Mình muốn viết điều này, không phải để lên án, chỉ trích, hay làm bất kì điều gì tương tự như thế. Mình chỉ muốn chia sẻ với mọi người về những điều mình đã nghĩ, đã trải qua và vẫn còn những vướng mắc trong lòng. Có thể khi viết những điều này, mình đang ở một trạng thái tâm lí không ổn, và có những bất đồng riêng với cha, mẹ nên có thể bị cảm xúc dẫn lối, nhưng cũng hãy thử lắng nghe xem, có bao giờ các bạn có cảm giác giống mình không nhé ?
Mỗi người sinh ra đều có những hoàn cảnh khác nhau và hoàn toàn không được lựa chọn điều đó. Sẽ là rất may mắn nếu cha, mẹ có thể thấu hiểu, chia sẻ với con cái trong suốt hành trình trưởng thành. Việc giáo dục con cái mỗi người sẽ có cách khác nhau, và đến hiện tại mình hoàn toàn tôn trọng mọi cách dạy dỗ con cái (xuất phát từ tình yêu thương) của các bậc phụ huynh, chỉ có điều sẽ có những cách dạy mình đồng tình, có những cách thì không !
nguồn: Báo Hải Dương

Đọc thêm:

Có lẽ mình cũng khá may mắn khi vẫn còn có mẹ đồng hành cho đến tận bây giờ (Ba mình mất khi mình 2 tuổi).Tuổi thơ của mình cũng như bao đứa trẻ khác thôi, trẻ con thì thường vô lo vô nghĩ, và quãng thời gian đó cũng không có gì để nói nhiều, nhưng cho đến hiện tại, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Thời điểm mình cảm thấy có sự thay đổi từ mẹ (thái độ của mẹ) với những việc mình làm là khi mình bắt đầu vào cấp 3. Mẹ luôn tạo cho mình cảm giác mọi thứ mình làm đều cần phải mang lại thành quả nhất định và mang về cho mẹ. Chắc mọi người sẽ nghĩ điều này là hoàn toàn bình thường mà một đấng sinh thành kỳ vọng ở con mình. Nhưng nó sẽ không còn bình thường (ít nhất là đối với mình) khi kết quả không như mong muốn và nó được đón nhận từ mẹ mình với một thái độ vô cùng tiêu cực. Tiêu cực như thế nào thì mình không muốn nói cụ thể, nhưng chắc chắn đối với mình, đó là những thứ đáng để quên đi nhất. Mình không chấp nhận việc ai đó cho rằng đó đơn giản là sự kỳ vọng thái quá của phụ huynh cho con cái, nó chỉ đúng một phần khi con cái không có sự cố gắng trong những việc chúng làm. Còn mình, mình đã cố gắng hết  sức trong khả năng có thể.
Cho đến sau này, khi mình bắt đầu đi làm, khoảng cách giữa mẹ và mình ngày càng lớn. Sau một ngày làm việc căng thẳng ở công ty, mình luôn muốn OT thêm, dù chẳng được thêm gì, chỉ đơn giản là không muốn về nhà và chui vào quả bong bóng không biết lúc nào sẽ vỡ đó. Mình luôn đưa hết số tiền mình kiếm được kể từ khi đi làm cho mẹ và không đòi hỏi gì thêm, mình chỉ mong mẹ có thể hiểu được rằng mình luôn biết ơn và có trách nhiệm với gia đình. Nhưng, những đòi hỏi từ mẹ luôn luôn vượt quá khả năng của mình. Rất nhiều lần mình muốn ngồi xuống và tâm sự với mẹ về những điều mình đang cảm thấy và cần được lắng nghe, và kết thúc luôn là nhưng lời to tiếng nặng nề (tất nhiên là không phải từ mình). Có cha mẹ nào luôn lấy những viễn cảnh tiêu cực nhất ra để nói với con cái mình rằng chúng vẫn còn sung sướng chán, và lấy đó làm lí do để chỉ trích con cái (bằng những từ ngữ vô cùng tiêu cực) vì những kết quả mà chúng đạt được không như mong muốn của họ. Có chứ, đó là ai thì các bạn cũng đoán được đấy. Mình thì luôn biết ơn những gì mẹ làm cho mình, nhưng nếu công việc hay bất cứ việc gì trong cuộc sống của mình không như ý muốn, mẹ luôn lấy những hi sinh của mẹ trong quá khứ ra để tạo áp lực một cách tiêu cực cho mình, khiến mình cảm giác đó như là những "món nợ" mà mình cần phải sống chết làm việc để có thể trả hết. (có thể các bạn nghĩ cảm giác chỉ là bộc phát nhất thời, và mình quá nhạy cảm với từ ngữ, nhưng đối với mình, nó đã kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng và thậm chí nhiều năm, những áp lực từ việc kỳ vọng của mẹ, và lý do luôn luôn là mẹ đã tốn bao nhiêu công sức như thế, nên con bắt buộc phải làm được như thế)
Nguồn: Báo Hải Dương

Đọc thêm:

Việc báo đáp cho cha mẹ, không phải là trách nhiệm, càng không phải sự lựa chọn, mà đó là bổn phận của con cái. Nhưng nếu điều đó đang dần bị thay đổi khi những đứa con không còn coi đó là bổn phận, và việc báo đáp chỉ coi như cho có, để chống đối với cha mẹ, với xã hội thì cha mẹ cũng nên nhìn lại, cách mình giáo dục, chia sẻ với con có phù hợp hay không. Cha, mẹ là đấng sinh thành, là bậc trên của con cái, việc họ lắng nghe những chia sẻ của con là vô cùng quý, nếu có thể hiểu và điều chỉnh một cách hợp lý, chắc chắn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái sẽ không còn, và tình cảm gia đình sẽ càng đáng quý hơn bao giờ hết.
Mình luôn nghĩ, chữ "HIẾU" luôn luôn xuất phát từ tâm, và nếu con cái có thực hiện việc báo đáp cha, mẹ thì cũng nên xuất phát từ đó, bất kể có là báo đáp về vật chất hay tinh thần đi nữa, đó không phải trách nhiệm hay nghĩa vụ mà là điều con cái cần làm và muốn làm cho cha, mẹ. Nhưng cách mà một số bậc phụ huynh cư xử với con cái không khác nào biến những hi sinh "vô giá" của cha, mẹ trong việc nuôi lớn con cái thành những "món nợ" có thể cân đo được. Và rõ ràng con cái vô tình trở thành những "con nợ", mà đã là mối quan hệ giữa con nợ và chủ nợ, thì thường lợi ích sẽ đặt lên trên thay vì tình cảm. Mình nghĩ chẳng có bậc phụ huynh nào lại muốn con mình báo hiếu, mẹ mà lại không xuất phát từ chữ "Hiếu" ở trên cả. Còn nếu có ngoại lệ, thì cũng là những người không đáng để nhắc tới :). Hãy luôn luôn biết ơn, nhưng cũng nên chia sẻ với cha, mẹ để họ có thể hiểu mình hơn, để cả mình và họ đều cho đi và nhận lại được một chữ "Hiếu" đúng với ý nghĩa của nó nhất.

Khi mình viết bài viết này, mình đã cố gắng giảm nhẹ nhất có thể điều mình đã trải qua, nhưng thật sự với một đứa nhạy cảm như mình thì đó là những áp lực rất rất nặng nề. Mình thấy những khó khăn trong công việc hay cuộc sống chẳng thể nào so sánh với những vướng mắc trong lòng. Mình luôn nghĩ cách giải quyết tốt nhất là bắt đầu từ người tạo ra nó, nhưng cách để bắt đầu thì thật sự rất khó. Đây chỉ là chia sẻ cá nhân thôi, và có thể mình đang trong trạng thái không ổn định nên vấn đề có thể bị nhìn nhận sai lệch theo một hướng khác (hoặc có thể không ;)). Nếu mọi người đã từng trải qua hay còn những điều vướng mắc với các bậc phụ huynh, hãy chia sẻ nhé, có thể có ai đó sẽ hiểu và cho các bạn một cách giải quyết.
Chúc các bạn có một tháng 6 nhẹ nhàng !