Đã hơn một năm kể từ bài viết "Để tiếng Anh thôi là ác mộng", mình nhận được khá nhiều lời nhắn của các bạn mong muốn chia sẻ thêm về chủ đề học tiếng Anh. Tuy vậy, bên cạnh việc 2021 là một năm cực kỳ bận rộn của mình, có hai lí do lớn khiến mình ngập ngừng trong việc chia sẻ về chủ đề học tiếng Anh / ngoại ngữ.
1. Những gì mình chia sẻ có tính nguyên lí (principle). Lí do nhiều bạn thấy đồng cảm với những gì mình viết đơn giản vì chúng là những nguyên lí cơ bản của tiếng Anh. Mình chỉ giúp chọn ra những phần thật sự quan trọng và khái quát hóa lại để các bạn dễ hiểu. Mà một khi chúng đã là nguyên lí thì chắc chắn là không có nhiều. Nếu cứ cố gắng gom những thứ mà mình thấy hữu ích để chia sẻ thì sẽ dễ đi vào...
2. Những gì nằm ngoài nguyên lí, thứ mà mình chỉ xem là công thức hay thủ thuật (tips) mà thôi. Và mình thì không muốn sa đà vào những thứ tiểu tiết như vậy. Mục tiêu của mình luôn là giúp mọi người nhìn nhận lại cách học tiếng Anh để hành trình ấy dễ dàng, có nhiều cảm hứng hơn. Khi bạn có tâm trạng thoải mái học tiếng Anh, mọi mục tiêu về điểm số đều nằm trong tầm với.
Tiếng Anh là ngôn ngữ, là một phần của văn hóa. Ta không nên "dán nhãn" nó là một môn học rồi đánh vật với nó, lợi dụng rồi bỏ rơi nó khi đã có được điểm số, bằng cấp mong muốn. Làm bạn với ngôn ngữ, bất kể là tiếng Anh hay tiếng Việt, đều mang lại những lợi ích lâu dài cho bất kì ai.
Do đó, mình quyết định viết bài này để chia sẻ những tư duy bạn nên có khi học tiếng Anh để giúp bạn tiếp thu nó như một ngôn ngữ thay vì chỉ là một môn học. Khác với bài viết trước là những nguyên lí của tiếng Anh, trong đây là những chiêm nghiệm của mình sau khi thử tự học thêm tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Hoa. Tuy mỗi ngôn ngữ mình chỉ học trong thời gian ngắn, chúng giúp mình rút ra nhiều bài học quý giá.

1. Học tiếng Anh như người Anh

Ngôn ngữ là đại biểu cho cách tư duy của một dân tộc. Nó xuất phát từ nhu cầu diễn đạt suy nghĩ, hành xử, và lâu dần biến nó thành một phần của văn hóa bản địa. Khi bạn học sâu vào một ngôn ngữ, bạn sẽ dần nhìn thấy lịch sử của một dân tộc. Ví dụ, Tiếng Anh là sự pha trộn của tiếng Anh cổ, tiếng Latin, tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp, hình thành từ hàng trăm năm bành trướng thế lực của Hoàng gia Anh. Tiếng Hoa là tập hợp của vô vàn chữ tượng hình, phương pháp giao tiếp sơ khai mà hiệu quả giữa các bộ lạc tản mát khắp Đông Á từ ít nhất 6000 năm trước. Bộ lạc này có thể không hiểu bộ lạc kia đang nói gì, nhưng sẽ hiểu họ đang vẽ gì. Các bạn thấy đấy, mỗi ngôn ngữ là kết tinh của một hệ tư duy khác nhau và được bồi đắp theo năm tháng.
Do đó, điều đầu tiên bạn cần làm để học tiếng Anh, hay rộng hơn là học ngôn ngữ hiệu quả, đó là đừng học nó như học tiếng Việt. Mỗi ngôn ngữ đều có nền tảng cơ bản khá giống nhau, nhưng càng vào sâu sự khác biệt trong cách tư duy sẽ càng lớn. Nếu áp cách tư duy của ngôn ngữ này để học ngôn ngữ khác, bạn đang đặt mình vào thế bơi ngược dòng, càng cố càng thấy đuối vì sự khác trong tư duy quá lớn.
Cách tư duy "học tiếng Anh như tiếng Việt" rất phổ biến tại Việt Nam. Nguyên nhân là vì ai cũng phải học tiếng Anh, một thứ có tính nhân văn, theo một cách vô hồn như những môn tự nhiên: công thức và quy tắc. Bạn có bao giờ tự hỏi, liệu trường học ở Mỹ cũng dạy tiếng Anh bằng vô số công thức và quy tắc? Nên là nếu bạn thấy tiếng Anh "khó nhằn" thì thật ra là do cách học của bạn chưa phù hợp mà thôi.
Để học tiếng Anh như một ngôn ngữ, điều đầu tiên bạn cần làm là ngưng học thuộc lòng những công thức, quy tắc của tiếng Anh. Bạn hãy quay về những ngữ pháp cơ bản nhất để hiểu cách người Anh tư duy ngôn ngữ. Ví dụ như câu điều kiện IF hay reported speech (who, which, that, whose,...) đều có thể quy về THÌ để hiểu cách sử dụng chúng. Thử tưởng tượng vô số công thức, quy tắc đều là những nhánh nhỏ của một vài cành cây lớn. Khi nhìn một cái cây, bạn sẽ nhận ra hình dáng của nó nhờ vô số cành nhỏ hay chỉ một vài cành lớn?
Khi bạn nằm vững những nguyên lí cơ bản, hiểu cách tư duy của tiếng Anh, nó sẽ là nền tảng vững chắc để bạn đi đến tư duy tiếp theo trong việc học ngôn ngữ.

2. Dùng tiếng Anh, nghĩ tiếng Anh

Mình để ý có một thói quen mà hầu hết mọi người (kể cả mình ngày xưa) hay làm khi dùng tiếng Anh. Đó là nghĩ câu tiếng Việt trong đầu rồi dịch nó thành tiếng Anh. Cuộc nói chuyện bằng tiếng Anh bỗng trở thành cuộc thi xem ai chia động từ trong đầu nhanh hơn.
Phản xạ "Google dịch" này xuất phát từ tư duy học tiếng Anh như tiếng Việt như ở trên đã nói. Tuy nhiên, nó là một con dao hai lưỡi. Dùng ít, "Google dịch" giúp bạn làm quen từ vựng mới và tăng phản xạ ngữ pháp. Nhưng dùng nhiều và lâu dài sẽ dẫn đến lạm dụng, trở thành một thói quen có hại nhưng khó bỏ. Điểm yếu dễ thấy nhất là bạn sẽ mất thời gian nghĩ câu tiếng Việt trước, rồi từ từ dịch từng chữ trong đầu, sau cùng mới nghĩ ngữ pháp phù hợp. Sự tự tin mà bạn có được sẽ sớm bị thay sự ngập ngừng và lo lắng.
Và quan trọng nhất, nó là "quả tạ" khiến bạn khó sử dụng tiếng Anh hay hơn, hiệu quả hơn. Trong đầu bạn lúc nào cũng phải suy nghĩ tiếng Việt trước thì còn chỗ trống nào mà suy nghĩ cách biểu đạt hay bằng tiếng Anh?
Vậy thì, nếu ta không dùng "Google dịch" thì dùng cái chi để dùng tiếng Anh vừa hay vừa đúng?
Đơn giản thôi. Khi dùng tiếng Việt, ta nghĩ bằng tiếng Việt. Thế thì khi dùng tiếng Anh, ta cũng nghĩ bằng tiếng Anh. Đây là điều cơ bản rất đương nhiên nhưng lại là "điểm mù" của nhiều bạn khi học tiếng Anh. "Nghĩ bằng tiếng Anh" sẽ loại đi bước trung gian phiền phức bạn tạo cho chính mình. Không có "Google dịch" trong đầu, bạn có thể tập trung diễn đạt điều mình muốn nói thay vì nghĩ xem nói thế này có đúng ngữ pháp hay chưa. Nếu bạn còn phản xạ "Google Translate" trong đầu, có hai cách luyện tập để bạn thay đổi.
1. Đọc tiếng Anh nhiều hơn và chỉ cần HIỂU ĐẠI Ý. Vế trước thì khá đơn giản ha. Bạn đọc tiếng Anh nhiều hơn để có thêm vốn liếng (có vào thì mới có ra), đồng thời giúp não quen dần với tiếng Anh. Vậy còn "hiểu đại ý" nghĩa là sao? Nghĩa là khi đọc tiếng Anh, bạn đừng cố gắng dịch từng từ thành tiếng Việt. Bạn chỉ cần đọc lướt qua câu và hiểu đại ý của nó là được. Từ nào không biết hẵng tra từ điển. Hãy cho phép não thả lỏng khi đọc tiếng Anh để từ từ "tắt" phản xạ Google Dịch.
Ví dụ nhé: - Câu tiếng Anh: That vacation has certainly rejuvenated him. - Dịch từng chữ: Chuyến du lịch đó chắc chắn khiến anh ta như trẻ lại. - Hiểu đại ý: Đi chơi về ổng trẻ hẳn ra.
Bớt gắt gao về nghĩa sẽ giúp bạn dần quên đi phản xạ "Google Dịch".
2. Tập nghĩ và nói bằng tiếng Anh, bắt đầu bằng những câu đơn giản. Hãy nhớ lại lúc bạn nói "Good morning" hay "How are you", bạn có nghĩ tiếng Việt trong đầu trước khi nói không? Vì chúng đơn giản và dùng thường xuyên nên bạn có thể dùng tự nhiên mà không cần nghĩ nhiều. "Dùng như phản xạ, không cần nghĩ" chính là mục tiêu của bài tập này. Bạn hãy thử nghĩ bằng tiếng Anh những điều đơn giản hàng ngày như "Today is beautiful" hay "It's raining so hard right now". Baby steps. Nếu được, hãy viết nhật ký bằng tiếng Anh, mô tả lại những điều nhỏ nhặt, đơn giản bạn trải nghiệm mỗi ngày.
Không còn thói quen dùng "Google Dịch" trong đầu, bạn đã sẵn sàng cho bước tư duy cuối cùng để "dùng tiếng Anh như người bản xứ".

3. "Tắm" tiếng Anh

Không, ý mình không phải là đốt bài luận tiếng Anh của bạn rồi rắc vào bồn tắm và ngâm mình theo như các trường phái tâm linh. Ý mình là hãy tạo cho bản thân một môi trường giúp bạn đắm chìm trong tiếng Anh như người bản xứ. Người bản xứ dùng tiếng Anh tự nhiên vì mỗi ngày họ đều "tắm" trong tiếng Anh, cũng giống như chúng ta mỗi ngày đều "tắm" trong tiếng Việt.
Sự thật là nhiều bạn vẫn xem tiếng Anh là một môn học, chỉ đem ra dùng khi bạn làm bài, ôn bài, hay luyện thi. Nhìn tiếng Anh như một môn học thay vì một ngôn ngữ sẽ khiến bạn tự đẩy mình vào những cách học khô khan và nặng tính đối phó. Suy cho cùng, chỉ có khả năng vận dụng tiếng Anh hiệu quả mới giúp bạn trên đoạn đường dài. Điểm số hay bằng cấp chỉ là những thứ tức thời trước mắt.
Ngôn ngữ là một phần của đời sống. Nếu bạn muốn nhanh chóng nâng cao khả năng vận dụng tiếng Anh, việc tạo cho mình một "môi trường bản xứ" để tạo phản xạ ngôn ngữ tự nhiên là điều không thể thiếu. Hãy tưởng tượng thế này. Khi bạn đã hiểu cách tư duy của một ngôn ngữ, có khả năng suy nghĩ bằng ngôn ngữ đó, bạn từ một con khỉ ở trên cạn đã biến thành một con cá sống được dưới nước. Thế thì bước cuối cùng chính là làm quen với môi trường mới, là ao, là hồ, là biển.
Vậy làm sao để tạo một "môi trường bản xứ" cho chính mình?
Trong 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết, có 2 kỹ năng dùng để "tắm" tiếng Anh là Nghe & Đọc. Như mình có nói ở trên, nghe và đọc bằng tiếng Anh thường xuyên là cách bạn giúp não làm quen với ngôn ngữ mới, dần dần trở thành phản xạ tự nhiên khi dùng tiếng Anh. Mỗi kỹ năng khi dùng riêng lẻ đều có hiệu quả, nhưng hiệu quả nhất vẫn là sử dụng kết hợp cùng lúc. Sau đây là một số hoạt động các bạn có thể làm mỗi ngày để "tắm" tiếng Anh một cách tự nhiên.
- Xem phim bằng sub tiếng Anh. Phim nhiều tập hoặc phim hoạt hình là lựa chọn tốt nhất vì hội thoại của chúng thường đơn giản, dễ nghe. Mình từng bắt đầu với series Kungfu Panda. - Nghe/đọc báo bằng tiếng Anh. Hầu hết các trang báo điện tử lớn ở Việt Nam đều có phiên bản tiếng Anh. Theo mình đánh giá, nội dung và format được sản xuất khá chỉn chu và dễ theo dõi. - Thử đọc về một sở thích/thú vui của bạn bằng tiếng Anh. Sở thích/thú vui cá nhân là chủ đề tốt giúp việc đọc/nghe tiếng Anh bớt nhàm chán hơn nhiều, dù ban đầu có thể hơi khó để tìm nội dung phù hợp khả năng tiếp thu. - Xem kênh YouTube TED Education. Xem TED là một lời khuyên ta thường hay nghe. Nhưng TED có thể khá khó nghe cho ai chưa giỏi tiếng Anh. Trong khi đó, TED Education vừa nói chậm, vừa có hình diễn giải và subtitle rất dễ tiếp thu. Và kiến thức ở đây thì vừa nhiều, vừa rất thú vị. - Đọc lại cuốn sách yêu thích bằng tiếng Anh. Mình mua lại bộ Harry Potter và Sherlock Holmes bằng tiếng Anh để đọc. Chúng giúp mình nâng cao rất nhiều về khả năng diễn đạt tiếng Anh.
Như các bạn thấy, việc "tắm" ngôn ngữ không giới hạn trong việc đi tìm người bản xứ nói chuyện, tham gia CLB tiếng Anh, diễn thuyết một mình trước gương. Nó có thể là bất cứ thứ gì gắn liền với cuộc sống hàng ngày của bạn. Để xác định hoạt động phù hợp với bản thân, bạn hãy nghĩ thử có hoạt động nghe-đọc thú vị nào có thể làm hàng ngày, tìm cách chuyển nó sang tiếng Anh và chọn độ khó phù hợp với khả năng.
Hãy nhớ, mục tiêu của việc rèn luyện này không phải để bạn dùng tiếng Anh hay hơn mà là để tư duy tiếng Anh của bạn tự nhiên hơn. Người nghe, người đọc luôn cảm thấy hấp dẫn khi bạn dùng ngôn ngữ tự nhiên, trôi chảy, không phải vì bạn dùng nó hay ho mĩ miều như thế nào.
Tóm lại, nguyên lí để tiếp thu một ngôn ngữ hiệu quả bao gồm nền tảng tư duy chính.
1. Học ngôn ngữ mới bắt đầu từ học cách tư duy ra ngôn ngữ đó.
2. Dùng ngôn ngữ nào, nghĩ bằng ngôn ngữ đó.
3. "Tắm" ngôn ngữ mỗi ngày để vận dụng nó một cách tự nhiên.
Đây là 3 tư duy cơ bản giúp bạn chinh phục ngôn ngữ khác, đồng thời là kim chỉ nam để bạn đề ra phương pháp học phù hợp với mục tiêu và khả năng của bản thân.
Tết Nhâm Dần đã gần kề. Chúc các bạn năm mới khởi sắc trên con đường chinh phục tiếng Anh, hay bất kỳ ngôn ngữ nào bạn đang hướng đến. Piece of cake all the way.
300122