Mình vừa đọc cuốn Nghệ thuật tư duy rành mạch của tác giả Rolf Dobelli, và thấy có vài lỗi tư duy trong cuốn sách rất thường gặp ở các bài viết trên internet (facebook, báo chí, các diễn đàn) nên mình chia sẻ để một số bạn có sở thích lười đọc sách mà chỉ thích đọc những bài kiến thức mì ăn liền trôi nổi trên internet giống mình tránh phải.

A/ CÁC LỖI TƯ DUY
1- Thành kiến chứng thực
 Thành kiến chứng thực là hiện tượng người viết cung cấp thông tin, bằng chứng sao cho phù hợp với những lý thuyết, đức tin và quan điểm sẵn có của họ. Họ lờ đi các bằng chứng không ủng hộ quan điểm của mình, và cố gắng nhồi nhét vào bài viết những thuyết âm mưu, những giả thuyết rồi lập luận bằng vài chứng sơ sài, với những ngôn từ "đao to búa lớn".
Ví dụ: Một bài viết có chủ đề “Steve Job thành công nhờ phong cách lãnh đạo độc đoán”. Sau khi xác định được quan điểm của bài viết, người viết sẽ liệt kê các ưu điểm của phong cách lãnh đạo độc đoán nhưng lại lờ đi những tác hại của phong cách này, dẫn chứng bằng những nhà lãnh đạo độc đoán thành công khác như Jeff Bezos, nhưng không hề nhắc những nhà lãnh đạo thành công khác theo phong cách mềm mỏng. Họ không tìm, và cũng không thể đưa ra thống kê về những trường hợp thất bại của phong cách lãnh đạo độc đoán, những nhà lãnh đạo thành công theo phương pháp lãnh đạo mềm mỏng, vì việc này sẽ hoàn toàn làm hỏng quan điểm chủ đề của bài viết.
Mạng xã hội là một mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng những bài viết kiểu này. Luôn có một lượng lớn người đọc dễ dãi, không có tư duy phản biện và chỉ muốn đọc những bài viết ủng hộ cho quan điểm sẵn có của mình. Họ thường có xu hướng thích like, share và tìm kiếm những người viết có cùng quan điểm với mình, và hệ thống gợi ý những bài viết, những video liên quan của facebook hay youtube hiện nay lại càng làm tình hình trở nên nghiêm trọng, góp phần làm những tư tưởng lệch lạc của họ lại ngày càng được củng cố vững chắc.
Để tránh rơi vào cái bẫy thành kiến chứng thực, người đọc nên tỉnh táo tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến bài viết, và tiếp nhận những quan điểm trái chiều. Dù có thể khó chịu khi những quan điểm mới có thể đi ngược lại với những niềm tin sẵn có của cá nhân, nhưng mình nghĩ những lợi ích mang lại thì rất đáng để làm.
2 - Thành kiến truyện kể
Theo lời giới thiệu của Stephen Hawking trong cuốn sách Lược sử thời gian
Mỗi một phương trình mà tôi đưa vào cuốn sách sẽ làm giảm số lượng bán đi một nửa.
Con người sử dụng những câu chuyện thần thoại để lý giải các quy luật vận hành của thế giới từ rất lâu từ trước khi có những tư tưởng triết học đầu tiên. Cho tới ngày nay, những câu chuyện đơn giản hóa dễ đọc dễ nhớ vẫn luôn dễ được tiếp nhận hơn những công thức, những phương trình, những con số thống kê khô khan, những lập luận khoa học đau đầu. Tuy thế giới hiện đại không còn đơn giản như thời điểm cách đây hàng ngàn năm để có thể lý giải mọi thứ bằng những câu chuyện thần thoại, nhiều bài viết trên mạng xã hội và truyền thông hiện nay vẫn có xu hướng bịa ra những câu chuyện sai lệch, trái với thực tế, thường đánh vào cảm xúc của người đọc, nhằm định hướng cho người đọc vì một mục đích nào đó, hiện tượng này gọi là Thành kiến truyện kể.
Kiểu thế này:
Nếu bạn chưa biết thì Hồng yến (hay yến huyết) hình thành là do yến làm tổ trên vách hang có sắt oxit màu nâu đỏ
Cá nhân mình thấy những bài viết từ các hội thuận theo tự nhiên, các trang dạy giới trẻ cách làm đàn ông alpha (kiểu Man+ này nọ), các hội kêu gào nữ quyền cực đoan, và đặc biệt là những trang chính trị độc hại rất thường sử dụng phương pháp này để thao túng đám đông bằng cảm xúc. Tốt nhất mỗi khi đọc một câu truyện nào đó trên mạng xã hội, bạn nên đặt ra các câu hỏi ai là người kể chuyện? Họ kể vì mục đích gì? Liệu có những sự thật liên quan nào đã bị họ giấu đi không?
3- Thành kiến hồi tưởng
Hay còn gọi là hiện tượng “Tôi bảo rồi mà”.
Nó kiểu kiểu thế này

Con người luôn có xu hướng đánh giá cao những dự đoán của mình trong quá khứ. Khi đã có kết quả, việc nhìn lại con đường dẫn đến kết quả dễ làm người ta có cảm tưởng như lẽ dĩ nhiên. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy mà khó lường hơn rất nhiều. Năm 2018, người ta nhìn lại thành công của iPhone như một chuyện đương nhiên: Hệ điều hành iOs độc đáo, màn hình cảm ứng đi trước thời đại, một CEO tài giỏi v.v... mặc dù vào thời điểm năm 2007 (thời điểm chiếc iPhone đầu tiên ra mắt), có thể chính những người trên lại cười vào mặt những nhận định này với những lí do như điện thoại sử dụng một hệ điều hành dị hợm không ai sử dụng, không ai mua một chiếc điện thoại không có bàn phím, đứng đầu là một vị CEO độc đoán và thường xuyên quát mắng nhân viên.
Thành kiến hồi tưởng dễ làm người ta ảo tưởng quá cao về khả năng của bản thân, khi lờ đi những dự đoán sai của mình trong quá khứ mà chỉ tập trung vào những dự đoán đúng của mình.
4- Kiến thức tài xế
Sau khi nhận giải Nobel Vật Lý năm 1918, Max Planck bắt đầu một tour đi xuyên nước Đức. Bất cứ nơi nào ông được mời, ông đều giảng cùng một bài giảng về cơ học lượng tử mới. Dần dà, người tài xế của  ông bắt đầu thuộc lòng bài giảng đấy: “Thật nhàm chán làm sao nếu lần nào ngài cũng giảng lại bài đó, thưa Giáo sư Planck. Tôi có thể giảng thay cho ngài ở Munich được không? Ngài có thể ngồi ngay hàng ghế đầu và đội chiếc mũ tài xế của tôi. Điều đó sẽ cho cả hai chúng ta một trải nghiệm mới” Planck thích thú với ý tưởng này, vậy nên hôm đó người tài xế được trình bày một bài thật dài về cơ học lượng tử trước một nhóm khán giả khả kính. Sau đó, một giáo sư vật lý đứng dậy đặt câu hỏi. Gã tài xế ú ớ chống chế: “Tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng ai đó ở một thành phố tiên tiến như Munich này lại có thể hỏi một câu hỏi đơn giản đến vậy! Sau đây tài xế của tôi sẽ trả lời câu hỏi của ông.”
Theo lời Charlie Munger, có hai dạng kiến thức. Dạng thứ nhất là kiến thức thật sự ở những người đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu một đề tài nào đó. Dạng thứ hai là kiến thức tài xế, tức những kiến thức học thuộc lòng chỉ để thuyết trình.
Rất nhiều những bài viết trên mạng đều là dạng kiến thức tài xế (như bài này chẳng hạn :v), được viết ra sau vài phút tra cứu Google. Khác với kiến thức thật sự, những bài viết từ kiến thức tài xế rất hời hợt và nông cạn, quan điểm sơ sài không có liên kết chặt chẽ do kiến thức được cóp nhặt mỗi nơi một ít, và chính người viết cũng không nắm rõ những kiến thức này (mặc dù đa phần thì họ đều tự cho rằng họ đã hiểu tất cả)
Ví dụ:

Đối với những bài viết về những lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng cả bài chỉ toàn là những nhận định cá nhân, không hề có một dẫn chứng hay số liệu khoa học nào thế này thì có rất nhiều câu hỏi cần đặt ra như: Chất E466 đó là chất gì? Cấu tạo thế nào? Nó tác dụng với chất gì ở dạ dày mà gây rối loạn? Liều lượng của chất đó là bao nhiêu để đủ gây rối loạn? Liều lượng E466 trong sữa Vinamilk là bao nhiêu? Giả sử E466 có hại tới vậy thì Vinamilk đang công khai đầu độc người uống bằng cách ghi rành rành trên vỏ hộp vậy à? Vậy các cơ quan y tế, chính quyền nhà nước các kiểu đang ăn tiền của Vinamilk và đầu độc dân ta? Đậu nành biến đổi gen thì khác gì đậu nành thuần chủng? Có bằng chứng nào cho thấy đậu nành biến đổi gen có tác hại hơn so với đậu nành thuần chủng không? Từ bao giờ mà đường với dầu ăn lại bị coi như chất kịch độc vậy? Hay đi mua sữa trôi nổi ngoài đường uống? Lỡ mốt có bài báo nào đó về sữa của bò điên, bò chích thuốc tăng trưởng, sữa bò pha hóa chất chợ Kim Biên thì sao?
Việc phân biệt kiến thức thực sự và kiến thức tài xế rất khó khăn, vì những bài viết kiểu này tràn ngập trên mạng, trải đều ở tất cả các lãnh vực, và đặc biệt nhiều ở các lĩnh vực cần kiến thức chuyên môn vững chắc như kinh tế, sinh hóa học trong thực phẩm, y tế, v.v...
B/ BẠN NÊN LÀM GÌ?
Một người khi chưa có kiến thức nhưng muốn tìm hiểu về một lĩnh vực nào đó thường thích lên mạng xem những bài viết, những quan điểm theo kiểu mì ăn liền (như mình chẳng hạn :v). Nhưng nghịch lý là khi chưa có kiến thức thì người đọc lại không thể phân biệt được đâu là một bài viết chất lượng hay không, mà nếu đã có kiến thức thì đi đọc những bài mì ăn liền này làm gì? Rất may mắn là tuy không thể nào trở thành một con người toàn năng, am hiểu tất cả kiến thức từ tất cả các lĩnh vực, nhưng bạn có thể trang bị cho bản thân một tư duy hoài nghi để phần nào hạn chế việc tiếp nhận những thông tin sai lầm. Vậy tư duy hoài nghi là gì?
Tư duy hoài nghi là việc luôn đặt ra những câu hỏi hoài nghi cho những thông tin đọc được, câu hỏi ở đây không phải là chúng ta có thích cái kết luận rút ra từ cả chuỗi lập luận hay không, mà là liệu kết luận ấy có đi từ xuất phát điểm và những tiền đề đúng hay không:
  • Tránh việc không bị các cảm xúc dẫn dắt, mà nên nhìn vào bản chất của vấn đề. Những bài viết vớ vẩn thường sử dụng rất nhiều những ngôn từ đao to búa lớn nhằm dẫn dắt cảm xúc của người đọc đi theo ý người viết, mà bỏ qua những lập luận sai lầm của mình.
  • Luôn có những bước kiểm tra độc lập đối với từng cơ sở lập luận. Nếu có một chuỗi lập luận, tất cả mọi mắt xích trong chuỗi đều phải chính xác - chứ không phải chỉ hầu hết các mắt xích. Google luôn là công cụ hỗ trợ đắc lực của chúng ta. Các lập luận không thể kiểm chứng, không thể sai lệch đều không có giá trị.
  • Nhìn sự vật, sự việc từ nhiều góc nhìn nhất có thể, không nên cố bám víu vào một góc nhìn đầu tiên bạn tiếp nhận chỉ vì bạn thích nó.
  • Định lượng: Nếu bất kỳ điều gì có một thông số, một số lượng, hay một tỷ lệ nào đó gắn với nó, bạn có thể kiểm chứng độ xác thực của nó bằng cách kiểm chứng độ xác thực của các con số đó. Cách kiểm chứng thì Doggywannafly đã có viết 2 bài rất hay và chi tiết, các bạn có thể đọc tham khảo (link mình để cuối bài).
Những phương pháp kể trên chỉ là một vài biện pháp hạn chế phần nào việc tiếp nhận những thông tin lệch lạc đầy rẫy trên mạng. Nếu có thể, các bạn vẫn nên đọc từ những nguồn thông tin xác thực hơn như sách hay các bài báo khoa học chính thống. Bài mình viết dành cho những người lười đọc nên đã viết ngắn gọn hết mức có thể, nếu có hứng thú các bạn có thể tìm đọc cuốn Nghệ thuật tư duy rành mạch của tác giả Rolf Dobelli, sẽ hay và đầy đủ hơn.
___________________________
Nguồn tham khảo:
Tên gọi các lỗi tư duy và rất nhiều ý trong bài được mình lấy từ quyển Nghệ thuật tư duy rành mạch của tác giả Rolf Dobelli.
Một vài ý trong bài mình lấy từ quyển Thế giới bị quỷ ám của tác giả Carl Sagan.
Đọc thêm: