Mình là người thích viết và đã đăng nhiều bài lẻ tẻ ở các diễn đàn tranh luận, cũng như theo dõi nhiều cuộc tranh cãi. Sau những năm tháng dầm dề nằm vùng và làm "anh hùng bàn phím" ở nhiều mặt trận trong và ngoài nước, và chấp nhận bị chửi rủa là thằng Việt Cộng, chống Cộng, bê đê, biến thái, vô học, chỉ biết học không biết gì ngoài đời, thì mình tổng hợp được những lỗi tư duy phổ biến này và chia sẻ với mọi người.
Những lỗi tư duy này không phải là ngụy biện. Ngụy biện theo mình thấy chỉ là dấu hiệu của tư duy lỗi, giống như người nóng sốt là dấu hiệu của bệnh sốt rét. Nếu không chữa trị sốt rét mà chỉ nhằm hạ sốt thì người bệnh không khỏi được.
Bài viết này nhằm giúp chúng ta phát hiện các lỗi tư duy hay mắc phải.

1. Tư duy tuyến tính (linear thinking)

Tuyến tính có nghĩa là đường thẳng, trong toán học ta có phương trình đường thẳng (linear equation) như y = 2x - 1, khi bạn vẽ x và y ra trên biểu đồ nó sẽ thành một đường thẳng. Ta thấy rằng x càng giảm thì y giảm theo cùng một hằng số (trong phương trình này là 2).

Mở rộng ra thì kiểu tư duy này rất phổ biến trong xã hội. Ví dụ như nhiều bậc phụ huynh nhồi vào đầu con trẻ rằng càng học cao thì ra trường làm lương càng cao (hahaha), càng bỏ nhiều thời gian ra cắm mặt học (với sự chỉ dẫn của roi mây) thì con mình sẽ càng điểm cao. Tư duy này cũng thấy trong mặt tình cảm như: con gái càng xinh càng khó cưa, trai càng giàu càng nhiều gái (và trai) thích.
Các nhà tâm lý học ước đoán 90% suy nghĩ của chúng ta là đi theo tư duy tuyến tính: càng chơi game nhiều càng học dở (chủ đề ưa thích của phụ huynh), con bé đó học giỏi lắm sau này chắc ra trường có việc tốt, năm nay công ty chúng ta làm ăn thành công, năm sau sẽ còn thành công hơn nữa (khổ nhân viên sales, bị giao chỉ tiêu cho chết), công ty đó giàu lắm, vô đó làm chắc sẽ lương cao (có vẻ đúng nếu bạn xinh và được làm thư ký giám đốc). 
Vậy thì tại sao tư duy này lại không ổn? Câu trả lời rất đơn giản: thế giới của chúng ta không hề tuyến tính! Thế giới của chúng ta có thể sẽ trông như đường cong parabola, hay là hình zic-zac, hay thậm chí đôi lúc nó sẽ là hình vuông, hình tròn, hình trái tim hay là một mớ hỗn độn xù xì gì đó.
Nếu chúng ta luôn áp dụng tư duy tuyến tính cho các vấn đề hình thù phức tạp thì chúng ta chỉ cứ kẹt mãi với vấn đề đó, như chẳng phải các nàng ế vẫn hay than thở rằng: tại sao xinh gái, học giỏi, nhà giàu như mình vẫn không tìm được một bờ vai nương tựa? (hãy liên lạc với Husky nếu cần nhé ;))

Viết như vậy không phải là để nói rằng tư duy tuyến tính là tệ hại. Trên thực tế, nó giúp chúng ta giải quyết nhanh nhiều vấn đề đơn giản (càng thức khuya càng mệt mỏi) nhưng nó chỉ dừng ở mức đó: những vấn đề đơn giản. Chúng ta cần nhận thức rằng có phải chúng ta đang dùng tư duy tuyến tính cho những vấn đề phức tạp hay không và phải áp dụng tư duy khác nào (và đó là một câu chuyện dài khác).

2. Tư duy phóng đại

Cái tên của nó đã nói lên tất cả: bạn phóng đại mọi thứ từ những kinh nghiệm riêng của bản thân, và nó là đối thủ cạnh tranh mạnh với tư duy tuyến tính ở vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng "Tư duy nào giúp bạn suy nghĩ giống học sinh tiểu học"
Bạn đọc báo về chủ đề ngập nước ở Thành phố Hồ Chí Minh văn minh giàu đẹp và thấy có bình luận của một người nào đó rằng: "Tôi đi đường và quan sát thấy rằng ngập lụt là do bla blo ble,..." thì không cần đọc hết vế sau, bạn có thể chắc 99% rằng ông ấy đang phóng đại lên từ quan sát của ông ấy, cái quan sát mà ngày nào ông ấy cũng lặp đi lặp lại trên quãng đường đi làm, cứ như thể cả trái tim hệ thống thoát nước của Sài Gòn đặt ở con đường ấy. 
Hay là bạn đọc về chủ đề tình cảm vợ chồng ghen tuông, ngoại tình và thấy có một cô gái 20 tuổi trải đời bình luận rằng: "Sau bao cuộc tình thì cá nhân em thấy đàn ông là loại bobabop,..." thì tức là cô ấy đang phóng đại bản thân, kiểu như em ngủ với 3 người rồi em thấy như vậy, nên em đoán ngủ với 100 người khác nữa thì cũng như thế. 

Nhưng không phải chỉ riêng cá nhân nhỏ lẻ bị, mà cả các công ty lớn như Coca Cola cũng bị lỗi tư duy này.
Bạn đã bao giờ nghe đến nước Coca Mới (New Coca Cola) chưa? Tất nhiên là chưa rồi vì nó đã nhanh chóng thành thảm họa sau khi ra thị trường được vài tháng và Coca đã cố làm mọi thứ để mọi người quên nó đi. Câu chuyện buồn của Coca Mới là như sau.

Đó là những năm 1980 và đối thủ đáng ghét của Coca Cola là Pepsi có vẻ như đang đánh bật ông trùm nước ngọt này để giành ngôi vị dẫn đầu thị trường đồ uống có độc, à nhầm có gas. Và tất nhiên, Coca Cola không thể để yên cho chuyện đó xảy ra.
- Chúng ta sẽ làm ra thứ đồ uống ngọt hơn hiện giờ.
- Ông chắc chứ giám đốc?
- Tất nhiên, ông không thấy lũ ấy khoái ngọt thế nào à. Càng ngọt càng tốt!
- Vậy ông sẽ đặt tên nó là gì?
- (Suy nghĩ hồi lâu, viết viết vẽ vẽ) Tôi sẽ gọi nó là Coca Mới.
- Woa, giám đốc thật là sáng tạo.
- (Mỉm cười tự khen)
Sau khi đã tìm ra công thức mới thay thế cho công thức cũ giúp nước Coca ngọt hơn, công ty mời ngẫu nhiên các khách hàng đến uống thử, mỗi người một cốc. Kết quả đánh giá: rất tốt. Hầu như ai cũng hài lòng về thứ nước mới này. Tin vui này đã khiến ban lãnh đạo lập tức đưa thứ nước uống có tên sáng tạo không kém tên Drogon mà mẹ Rồng Daenerys Targaryen đặt cho rồng của mình ra thị trường, đi kèm với một chiến dịch marketing quy mô lớn chưa từng có. 
Thế nhưng nó nhanh chóng thành thảm họa. Nó không chỉ là thảm họa vì các vấn đề liên quan đến marketing, thương hiệu mà còn vì một lý do bất ngờ: khách hàng cảm thấy nó tệ hơn nước Coca cũ. 
Tại sao lại như thế? 
Lý do rất đơn giản: khách hàng của Coca Cola, và nhất là những người đi đường bụng đụng cột điện, không uống chỉ một ly Coca như lúc thử nghiệm. Không, không ai lại hành động theo kiểu: "Thứ nước này ngon quá, mình chỉ uống một cốc thôi." Họ sẽ nốc cả lon trong 1 phút, hay là khui cả chai 3 lít để uống trong lúc tiệc tùng với bạn bè. Và vấn đề rắc rối xảy ra: nếu bạn uống cả lon Coca Mới hay cả chai, bạn sẽ thấy nó quá ngọt, ngọt đến mức khó chịu.
Như vậy Coca Cola đã phạm phải sai lầm nghe đơn giản nhưng hậu quả để lại rất lớn: họ suy nghĩ rằng vì khách hàng uống thử một ly và thấy ngon, họ vẫn sẽ thấy ngon khi họ uống nhiều hơn. Họ đã phóng đại thành công lúc thử nghiệm lên thành công lúc sản xuất.
Làm sao để tránh kiểu tư duy phóng đại này? 
Đó là chúng ta phải nhìn toàn cảnh sự việc, tập mở rộng tập nhìn ra, và đó lại là một chuyện dài khác. Tuy nhiên mình cũng không nói rằng trải nghiệm cá nhân là không đáng quan tâm, nhưng thực sự trải nghiệm cá nhân chỉ là một góc nhìn nhỏ trong một vấn đề lớn, chúng ta cần tổng hợp nhiều trải nghiệm cá nhân của nhiều người khác nhau để có thể có cái nhìn bao quát về một vấn đề.

3. Tư duy nhị nguyên

Cũng năm trong top 3 bảng xếp hạng là Tư duy nhị nguyên, hay mình còn gọi là tư duy bóng đèn. Cái chức năng của bóng đèn nó rất đơn giản (như là đầu của mấy người tư duy giống nó vậy), nó chỉ có thể sáng và tắt. Chỉ có đúng hai chức năng như thế. Tại sao lại gọi tư duy bóng đèn? Vì tư duy đó chỉ có hai lối suy nghĩ: hoặc là A, hoặc là B, và quan trọng là A, B không thể xảy ra cùng lúc . Thuật ngữ tiếng Anh để chỉ kiểu tư duy này là là "binary thinking" hoặc là "black and white thinking" (trắng và đen). Nó thường thể hiện như thế này. 
Chuyện 1
An: Tại sao người ta ăn nói thô lỗ như vậy nhỉ, cứ thấy người khác bị mụn là bu vô hỏi: "Ôi sao lắm mụn thế, lại thức khuya tương tư ai nào?"
Bình: Ơ thấy có mụn thì nói mụn, chả lẽ lại bảo da láng? Nói ra thì bảo thô lỗ, không nói thì bảo nịnh.
Chuyện 2
An: Tui thích con trai đọc sách ghê, họ thường rất là trí thức, hiểu biết nhiều.
Bình: Nói vậy là sao, chả lẽ con trai không đọc sách là ngu dốt, kém hiểu biết?

Chuyện 3
(Vẫn chưa rõ sao An có thể tiếp tục nói chuyện được với cha Bình này nhưng thôi cứ tiếp tục nào)
An: Ấy ông xem clip ông công an kia chưa, ổng đá chậu cá rổ rau của mấy người ngoài chợ kìa.
Bình: Vớ vẩn, không giải tỏa vỉa hè thì chửi chính quyền không biết bảo vệ vỉa hè, còn giải tỏa thì cũng chửi chính quyền. 
Ok mình phải dừng ở đây trước khi có cả tá anh/chị Bình nhắn tin dọa cho mình thăng hoa đêm nay.
Nhưng mà tư duy như cái ông Bình vô duyên, bất lịch sự trong ví dụ (nhấn mạnh là cái ông trong ví dụ nhé) nó là tiêu biểu cho kiểu tư duy nhị nguyên. Như trong câu chuyện 1, anh ấy chỉ suy nghĩ được 2 kiểu: nói thật (da mụn), nói dối (da láng). Anh ấy hoàn toàn bỏ qua vấn đề thứ ba: không nói về vấn đề tế nhị đó. Trong chuyện thứ 2, anh ta mặc định chỉ có 2 trường hợp:  
đọc sách = trí thức, hiểu biết
không đọc sách = không trí thức, không hiểu biết.
Đáng lẽ nếu phản đối anh ta có thể nói như sau:
- Có những người đọc sách vẫn không phải là trí thức, hiểu biết kém.
Còn trường hợp thứ 3, anh ta chỉ suy nghĩ đến vấn đề: giải tỏa mặt bằng và không giải tỏa mặt bằng. Đáng lẽ anh ta phải suy nghĩ đến yếu tố nữa: cách thức giải tỏa mặt bằng.

Bạn thấy đấy, tư duy nhị nguyên rất đơn giản, nó khiến cho bạn nhìn đời rất đơn giản. Nhưng cuộc đời thì thật sự có đơn giản bao giờ. Có những người áp dụng lối tư duy vậy cho những vấn đề lớn hơn như cưới xin, xin việc, giải pháp sales, cho nên cuộc sống của họ hay bị như thế này:

Không hề ngạc nhiên khi có nhiều chàng dính vào "friendzone", "sisterzone":
"Sao nhỏ đó không thích tao mà cứ hay cười với tao?"

Kết luận

Đó là những lỗi tư duy mình thu thập được. Hi vọng mọi người thấy nó hữu ích. Khi nào thu thập được thêm nữa thì mình sẽ viết thêm một bài khác cho các bạn. Và lần sau mình hứa sẽ không lấy tên Bình nữa :>

Ủng Hộ Tác Giả

Nếu bạn đọc hài lòng với bài viết/bài dịch, bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả qua địa chỉ:
Tên: Phan Anh Tuấn
Số tài khoản: 152613748
Số thẻ: 9704321171180375
Ngân hàng: VPBank
Chi nhánh: TP. Hồ Chí Minh
Sự ủng hộ của bạn sẽ giúp mình có động lực tìm hiểu và viết, dịch thêm các bài mới. Chân thành cám ơn bạn đọc! :)

Các bài viết có thể bạn sẽ thích 
Đọc thêm tham khảo