Mọi người đều biết khoảng tập trung (attention span) của chúng ta đang ngày càng ngắn lại. Nó có đúng như thế hay có gì đó khác?
Trong một thế giới kết nối của mạng xã hội, smartphone và các link liên kết nằm giữa những thứ mà anh em đang đọc, anh em có thể cảm thấy khó tập trung hơn rất nhiều. Và có cả số liệu thống kê nữa: họ nói rằng khoảng tập trung trung bình đã giảm từ 12 giây vào năm 2000 xuống còn 8 giây vào hiện tại. Nó ít hơn khoảng tập trung trung bình 9 giây của cá vàng.
Anh em có thể tìm thấy thống kê này trên các trang báo uy tín như Time, Telegraph, Guardian, USA Today, New York Times hoặc National Post. Hoặc có thể anh em đã nghe một học giả Harvard trích dẫn thống kê này trên đài phát thanh Hoa Kỳ. Hoặc có lẽ anh em đã đọc được nó trong một cuốn sách nào đó về chủ đề quản lý.
Nhưng nếu anh em để ý hơn một chút đến nguồn gốc của thống kê này, thông tin sẽ rất mập mờ.
Tất cả những tài liệu tham khảo ấy đều dẫn đến một báo cáo năm 2015 của một nhóm Consumer Insights từ Microsoft Canada. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 2.000 người Canada và tìm hiểu hoạt động não bộ của 112 người khi họ thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.
Tuy nhiên, số liệu thống kê này không thực sự đến từ nghiên cứu của Microsoft. Tuy nó có xuất hiện trong báo cáo ấy, nhưng dưới dạng trích dẫn từ một nguồn khác được gọi là Statistic Brain.
Google một phát thì dễ dàng tìm ra nơi họ lấy số liệu thống kê này. Trang web Statistic Brain trông cũng khá đáng tin. Thậm chí những người lập ra trang web này còn nói rằng họ “yêu những con số, sự thuần khiết của chúng và những gì chúng đại diện.”
Như để chứng minh điều đó, những người yêu thích số liệu tại Statistic Brain đã cung cấp tất cả các số liệu họ có, nhưng… từ các nguồn rất mơ hồ.
Và khi tôi liên hệ với các nguồn được liệt kê: Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia tại Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, Hãng thông tấn Associated Press thì không tìm thấy bất kỳ hồ sơ nghiên cứu nào chứng minh cho số liệu thống kê này.
Tôi cố liên lạc với ban quản trị của trang web Statistic Brain, nhưng không thành công.
Tôi đã nói chuyện với nhiều người dành cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu sự tập trung của con người, họ cũng không biết những con số thống kê này lấy từ đâu ra.

Tùy thuộc vào nhiệm vụ

Trên thực tế, cái quan điểm cho rằng khoảng thời gian tập trung đang ngày càng ngắn là hoàn toàn sai lầm.
Nữ tiến sĩ Gemma Briggs, giảng viên tâm lý tại Open University, nói: “Tôi nghĩ điều đó không đúng chút nào. Đơn giản vì tôi nghĩ đó không phải là điều mà các nhà tâm lý học hoặc những chuyên gia quan tâm về sự tập trung sẽ cố đo lường hoặc định lượng theo cách như vậy.”
Cô đã thực hiện nghiên cứu về sự tập trung của những tài xế và nhân chứng trong các vụ án, và cho rằng ý tưởng về “khoảng thời gian tập trung trung bình” khá là vô nghĩa. “Nó phụ thuộc rất nhiều vào nhiệm vụ. Mức độ tập trung của chúng ta đối với mỗi nhiệm vụ sẽ khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu của nhiệm vụ ấy là gì.”
Có một số nghiên cứu xem xét khoảng thời gian tập trung đối với các nhiệm vụ cụ thể khác nhau (chẳng hạn như nghe một bài giảng), nhưng ý tưởng cho rằng có một khoảng thời gian điển hình mà mọi người có thể dành sự tập trung vào một nhiệm vụ nào đó là nhảm nhí.
Tiến sĩ Briggs giải thích:
“Mức độ tập trung của chúng ta vào các nhiệm vụ khác nhau phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của mỗi cá nhân trong tình huống ấy.”
“Trong đầu chúng ta chứa nhiều thông tin về những gì thường xảy ra trong các tình huống nhất định, những gì chúng ta dự đoán sẽ xảy ra. Và những dự đoán ấy, cũng như kinh nghiệm của chúng ta, trực tiếp quyết định những gì chúng ta thấy và cách chúng ta xử lý vấn đề trong bất kỳ thời điểm nào.”
Một số người cũng đưa ra giả thuyết rằng thời lượng các cảnh quay ngày càng ngắn trong các bộ phim là bằng chứng cho thấy khoảng tập trung đang giảm dần. Nhưng một nghiên cứu lại chỉ ra rằng việc các cảnh quay ngày càng ngắn là do các nhà làm phim cố thu hút sự tập trung của người xem hết sức có thể.

Một điều trớ trêu thú vị

Có một điều đáng ngờ khác về số liệu thống kê này…
Hóa ra là không có bằng chứng nào cho thấy cá vàng - hay loài cá nói chung - có khoảng thời gian tập trung hoặc trí nhớ ngắn hạn, bất chấp những gì văn hóa đại chúng đang lan truyền.
Tôi đã nói chuyện với Nữ giáo sư Felicity Huntingford, người đã dành gần nửa thế kỷ để nghiên cứu hành vi của cá và vừa thực hiện một loạt bài giảng trước công chúng với tựa đề “Cá thông minh như thế nào?”
Bà nói rằng “Cá vàng có thể thực hiện tất cả các bài học đã được thiết kế cho động vật có vú và chim. Chúng đã trở thành một hệ thống mẫu để nghiên cứu quá trình học tập và sự hình thành trí nhớ, vì chắc chắn chúng có trí nhớ và có khả năng học.”
Bà còn cho biết thêm rằng đã có hàng trăm bài báo khoa học trong nhiều thập kỷ viết về khả năng học tập và trí nhớ của cá vàng. Tôi cũng tìm thấy một tài liệu tham khảo nghiên cứu về trí nhớ của cá vào đầu năm 1908.
Bà nói: “Một loài được các nhà tâm lý học thần kinh và các nhà khoa học sử dụng như một mô hình để nghiên cứu sự hình thành trí nhớ lại chính là loài mang cái danh tiếng này – tôi nghĩ đó là một điều trớ trêu thú vị.”
Tóm lại, cá vàng không có khoảng tập trung hoặc trí nhớ ngắn hạn. Không có bằng chứng nào cho thấy khoảng tập trung của con người đang bị rút ngắn.
Bài dịch từ nguồn: https://www.bbc.com/news/health-38896790
Lời người dịch bài:
Bản thân người dịch bài này, trong khi viết sách, cũng đã từng trích dẫn số liệu thống kê trên. Tất nhiên là trước khi trích dẫn, tôi đã fact check bằng google và thấy nó được nhiều tờ báo uy tín trong và ngoài nước trích dẫn rồi nên rất tin tưởng.
BTV Quỳnh Nga, trong một bản tin thời sự của VTV, đã trích dẫn số liệu thống kê về khoảng tập trung để nói về hiện tượng ưa thích nội dung ngắn của đa số người dùng mạng xã hội hiện nay.