Có phải truyền thông đang giết chết ngành phê bình?
Vậy như thế nào mới là “phê bình chính quy”? Tại sao truyền thông vốn là gốc rễ của ngành phê bình, nay lại tự tay dập tắt nó?
Có hàng tá các nội dung dạng “review”, phê bình và đánh giá đang tồn tại nhan nhản trên các nền tảng truyền thông. Từ phim ảnh, âm nhạc cho tới ẩm thực, bất cứ loại hình văn hóa, nghệ thuật hay giải trí nào đều có thể được đem lên bàn cân để đánh giá. Và đơn vị đưa ra đánh giá chúng cũng có đủ các thể loại khác nhau. Có thể kể đến các đơn vị truyền thông được kiểm duyệt bài bản, những người tung “review bẩn” để câu kéo danh lợi cho bản thân, hay chỉ đơn thuần là những người có ham muốn nói lên cảm nghĩ của chính mình về một điều gì đó.

Việc chúng ta thưởng thức và đánh giá một đối tượng nào đó chưa bao giờ là xấu, nhưng khi bắt đầu dính dáng tới truyền thông thì những ý kiến chủ quan hoàn toàn có khả năng trở thành con dao hai lưỡi, vừa có thể gây hại cho người khác, và cũng có thể gây hại tới chính người đưa ra đánh giá. Sự bùng nổ của truyền thông khiến ai cũng có thể dễ dàng đưa ra nhận định của bản thân, kèm theo việc các nhận định có thể được dễ dàng tiếp cận đã phần nào đó giết chết khái niệm “review” truyền thống.
Vậy như thế nào mới là “phê bình chính quy”? Tại sao truyền thông vốn là gốc rễ của ngành phê bình, nay lại tự tay dập tắt nó?
Thế nào mới là “review” chuẩn?
Theo đúng định nghĩa của từ điển Cambridge, “Review” là “khi nhà phê bình viết nhận định và đánh giá cá nhân của mình về một cuốn sách, một vở kịch, một bộ phim,...”. Còn theo như từ điển Oxford, “review” là “viết một bài đánh giá phê bình để đăng trên báo hoặc tạp chí”. Theo như những định nghĩa này, những bài đánh giá được chọn đăng tải phải tới từ người được chọn lựa một cách kĩ càng, và phải có chuyên môn cao. Có 2 kỹ năng tối quan trọng đối với một người theo ngành “phê bình”. Đó là kỹ năng truyền tải, và chuyên môn về đối tượng mà họ đưa ra nhận định và đánh giá.
Đối với kỹ năng truyền tải, đây là một loại kỹ năng mềm mà ai cũng cần phải có. Nhưng đối với những người theo ngành, tầm quan trọng của nó lại càng được đẩy lên cao. Ngay từ ban đầu, ngành “phê bình” và ngành “truyền thông - báo chí” đã là 2 chủ thể luôn đi đôi với nhau. Đánh giá của một người sẽ chẳng thể có sức nặng nếu như nó không được phổ biến rộng rãi thông qua một phương tiện truyền thông đại chúng nào đó. Và để thuyết phục được công chúng, nhà phê bình phải có kỹ năng truyền tải để cụ thể hóa những cảm nhận và trải nghiệm của cá nhân đến với người khác một cách chi tiết. Sự truyền tải thông tin có thể được thể hiện qua nhiều dạng khác nhau, ngày nay, nó tồn tại chủ yếu ở dạng nói và dạng viết, kéo theo đó là kỹ năng nói và kỹ năng viết của nhà phê bình cũng phải được cải thiện.
Bên cạnh kỹ năng truyền tải, kiến thức chuyên môn là yếu tố phân biệt rõ ràng một “nhà phê bình” thực thụ với một tay “reviewer” mõm. Ví dụ, một người phê bình ẩm thực phải có chuyên môn về… tất nhiên rồi, ẩm thực, bao gồm việc hiểu rõ nguyên liệu cấu thành một món ăn, các hương vị của từng nguyên liệu được chế biến và kết hợp với nhau một cách hài hòa như thế nào, có tôn mùi và vị của nhau lên không, có bù trừ khuyết điểm của nhau hay không,... Cũng tương tự như vậy, một nhà phê bình phim thì sẽ có kiến thức học thuật liên quan tới bộ môn nghệ thuật thứ 7; một “game reviewer” thì nên có một vài kiến thức nhất định về ngành thiết kế Game,… Đó là chúng ta chưa bàn tới một thứ khá trừu tượng là khả năng cảm thụ của người đánh giá, bởi nó là một yếu tố bản năng, chưa chắc tất cả mọi người có thể học và mài dũa theo thời gian.
Tuy nhiên, có những kỹ năng cần thiết để trở thành “reviewer” sẽ không thực sự giúp một người có thể sản xuất một bài đánh giá xuất sắc. Sự đồng cảm và tính sáng suốt cũng là yếu tố quan trọng để có một bài phê bình hay. Tuy vậy, với sự phát triển của ngành truyền thông hiện đại, thật khó để có thể làm ra một bài review công tâm. Bản thân dạng nội dung phê bình đã có tính chủ quan rất lớn bởi nó là cảm nghĩ và đánh giá cá nhân của một người. Nhưng đồng thời nó cũng phải khách quan để đáp ứng được một vài mục tiêu mà bài review đó nhắm tới. Cán cân “chủ quan” và “khách quan” không phải bao giờ cũng có thể nằm ở mức cân bằng, nhất là khi ngày càng có nhiều yếu tố có thể tác động vào cán cân đó.
Review để nhằm mục đích gì?
Có rất nhiều nguyên do để một bài “review” được ra đời. Mục tiêu này phụ thuộc vào đơn vị muốn sản xuất bài đánh giá ấy. Chúng ta nên thẳng thắn với nhau, là những gì được sản xuất từ truyền thông đều được nhắm tới một mục tiêu nào đó, chứ chẳng có ai lên bài để cho vui thôi cả. Tôi sẽ phân loại mục tiêu của một “review” dựa vào cá thể muốn sản xuất bài đánh giá đó.
- Cá nhân người phê bình - Đơn vị truyền thông - Đơn vị được đánh giá
Trong tâm lý học, theo lý thuyết về cấu trúc tâm trí của Sigmund Freud, con người luôn có ham muốn thể hiện cái tôi trong tiềm thức. Ham muốn thể hiện cái tôi của con người được cho là có nguồn gốc từ ID, nơi mà các nhu cầu cơ bản như ăn uống, tình dục, sinh sản và sự thỏa mãn được thực hiện. Tuy nhiên, khi các nhu cầu này không được đáp ứng, nó có thể gây ra căng thẳng và lo lắng trong tâm trí của con người. Bởi vậy, con người có mưu cầu sự tôn trọng và được công nhận từ người khác như một cách để giảm bớt căng thẳng và lo lắng này. Việc đưa ra đánh giá, nhận định và phê bình của cá nhân về một sự vật, sự việc nào đó cho người khác biết cũng là một hành động thể hiện cái tôi cá nhân một cách vô thức. Nói cách khác, tất cả con người theo một cách nào đó đều là một “người đánh giá”, đưa ra những nhận định của mình để khẳng định cái tôi của bản thân. Phát triển hơn là sự nổi tiếng và được công nhận.
Tôi không nói rằng ham muốn nêu lên ý kiến cá nhân là sai, nhưng khi truyền thông bắt đầu phát triển, con người có thể nêu ý kiến công khai một cách dễ dàng hơn, kèm theo đó là những nhận định không chuyên cũng sẽ dễ dàng gây ra cái nhìn sai lệch về thứ mà họ nhận xét. Theo như nhà tiểu luận kiêm nhà phê bình người Mỹ Daniel Mendelsohn, “phương trình đối với các nhà phê bình là Kiến thức + Cảm nhận = Phán xét có cơ sở”. Còn đối với trưởng phòng phê bình âm nhạc của tờ The New York Times giai đoạn 1960-1980, ông Harold C. Schonberg, cho rằng “các bài đánh giá không nhất thiết phải dành cho độc giả, chẳng phải cho nhạc sĩ. Phán xét đúng hay sai không phải việc của nhà phê bình, công việc của họ chỉ đơn giản là bày tỏ ý kiến bằng từ ngữ mà người ta có thể đọc được.”
Từ thuở sơ khai của truyền thông, khi mà người ta vẫn còn tìm sách viết tay và báo in giấy thủ công để đọc những bài đánh giá, các nhà phê bình chỉ được công chúng chấp nhận nhờ vào chất lượng đáng giá và danh tiếng cá nhân của họ. Các nhà phê bình có ảnh hưởng về nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu và kiến trúc thường trình bày đánh giá kèm theo các lập luận của họ trong một cuốn sách hoàn chỉnh rồi được xuất bản, ví dụ như cuốn “Seven Lamps of Architecture" và "The Stones of Venice” của John Ruskin. Nhưng không phải ai cũng muốn, hoặc có thể tiếp cận với các đánh giá hàn lâm như vậy.

Phải đến thời kỳ báo giấy được phổ biến, cũng là lúc mà các bài đánh giá được tiếp cận với đại chúng một cách dễ dàng hơn. Công chúng và các nhà phê bình bắt đầu hình thành mối quan hệ 2 chiều. Các nhà phê bình được phép tự do sử dụng chuyên môn của mình để đánh giá, khẳng định bản thân và xây dựng danh tiếng cá nhân. Còn đại chúng thì muốn đọc các bài phê bình từ chuyên gia để xem góc nhìn của họ có gì khác, đồng thời, để tìm ra những tác phẩm kiệt xuất để tự mình thưởng thức. Cũng bởi vậy mà những chủ thể được đem ra để đánh giá, bằng một cách nào đó, nhận được sự thu hút vô cùng lớn từ đại chúng.
Năm 1952, vở kịch “The Crucible” của nhà văn Arthur Miller bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các nhà phê bình, nhưng doanh số thì tăng vọt nhờ vào những bài chỉ trích được phổ biến rộng rãi bởi truyền thông. Đây chẳng phải trường hợp đầu tiên và duy nhất. Nhưng cũng chính từ những sự vụ như trên, các tòa soạn bắt đầu nhận ra rằng họ có thể “làm kinh doanh” dựa trên các chủ thể này theo nhiều cách khác nhau. Họ sẽ sử dụng các bài phê bình để khiến những tờ báo của họ bán đắt như tôm tươi, người lại, họ cũng có thể “bán” các gói quảng cáo trá hình thông qua các bài phê bình và đánh giá. Bởi vậy, một công ty tìm tới đơn vị truyền thông để book bài đánh giá chưa chắc đã do đơn vị truyền thông ấy làm tốt việc review, mà chỉ để các công ty tối ưu độ phủ cho sản phẩm mà họ muốn quảng bá.

Đối với các đối tượng được đem lên bàn cân, không phải ai cũng được may mắn như vở kịch “The Crucible” kể trên. Tôi xin thử lấy ví dụ trong bộ phim “Ratatouille”, nhân vật nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng Anton Ego là một người khó tính, mang trên mình cây bút cùng những lời đánh giá sắc lẹm. Chỉ cần một lời chê của Anton cũng có thể thổi bay 1 sao Michelin, khiến nhà hàng phải điêu đứng, thậm chí là sập tiệm. Ngoài đời không hề thiếu các trường hợp tương tự. Năm 2003, nhà phê bình ẩm thực Ruth Reichl đã viết một bài phê bình vô cùng tiêu cực tới nhà hàng New York Square Times của đầu bếp Rocco DiSpirito khiến doanh số giảm sút, dẫn đến việc đầu bếp kể trên bị sa thải.

Tất nhiên là chúng ta cần phải suy xét 2 mặt của vấn đề này. Sự tồn tại của các nhà phê bình là cần thiết, bởi phải có đánh giá và nhận định từ người có chuyên môn, các đối tượng được đánh giá mới có thể tìm được hướng phát triển và cải thiện. Người được hưởng lợi lớn nhất luôn là đại chúng và nền văn hóa của thế giới. Nhưng ngược lại, nếu bài đánh giá mang tính triệt hạ sẽ khiến hai chữ “phê bình” mất đi hoàn toàn ý nghĩa ban đầu của nó.
Nhưng đáng buồn thay, là không phải đơn vị truyền thông nào cũng tôn trọng ý nghĩa của “Phê bình”. Họ coi đó là một trong rất nhiều cách để làm kinh doanh thông qua truyền thông. Cách “làm kinh doanh” này tới nay vẫn chưa hề lỗi thời, thậm chí là phát triển mạnh mẽ cùng với công nghệ truyền thông hiện đại, và tạo ra tiềm năng khổng lồ dành cho ngành này.
Truyền thông hiện đại đang giết chết ngành Phê bình?
Như tôi đã nói ở phần trên, công nghệ truyền thông hiện đại đã quá phát triển, các nội dung phê bình và đánh giá có thể dễ dàng được đăng tải lên các nền tảng trực tuyến, và có thể được tiếp nhận bởi bất cứ ai. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí, lên Youtube search bậy một keyword cũng ra hàng tá các nội dung đánh giá. Hay sự nổi lên của các nền tảng đánh giá như Blogcritics, Rotten Tomatoes, Yelp, MetaCritic. Uy tín có, mà từ những người vô danh cũng chẳng thiếu. Chúng không cần phải qua một bộ lọc nào cả, trong khi những bài phê bình chuyên nghiệp truyền thống chỉ được công chúng tiếp nhận bởi kỹ năng chuyên môn và danh tiếng của người đánh giá.

Cũng bởi vậy mà chúng ta mới được chứng kiến đủ các loại câu chuyện trên trời dưới biển về các bài “phê bình” đến từ các Reviewer nửa mùa. Như là 2 safe word khi Review ẩm thực trên TikTok (theo Tều Phạm), là “thanh thanh và không bị ngọt quá”. Hay như đợt trang tin Game IGN đánh giá trò chơi “Spider-Man” ra mắt trên PS4 là “not enough water”. Sự vụ này khiến IGN khốn đốn vì sự phản đối của cộng đồng, để rồi sau đó phải sa thải người viết bài đánh giá thảm họa ấy, và lên lại một bài đánh giá khác hợp lý hơn. Còn rất nhiều các trường hợp trớ trêu khác mà tôi hoàn toàn không muốn chỉ đích danh, như vụ việc một vài Food-Reviewer Tiktok lên video đánh giá triệt hạ các quán ăn vỉa hè mới lên VTV24, hay đơn vị truyền thông P uy tín mang nghi vấn nhận tiền để khen láo phim của diễn viên TT. Tôi nghĩ nguyên do của những vụ việc này đến từ việc các nền tảng số đang quá phát triển để bất cứ ai, dù có chuyên môn hay không, đều có khả năng tự biến mình thành một “reviewer”, phần nào đó đã khiến “phê bình” mất đi vị thế và ý nghĩa vốn có của nó. Và mặt khác, đại chúng cũng đang quá dễ dãi trong việc tiếp nhận các bài phê bình và đánh giá nhan nhản ở trên mạng. Cách đại chúng phản ứng với quan điểm của người đánh giá cũng khác đi bởi truyền thông hiện đại đã bắt đầu có tính 2 chiều. Thậm chí, các reviewer cũng có thể bị công chúng đánh bay sự nghiệp bởi chỉ đơn giản là họ đang làm công việc của mình. Câu hỏi đặt ra hiện tại là…
Vậy nên đánh giá và tiếp nhận đánh giá như thế nào?
Như đã nói ở trên, nội dung đánh giá, trớ trêu thay, là một dạng nội dung vừa phải có tính chủ quan, vừa phải có tính khách quan.
Đã là cảm nhận cá nhân thì mỗi người một khác. Khi đã tìm đến các bài Review, mục tiêu của phần lớn sẽ là muốn xem trước trải nghiệm của những người đi trước để không phí tiền, phí thời gian và công sức của bản thân để cùng trải nghiệm những điều tương tự. Các review có thể cung cấp thông tin hữu ích và giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định đúng đắn về sản phẩm hoặc dịch vụ. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng không phải tất cả các review đều đúng. Nó hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại quan như định kiến cá nhân, tình trạng cạnh tranh trong ngành, và mục đích tiếp thị của các công ty. Do đó, đại chúng nên đánh giá các review bằng cách xem xét các thông tin chi tiết và tính xác thực của chúng. Nên đọc nhiều review từ nhiều nguồn khác nhau để có cái nhìn toàn diện về sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Đồng thời, cũng nên đánh giá các review dựa trên nhu cầu của bản thân, và mục tiêu của loại sản phẩm hay dịch vụ đó. Ví dụ, bạn không thể so sánh một bộ phim hành động phục vụ mục đích giải trí với một bộ phim hàn lâm được mang đi để tranh giải Oscar; hoặc không thể đánh giá một món ăn bình dân rồi đặt lên bàn cân với một món cao lương mỹ vị, để rồi quy chụp nó tốt hay dở được. Điều này đúng không chỉ với đại chúng, mà đúng với cả các Reviewer hiện đại để giữ được tính công bằng và khách quan cho các đánh giá của mình.
Những đánh giá được đưa ra cũng phải dựa trên các Fact của chính chủ thể. Thay vì chỉ đưa ra những phán đoán chủ quan, hãy tập trung vào các chi tiết cụ thể về sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Đồng thời, cần phải đưa ra những lời khuyên mang tính xây dựng để phục vụ mục tiêu tối thượng của việc phê bình, khiến cho các sản phẩm được cải thiện và phát triển, chứ không nên sử dụng thái độ cực đoan để tiến hành triệt hạ các đơn vị cung cấp sản phẩm và dịch vụ.

Dù sao đi chăng nữa, phải nhấn mạnh lại rằng dù có khách quan đến thế nào, một bài đánh giá kiểu gì cũng sẽ có tính chủ quan của người viết trong đó. Đã là ý kiến cá nhân thì tất cả các ý kiến đều nên được tôn trọng. Ngược lại, các nhà sản xuất và các nhà cung cấp cần lắng nghe phản hồi của người tiêu dùng để cải thiện và sửa chữa sai sót và khuyết điểm trong chất lượng của sản phẩm và dịch vụ để hướng tới sự phát triển.
Hãy cùng nhau khiến cho văn hóa phê bình trở nên tích cực và giữ đúng bản chất tốt đẹp nguyên thủy của nó.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này