Buy gold, byeee — Bill Cipher Theory
"Time is dead and meaning has no meaning" - Bill Cipher, Gravity Falls.
Cá voi xanh lá cây lại trồi lên rồi đây :D
Sau hai bài viết, mình đã nhận được rất nhiều lượt ủng hộ và bình luận chúc mừng, động viên,... Cảm ơn các bạn rất nhiều và đội ngũ Spiderum đã chuyển thể hai bài viết của mình lên các nền tảng khác. Bên cạnh những lời chúc mừng vẫn còn một số thắc mắc cũng như ý kiến trái chiều về độ thực hư của những câu chuyện. Mình cũng xác định tinh thần từ trước, khi quyết định truyền tải câu chuyện của mình một cách rộng rãi chắc chắn sẽ có ý kiến hoài nghi. Để giải thích cho việc tại sao mình không hề khắc họa vào những khó khăn hay mất mát, thì mình xin phép trích dẫn một câu nói:
“Những người tích cực sẽ ít khi để ý đến mất mát, mà luôn nghĩ rằng đó là chi phí bản thân tự chi trả cho việc học tập.”
Bản thân mình cũng là người như vậy, các biến cố đó ban đầu với mình cũng rất lớn và nghiêm trọng (mất page, mất tiền, mất các mối quan hệ đáng trân trọng, mất đi bản thân,...) nhưng trải qua nhiều lần, mình đã vượt qua nó nên mỗi khi kể lại mới có thể nói với giọng văn bình thản. Do đó mình sẽ lướt qua những mất mát rất nhanh và nhẹ nhàng. Đây cũng là bài viết trong mục truyền cảm hứng nên giọng văn sẽ tích cực nhiều chút chứ không cần thiết phải nặng nề hay ôn nghèo kể khổ. Ai cũng có khó khăn của riêng mình và chọn nói ra hay im lặng là quyết định của mỗi người.
Thôi vào nội dung chính của bài viết nào :))
Sau khi đăng tải bài viết thứ hai, có ý kiến cho rằng mình có tận 3 đầu 6 tay hay 1 ngày 48 tiếng để cân bằng được toàn bộ cuộc sống cá nhân (Tui cũng ước tui có 48 tiếng/ ngày lắm, nếu được vậy chắc tui ngủ hết ½ ngày cũng không chán. Rất nhiều người cảm thấy khó tin vào câu chuyện của mình khi nghĩ rằng làm sao một thằng nhóc có thể đốt cháy giai đoạn nhanh như vậy được. Bỗng dưng, mình trở thành một người giàu có về thời gian trong mắt người khác.
Ảnh được chụp lại từ kênh Youtube của Spiderum trong video chuyển thể của mình
Vì vậy tiêu đề bài viết này lấy từ chính mình - một người dư giả thời gian trong góc nhìn cùa người khác. Bài viết hôm nay sẽ kể về cách sống của một người bình thường 1 não 2 tay 2 chân nhưng lại có thể vẫn tạo được những điều nghe chừng “khó tin” như vậy. Mình vẫn là người trần mắt thịt, ăn cơm mẹ nấu hàng ngày và hít thở khí giời Hà Nội suốt 21 năm qua. Mình sẽ chia ra các mục học tập, kiếm tiền, giữ tiền, các mối quan hệ cùng các câu chuyện liên quan để chia sẻ về cách mình cân bằng các yếu tố trên và tạo thành con người mình ở hiện tại.

1. Học tập

Hồi lớp 1, mình không nhớ vì sao lại đi thi đội tuyển học sinh giỏi của trường nữa :) Chỉ biết rằng năm đó được giải nhất và nhớ đúng bài cuối cùng trong đề toán là ngồi đếm thẻ xanh thẻ đỏ, xong hỏi xác suất để bốc trúng thẻ vàng hay kiểu đại loại như vậy :) Đến khi mẹ mình nhận được điện thoại thông báo trúng giải và không thể tin rằng con mình lại có thể “siêu nhân” như thế.
Thậm chí trong hai năm đầu tiên đi học, mình còn nhận được giấy khen vượt khó học giỏi :)
Nhưng chính vì sự kiện đó mà sau này mẹ mình đã áp lực và sát sao việc học của mình hơn rất nhiều, mình bất đắc dĩ được uốn nắn vào khuôn phép của một học sinh giỏi. Mỗi tối mình học là cả nhà phải chấp nhận tắt TV đi để mình tập trung học, có khi cả mẹ cũng học cùng mình luôn để mỗi khi bài nào không hiểu mẹ có thể giảng cho mình (cả mẹ và cả cô giáo ở lớp, cô giáo lớp học thêm cùng giảng mà không nhớ bài mới lạ) Và những nỗ lực đó đã đảm bảo thứ hạng của mình ở lớp học luôn trong top đầu, thậm chí có hai năm liên tiếp nhận giấy khen học sinh vượt khó vươn lên học giỏi. Lớp 3, 5, 6 tiếp tục có giải khi thi học sinh giỏi ở trường.
Từ cấp hai đến hết cấp 3 thì mình học không nổi trội như trước nữa nhưng vẫn cố gắng trong top đầu của lớp. Một trong những yếu tố khiến mình chỉ có thể chấp nhận tập trung nghe giáo viên giảng là do mình ngồi bàn đầu :)))))))))) Không phải do mình tự chọn mà giáo viên luôn xếp cho mình ngồi bàn 1 kể từ lớp 7. Thậm chí đến cấp 3 thì cô chủ nhiệm tặng luôn 1 vé ngồi bàn đầu 3 năm học liền nonstop :) Vâng rất tự hào kỉ niệm 5 năm liên tiếp đi học ngồi bàn đầu.
Học ở ngôi trường có cái tên dài nhất Thủ đô "Trường Trung học Phổ thông chuyên chuẩn trọng điểm Quốc gia ... *dài quá không nhớ đoạn còn lại* ... Bưởi - Chu Văn An" là một trong những điều tuyệt nhất. 
Vào đại học, mình cũng phải cố gắng vì học phí đại học rất đắt nữa, không thể để phí tiền và thời gian. Đã đâm lao thì phải theo lao thôi, không thể lùi hay bỏ cuộc được. Mình tự nhận là có thể tiếp thu nhanh (nhưng cũng nhanh quên) Đặc biệt nếu là các môn mình thích thì mình sẽ dành thời gian cho nó và tất nhiên là phải cố gắng môn đó phải được điểm cao chứ không thể để đủ qua môn hay điểm B rồi.
Đi học thì may mắn là có 1 nhóm làm teamwork rất có tâm nên làm bài tập nhóm khá là thuận lợi và cả team biết gồng gánh cho nhau nên điểm nhóm luôn khá cao. Mình cũng có nhóm chơi thân ở lớp nên mỗi khi muốn trốn học hay gì thì vẫn có đứa ghi bài hộ hoặc tóm tắt lại kiến thức để biết cuối kì thi gì và thi như nào.
Điều kiện xét học bổng của khoa mình chỉ cần điểm trung bình của mỗi năm học từ 8/10 trở lên là đã có giấy khen rồi. Còn về xin điểm thì chắc chắn là không vì mình nhận ra các giảng viên dạy mình đều rất rất giàu (hoặc ít nhất cũng hàng khá giả) và có nhiều nguồn thu nhập ở ngoài. Các thầy cô đi dạy vì đam mê chứ mấy đồng bảo hiểm của lũ chíp hôi thì thầy cô lấy làm gì khi ăn chẳng bõ dính răng.
Ngoài đi học, thi thoảng còn thi vài cuộc thi ở trường nữa nên là cũng gọi là có chút thành tựu, cũng là công sức của cá nhóm vì mình nhận ra mình làm ít hơn và làm tạ tấu hài cho các bạn gánh là chính.

Đầu năm học bổng, cuối năm có giải đặc biệt rơi vào người (Năm học 2019-2020)
Như mình kể ở bài viết đầu tiên, mình đã từng rất ghét và rất sợ trường đại học, nhưng giờ mọi thứ đã ổn hơn rất nhiều và tất nhiên mình sẽ cố gắng nốt năm cuối ở đây để có một cái kết trọn vẹn.
Và khi lên đại học mình không phải ngồi bàn đầu nữa.
Trên đây mình nghĩ tóm tắt đầy đủ các ý chính về cân bằng học tập. Mình sẽ dành 1 bài cụ thể hơn để chia sẻ về câu chuyện đi học sau nhé.

2. Quản lý page + bán hàng

Mọi người nghĩ rằng quản lý nhiều page thì sẽ phải tốn rất nhiều thời gian nhưng với những người làm quen thì chắc chắn sẽ đồng ý với quan điểm của mình – bận thì có bận nhưng không phải là chiếm hết thời gian của cả một ngày. Như hồi cao điểm thì một ngày mình chỉ up bài trên 3-5 page thôi chứ không phải hôm nào cũng đăng bài lên cả 20 page. Những page bé và mình thấy không quan trọng lắm tuần mình đăng khoảng 3 bài nhưng với các page quan trọng hơn thì mình sẽ cố gắng để ra được nội dung mỗi ngày. Trong năm học thì có những lúc mình không có thời gian nên sẽ ngừng đăng trong một đến hai tuần. Tuy nhiên trong thời gian nghỉ hè thì mình cố gắng để 4 bài/ ngày cho đúng tiến độ nhưng mỗi bài vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn ảnh đẹp, nét và tương tác cao. Mình luôn tự tạo áp lực cho các bài đăng, sau 3 tiếng không đạt nổi 2000 like (với các page có từ 50.000 like trở lên) mình tự động xóa bài :) Có thế vì phương pháp hơi dã man như vậy nên mình dã xây được page chất lượng mà không cần tốn đồng nào để quảng cáo hay câu tương tác và người theo dõi page là người thật fan thật.
Luôn cố gắng xây page bằng like thật và nói không với Facebook ads (Thực ra cũng có dùng được đâu vì FB khóa luôn tài khoản quảng cáo của mình rồi :)
Mình làm các page về phim ảnh, hoạt hình và meme là chủ yếu. Để kiếm ảnh đăng bài thì mình tìm trên mạng, đôi khi muốn lấy ảnh phù hợp với content thì mình phải nhớ lại chi tiết từng tập hoặc nội dung cảnh nào mình muốn lấy để tìm cho nhanh. Thế nên phải xem lại kha khá để sau còn cần dùng thì nhớ tập nào đoạn nào mà lên cap lại màn hình lấy ảnh về. Mình lưu sẵn ảnh nguyên liệu trong máy nên là có gì cũng tìm được luôn, có thời gian bộ nhớ có hạn mà mình thì lưu quá nhiều ảnh nên thậm chí còn phải xóa bớt. mình cắt ghép ảnh ngay trên điện thoại, hoặc máy tính bảng nên kể từ khi ra ý tưởng đến cắt ghép ảnh, thêm thắt chữ và đăng lên page thường không quá 15’. Hồi đó xem rất nhiều các page trend hoặc các nội dung tương tự để có thêm ý tưởng và cảm hứng cho việc đăng bài nữa.
Sau này mình cũng có một nhóm cộng tác viên giúp mình đăng bài và quản lý các page dần dần mình giãn được công việc chăm page ra vì đã có thêm người giúp đỡ. Đến bây giờ vẫn giữ liên lạc với kha khá các nhóc giúp mình trước kia (cảm ơn các nhóc nhiều nhé :D )
Bonus là đến tận cấp 3 gia đình vẫn quản mình rất chặt (bố mẹ đưa đi đón về, ngoài đi học trên trường thì đi học thêm rồi về nhà) Cuộc sống của mình xoay quanh ba địa điểm đó cùng một chiếc điện thoại và một cái máy tính bảng để làm meme và quản page. Lâu lâu thì được đi chơi với bạn thì xin được 100 – 200k và tuyệt nhiên là luôn về nhà trước 7 giờ tối :)))) Nếu đi lâu hơn phải khai rõ đi đâu làm gì đi với ai, về trước 9 giờ không thì ngủ đường, lâu lâu phải gọi về nhà một lần để thông báo mình còn sống chứ chưa bị ai bế đi bán nội tạng :)
Cho đến lớp 12, phải đến học kì 2 gia đình mới bắt đầu “thả cửa” cho mình tự do hơn. Có thể nói trong quãng thời gian cấp ba, thời gian mình dành nhiều nhất và luôn làm khi rảnh là chăm page. Điều đó giúp mình phần nào tạo nên thành công sớm ở đại học sau này.
Mình bắt đầu bán hàng trên page từ cuối học kì 1 năm lớp 11 nhưng những cú hit lớn hơn rất nhiều phải mãi đến khi mình vào năm nhất đại học mới xuất hiện.

3. Kiếm tiền

Như mình kể ở bài viết trước, mình đã trải qua kha khá các công việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập (vẽ dạo, bán bánh, bán cây cảnh, bánh sách truyện, làm mẫu ảnh dạo, làm slide powerpoint thuê,..). Nhưng những công việc nổi bật nhất kiếm ra tiền cho mình đến từ bán hàng trên page, tiết kiệm và đầu tư.
Mình bán hàng trên page, mình đăng bài hàng ngày nhưng cách thức bán hàng mình áp dụng có chút đặc biệt. Như ở bài trước mình đã đề cập về Tokago – Đơn vị đặt in áo phông và các sản phẩm theo nhu cầu khách hàng. Nói nôm na là bên mình sẽ đăng bán các mẫu áo và chốt số lượng theo order của khách chứ không sản xuất trước. Vì vậy giảm thiểu tối đa hàng tồn kho cũng như sản xuất thừa. Những đợt order của mình thường sẽ gói gọn trong 1 tuần để người xem trên page có thời gian đăng kí thông tin và đặt hàng trước. Và thông thường một tháng mình chỉ cần chạy một chiến dịch là đủ. Nếu như có các sản phẩm đủ hot và đang tạo trend trên thị trường thì mình sẽ cố gắng chạy càng nhiều chiến dịch càng tốt (có sự giúp đỡ của Tokago nữa)
Mọi người có thể làm thử phép tính nhỏ 200k nhân với 9000 sẽ ra bao nhiêu nhé (Số liệu từ 2019)
Cạnh tranh thì rất ít hoặc hầu như không có ở thời gian đầu, vì mỗi page mình làm luôn có tập khách hàng riêng biệt và bởi vì họ là fan, là những người like page thật thì việc bán hàng rất nhàn vì không phải câu tương tác hay quảng cáo bài. Và mình chấp nhận làm cộng tác với các bên khác chứ không tách ra làm riêng (rõ ràng nếu tự kiếm được xưởng may ngoài thì giá nguyên liệu rẻ hơn mà giá bán giữ nguyên -> thu nhập của mình cao hơn) nhưng mình không chọn cách đó vì nó sẽ tốn nhiều thời gian và công sức (Giải thích ở bài viết trước là khi cộng tác mình chỉ cần đăng bài và phản hồi tin nhắn, nếu ra làm riêng thì bản thân sẽ phải quản lý toàn bộ từ khâu kiểm đơn, xác nhận, sản xuất, đóng gói và vận chuyển,...) Thay vì tự làm cá nhân, mình chấp nhận cộng tác với bên kia để đảm bảo lợi nhuận mà vẫn có thời gian rảnh làm các việc khác.
Nhờ hợp tác chung với Tokago, mình đã có thêm thời gian để tự bán hàng riêng trên Giao hàng tiết kiệm (từ hè 2017) và một nhà bán nhỏ trên Shopee (từ 2020 trở đi)
Hè 2020 mình tham gia thị trường chứng khoán. Mình có tham gia một khóa học nhưng nói thật là hồi đầu mình không dám chơi mạnh tay, chỉ mua 10-20 cổ. Đến cuối năm 2020 mới bắt đầu tăng vốn lên 50M trong tài khoản và bắt đầu mạnh dạn chơi hơn, cho đến bây giờ, trải qua vài phiên “đu tàu lượn cùng hosino” (nickname của sàn chứng khoán hose) thì mình cũng có chút cứng tay và kinh nghiệm sau gần một năm sống sót ở thị trường đang uptrend này.
Mình vẫn chưa chạy chiến dịch mới nào trong năm 2021 mà từ đầu năm đến nay, thu nhập chủ yếu của mình đến từ chứng khoán và đầu tư các khoản khác (lãi tiết kiệm, vàng,...)
Người chơi hệ tay mơ với phong cách tâm linh.

4. Tập giữ tiền

Một điều hiển nhiên ai cũng biết đó chính là kiếm tiền đã khó, giữ được tiền lại còn khó hơn rất nhiều. Và mình - một người đã phải tiêu kha khá trước khi mới thấm thía câu nói trên, mới bắt đầu tính toán và nghiêm khắc hơn với cách chi tiêu của mình.
Trong khoảng thời gian đầu khi kiếm ra tiền, mình đã mất kiểm soát thu chi khi kiếm được bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu. Tiền lương vừa về thì xác định tiêu không lối thoát và ăn gì chơi gì là tiêu hết tiêu bằng sạch :))) Thậm chí đến khi học năm nhất đại học mình vẫn tiếp tục kiếm đươc bao nhiêu tiêu bấy nhiêu và đến một khoảng thời gian nào đó mình nhận ra cách tiêu tiền của mình có vấn đề và chắc chắn mình sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu tiếp tục giữ thói quen chi tiêu này.
Tháng 1 2019 mình bắt đầu tự lập sổ thu chi trên trang tính và ghi lại thu chi hàng ngày. Thay vì dùng app hay các bảng tính có sẵn, mình tự làm một bảng tính riêng của mình để chủ động theo dõi cũng như chỉnh sửa. Mỗi ngày chỉ mất 5-10’ để ghi lại những thứ mình đã tiêu trong một ngày và trong ví còn lại bao nhiêu tiền. Cứ thế cuối tháng tổng kết tổng chi tiêu và thống kê xem mình tiêu vào mục nào nhiều nhất (đồ ăn, di chuyển, sở thích, học tập...) Do đó mình có cái nhìn tổng quan hơn về chi tiêu và sẽ biết nên cắt giảm yếu tố nào không thực sự cần thiết để có thể tiêu ít hơn vào các tháng sau. Tương tự như vậy, mình làm một bảng thống kê các nguồn thu nhập và biết rằng đâu là nguồn thu nhập tiềm năng mình có thể dành nhiều thời gian để kiếm nhiều hơn và chủ động đặt ra các mục tiêu cho phù hợp với bản thân.
Duy trì thói quen quản lý chi tiêu và ghi lại một cách chi tiết để có thể biết mình đã tiêu bao nhiêu và tiêu những gì.
Tháng 5 2019 mình mở tài khoản tiết kiệm đầu tiên và trong đó là tất cả số tiền mình tích cóp được sau khi đã bắt đầu chi tiêu khoa học hơn. Mình để một sổ tiết kiệm to thời hạn 6 tháng và một sổ tiết kiệm nhỏ hơn kì hạn 1 tháng, để phòng khi có trường hợp cần thiết có thể rút ra được và mỗi khi có lương mình sẽ lại gửi vào sổ nhỏ và đến khi khoản tiền ở hai sổ kha khá bằng nhau thì mình lại chuyển gần như toàn bộ từ sổ nhỏ sang sổ to và tiếp tục vòng lặp như thế.
Một chiếc gợi ý nhẹ cho SCB với lãi suất cao hơn so với mặt bằng chung khi gửi tiết kiệm.
Đến năm 2020, dịch bệnh và lãi suất các ngân hàng giảm mạnh khiến mình phải tìm sang những ngân hàng có lãi suất cao hơn tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ. Mình quyết định tìm hiểu thêm về vàng và chứng khoán (như đã đề cập ở trên). Tính từ mùa hè 2020 trở đi, mỗi tháng mình luôn cố gắng mua vào ít nhất từ 1-2 chỉ vàng. Cách mua trung bình theo tháng như này đã giúp mình tránh được những lần giá vàng lên đỉnh như hồi lên 62M/ lượng (năm 2020) và vẫn đảm bảo mình sẽ tích cóp được số tài sản lớn dần theo thời gian. 
Chia đều trứng ra các giỏ khác nhau
Các kênh đầu tư của mình lúc đó đã rất đa dạng từ vàng, chứng khoán gửi tiết kiệm thay vì bỏ hết trứng vào một giỏ. Mình chưa tham gia bất động sản vì đã đủ vốn chục tỷ đâu mà vào được :D nếu sau này có cơ duyên, chắc mình sẽ lên bài kể về trải nghiệm đó :)))

5. Đầu tư đến các mục tiêu xa hơn

Mình vẫn có những mục tiêu mới về học tập hay tăng thêm thu nhập, đầu tư và học hỏi nhiều thứ mới. Và khi mở khóa thêm level mới, mình sẽ tiếp tục cập nhật và chia sẻ với mọi người về những gì mình đã đạt được.
Đọc hết tràng giang đại hải những mục trên thì có thể sẽ có người tinh ý nhận ra có một thứ mình chưa bao giờ nhắc đến – sức khỏe của bản thân. Tập trung quá nhiều vào các việc khác nhưng mình luôn coi nhẹ sức khỏe của chính bản thân mình từ thể chất đến tinh thần.
Mình nghĩ trong thời gian này đặc biệt khi đang nghỉ hè sẽ phải chăm chút hơn cho sức khỏe và tôn trọng chính bản thân mình thay vì thức khuya và ăn uống vô tội vạ :D Thậm chí không biết giữ gìn đôi mắt để ngày một cận nặng hơn với một cái lưng đau nhức vô cùng phổ biến của gen Z. Thêm vào đó mỗi khi ăn cay hay thức khuya quá đà y như rằng những cơn đau hay trào ngược dạ dày sẽ tái diễn :D Đến khi gõ những dòng này mới thấy mình không trân trọng bản thân chút nào vì vẫn thức khuya để gõ nốt chứ không để ban ngày rồi hoàn thiện.
Về sức khỏe tinh thần, gần đây mình đã học được cách để luôn giữ bình tĩnh trước các biến cố xảy ra (trừ khi nếu nó là điều gì quá đà thì mình sẽ bắt buộc phản kháng lại – nhưng tất nhiên đó là khi đến giới hạn mà mình không muốn cảnh tượng đấy diễn ra). Mình cũng thoải mái chia sẻ hơn với mọi người đặc biệt là những người bạn thân của mình. Và thật tốt khi vẫn có người thấu hiểu và đồng cảm để mình có thể chân thành giãi bày tâm sự.

6. Các mối quan hệ

Một lời cảm ơn siêu to khổng lồ gửi đến các mối quan hệ của mình. Sau khi học cách cải thiện sức khỏe tinh thần thì mình cũng đang cố cân bằng lại các mối quan hệ xung quanh và trân trọng những người đã và đang đồng hành với mình trong suốt thời gian qua, bởi bản thân là một người từng rất toxic và đôi khi gây ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh nhưng vẫn có người đã chấp nhận ở lại với mình. Như ở trên vừa đề cập, mình đã mở lòng hơn để chia sẻ thay vì chỉ giữ cho riêng mình như trước. Trước kia, nếu như mình chỉ biết cảm ơn và xin lỗi một cách tùy tiện vô tội vạ thì nay mình đã biết cách cảm ơn hay xin lỗi họ vì lý do gì và mong muốn cải thiện các mối quan hệ mình đang có để cùng giúp nhau đi lên.
Thật lòng trân trọng những người bạn thật sự đã cùng đồng hành, ủng hộ, động viên, chia sẻ và theo dõi mình cố gắng để hoàn thiện bản thân ngày một tốt hơn.
Zậy thui, chuyện đến đây là còn cái nịt rùi.
Trên đây là câu chuyện của một người bình thường, gia đình không phải khá giả, không có chống lưng, cũng không phải phù thủy thời gian một ngày có 48 tiếng,... Mong rằng câu chuyện sẽ giải thích được quá trình đốt cháy giai đoạn để đạt được thành công trong thời gian ngắn như vậy. Và mình thật sự mong bài viết này sẽ lại nằm trong top bài viết nổi bật để lời “đính chính” này có thể phú sóng rộng hơn và tiếp cận được những ý kiến trái chiều ngoài kia.
Rất cảm ơn mọi người đã có kiên nhẫn đọc đến tận đây và mình hi vọng bài viết này có thể truyền cảm hứng phần nào đến mọi người hoặc giúp mọi người có thêm góc nhìn mới mẻ về thế giới vốn muôn màu muôn vẻ này.
Hẹn gặp lại mọi người ở các bài viết sau.