Thiên kiến xác nhận: Nguyên nhân cho những quyết định sai lầm bạn hay mắc phải trong cuộc sống
Thiên kiến xác nhận chính là lối tắt trong nhận thức. Mà mẹ đã dặn: Hãy đi đường vòng, đừng đi đường tắt kẻo sẽ bị sói nó thịt cho...
Thiên kiến xác nhận chính là lối tắt trong nhận thức. Mà mẹ đã dặn: Hãy đi đường vòng, đừng đi đường tắt kẻo sẽ bị sói nó thịt cho đấy.
Hãy tưởng tượng, hôm nay là ngày đầu tiên bạn tham gia lớp học về yoga. Vừa bước vào cửa lớp, bạn bỗng dưng cảm thấy có gì đó không ổn. Bạn hơi tự ti về cân nặng của mình và sợ rằng những bộ đồ bó sát cơ thể sẽ làm lộ ra những ngấn mỡ của bạn. Thế rồi bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng.
Sau đó bạn đột nhiên chú ý vào một nhóm các cô người mẫu đang vui vẻ trò chuyện ở góc phòng. Bạn nhẹ nhàng lướt qua họ, và bất chợt bạn nghe thấy những tiếng cười nho nhỏ.
Rồi bạn nghĩ thầm: Ôi thôi, bọn họ đang cười mình đấy à?
Để giải quyết nỗi lo, bạn tìm một chỗ đứng cuối lớp mà bạn nghĩ rằng sẽ không ai để ý tới bạn để bắt đầu bài học. Ở bài học đầu tiên, huấn luận viên yêu cầu cả lớp cùng thực hiện động tác gập người kiểu con cá.
Đây là lần đầu bạn làm chuyện ấy, nên bạn đã không trụ được lâu, thế là lưng bạn đập cái “thụp” xuống thảm trong một bầu không khí yên lặng mà mọi người đang tập trung cho động tác cá gập.
Theo phản xạ, bạn nhìn quanh một vòng để chắc rằng không ai thấy được cú đập vừa rồi của bạn. Nhưng hơi tiếc cho bạn, bạn đã bắt gặp một nụ cười nhẹ trên môi đến từ chàng trai ngay bên cạnh.
“Biết ngay mà, mọi người đang cười mình”- bạn lại nghĩ thầm.
Kết thúc buổi học, bạn ra về mà không còn để ý đến ai nữa, và đó cũng là lần cuối cùng bạn tập yoga.
Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias)
Cùng nhớ lại nhé, trong buổi học yoga ấy, bạn đã lướt thật qua nhanh lớp học và tìm bằng chứng chỉ để củng cố thêm nỗi lo của bạn: những cô người mẫu cười bạn và chàng trai kế bên chế giễu cú đập của bạn.
Nhưng có một sự thật chua lòng mà bạn không muốn tin đó là cả lớp ấy chẳng có ai thèm quan tâm bạn là ai cả.
Chúng ta tự cho rằng những gì mình biết là đúng và có xu hướng chỉ tìm kiếm, giải thích và ghi nhớ những thông tin liên quan để chứng minh cho quan điểm sẵn có của bản thân mà không xem xét những ý kiến trái chiều. Đấy gọi là thiên kiến xác nhận.
Lối suy nghĩ này diễn ra một cách vô thức, và nó ảnh hưởng tới quá trình đưa ra quyết định của bạn mỗi ngày. Tôi nhấn mạnh thêm nhé, là nó diễn ra MỖI NGÀY đấy. Từ những quyết định nhỏ nhặt như mua gì, ăn gì cho đến những quyết định lớn hơn như cưới ai, làm nghề gì, thể hiện cảm xúc như thế nào và ngay cả các quyết định liên quan đến tài chính nữa.
Sự ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận lên hành vi
Có 3 tác động lớn của thiên kiến xác nhận lên hành vi của bạn:
1. Cách mà bạn tìm kiếm thông tin
Thiên kiến xác nhận sẽ định hình nên cách mà bạn nhận thức về các vấn đề xung quanh mình.
Tưởng tượng tiếp nhé, hôm nay bạn phải ở nhà một mình, buồn quá thì làm gì, buồn quá thì lướt Facebook thôi. Lướt Facebook thì có gì, có nhiều chứ. Bạn bắt gặp những tấm hình về những chuyến du lịch, tiệc tùng và cưới xin đầy ắp trên tường nhà bạn, và tự rút ra kết luận rằng những người bạn của mình giờ đang có cuộc sống rất thành công và hạnh phúc.
Sau đó bạn thì thầm với con tim: Mình đúng là một đứa cô đơn và thất bại mà.
Đấy, ở nhà một mình và tự cảm thấy bản thân thật thất bại. Tất cả là do bạn đang cố tìm kiếm các thông tin để củng cố thêm cho suy nghĩ tiêu cực của mình: Tôi là kẻ thất bại. Dù bạn biết là lướt xem những tấm hình ấy chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn, nhưng bạn vẫn cứ thích làm như vậy. Lạ nhỉ!
2. Cách mà bạn hiểu những thông tin bạn tiếp cận
Khi cần xử lí những thông tin mang tính trung lập, thiên kiến xác nhận khiến bạn sẽ chỉ đi theo hướng mà bạn tin là hợp lí.
Ví dụ về chuyện yêu đương nhé, khi bạn yêu một anh chàng nào đó say đắm, những gì bạn thấy được ở chàng trai ấy sẽ hoàn hảo giống như một Adonis ngoài đời thực vậy. Bạn bỏ qua hết những khuyết điểm của chàng trai ấy. Nhưng khi mối tình tươi đẹp bỗng nhiên trở nên củ chuối thì bấy giờ những gì bạn thấy được ở chàng trai ấy là một cái miệng bốc mùi cà phê chồn với những câu chuyện luyên thuyên về những sợi lông rụng trong bồn tắm, cứ như là bạn quan tâm về chủ đề ấy nhiều lắm vậy.
Điều gì đã xảy ra ấy nhỉ, tôi chắc chắn rằng bạn đang yêu cùng một người đấy. Nhưng bạn lại để cảm xúc của mình quyết định người bạn yêu là người như thế nào trong mắt của bạn.
3. Cách mà bạn ghi nhớ mọi thứ
Thiên kiến xác nhận cũng tác động đến những kí ức về các sự việc trong quá khứ của bạn, bạn có thể sẽ giải thích hay thậm chí xuyên tạc chúng bằng những lí do mà bạn tin là đúng.
Trong một cuộc nghiên cứu kinh điển, các sinh viên trường Princeton và Dartmouth được cho xem một trận bóng đá giữa hai trường với nhau. Kết thúc trận đấu, các sinh viên Princeton ghi nhớ nhiều hơn những lỗi mà đội bạn mắc phải, và các sinh viên Dartmouth cũng vậy, họ ghi nhớ nhiều hơn những lỗi mà các cầu thủ Princeton gây ra trong trận bóng.
Lí do là cả hai nhóm sinh viên đều cho rằng đội bóng của họ chơi đẹp hơn. Vì vậy họ có xu hướng ghi nhớ những mặt tích cực của đội mình và những mặt tiêu cực của đội bạn để củng cố cho niềm tin của mình.
Tại sao chúng ta lại mắc phải thiên kiến xác nhận?
Đó là bởi vì bạn sợ phải thừa nhận ý kiến của mình là sai và trông bạn sẽ trở nên ngớ ngẩn nếu bạn sai, cho nên bạn mới có xu hướng luôn tìm kiếm những bằng chứng để củng cố thêm cho niềm tin sẵn có mà bạn nghĩ là đúng.
Sẽ dễ dàng hơn nhiều khi tiếp nhận những ý kiến trái chiều về một chủ đề mà bạn không mấy quan tâm. Tuy nhiên, trong sâu thẳm con tim bạn, vẫn luôn tồn tại một niềm tin vững chắc ảnh hưởng tới nhận thức của bạn, ví dụ: bạn luôn tin mình là một người tốt, bạn tin rằng góc nhìn của bạn về chính trị là đúng đắn. Những bằng chứng nào phản lại niềm tin vững chắc ấy sẽ gây ra cảm giác căng thẳng và khó chịu về mặt tinh thần, nó được gọi là sự xung đột về nhận thức (cognitive dissonance).
Sẽ có hai cách để xoa dịu sự khó chịu này: “chiến” hoặc là “biến” (The fight or flight response). “Chiến” là bạn sẽ chiến đấu đến cùng để củng cố cho niềm tin sẵn có của mình và cố gắng chứng minh rằng mình đúng. “Biến” là bạn sẽ biến đi nơi khác để tránh né những sự thật đã gây ra sự mâu thuẫn trong suy nghĩ của bạn.
Trong một cuộc nghiên cứu nổi tiếng, người tham gia có nhiệm vụ là phải tìm những bằng chứng chống lại niềm tin về chính trị hiện thời của họ, các nhà khoa học phát hiện ra rằng các vùng não liên quan đến tổn thương thể chất đã bị kích thích, giống như là họ cũng đang chịu tác động của tổn thương cơ thể vậy.
Cơ chế tự vệ của não bộ
Chức năng cơ bản của não là bảo vệ ta khỏi những đe dọa về thể chất lẫn tinh thần. Khi bạn tiếp nhận một sự thật đối lập với niềm tin sẵn có của bạn, não sẽ giúp bạn phòng vệ để tránh làm bạn bị tổn thương bằng cách cự lại những ý kiến trái chiều ấy, nó giống như cách mà cơ thể phản ứng với những tổn thương về thể chất vậy.
Và khi não cần xử lí một lượng thông tin khổng lồ
Thông thường, bạn sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều để tìm những thông tin nhằm ủng hộ hay phản đối những ý kiến trái chiều mà bạn gặp phải. Theo bản năng, não bạn sẽ tìm lối tắt nhanh nhất để giải quyết vấn đề. Đó là lí do tại sao sẽ dễ dàng hơn khi bạn chỉ nỗ lực tìm kiếm một vài thông tin để củng cố niềm tin của bản thân hơn là việc đi đánh giá những ý kiến trái chiều và chứng minh mình đã sai.
Vậy thì giải pháp là gì?
1. Luôn tò mò và tiếp nhận những điều mới
Giáo sư Carol Dweck của Đại học Yale đã quan sát hai nhóm học sinh tại một trường tiểu học. Với nhóm thứ nhất, các học sinh cố gắng né tránh rủi ro mắc sai lầm bằng cách từ chối giải quyết các vấn đề trong học tập. Nhóm còn lại chấp nhận rủi ro rằng chúng có thể mắc lỗi, nhưng bù lại chúng tiếp cận với nhiều vấn đề khác nhau và học cách giải quyết các vấn đề ấy. Và kết quả là nhóm thứ hai luôn có kết quả học tập tốt hơn nhóm thứ nhất.
Khi tiếp cận một vấn đề, hãy khoan chăm chăm vào việc chứng minh rằng bản thân mình đã đúng, vì có thể bạn đang bị thiên kiến xác nhận dẫn lối.
Việc bạn cần làm là hãy phá bỏ rào cản trong suy nghĩ của mình và trải nghiệm nhiều hơn nữa với một cái đầu mở, luôn tiếp thu có chọn lọc. Và khi bạn dám thừa nhận lỗi lầm và thất bại, điều có có nghĩa là bạn đã cho bản thân thêm một cơ hội để học một điều mới.
2. Chấp nhận những ý kiến trái chiều
Tiếp nhận những quan điểm trái chiều sẽ giúp bạn mở rộng góc nhìn của mình. Có một cách đơn giản để làm điều này, đó là hãy luôn tiếp nhận càng nhiều càng tốt những ý kiến trái chiều từ người khác.
Lần tới khi ra quyết định mua một căn nhà mà bạn yêu thích. Hãy chủ động nhờ một người bạn đóng vai "nhà phản biện" và bằng cách nào đó thuyết phục bạn đừng mua ngôi nhà ấy. Lúc này, bạn sẽ có cơ hội nhìn ra được những điều mà có thể bạn chưa nhận ra trước đó, và bạn sẽ đưa ra được quyết định đúng đắn hơn.
3. Nghĩ và ngẫm
Không phải lúc nào làm theo bản năng cũng đúng cả. Trước khi đưa ra quyết định theo bản năng, bạn cần suy nghĩ thật kĩ. Lần tới khi bạn cố gắng tìm kiếm những thông tin chỉ để củng cố thế giới quan của bạn, hãy tạm dừng lại và đánh giá kĩ hơn những giả định của bạn và hãy thử cố gắng chứng minh mình đã sai.
Lấy một ví dụ nhé, mỗi sáng bạn cần một tách cà phê để nạp năng lượng cho ngày mới- bạn là một người thích uống cà phê. Thì hãy để ý xem, nếu bạn đang lướt Facebook thì bạn sẽ bị cuốn vào bất kì bài tin nào nói về lợi ích mà cà phê mang lại. Đọc xong bài tin ấy sẽ củng cố thêm niềm tin cho bạn: "Biết ngay mà, uống cà phê mỗi sáng là quyết định sáng suốt nhất cuộc đời mình". Lần tới hãy thử làm ngược lại xem sao nhé, hãy thử tìm kiếm những thông tin trái chiều về những gì bạn tin là hợp lí và xem thử kết quả như thế nào.
Kết luận
Thiên kiến xác nhận là một trở ngại không thể tránh được trong quá trình đưa ra quyết định và không phải lúc nào bạn cũng vượt qua được nó.
Dù vậy, khi đưa ra những quyết định về những vấn đề quan trọng hơn như sức khỏe, tình yêu hay tài chính, hãy cố gắng giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận lên quyết định của bạn. Một khi bạn hiểu được thiên kiến xác nhận là gì rồi, tôi tin bạn có thể hạn chế những rủi ro mà nó gây ra và đưa ra được những quyết định hợp lý hơn.
Cuối cùng, nếu lần sau bạn có tham gia một lớp học yoga và thất bại trong động tác gập người kiểu con cá hay bay cao kiểu con cún thì không việc gì phải lo lắng nữa nhé, vì sẽ không có ai thèm để ý đến bạn đâu.
Bài viết được dịch từ bài:
Đọc thêm:
Nguồn hình: NirAndFar
Tham khảo thêm:
The fight or flight response:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất