Bài viết này thuộc Théâtre en Pourpre, dự án dịch toàn tập kịch của Oscar Wilde ra tiếng Việt và đăng tải miễn phí cho cộng đồng người yêu văn chương, do Nguyễn Tuấn Linh (Tornad) thực hiện. Mời xem thông tin chi tiết về dự án ở đây. Mời tải PDF các vở kịch đã hoàn thành ở đây.

NGƯỜI CHỒNG LÍ TƯỞNG

Oscar Wilde
Nguyễn Tuấn Linh (Tornad) dịch từ nguyên tác tiếng Anh An Ideal Husband

TIỂU DẪN CỦA NGƯỜI DỊCH

Người chồng lí tưởng là vở kịch lấy đề tài về vấn đề tống tiền và tham nhũng chính trị. Nó cho thấy các chính khách, ngay cả những người liêm khiết nhất, cũng không thể nào sống trong sạch được trong môi trường chính trị. Vở kịch này tạo nên một sự tương phản đầy tính trào phúng giữa một chính khách được nhiều người trọng vọng nhưng có quá khứ nhơ nhuốc cần che giấu, và một quý tộc nổi tiếng là ham chơi và nhàn rỗi nhưng rất khôn ngoan và giàu lòng trắc ẩn. Để đến cuối vở kịch, vị chính khách tai to mặt lớn nọ được cứu thoát hoàn toàn nhờ vị quý tộc trông rất tầm thường kia.
Vở kịch này được công diễn lần đầu tiên vào năm 1895, đây cũng là thời điểm Oscar Wilde gặp biến cố lớn nhất cuộc đời – bị kết án tù khổ sai hai năm vì tội quan hệ tình dục đồng giới – vậy nên nó được ra rạp mà không đề tên tác giả. Sau này, năm 1899 khi Wilde đã ra tù, vở kịch được in thành sách và vẫn không dám đề tên Oscar Wilde bởi cái tên ấy lúc bấy giờ đã trở nên khét tiếng, mà chỉ dám đề tác giả là “Cùng tác giả với vở Chiếc quạt của Phu nhân Windermere” do danh tiếng của vở Chiếc quạt trước đó đã quá lẫy lừng. Người chồng lí tưởng phiên bản diễn và đọc có khác nhau đôi chút, đáng chú ý nhất ở đây là Oscar Wilde đã chỉnh sửa và viết thêm vào phần huấn thị sao cho phù hợp với việc đọc hơn. Bản thân Wilde cũng chính là một trong những kịch tác gia đầu tiên muốn thiết kế các vở kịch cho đối tượng người đọc sách.
Người chồng lí tưởng vẫn lấy bối cảnh ở tầng lớp thượng lưu Anh quốc, và vẫn tiếp tục châm biếm các thói hư tật xấu của họ. Nhân vật chính của chúng ta Tước sĩ Robert Chiltern, một người đàn ông có sự nghiệp đang lên như diều gặp gió khi mà mới bước sang tứ tuần đã được làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cuộc sống gia đình của Chiltern cũng rất viên mãn khi anh có một người vợ đức hạnh và hết mực tin tưởng vào sự liêm khiết của chồng. Thế nhưng biến cố xảy ra vào mùa giao lưu nọ, trong một bữa tiệc tại gia, gia đình Chiltern đón một vị khách đến từ nước Áo – Quý bà Cheveley – người quen cũ của Phu nhân Chiltern và kẻ thù mới của Tước sĩ Robert Chiltern. Quý bà Cheveley xuất hiện mang theo quá khứ nhơ nhuốc của Chiltern để tống tiền, bắt anh phải dùng uy thế chính trị của mình để hậu thuẫn cho một dự án lừa đảo của Cheveley, bằng không ả ta sẽ phanh phui mọi chuyện trong quá khứ lên báo chí.
Tước sĩ Robert Chiltern thật sự đang tiến thoái lưỡng nan, nếu thoả hiệp với Quý bà Cheveley thì anh sẽ mất đi tình yêu của người vợ hiền, nếu không thoả hiệp thì sự nghiệp chính trị của anh sẽ đi tong, kéo theo đó là nhiều đổ vỡ khác. Giữa tình thế nan giải ấy, không ai có thể ngờ rằng chính người bạn vốn nổi tiếng ham chơi của anh là Huân tước Goring lại có thể cứu anh.
Huân tước Goring là nhân vật rất thú vị, dường như Oscar Wilde lấy chính mình để làm hình mẫu cho anh chàng này. Goring không bao giờ nói chuyện nghiêm túc, thế nhưng cuộc đời chàng chưa bao giờ có vết nhơ nào. Chàng có nhiều tật xấu nhưng chưa bao giờ phải sợ có ai dựa vào đó để tống tiền mình. Cuộc đời của chàng không có thành tựu gì đáng ngưỡng mộ nhưng chàng không phải giấu diếm ai về quá khứ của mình. Chàng ăn diện, ham chơi, hay bông đùa, thế nhưng đằng sau vỏ ngoài ấy là nột con người khôn ngoan, giàu lòng trắc ẩn, luôn đưa ra quyết định đúng đắn chứ không bồng bột.
Qua Goring, Wilde muốn cho chúng ta thấy rằng một con người tuy tầm thường và mờ nhạt, nhưng lại sở hữu hết thảy phẩm chất cao đẹp của con người và hết thảy những điều đáng mơ ước ở cuộc sống. Người tầm thường mà như vậy thì người ta còn cần gì phải làm người tai to mặt lớn nữa?
Mời các bạn thưởng thức một trong những vở kịch thành công nhất và góp phần tạo nên tên tuổi của Oscar Wilde.
Thân tặng Frank Harris, như một hành động tôn vinh nhỏ dành cho tài năng và sự xuất chúng của ông ấy dưới tư cách một nghệ sĩ, dành cho tính hào hiệp và cao đẹp của ông ấy dưới tư cách một người bạn.
NHÂN VẬT
BÁ TƯỚC XỨ CAVERSHAM, Hiệp sĩ dòng Garter
TỬ TƯỚC GORING, Con trai ngài Bá tước
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN, Tòng Nam tước, Thứ trưởng bộ Ngoại giao
TỬ TƯỚC XỨ NANJAC, Tuỳ viên của Đại sứ quán Pháp ở Luân Đôn
QUÝ ÔNG MONTFORD
MASON, Quản gia của nhà Tước sĩ Robert Chiltern
PHIPPS, Đầy tớ của Huân tước Goring
JAMES, Người hầu
HAROLD, Người hầu
PHU NHÂN CHILTERN
PHU NHÂN MARKBY
BÁ TƯỚC PHU NHÂN XỨ BASILDON
QUÝ BÀ MARCHMONT
TIỂU THƯ MABEL CHILTERN, Em gái Tước sĩ Robert Chiltern
QUÝ BÀ CHEVELEY
CẢNH TRÍ
HỒI I. Phòng bát giác nhà Tước sĩ Robert Chiltern ở Quảng trường Grosvenor
HỒI II. Phòng khách nhà Tước sĩ Robert Chiltern
HỒI III. Thư phòng nhà Huân tước Goring ở Phố Curzon
HỒI IV. Như Hồi II
Thời gian: Đương thời
Địa điểm: Luân Đôn
Bối cảnh vở kịch diễn ra trong vòng hai mươi tư giờ

HỒI I

CẢNH TRÍ
Phòng bát giác nhà Tước sĩ Robert Chiltern ở Quảng trường Grosvenor. Căn phòng sáng rỡ và chật khách. Đứng trên đỉnh cầu thang là PHU NHÂN CHILTERN, một phụ nữ mang vẻ đẹp trang nghiêm kiểu Hi Lạp, tuổi trạc hai mươi bảy. Cô đứng đón khách khứa đang đi lên cầu thang. Giữa giếng trời của cầu thang thả xuống một ngọn đèn chùm cỡ lớn thắp bằng sáp, nó chiếu sáng tấm thảm treo lớn kiểu Pháp của thế kỉ thứ mười tám – thêu hình tác phẩm Chiến thắng của Tình yêu, phỏng theo bức tranh của Boucher – đang trải rộng trên tường cầu thang. Bên phải là lối dẫn vào phòng nhạc. Âm thanh của tứ tấu đàn dây vọng ra văng vẳng. Lối bên trái dẫn sang các phòng tiếp tân khác. QUÝ BÀ MARCHMONT và PHU NHÂN BASILDON, hai người đàn bà xinh đẹp, đang ngồi với nhau trên bộ xô-pha Louis XVI. Họ là mẫu người mảnh khảnh thanh tú. Điệu bộ kiểu cách của họ mang vẻ quyến rũ cầu kì. Watteau hẳn rất thích vẽ họ.
QUÝ BÀ MARCHMONT. Tối nay bà có đến nhà Hartlocks không, Margaret?
PHU NHÂN BASILDON. Chắc là có. Bà cũng đến chứ?
QUÝ BÀ MARCHMONT. Vâng. Tiệc tùng nhà đó nhạt thếch, bà nhỉ?
PHU NHÂN BASILDON. Nhạt nhẽo vô cùng! Tôi không hiểu sao mình cứ tới đó. Tôi không hiểu sao mình cứ đi dự tiệc nói chung.
QUÝ BÀ MARCHMONT. Tôi tới đây để được giáo dục.
PHU NHÂN BASILDON. A! Tôi ghét bị giáo dục!
QUÝ BÀ MARCHMONT. Tôi cũng thế. Sự ấy đặt người ta gần như bị ngang hàng với tầng lớp thương nhân, phải không? Nhưng chị Gertrude Chiltern quý hoá lúc nào cũng bảo tôi nên có một mục đích nghiêm túc nào đó trong đời. Vậy nên tôi tới đây để tìm một mục đích nghiêm túc.
PHU NHÂN BASILDON. [Nhìn quanh bằng kính cầm tay.] Tôi không thấy có ai ở đây tối nay mà có thể được gọi là một mục đích nghiêm túc. Cái lão dẫn tay tôi vào phòng ăn tối độc nói về vợ của lão suốt buổi.
QUÝ BÀ MARCHMONT. Lão ta tầm thường quá thể!
PHU NHÂN BASILDON. Quá đỗi tầm thường! Còn cái lão dẫn tay bà thì nói về gì?
QUÝ BÀ MARCHMONT. Về tôi.
PHU NHÂN BASILDON. [Uể oải nói.] Thế bà có hào hứng không?
QUÝ BÀ MARCHMONT. [Lắc đầu.] Chẳng chút mảy may.
PHU NHÂN BASILDON. Chúng ta khốn khổ biết mấy, Margaret thân mến!
QUÝ BÀ MARCHMONT. [Đứng lên.] Và sự khốn khổ mới hợp với chúng ta làm sao, Olivia!
[Họ đứng dậy đi vào phòng nhạc. TỬ TƯỚC XỨ NANJAC, một tuỳ viên trẻ tuổi nổi tiếng vì chiếc ca-vát và tính sính Ăng-lê của mình, xuất hiện cùng cái cúi chào thấp, rồi nhập cuộc trò chuyện.]
MASON. [Thông báo khách đến từ trên đỉnh cầu thang.] Phu nhân Jane Barford và chồng. Huân tước Caversham.
[Tiến vào là HUÂN TƯỚC CAVERSHAM, một quý tộc trạc bảy mươi tuổi, đeo chéo người dải ruy-băng gắn ngôi sao Garter. Một đảng viên mẫu mực của đảng Whig. Trông khá giống tranh chân dung của Lawrence.]
HUÂN TƯỚC CAVERSHAM. Chào buổi tối, Phu nhân Chiltern! Chẳng hay thằng con trai vô tích sự của tôi đã đến chưa nhỉ?
PHU NHÂN CHILTERN. [Mỉm cười.] Tôi nghĩ Huân tước Goring chưa đến đâu.
MABEL CHILTERN. [Đến bên HUÂN TƯỚC CAVERSHAM.] Sao ngài lại nói Huân tước Goring là vô tích sự?
[MABEL CHILTERN là hình mẫu chuẩn mực của vẻ đẹp Anh quốc, trông tựa như bông hoa táo. Nàng có hết thảy tính thơm tho và thanh thoát của một bông hoa. Từng gợn từng gợn ánh nắng chảy trên tóc nàng, và cái miệng nhỏ của nàng, với đôi môi khép hờ đầy chờ đợi, như miệng của trẻ thơ. Nàng mang tính độc đoán quyến rũ của tuổi trẻ, và tính can đảm đáng kinh ngạc của sự ngây thơ. Trong mắt người tỉnh táo nàng không gợi về một nghệ phẩm nào. Nhưng quả thật nàng trông giống bức tiểu tượng Tanagra, và sẽ hơi phiền lòng nếu có ai nói với nàng như vậy.]
HUÂN TƯỚC CAVERSHAM. Vì nó sống đời nhàn rỗi quá.
MABEL CHILTERN. Ngài nói vậy sao được? Than ôi, anh ấy rong ngựa trên phố phường mỗi mười giờ sáng, đi nghe nhạc thính phòng ba lần mỗi tuần, thay đồ ít nhất năm bận mỗi ngày, và đi ăn ngoài hàng đêm mỗi mùa. Liệu bác có gọi thế là sống đời nhàn rỗi được không?
HUÂN TƯỚC CAVERSHAM. [Nhìn nàng bằng ánh mắt long lanh phúc hậu.] Cô thật là đáng yêu quá chừng!
MABEL CHILTERN. Cảm ơn ngài vì những lời đáng mến, Huân tước Caversham! Ngài hãy năng đến nhà con chơi hơn nhé. Ngài biết nhà con luôn tiếp khách mỗi thứ Tư mà, và khi ngài đeo ngôi sao ấy lên trông phong độ lắm!
HUÂN TƯỚC CAVERSHAM. Lớp này tôi chẳng đi đâu sất. Tôi phát ốm lên với giới thượng lưu Luân Đôn rồi. Duy có việc ghé qua chỗ ông thợ may riêng là tôi không thấy phiền; ông ta luôn bầu cho cánh hữu. Nhưng tôi cực lực phản đối việc phải đi ăn tối với cái nhà làm mũ cho vợ tôi. Thật không tài nào nuốt được đống mũ bồng của Phu nhân Caversham.
MABEL CHILTERN. Ồ, con yêu giới thượng lưu Luân Đôn! Con nghĩ ngày nay họ đã tốt lên nhiều rồi. Giờ đây tuyệt chỉ có những người ngốc đẹp mã và những người điên tài hoa ở đó. Khuôn mẫu của giới thượng lưu là thế chứ đâu.
HUÂN TƯỚC CAVERSHAM. Hừm! Thằng Goring thuộc dạng nào? Ngốc đẹp mã, hay dạng còn lại?
MABEL CHILTERN. [Trang trọng.] Lúc này con buộc phải đặt Huân tước Goring vào một tầng lớp riêng. Nhưng anh ấy đang tiến triển theo hướng hấp dẫn lắm!
HUÂN TƯỚC CAVERSHAM. Hướng nào?
MABEL CHILTERN. [Khẽ nhún gối.] Con mong sẽ sớm cho ngài biết, Huân tước Caversham!
MASON. [Thông báo khách đến.] Phu nhân Markby. Quý bà Cheveley.
[PHU NHÂN MARKBY và QUÝ BÀ CHEVELEY đi vào. PHU NHÂN MARKBY là một bà lão dễ tính, thân thiện, dân dã, mang mái tóc hoa râm tạo kiểu mà các hầu tước phu nhân vẫn để, và bận đồ vải ren sang trọng. QUÝ BÀ CHEVELEY, người đi cùng bà, thì cao và hơi gầy. Môi rất mỏng và đánh son đậm, trông như một đường kẻ đỏ trên một khuôn mặt tái. Tóc màu đỏ Venice, mũi khoằm, cổ dài. Phấn hồng làm nổi bật màu nhợt tự nhiên của nước da. Đôi mắt xám xanh đảo không ngừng. Ả bận đồ màu hoa hướng nhật, đính kim cương. Trông ả phần nào giống cây hoa lan, và gợi cho người nhìn nhiều tò mò. Toàn bộ phong thái nơi ả đều rất đỗi duyên dáng. Nhìn chung trông như một nghệ phẩm, nhưng cho thấy bị ảnh hưởng từ quá nhiều trường phái.]
PHU NHÂN MARKBY. Chào buổi tối, Gertrude thân mến! Chị tử tế lắm khi cho tôi được dẫn bạn tôi theo, Quý chị Cheveley. Hai cô nàng đáng mến phải làm quen với nhau ngay mới được!
PHU NHÂN CHILTERN. [Đến gần QUÝ BÀ CHEVELEY với nụ cười dịu dàng. Rồi bất thần khựng lại, và cúi chào khá hờ hững.] Tôi nghĩ Quý chị Cheveley và tôi đã quen nhau từ trước rồi. Tôi không biết chị ta đã kết hôn lần thứ hai.
PHU NHÂN MARKBY. [Vui vẻ nói.] A, thời buổi này người đời kết hôn liên tục ấy mà, phỏng ạ? Như vậy mới hợp mốt. [Nói với CÔNG TƯỚC PHU NHÂN XỨ MARYBOROUGH.] Bà công tước thân mến, ông công tước nhà bà thế nào rồi? Vẫn lẫn mã chứ, tôi đồ vậy? Chao ôi, chỉ có thể là vậy thôi, phỏng ạ? Cụ thân sinh của ông ấy cũng y như vậy. Di truyền đúng là thứ có một không hai trên đời, phỏng ạ?
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Ngó ngoáy chiếc quạt.] Nhưng chúng ta thật sự đã gặp nhau trước đây sao, Phu nhân Chiltern? Tôi chẳng nhớ ở đâu cả. Tôi rời xa Anh quốc lâu quá rồi.
PHU NHÂN CHILTERN. Chúng ta học chung trường, Quý chị Cheveley.
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Kiêu kì nói.] Thật sao? Tôi quên sạch quãng đời đi học rồi. Tôi có ấn tượng mơ hồ rằng khoảng thời gian ấy rất đáng gớm.
PHU NHÂN CHILTERN. [Lạnh lùng nói.] Tôi không lấy làm lạ!
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Tỏ ra lịch sự hết sức.] Chị biết không, tôi hết lòng mong được gặp ông chồng tài giỏi của chị, Phu nhân Chiltern. Từ khi anh ấy làm ở Bộ Ngoại giao, ở Vienna người ta nhắc tên nhiều lắm. Đến mức báo chí còn viết đúng chính tả tên anh ta nữa là. Nội chuyện đó thôi cũng là tiếng thơm ở bên ngoài lục địa.
PHU NHÂN CHILTERN. Tôi khó lòng tưởng tượng được giữa chị và chồng tôi lại có chuyện để nói, Quý chị Cheveley! [Lùi ra xa.]
TỬ TƯỚC XỨ NANJAC. A! Ma-đầm thân mến, bất ngờ rất! Moa chẳng gặp lại toa kể từ Berlin!
QUÝ BÀ CHEVELEY. Không phải kể từ Berlin, Tử tước. Kể từ năm năm trước!
TỬ TƯỚC XỨ NANJAC. Và toa trẻ hơn lại đẹp hơn hết bao giờ. Toa làm bằng trò nào để được thế đấy?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Bằng cách ra nguyên tắc chỉ nói chuyện với người hết sức quyến rũ như anh thôi.
TỬ TƯỚC XỨ NANJAC. A! Toa tâng bốc moa. Toa nịnh hót moa, như người ở đây vẫn nói.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Ở đây họ nói thế ư? Đáng tởn thay!
TỬ TƯỚC XỨ NANJAC. Vâng, họ có thứ ngôn ngữ hay hay là. Thứ ấy nên được biết rộng rãi hơn.
[TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN đi vào. Một người độ tứ tuần, nhưng trông có phần trẻ hơn tuổi. Mày râu nhẵn nhụi, nét mặt sắc sảo, tóc đen và mắt đen. Dạng người khó lẫn với ai. Không hề phổ biến – rất ít người giống vậy. Anh ta được vài người ngưỡng mộ sâu sắc, và nhiều người tôn kính hết lòng. Phong thái của anh tạo nên sự khác biệt rõ rệt, đi cùng chút kiêu hãnh. Người ta cảm nhận rõ rằng anh tự ý thức về những thành đạt của mình trong đời. Một tính khí cả lo, đi cùng vẻ ngoài mệt mỏi. Cái miệng và cằm vuông như chạm tương phản sắc nét với biểu cảm lãng mạn trong đôi mắt sâu. Sự đối nghịch này như gợi mở về tính tách biệt gần như tuyệt đối giữa đam mê và trí tuệ, như thể tư duy và cảm xúc bị cô lập nhau trong mỗi khu vực của chúng do sự cưỡng bách mà sức mạnh ý chí gây nên. Có nét bồn chồn nơi cánh mũi, và nơi bàn tay xanh, gầy, thon thả của anh. Sẽ là lỗi phép nếu bảo anh như từ tranh vẽ bước ra. Những người trong tranh không thể tồn tại ở Hạ viện. Nhưng Vandyck hẳn sẽ thích vẽ cái đầu anh.]
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Chào buổi tối, Phu nhân Markby! Tôi hi vọng bà có dẫn Tước sĩ John theo?
PHU NHÂN MARKBY. Ồ! Tôi đã dẫn theo một người hấp dẫn gấp nhiều lần Tước sĩ John. Kể từ khi bắt đầu quan tâm nghiêm túc đến chính trị thì tính khí của Tước sĩ John khó chịu lắm. Thật tình, lớp này Hạ viện đang cố tỏ ra hữu ích, thành ra họ gây nên nhiều mối nguy hiểm.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Tôi mong là không phải như vậy, Phu nhân Markby. Dẫu sao thì chúng tôi cũng đã làm hết sức để giết thời gian cho quần chúng mà, phải không? Nhưng nhân vật hấp dẫn mà bà đã tử tế dẫn đến với chúng tôi là ai thế?
PHU NHÂN MARKBY. Đó là Quý chị Cheveley! Một người nhà Cheveley ở Dorsetshire, tôi đồ vậy. Nhưng thật sự tôi không biết đâu. Các gia tộc thời nay pha trộn với nhau hết cả. Quả thật, như quy luật, con người ta thực chất lại là một người khác.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Quý chị Cheveley? Có vẻ như tôi biết cái tên này.
PHU NHÂN MARKBY. Chị ấy mới đến đây từ Vienna.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. À! Vâng. Tôi nghĩ tôi biết người mà bà đang nói đến.
PHU NHÂN MARKBY. Ồ! Chị ta đi đủ nơi ở bên đó, và kể những vụ bê bối dễ chịu về bạn bè của mình. Thật sự tôi phải đến Vienna vào mùa đông tới mới được. Tôi hi vọng có đầu bếp giỏi ở Đại sứ quán.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Nếu mà không có thì ông Đại sứ chắc chắn đã bị gọi về rồi. Xin bà chỉ cho tôi ai là Quý chị Cheveley. Tôi muốn gặp chị ta.
PHU NHÂN MARKBY. Để tôi giới thiệu cho anh. [Nói với QUÝ BÀ CHEVELEY.] Này chị, Tước sĩ Robert Chiltern mong gặp chị muốn chết được!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Cúi chào.] Ai cũng sẽ nguyện chết để được gặp người tài năng như Quý chị Cheveley. Các tuỳ viên của chúng tôi ở Vienna chẳng viết gửi gì về ngoài sự ấy.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Cảm ơn anh, Tước sĩ Robert. Mối quen biết mà được bắt đầu bằng lời khen thì chắc chắn sẽ phát triển thành tình bạn đích thực. Chúng ta đã khởi đầu rất đúng cách. Và tôi nhận ra mình đã biết Phu nhân Chiltern từ trước rồi.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Thật sao?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Vâng. Chị ấy vừa nhắc tôi nhớ về quãng thời gian cùng học chung trường. Bây giờ thì tôi nhớ ra rồi. Chị ấy luôn được nhận phần thưởng vì hạnh kiểm. Tôi nhớ rất rõ rằng Phu nhân Chiltern lúc nào cũng được nhận phần thưởng vì hạnh kiểm!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Mỉm cười nói.] Thế chị được nhận phần thưởng gì, Quý chị Cheveley?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Phần thưởng của tôi thì sau này mới đến trong cuộc đời. Tôi không nghĩ có món nào là thưởng vì hạnh kiểm. Tôi quên khuấy cả rồi!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Tôi đoan chắc là vì cái gì đó quyến rũ!
QUÝ BÀ CHEVELEY. Tôi không biết là phụ nữ luôn được thưởng vì vẻ quyến rũ đấy. Tôi nghĩ họ thường bị phạt vì thế mới đúng! Chắc chắn, nhiều phụ nữ ngày nay già đi tại bởi lòng chung thuỷ từ những người si mê họ hơn bất kì điều gì khác! Ít nhất đó là cách duy nhất để tôi giải thích cho vẻ ngoài bệ rạc phát gớm của hầu hết phụ nữ xinh đẹp ở Luân Đôn!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Một triết lí nghe mà kinh hãi! Ai mà toan phân loại chị, Quý chị Cheveley, thì hẳn là lỗi phép. Nhưng tôi mạn phép hỏi, tự tâm, chị là người lạc quan chủ nghĩa hay bi quan chủ nghĩa? Chúng dường như là hai tôn giáo hợp mốt duy nhất còn lại cho chúng ta ngày nay.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Ôi, tôi không thuộc cả hai. Chủ nghĩa lạc quan khởi đầu bằng điệu cười nhăn nhở, còn chủ nghĩa bi quan kết thúc với lăng kính xám xịt. Vả lại, cả hai đều chỉ là một điệu bộ làm dáng thôi.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Chị thích điệu bộ tự nhiên hơn chăng?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Đôi khi. Nhưng đó là kiểu điệu bộ rất khó giữ dáng được lâu.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Những nhà viết tiểu thuyết tâm lí hiện đại, mà chúng ta được nghe mãi, sẽ nói gì với lí thuyết này đây?
QUÝ BÀ CHEVELEY. A! Điểm mạnh của phụ nữ chúng tôi đến từ thực tế rằng tâm lí học không sao giải thích được. Đàn ông có thể được phân tích, phụ nữ chỉ có thể được yêu thôi.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Chị cho rằng khoa học không đối phó được với vấn đề phụ nữ chăng?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Khoa học không bao giờ đối phó được với sự phi lí. Bởi vậy nó không có tương lai phía trước, trong thế giới này.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Và phụ nữ đại diện cho sự phi lí.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Chỉ phụ nữ biết ăn mặc thôi.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Lịch sự cúi chào.] Tôi sợ là mình khó lòng đồng tình với chị điểm này. Nhưng xin mời ngồi. Và giờ nói tôi hay, cơn gió nào khiến chị rời khỏi Vienna rực rỡ mà đến Luân Đôn ảm đạm của chúng tôi thế – hoặc phải chăng câu hỏi này thiếu ý tứ quá?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Câu hỏi không bao giờ thiếu ý tứ. Câu trả lời thì mới đôi khi.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Vâng, dẫu sao đi nữa, tôi xin hỏi có phải vì chính trị hoặc lạc thú?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Chính trị là lạc thú duy nhất của tôi. Anh thấy đấy, thời buổi này sẽ là không đúng mốt nếu tán tỉnh trước tuổi bốn mươi, hoặc yêu đương trước tuổi bốn mươi lăm, vậy nên đám phụ nữ khốn khổ chúng tôi khi chưa tới ba mươi, hoặc tự nhận thế, chẳng có gì để làm cả ngoài chính trị hoặc từ thiện. Và với tôi hội từ thiện có vẻ chỉ là nơi ẩn náu của những người ưa làm phiền đồng loại. Tôi thích chính trị hơn. Tôi thấy nó… mặc lên hợp người!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Cuộc sống chính trị là sự nghiệp cao đẹp mà!
QUÝ BÀ CHEVELEY. Thỉnh thoảng thôi. Thỉnh thoảng nó là trò chơi ranh mãnh, Tước sĩ Robert. Thỉnh thoảng nó lại là mối phiền toái lớn.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Chị tìm cái nào từ nó?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Tôi ư? Một kết hợp của cả ba. [Đánh rơi chiếc quạt.]
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Nhặt quạt lên.] Xin hân hạnh!
QUÝ BÀ CHEVELEY. Cảm ơn anh.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Nhưng chị vẫn chưa nói tôi hay do đâu chị lại bất ngờ chiếu cố cho Luân Đôn đến thế. Mùa giao lưu của chúng tôi sắp khép lại rồi.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Ôi! Tôi quan tâm gì đến mùa giao lưu Luân Đôn! Nó sặc mùi hôn nhân. Người ta đến để hoặc tìm chồng, hoặc trốn chồng. Tôi muốn gặp anh thôi. Rất đỗi thật lòng. Anh biết tính tò mò của phụ nữ là thế nào rồi đấy. Cũng lớn ngang với đàn ông! Tôi rất muốn gặp anh, và… để nhờ anh một việc này.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Tôi hi vọng không phải việc nhỏ, Quý chị Cheveley. Tôi thấy rằng việc nhỏ thì rất khó làm.
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Sau một thoáng suy nghĩ.] Không, tôi hoàn toàn không cho đó là việc nhỏ.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Tôi lấy làm mừng. Vậy hãy nói tôi nghe nào.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Lát nữa đi. [Đứng dậy.] Bây giờ cho phép tôi tham quan nhà anh nhé? Nghe nói phòng tranh nhà anh quyến rũ lắm. Nam tước Arnheim quá cố – anh nhớ ngài Nam tước chứ? – từng bảo tôi rằng anh có mấy bức tranh rất tuyệt vời của Corot.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Khẽ giật mình.] Chị quen Nam tước Arnheim sao?
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Mỉm cười.] Thân thiết. Còn anh?
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Một thời gian thôi.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Một con người tuyệt vời, phải không?
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Nói sau một thoáng ngừng.] Ông ấy rất lỗi lạc, trong nhiều lĩnh vực.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Tôi thường lấy làm tiếc rằng ông ấy chưa bao giờ viết hồi kí. Ắt hẳn nó phải thú vị vô cùng.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Vâng: ông ấy rành rẽ cả người dân lẫn phố thị, hệt như vị anh hùng Hi Lạp xưa.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Mà không phải mang nhược điểm khủng khiếp là có một nàng Penelope chờ đợi ở nhà.
MASON. Huân tước Goring.
[HUÂN TƯỚC GORING đi vào. Ba mươi tư tuổi, nhưng luôn nhận mình trẻ hơn thế. Vẻ mặt phớt tỉnh, ra dáng con nhà dòng dõi. Chàng ta khôn ngoan, nhưng không thích bị nghĩ vậy. Ăn mặc bảnh bao không tì vết, chàng sẽ phiền lòng nếu bị coi là lãng mạn. Chàng đùa chơi với cuộc đời, và giữ mối hữu hảo hết mực với thế gian. Chàng thích được hiểu lầm. Việc đó cho chàng một địa vị thuận lợi.]
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Chào buổi tối, Arthur thân mến! Quý chị Cheveley, tôi xin được giới thiệu Huân tước Goring, người nhàn rỗi nhất Luân Đôn.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Tôi đã gặp Huân tước Goring trước đây rồi.
HUÂN TƯỚC GORING. [Cúi chào.] Tôi không nghĩ chị vẫn còn nhớ tôi đấy, Quý chị Cheveley.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Trí nhớ của tôi đang vận hành trơn tru lắm. Thế anh vẫn còn độc thân sao?
HUÂN TƯỚC GORING. Tôi… tin vậy.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Lãng mạn làm sao!
HUÂN TƯỚC GORING. Ồ! Chẳng lãng mạn gì hết đâu. Tôi chưa đủ già. Tôi nhường phần lãng mạn cho lớp cha anh.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Huân tước Goring là sản phẩm của Hội quán Boodle mà, Quý chị Cheveley.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Anh ấy toát ra mọi ảnh hưởng từ cái hội đó.
HUÂN TƯỚC GORING. Xin phép hỏi chị có ở lại Luân Đôn lâu không?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Điều đó tuỳ một phần vào thời tiết, một phần vào đồ ăn, và một phần vào Tước sĩ Robert.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Chị sẽ không đẩy chúng tôi vào chiến tranh châu Âu đấy chứ, tôi mong thế?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Sự ấy đâu còn nguy hiểm gì nữa, trong thời buổi này!
[Ả gật đầu với HUÂN TƯỚC GORING, kèm ánh mắt thích thú, rồi đi ra ngoài cùng với TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. HUÂN TƯỚC GORING đi thơ thẩn đến chỗ MABEL CHILTERN.]
MABEL CHILTERN. Anh đến quá muộn!
HUÂN TƯỚC GORING. Cô nhớ tôi sao?
MABEL CHILTERN. Vô cùng tận!
HUÂN TƯỚC GORING. Vậy tôi phải tiếc vì đã không đến muộn hơn nữa. Tôi thích được người ta nhớ.
MABEL CHILTERN. Anh ích kỉ lắm thay!
HUÂN TƯỚC GORING. Tôi rất ích kỉ.
MABEL CHILTERN. Lúc nào anh cũng phô bày trước em các tật xấu, Huân tước Goring.
HUÂN TƯỚC GORING. Tôi mới chỉ cho cô thấy một nửa số chúng thôi đấy, Tiểu thư Mabel!
MABEL CHILTERN. Nửa còn lại xấu lắm sao?
HUÂN TƯỚC GORING. Hết sức đáng tởn! Hễ cứ nghĩ về chúng vào ban đêm là tôi đi ngủ ngay.
MABEL CHILTERN. Ồ, em thích những tật xấu của anh. Em sẽ không cho phép anh bỏ đi cái nào đâu.
HUÂN TƯỚC GORING. Tốt bụng làm sao! Cô bao giờ cũng tốt bụng. Mà này, tôi muốn hỏi chút chuyện, Tiểu thư Mabel. Ai dẫn Quý bà Cheveley đến đây thế? Người đàn bà bận đồ màu hướng nhật, vừa mới rời phòng cùng anh trai cô đấy?
MABEL CHILTERN. Ồ, em nghĩ là Phu nhân Markby. Sao anh hỏi thế?
HUÂN TƯỚC GORING. Tôi đã không gặp bà ta đã nhiều năm, chỉ vậy thôi.
MABEL CHILTERN. Lí do ngớ ngẩn quá!
HUÂN TƯỚC GORING. Thảy lí do đều ngớ ngẩn.
MABEL CHILTERN. Bà ta thuộc hạng phụ nữ nào?
HUÂN TƯỚC GORING. Ồ! Một thiên tài vào ban ngày và mĩ nhân vào ban đêm!
MABEL CHILTERN. Em không ưa bà ta ngay từ lúc mới thấy.
HUÂN TƯỚC GORING. Cô có mắt nhìn người tốt đấy.
TỬ TƯỚC XỨ NANJAC. [Đến gần.] A, Tiểu thư Ăng-lê đây mắt tinh như rồng vậy, phải không? Mắt tinh hơn cả rồng ấy chứ.
HUÂN TƯỚC GORING. Cánh báo chí lúc nào cũng bảo chúng tôi vậy.
TỬ TƯỚC XỨ NANJAC. Moa đọc hết báo chí Ăng-lê rồi. Moa thấy chúng rất giải trí.
HUÂN TƯỚC GORING. Vậy thì, Nanjac thân mến, hẳn là anh đã đọc được những thứ đằng sau con chữ.
TỬ TƯỚC XỨ NANJAC. Moa thích vậy lắm, nhưng giáo sư của moa phản đối. [Nói với MABEL CHILTERN.] Cho phép moa tận hưởng lạc thú hộ tống toa vào phòng nhạc nhé, quý tiểu thư?
MABEL CHILTERN. [Trông rất thất vọng.] Rất vui lòng, thưa Tử tước, rất vui lòng! [Quay sang HUÂN TƯỚC GORING.] Anh có sang phòng nhạc không?
HUÂN TƯỚC GORING. Không nếu ở đó đang tấu nhạc, Tiểu thư Mabel.
MABEL CHILTERN. [Nghiêm nghị.] Nhạc Đức đấy. Anh không hiểu nổi đâu.
[MABEL CHILTERN đi ra cùng TỬ TƯỚC XỨ NANJAC.]
[HUÂN TƯỚC CAVERSHAM lại gần con trai.]
HUÂN TƯỚC CAVERSHAM. Ồ, thưa anh! Anh làm gì ở đây? Hoài phí cuộc đời như thường lệ? Anh nên đi ngủ, thưa anh. Anh thức khuya quá thể! Tôi được nghe đêm nọ tại buổi vũ nhà Phu nhân Rufford anh thức đến tận bốn giờ sáng!
HUÂN TƯỚC GORING. Chỉ bốn giờ kém mười lăm thôi, thưa cha.
HUÂN TƯỚC CAVERSHAM. Tôi không hiểu sao anh vẫn chịu được giới thượng lưu Luân Đôn. Mọi thứ đều đang xuống chó, quá nhiều quân không đâu nói về cái không đâu.
HUÂN TƯỚC GORING. Con thích nói về cái không đâu, thưa cha. Đó cũng là cái duy nhất con biết.
HUÂN TƯỚC CAVERSHAM. Tôi xem chừng anh chỉ lấy lạc thú làm lẽ sống.
HUÂN TƯỚC GORING. Có còn gì khác để làm lẽ sống đâu, thưa cha? Chẳng gì già nua cho bằng hạnh phúc.
HUÂN TƯỚC CAVERSHAM. Anh quá nhẫn tâm, thưa anh, quá nhẫn tâm!
HUÂN TƯỚC GORING. Con mong là không phải vậy, thưa cha. Chào buổi tối, Phu nhân Basildon!
PHU NHÂN BASILDON. [Nheo đôi mày thanh tú.] Cậu cũng đến đây à? Tôi không biết là cậu cũng tham dự các buổi tiệc chính trị đấy!
HUÂN TƯỚC GORING. Tôi thích mê các buổi tiệc chính trị. Đó là nơi duy nhất còn sót lại cho chúng ta mà mọi người không nói chuyện chính trị.
PHU NHÂN BASILDON. Tôi thích nói chuyện chính trị. Tôi nói chuyện ấy suốt ngày. Nhưng tôi không tài nào lắng nghe cho nổi. Chả biết đám đàn ông bạc phước trong Nghị viện làm thế nào để chịu được các buổi tranh luận dài đằng đẵng như thế.
HUÂN TƯỚC GORING. Bằng cách không lắng nghe.
PHU NHÂN BASILDON. Thật sao?
HUÂN TƯỚC GORING. [Phong thái vô cùng nghiêm túc.] Tất nhiên. Bà biết đấy, lắng nghe là việc rất nguy hiểm. Nếu ta lắng nghe thì ta dễ bị thuyết phục; và người để bản thân bị thuyết phục bởi một lập luận là người hoàn toàn đuối lí.
PHU NHÂN BASILDON. A! Điều này giải thích thấu đáo về đám đàn ông mà tôi không tài nào hiểu được, và về cả đám đàn bà mà chồng họ không bao giờ coi trọng điều đó ở họ!
QUÝ BÀ MARCHMONT. [Thở dài.] Các ông chồng chả bao giờ coi trọng điều gì ở chúng tôi hết. Chúng tôi đành đi tìm sự ấy ở những người khác!
PHU NHÂN BASILDON. [Nhấn mạnh.] Vâng, luôn luôn ở những người khác, bà nhỉ?
HUÂN TƯỚC GORING. [Mỉm cười.] Và đó là quan điểm của hai quý bà có tiếng là lấy được ông chồng đáng ao ước nhất ở Luân Đôn đấy.
QUÝ BÀ MARCHMONT. Đó mới chính là thứ chúng tôi chịu không nổi. Lão Reginald nhà tôi toàn hảo đến vô vọng. Có những lúc tôi không chấp nhận nổi lão! Tôi không còn mảy may cảm xúc kích động nào khi đã thấu hiểu con người lão.
HUÂN TƯỚC GORING. Kinh khủng khiếp! Thật tình, chuyện này nên được loan báo rộng rãi!
PHU NHÂN BASILDON. Lão Basildon cũng tệ không kém; lão cứ ru rú ở nhà như thể lão còn độc thân vậy.
QUÝ BÀ MARCHMONT. [Siết tay PHU NHÂN BASILDON.] Olivia đáng thương! Chúng ta lấy phải những ông chồng toàn hảo, và chúng ta bị trừng phạt thích đáng vì điều đó.
HUÂN TƯỚC GORING. Tôi tưởng các ông chồng bị trừng phạt mới đúng chứ.
QUÝ BÀ MARCHMONT. [Nhấc mình dậy.] Ồ không, thưa cậu! Họ vẫn hạnh phúc như thường! Còn về tin tưởng chúng tôi, bi kịch thay họ lại tin tưởng chúng tôi lắm.
PHU NHÂN BASILDON. Hết sức bi kịch!
HUÂN TƯỚC GORING. Hoặc hài kịch, Phu nhân Basildon?
PHU NHÂN BASILDON. Chắc chắn không phải hài kịch, Huân tước Goring. Nghĩ được điều đó thì cậu thật xấu bụng!
QUÝ BÀ MARCHMONT. Tôi e rằng Huân tước Goring nằm trong doanh trại của kẻ thù mất rồi, như lệ thường. Tôi thấy cậu ta nói chuyện với Quý chị Cheveley lúc mới đến.
HUÂN TƯỚC GORING. Một phụ nữ diễm lệ, Quý chị Cheveley!
PHU NHÂN BASILDON. [Cứng rắn nói.] Xin đừng khen phụ nữ khác trước mặt chúng tôi. Cậu phải chờ chúng tôi làm việc đó!
HUÂN TƯỚC GORING. Tôi xin chờ.
QUÝ BÀ MARCHMONT. Ồ, chúng tôi sẽ không khen chị ta đâu. Tôi nghe nói chị ta đã đi nghe nhạc thính phòng tối thứ Hai, và đã nói với Tommy Rufford trên bàn ăn rằng, theo như chị ta thấy, thì giới thượng lưu Luân Đôn chỉ rặt những người bết bát và bảnh bao.
HUÂN TƯỚC GORING. Chị ta lại đúng nữa. Thảy đàn ông đều bết bát và thảy phụ nữ đều bảnh bao, phải không?
QUÝ BÀ MARCHMONT. [Sau một thoáng ngừng.] Than ôi! Cậu thật sự nghĩ đó là ý Quý chị Cheveley muốn nói ư?
HUÂN TƯỚC GORING. Hẳn vậy. Và đó là nhận xét rất tinh ý mà Quý chị Cheveley từng buông ra.
[MABEL CHILTERN đi vào. Nàng nhập cuộc.]
MABEL CHILTERN. Sao mọi người lại nói về Quý bà Cheveley? Ai ai cũng nói về Quý bà Cheveley cả! Huân tước Goring bảo… anh bảo gì nhỉ, Huân tước Goring, về Quý bà Cheveley? Ồ! Tôi nhớ rồi, rằng bà ta là thiên tài vào ban ngày và mĩ nhân vào ban đêm.
PHU NHÂN BASILDON. Thật là một kết hợp gớm guốc! Quá ư thiếu tự nhiên!
QUÝ BÀ MARCHMONT. [Điệu bộ mơ màng.] Tôi thích ngắm nhìn thiên tài, và lắng nghe mĩ nhân.
HUÂN TƯỚC GORING. A! Thế là bệnh hoạn đấy, Quý bà Marchmont!
QUÝ BÀ MARCHMONT. [Sáng mắt lên như thấy lạc thú đích thực.] Tôi rất mừng được nghe vậy. Lão Marchmont lấy tôi đã bảy năm, mà chưa từng một lần bảo tôi là bệnh hoạn. Đàn ông thiếu óc quan sát đến đau đớn.
PHU NHÂN BASILDON. [Quay sang bà bạn.] Tôi vẫn luôn bảo mà, Margaret thân mến, rằng bà là người bệnh hoạn nhất Luân Đôn.
QUÝ BÀ MARCHMONT. A! Nhưng bà vẫn luôn đồng cảm với tôi mà, Olivia!
MABEL CHILTERN. Liệu có bệnh hoạn không khi thèm ăn? Tôi đang thèm ăn quá. Huân tước Goring, anh sẽ đưa em đi ăn khuya chứ?
HUÂN TƯỚC GORING. Rất sẵn lòng, Tiểu thư Mabel. [Đi ra phía xa cùng nàng.]
MABEL CHILTERN. Anh thật quá quắt! Anh không hề nói chuyện với em suốt buổi tối!
HUÂN TƯỚC GORING. Biết làm sao đây? Cô đi cùng với anh chàng tuỳ viên bập bẹ ấy rồi mà.
MABEL CHILTERN. Lẽ ra anh phải đi theo em. Theo đuổi lúc nào cũng là hành động lịch thiệp hết. Em không cho rằng mình thích anh chút nào đêm nay.
HUÂN TƯỚC GORING. Tôi thích cô quá chừng.
MABEL CHILTERN. Ôi chà, em mong anh thể hiện điều đó một cách dễ thấy hơn!
[Họ đi xuống lầu.]
QUÝ BÀ MARCHMONT. Olivia, tôi có cảm giác là lạ và chỉ chực ngất xỉu. Tôi nghĩ mình sẽ thích một bữa ăn khuya lắm lắm. Tôi biết mình sẽ thích ăn khuya mà.
PHU NHÂN BASILDON. Tôi cũng đang thèm ăn khuya muốn chết đây, Margaret!
QUÝ BÀ MARCHMONT. Đàn ông ích kỉ kinh khủng, họ không bao giờ nghĩ đến những chuyện này.
PHU NHÂN BASILDON. Đàn ông ham vật chất khủng khiếp, ham vật chất khủng khiếp!
[TỬ TƯỚC XỨ NANJAC cùng vài khách khứa khác từ phòng nhạc đi vào. Sau khi quan sát kĩ lưỡng thảy mọi người có mặt, anh ta lại gần PHU NHÂN BASILDON.]
TỬ TƯỚC XỨ NANJAC. Cho phép moa được vinh hạnh dẫn toa đi dùng bữa khuya nhé, Bá tước Phu nhân?
PHU NHÂN BASILDON. [Lạnh lùng.] Tôi không bao giờ ăn khuya, cảm ơn anh, Tử tước. [TỬ TƯỚC XỨ NANJAC sắp sửa cáo lui. PHU NHÂN BASILDON thấy thế bèn vội bật dậy, quàng lấy cánh tay anh ta.] Nhưng tôi vẫn sẵn lòng đi cùng với anh.
TỬ TƯỚC XỨ NANJAC. Moa rất thích ăn uống! Khẩu vị của moa đặc sệt chất Ăng-lê.
PHU NHÂN BASILDON. Trông anh rất ra dáng người Anh, Tử tước, rất ra dáng.
[Họ đi ra. QUÝ ÔNG MONTFORD, một gã trẻ bảnh bao chải chuốt tận răng, lại gần QUÝ BÀ MARCHMONT.]
QUÝ ÔNG MONTFORD. Ta đi dùng bữa khuya chứ, Quý bà Marchmont?
QUÝ BÀ MARCHMONT. [Uể oải nói.] Cảm ơn, Quý anh Montford, tôi không bao giờ động đến bữa khuya. [Lật đật đứng dậy quàng lấy cánh tay gã.] Nhưng tôi sẽ ngồi cạnh anh, và nhìn anh dùng bữa.
QUÝ ÔNG MONTFORD. Tôi không biết là mình lại thích bị người ta nhìn lúc đang ăn!
QUÝ BÀ MARCHMONT. Vậy tôi sẽ nhìn người khác.
QUÝ ÔNG MONTFORD. Tôi không biết là mình lại thích cả việc đó.
QUÝ BÀ MARCHMONT. [Nghiêm nghị.] Xin đừng, Quý anh Montford, đừng nói chuyện ghen tuông trước bàn dân thiên hạ như vậy!
[Họ xuống lầu cùng các khách khứa khác, ngang qua TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN và QUÝ BÀ CHEVELEY lúc này đang đi vào.]
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Thế chị có định ghé chơi căn biệt thự thôn dã nào trước khi rời Anh quốc không, Quý chị Cheveley?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Ôi, không! Tôi chịu không nổi các buổi tiệc tại gia ở Anh quốc. Ở Anh quốc ai cũng cố tỏ ra thông minh trong bữa ăn sáng. Gớm thay cho họ! Chỉ những người ngu ngốc mới thông minh trong bữa ăn sáng. Rồi thì chuyện xấu trong nhà luôn được che đậy bằng bài kinh đọc trước bữa ăn. Tôi nán lại Anh quốc thật sự chỉ vì anh thôi, Tước sĩ Robert. [Ngồi xuống xô-pha.]
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Ngồi xuống cạnh ả.] Nghiêm túc ư?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Hoàn toàn nghiêm túc. Tôi muốn nói chuyện với anh về một dự án chính trị và tài chính lớn, thực tế là về Công ti Kênh đào Argentina.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Chủ đề gì mà tẻ nhạt và thực dụng quá thể, Quý chị Cheveley!
QUÝ BÀ CHEVELEY. Ồ, tôi thích chủ đề tẻ nhạt và thực dụng. Cái tôi không thích là con người tẻ nhạt và thực dụng kìa. Chúng có sự khác biệt rất lớn. Vả lại, anh rất quan tâm, theo tôi biết, đến các dự án Kênh đào Quốc tế. Anh từng là thư kí của Huân tước Radley, đúng không, vào thời mà Chính phủ mua các cổ phần của Kênh đào Suez?
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Vâng. Nhưng Kênh đào Suez là công trình rất vĩ đại và lộng lẫy. Nó mở cho ta tuyến đường trực tiếp đến Ấn Độ. Nó mang giá trị khổng lồ. Chúng ta cần thiết phải kiểm soát nó. Còn dự án Argentina chỉ là trò lừa đảo thường thấy trên Sàn Chứng khoán mà thôi.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Một vụ đầu cơ, Tước sĩ Robert! Một vụ đầu cơ xán lạn và táo bạo.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Tin tôi đi, Quý chị Cheveley, đó là trò lừa đảo. Ta hãy gọi mọi sự bằng đúng tên của nó. Sự ấy khiến vấn đề đơn giản hơn. Chúng tôi có tất cả thông tin về nó ở Bộ Ngoại giao. Thực tế, tôi đã cử đi một Uỷ ban đặc biệt để điều tra ngầm về vấn đề này, và họ báo cáo rằng công trình ấy khó mà khởi công được, còn với số tiền đã được quyên góp, có trời mới biết đã đi đâu. Toàn bộ chuyện này là một vụ Panama thứ hai, mà còn chẳng có lấy một phần tư cơ hội thành công so với sự vụ đáng buồn kia. Tôi hi vọng chị chưa đầu tư gì vào đó. Tôi đoan chắc chị thừa khôn ngoan trong chuyện này.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Tôi đã đầu tư vào đó một khoản rất lớn.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Ai đã xui chị làm chuyện dại dột thế?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Bạn cũ của anh – và tôi.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Ai?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Nam tước Arnheim.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Cau mày.] À! Phải. Tôi nhớ là có nghe nói, vào quãng thời gian trước khi qua đời, ông ấy có dính líu đến toàn bộ vụ này.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Mối tình chót cùng của ông ấy đấy. Nói cho đúng thì, mối tình áp chót.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Đứng lên.] Mà chị chưa xem tranh Corot của tôi nhỉ? Chúng ở trong phòng nhạc. Tranh Corot có vẻ ăn ý với âm nhạc, phải không? Tôi xin mạn phép dẫn chị đi xem?
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Lắc đầu.] Đêm nay tôi không có hứng với tà dương màu bạc, hay bình minh màu hồng. Tôi muốn nói chuyện công việc. [Dùng quạt ra hiệu cho anh ta ngồi lại xuống cạnh mình.]
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Tôi sợ là mình không có lời khuyên nào cho chị, Quý chị Cheveley, ngoài việc bảo chị hãy đầu tư vào cái ít rủi ro hơn. Việc thành bại của kênh đào ấy tuỳ thuộc vào, tất nhiên, thái độ của Anh quốc, và tôi định sẽ trình bày bản báo cáo của Hội đồng Uỷ viên trước Nghị viện đêm mai.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Đó là việc anh không được làm. Vì lợi ích của chính anh, Tước sĩ Robert, chứ chưa nói gì đến tôi, anh không được làm vậy.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Kinh ngạc nhìn ả.] Vì lợi ích của chính tôi? Quý chị Cheveley thân mến, ý chị là sao? [Ngồi xuống cạnh ả.]
QUÝ BÀ CHEVELEY. Tước sĩ Robert, tôi sẽ hoàn toàn thẳng thắn với anh. Tôi muốn anh rút lại bản báo cáo được dự định trình bày trước Nghị viện, trên cơ sở anh có lí do tin rằng Hội đồng Uỷ viên đã có thành kiến hoặc thông tin sai, hoặc những thứ tương tự. Rồi tôi muốn anh nói vài lời với mục đích để Chính phủ cân nhắc lại vấn đề, và anh có lí do tin rằng kênh đào ấy, nếu hoàn công, sẽ mang giá trị lớn tầm quốc tế. Anh biết những điều mà các bộ trưởng vẫn nói trong trường hợp này mà. Vài câu khuôn sáo như thông lệ là được. Trong cuộc sống hiện đại, không gì hiệu quả cho bằng mấy câu khuôn sáo hay ho. Nó khiến cả thế giới trở nên đại đồng. Anh sẽ làm việc ấy cho tôi chứ?
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Quý chị Cheveley, đưa ra đề nghị như thế thì hẳn chị không nghiêm túc rồi!
QUÝ BÀ CHEVELEY. Tôi hoàn toàn nghiêm túc.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Lạnh lùng.] Vậy xin cho tôi tin rằng chị không nghiêm túc.
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Thận trọng và nhấn nhá từng từ.] A! Nhưng tôi nghiêm túc. Và nếu anh làm theo ý tôi, tôi… sẽ trả cho anh một món rất hời!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Trả cho tôi!
QUÝ BÀ CHEVELEY. Vâng.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Tôi e rằng mình không thật sự hiểu ý chị.
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Ngả người ra xô-pha và nhìn anh.] Thất vọng thay! Tôi đã lặn lội từ Vienna đến đây chỉ để anh hiểu tôi cho thấu đáo.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Tôi e là mình không hiểu.
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Dáng vẻ bình thản.] Tước sĩ Robert thân mến, anh là người trải đời, và anh có giá của anh, tôi đồ vậy. Ngày nay ai cũng có giá cả. Hiềm nỗi đa số mọi người đều cao giá phát sợ. Tôi biết mình cũng thế. Tôi mong anh biết điều hơn với các điều khoản của anh.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Phẫn nộ đứng dậy.] Xin mạn phép, tôi sẽ gọi xe ngựa cho chị. Do sống ở nước ngoài quá lâu, Quý chị Cheveley, nên có vẻ chị không nhận ra được rằng mình đang nói chuyện với một quý ông Anh quốc.
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Níu anh ta lại bằng cách đặt chiếc quạt lên cánh tay, giữ nguyên tư thế và nói.] Tôi nhận ra mình đang nói chuyện với người đã gây dựng cơ nghiệp bằng cách bán bí mật của Nội các cho một tay đầu cơ Chứng khoán.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Cắn môi.] Ý chị là gì?
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Đứng lên mặt đối mặt với anh.] Ý là tôi biết nguồn gốc thật sự của tài sản cùng sự nghiệp của anh, và tôi còn có lá thư anh viết nữa.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Thư nào?
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Giọng khinh khỉnh.] Lá thư anh gửi Nam tước Arnheim, hồi còn làm thư kí cho Huân tước Radley, viết rằng Nam tước hãy mua cổ phần Kênh đào Suez – lá thư được viết đúng ba ngày trước khi Chính phủ thông báo về giao dịch của họ.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Giọng khản đặc.] Không đúng.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Anh những tưởng lá thư ấy đã được huỷ. Anh dại lắm! Nó đang thuộc sở hữu của tôi.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Chuyện chị ám chỉ chỉ là phỏng đoán không hơn không kém. Hạ viện chưa thông qua dự luật; nó có thể bị phủ quyết.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Đó là trò lừa đảo, Tước sĩ Robert. Ta hãy gọi mọi sự bằng đúng tên của nó. Sự ấy khiến vấn đề đơn giản hơn. Giờ tôi sẽ bán cho anh lá thư ấy, và cái giá tôi đưa là sự ủng hộ công khai của anh cho dự án Argentina. Anh đã phất lên nhờ một con kênh. Anh phải giúp tôi và bạn bè tôi phất lên nhờ một con kênh khác!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Bỉ ổi, điều chị đề nghị – bỉ ổi!
QUÝ BÀ CHEVELEY. Ồ, không! Đây là trò đời mà thảy chúng ta đều phải chơi, Tước sĩ Robert, không sớm thì muộn!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Tôi không thể làm điều chị đòi.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Ý anh là anh không thể không làm điều đó. Anh biết mình đang đứng trước miệng vực mà. Và giờ không phải lúc cho anh ra điều kiện. Giờ là lúc để anh chấp nhận chúng. Giả như anh từ chối…
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Thì sao?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Tước sĩ Robert thân mến, thì sao ư? Thì anh lụn bại, thảy là vậy! Hãy nhớ về những gì mà Chủ nghĩa Thanh giáo ở Anh quốc mang đến cho anh. Những ngày xưa không có ai vờ vĩnh tử tế hơn chút nào so với người hàng xóm của mình. Thực tế, việc tử tế hơn hàng xóm đôi chút được coi là hết sức thô thiển và trung lưu. Ngày nay, với cơn cuồng đạo đức thời hiện đại, mọi người cố tỏ ra mình là hình mẫu về tính trong sạch, liêm khiết, cùng thảy những thứ như bảy đức hạnh đầu – và kết quả là gì? Các người giống như chín con ki – đổ rạp hết từ kẻ này đến kẻ khác. Không năm nào ở Anh không có người biến mất. Các vụ bê bối xưa từng đem lại vẻ quyến rũ, hay ít nhất là tính hấp dẫn, cho một gã trai – còn giờ thì chúng nghiền nát y. Và vụ bê bối của anh thì cực kì dơ dáy. Anh sẽ không vượt qua được đâu. Nếu thiên hạ biết rằng hồi còn trẻ, hồi còn làm thư kí cho một vị bộ trưởng vĩ đại và quan trọng, anh đã bán bí mật Nội các để lấy một cục tiền dày, và rằng đó chính là nguồn gốc tài sản cùng sự nghiệp của anh, anh sẽ bị tống cổ khỏi cuộc sống chính trị, anh sẽ bốc hơi hoàn toàn. Suy cho cùng, Tước sĩ Robert, sao anh phải hi sinh hết thảy tương lai của mình thay vì dàn xếp ngoại giao với kẻ thù nhỉ? Lúc này tôi là kẻ thù của anh. Tôi thừa nhận! Và tôi mạnh hơn anh nhiều. Binh hùng tướng mạnh đang đứng về phía tôi. Anh sở hữu địa vị huy hoàng, nhưng chính địa vị huy hoàng khiến anh dễ bị tấn công. Anh không phòng thủ nổi đâu! Còn tôi đang trên đà công kích. Tất nhiên tôi không nói chuyện đạo đức với anh. Anh phải thành thật công nhận rằng tôi đã tha cho anh vụ đó. Nhiều năm trước anh đã làm chuyện khôn khéo và bất chính; nó đưa anh đến thành công lớn. Anh nợ nó của nả và địa vị. Và giờ anh phải trả món nợ ấy. Không sớm thì muộn thảy chúng ta phải trả giá cho hành động mình đã làm. Anh phải trả giá ngay bây giờ. Trước khi tôi ra về đêm nay, anh phải hứa với tôi rằng sẽ ỉm đi bản báo cáo của anh, và nói đỡ cho dự án ấy trước Nghị viện.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Điều chị đòi hỏi là bất khả.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Anh phải biến nó thành khả dĩ. Anh sẽ biến nó thành khả dĩ. Tước sĩ Robert, anh biết giới báo chí ở Anh quốc là như thế nào rồi đấy. Hãy tưởng tượng cảnh tôi rời ngôi nhà này mà đánh xe đến toà soạn nào đó, và đưa họ vụ bê bối này cùng đầy đủ bằng chứng! Hãy nghĩ về thú vui tởm lợm của họ, về khoái cảm của họ khi được vùi dập anh, về vũng bùn vũng lầy mà họ sẽ dìm anh xuống. Hãy nghĩ về những kẻ đạo đức giả với nụ cười bóng nhờn đang soạn tin cho trang nhất, và chuẩn bị dán những tấm áp-phích dơ bẩn.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Dừng lại! Chị muốn tôi rút lại bản báo cáo và phát biểu ngắn rằng tôi tin có những điều khả quan trong dự án đó phải không?
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Ngồi xuống xô-pha.] Đó chính là điều kiện của tôi.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Nói thấp giọng.] Tôi sẽ đưa chị bất kì khoản tiền nào tuỳ thích.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Ngay cả anh cũng không đủ giàu, Tước sĩ Robert, để mua lại quá khứ. Không ai đủ cả.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Tôi sẽ không làm điều chị đòi hỏi. Tôi sẽ không làm.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Anh phải làm. Nếu không thì… [Đứng dậy khỏi ghế.]
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Hoang mang và suy sụp.] Khoan đã! Chị đã đề xuất thế nào? Chị nói sẽ trả lại tôi lá thư, phải không?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Phải. Thoả thuận là thế. Tôi sẽ đến Phòng Quý bà ở Nghị viện lúc mười một rưỡi đêm mai. Đến lúc đó – mà anh sẽ có hàng đống cơ hội – nếu anh phát biểu trước Nghị viện theo điều kiện tôi đưa, tôi sẽ trả tận tay anh lá thư kèm với lời cảm ơn tốt đẹp nhất, và lời chúc tụng hay ho nhất, hoặc mọi thứ phù hợp nhất mà tôi nghĩ được. Tôi sẽ chơi rất đẹp với anh. Ta hãy luôn chơi đẹp… khi trong tay đã nắm át chủ bài. Ngài Nam tước đã dạy tôi điều đó… trong rất nhiều điều khác.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Chị phải cho tôi thời gian cân nhắc về đề nghị này.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Không; anh phải quyết định ngay!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Cho tôi một tuần… ba ngày cũng được!
QUÝ BÀ CHEVELEY. Không được! Tôi phải đánh điện về Vienna đêm nay.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Chúa ơi! Cái gì đã đẩy chị vào đời tôi?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Hoàn cảnh. [Đi về phía cửa.]
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Đừng đi. Tôi đồng thuận. Bản báo cáo sẽ được rút lại. Tôi sẽ chuẩn bị trước những chất vấn hướng về mình trong chủ đề này.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Cảm ơn anh. Tôi biết chúng ta sẽ đạt được thoả thuận hoà bình mà. Tôi đã hiểu bản chất của anh ngay từ đầu. Tôi đã phân tích anh, dẫu anh không si mê tôi. Giờ anh gọi xe ngựa cho tôi được rồi đấy, Tước sĩ Robert. Tôi thấy mọi người đang lên đây sau bữa khuya, và dân Anh quốc lúc nào cũng tỏ ra đa cảm sau bữa ăn, sự ấy làm tôi chán phát ốm.
[TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN đi ra.]
[Khách khứa đi vào, PHU NHÂN CHILTERN, PHU NHÂN MARKBY, HUÂN TƯỚC CAVERSHAM, PHU NHÂN BASILDON, QUÝ BÀ MARCHMONT, TỬ TƯỚC XỨ NANJAC, QUÝ ÔNG MONTFORD có mặt.]
PHU NHÂN MARKBY. Này, Quý chị Cheveley thân mến, tôi mong chị thấy vui. Tước sĩ Robert rất hài hước, đúng không?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Hài hước nhất hạng! Nói chuyện với anh ta vui khôn tả.
PHU NHÂN MARKBY. Anh ấy sở hữu một sự nghiệp thú vị và rạng rỡ lắm đấy. Anh ấy lại lấy được người vợ tuyệt vời nhất trần đời nữa. Phu nhân Chiltern là người phụ nữ có tiêu chuẩn vô cùng cao, tôi mừng được nói vậy. Bây giờ tôi hơi già rồi, nên cái thân tôi không lấy ra để nêu gương với ai được, nhưng tôi vẫn luôn ngưỡng mộ những ai đáng để nêu gương. Phu nhân Chiltern mang lại ảnh hưởng cao đẹp đến cuộc đời, dẫu rằng bàn tiệc của chị ấy thi thoảng khá tẻ nhạt. Nhưng người ta không thể cái gì cũng có, phải không? Giờ thôi tôi về, chị ạ. Tôi sẽ tới gặp chị ngày mai nhé?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Cảm ơn bà.
PHU NHÂN MARKBY. Chúng ta có thể đánh xe trong Công viên lúc năm giờ. Lúc này trong Công viên thứ gì trông cũng tươi tắn.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Trừ mọi người!
PHU NHÂN MARKBY. Chắc mọi người làm việc hơi quá sức. Tôi thường quan sát thấy mùa giao lưu khi đang diễn ra luôn gây mềm não con người ta. Tuy nhiên, tôi cho rằng bị gì đi nữa cũng tốt hơn là bị chịu áp lực trí tuệ cao độ. Đó mới là thứ không phù hợp với con người ta nhất. Nó làm mũi đám gái trẻ phình to quá khổ. Và chẳng có gì gây khó dễ cho cưới xin bằng cái mũi to; đàn ông không thích thế. Chúc chị ngủ ngon! [Nói với PHU NHÂN CHILTERN.] Chúc chị ngủ ngon, Gertrude!
[PHU NHÂN MARKBY khoác tay HUÂN TƯỚC CAVERSHAM đi ra.]
QUÝ BÀ CHEVELEY. Nhà của chị đẹp quá, Phu nhân Chiltern! Tôi đã có một buổi tối thú vị. Làm quen với chồng chị cũng tuyệt nữa.
PHU NHÂN CHILTERN. Sao chị lại muốn gặp chồng tôi, Quý chị Cheveley?
QUÝ BÀ CHEVELEY. Ồ, tôi nói chị nghe. Tôi muốn kéo anh ta vào dự án Kênh đào Argentina, mà tôi dám chắc chị cũng biết. Tôi thấy anh ta vô cùng dễ dụ… dụ bằng lí lẽ, ý tôi là vậy. Một điều hiếm thấy ở đàn ông. Tôi thuyết phục được anh ta trong mười phút. Anh ta sẽ đọc bài phát biểu ủng hộ ý tưởng này ở Nghị viện đêm mai. Chúng ta phải đến Phòng Quý bà mà nghe! Đây là dịp tốt đấy!
PHU NHÂN CHILTERN. Hẳn có hiểu nhầm nào đó. Dự án ấy không bao giờ chồng tôi hậu thuẫn.
QUÝ BÀ CHEVELEY. Ồ, tôi xin quả quyết mọi chuyện đã chốt rồi. Giờ tôi không tiếc chuyến đi tẻ nhạt từ Vienna đến đây nữa. Thành công đã mĩ mãn. Nhưng, hẳn rồi, trong hai mươi tư giờ nữa toàn bộ sự việc vẫn là bí mật.
PHU NHÂN CHILTERN. [Nói nhẹ giọng.] Bí mật? Giữa những ai?
QUÝ BÀ CHEVELEY. [Ánh mắt loé lên vẻ khoái trá.] Giữa chồng chị và tôi.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Đi vào.] Xe ngựa đã đến, Quý chị Cheveley!
QUÝ BÀ CHEVELEY. Cảm ơn anh! Chào buổi tối, Phu nhân Chiltern! Chúc ngủ ngon, Huân tước Goring! Tôi ở khách sạn Claridge. Anh có cho rằng anh nên để lại danh thiếp ở nhà tôi không?
HUÂN TƯỚC GORING. Nếu chị muốn, Quý chị Cheveley!
QUÝ BÀ CHEVELEY. Ôi, đừng đặt nặng việc đó quá, bằng không tôi buộc phải để lại danh thiếp ở nhà anh mất. Ở Anh quốc tôi đồ rằng sự ấy khó mà được coi là en règle. Ở nước ngoài, chúng tôi văn minh hơn. Anh sẽ tiễn tôi xuống lầu chứ, Tước sĩ Robert? Giờ đây hai ta đều có cùng mối quan tâm nên ta sẽ trở thành bạn tốt với nhau thôi, tôi mong vậy!
[QUÝ BÀ CHEVELEY khoác tay TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN mà lướt khỏi phòng.]
[PHU NHÂN CHILTERN đi tới chỗ đỉnh cầu thang và quan sát họ đi xuống. Biểu cảm của cô đầy bối rối. Lát sau các vị khách đi ra với cô, và họ cùng nhau đi sang phòng tiếp tân.]
MABEL CHILTERN. Một người đàn bà đáng gớm!
HUÂN TƯỚC GORING. Cô nên đi ngủ, Tiểu thư Mabel.
MABEL CHILTERN. Huân tước Goring!
HUÂN TƯỚC GORING. Cha tôi bảo tôi đi ngủ từ một giờ trước. Tôi không thấy có lí nào để mình không tặng cô lời khuyên tương tự. Tôi luôn luôn chuyển tặng những lời khuyên tốt. Đó là việc duy nhất người ta phải làm với chúng. Chúng không bao giờ hữu ích với bản thân người ta.
MABEL CHILTERN. Huân tước Goring, anh lúc nào cũng ra lệnh đuổi em khỏi phòng. Em coi đây là hành động dũng cảm nhất của anh đấy. Đặc biệt khi em không hề có ý định ngủ trong nhiều giờ tới. [Lại gần chiếc xô-pha.] Anh có thể ra đây ngồi nếu thích, và nói chuyện về đủ thứ trên đời, trừ Học viện Hoàng gia, Quý bà Cheveley, hoặc tiểu thuyết bằng khẩu ngữ Tô Cách Lan. Chúng không phải là chủ đề tiến bộ. [Bắt gặp cái gì đó nằm trên xô-pha đã bị lấp một nửa dưới nệm.] Cái gì đây? Ai đó đánh rơi cái trâm cài áo bằng kim cương! Đẹp quá, phải không? [Giơ cho chàng.] Ước gì nó là của em, nhưng chị Gertrude không cho em đeo gì ngoài ngọc trai, và em phát ốm lên với ngọc trai rồi. Nó làm người ta trông quá đơn điệu, quá đoan trang và quá thông minh. Em tự hỏi cái trâm này thuộc về ai.
HUÂN TƯỚC GORING. Tôi tự hỏi ai đã đánh rơi nó.
MABEL CHILTERN. Một cái trâm xinh đẹp.
HUÂN TƯỚC GORING. Một cái xuyến lộng lẫy.
MABEL CHILTERN. Không phải xuyến. Đây là trâm.
HUÂN TƯỚC GORING. Nó đã từng được dùng như xuyến.
[HUÂN TƯỚC GORING nhận vật đó từ MABEL CHILTERN, và, rút cái hộp đựng thư màu xanh ra, chàng cẩn thận đặt món đồ trang sức vào, rồi đút tất cả vào túi áo ngực một cách vô cùng sang froid.]
MABEL CHILTERN. Anh đang làm gì vậy?
HUÂN TƯỚC GORING. Tiểu thư Mabel, tôi sắp sửa đưa ra một đề nghị có phần quái lạ với cô.
MABEL CHILTERN. [Háo hức.] Ôi, nói tiếp đi! Em đã chờ đợi điều đó suốt cả buổi tối rồi.
HUÂN TƯỚC GORING. [Hơi giật mình, nhưng kìm lòng được.] Đừng nói cho ai biết là tôi cầm cái trâm này nhé. Nếu có ai đánh thư nhận nó, hãy báo cho tôi biết ngay.
MABEL CHILTERN. Lời đề nghị quái lạ là đấy sao?
HUÂN TƯỚC GORING. Ô, cô biết tôi đã từng tặng cái trâm này cho ai rồi đấy, từ nhiều năm trước.
MABEL CHILTERN. Em biết ư?
HUÂN TƯỚC GORING. Phải.
[PHU NHÂN CHILTERN một mình đi vào. Các khách khứa đã ra về.]
MABEL CHILTERN. Vậy thì em buộc phải chúc anh ngủ ngon rồi. Chúc ngủ ngon, chị Gertrude!
[MABEL CHILTERN đi ra.]
PHU NHÂN CHILTERN. Chúc em ngủ ngon! [Nói với HUÂN TƯỚC GORING.] Anh thấy người mà Phu nhân Markby đưa đến tối nay chứ?
HUÂN TƯỚC GORING. Vâng. Một bất ngờ khó chịu. Chị ta đến đây làm gì nhỉ?
PHU NHÂN CHILTERN. Chắc hẳn là để thử dụ dỗ Robert hậu thuẫn cho dự án lừa đảo nào đó mà ả ta có nhúng tay vào. Thực tế là dự án Kênh đào Argentina.
HUÂN TƯỚC GORING. Chị ta chọn nhầm người rồi phải không?
PHU NHÂN CHILTERN. Ả ta không có khả năng hiểu được những người nhân cách ngay thẳng như chồng tôi!
HUÂN TƯỚC GORING. Vâng. Tôi mường tượng đến cảnh chị ta đã thất bại ra sao khi cố gắng lừa cho Robert mắc cạm. Lạ thường sao những sai lầm đáng kinh ngạc mà phụ nữ khôn ngoan vẫn phạm phải.
PHU NHÂN CHILTERN. Em không gọi hạng đàn bà đó là khôn ngoan. Em gọi là ngu xuẩn!
HUÂN TƯỚC GORING. Thường là một cả thôi. Chúc cô ngủ ngon, Phu nhân Chiltern!
PHU NHÂN CHILTERN. Chúc anh ngủ ngon!
[TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN đi vào.]
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Arthur thân mến, cậu không định về chứ? Ngồi chơi chút đã!
HUÂN TƯỚC GORING. Tôi e là không được, cảm ơn anh. Tôi đã hứa sẽ ghé qua nhà Hartlock rồi. Tôi tin là họ có một ban nhạc Hungary màu tím hoa cà chơi thứ nhạc Hungary màu tím hoa cà. Hẹn gặp lại. Tạm biệt!
[HUÂN TƯỚC GORING đi ra]
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Tối nay em đẹp quá, Gertrude!
PHU NHÂN CHILTERN. Robert, chuyện đó không đúng, phải không? Anh sẽ không hỗ trợ cho phi vụ đầu cơ Argentina chứ? Không thể thế được!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Giật mình.] Ai bảo em anh định làm thế?
PHU NHÂN CHILTERN. Người đàn bà vừa mới ra về, Quý bà Cheveley, như ả tự gọi mình lúc này. Ả dường như còn lấy chuyện đó ra nhạo báng em. Robert, em biết ả đàn bà đó. Anh thì chưa. Chúng em từng học chung trường. Ả bất tín, bất lương, luôn ảnh hưởng xấu lên những người mà ả chiếm được lòng tin và tình bạn. Em căm ghét, em khinh bỉ ả. Ả từng trộm đồ, ả là hạng trộm cắp. Ả từng bị đuổi học vì tội trộm cắp. Sao anh lại để ả ảnh hưởng lên anh?
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Gertrude, chuyện em nói có thể là thật, nhưng chuyện ấy đã xảy ra nhiều năm rồi. Tốt nhất hãy cho quên nó đi! Quý bà Cheveley biết đâu đã thay đổi kể từ ấy. Không ai đáng bị phán xét cả đời chỉ vì quá khứ của họ.
PHU NHÂN CHILTERN. [Buồn rầu nói.] Quá khứ thế nào thì bản chất thế ấy. Đó là cách duy nhất để phán xét con người ta.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Nói thế rất ác, Gertrude!
PHU NHÂN CHILTERN. Nói thế rất đúng, Robert. Và ả ta có ý gì khi khoe khoang ả có được sự hậu thuẫn của anh, thanh danh của anh, cho thứ mà em được nghe chính anh miêu tả là một dự án bất chính và gian trá nhất từng được mở ra trong cuộc sống chính trị?
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Cắn môi.] Anh đã có nhầm lẫn trong việc nhìn nhận việc đó. Thảy chúng ta ai cũng có nhầm lẫn.
PHU NHÂN CHILTERN. Nhưng vừa hôm qua anh bảo em rằng anh đã nhận bản báo cáo từ Uỷ ban, và rằng họ đã cực lực chỉ trích toàn bộ vụ việc.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Đi lên đi xuống.] Bây giờ anh có lí do tin rằng Uỷ ban đã có thành kiến, hoặc, dẫu gì đi nữa, thông tin sai. Vả lại, Gertrude, cuộc đời công và cuộc đời tư rất khác nhau. Chúng có những quy luật khác nhau, và đi theo những con đường khác nhau.
PHU NHÂN CHILTERN. Cả hai phải đại diện cho con người ta ở mức cao quý nhất. Em không thấy có sự khác biệt giữa chúng.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Ngừng lời.] Với trường hợp hiện tại, trong vấn đề chính trị thực tiễn, anh đã đổi ý. Vậy thôi.
PHU NHÂN CHILTERN. Vậy thôi!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Cứng rắn.] Phải!
PHU NHÂN CHILTERN. Robert! Than ôi! thật đáng sợ khi em phải hỏi anh câu này… Robert, anh có đang nói toàn bộ sự thật với em không?
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Sao em lại hỏi anh như thế?
PHU NHÂN CHILTERN. [Sau một lúc ngừng.] Sao anh không trả lời thẳng?
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. [Ngồi xuống.] Gertrude, sự thật là thứ rất phức tạp, và chính trị là việc rất phức tạp. Có các bánh răng nằm trong các bánh răng. Người ta có thể phải mắc vào một cái giao ước nhất định mà mình phải làm tròn. Không sớm thì muộn trong đời sống chính trị người ta phải thoả hiệp. Ai cũng vậy thôi.
PHU NHÂN CHILTERN. Thoả hiệp? Robert, cớ sao đêm nay anh nói chuyện khác với lối nói em vẫn luôn nghe thế? Cớ sao anh thay đổi.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Anh không thay đổi. Nhưng hoàn cảnh bẻ cong mọi chuyện.
PHU NHÂN CHILTERN. Hoàn cảnh không bao giờ bẻ cong được nguyên tắc!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Nhưng nếu anh bảo rằng…
PHU NHÂN CHILTERN. Sao?
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Là anh cần phải thế, rất cần phải thế?
PHU NHÂN CHILTERN. Anh không bao giờ cần phải làm chuyện bất chính cả. Còn nếu anh cần phải thế, vậy thì em đã yêu cái gì vậy? Nhưng không phải vậy, Robert; hãy nói rằng không phải vậy đi. Tại sao lại thế? Anh được lợi gì? Tiền ư? Chúng ta đâu thiếu tiền! Tiền bạc đến từ nguồn gốc nhơ nhuốc chỉ càng thêm ô uế. Quyền ư? Nhưng quyền lực tự nó chẳng là gì. Quyền lực chỉ tốt đẹp khi được dùng để làm điều thiện – chỉ vậy, và chỉ vậy thôi. Vậy thì vì gì? Robert, nói em hay cớ sao anh định làm chuyện bất chính này!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Gertrude, em không có quyền dùng từ ngữ đó. Anh đảm bảo rằng đây là hành động thoả hiệp có lí trí. Không hơn không kém.
PHU NHÂN CHILTERN. Robert, thảy việc đó rất tốt cho những kẻ khác, những kẻ coi cuộc đời đơn thuần như một vụ đầu cơ dơ dáy; nhưng nó không tốt cho anh, Robert, không tốt cho anh. Anh khác lắm. Thảy cuộc đời anh đứng tách khỏi họ. Anh chưa bao giờ để nhân thế làm nhơ mình. Với nhân thế, cũng như với em, anh vẫn luôn là một lí tưởng. Than ôi! Hãy cứ là một lí tưởng. Đó là thứ di sản vĩ đại không thể bị vứt đi – ngọn tháp ngà không thể bị phá huỷ. Robert, đàn ông có thể yêu thứ thấp kém hơn họ – thứ không xứng đáng, nhơ nhuốc, ô danh. Phụ nữ chúng em khi đã yêu là tôn thờ; và khi chúng em mất đi lòng tôn thờ, chúng em mất đi tất thảy. Than ôi! Đừng giết chết tình yêu của em dành cho anh, xin đừng giết nó.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Gertrude!
PHU NHÂN CHILTERN. Em biết rằng có những người giữ những bí mật khủng khiếp trong đời – những người từng làm chuyện đáng thẹn nào đó xưa kia, và đến thời điểm nghiệt ngã nào đó phải trả giá vì điều đó, bằng cách làm thêm chuyện đáng thẹn nào đó khác – ôi! đừng nói rằng anh cũng giống họ! Robert, trong đời anh có bất cứ bí mật bất chính hay bất lương nào không? Nói em hay, ngay tức khắc, để…
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Để sao?
PHU NHÂN CHILTERN. [Nói rất chậm.] Để cuộc đời chúng ta mỗi người mỗi ngả.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Mỗi người mỗi ngả?
PHU NHÂN CHILTERN. Để chúng được cách chia tuyệt đối. Vậy sẽ tốt hơn cho cả hai ta.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Gertrude, không còn gì trong quá khứ của anh mà em chưa biết.
PHU NHÂN CHILTERN. Em cũng đoan chắc vậy, Robert, em cũng đoan chắc vậy. Nhưng tại sao anh lại nói những lời gớm guốc đó, những lời không giống với con người anh? Ta đừng khi nào nói về chủ đề này nữa nhé. Anh sẽ viết, phải không, cho Quý bà Cheveley, và bảo ả rằng anh không thể hậu thuẫn cho dự án khét tiếng của ả? Nếu anh đã cho ả lời hứa nào thì anh phải rút lại, vậy thôi!
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Anh buộc phải viết cho chị ta thế ư?
PHU NHÂN CHILTERN. Bắt buộc, Robert! Còn gì khác được?
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Anh có thể gặp trực tiếp chị ta. Như vậy thì hơn.
PHU NHÂN CHILTERN. Anh không bao giờ được gặp ả nữa, Robert. Ả không thuộc hạng phụ nữ để anh nói chuyện cùng. Ả không xứng đáng được nói chuyện với người như anh. Vâng; anh phải viết cho ả ngay lập tức, bây giờ, chính lúc này, và để lá thư ấy cho ả biết rằng quyết định của anh là dứt khoát không thay đổi.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Viết ngay lúc này!
PHU NHÂN CHILTERN. Vâng.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Nhưng muộn quá rồi. Đã gần mười hai giờ rồi.
PHU NHÂN CHILTERN. Chẳng có vấn đề gì hết. Ngay bây giờ ả phải biết rằng ả đã hiểu lầm anh – và rằng anh không phải hạng người làm chuyện đê tiện hay ám muội hay bất chính. Viết tại đây, Robert. Viết rằng anh từ chối hỗ trợ dự án của ả, cũng như anh vẫn cho rằng đó là dự án bất thiện. Phải – cứ viết ra từ bất thiện. Ả biết từ ngữ đó nghĩa là sao.
[TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN ngồi xuống viết thư. Vợ anh cầm thư lên và đọc.]
Vâng; vậy được rồi. [Bấm chuông.] Còn giờ đến phong bì. [Anh chậm rãi ghi ngoài phong bì. MASON đi vào.] Gửi ngay lá thư này đến khách sạn Claridge nhé. Không cần đợi thư phúc đáp.
[MASON đi ra. PHU NHÂN CHILTERN quỳ xuống bên chồng, và quàng tay ôm anh.]
Robert, tình yêu cho người ta sự nhạy cảm về mọi chuyện. Em cảm thấy đêm nay em đã cứu anh khỏi điều gì đó có thể gây hại cho anh, điều gì đó có thể khiến người đời bớt trọng vọng anh đi. Em không nghĩ anh đã ý thức được thấu đáo sự này, Robert, rằng anh đã mang đến chính trường trong thời đại của chúng ta bầu không khí cao quý hơn, thái độ sống đẹp đẽ hơn, hơi thở tự do hơn của mục đích trong sạch hơn và lí tưởng cao đẹp hơn – em thì biết, và bởi vậy em yêu anh, Robert.
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Ôi, mãi yêu anh nhé, Gertrude, mãi yêu anh nhé!
PHU NHÂN CHILTERN. Em sẽ mãi yêu anh, vì anh mãi xứng đáng với tình yêu. Chúng ta cần phải yêu điều cao thượng nhất hiển hiện trước mắt mình!
[PHU NHÂN CHILTERN hôn chồng rồi đứng dậy đi ra.]
[TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN đi lên đi xuống một lúc; rồi ngồi xuống vùi mặt vào bàn tay. Người đầy tớ đi vào và bắt đầu tắt đèn. TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN ngước lên.]
TƯỚC SĨ ROBERT CHILTERN. Cứ tắt đèn đi, Mason, cứ tắt đèn đi!
[Người đầy tớ tắt đèn. Căn phòng gần như tối om. Nguồn sáng duy nhất được toả ra từ chùm đèn lớn treo giữa cầu thang và hắt lên tấm thảm treo Chiến thắng của Tình yêu.]
KHÉP MÀN