Thời gian vừa qua, mình bị khủng hoảng vì phải đối mặt với áp lực từ công việc, bản thân, gia đình do sắp xếp, quản lý công việc chưa tốt. Tuy nhiên, sau thời gian tìm tòi, học hỏi và cải thiện hiệu suất của bản thân, mình đã dần lấy lại sự cân bằng. 
Cũng nhờ khoảng thời gian vật lộn trong khủng hoảng này mà mình phát hiện ra một hiệu ứng cực kỳ phổ biến mà hầu như ai cũng từng gặp phải đó là: hiệu ứng Dunning-Kruger.
Quá trình tìm hiểu về hiệu ứng này đã giúp mình ngừng dằn vặt bản thân, lấy lại sự tự tin và lên kế hoạch phát triển tốt hơn. Vậy hiệu ứng Dunning-Kruger là gì? Mình đã áp dụng hiệu ứng này trong phát triển bản thân như thế nào? Hãy cùng mình đi tìm hiểu ngay dưới đây nhé.

Hiệu ứng Dunning-Kruger là gì?

Theo Wikipedia: “Hiệu ứng Dunning–Kruger là một dạng thiên kiến nhận thức (tiếng Anhː cognitive bias) trong đó mọi người đánh giá khả năng nhận thức của họ cao hơn năng lực thực tế. Sự thiên vị nhận thức này chịu ảnh hưởng của ảo tưởng tự tôn (tiếng Anhː illusory superiority), xuất phát từ việc mọi người không thể nhận ra sự thiếu khả năng của họ. Không có khả năng tự nhận thức về siêu nhận thức, mọi người không thể đánh giá khách quan năng lực hoặc sự bất tài của họ.”
Hiệu ứng Dunning-Kruger được hai nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger nghiên cứu vào năm 1999 (họ đạt giải Nobel về tâm lý học năm 2000). Theo đó, họ đã thực hiện rất nhiều thử nghiệm để kiểm tra khả năng logic, cách diễn đạt và mức độ hài hước của những người tham gia. Kết quả thu được từ nghiên cứu của Kruger và Dunning bao gồm:
- Người bất tài có xu hướng đánh giá quá cao trình độ kỹ năng của mình;
- Người bất tài không nhận ra năng lực của những người thực sự sở hữu nó;
- Người bất tài không nhận ra mức độ bất tài của họ;
- Nếu đào tạo những người này dẫn đến một sự cải thiện đáng kể về kỹ năng của họ, thì họ có thể nhận ra và chấp nhận những thiếu sót trước đây.

Đọc thêm:

Hiệu ứng này hoạt động như thế nào?

Nếu như bạn vẫn chưa thể hình dung hiệu ứng Dunning–Kruger hoạt động như thế nào thì hãy theo dõi đồ thị dưới.

Giai đoạn 1 –  không biết gì (know-nothing): khi không biết gì về một lĩnh vực, bạn sẽ cảm thấy sự yếu kém, thiếu sót của bản thân. Sự tự tin của bạn lúc này chỉ là con số 0. Điều ấy thôi thúc bạn học hỏi và tìm hiểu thêm về vấn đề này. 
Giai đoạn 2 – đỉnh cao của sự ngu ngốc (Peak of Mount Stupid): Khi bắt đầu có được kiến thức cơ bản, sự tự tin của bạn bắt đầu tăng dần. Và sự tự tin đó sẽ tiếp tục gia tăng cho đến khi bạn đạt đến đỉnh điểm hay ở hiệu ứng này gọi là “Đỉnh cao của sự ngu ngốc”.
Giai đoạn 3 – thung lũng tuyệt vọng (Valley of Despairs): Khi bắt đầu học hỏi và nghiên cứu nhiều hơn, bạn dần dần nhận ra khả năng thật sự của bản thân. Bạn bị mất tự tin, rơi vào sự buồn bã và thất vọng. 
Giai đoạn 4 – sườn dốc giác ngộ (Slope of Enlightenment): Nếu bạn không bỏ cuộc và tiếp tục tìm hiểu thì kiến thức và sự tự tin của bạn sẽ tăng trở lại. Lúc này, bạn không còn “tự cao, tự đại” như trước mà sẽ chỉ khao khát được phát triển.
Giai đoạn 5 – cao nguyên của sự bền vững (Plateau of sustainability): Khi thực sự am hiểu về lĩnh vực đó, bạn sẽ thấu hiểu vấn đề cốt lõi và có thể trở thành một chuyên gia. Lúc này sự tự tin của bạn sẽ ở mức bền vững.
Đọc đến đây liệu bạn có thấy quá trình này quen quen, giống như mình đã từng trải qua nó? Nếu bạn đã từng đánh giá cao trình độ của bản thân bước vào lĩnh vực mới, không nhận ra được năng lực của những người thực sự sở hữu nó, không nhận ra sự thiếu sót của bản thân thì chính bạn đang rơi vào hiệu ứng Dunning-Kruger.
Vậy hiệu ứng Dunning-Kruger có xấu không? Ai là người dễ ảnh hưởng? Chúng ta cùng tìm hiểu ngay ở phần dưới đây.

Ai là người bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Dunning-Kruger?

Tin buồn là tất cả chúng ta đều ít nhất một lần bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Dunning-Kruger. 
Hãy nhớ về lần đầu tiên học tiếng Anh. Có phải bạn cũng đã từng rất hâm mộ những người nói tiếng Anh trôi chảy? Sau đó, bạn quyết tâm đăng ký một khóa học hoặc mua sách để bắt đầu cải thiện kỹ năng của mình. Sau một thời gian, bạn đã có thể tự tin giao tiếp những thông tin cơ bản. Đó cũng là lúc bạn thấy những người khác nói tiếng Anh sao nghe chán thế, nói không đúng ngữ âm, ngữ điệu gì cả. Đây chính là lúc bạn ở “đỉnh cao của sự ngu ngốc”.
Tiếp đến, bạn gặp một người nước ngoài, sự tự tin thúc đẩy bạn tới và trò chuyện với họ. Nhưng hỡi ôi, càng nói chuyện bạn càng không nghe, không hiểu được họ nói gì. Bạn bắt đầu thất vọng và nhận ra khả năng thực tế của bản thân. Sau đó, bạn quyết tâm cải thiện vốn từ, ngữ âm, ngữ điệu sao cho gần với người bản địa hết mức có thể. Học thêm các kiến thức chuyên ngành, thi lấy bằng cấp. Và dần dần bạn đã có thể giao tiếp trôi chảy với người bản xứ và lấy lại sự tự tin của mình.
Bạn có thấy quá trình này quen không (nếu không tính đến nhiều bạn đã bỏ cuộc khi ở giai đoạn 3 – thung lũng tuyệt vọng). Thực tế thì chúng ta đều từng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Dunning-Kruger, thậm chí là bị ảnh hưởng hàng ngày. Đây cũng là hiệu ứng có thể bạn sẽ gặp phải trên con đường phát triển bản thân. Bởi vì muốn gia tăng kiến thức, giá trị của bản thân bạn chắc chắn phải học, trau dồi những kiến thức còn thiếu sót. Và quá trình ấy thường diễn ra theo 5 bước trên.
Tuy nhiên, đừng buồn bởi vì bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Dunning-Kruger không có nghĩa là bạn có chỉ số IQ thấp. Việc cảm thấy bản thân còn thiếu sót, kém cỏi không đồng nghĩa với trí tuệ của bạn cũng thấp. Mà theo mình, đó là cách bạn đánh giá bản thân và đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. 

Đọc thêm:


hieu-ung-Dunning-Kruger-2

Áp dụng hiệu ứng Dunning-Kruger trong phát triển bản thân như thế nào?

Hầu hết mọi người thường nhận định tiêu cực về hiệu ứng Dunning-Kruger nhưng mình lại thấy nếu biết cách tận dụng bạn có thể mang lại những thay đổi tích cực trong việc phát triển bản thân. Thực chất, đây là một hiệu ứng gây ra bởi sự thiếu kinh nghiệm và kiến thức – điều mà người trẻ nào cũng gặp phải.
Đối với mình, quá trình hoạt động của hiệu ứng Dunning-Kruger trong thời gian vừa rồi rơi vào vấn đề: quản lý thời gian. Khi bắt đầu bước chân vào con đường làm freelance writer mình đã nghiên cứu và áp dụng một số cách thức quản lý thời gian hiệu quả. Và những kiến thức ấy đã cho mình những thành quả nhất định trong công việc và phát triển bản thân (bạn có thể đọc bài này tại đây để hiểu rõ hơn).
Mình tự tin vào khả năng sắp xếp công việc và nâng cao hiệu suất của bản thân. Mình thường động viên mọi người trong group Xây dựng sự nghiệp từ viết lách lên mục tiêu, kế hoạch hàng ngày và bám sát nó. Cho đến khi mình đi du lịch Phú Quốc vào 4 tuần trước kết hợp với về nhà bà ngoại 1 tuần. Trong thời gian ấy mình cũng kí thêm 3 hợp đồng mới. Và đó là lúc công việc của mình bắt đầu bị đảo lộn. 
Công việc khách hàng dồn lại sau khi đi du lịch. Dự án của khách hàng mới bắt đầu chạy. Lịch dạy cho học viên khóa Writing Coach vẫn đang cần thực hiện theo đúng tiến độ. Kế hoạch viết bài blog, hoàn thiện khóa học SEO Copywriting, quay youtube, thu podcast… vẫn đang chờ thực hiện. Đấy là còn chưa kể việc trao đổi với khách hàng làm blog, chỉnh sửa hoặc hỗ trợ thay đổi, cập nhật các blog đã hoàn thiện, hoạt động của group Xây dựng sự nghiệp từ viết lách vẫn cần được duy trì. 
Vậy nên mình rơi vào khủng hoảng vì áp lực phải hoàn thiện khối lượng công việc đồ sộ trong khi chỉ có một mình trông con.
doi-mat-voi-ap-luc-hieu-ung-Dunning-Kruger

Sau quá trình tự đấu tranh giữa phát triển và dừng lại, mình lựa chọn bản thân cần phải mạnh mẽ đối mặt với áp lực và tìm cách vượt qua. Mình bắt đầu học thêm, nghiên cứu sâu hơn về cách chuẩn bị, sắp xếp, quản lý và làm việc sao cho hiệu quả. 
Mình học cách sử dụng các công cụ để lên kế hoạch và bám sát được tốt hơn. Vừa học, mình vừa ghi chép và áp dụng ngay. Vậy nên chỉ sau 3 ngày kết quả công việc đã tăng lên 150%. Công việc của mình dần dần đã trở nên ổn định hơn.
Rốt cục thì mình chưa đi đến bước thứ 5 nhưng mình đang từng bước khám phá bước thứ 4 đầy thú vị. Và nhờ vậy mình cũng phát hiện được cách áp dụng hiệu ứng Dunning-Kruger vào câu chuyện phát triển bản thân như dưới đây.
Sau khi lựa chọn học thêm một lĩnh vực mới nào đó (giai đoạn 1) và đã có một lượng kiến thức cũng như sự tự tin nhất định, hãy tận dụng cơ hội này để bắt đầu phát triển các dự án cá nhân (giai đoạn 2). Chẳng hạn: viết blog, thu podcast, quay video, youtube, tham gia các hội nhóm liên quan… 
Thay vì đi soi mói, tìm ra lỗi sai của người khác, hãy tận dụng thời gian tự tin này để làm hết tất cả những gì bạn muốn làm. Đồng thời tích cực mở lòng, lắng nghe những góp ý, nhận xét từ những người xung quanh để có góc nhìn khách quan hơn về bản thân. 
Khi phát triển đến “đỉnh cao của sự ngu ngốc”, bạn bắt đầu nhận ra khả năng thực sự của bản thân (giai đoạn 3). Lúc này, bạn sẽ trải qua giai đoạn hoài nghi vào con đường mình chọn, bạn sẽ phải đấu tranh với việc tiếp tục hay từ bỏ. Nếu hiểu về hiệu ứng Dunning-Kruger, bạn sẽ học cách chấp nhận những sai lầm, đồng thời có thêm tự tin để tiếp tục dấn thân. Bởi chỉ cần vượt qua được thung lũng này bạn sẽ gây dựng được cho mình sự phát triển vững chắc. 
Tới giai đoạn 4 hãy chuẩn bị cho bản thân một tâm thế sẵn sàng học hỏi với bất cứ ai, từ bất kì đâu. Hãy bắt tay vào nghiên cứu những nội dung sâu hơn cũng như áp dụng vào thực tế cụ thể hơn. Đồng thời học cách thiết lập tư duy phản biện: luôn đặt câu hỏi về những gì bạn biết để thử thách suy nghĩ, niềm tin và kỳ vọng của mình. Để rồi dần dần đạt đến “cao nguyên bền vững” và trở thành chuyên gia của lĩnh vực đó.
Từ bây giờ mỗi khi bắt đầu học về một lĩnh vực mới, hãy chuẩn bị sẵn tâm lý để vượt qua giai đoạn khủng hoảng của hiệu ứng Dunning-Kruger bằng cách quan sát và nhìn nhận hành động, tâm lý của bản thân, bạn có thể tìm ra cách khắc phục giai đoạn 2 và 3 tốt hơn.
Và cuối cùng, trên con đường phát triển bản thân, hãy luôn nghĩ rằng mình là một người mới, để rồi luôn luôn phải tiếp tục học tập và trau dồi như Stevs Jobs đã từng nói:
Stay hungry. Stay foolish! (Hãy cứ khát khao. Hãy cứ dại khờ).
Thủy Trà
Bài viết nằm chia sẻ về chủ đề "phát triển bản thân". Bạn có thể đọc thêm những bài viết hữu ích khác tại đây.

Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.