Bài viết gốc của Joshua Coleman trên Aeon
Khi sự thỏa mãn bản thân quan trọng hơn nghĩa sinh thành, dứt bỏ dường như cũng là một lựa chọn đúng đắn
---
“Hai chúng tôi không hay biết điều gì về nó suốt năm năm qua. Cũng đã nghĩ, với đại dịch và vạn sự trên đời giờ này, có lẽ rồi nó cũng liên hệ lại bằng câu 'Ơi, chỉ muốn biết là cha mẹ vẫn ổn. Cho con hay tình hình nhé.' Nhưng không hề có, dù chỉ một lời. Nó không trả lời bất kỳ email nào thăm hỏi về tình hình gia đình, con cái. Chẳng thể nào hiểu nổi.”
Cha mẹ một đứa con 27 tuổi chia sẻ.
Phản ứng của bất kỳ một thành viên nào trong gia đình trước đại dịch cũng soi rọi lên một thực tại đau lòng, rằng có không ít những đứa con trưởng thành không hề muốn một chút dây dưa nào với cha mẹ. Tôi đã viết quyển sách đầu tay về hiện tượng xa lánh đấng sinh thành, Khi cha mẹ gây tổn thương, năm 2007. Tới nay, tôi tiến hành trị liệu, webinar với hàng ngàn bậc cha mẹ bị xa lánh trong và ngoài nước Mỹ, và với khảo sát 1600 người tiến hành cùng Trung tâm Khảo sát ĐH Wisconsin trở thành nền tảng cơ bản cho quyển sách mới nhất, Quy luật của xa lánh: Vì sao con cái trưởng thành cắt đứt mối quan hệ và cách để chữa lành xung đột (sắp ra mắt 2021).
Xa lánh đấng sinh thành là một chủ đề gây nên nhiều quan điểm và cảm xúc mãnh liệt. Nó khiến mọi người nhìn lại trải nghiệm đã qua trong gia đình, xem xét xem họ đã đối đãi với cha mẹ mình công bằng hay chưa; và liệu cha mẹ có khiến con cái thất vọng đến mức đáng phải gánh chịu cái khoảng cách giữa mình với con cái hay sự hằn thù từ con không. Một nhận định phổ biến cho rằng cha mẹ chỉ bị xa lánh nếu từng cư xử sai lầm khi nuôi nấng con thơ hoặc từ đó lâu dài về sau. Quả thật, có vô số những người cha người mẹ đối xử với con theo cách khiến cho sự xa lánh từ con cái họ trở nên hoàn toàn hợp lý, nếu không muốn nói là một giải pháp cần thiết: những người cha người mẹ bạo hành hay bỏ bê con cái; những người phỉ báng, chê bôi bản dạng giới hay đặc điểm tính dục của con cái; những người vẫn tiếp tục nhục mạ con cái dựa trên tín ngưỡng hay quan điểm chính trị của chúng.
Nhưng số khác lại bị xa lánh vì những lý do mà các thế hệ trước không thể nào hiểu được. Chẳng hạn, một đứa trẻ trưởng thành muốn “không tiếp xúc” để tự mình giải quyết “các vấn đề về tương thuộc” được tin rằng đến từ sự “chăm sóc thái quá” của cha mẹ. Hay một cô con gái muốn chấm dứt mối quan hệ vì không sao có thể gột khỏi tâm trí giọng nói âu lo của người mẹ.

Các hoàn cảnh nơi sự xa lánh được xem là có thể chấp nhận được tùy thuộc vào cách các nền văn hóa nhìn nhận về bổn phận của cha mẹ đối với con cái và ngược lại. Các quốc gia khác nhau rõ khác nhau trong các nhận định này. Chẳng hạn như ở Mỹ, suy nghĩ cho rằng xã hội buộc con cái trưởng thành phải thanh toán chi phí săn sóc người cha tuổi về già bị xem là một xâm phạm quyền lợi cá nhân không thể dung thứ. Tuy nhiên, một tòa liên bang tại Đức năm 2014 lại xem hành động ngược lại, từ chối thanh toán chi phí từ phía người con, là sai trái, bất kể chuyện người cha đã chối bỏ người con từ bốn thập kỷ trước và nhượng lại cơ ngơi cho bạn gái của mình. Tương tự, ở Mỹ, người ta sẽ sục sôi tức giận nếu một luật sư xem việc không thăm viếng cha mẹ tuổi già là phạm pháp, nhưng đó lại là điều khoản được nêu rõ trong Luật Quyền lợi người cao tuổi năm 2013 tại Trung Quốc.
Nghiên cứu về hiện tượng con cái xa lánh cha mẹ vẫn còn thưa thớt và tương đối mới mẻ. Vì vậy, rất khó để trích dẫn các nghiên cứu chỉ ra xu hướng này tăng tiến như thế nào theo thời gian hay để đánh giá các mức độ xa lánh khác nhau xảy ra như thế nào ở các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng cha mẹ tại Mỹ thường dễ đứng trước nguy cơ bị xa lánh hơn tại các nơi khác. Chẳng hạn, một nghiên cứu quy mô quốc tế tiến hành năm 2010 trên 2700 bậc cha mẹ trên 65 tuổi cho thấy bậc cha mẹ tại Mỹ có xung đột gần như nhiều gấp đôi với con cái trưởng thành so với cha mẹ tại Israel, Đức, Anh hay Tây Ban Nha.
Tôi tin rằng sự rạn nứt trong các mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trưởng thành tại Mỹ một phần đến từ sự bất bình đẳng xã hội khủng khiếp đè nặng lên các gia đình tại Mỹ, một gánh nặng khổng lồ đôi khi khiến các gia đình tan vỡ. Chưa kể, tỉ lệ ly hôn và sinh con ngoài hôn thú tại Mỹ đôi khi làm suy yếu mối liên kết giữa cha mẹ và con cái, dễ khiến cha hay mẹ trách người còn lại và mang những người mới vào cuộc sống của đứa con nhằm cạnh tranh tài nguyên tình cảm hay tài nguyên vật chất. “Tôi nghĩ cha tôi là một người cha tốt cho tới khi ông ly hôn và bỏ nhà đi,” một cô gái trẻ chia sẻ trong một lần trị liệu. “Dù đã được ông nuôi nấng, tôi cũng không thể thật sự tha thứ điều ông đã làm với mẹ, nên từ đó tới nay tôi không tiếp xúc với ông lần nào.” Trong một nền văn hóa cực kỳ trọng chủ nghĩa cá nhân như Mỹ, ly hôn còn có thể khiến một đứa trẻ xem cha mẹ chúng như những cá thể có ưu và khuyết điểm hơn là một đơn vị gia đình mà cả hai bên thuộc về.
Một số mâu thuẫn còn đến từ cách các gia đình đã đổi thay trong thời gian qua. Các mối quan hệ ngày nay xảy ra trong một nền văn hóa chu chuyển, theo cách mô tả của nhà xã hội học quá cố Zygmunt Bauman, một giai đoạn khi các lề thói thường trực đổi thay và những rường mối trước kia gắn bó các cá nhân với nhau không còn mang nhiều ý nghĩa như trước. Khi những con đường trưởng thành ngày càng trở nên cam go và bất trắc, định hướng về tâm lý thiết yếu để sinh tồn đã thay đổi theo những hướng ảnh hưởng cả cách nuôi dạy con cái lẫn cách về sau chúng nhìn lại quá trình nuôi nấng này. Trước những hạn chế đó, mối liên hệ với cha mẹ ngày càng ít được thôi thúc bởi ý thức về sự tuân tòng hay nghĩa vụ - dù chúng có bất toàn ra sao đi chăng nữa - mà bởi cách cảm nhận về bản thân mà mối quan hệ đó tạo ra. Liệu cha mẹ có hạn chế năng lực của mình? Hạnh phúc của mình? Sự đặc trưng của mình? Nếu vẫn duy trì mối quan hệ, điều này nói lên được gì về bản thân? Cái cảm giác nổi trội đôi khi là Đánh mất cha mẹ để tìm thấy chính mình. “Tôi nhận thức rõ là mình không cần sự căng thẳng ấy,” Robert, một sinh viên tốt nghiệp trường Ivy 28 tuổi chia sẻ. “Nhờ điều trị, tôi đang học cách gắn bó xung quanh mình với những người không khiến tôi thấy tội lỗi vì vắng mặt. Mẹ tôi là người thật sự đòi hỏi và tôi thấy không cần tình trạng ấy trong đời.”
Một khảo sát ở ĐH Harvard năm 2015, 48% người Mỹ dưới 30 tuổi cho rằng giấc mộng Mỹ đã chết. Năm 2018, một báo cáo từ các nhà kinh tế thuộc Cục dự trữ liên bang chỉ ra rằng, bất luận việc thế hệ Millenial là thế hệ giàu học thức nhất từ trước đến nay, “Họ (lại) kém vật chất hơn các thế hệ trước lúc còn trẻ, thu nhập ít, và sở hữu ít tài sản lẫn của cải hơn.” Năm 2018, chỉ có ¼ người Mỹ trẻ tuổi tự nhận mình hạnh phúc - mức thấp nhất từng có theo Cơ quan Khảo sát xã hội, một chỉ số phong vũ biểu về đời sống tại Mỹ tiến hành lần đầu từ năm 1972.
Nhìn chung, người trẻ ngày nay đạt được những chỉ dấu của đời sống trưởng thành muộn màng hơn cha mẹ họ rất nhiều, và cũng không theo một trình tự lớp lang như trước. Sau khi phân tích dữ liệu dân số tại Mỹ, một tờ báo phát hiện ra rằng, trong năm 1960, số lượng người trưởng thành độ tuổi từ 18 tới 34 sống với bạn đời của mình nhiều hơn số sống với cha mẹ; năm 2014, ngược lại, số lượng người trưởng thành sống với cha mẹ lại nhiều hơn số người sống với vợ hoặc chồng mình. Giữa một thời điểm khi các mối quan hệ công việc và cá nhân ngày càng mong manh hơn, khi các chỉ dấu truyền thống về một đời sống trưởng thành tốt đẹp không còn tầm quan trọng như trước - từ một nghề nghiệp ổn định tới một hôn nhân ổn định - chẳng ngạc nhiên mà còn hết sức hợp lý khi thế hệ người trưởng thành ngày nay chỉ tập trung vào thứ duy nhất họ còn kiểm soát được: theo đuổi sự phát triển và thỏa mãn bản thân. Đôi khi sự xa lánh là một phần của cố gắng này.
Theo một nghiên cứu quy mô lớn tiến hành năm 2015 của nhóm nghiên cứu gia đình Lucy Blake, Becca Bland và Susan Golombok tại Anh, những lý do phổ biến nhất được con cái trưởng thành nêu ra là khác biệt về giá trị, những kỳ vọng bất tương xứng về gia đình, và bệnh tâm lý hay bạo hành cảm xúc từ phía cha mẹ. Bạo hành cảm xúc là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất được con cái trưởng thành nêu ra. Dẫn lời một phụ nữ trẻ trị liệu với tôi sau đây:
Tôi lúc nào cũng là một đứa hư hỏng trong nhà. Và chẳng gì thay đổi cả. Mỗi khi tôi phàn nàn hay cố gắng buộc họ thay đổi cách giao tiếp, họ chỉ nói tôi phải trưởng thành hơn và đừng nên nhạy cảm như thế. Họ đối xử với tôi theo những cách mà dù với kẻ thâm thù nhất tôi cũng không chọn làm vậy. Trong suốt thời gian này, tôi nghĩ tất cả lỗi lầm đều do tôi, nên lúc nào tôi cũng thấy tồi tệ về bản thân. Nhưng rồi tôi phát chán với việc bị thao túng tinh thần, và đau đớn này chẳng đáng. Từ khi không còn tiếp xúc với họ, tôi thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Trong thực hành trị liệu, tôi nhận thấy những cáo buộc bạo hành cảm xúc từ đứa con trưởng thành thường lại khiến cha mẹ băn khoăn nhất. Như Robert và Becky, vừa bị xa lánh mới đây, chia sẻ:
Bạo hành cảm xúc ư? Chúng tôi trao cho nó tất cả. Chúng tôi đọc bằng hết mọi quyển sách nuôi dạy con, dẫn nó theo trong những chuyến nghỉ mát tuyệt vời, tham gia hết mọi sự kiện thể thao mà nó tham gia. Muốn biết ai có tuổi thơ bạo hành không nào? Tôi đây. Cha tôi nghiện rượu, thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Từ bỏ mẹ tôi. Tôi sẽ đánh đổi mọi thứ cốt chỉ có một thời thơ ấu như con gái tôi đã từng có.
Một phần nào nỗi hoang mang này có lẽ xuất phát từ khoảng cách thế hệ của việc nên giữ và nên bỏ ai ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Nhà tâm lý Nick Haslam ĐH Melbourne chú ý rằng trong suốt ba thập kỷ qua những hành vi được mô tả là gây tổn thương, bạo hành, đau đớn đã gia tăng khủng khiếp. Một mặt, “ý niệm về bệnh tâm lý”, theo cách diễn đạt của Haslam, đã làm giàu thêm khả năng diễn đạt trải nghiệm của chúng ta và thúc đẩy việc hành xử tốt đẹp và tinh tế hơn từ người khác, trong đó có cả cha mẹ. Ý niệm về bệnh tâm lý cũng giúp các cá nhân tự giải thích với chính bản thân và người khác rành rọt hơn về nhu cầu cắt đứt mối liên hệ với những thành viên trong gia đình gây ra tổn thương với họ. Nhưng mặt khác, việc mở rộng đáng kể những hành vi được cho là gây ra tổn thương, bạo hành hay đau đớn đồng thời tạo ra một sự nới rộng to lớn không kém về các chẩn đoán lâm sàng và bổ sung thêm các biểu hiện hoàn toàn có thể xem là thông thường, dự đoán được của stress hay tổn thương tâm lý.
Trong khảo sát 1600 cha mẹ và ông bà bị xa lánh, tôi nhận thấy, như chính họ cũng nhận thấy, rằng cha mẹ giải thích hành vi xa lánh từ con cái của mình bằng những lý do thường rất khác với những nguyên nhân mà con cái trưởng thành thường nêu. Chẳng hạn, dù có rất nhiều nghiên cứu tiến hành về tác động của cha mẹ nghiện rượu hoặc bị bệnh tâm lý gây ra với con cái, trẻ gặp phải vấn đề tương tự cũng có thể trở nên xa lánh khi không có khả năng chống chọi với những tổn thương gây ra từ đời sống gia đình. Nếu như một số cha mẹ liên hệ việc con cái mình tham gia trị liệu với việc xa lánh, thì số khác cho rằng cuộc hôn nhân của con cái hay khi chúng có con cái gây ra nguy cơ tan vỡ. “Chúng tôi rất gần gũi với con trai cho tới trước khi nó kết hôn,” chuyện hay nghe từ các bậc cha mẹ tôi tiếp xúc trong nghề. “Nhưng vợ nó kiểu như bảo nó phải chọn một trong hai, thế là nó chọn vợ.” 
ảnh từ New York Times
Càng trầm trọng thêm vấn đề, sự xa lánh đôi khi còn giống như một cách để trách cứ cha mẹ cho những hậu quả có thể lý giải thỏa đáng hơn bởi giai cấp, gene, hàng xóm hay vận rủi của đứa con. Trong quyển Túng thiếu (2013), nhà xã hội học Jennifer Silva mô tả chi tiết cách mà nhóm trưởng thành tầng lớp lao động ngày nay đổ lỗi sự yếu kém không thể tìm thấy được một cuộc sống trưởng thành ổn định về phần các gia đình kém êm ấm:
Bệnh lý trong gia đình khiến cả hai giải thích (với chính mình và với người khác) vì sao cả hai không thể đạt được những cột mốc trưởng thành truyền thống cũng như không thể cài ý nghĩa, trật tự và tiến bộ vào các trải nghiệm đình trệ hiện tại… Niềm tin nền tảng cho rằng cha mẹ hoàn toàn và vô điều kiện chịu trách nhiệm phải tạo ra cho con cái một cuộc sống tốt đẹp khiến người trẻ xem xét lại những đặc tính và hành vi cá nhân để tìm kiếm những biểu hiệu yếu kém giải thích cho cuộc sống kham khổ của mình.
Hay như giải thích của nhà xã hội học Joseph E Davis của ĐH Virginia trong email gửi tới tôi: “Trách cứ cha mẹ bạo hành cảm xúc hay không êm ấm tức là đã nhìn nhầm vào một trạng huống xã hội phức tạp hơn nhiều, trong đó cả hai bên cha mẹ và con cái đều thuộc vào.”
Mối liên quan giữa khó khăn hiện tại và hoàn cảnh sinh thành trong gia đình rất dễ hấp thụ từ những rêu rao thường trực các câu chuyện về trị liệu dễ tìm thấy trên các diễn đàn online, sách tự trợ, nhóm phục hồi, các talkshow. Khi hỏi một người trẻ về cảm giác lo âu mãn tính, cô không hề đề cập tới quãng thời gian chạy Uber để trang trải cuộc sống trong lúc theo học đại học, hay khó khăn khi làm mẹ đơn thân đi tìm một dịch vụ chăm sóc trẻ vừa túi tiền cho con mình, hay mối lo về việc không thể học xong tới nơi tới chốn và tìm việc làm. Thay vào đó, cô lại trách cha mẹ về cảm giác âu lo và bất an.
Đổ lỗi cho đấng sinh thành về hiện trạng của con cái đặc biệt bất công khi áp dụng lên giai cấp nghèo, lao động, theo nhìn nhận của sử gia Stephanie Coontz trong quyển Cách ta chưa từng (1992), bởi nghiên cứu chỉ ra rằng các biến động mang tính xã hội của nghèo đói và thất thố càng khiến cha mẹ thuộc nhóm này có ít ảnh hưởng hơn lên con cái nếu so với các nhóm cha mẹ thuộc các tầng lớp khác.
Bất ổn về tài chính và ngôn ngữ nhân quả hiện tại cũng khiến các mối quan hệ gia đình bị xéo giằng trên khắp các giai tầng xã hội khác nhau. “Cái giá chúng ta phải trả cho việc tách rời,” theo nhà xã hội học Marianne Cooper trong quyển Tách lìa (2014), “đó là sự bất bình đẳng kinh tế và bất ổn về xã hội trở thành những cái mà chúng ta trải nghiệm và là hiện trạng của thế giới, thay vì một vấn đề thuộc về xã hội cần phải giải quyết.” Đặt niềm tin vào hiện trạng có thể thu hút những giải pháp thuần túy về tâm lý, hơn là xã hội, nên chắc chắn sẽ thất bại, không thể giải quyết được gì.
Việc nhìn nhận lại thất bại hay bất hạnh của bản thân thường dẫn chúng ta tới văn phòng trị liệu tâm lý. Trong môi trường ngày nay, khi mà các câu chuyện kể về sự tự đứng dậy sau khi tự vấp bẫy chiếm ưu thế, các nhà tâm lý bỗng trở thành các bậc cao tăng đưa ra tiêu chuẩn về đạo đức cho các quyết định xoay quanh việc ai nên giữ và ai nên từ bỏ trong cuộc sống, trong đó có cha mẹ của thân chủ.
Một số người con trưởng thành, thường với sự hỗ trợ từ nhà trị liệu, chỉ trích cha mẹ đã không cung cấp cho mình một bộ công cụ thiết yếu để lèo lái cuộc đời mình. Họ cho rằng, nếu như cha mẹ đã làm tốt nhiệm vụ, con cái sẽ vào đời không hề vướng bận âu lo hay bất an, hoàn toàn được trang bị để đưa ra những quyết định cam đoan một cuộc sống tốt đẹp. Quan điểm này - gốc rễ không chỉ ở Sigmund Freud, mà còn ở John Locke và Jean-Jacques Rousseau - hàm ý muốn nói rằng bản ngã được sinh ra trong trạng thái mẫu mực, không hề có khiếm khuyết hay yếu điểm nào. Theo nhà xã hội học Eva Illouz ĐH Hebrew tại Jerusalem, các câu chuyện điều trị đã trở thành cách chúng ta hiểu về cuộc sống và giải quyết các lưỡng nan tìm kiếm về bản thể. “Thế nào là một gia đình không êm ấm?” bà thắc mắc trong quyển Cứu lấy linh hồn hiện đại (2008). “Một gia đình nơi nhu cầu của một người không được đáp ứng. Làm thế nào ta biết nhu cầu của mình không được đáp ứng khi ta còn bé? Đơn giản là hãy nhìn vào tình trạng hiện tại của bản thân.”
Trước thập niên 1960, các nhà trị liệu đồng tình với nền văn hóa nhấn mạnh sự tuân phục. Thế nhưng các nhà trị liệu ngày nay lại ưa từ bỏ mọi trở ngại đối với thành tựu của cá nhân và trở ngại trước sự tìm thấy hạnh phúc. Trong quyển Mê muội vĩnh hằng (2011), triết gia Pháp Pascal Bruckner viết:
Các xã hội dân chủ có chung một đặc trưng là càng lúc càng chống lại nỗi đau. Tất cả đều thấy chướng ám trước sự hiện hữu và lan tỏa của đau đớn vì không còn có thể cậy vào sự ủi an của Thượng Đế. Theo đó, phong trào Ánh sáng đã tạo ra một loạt những xung đột mà chúng ta vẫn chưa thể thoát ra được.
Ngày nay, các cảm xúc như áy náy vì tội lỗi hay từ chối giúp đỡ người khác lại bị bệnh lý hóa thành “tương thuộc”, “trách nhiệm quá mức” hay “thương quá nên hư”. Các nhà trị liệu đổ lỗi cha mẹ đã quá bày tỏ cảm xúc hay vị kỷ, đúc kết những mức can thiệp của cha mẹ vào đời sống con cái trước kia là chỉ thỏa mãn bản thân chứ chẳng phải biểu hiện của tình thương hay cam kết.
Nhìn từ góc độ này, việc dứt bỏ liên lạc với cha mẹ là cách để thanh tẩy. Là cách nói rằng các giới hạn của cá nhân hoặc tồn tại là bởi cha mẹ hoặc “gây ra” bởi tiếp xúc với họ. Việc này cho phép cá nhân xem sự tự đánh giá bản thân là lý tưởng và không bị hạn chế, khi họ gán các vấn đề của mình với các trải nghiệm thời thơ ấu hay sự thiếu cân bằng não chất thay vì bởi các ảnh hưởng xã hội bao quát hơn.
Chẳng hạn, hãy nhìn Teresa, một cô gái 25 tuổi chơi sáo cho dàn giao hưởng San Francisco (thông tin cá nhân thay đổi để bảo vệ tính bảo mật riêng tư). Suốt thời thơ ấu, mẹ cô luôn can thiệp sâu đậm vào quá trình tập đàn của cô - chở cô đi học và tham dự các cuộc thi âm nhạc, khuyến khích cô tập nhạc từ lúc bé cho tới khi đủ trưởng thành để tự giác tập mà không cần mẹ giúp. Người mẹ mô tả đã theo đuổi khao khát của cô con gái muốn được nhận vào một trường nhạc uy tín và trình diễn cùng một dàn nhạc, cả hai thứ cô con gái đều đã hạnh phúc đạt được. Năm ngoái, Teresa bất thình lình “no contact” sau khi nhà trị liệu cho rằng có lẽ mẹ của cô bị rối loạn nhân cách ái kỷ. Nói với mẹ, Teresa chia sẻ như sau:
Mẹ chẳng quan tâm tới hạnh phúc của con mà chỉ muốn con trở thành một bản sao của mẹ. Con nhận thấy con trở thành một người cầu toàn và không thấy gì là đủ. Nếu như mẹ đã để yên cho con một mình, con sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Ở bên cạnh mẹ làm con nhớ lại suốt ngần ấy năm tháng đã qua.
Công tác điều trị của tôi với gia đình không khẳng định chẩn đoán về người mẹ là đúng. Ấy vậy mà sự can thiệp sâu sắc của cha mẹ trong quá khứ bốn thập kỷ qua lại tạo ra những vấn đề của riêng nó. Trong thực hành điều trị, tôi nhận thấy một số trường hợp con cái trưởng thành xa lánh cha mẹ vì không biết cách nào khác để tách khỏi cha mẹ luôn âu lo và ưa can thiệp ngoài chuyện từ chối họ.
Con cái trưởng thành cũng muốn tạo khoảng cách vì cha hoặc mẹ kỳ vọng sự gần gũi hoặc thỏa mãn nhiều hơn mức chịu đựng của họ. Theo khảo sát Văn hóa gia đình Mỹ (2012), tiến hành bởi Viện nghiên cứu cao cấp về Văn hóa, gần 3/4 cha mẹ có trẻ đang tuổi tới trường cho rằng rốt cuộc họ muốn trở thành bạn tốt của con cái; chỉ 17% bất đồng.
Các thế hệ trước ít bận tâm hơn với việc thể hiện nghĩa vụ và trở thành một người cha người mẹ hiểu biết về khoa học - và theo nhiều cách khác nhau đấy lại là điều hay. Trước thập niên 1960, các bậc làm cha làm mẹ vẫn tham gia duy trì các sở thích riêng, các sinh hoạt xóm giềng, các tổ chức tôn giáo hơn nhiều, theo ghi chép từ nhà khoa học chính trị Robert Putnam trong quyển Chơi bowling một mình (2000). Thế hệ cha mẹ này cũng bỏ ra nhiều thời gian với bạn bè hơn. Ngày nay, bậc làm cha làm mẹ dành nhiều thời gian nuôi dạy con cái hơn bất cứ thứ gì khác.
Đứng từ góc độ này, sự xa lánh đôi khi còn là một cách để kiến thiết một cảm giác về bản thân độc lập với cảm giác do người cha hoặc người mẹ can thiệp sâu định đoạt hay đòi hỏi. Có thể điều này giải thích vì sao tuyên bố “Cha/mẹ phải tôn trọng giới hạn của con” nay là một trong những yêu cầu tôi nghe nhiều nhất của con cái trưởng thành đối với cha mẹ, dù có xa lánh hay không. Mong mỏi được dán nhãn cha mẹ là ái kỷ hay lấn lướt về cảm xúc có lẽ là cách để trẻ trưởng thành ít cảm thấy tội lỗi hơn trước việc chỉ có thể trao lại ít hơn những gì người kia muốn nhận về.
ảnh từ Financial Times
Thế nhưng cha mẹ tại Mỹ cũng lo lắng và can thiệp bởi họ tin rằng đó chính là cách tốt nhất để bảo đảm tương lai của con cái. Trong quyển Tình cảm, Tiền của và Nuôi dạy con (2019), hai nhà kinh tế Matthias Doepke và Fabrizio Zilibotti viết như sau
ở các quốc gia ít có sự bất bình đẳng xã hội như Nhật, Đức và phần lớn các quốc gia thuộc Bắc Âu, cha mẹ hạnh phúc và thoải mái hơn, ưu tiên hơn sự độc lập và sáng tạo của con cái. Ngược lại, các quốc gia như Mỹ, Anh, và Trung Quốc - những nơi có mức bất bình đẳng cao - cha mẹ thường lo lắng và ưa hạn chế hơn, thường được mô tả như những “mẹ hổ” của Trung Quốc hay “cha mẹ trực thăng”.
Bất bình đẳng xã hội là một chỉ số quan trọng bởi nó phản ánh mức độ độc lập cần thiết của người làm cha làm mẹ trước chính phủ hay trước sự lệ thuộc vào người chủ lao động. Trái với quan điểm cho rằng tạo ra một cuộc sống hạnh phúc cho con cái hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ, hầu hết các nền dân chủ công nghiệp hóa phương Tây tin rằng xã hội cần phải giúp đỡ người làm cha làm mẹ, bằng cách cung cấp miễn phí giáo dục mầm non, bữa ăn trưa, hay giáo dục đại học miễn phí hoặc trợ giá từ nhà nước, bảo hiểm y tế, đào tạo và cả hưu trí. Nếu như các quốc gia có sự bất bình đẳng thấp và hỗ trợ lớn thường có chỉ số hạnh phúc cao hơn (mà thực sự là thế thật), một phần không hề nhỏ là nhờ họ có nhiều thứ phúc lợi như vậy giúp cuộc sống vui vẻ hơn.
Chúng ta từng giúp đỡ rất nhiều cho các gia đình tại Mỹ. Nhà khoa học chính trị Jacob Hacker từng để ý rằng “thay đổi lớn về rủi ro” xảy ra trong thập niên 1980 là lúc chính phủ và các tập đoàn chuyển gánh nặng về chăm sóc y tế, học phí đại học và các gánh nặng tài chính khác lên đôi vai của cha mẹ. Trong thời gian này, câu chuyện “Đồng vợ đồng chồng” đã đổi thành “Chính phủ chính là nguyên nhân” và “Tiên trách kỷ hậu trách nhân vì sao vẫn chưa thành công.” Các liên hệ về câu “chọn lọc tự nhiên dành cho những cá thể sinh vật tiến hóa phù hợp nhất” trên truyền thông gia tăng đáng kể vào thời bấy giờ.
Ấy vậy mà đại đa số người Mỹ vẫn còn tin rằng nỗ lực cá nhân và kỷ luật chính là hai yếu tố lớn nhất quyết định thành bại, bất kể bằng chứng đều chỉ ra thực tế ngược lại. Hệ thống niềm tin này tạo ra sự khổ lụy và hoang mang vô bờ bến, cùng với mâu thuẫn còn đang tiếp diễn giữa việc được xã hội gieo vào ta có thể trở thành bất cứ ai ta muốn, và sống trong sự nhắc nhở thường trực rằng ta không phải là con người mà ta muốn. Nó đòi hỏi phải có một giải pháp để giảm bớt quá trình tự nhìn nhận, soi xét bản thân là sai, là đáng xấu hổ. Hậu quả là sự trách cứ. Điều này có thể đặc biệt đúng trong các gia đình trung lưu và thượng lưu, nơi sức ép không ngừng nghỉ phải trở nên giỏi giang hơn bất kỳ người nào khác tạo ra một cơn khủng hoảng và nỗi lo âu nghiêm trọng cho học sinh và sinh viên, thể hiện trong những đầu sách như Lũ trẻ ngày nay (2017) của Malcolm Harris, Cái giá phải trả của đặc quyền (2006) của Madeline Levine, Cái bẫy của chế độ nhân tài (2019) của Daniel Markovits, và Con cừu xuất chúng (2014) của William Deresiewicz.
Trong khi các nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết cơn cái trưởng thành đều vô cùng suy xét trước khi dứt bỏ cha hay mẹ mình, các bậc làm cha làm mẹ lại bất lợi hoàn toàn khi đối mặt với một đứa trẻ sẵn sàng chấm dứt mối quan hệ giữa hai bên. Với đứa trẻ, sự xa lánh được quyết đoạt bởi những tự sự mãnh liệt về tự chủ, cá nhân chủ nghĩa và mưu cầu hạnh phúc - sửa sai và đẩy lùi những con người thuộc về quá khứ đàn áp họ.
Với người cha người mẹ, hoàn toàn không có bất cứ điều tốt đẹp nào. Tất cả đều tiêu cực: tủi hổ vì đã thất bại trước nhiệm vụ trọng hệ nhất trong đời; buồn thương sự mất đi đứa con trưởng thành và lũ cháu; luồng mặc cảm tội lỗi, buồn bã và nuối tiếc.
Cởi bỏ ra khỏi những ràng buộc của định chế chi phối hành vi suốt hàng ngàn năm qua, mối quan hệ gia đình ngày nay được quy định bởi một đánh giá thường trực, không ngừng tiếp diễn dành cho cảm xúc của một cá nhân đối với cảm xúc của người còn lại, dựa trên những nguyên tắc về sự hoàn thiện và khám phá về bản thể. Mối quan hệ này tạo ra tiềm năng cho những triển vọng mới trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trưởng thành, trong đó có thể có các mối quan hệ tích cực: chẳng hạn, các nghiên cứu cho thấy nhiều bậc cha mẹ ngày nay thường gần gũi và thường xuyên tiếp xúc với con cái trưởng thành, một thu xếp mà cả hai thế hệ đều xem là giàu ý nghĩa. Ngoài ra, theo cùng suy nghĩ được phép rời bỏ các cuộc hôn nhân độc hại, con cái trưởng thành cũng không còn buộc phải liên hệ với những bậc làm cha làm mẹ chối bỏ hay gây ra tổn thương tới mình.
Dẫu vậy, khi cắt đi neo đậu các cá nhân ra khỏi các cam kết đã dẫn dắt nhiều thế hệ suốt hàng thế kỷ qua - định nghĩa quan hệ gia đình hoặc là nguồn gốc để hoàn thiện cá nhân và hạnh phúc, hoặc sự ngăn cản sự toàn vẹn của cá nhân - chúng ta đã tạo ra một khả năng biến động và phá hủy cực kỳ to lớn cho từng cá nhân nói riêng và xã hội nói chung. Chúng ta bất chấp nó, và tự gánh chịu hết mọi rủi ro gây ra.
k.