Trong suốt 12 năm mòn đít nhà trường, số lượng học sinh ghét môn tiếng Anh có khi bằng số lượng học sinh 3 môn Toán, Lý, Hóa cộng lại. Rất nhiều lứa học sinh khi trở thành sinh viên vẫn chật vật với môn tiếng Anh. Dù chuẩn đầu ra hiện tại ở hầu hết đại học chỉ là TOEIC 550/990 nhưng nhiều người vẫn không đạt được. Quy đổi sang hệ IELTS thì tương đương 4.0/9.0 điểm. Số điểm tối thiểu để bạn đăng ký du học là 7.5 điểm IELTS. Vậy nên lúc nào các trung tâm luyện thi tiếng Anh cũng đông kín mít.
Nhưng tiếng Anh có thật sự khó đến thế? Mình nghĩ tiếng Anh khó, nhưng nó không khó đến mức nhiều người phải khổ sở học như hiện tại. Nên hôm nay mình chia sẻ một số nguyên lí quan trọng của tiếng Anh mà mình được học cũng như đúc kết từ trải nghiệm bản thân. Nhờ nó, mình đã đạt IELTS 7.5 (Academic) trong lần thi đầu tiên. 

Đọc thêm:

Hãy đi từng bước như khi chúng ta xây một căn nhà.

1. Đặt nền móng bằng THÌ 

Khi bắt đầu bất kỳ một diễn đạt nào bằng tiếng Anh, thứ đầu tiên bạn nghĩ đến phải là THÌ (tense). Nói đến THÌ hẳn là ai cũng nhớ. Nó là một ngữ pháp căn bản để chỉ bản chất thời gian của câu viết/lời nói. Tiếng Anh Có 12 THÌ, chia làm 3 nhóm lớn theo dòng thời gian: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Nếu THÌ là một ngữ pháp căn bản, sao ai cũng mếu xệu khi chia động từ nhỉ? Đây có thể xem là sai lầm lớn nhất khi người Việt học tiếng Anh. 
Ngôn ngữ là sự biểu đạt của tư duy. 
Cách người Việt tư duy ngôn ngữ sẽ khác người Anh. Nên cái sai ở đây là dạy tiếng Anh như tiếng Việt. Trong tiếng Việt, thứ tự tư duy khi bạn muốn biểu đạt điều gì sẽ là chủ từ (tôi, anh, chị, cô, chú,...), rồi tới túc từ (anh ấy, cô ta, chú kia, thầy này,...), cuối cùng mới là động từ (cầm, nắm, chạy, nhảy,...). Từ đó ghép lại mới tạo thành biểu đạt: "Đồng bào có nghe tôi rõ không?" 
Nhưng tiếng Anh thì khác. Người Anh bắt đầu tư duy từ BẢN CHẤT THỜI GIAN của sự việc. Sau đó mới đến động từ, rồi chủ từ, túc từ. Nếu nghĩ theo hướng này, có thể hiểu vì sao danh xưng tiếng Anh không đa dạng như tiếng Việt. Nó là sự khác biệt trong thứ tự ưu tiên. 
Vậy nên để sử dụng tiếng Anh tự nhiên hơn, việc đầu tiên bạn cần làm là NẮM VỮNG 12 THÌ VÀ CÁCH SỬ DỤNG. Biết dùng THÌ gì là bạn đã có 50% điều muốn biểu đạt rồi. Để biết nên chọn THÌ nào, hãy bắt đầu bằng cách trả lời 3 câu hỏi theo thứ tự về thời gian của hành động: Xảy ra khi nào, Có kéo dài không, Có đang diễn ra không.
Ví dụ bạn muốn nói: Biến đổi khí hậu đã diễn ra rõ rệt trong 20 năm qua.
- Xảy ra khi nào? Hiện tại.
- Có kéo dài không? Có, trong 20 năm mà.
- Có đang diễn ra không? Có luôn.
-> THÌ bạn cần là "Hiện tại hoàn thành", hoặc muốn nhấn mạnh tính liên tục thì bạn dùng "Hiện tại hoàn thành tiếp diễn".
Câu bạn nói sẽ là: Climate change has become clear in the last 20 years.
Thay đổi tư duy là không dễ, nhưng bạn đã ý thức được nó thì sẽ được thôi. Cách tư duy này càng có ích khi bạn phải sử dụng câu phức. Nó buộc bạn phải đánh giá các hành động trong câu diễn ra cùng lúc hay trước-sau thế nào. Khi đó, việc chọn THÌ để chia động từ sẽ dễ như ăn bánh. 
Hãy luôn bắt đầu bằng THÌ.

Đọc thêm:

2. Bố trí phòng bằng TỪ NỐI

TỪ NỐI là yếu tố quan trọng để kết nối từ, cụm từ và vế. 
Nối từ >>> I like Netflix and chills. 
Nối cụm từ >>> We all know a CEO who enjoys living in the mountain. 
Nối vế >>> Either we wait till Covid is stopped, or we go now.
TỪ NỐI được chia thành 3 nhóm lớn, sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.
1. Coordination - and / but / or / nor / yet /...
2. Subordination - how / that / who / when / why / whose / which / because / cause / although / though / if / despite / nevertheless / ...
3. Correlation - either ... or / neither ... nor / both 
Nhóm 1 được dùng thường xuyên nhất vì nó dễ quá đi. Nhóm 2 ít được dùng hơn. Còn nhóm 3 thì hầu như mình không thấy người Việt dùng. Đây là điều đáng tiếc, vì sử dụng nhuần nhuyễn từ nối là cách để bạn biểu đạt rõ ý muốn nói/viết.
Nếu chỉ dựa vào các từ cơ bản như and / or / but, rất khó để bạn nói những ý phức tạp. Bạn thường phải dừng lại và nghĩ cách biểu đạt khác, còn người nghe thì thấy bạn cứ ấp úng mãi.
Để tập thói quen sử dụng từ nối, trước hết bạn cần nắm rõ ý nghĩa của mỗi từ. Sau đó bắt đầu đọc tiếng Anh hội thoại nhiều hơn, tập trung vào cách người bản xứ dùng từ nối (đừng cố gắng đọc tiếng Anh học thuật, bạn sẽ dễ nản). Khi đã có "vốn", bạn tập viết nhiều hơn bằng tiếng Anh, từ từ thay đổi and / or / but thành though / despite / nevertheless / however. 
Càng dùng nhiều TỪ NỐI, bạn sẽ càng tự tin. Tập nói cũng là một cách, nhưng khi nói, bạn có ít thời gian suy nghĩ nên dễ mắc sai lầm hơn. Mà bạn thì sẽ muốn xây dựng đà tự tin cho chính mình.
Sau khi bạn đã thuần thục 2 điểm trên, đảm bảo là bạn sẽ có thể tự tin đọc, nghe và giao tiếp với người nước ngoài. Đó là vì bạn đã nắm vững cấu trúc câu để diễn đạt đúng và đủ ý. Nói không ngoa, bạn có thể hàn huyên với họ hàng tiếng đồng hồ. 

Đọc thêm:

3. Trang trí nhà bằng GIỚI TỪ

Sau khi có cấu trúc câu vững chắc, đây là lúc bạn cần đảm bảo diễn đạt ý hiệu quả. Và một yếu tố bạn không thể, không thể, không thể bỏ qua là GIỚI TỪ (Prepositions).
Trong tiếng Anh, GIỚI TỪ có 2 loại chính là dạng đơn (in, on, at,...) và dạng phức (because of, in spite of, apart from,...). GIỚI TỪ thường được sử dụng theo 2 cách: trước cái gì đó (on the wall) & sau cái gì đó (look at her hair). 
GIỚI TỪ luôn đi theo cụm (phrase) bởi vì bản thân nó là từ vô nghĩa. Nếu một ai đó vẫy tay gọi bạn và hét to "IN!", bạn sẽ chẳng hiểu gì phải không? GIỚI TỪ chỉ có nghĩa khi đứng trong một cụm cụ thể. Nếu bạn "học vẹt" nghĩa của GIỚI TỪ như cách dạy truyền thống trước nay thì thường dẫn đến 2 hậu quả: 
1. Bạn không hiểu bản chất của mỗi GIỚI TỪ
2. Bạn không hiểu khi nào nên dùng GIỚI TỪ nào 
Trong tiếng Anh, có đến 150 GIỚI TỪ khác nhau. Đây có thể xem là một trong những ngữ pháp khó khằn nhất trong tiếng Anh. Một ví dụ điển hình:
Cut across, cut back, cut down, cut in, cut out, cut off, cut over,...
Ác mộng của vô số người. 
Tất nhiên, cái gì cũng có cách giải quyết. Phần tiếp theo là những đúc kết của mình về GIỚI TỪ sau khi quan sát và tìm hiểu cách người bản xứ dùng GIỚI TỪ. Có thể chưa 100% chính xác, các bạn có thể góp ý thêm cho mình hen.
Để sử dụng tốt GIỚI TỪ, hãy bắt đầu bằng cách hiểu tư duy của người Anh đằng sau các GIỚI TỪ đơn giản (in, on, at, before,...). GIỚI TỪ thật ra là dùng để thể hiện mối quan hệ của sự vật, sự việc dưới cái nhìn của hình học không gian. 
Tại sao người Việt nói "máy bay trên bầu trời" còn người Anh nói "a plane in the sky"? À thì ra với người Anh, "bầu trời" là một không gian, và máy bay là một vật ở trong không gian đó. 
Nên khi nói đến bản chất của GIỚI TỪ, mình sẽ quy chúng về hình học không gian: điểm, mặt phẳngkhông gian. Dưới đây là một số GIỚI TỪ chúng ta vẫn thường hay sử dụng:
IN - nằm trong một không gian (in the box / the car / the house / the ocean / ...)
ON - nằm trên một mặt phẳng (on the wall / the ceiling / the street / the beach/ ...) 
AT - nằm tại một điểm/vị trí (at 10:00PM, at the store / the moment / the end of the month / ...)
OVER / UNDER - nằm cao hơn/thấp hơn một điểm (over 100 years ago / 200 km) hoặc một mặt phẳng (over the board / the bed / the door)
BEFORE/AFTER - trước/sau một điểm thời gian (before Corona , after the storm, after he came)
FOR - dành cho một điểm cụ thể. Điểm ở đây có thể hiểu theo nghĩa rộng là dành cho một người, sự vật, sự việc, chủ đề,... (for the win / for Chloe / for sure)
OFF - sự biến mất của một điểm cụ thể. Tương tự FOR, nó cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng (I will be off tomorrow / She got off the train / Your opinion is off the topic)
Với các GIỚI TỪ đơn giản khác, bạn hãy hệ thống lại và thử đánh giá nó dựa trên tư duy hình học không gian. Khi đã hiểu bản chất của chúng, bạn sẽ không còn phân vân khi nào nên dùng GIỚI TỪ nào. Quan trọng hơn, khi gặp GIỚI TỪ dưới dạng trạng từ (make over, give in,...) bạn sẽ bắt đầu hiểu vì sao từ đó lại được dùng như thế. Khi đó, dùng GIỚI TỪ nào sẽ đến với bạn một cách tự nhiên.
Vậy đó, từ nền đến cấu trúc rồi điểm xuyết thêm. Bí quyết không có gì ghê gớm. Practice makes perfect. 
Chúc ác mộng sớm thành mộng đẹp.