Khi lần đầu nghe đến khái niệm “Học tiếng Anh như một đứa trẻ”, mình đã vui lâng lâng cả ngày. Bởi trước giờ học tiếng Anh ở trường cảm thấy không đạt được bước tiến nào rõ rệt cả. Giờ chỉ cần cố gắng “nghe thật nhiều” là có thể “nói được”, sướng quá đi chứ.
Thế là mình đã dành dụm suốt mấy năm trời chỉ để đọc và nghe liên tục. Với ước mong ngày nào đó có thể nói, viết xịn xò.
Mình đã đọc hàng chục quyển sách, bài báo tiếng Anh. Mình đã nghe hàng trăm giờ từ TV Shows, phim cho đến audio các khóa học tiếng Anh nổi tiếng.
Kết quả thu được rất khả quan: mình đã có thể tự tin đọc sách tiếng Anh, và coi các TV shows cùng nghe podcasts khá ổn. Vui nhất có lẽ là kỷ niệm lần đầu tiên nghe nhạc US-UK mà hiểu lời ca sỹ chứ không có ngáo ngơ như trước.
Nhưng đáng buồn là kỹ năng speaking vẫn không thấy cải thiện được bao nhiêu. Vẫn cảm thấy khó khăn mỗi khi mở miệng ra nói tiếng Anh với người khác. Nên đa phần là mình rất e ngại và né tránh.

Đọc thêm:

Đến năm 2019, mình có cơ hội làm host cho một người bạn Ấn Độ qua ở 1 tháng. Và tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ bắt buộc để mình có thể giao tiếp với bạn. Những ngày đầu, mình đã chật vật khá nhiều để có thể diễn đạt được cho bạn hiểu. Lúc này mình mới nhận ra, dù có thể hiểu được rất nhiều thông qua input (đọc – nghe), mình vẫn không thể output (nói ra) trọn vẹn được. Nghĩa là lúc đọc nghe thì dễ dó, tới lúc xài thì nó lại không thuộc về mình.
Sau hơn 1 tuần mình mới có thể bắt nhịp và trò chuyện tạm gọi là lưu loát. Có thể phản xạ nhanh mỗi khi muốn nói gì đó. Thế nhưng, vấn đề tiếp theo là ngữ pháp. Hỡi ôi, lúc này mình chỉ có thể bất chấp mà nói “tiếng bồi” thôi. Bởi vì trong đầu vẫn chưa hình thành được cách dùng ngữ pháp linh hoạt được. Bởi vậy, mặc dù mình nói người ta vẫn hiểu đó. Nhưng cảm giác “sai sai” ấy khiến mình không trọn vẹn và tự tin với năng lực tiếng Anh của mình.
Thông qua trải nghiệm trên, mình mới nhận ra giới hạn năng lực bản thân cũng như ngộ nhận về khái niệm “học tiếng Anh như một đứa trẻ”. Nếu cứ mãi tiếp cận góc độ ấy, mình có thể không bao giờ nói tiếng Anh một cách thông thạo được.
Thay đổi lối mòn 5 năm, mình dấn thân vào IELTS để luyện nói thường xuyên hơn cũng như cập nhật các mẫu câu, từ vựng hay ho, bớt nhàm chán. Mình chủ động tham gia CLB tiếng Anh để mở miệng ra nói. Bên cạnh đó, mình còn tập self-talk (tự nói một mình) để recap (tổng hợp) lại nội dung mỗi khi nghe hay đọc gì đó.

Đọc thêm:

Về ngữ pháp, mình cày lại quyển “English Grammar in Use” của Cambridge để ôn lại các cấu trúc ngữ pháp thông dụng. Tất nhiên sau mỗi bài học, mình không quên viết câu và luyện nói áp dụng điểm ngữ pháp ấy để thực sự biến nó thành của mình.
Cứ vậy, sau gần 1 năm vừa “hành” vừa “học”, mình đã thoát khỏi cái level B1 đã mắc kẹt bao năm qua để lên đến level B2 – tương đương IELTS 5.5+. Giờ đây khi speaking, mình đã có thể ý thức để nói đúng ngữ pháp hơn, cũng như không còn ấp a ấp úng không-biết-nói-gì như trước.
Thông qua bài viết này, mình muốn nhắn nhủ đến các bạn đang học tiếng Anh, đặc biệt là những bạn mắc kẹt ở một level nào đó quá lâu hoặc không thể nói tốt được:
HÃY LUYỆN NÓI THƯỜNG XUYÊN HƠN NHAAA!
Đừng giống như mình, kéo dài thời gian học lê thê mà không nhận ra cái bẫy của việc lười nói – viết ấy.