"Bố yêu quí,
Gần đầy bố có hỏi con, tại sao con cả quyết rằng con sợ bố. Như thường lệ, con không biết phải trả lời bố như thế nào, phần cũng chính vì nỗi sợ đó, phần để lí giải nó sẽ cần phải đi vào quá nhiều chi tiết mà con không thể bao quát hết được dù chỉ một phần khi nói. Và ngay cả bây giờ, khi con đang cố gắng trả lời bố qua thư, thì chắc chắn sẽ vẫn còn thiếu sót nhiều lắm, bởi ngay cả khi viết, nỗi sợ bố cùng những hệ quả của nó vẫn ngăn cản con, và cũng còn vì qui mô của vấn đề vượt quá kí ức và trí lực của con.
Với bố thì sự việc luôn hết sức đơn giản, chí ít là trong những lần bố nói ra trước mặt con, và, trước mặt nhiều người khác, bất kể đó là ai. Đại loại với bố thì chuyện chỉ thế này: Bố đã làm lụng vất vả cả đời, tất cả là vì các con, mà trước hết là vì con. Nhờ bố con được “ăn sung mặc sướng, con được tự do thoải mái học cái gì con thích, con không phải lo miếng ăn, mà nói chung không phải lo bất cứ chuyện gì. Bố không đòi con phải biết ơn, bố hiểu “ơn nghĩa của con cái” lắm, nhưng ít ra bố cũng cần một thái độ đền đáp, một biểu hiện chia sẻ. Thế mà bấy lâu con luôn xa lánh bố, con ở lì trong phòng, với sách vở, với đám bạn hâm hấp, với những suy nghĩ rồ dại. Con chưa bao giờ cởi mở trò chuyện với bố....”

Đây chỉ là một đoạn trích rất nhỏ trong bức “Thư gửi bố” Franz Kafka viết cho Hermann Kafka (tức bố của Franz Kafka) vào năm 1919 khi Hermann tỏ thái độ phản đối quyết liệt trước dự định hôn nhân của con trai ông. Nếu đọc cả bức thư này, mình tin chắc ai cũng sẽ phải nhận định rằng Kafka viết có nghề lắm khi mà ông trách cứ bố mình một cách rất tài tình, ông đổ lỗi cho bố nhưng lại bào chữa ngay lập tức “bố không có một mảy may lỗi lầm nào hết, ngoại trừ việc bố đã luôn quá tốt với con” thế nhưng “bố ơi, chính con cũng hoàn toàn không có lỗi lầm gì cả. Có khả năng là, ngay cả khi con lớn lên hoàn toàn không có ảnh hưởng của bố, con vẫn không thể trở thành người như bố hằng kỳ vọng. Con rất có thể vẫn sẽ trở thành một đứa yếu đuối, sợ sệt, lưỡng lự, bất an… nhưng vẫn là một người hoàn toàn khác con bây giờ và bố con mình đã có thể sống tốt với nhau”. Với mình, trong tác phẩm này, nhiều đoạn Kafka cũng có phần ích kỷ khi trách cứ bố mình thậm tệ như một người không hiểu chuyện (điều này có thể lý giải vì ông viết trong lúc vô cùng tức giận) thế nhưng có một điều mà mình nghĩ người đọc ai cũng sẽ thực sự đồng cảm. Đó chính là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái hay là khoảng cách thế hệ.
Có những ngày ngồi ngẩn ngơ, mình lại nghĩ bố mẹ mình, anh chị mình có lẽ cũng không thực sự hiểu mình, họ biết mình thích sách nhưng họ cũng đâu có biết mình thích sách gì, biết mình thích loại nhạc gì, biết mình muốn có một cuộc sống như thế nào. Ở bên ngoài mình cũng chẳng phải là đứa mồm loa tép nhảy ấy thế nhưng mình cũng chẳng đến mức trầm lặng như khi ở nhà với mọi người. Đôi khi mình cũng lại cảm thấy lo lắng bất an và nghĩ rằng người thân mình chắc sẽ bất ngờ lắm nếu thấy mình ở ngoài khác với ở nhà nhiều. Và mình tin là những bạn trẻ xung quanh mình cũng nhiều người cảm thấy như vậy. Thế thì hóa ra là trong cái thời buổi công nghệ phát triển như bây giờ, chỉ cần một cái click chuột là đã có thể thành bạn của nhau, người trẻ như chúng mình cũng cô đơn lắm. Sống giữa những người thân thương nhất, dành cho mình nhiều sự quan tâm và tin tưởng nhất, chúng mình vẫn thấy lạc lõng vô cùng.
Nhưng mà từ từ đã, Kafka viết thư cho bố vào năm 1919, tức là cách chúng mình gần một thế kỷ, vậy mà mối quan hệ của ông với cha mẹ cũng như chúng mình bây giờ. À..., thế thì có khi chúng mình nên xem xét lại bản thân, rằng chúng mình cũng đã bao giờ thực sự hiểu bố mẹ, anh chị, người thân chúng mình chưa, rằng đã bao giờ chúng mình từng cố tìm hiểu sở thích hay ước mơ ngày bé của bố mẹ là gì chưa. Có người chưa mà cũng có người rồi nhưng chắc hẳn ai cũng sẽ phải đồng tình rằng mình chẳng tìm ra cách gì để xóa nhòa cái khoảng cách giữa bố mẹ và mình cả. Có lẽ bố mẹ mình cũng đã từng thấy cô đơn khi sống cùng với ông bà và cũng có thể bây giờ họ cũng vẫn đang thấy cô đơn khi sống cùng những đứa con của mình. Có những lúc bị bố mẹ, anh chị hiểu lầm, có những lúc lại chẳng thể nào thống nhất cùng một quan điểm, lại có những lúc mình cũng bị tổn thương vì hành động của mọi người, mình đã nghĩ rằng sẽ ngồi ngay vào bàn ghi lại những cái note những dòng chữ nhắn nhủ với mình trong tương lai rằng đừng làm thế với con mình vì ắt hẳn nó sẽ buồn lắm. Nhưng rồi mình lại sợ, sợ rằng vào cái độ tuổi ấy, khi đã làm cha làm mẹ, mình cũng chẳng thế nào khác bố mẹ mình bây giờ, sợ rằng mình cũng lại xa cách với con mình. Ừ thì sợ là đúng rồi vì xóa nhòa cái khoảng cách đấy rõ ràng là một việc vô cùng gian nan khó khăn, nếu không thì ông bà mình, bố mẹ mình cũng đã làm được rồi.
Vậy thì hãy thử nghĩ một cách tích cực hơn đi, việc gì khó quá thì chúng mình bỏ qua, thay vào đó hãy cố làm những thứ mình có thể làm được trong khả năng của bản thân. Chẳng thể kéo khoảng cách giữa các thế hệ lại gần hơn thì chúng mình hãy học cách thông cảm nhiều hơn vậy. Cuộc đời ngắn như thế mà mình tức giận, hờn dỗi, cáu gắt thì cũng hết mất một ngày rồi, còn thời gian nào để trò chuyện, cợt nhả với bạn bè, còn thời gian nào để ăn ngon, ngủ ngon, còn thời gian nào cho những trang sách hay, những bản nhạc tuyệt vời hay những bộ phim xúc động nữa. Thế nên, mỗi khi cảm thấy bực mình vì một ai đó, hãy chịu khó dừng lại một nhịp để kịp lướt nhanh qua suy nghĩ “nếu mình là họ, mình có hành xử tốt đẹp hơn được không”, nếu mà không thì chẳng phải là mình cũng đang bực mình vô lý đó sao, còn nếu mà được thì mình cũng đã kịp nhẫn nại một chút để chọn lựa được cách ứng xử hợp lý rồi.