bác lại, mọi luận điểm đều có kẽ hở nên phải tìm cách lấp đầy khoảng trống đó. Có lúc nhiều ý quá thì phải rào trước trong bối cảnh nhất định để tránh lan man hay bị bắt bẻ.
Ví dụ toàn bộ bài này như mình đã ghi - Tư cách người viết. Nó sẽ có phần 2 - Tư cách người đọc.
Cơ mà trước khi ra đời phần 2 đó hoặc nhiều bài khác nữa, với tư cách người viết, mình nhắn nhủ tới chúng ta - người đọc...
Vài lời kêu gọi hành động - Call to action.
Một bài viết dù chất lượng đến đâu cũng là tâm huyết rất lớn của tác giả. Tuy không cần ủng hộ về mặt vật chất, nhưng chúng ta VẪN NÊN ỦNG HỘ VỀ MẶT TINH THẦN (chỉ 3s với nút upvote hoặc comment). Một hành động nhỏ nhưng sẽ tiếp thêm động lực đáng kể cho người viết.
Chúng ta có thể ngẫm lại về ảnh bản thân trên MXH. Với tư cách người tạo nội dung, chẳng phải chúng ta cũng cần đôi sự hưởng ứng đó hay sao? Tuy có thể là like dạo, comment ngắn gọn nhưng CÓ CÒN HƠN KHÔNG. Biết đâu chỉ 1 comment nhưng có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời người khác chẳng hạn...
Vì bản chất con người là hướng thiện, nếu một hành động giúp ích người khác, đó là điều đáng làm - nên làm - cứ làm.
Từ ngày mình tập tành là Sáng-tạo-nội dung (vì không tìm ra cách gọi khác đơn giản hơn). Khi đọc bài viết nào đó, hành động đầu tiên mình thường làm là upvote/like, vì mình hiểu và tôn trọng công sức của tác giả…)
Ngoài ra, nếu chúng ta muốn kiểm chứng khả năng bản thân tới đâu, cứ viết thử điiiii
Tuy không biết sẽ đi xa tới chừng nào nhưng nếu chỉ dừng tại mức “Nếu” thì chúng mãi là “Nếu”. Flop hay viral mình không biết, nhưng cứ làm đi ạ, chắc chắn được hơn mất.
“Được trải nghiệm cuộc đời thêm một lần nữa”
Trên đó là 5 bài học và 2 lời gửi gắm sau hơn 1 tháng lăn lộn cùng Spiderum. Nếu thuận lợi thì phần tiếp theo: "Với tư cách người đọc - Mình tha thiết muốn gì ở 1 bài viết" sẽ sớm ra đời.
Cuối cùng, cảm ơn bạn vì đã dành thời gian đọc tới đây. Chỉ qua bài viết này, chúng ta đã giao nhau dù chỉ một chút trong thế giới 7 tỷ người - Một sự may mắn đến khó tin.
Tiện đây, mình gửi lời cảm ơn tới 62 followers và cả những độc giả thầm lặng khác, cảm ơn vì đã tin tưởng để đồng hành cùng mình trong suốt thời gian qua. Mình đã hoàn thành kỷ luật 2 bài/tuần trong vòng 1 tháng. Thời gian tới, tần suất ra bài chắc sẽ giảm lại vì mình đang dự định phát triển thêm vài thứ…Rất biết ơn các bạn vì đã/đang/sẽ là một phần trên hành trình của mình.
Chúc Spiderum cùng chúng ta sẽ vững bước và phát triển hơn nữa.
Mọi người có thể gặp mình nhiều hơn tại Instagram này. Mình là Becausewecan - Giúp chúng ta cùng tốt hơn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất