Sống - Tiệm cận cái chết - Hạnh phúc vĩnh cửu
Cái chết là tươi đẹp, nhưng ta không cần phải có nó ngay lúc này
Để nói về cuộc sống và cái chết, thì tôi phải chia tư tưởng con người làm 2 loại: Lạc quan và Bi quan
Kẻ lạc quan sợ chết, yêu đời, hay rao giảng về một cuộc đời đáng sống, về tương lai tươi đẹp. Mà chưa một lần nào chứng kiến, cảm nhận được sự đau thương của người bi quan. Nếu ta thử hỏi họ đã trải qua cái chết chưa, hay đã từng muốn chết thực sự chưa ? Họ trả lời là “không biết, không dám thử”.
Trong khi người còn lại không phải thế, họ chỉ thấy cái chết là sự giải thoát tốt nhất. Những gì họ làm là tìm một nơi nào đó thật vắng vẻ để Quyên sinh. Họ ít khi nào nói về cái chết với ai đó. Không một lời cầu cứu nào thốt ra từ miệng, họ đưa ra quyết định bất chợt, chớp nhoáng để có cái chết.

The Suicide - The Walters Art Museum
Có một người bạn tôi quen ngay trên Spiderum, cô ấy trông có vẻ hạnh phúc, tiền bạc không thiếu, gia đình, người thân yên ổn, có công việc ổn định tại Canada mà bao người thèm khát. Nhưng, chỉ vì tình yêu bị phản bội mà cô ấy không thể chịu nổi sự đau khổ ấy. Qua những dòng tin nhắn, những bài viết. Tôi cứ ngỡ cô ấy là người yêu sự sống. Nhưng, cái chết lại là sự lựa chọn tốt nhất, cô tự sát bằng thuốc ngủ đến hai lần và thất bại cả hai. Vậy mà chẳng có ai thông cảm lấy một tiếng, thay vào đó là những sự chỉ trích khi nói rằng cô ấy là một kẻ lệch lạc trong tư tưởng.
Ở đời có mấy ai hiểu được kẻ muốn chết sẽ đi nước cờ gì tiếp theo. Không một người quen, bạn bè và thân nhân nào của kẻ tự sát có thể đoán trước được quyết định của họ.
Vì thế, tôi phải đi tìm cái khao khát sự chết của những kẻ bi quan. Còn hơn là sống cả đời lạc quan rồi rao giảng cho họ: “Điều gì giữ tôi còn sống”
Hãy cùng tôi tham khảo tư tưởng của những triết gia bi quan, cũng như là người có tư tưởng trung dung. Để đi tìm nguyên nhân cốt tủy về việc, con người tại sao lại chấp nhận sự chết dễ dàng đến như vậy.
I. Sự chán chường của con người trong nền văn minh Kỹ Thuật Cơ Khí
Oswald Spengler - triết gia bi quan người Đức có ảnh hưởng lớn về lịch sử trong thế kỷ 20, ông chủ trương chống lại chủ nghĩa lạc quan với câu châm ngôn nổi tiếng: “Chủ nghĩa lạc quan là bọn hèn nhát”
Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm Phương Tây Thời Mạc Vận, Con Người và Kỹ Thuật, đã dự đoán chính xác ngày tàn của Đức Quốc Xã, cũng như cái chán chường của loài người trong thời hiện đại.

Một trong những tác phẩm để đời đã dự đoán chính xác sự sụp đổ của Đế chế thứ 3
Trong tác phẩm cuối cùng của Spengler - “CON NGƯỜI VÀ KỸ THUẬT“ đã chỉ ra rằng:
Ý CHÍ QUYỀN LỰC, BẢN NĂNG SĂN MỒI, BÀN TAY VÀ KỸ THUẬT, CŨNG NHƯ NGÔN NGỮ VÀ HỢP DOANH của loài người đã, và đang đưa tất cả nền văn minh trong lịch sử nhân loại đi đến sự sụp đổ.
Tại thời điểm này, nơi có NỀN VĂN MINH KỸ THUẬT CƠ KHÍ đang thống trị. Con người tạo ra máy móc làm nô lệ thay thế sức lao động. Họ bị nhốt trong môi trường đô thị ngột ngạt, giả tạo, xa rời tự nhiên. Sự đồng điệu thông cảm giữa người chủ và người lao động cũng không còn, vì công việc mà họ làm không mang mục đích rõ rệt như con người lao động chân tay thời xưa. Kết quả, con người coi công việc chỉ là một tai họa.
Tôi nghĩ, sự chán chường mà ông nói đến đang làm căn bệnh trầm cảm trở nên phổ biến, cùng với tỉ lệ quyên sinh ngày càng cao. Mà nguyên nhân chính ở đây là Ý CHÍ QUYỀN LỰC của loài người đang đẩy nền VĂN MINH KỸ THUẬT CƠ KHÍ đến sự chín muồi, và dần dần sụp đổ như văn minh Hy Lạp cổ, Lưỡng Hà, Ai Cập, Maya,...
II. Niềm khao khát đi tìm chân lý.
Nơi đâu có sinh thể, nơi đó có ý chí quyền lựcFriedrich Nietzsche
Ý chí quyền lực hay còn được gọi Ý chí Hùng cường (tiếng Đức: "der Wille zur Macht") là một khái niệm nổi bật trong triết thuyết của Friedrich Nietzsche. Theo ý tưởng này, mục đích duy nhất của hiện sinh là đạt được quyền lực hoặc sức mạnh không nhất thiết là về thể xác mà quan trọng hơn là tâm hồn hay ý chí sáng tạo.
Bất cứ ai trên thế giới này đều khao khát quyền lực, mong muốn có được sự tôn trọng bởi người khác. Điều này được thấy rõ ràng trong đời sống, khi tất cả mọi người đều cố gắng leo lên vị trí cao trong các lĩnh vực mà họ có khả năng đảm nhận.
Cái ý chí ấy không những nằm ở những kẻ có tham vọng, xấu xa, mà còn nằm trong người tốt, những kẻ yếu đuối. Một người kìm chế được dục vọng, cũng tự hào rằng họ là kẻ đức hạnh cao hơn người khác. Kể cả kẻ bất lực trốn tránh xã hội cũng có ý chí quyền lực của riêng họ.
Khi ý chí quyền lực bị dập tắt, con người sẽ tìm đến cái chết
Tuy nhiên, có những kẻ đề cao lý tưởng tới mức đánh đồng sinh mạng với chân lý. Chỉ cần một sự phủ nhận chân lý đó thôi cũng đã đủ bật công tắc của sự quyết tâm tự sát.
Điều này có thể thấy trong lịch sử Hy Lạp, La Mã, khi các triết gia chứng minh chân lý của mình bằng sự chết. Họ không trốn chạy, thay vào đó là tự phán xét cái chết của chính mình. Ví như Nero đã kết án tử cho Seneca và ông ta chấp nhận cái chết bằng cách cắt mạch máu, hay Socrates chấp nhận cái chết bằng thuốc độc ngay sau khi ông bị kết tội bởi chính thể Athen.

The Death of Seneca
Và người thường không khác là mấy, những người như thế đề cao sự nghiệp, tình yêu, chức vụ, tiền bạc, nhan sắc,... những thứ ấy là Ý chí quyền lực. Nếu như ý chí bị phủ nhận bởi xã hội, người yêu, gia đình,... Thì sự đau khổ sẽ kéo đến, bản thân đi về chủ nghĩa hư vô, người đó đánh đồng tất cả mọi giá trị. Vậy là cái chết sẽ được đặt ngang hàng với sự sống. Chỉ trong nay mai, với một ý định bất chợt và táo bạo, người bi quan sẽ từ dã cõi đời này.
III. Bước nhảy vượt qua “tường chắn” để tiến đến “thần nghiệm”
Thế thì cái gì khiến họ thèm khát sự chết ? Đó là sự giải thoát khỏi thế giới khổ đau để chạm tới "thần nghiệm" trong trải nghiệm cận tử.

Ascent of the Blessed by Hieronymus Bosch
Theo Wikipedia:
Một trải nghiệm cận tử ở mức độ cao phản ánh sự bình yên, niềm vui và sự hài hòa, tiếp theo là sự thấu hiểu và các trải nghiệm tôn giáo hay thần bí (Lange, Greyson & Houran, 2004). Những kinh nghiệm cận tử ở mức độ cao nhất bao gồm cả một sự nhận thức về những sự kiện xảy ra tại một nơi chốn hoặc thời điểm khác. Trong số các trường hợp chết lâm sàng mà được coi là dẫn đến một kinh nghiệm cận tử, người ta tìm thấy các nhân tố như: ngừng tim (cardiac arrest), sốc do mất máu sau khi sinh nở hoặc khi biến chứng phẫu thuật, sốc do nhiễm trùng hoặc do quá mẫn cảm, tử hình bằng điện, hôn mê, xuất huyết não (intracerebral haemorrhage) hoặc tắc mạch máu não (cerebral infarction), tự tử, suýt chết đuối hoặc ngạt thở, ngừng thở, trầm cảm nghiêm trọng
Nếu người ta nói thế giới bên kia là thiên đàng và địa ngục. Thì tôi lại cho rằng “thiên đàng” ấy chỉ xảy ra tích tắc vài giây ở trong trí não khi họ tiệm cận sự chết. Và chết là hết, không luân hồi về kiếp sau hoặc là trở về với thiên đàng.
IV. Triết học Đông Tây đều công nhận trải nghiệm “thần nghiệm"
Nishida Kitaro đã nói, trải nghiệm này là kinh nghiệm trực tiếp về thế giới mà không khởi niệm suy tư, không phân biệt chủ thể và khách thể. Cũng như ông đã nói: “Thần” chính là con người hòa hợp với tự nhiên, không còn phân biệt giữa cái TA và KHÔNG TA nữa.
![Karl Theodor Jaspers (tiếng Đức: [ˈjaspɐs]; 23 tháng 2 năm 1883 – 26 tháng 2 năm 1969) là một nhà tâm lý học và triết gia người Đức](https://images.spiderum.com/sp-images/c649b6b0e76b11ed8dcf17dafd3c1ee3.png)
Karl Theodor Jaspers (tiếng Đức: [ˈjaspɐs]; 23 tháng 2 năm 1883 – 26 tháng 2 năm 1969) là một nhà tâm lý học và triết gia người Đức
Karl Jaspers cũng đồng quan điểm khi cho rằng:
“Cũng nhờ lối triết lý theo Bao dung thể, bây giờ ta mới hiểu được ý nghĩa của Huyền niệm. Từ ngàn xưa, ở Trung hoa, Ấn độ và ở Tây phương biết bao triết gia đã phát biểu một số quan niệm tương tự như nhau khắp nơi và trong mọi thời gian, tuy cách diễn tả có khác nhau. Họ nói: con người có khả năng vượt trên sự phân ly chủ thể và khách thể, để tiến tới trình độ đồng hóa hai bên với nhau. Như thế, khách thể cũng bị tiêu diệt và cả chủ thể cũng bị mất hút. Lúc ấy là lúc sự Hữu tuyệt đối mới xuất hiện trong con người. Rồi khi con người thức tỉnh, sự Hữu đó còn ghi lại trong ý thức họ vết tích một ý nghĩa gì sâu thẳm và bất tận vượt trên, mọi ý nghĩa khác. Những ai đã trải qua kinh nghiệm đó, sự đồng nhất chủ thể khách thể kia chính là sự thức tỉnh. Còn nếu cứ ngồi lỳ ở tình trạng phân ly thì phải gọi là một giấc ngủ mê man”
Hay như trong Kito giáo có câu chuyện Trái cấm trong vườn địa đàng. Chuyện kể rằng có một con rắn đã thuyết phục Adam và Eva ăn trái cấm. Việc này khiến hai người có thêm kiến thức, nhưng nó cũng mang lại cho họ khả năng gợi lên những khái niệm tiêu cực và phá hoại như xấu hổ và làm việc ác. Sau đó, Chúa Trời nguyền rủa con rắn và mặt đất. Chúa Trời nói lời tiên tri cho Adam và Eva hậu quả của tội không vâng lời Chúa Trời và trục xuất họ khỏi Vườn Địa đàng.
Dù đông hay tây, các triết gia đều đồng ý với nhau về Thần nghiệm và điều này chẳng xa lạ là bao đối với người Việt chúng ta. Đó là tỉnh thức, giác ngộ, thiền hay trạng thái dòng chảy.
Như vậy, người bi quan không cần phải dùng cái chết để chứng tỏ Ý chí quyền lực cao thượng của mình, cũng như mong muốn có được sự “giải thoát”. Họ có thể thay đổi tư tưởng của chính mình để tiếp tục sống, bằng cách hướng ý chí quyền lực ấy vào bản thân để CHIẾN THẮNG CHÍNH MÌNH như các tu sĩ Phật giáo, hay các nhà Khắc Kỷ đã làm. Các nhà tâm lý học cũng đồng ý với nhau rằng “con người có thể thay đổi” và điều này đồng nghĩa với từ “sám hối” trong Kitô giáo.
V. Trải nghiệm an lạc, giải thoát mà không cần cái chết.
Trải nghiệm cận tử ấy luôn luôn xuất hiện trong thực tại này, và ai ai cũng có thể cảm nhận được. Trong sách Ikigai có nói đến những phương pháp dễ dàng, đó là:
a. Liệu pháp Shoma Morita:
B1. Cách ly và nghỉ ngơi: Con người không được tiếp thu với bất kỳ nguồn gây kích thích nào: Không Mxh, bạn bè, sách, tivi, gia đình. Nằm nghỉ ngơi cả ngày và quan sát nội tâm cho đến khi buồn chán
B2. Liệu pháp vận động nhẹ: Làm việc nhẹ thường xuyên trong yên lặng, vẽ tranh, làm vườn, viết nhật ký – ghi chép lại suy nghĩ trong nội tâm.
B3. Liệu pháp nghề nghiệp: Thực hiện các công việc vận động thể chất, làm việc nặng nhưng vừa sức, kết hợp vẽ tranh, làm gốm, viết nhật ký. Quay lại kết nối với mọi người.
B4. Quay lại với xã hội với tư cách là một con người mới, có ý thức về mục đích, không bị áp lực bởi xã hội và cảm xúc. Hàng ngày thiền định và tiếp tục liệu pháp nghề nghiệp.
b. Ở đây bây giờ, sự vô thường của mọi thứ trong Phật giáo và Khắc kỷ.
“Khoảnh khắc duy nhất mà bạn có thể thực sự sống là giây phút hiện tại,” nhà sư Thích Nhất Hạnh.
Marcus Aurelius nói những thứ chúng ta yêu thích giống như những chiếc lá của một cái cây: Chúng có thể rơi bất cứ lúc nào chỉ với một cơn gió. Ông cũng nói những thay đổi trong thế giới xung quanh chúng ta không phải là ngẫu nhiên mà là một phần bản chất của vũ trụ - thực tế.
Seneca nói với chúng ta: “Tất cả mọi thứ của con người đều tồn tại trong thời gian ngắn và dễ hư hỏng.”
Đời sống là vô thường, không thể đoán trước tương lại đúng như mong đợi. Bạn phải luôn có phương án B thay thế, đó sự chuẩn bị trước về mặt vật chất khi gặp biến cố, thất bại. Mỗi sáng thức dậy phải nhớ rằng, cảm giác lạc quan độc hại là vô nghĩa, bạn nên chuẩn bị tinh thần để đón nhận những điều bất như ý trong ngày hôm đó.
c. Trạng thái “dòng chảy” khi làm việc.
Theo nhà nghiên cứu Owen Schaffer của Đại học DePaul, các yêu cầu để đạt được dòng chảy là:
1. Biết phải làm gì
2. Biết cách làm
3. Biết bạn đang làm tốt như thế nào
4. Biết nơi để đi (nơi có liên quan đến điều hướng)
5. Nhận thức những thách thức đáng kể
6. Nhận thức các kỹ năng quan trọng
7. Không bị sao nhãng
# Kết
Cuộc đời vẫn thế, bản chất con người là tham lam, thèm khát hạnh phúc. Khi ta đạt được thành tựu này thì ta lại muốn thành tựu khác, có hạnh phúc rồi lại tìm hạnh phúc mới. Đi hoài không có điểm dừng vì sợ khổ ải, chán chường. Vậy thì hãy buông lỏng, thả trôi mình vào sự khổ ai đấy và cảm nhận. Đừng phủ nhận nỗi đau, vì còn nỗi đau thì hạnh phúc mới có cơ sở để tồn tại.
Giống như chúng ta trong cuộc thi chạy marathon, cuộc thi ấy làm ta mệt nhọc vì tim đập nhanh, ngực thở dốc, cổ họng khô rát, đôi chân đau đớn. Sau cuộc chạy đó, chỉ cần một chai nước được ai đó trao tay, ta uống cho đã khát, tưới nước lên đầu để hạ nhiệt. Hay là một nhà du hành rão từng bước chậm chạp và sắp chết khát trên sa mạc, con lạc đà chở đầy lụa và vàng bên cạnh anh chẳng còn quan trọng, chỉ còn nước là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời anh ta. Sau đó, một ốc đảo xuất hiện ngay tầm mắt, nhà du hành ấy dùng hết sức bình sinh lao nhanh đến ốc đảo. Cả thân thể của anh lao vào bể nước ấy, rồi tắm táp, rồi uống nước cho căng bụng.
Này người bi quan ơi, hãy nghĩ lại xem, không phải trải nghiệm như thế mới là hạnh phúc tột độ hay sao ?

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Alizz_in_wonderl@nd
Cảm ơn tác giả vì một bài viết hay và để lại cho mình nhiều suy ngẫm..
- Báo cáo

Trường Sở

Không có gì đâu ạ, chúc bạn có một cuộc sống ý nghĩa.
- Báo cáo