(1)
(1)
Chào các bạn! Cứ mỗi năm lại đến, ta lại thấy trên Youtube, mạng xã hội,... người ta lại rôm rả nói về việc thi đại học, tuyển sinh lớp 10 của các sĩ tử, các em học sinh. Và nổi bật trong số đó cũng không ít gây ra nhiều tranh cãi là việc có nên học trường Chuyên hay không?
Về cơ bản, mình đã định viết bài này từ tận 1 năm trước rồi, song cuối cùng thấy vẫn chưa có đủ kinh nghiệm nên mình quyết định không viết và trì hoãn tới tận bây giờ. Song, từ lúc đó đến nay, trong lòng mình lại luôn có một thôi thúc rất khó chịu là phải viết cái bài viết này. Và thế là cái bài viết mà các bạn đang đọc ra đời.
Sơ lược qua một chút về bản thân thì mình hiện tại đang là học sinh của trường Chuyên và đã đi được gần 2/3 chặng đường trong quá trình học ở trường Chuyên. Ban đầu, mình định đi nốt hết 1/3 chặng đường còn lại, tức mình học xong năm sau, lớp 12 rồi viết bài này luôn thì tốt hơn. Song, suy đi tính lại, mình cứ bực bội, khó chịu và nghĩ rằng biết đâu việc mình trì hoãn 1 năm thì có một số em học sinh không biết môi trường trong trường Chuyên thế nào mà quyết định đâm đầu vào hay không đâm đầu vào lại hối hận và mất đi cơ hội, một trải nghiệm đáng nhớ đối với các em đó. Biết đâu, ban đầu, em rất ham chơi và vô đó sợ chỉ có học mà không biết chơi là gì nên quyết định không chọn học. Hay một em khác thích tự học, mày mò kiến thức và thích học rộng, không thích ganh đua thì nhìn vẻ bề ngoài của trường, danh tiếng và rất muốn vào học song lại vỡ mộng vì thực tế phũ phàng thì sao?
Cá nhân mình hiện tại đang học chuyên Toán, trường THPT Chuyên Bạc Liêu (cái hình mà các bạn nhìn thấy ở đầu bài ấy). Mình cũng bị vỡ mộng, cũng ngộ ra nhiều điều và nhận ra cái hay cái dở của hệ thống trường Chuyên. Thế nên, qua bài viết này, mình nhắm đến đối tượng là các em học sinh lớp 5 hoặc lớp 9 hoặc các em học sinh lớp khác sẽ và đang chuẩn bị thi vào trường Chuyên, còn các anh chị, phụ huynh mà lớn tuổi hơn mình á, thì mình cũng hy vọng đây là cũng tư liệu hữu ích cho các anh chị, cô chú ạ.
Thì ở tỉnh mình thì chỉ có duy nhất một trường Chuyên và trường Chuyên đó được chia ra làm hai cấp là cấp cơ sở và cấp phổ thông. Và không hề có các trường Chuyên khác như ở các thành phố lớn như Thành Phố Hồ Chí Minh hay thủ đô Hà Nội. Thì điều này cũng có cái hay, cũng có cái dở của nó. Và không dài dòng nữa. Mình sẽ bắt đầu nội dung bài viết theo hướng như sau:
+ Điều Kiện
+ Môi Trường
+ Giáo Dục
+ Học Sinh
Oke, bắt đầu nào!

Điều Kiện

Trường Chuyên có điều kiện rất rất tốt các bạn à. Mình từng học cấp 1 và cấp 2 ở trường công bình thường và một điểm bất ngờ nhất là về trang thiết bị như dụng cụ thí nghiệm, Ti-vi dùng trong lớp, căng-tin xịn hơn,... Và một trong những thứ bất ngờ nhất là cái nhà vệ sinh!
Ảnh bởi
Giorgio Trovato
trên
Unsplash
Ngày trước đi học ở cấp 2, cấp 1 thì mỗi lần đi vệ sinh là cơn ác mộng đối với mình. Cái nhà vệ sinh ở trường nó thúi, nó dơ,... Về cơ bản là kinh khủng khiếp, ấy thế mà cái nhà vệ sinh ở trường Chuyên thì nó lại được trang bị tốt hơn và làm cho mình cảm thấy thoải mái và không cảm thấy ác mộng giống như ngày xưa mỗi lần lỡ mất vệ sinh trong trường.
Tiếp theo, là những thứ khác như phòng thư viện của trường thì ở thư viện trường có nhiều sách rất hay mà mình hay thường xuyên lui tới mượn sách hàng tuần đều đặn và một cái ấn tượng khác của mình hiện tại là cái phòng đọc được nhà trường vừa đầu tư trong năm nay có tận 3 cái máy lạnh phục vụ cho các bạn thi Quốc Gia, thi 30/4, thi mấy cuộc thi lấy giải cho trường và mình được vô hưởng ké. Có điều hơi tiếc là khi các cuộc thi đó kết thúc thì cái phòng thơ mộng gắn 3 cái máy lạnh đó lại đóng lại và lạnh lùng vô tình như người yêu cũ.
Tiếp theo là trang thiết bị như cái Tivi trong lớp, ngày xưa, mỗi lớp mình học mà học sinh muốn có cái tivi để mà học thì phụ huynh phải đóng tiền để mua, hay được hưởng từ anh chị, khóa trước để lại song khi về trường Chuyên thì mỗi lớp, hầu như lớp nào cũng có cái Tivi và cọng dây cáp mạng. Song, nhiều lúc cũng đáng lòng thay khi mấy cái đó nó khá là cùi chẳng hạn như việc trong năm nay, lớp của mình phải trích tiền quỹ lớp ra để mua cái tivi mới vì cái tivi cũ màn hình nó quá tối các bạn ngồi bàn dưới không thể thấy được.
Ngoài ra, trong dịch Covid 19 vừa rồi, mình thấy nhà trường cũng thích ứng khá nhanh khi mà nhanh chóng thử nghiệm, sử dụng các thiết bị, ứng dụng như Google Meet hay Azota để dạy học và cho làm bài kiểm tra.
Tiếp theo đó là dụng cụ thí nghiệm, đây cũng là điều khá bất ngờ khi vào học, ngày trước mấy tiết thực thành trên lớp toàn dùng để giải bài tập hay dạy bài mới luôn thì nay lại được lên phòng thí nghiệm thường xuyên hơn do có cơ sở, dụng cụ vật chất đáp ứng được chương trình. Nhớ ngày xưa, lúc mình học cấp 2, lần được lên phòng thí nghiệm, thì cực kỳ hồi hộp và bất ngờ. Mặc dù lúc vô thì dụng cụ nó cũ mèm, bụi bặm bám tùm lum tùm la,... song cũng rất vui. Và khi lên cấp 3 thì được đi thi nghiệm nhiều hơn thì cũng vui lắm chứ song tất nhiên là chỉ mấy cái thí nghiệm đơn giản, bình bình còn mấy đồ xịn thì dành cho các bạn đi thi quốc gia - lúc nào chả vậy ¯\_(ツ)_/¯ . Song đây, cũng là một điểm cộng rất lớn.
Nói dong dài thế thôi, tóm lại, cơ sở vật chất của trường Chuyên được đầu tư khá tốt về mặt cơ sở vật chất. Mặc dù vậy, không phải cứ là trường Chuyên thì sẽ có cơ sở vật chất tốt nhất. Mình từng chứng kiến nhiều trường công lập bình thường không thuộc hệ trường Chuyên mà chất lượng cơ sở vật chất đều cực kỳ tốt ví dụ như mình có chê cái nhà vệ sinh ở trường cấp II cũ như ở trên, mặc dù vậy cơ sở vật chất ở đó như dàn máy tính, khu vườn hay diện tích sân trường,... đều tốt hơn đáng kể nếu đem so với trường Chuyên mình đang học.
Tất nhiên, cái đi kèm theo cái mặt tốt này sẽ có cái mặt xấu của nó mà mình sẽ đề cập trong phần sau. Bây giờ hãy đến với phần môi trường của trường.

MÔI TRƯỜNG

Môi trường của trường là một môi trường cực kì cạnh tranh và đầy tính so sánh, cấp bậc, bất công. Việc cạnh tranh không chỉ dừng lại ở học sinh mà còn ở giáo viên, thành tích của trường phải gánh do chỉ tiêu của cấp trên.
Để rõ hơn mình sẽ giải thích từng ý một.
Đầu tiên là cạnh tranh và so sánh: học sinh luôn được so sánh với các học sinh của trường khác và thế hệ trước. Để làm rõ hơn thì như sau: Năm nay trường mình chỉ có được 2 giải quốc gia môn Văn và môn Tiếng Anh. Điều này làm lớp và hệ chuyên Toán của mình bị rất nhiều so sánh và chỉ trích. Cô giáo viên chủ nhiệm của mình luôn tranh thủ thời gian để ôn và tạo điều kiện, dành sự ưu ái đặt biệt cho những người ôn học sinh giỏi môn chuyên Toán mà cô đang dạy. Mình nhớ như câu nói của cô làm mình ngồi dưới nghe cực kỳ bức xúc song cũng bất lực ngồi im lặng như sau khi cô nói với các bạn đậu học sinh giỏi tỉnh giải ba trở lên như sau:
"... Các em là thế hệ tiếp theo tham gia kì thi quốc gia cho trường. Hiện nay trường khác (ý cô chỉ các trường ở dưới huyện) có các bạn đạt giải quốc gia trong khi đó lớp Toán của mình luôn có truyền thống đạt giải, ấy thế mà lại không có giải nào. Trường khác làm được thì mình phải làm được. Mình học trường Chuyên mà mình lại thua trường khác sau được? ..."
Tất nhiên là bực chứ. Đây là hình thức lý thuyết gán nhãn hiệu (Labeling Theory) lên người khác sau mà không bực?
Chưa dừng lại ở đó, lớp mình thường phải hứng chịu sự so sánh so với các anh chị khóa trước đó. Họ thường so sánh lớp mình và thường cho rằng lớp mình vô cùng vô dụng, bất tài so với các khóa trước đó -trong một số trường hợp họ còn cho rằng lớp mình là bất tài nhất trong các thế hệ chuyên Toán. Họ so sánh với các khóa đỉnh cao mà họ từng dạy. Họ so sánh nề nếp, năng lực học tập, truyền thống mà chả biết từ đâu họ gắn vào bản thân tụi mình. Họ còn bảo là lớp chuyên Toán luôn đi đầu, là đầu tàu của trường thế mà lại như thế này thì trường sẽ đi về đâu?!
Một vấn đề khác với vấn đề này là định kiến là đã là chuyên Toán thì auto giỏi tự nhiên còn lớp Văn thì ngược lại. Thế nên, thầy cô mặc định là tụi mình giỏi sẵn, biết hết và giảng lướt lướt nhanh như gió và thêm lũ bạn chết tiệt trong lớp mà mình sẽ đề cập trong phần sau.
Chưa dừng lại ở đó, ngay cả giáo viên cũng ít coi trọng mấy môn mà họ cho là phụ khác. Chẳng hạn như khi biết tin là lớp mình có bạn thi chuyên Sử và Địa thì giáo viên bộ môn dạy Sinh của mình bất ngờ thốt lên:
" ...Tụi mày đi thi mấy cái môn đó làm cái gì? ..."
Đồng thời, chính sách phân công trực nhật, giờ lên lớp cũng vô cùng hài hước như sau: trường mình ngày trước là giờ học buổi chiều là 2 giờ bắt đầu học, song trường thấy trường khác dạy lúc 1 giờ 45 phút bắt đầu dạy rồi. Thế là cũng bắt trước theo người ta đi dạy lúc 1 giờ 45 phút. Hay lúc phân công trực nhật cũng vậy, bãi đậu xe, lá rụng đầy, kỳ thi học sinh giỏi Quốc Gia, học sinh giỏi Tỉnh,... thì sợ tốn tiền thuê nhân công nên bắt phân các lớp đi làm "lao công chùa" cho mình. Bắt phải vô trường sớm, phải đi vô trường trực chùa,... mà trong khi đó, mình biết rất nhiều bạn ở lớp mình, trường mình nhà ở dưới huyện, xã, cách trường mười mấy cây mà họ đầy đọa, làm lao công cho họ rồi đem những bạn có điều kiện không thuận lợi này so sánh với các bạn có điều kiện nhà vô cùng tốt như có bạn chỉ cần chạy xe tầm 2, 3 phút là đến trường trong khi đó, các bạn khác phải chạy tới 20, 30 phút mà họ lại không tạo điều kiện cho các bạn ấy, thông cảm mà trái lại, còn chỉ trích, so sánh. Để rõ hơn thì mình đưa ra dẫn chứng cụ thể như sau: Lớp mình có các bạn tổ 2, hơn 2/3 các bạn nhà ở dưới huyện cách trường hơn chục cây số thế nên, lẽ dĩ nhiên là việc các bạn trực không tốt bằng các bạn tổ 1 và tổ 2 vốn điều kiện địa lý vô cùng thuận lợi là chuyện đương nhiên và dễ hiểu, ấy vậy mà cô mình lại chỉ trích, so sánh mà không tạo điều kiện hay giải pháp phân công nào hiệu quả hơn hay tốt hơn.
Một vấn đề khác cần được đề cập là các chỉ tiêu được bộ, trường đề ra. Những chỉ tiêu này vô cùng hài hước và khá vô lý, chẳng hạn một chỉ tiêu lớp mình được nhận vào cuối năm học lớp 10 như sau:
"... Cả lớp có 100% học sinh đạt học lực giỏi và hạng kiểm tốt ..."
Một chỉ tiêu khác mà cả trường mình mới nhận được gần đây thì để cho dễ hiểu thì các bạn nhìn vào hình sau:
Mình sẽ che tên lại tên của người ký để bảo vệ quyền riêng tư của họ - (2)
Mình sẽ che tên lại tên của người ký để bảo vệ quyền riêng tư của họ - (2)
Chỉ tiêu nêu ra là vậy, song trên thực tế thì nó lại không được chấp hành đâu. Để cụ thể hơn thì đầu tiên đến với chỉ tiêu 4 thì các bạn nhìn hình sau:
(3)
(3)
Như bạn có thể thấy, các bạn học sinh đều đã ký giấy cam kết rồi tuy vậy, vẫn có nhiều thành phần trong đó vẫn xả rác ra như thường và không chỉ riêng khối mình thi không thôi mà nó còn 2 khối còn lại vẫn như vậy. Và cuối cùng bạn hãy nhìn vào chỉ tiêu, cam kết số 2 và 3. Cái này mới quan trọng nhất: Không gian lận và bao che cho học sinh gian lận.
Lúc nào cũng vậy, chỉ tiêu đề ra là không gian lận trong thi cử, không trao đổi bài, không bao che cho thành vi gian lận. Họ cảnh cáo rằng việc gian lận trong thi cử thì học sinh ở trường Chuyên sẽ bị đuổi thẳng cẳng ngay lập tức khỏi trường. Ấy thế mà khi học sinh gian lận trong kỳ thi kiểm tra thì họ lại ghi được, nói được chứ không làm được. Trước đây, mình có nghe cô dạy Công Dân mình nói về vấn đề gian lận ở trường Chuyên, mình cứ tưởng là cô cứ bới lông tìm vết hay là cô đang dính vào sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas (Texas sharpshooter fallacy).
Tuy nhiên, sau những gì mình chứng kiến và trực tiếp tham gia vào thì mình công nhận nó đúng thật. Mình nhớ lại cô dạy Công Dân nói thế này:
"... Khi một học sinh vi phạm, thứ họ quan tâm đến em học sinh đó là ai và em học sinh đó vi phạm điều gì mà thứ họ quan tâm đến đầu tiên là phụ huynh của em học sinh đó là ai, họ hàng của em đó có chức vụ gì, v.v ..."
Năm ngoái trường mình có một vụ việc chấn động về việc có chị lớp 11 sử dụng tai nghe airpod trong kỳ thi và bị giáo viên gác thi lập biên bản. Nếu theo quy chế thì chị đó sẽ bị đá ra khỏi trường, song chị đó lại được tha và chỉ hạ xuống hạng kiểm khá. Mà điều đáng nói nhất ở đây chính là thay vì nói về cho chị đó những cơ hội để sửa sai lỗi lầm thì thứ mà dùng để bào chữa, sửa chữa lỗi lầm lại là phụ huynh của chị đó là ai, làm nghề gì.
Một vụ việc khác mà mình từng trực tiếp tham gia vào mới gần đây thôi là lúc mình đang kiểm tra môn Địa Lý thì mình thấy thằng ngồi trước mặt mình sử dụng phao và mình cũng đã để ý nó từ lúc mà nó kiểm tra môn Lịch Sử ở phòng khác là nó chuẩn bị một tờ giấy nhỏ ghi kiến thức lịch sử lên đó rồi. Song lúc kiểm tra Sử thì mình không chứng kiến trực tiếp nó sử dụng phao và cũng không thể chắc chắn rằng bạn đó đang sử dụng phao thực sự hay chỉ ghi ra để nhớ mà thôi. Song, tới khi kiểm tra Địa, mình và nó chung phòng và nó ngồi trước mình ở ngay bàn trên luôn. Và mình đã thấy nó lấy phao của bộ môn Địa ra sử dụng. Tất nhiên, lúc đó mình phân vân là có nên lên báo cáo với giáo viên đang gác thi hay không và cuối cùng trăn trở mãi tới lúc nộp bài thì mình mới báo cáo cho giáo viên và lấy tờ phao của nó đưa cho giáo viên gác thi luôn. Tuy nhiên, chuyện kết thúc chẳng đẹp lắm là cô gác thi đã tha cho nó và đầu tuần sau tiết chào cờ sau khi thi xong, lúc mình nghe thầy P - phụ trách mảng chào cờ, đang bô bô khoe về việc không có bất cứ hành vi gian lận nào cả trong kì thi thì mình lại cười đểu cả trường và cả mình. Có thể bạn thắc mắc là mình cười đểu cả trường thì khá dễ hiểu nhưng tại sao mình lại cười đểu cả bản thân mình? Thì thú thật với các bạn, trong cùng thời đó, lúc mình thi môn Địa kể trên, có thằng bạn cùng lớp ngồi ở bàn kế bên đem điện thoại ra sử dụng thì mình thấy thì lúc đó nó mới mở điện thoại lên mà thôi và chưa tra cứu tài liệu gì cả nên nó đã thảo thuận với mình là không sử dụng nữa và mình để ý là từ lúc đó đến lúc thi xong thì bạn đó không lấy ra sử dụng nữa. Lúc thi xong thì mình nói với bạn đó là mốt đừng lấy điện thoại ra sử dụng nữa thì bạn ấy bảo là có câu trắc nghiệm bạn đó không chắc nên tính xem song chưa xem mà mới mở điện thoại lên là mình thấy bạn đó rồi. Tuy nhiên, nếu theo quy chế thì chỉ việc đem điện thoại vô phòng thi đã là vi phạm quy chế và việc mình không báo giáo viên gác thi thì về cơ bản đó là hành vi bao che và mình đã vi phạm cam kết số 3 mà mình đã ký kết. Đến đây mình lại nhớ lại một câu châm ngôn mà mình rất ngưỡng mộ song lại thấy rất hổ hẹn vì đã không thực hiện được điều đó:
"Thế giới sẽ bị hủy diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả. "
Albert Einstein
Thế nên, mình hy vọng các bạn khi thấy các bạn khác vi phạm thì đừng ngừng ngại mà báo lên người có trách nhiệm. Hành động của bạn nếu không làm cho thế giới tốt hơn thì ít nhất nó cũng làm cho lòng bạn sao này đỡ hổ thẹn với bản thân mình khi nhớ lại.
Đến đây, các bạn khoan hãy đổ hết mọi tội lỗi cho giáo viên vì như các bạn có thể thấy, trong vụ việc cụ chị lớp 11, giáo viên đã lập biên bản theo đúng quy chế và việc thực thi lại không được làm công bằng, đúng theo những gì đã nói. Và điều mà mình bất ngờ nhất là về phía giáo viên, họ cũng có những nỗi khổ của riêng họ và chắc hẳn những thứ này phần nào đó cũng dẫn đến cái cách hành xử của họ hiện tại. Mình có đem vấn đề này trao đổi với cô dạy Công Dân của mình thì cô có chia sẻ một việc khá là chua sót như sau:
"... Khi học sinh gian lận trong thi cử thì người học sinh sẽ không bị chỉ trích mà ngược lại thầy cô gác thi sẽ là người bị chỉ trích. Họ sẽ đặt ra câu hỏi rằng: "Vì sao thầy cô khác gác mà học sinh đó không sử dụng tài liệu mà thầy cô này gác thì học sinh lại sử dụng tài liệu?". Một vấn đề nhức nhối khác là khi thầy cô thấy học sinh sử dụng điện thoại thì các bạn học sinh có thể để điện thoại trong túi và khi thầy cô yêu cầu lấy ra thì các bạn lại có thể từ chối và nếu mà thầy cô cưỡng chế lấy điện thoại từ túi quần, áo của học sinh ra thì học sinh có thể sẽ đòi kiện thầy cô là xâm phạm đến cơ thể của em đó ..."
Thiết nghĩ rằng, có thể cũng vì lý do như vậy mà thầy cô rất ngại phải lập biên bản khi học sinh gian lận. Để tìm cách giảm thiểu vấn đề này, nhiều giáo viên bộ môn của mình còn khuyến khích trao đổi bài trong kỳ thi để giảm thiểu việc các bạn gian lận và thầy cô còn khuyến khích là khi trao đổi bài thì còn cần phải có kĩ thuật để trao đổi, việc các em trao đổi bị bắt là do các em không khéo. Một giáo viên khác dạy bộ môn Tin của mình còn khuyến khích sử dụng tài liệu nếu như các bạn đủ tự tin có thể qua mặt được giáo viên gác thi và còn khen rằng đó là kĩ thuật mà nếu mà các bạn đủ giỏi thì có thể làm. Đúng là cạn lời mà ¯\_(ツ)_/¯
Một vấn đề khác mà các bạn cũng cần phải lưu ý đó là trong trường Chuyên vẫn tồn tại tham nhũng, trường mình cũng từng dính phốt khá nặng về vụ tham nhũng này. Tất nhiên không phải trường nào cũng vậy, và không phải lúc nào trường cũng có tham nhũng nhưng một điều chắc chắn là ở trong trường Chuyên vẫn tồn tại tham nhũng nên đây vẫn là một điều mà các bạn nên cân nhắc.
Một vấn đề khác là về việc nâng điểm cho học sinh. Để nói về cái này thì mình cũng xin đề cập thêm về việc học sinh nào không đủ chỉ tiêu thì sẽ bị đá ra khỏi trường. Do vậy, việc nâng điểm có thể chia ra làm hai loại dưới đây:
+ Nâng điểm để học sinh đó không bị đá ra khỏi trường hoặc đạt học sinh giỏi.
+ Nâng điểm để em học sinh đó có cái bảng điểm cao để tuyển thẳng đại học hoặc đi du học.
Mình sẽ nói về cái dưới trước:

Nâng điểm để em học sinh đó có cái bảng điểm cao để tuyển thẳng hoặc du học:

Thành phần nâng điểm ở đây bao gồm những người chọn học đại học theo hướng xét hồ sơ, còn về việc du học thì cũng có nhưng không phổ biến nhiều bằng ở trên.
Thành phần được buff điểm ảo bao gồm những người có thành tích cao hoặc tham gia rất nhiều vào các kỳ thi như học sinh giỏi Quốc Gia, cuộc thi 30 tháng 4 được tổ chức ở trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, cuộc thi học sinh giỏi Tỉnh (không có kì thi học sinh giỏi cấp Thành Phố do trường Chuyên được đặc cấp thi từ vòng trường lên thẳng vòng tỉnh),...
Để cho các bạn thấy những thanh niên này được nâng điểm cao như thế nào thì mình sẽ nói về các quyền lợi của các thanh niên này khi tham gia vào các kì thi đặc biệt là đội tuyển Quốc Gia như sau:
Những quyền lợi khi bạn tham dự đội tuyển Quốc Gia mà mình tận mắt chứng kiến các bạn đó được hưởng:
Bạn được phép nghỉ tiết học bất kì ngay cả tiết mà đó chính là môn bạn chọn để đi thi học sinh giỏi Quốc Gia. Ví dụ, bạn trong đội tuyển Quốc Gia môn Toán thì bạn có thể nghỉ tất cả các tiết trong trường kể cả môn Toán để có thể lên các phòng tự học để ngồi tự học môn đó - nói là lên đó tự học nhưng thực ra bạn lên trên đó làm gì thì không ai biết cả, ở trường mình còn xảy ra nhiều trường hợp lên xin tự học thì thật ra là xuống sân đánh bóng chuyền. Và các giáo viên phải tạo điều kiện hết sức để cho các bạn đó. Ở một số thầy cô thì thậm chí còn có trường hợp không cần xin, miễn là cứ Quốc Gia là cứ đi, và mình còn nhớ rất rõ câu của thầy dạy bộ môn Toán mình - lớp Chuyên thường có nhiều hơn 1 giáo viên dạy môn Chuyên, nói khi các bạn xin đi:
" ... Đi thì đi đi, xin làm khỉ gì? ..."
Một lợi ích ngon lành cành đào khác mà các bạn sẽ được hưởng khi tham dự các kì thi, đặc biệt là các kì thi như Quốc Gia là điểm của bạn sẽ được lấy dựa trên người có số điểm cao nhất ở các cột điểm thường xuyên và giữa kì. Ví dụ: Bạn A ở trong đội tuyển quốc gia môn Toán, thế thì ở bộ môn tiếng Anh, điểm thường xuyên của bạn A chỉ có 2 mà thôi trong khi đó, bạn B có số điểm cao nhất lớp lại có số điểm là 9.5 thế thì số điểm của B là 9.5 sẽ được bạn A sử dụng và ghi vào sổ điểm thường xuyên của mình. Đó là cách tính điểm cho các cột điểm thường xuyên còn cột điểm giữa kì thì do trường kiểm soát nên sẽ được cộng điểm thêm còn chỉ duy nhất là ở cột cuối kì thì điểm bạn đó bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, chẳng hạn như bạn A được 5 điểm môn Văn ở điểm cuối kì thì điểm trong sổ của bạn vẫn là 5 điểm mà thôi.
Để hiểu thêm về độ chất của dân đội tuyển thì thầy hiệu trưởng trường tôi từng cam đoan với các bạn ấy và nói với các giáo viên bộ môn rằng:
"... Không để em nào có điểm trung bình dưới 9.0 ..."
Một hình thức ngon lành khác là các việc làm như soạn văn, làm bài về nhà, thầy cô gọi trả bài, kiểm tra bài về nhà thì các bạn này được đặc cách, miễn gọi.
Ngoài ra, hỗ trợ dịch vụ đã đời rồi thì khi các bạn đạt giải Quốc Gia, các bạn sẽ được trường tặng mấy triệu, rồi sau đó được tỉnh tặng, hội phụ huynh tặng,... nói chung là nhận được rất nhiều tiền.
Và nhiều lợi ích khác nữa.
Tuy nhiên, nếu xét về phía nhà trường thì cũng phải thông cảm vì chỉ tiêu của Bộ Giáo Dục ban xuống cực kì căng và uy tín, lời đàm tếu các thứ. Chẳng hạn, khi một học sinh trường Chuyên đậu giải Quốc Gia thì chuyện đó sẽ được xem là một chuyện bình thường còn nếu học sinh ở trường Chuyên mà không đạt giải nào là bị đặt câu hỏi, chỉ trích ngay và điều tồi tệ hơn nữa là nếu như các học sinh trường ngoài tức các trường THPT thường đạt giải thì còn chết ác nữa. Mình có nghe cô kể lúc mà đợi giải Quốc Gia thì tim thầy hiệu trưởng muốn rớt ra ngoài khi mà nếu như trường không có giải Quốc Gia nào thì thầy chết chắc mà cuối cùng thì trường lụm được 2 giải thì thầy mới thở phào nhẹ nhõm. Cũng như, thành tính của học sinh càng cao thì nhà trường mới được nhận kinh phí để mà hoạt động cũng như tiền tài trợ của nhà nước, của các mạnh thường quân, của các cựu học sinh của trường.
Còn về mặt của học sinh thì các bạn cũng ngại tham dự đội tuyển Quốc Gia, nghe cứ tưởng đùa song hầu hết các bạn của mình sau khi tham dự đội tuyển năm lớp 11 xong thì không muốn tham dự nữa. Để hiểu hơn về độ khó của cái giải Quốc Gia này thì mình xin giới thiệu với các bạn một thằng bạn của mình - người hiện tại đang học giỏi nhất lớp Chuyên Toán của mình. Thanh niên này mình biết từ lúc ảnh học tiểu học thì ngay từ khi học tiểu học, các kì thi Violympic toán ở tiểu học thì ảnh đã săn muốn nát nhừ các giải, lên trung học, thanh niên đó vào học trường Chuyên thuộc khối cơ sở còn mình thì thi không đậu nên học ở trường THCS thường. Mà mặc dù học khác trường song, danh tiếng của thanh niên đó vẫn bay tới tận tai mình. Các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh thanh niên này lụm giải nhất hết. Rồi lên cấp 3, lúc có cơ hội học chung Chuyên Toán với ảnh, mình có hỏi ảnh thì mới phát hiện ra điều khủng khiếp hơn nữa khi mà hồi lớp 9 là thanh niên này đã bắt đầu cày muốn nát chương trình Toán cấp 3 và tới gần xong học I năm lớp 10, thanh niên này đã cày xong chương trình Toán ở cấp THPT và sau đó, thanh niên này dành hết máu để học Toán ở đội tuyển và tham dự đội tuyển Quốc Gia, thời gian rèn luyện môn Toán là suốt 1 năm trời và được tạo điều kiện hết sức tuyệt vời. Lúc mà thanh niên này đi thi, mình đoán là thanh niên tệ gì lắm cũng đạt được giải khuyến khích, ấy thế cơ mà lúc phát điểm và công bố giải thì mình mới hay tin sốc là thanh niên đó rớt và tất nhiên thì người giỏi nhất lớp mình rớt thì trong lớp đâu có ai đậu nổi =V
Mà nghĩ lại cũng thấy khá chua cho các bạn học Chuyên Toán ở lớp mình đặc biệt là các bạn học ở đội tuyển khi mà học sml vậy mà vẫn rớt và còn bị so sánh với các khóa trước khi mà thầy cô thường nói các anh chị Chuyên Toán khóa trước thì luôn đi đầu và lúc nào cũng đạt giải Quốc Gia môn Toán về cho trường.
Thế nên, giờ đây, còn có mỗi thanh niên đó là dự định tham gia kì thi học sinh giỏi Quốc Gia môn Toán vào năm sau còn mấy bạn khác trong lớp mình thì không còn tính tham gia giống như bạn đó cả.
Mình có hỏi một vài bạn trong đội tuyển thì mình sẽ trích lời hội thoại giữa mình và hai bạn đó ra như sau:
" ... -Ê M, sao tôi thấy ông học giỏi vậy mà năm sau không tham gia đội tuyển Quốc Gia nữa vậy? - Không được, năm sau là thi đại học rồi. - Nhưng tôi thấy ông thi khối A mà nếu đậu giải Quốc Gia thì ông được tuyển thẳng mà? - Ừ vấn đề là có đậu hay không đấy! Thằng L (thanh niên mà mình kể ở trên) nó còn rớt nữa thì sao tôi đậu nổi. - Ukm, công nhận nó cũng căng thiệt mà dù sao thì cái này cũng là quản lý rủi ro (Risk management) mà dân kinh tế ông phải biết nhỉ? - Ừm. ..."
Còn đây là bạn B:
" ... -Ê sao ông không thi đội tuyển Quốc Gia nữa vậy? - À thì tại hm... - Ủa ông thi Y tức khối B mà phải không mà tổ hợp nó là Toán Hóa Sinh thế thì nếu ông đậu giải Quốc Gia thì ông không được tuyển thẳng hả? - Không ông, chỉ có môn Sinh đạt giải Quốc Gia mới được tuyển thẳng mà thôi. - Nghĩa là giờ ông có đậu giải thì ông cũng không được tuyển thẳng nên cũng không có tác dụng gì hả? - Ừm, đúng rồi ông, nên tôi muốn tập trung vào tổ hợp môn hơn là tập trung thi đội tuyển Quốc Gia. - Ồ, thì ra là vậy. ..."
Bây giờ chắc hẳn các bạn đã hiểu tại sao với nhiều quyền lợi như vậy mà các bạn ấy lại chán tham gia đội tuyển Quốc Gia rồi phải không?
Giờ mình sẽ tới tiếp phần còn lại là nâng điểm để cứu sống những bạn sắp không đủ chỉ tiêu.

Nâng điểm để học sinh đó không bị đá ra khỏi trường hoặc đạt học sinh giỏi

Hẳn các bạn đã từng nghe nói đến việc trong trường Chuyên sẽ có cái gọi là hệ thống loại bỏ những học sinh yếu ra khỏi trường. Thì đúng vậy, ở trường mình thì chỉ có việc loại học sinh đó ra khỏi trường mà thôi còn lúc lên mạng tham khảo thì mình thấy hình như ở tỉnh khác còn có tuyển bổ sung thêm học sinh vào học. Nên có thể nó sẽ khác so với tỉnh mình cũng nên, đồng thời tỉnh mình cũng chỉ có một trường Chuyên duy nhất và không có hệ thống trường tư nên tùy vào địa phương mà trường sẽ có quyết định khác.
Quay lại chủ đề chính, học sinh nào đạt học lực trung bình sẽ bị đá ra khỏi lớp Chuyên và xuống lớp không Chuyên còn nếu lớp không Chuyên đầy người rồi hoặc không đủ chỉ tiêu vào lớp không Chuyên nữa thì sẽ bị đá ra khỏi trường và trên thực tế trường mình cũng từng xảy ra vụ việc học sinh ở khóa Chuyên Toán bị đá ra khỏi trường rồi và cũng có người bị đá xuống lớp không Chuyên. Song, tình trạng này rất hiếm và một điểm cộng rất sáng là mình chưa hề thấy giáo viên nào đì học sinh để đá học sinh đó ra khỏi lớp hoặc trường cả. Các trường hợp mà bị đá ra khỏi trường là do thầy cô không cứu được nữa và đành phải bỏ mặc, hoặc học sinh đó đáng ghét quá hay gì đó thì điểm học sinh đó ra sao thì thầy cô để nguyên như vậy, không có vụ hạ điểm hay đì gì cả.
Mình là được cứu vớt bởi cái này nên không dám làm càng, để cho rõ hơn thì các bạn nhìn vào hình dưới đây:
Đây là bảng điểm học kì II của mình năm lớp 11, các bạn hãy nhìn vào điểm TB của môn Hóa Học
Đây là bảng điểm học kì II của mình năm lớp 11, các bạn hãy nhìn vào điểm TB của môn Hóa Học
Như các bạn có thể thấy, để xét học lực trung bình thì điểm trung bình một môn phải dưới 5.0 và ở môn Hóa mình vừa đủ 5.0 tức vừa đủ để học sinh khá, không bị đá ra khỏi trường. Nếu như cô ghi đúng điểm thật của mình thì điểm trung bình môn cả năm môn Hóa của mình sẽ dưới 5.0 và mình sẽ là người bị đá ra khỏi trường năm tiếp theo, song mình lại được nâng điểm lên để đủ sống. Nghe không thì thấy không có vẻ vang gì song, chính mình là người trải nghiệm việc nâng điểm để có thể tiếp tục được học vào năm sau. Và việc nâng điểm này mình không có chạy đi xin cô hay gì cả mà ngay từ đầu, tư tưởng của mình là năm sau kiểu gì cũng phải sang trường khác học rồi thì cuối cùng mình lại được nâng điểm để tiếp tục sống tiếp. Đúng là Murphy quá đi mà!
Oke, nói về vụ này đủ rồi, giờ mình sẽ chuyển sang một vấn đề khác mà các bạn có thể đối mặt khi các bạn đậu cấp 3 ở trường Chuyên mà có 2 cấp nhé.

Chúng "ta" và chúng "nó":

Không biết ở tỉnh, thành phố của các bạn như thế nào, song ở tỉnh mình chỉ có duy nhất một trường Chuyên và hệ thống trường Chuyên mình gồm hai cấp là cấp THCS và lên đến cấp THPT. Ở cấp THCS, khi học xong năm lớp 5 các bạn sẽ thi vào cấp THCS ở trường Chuyên với 3 môn: Toán - Văn - Anh và mình đã thất bại trong giai đoạn này. Khi lên cấp 3, các bạn phải thi 3 môn và 1 môn Chuyên bao gồm: Toán - Văn - Anh và Môn Chuyên. Ở trường mình thì chỉ có Chuyên Toán, Lý, Hóa, Văn, Sinh và lớp Không Chuyên. Không có lớp chuyên Sử, Địa hay chuyên Tin và chỉ có duy nhất 1 lớp Chuyên chẳng hạn khối 11 chỉ có duy nhất 1 lớp chuyên Toán là 11T chứ không giống như một số trường Chuyên lớn khác là sẽ có khối Chuyên mà gồm nhiều lớp. Và do phân ra hai cấp học nên sẽ có vấn đề như sau:
+ Các bạn đã đậu trường Chuyên vào trường khi học ở cấp THCS và tiếp đó, ở cấp THPT các bạn lại tiếp tục đậu tiếp và ở các bạn này mình sẽ tạm gọi là chúng "ta". Những bạn này do đã học 4 năm ở trường cấp THCS nên đã quen với các giáo viên cũng như trường lớp rồi và thường đã có bạn, mối quan hệ từ trước nên việc hòa nhập là vô cùng dễ dàng.
+ Nhóm còn lại là chúng "nó" gồm những bạn chỉ mới đậu ở cấp THPT còn không có học hoặc đã rớt ở cấp THCS khi tham gia tuyển sinh vào trường. Mình thuộc nhóm này và nhóm này mình sẽ tạm gọi là chúng "nó".
Thế thì, ở nhóm chúng "ta", do đã quen biết, cũng như đã có mối quan hệ từ trước nên ở nhóm này các bạn đó sẽ tập trung chơi với những người đã quen từ trước và hình thành nên một mối quan hệ đã thiết lập từ hồi cấp 2. Còn ở nhóm chúng "nó" thì các bạn này sẽ xây dựng mối quan hệ bạn bè dựa vào những người bạn mà đã từng học chung. Tiêu biểu cho điểm này là chẳng hạn các bạn học dưới huyện khi đậu vào trường thì chủ yếu chơi với các bạn ở dưới huyện, các bạn học ở trường A sẽ chủ yếu chơi với các bạn ở trường A đã cùng đậu với mình và các bạn học ở trường Chuyên sẽ chơi với các bạn đã học ở trường Chuyên từ trước và cứ như thế.
Tuy nhiên, nếu đơn giản vậy thì dễ thở quá rồi, song trên thực tế nó còn phức tạp hơn nhiều, chẳng hạn như bạn A và bạn B học khác trường nhau, song hai bạn lại quen nhau từ trước lúc đi học thêm nên mối quan hệ này lại được hình thành cho dù hai bạn thuộc 2 nhóm mà mình tạm gọi là "ta" và "nó".
Và sự hình thành giữa chúng ta và nó các bạn có thể thấy trong lúc xếp tổ và thầy cô chủ nhiệm cho chọn thành viên. Bạn còn nhớ lúc ở trên mình có nói về Tổ 2 nhà xa mà mình đã đề cập không? Đúng vậy, các bạn ở dưới huyện quen biết nhau từ trước đã tập hợp lại thành một tổ chung và hình thành nên nhóm tổ 2 nhà xa do các bạn dưới huyện nên hồi cấp 2 các bạn cũng học dưới huyện đã quen nhau từ trước. Và sự hình thành tổ cũng xảy ra ở các nhóm chúng "ta" và "nó".
Mặc dù vậy, sau thời gian học chung với nhau thì chắc chắn là sẽ có sự giao thoa và mình tạm gọi là "sự giao thoa văn hóa" đi thì các bạn ở nhóm chúng "ta" và "nó" sẽ bắt đầu tiếp xúc với nhau và chơi với nhau. Và tùy vào mức độ, sở thích, tính cách mà sẽ quyết định độ thân mật giữa các nhóm và các bạn với nhau.
Song, đây cũng là điều mà các bạn nên cân nhắc, đặc biệt là các bạn định vào học ở các trường liên cấp từ cấp 2 và cấp 3.
Một điểm khác là trường Chuyên có khá nhiều suất học bổng cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận từ các mạnh thường quân hay các cựu học sinh của trường hay được tài trợ bởi tỉnh. Đây cũng là một điểm cộng mà các bạn nên xem xét thêm.
Và bàn về môi trường ở trường Chuyên đến đây hơi bị nhiều rồi nhỉ? Giờ ta hãy đến với phần giáo dục nhé!

GIÁO DỤC

Ảnh bởi
Ivan Aleksic
trên
Unsplash
Do chịu trách nhiệm đào tạo các học sinh thuộc ngành mũi nhọn của trường hoặc nói một cách dân dã như người ta thường châm biếm là đào tạo những "con gà luyện thi" hay "bầy cừu" như cách một bác trên Spiderum đã viết thì mình công nhận là học sinh trường Chuyên học chủ yếu để thi đại học theo những gì mà mình quan sát được và thầy cô bộ môn cũng quan điểm theo điều đó. Bản thân mình khá buồn về điều này khi mà mình thích học để nhận được niềm vui thuần túy khi tiếp nhận tri thức hơn là phải học như "lũ gà luyện thi" . Để minh chứng cho điều này thì khi mình học một câu hỏi nào đó hay công thức này chứng minh ra làm sao thì thầy cô thường bảo là cái đó không có trong kì thi kiểm tra đâu hay thi đại học người ta không ra cái đó đâu nên đừng có quan tâm. Đây là một điểm trừ siêu lớn đối với mình và các bạn cũng nên cân nhắc về điều này.
Một vấn đề và điểm trừ khác cho cả hệ thống trường THPT nói riêng và THPT Chuyên nói chung mà mình cảm thấy khá tức đó là nó bỏ đi hai môn mình khá thích đó là Âm Nhạc và Mỹ Thuật. Nhiều bạn của mình cảm thấy khá hạnh phúc với điều này, còn đối với cá nhân mình, thì nó đã là điểm trừ khá lớn khi mà hệ thống giáo dục chỉ tập trung vào các môn thuộc não trái tức thiên về logic, ngôn ngữ,... nhiều hơn là não phải thiên về nghệ thuật. Hiện tại thì ở chương trình mới còn có tích hợp tự chọn mấy môn này song nói là tự chọn chứ thật ra là trường chọn giùm nên hiện tại, mặc dù là chương trình mới song không có bất kì tiết Mỹ Thuật hoặc Âm Nhạc nào được dạy cả. Mà nghĩ lại thì cũng phải thông cảm cho trường khi mà mấy chục năm ngồi dạy chương trình cũ thì trong suốt khoảng thời gian đó, người ta đâu có đào tạo ra giáo viên dạy bộ môn này ở trường đâu? Nên bây giờ học sinh có chọn thì lấy đâu ra giáo viên để dạy đây?
Một vấn đề khác mà mình cần đặt ra ở hiện tại khi các bạn học ở lớp Chuyên cần cân nhắc mà ông thầy dạy môn Tin học mình có đề cập là hiện tại các bạn khi bước chân vô trường Chuyên cấp THPT thì các bạn phải xác định rõ là mình muốn sau này phải làm gì. Có vẻ bất công so với các anh chị đi trước song đây cũng là một sự đánh đổi khá tốt mà Bộ Giáo Dục cho các bạn. Bản thân mình là thế hệ cuối cùng của chương trình cũ của cấp THPT nên các bạn đọc bài viết này mà muốn vô trường Chuyên chắc chắn phải học chương trình mới. Mà ở chương trình mới có chính sách như sau: Ví dụ các bạn học Chuyên Văn đi thì ngoại trừ các môn bắt buộc phải học thì các môn như Hóa thuộc tự nhiên thì các sẽ không được học ở trường. Một hệ chuyên khác là Chuyên Anh thì cũng tương tự như Chuyên Văn là các môn được xếp vô khối tự nhiên thì các bạn sẽ không được dạy ở trường. Ở trường mình hiện tại, có bé lớp 10 học Chuyên bên mảng xã hội, do rất thích Hóa mà lại không được học ở trường nên phải đi học thêm ở bên ngoài mặc dù nó không có công dụng gì đối với việc học trên lớp hay bổ trợ cho em đó cả. Quả thật, đây là một điều mình cảm thấy khá vui khi mà em đó học vì niềm vui thuần túy vì tri thức đơn thuần chứ không phải là vì điểm số, hay mục tiêu đại học gì cả. Mặt khác, một vấn đề cực kỳ quan trọng mà ông thầy dạy bộ môn Tin mình đề cập mà mình nghĩ là rất đáng suy ngẫm đó chính là: Khi các bạn không học các môn chẳng hạn bạn học Chuyên Anh không được dạy môn Hóa trên lớp thì các ngành liên quan tới Hóa chẳng hạn ngành Y thì các bạn không thể thi và chọn vô ngành đó để học được, cho dù bạn có học thêm bên ngoài công phu, luyện thi đỉnh cao như thế nào thì do không được dạy trên lớp cũng như trong học bạ không có điểm số để xét thì khả năng cao là các bạn sẽ không được thi vô các ngành đó. Nói cho dễ hiểu thì thay vì ngày trước, đối với chương trình cũ thì các bạn học Chuyên Văn hay Chuyên Anh muốn học bác sĩ hay kĩ sư đều được thì nay, với chương trình mới thì do các môn quan trọng như Hóa, Lý hay Sinh mà các bạn không được học trên lớp nên nhiều khả năng các bạn sẽ không được làm học Y, tức không được làm bác sĩ nếu như các bạn học Chuyên Văn hay Chuyên Anh. Hiện tại cho đến khi chương trình mới thi THPT Quốc Gia lần đầu tiên, tức sau năm mình thi THPT Quốc Gia rồi tới các em 2k7 thi thì lúc đó không biết Bộ Giáo Dục sẽ quyết định như thế nào. Song đây là canh bạc của cuộc đời mà các bạn không nên đặt cược vào chính sách của Bộ Giáo Dục trong tương lai, thứ rất mơ hồ và không chắc chắn thì các bạn nên quyết định chắc chắn về nghề nghiệp sau này mà mình muốn làm.
Hãy chắc chắn nghề nghiệp, sự nghiệp trong tương lai của các bạn trước khi lựa chọn khối Chuyên mà mình sẽ vào!
Như vậy có nghĩa là nếu bạn muốn làm kĩ sư, bác sĩ thì đừng có mà vào Chuyên Văn hay Chuyên Anh. Ngược lại, nếu bạn muốn làm nhà văn, chính trị gia,... thì đừng có vào Chuyên Hóa, Chuyên Lý,... Đây có thể là một điều đánh đổi khá lớn với các bạn thuộc thế hệ sau này khi mà ở chương trình cũ được mệnh danh là "chương trình nặng như trâu" thì ở chương trình mới với chính sách nhẹ nhàng bớt cho học sinh và bỏ đi những môn không cần thiết cho các em học sinh như các em muốn làm nhà văn thì không cần phải học Lý hay Hóa làm gì cho mệt đầu thì đã được giảm tải, triệt tiêu. Song le, "cái gì cũng có cái giá của nó" thì với độ tuổi lớp 9 mà các bạn phải ra quyết định cuộc đời của mình trong tương lai mà không giống như các anh chị khóa Chuyên trước được trải nghiệm thêm một khoảng thời gian rồi mới quyết định ngành nghề mình muốn học thì đây là điều mà các bạn phải trả tương xứng cho sự hưởng lợi từ chương trình mới của mình.
Tiếp theo, một điểm khác mà các bạn cần lưu ý là lớp học được phân ra làm hai loại là: lớp không Chuyên và lớp Chuyên. Hiện tại, mình nghe nói bộ Giáo Dục sẽ bỏ đi lớp không Chuyên song trường mình năm nay vẫn có lớp không Chuyên và sẽ vẫn tuyển lớp Không Chuyên nên mình cũng sẽ đề cập về nó.
Các bạn ở lớp không Chuyên là những bạn thi các khối Chuyên song không đậu ví dụ khối Chuyên Toán lấy 35 bạn mà bạn xếp thứ 36 thì bạn sẽ được xếp vào ứng cử viên của khối Không Chuyên. Lúc này, điểm Chuyên sẽ bỏ đi mà chỉ xét 3 điểm Toán - Văn - Anh mà thôi. Và đây là điều khá là bất công với các bạn thuộc Chuyên khác như Chuyên Hóa hay Lý thì sẽ gặp bất lợi thế và thông thường các bạn thuộc khối này sẽ không thể so lại với các bạn thuộc khối có môn Chuyên thuộc 3 môn Toán - Văn - Anh do ôn môn Chuyên thì sẵn tiện ôn luôn môn bắt buộc phải thi mà các bạn như một bạn thuộc Chuyên Hóa đi thì phải phân bố cho 3 môn chính là Toán - Văn - Anh và phải gánh thêm môn Chuyên là Hóa nữa trong khi các bạn thuộc khối Chuyên Anh đi chẳng hạn thì chỉ cần tập trung ôn 3 môn do môn Chuyên trùng với môn cần ôn luôn rồi. Tất nhiên là vẫn có trường hợp ngoại lệ, song, thông thường thì các bạn thuộc khối Chuyên Lý, Hóa hay Sinh mà một khi đã xác định là tạch khỏi lớp Chuyên thì coi như cũng xác định là tạch luôn khỏi lớp Không Chuyên.
Ở lớp Không Chuyên, các bạn học sinh sẽ học chương trình bình thường như các bạn học sinh ở trường khác. Sự khác biệt duy nhất có lẽ là các bạn sẽ học ở trường Chuyên và có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ với các bạn ở lớp Chuyên và cũng như giáo viên trường Chuyên để học tập và gặp gỡ. Mình khá bất ngờ khi một số bạn học ở lớp Không Chuyên khá là mặc cảm khi cho rằng mình thua kém, không là gì so với các bạn ở lớp Chuyên. Nhưng thật ra các bạn ấy lại không biết rằng các bạn ở lớp Chuyên thường học siêu lệch và không học đều như các bạn đó được.
Bây giờ nói về lớp Chuyên thì các bạn sẽ học chương trình bình thường giống như các bạn lớp Không Chuyên, có điều ở bộ môn Chuyên, các bạn sẽ được đặc cách và học khác với các bạn đó. Ở lớp 10 thì các bạn sẽ học cả chương trình lớp 10 lẫn lớp 11 và học cả các chuyên đề. Lên lớp 11 các bạn học chương trình lớp 12 và lên lớp 12 các bạn đã học xong chương trình ở môn Chuyên của mình rồi nên giờ đây các bạn ấy chủ yếu luyện đề và một số bạn sẽ cày gốc bị gãy trong quá trình dạy. Theo chỉ tiêu của Bộ giao là vậy, song thật ra trong lúc dạy thì lúc mình học trong hai năm vừa qua thì lúc học xong lớp 10 thì lớp mình mới đang học phần đạo hàm của lớp 11 và phần khoảng cách bên hình còn hiện tại, lúc lớp mình học xong lớp 11 thì lớp mình đã xong chương trình phần hình học song phần số phức thì lại không học kịp mà phải để sang năm, lên lớp 12 mới học. Mà dạy trên lớp là vậy, trên thực tế thì các bạn này lúc đi học thêm thì đã học xong từ lâu rồi và một số bạn học đội tuyển Quốc Gia đã giải quyết chương trình từ năm lớp 10.
Nghe thì có vẻ nặng nề song, trên thực tế thì một số phần mà các bạn phải thi vô khối Chuyên đã được học và làm nhuần nhuyễn ở cấp 2. Chẳng hạn ở khối chuyên Toán của mình thì sẽ có phần Bất Đẳng Thức và Phương Trình, Hệ Phương Trình. Nó chiếm 3 chương trong phần Đại Số mà hồi cấp 2 phải cày cực lực nên lúc lên cấp 3 giảng về phần này thì thầy cô thường không giảng nhiều, thậm chí không giảng mà chỉ cho bài tập để mà làm và thường lướt qua các phần này rất nhanh để tiếp tục các phần khác. Do vậy nó thường tiết kiệm được khá nhiều thời gian và cũng như bạn thuộc khối Chuyên nào thì số tiết học của khối Chuyên đã sẽ nhiều cực kì để ngốn hết chỉ tiêu của Bộ giao cho. Mà cũng nhờ vậy mà mình mới thấy là kiến thức vượt cấp thực ra không khó lắm mà nó thường cần nền tảng của các kiến thức từ trước đó xây dựng nên, do vậy, học các kiến thức vượt lớp là hoàn toàn khả thi, đặc biệt trong giai đoạn mỏ vàng thông tin đang ở trước mắt chúng ta như hiện nay và việc cần làm không phải là đi tìm chúng như ngày xưa mà có chịu vác cuốc ra đi đào về không mà thôi - mình mượn hình tượng của chú Hiếu tv để minh họa cho điều này.
Mà nói gì thì nói chứ chắc hẳn với chương trình Chuyên nặng như vậy thì khả năng cao là bạn sẽ cảm thấy đuối khi phải cân cả môn Chuyên lẫn các môn khác là hoàn toàn tự nhiên. Nhiều người bạn của mình đã chọn giải quyết vấn đề này bằng cách học lệch, phải nói là rất lệch để giải quyết vấn đề này.
Một trong những chính sách giáo dục mà mình thấy khá bất ngờ của trường là cho học sinh thuyết trình trước lớp và chạy dự án. Năm lớp 10, lớp mình có được phân công làm 2 chuyên đề về phương trình vô tỉ và phép biến hình. Đồng thời, trong lúc học trên lớp, thầy cô cũng thường yêu cầu các học sinh thuyết trình trước lớp hay chuẩn bị file thuyết trình, tìm hiểu nội dung trước bài học rồi sau đó đứng trước lớp thuyết trình về nội dung bài học cho các bạn khác hiểu. Lúc học online cũng có làm việc này rất nhiều lần. Bản thân mình khá ấn tượng với chính sách giáo dục này và đây là một điểm cộng tốt để mà bạn có thể cân nhắc vào. Song, một mặt trái của nó là mình thấy rất nhiều bạn làm các chuyên đề hay bài thuyết trình một cách đối phó và làm cho có chỉ để lấy điểm cho qua. Nên mình nghĩ các bạn cũng nên cân nhắc suy nghĩ về điều này.

Có nên tự học khi học trường Chuyên?

Ảnh bởi
Thought Catalog
trên
Unsplash
Tự học ở đây theo ý mình là 100% tự học ở nhà và không đi học thêm ở bất kỳ nơi đâu cả. Việc học là tự mình đào kiến thức, tìm kiếm nguồn tài liệu trên mạng, sách tham khảo,... Và đây chính là con đường mà mình đã chọn ngay khi bước vào năm lớp 10 ở trường Chuyên với hệ Chuyên Toán và hiện tại vẫn đang tiếp tục. Thì để trả lời cho câu hỏi này thì mình xin mượn lời của tác giả Ryu Murakami để trả lời cho câu hỏi này:
"... Trình độ học vấn của con cái được quyết định bởi điều kiện kinh tế của bố mẹ ..." [1]
Nghe thì có vẻ chua chát song sự thật là vậy. Bản thân mình là người chọn con đường tự học và ăn rất rất nhiều hành. Và mình nghĩ là mình có thể chỉ ra cho các bạn được điểm lợi và mặt hại của nó.
Có thể các bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng mặc dù trường Chuyên có nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn song ngay cả học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng cố gắng đi học thêm vài thầy cô. Và như vậy thì điều đó có nghĩa là học sinh đi học thêm rất rất nhiều và ngay trong lớp mình thì số người không đi học thêm thầy cô nào cả sẽ được xếp vào nhóm "động vật quý hiếm" và chắc chắn sẽ ăn rất nhiều hành.
Tua ngược về quá khứ một chút, lúc thi vào 10 thì năm lớp 9 dịch Covid-19 đang bùng lên và tỉnh mình phải hoãn thi. Lúc đó, mình đã tiếp nhận được rất nhiều tư tưởng self-help và nhìn thấy rất nhiều tấm gương tự học vĩ đại. Mình đọc rất rất nhiều quyển sách về phương pháp học, mình đọc các tiểu sử của các bậc vĩ nhân tự học. Cộng thêm với việc dịch Covid-19 bùng lên mà các lớp học thêm của mình phải hoãn lại và mình phải tự học ở nhà. Mà về kĩ năng tự học mình đã ngồi luyện từ tận năm lớp 8 khi ngoài lúc học thêm trên lớp thì mình còn mua rất nhiều sách tham khảo về để luyện thêm. Và cuối cùng, tiếp cận nhiều cái gì thì mình sẽ trở thành cái đó, hè năm lớp 9, lúc công bố điểm tuyển sinh, mình đạt top 10 khóa Chuyên Toán và nó đã làm mình rất máu. Cuối cùng mình quyết định tự học 100% và quyết định này là quyết định mang tính bước ngoặc và làm cho mình ăn cực kì và rất rất nhiều hành. Lẽ dĩ nhiên là ngày trước học thêm như trâu, như bò mà bây giờ không đi học thêm nữa ba mẹ mình phản đối kịch liệt kinh khủng song trong Tâm Lý Học có cái tâm lý mà mình sẽ giải thích đơn giản là: "Một khi đã tin tưởng vào điều gì thì bạn rất khó để thay đổi quan điểm của người đó về việc người đó đã tin tưởng."
Thế là mình bước vào năm lớp 10, trong giai đoạn học online, mình ngồi cày cực lực, tự tìm tài liệu, lên Youtube xem bài giảng. Và không phụ lòng công sức của mình bỏ ra, cuối năm lớp 10, mình xếp hạng 2 và năm lớp 11 tổng kết mà bạn vừa xem thì mình là một trong những học sinh "ưu tú" được xếp hạng cao theo hệ quy chiếu xét từ dưới lên.
Đọc thì có vẻ nực cười song sau nhiều thời gian suy nghĩ và chất vấn bản thân mình thì mình có một vài quan điểm mà mình sẽ trình bày trong phần sắp tới. Mà trước hết thì bản thân mình lúc suy ngẫm về những quan điểm này thì mình cũng băn khoan tự hỏi rằng:
" Những gì mình đưa ra liệu có hợp lý hay đó chỉ là chỉ ngụy biện cho sự bất tài và ấu trĩ của bản thân? "
Lẽ dĩ nhiên là mình cũng cảm thấy vô cùng có lỗi với gia đình khi đã tin tưởng cho bản thân mình tự học, ấy thế mà kết quả mình tạo ra giống như một cái "tát" vô mặt họ vậy. Nhiều lúc mình cũng thấy mình như thằng Chuyên Toán Fake và mỗi khi có ai đó biết về việc mình học Chuyên Toán hay khen: "Mày học Chuyên à? Đỉnh thế!" hay đại loại vậy thì mình cảm thấy áp lực và tội vô cùng khi cái danh xưng không xứng mà bản thân được nhận. Một áp lực khác mà mình gặp phải nữa là áp lực xứng đáng với những gì mà mình nhận được và mình không xứng đáng được nhận nó. Chẳng hạn như việc mình may mắn được nhận vô trường Chuyên, được hưởng chính sách giáo dục trong khi đó, ở các hệ cha anh hay những em, những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn không được đi học mà phải tự kiếm ăn để sống, phải đi bán vé số để phụ giúp cha mẹ hay các em trong trại trẻ mồ côi mình hay lại hỗ trợ các em học thì không có được sự hỗ trợ, quan tâm về mặt tinh thần, ở một số nơi cơ sở thì thậm chí còn thiếu thốn cả về cơ sở vật chất để các em đi học. Tự vấn như vậy nhiều lúc khiến mình chán đời và sầu não lắm các bạn ạ.
Song, nếu như cứ suy luận và luận điểm một cách như vậy thì vô hình chung mình đã coi thường bản thân khi mà bỏ đi những gì bản thân đã nhận được và trải nghiệm được và sau đây mình sẽ đưa ra những gì được và mất khi các bạn quyết định tự học.
====

Những Gì Các Bạn Sẽ Được Khi Tự Học Mà Mình Nhận Thấy

1. THỜI GIAN

Ảnh bởi
Aron Visuals
trên
Unsplash
Đây sẽ là một trong những lợi thế cực kì to lớn mà bạn sẽ nhận được. Bạn không chỉ tiết kiệm được thời gian ở các lớp dạy thêm mà còn một vài thời gian khác mà bạn có thể không nhận ra như thời gian mà các bạn đi lại. Bạn nào ở nhà xa chắc chắn sẽ hiểu rất rõ điều này, nhà mình ở ngoại ô thành phố, nên từ nhà đến trường cũng mất 15 phút mà đi về nữa thì sương sương cũng 30 phút rồi. Thế nên, nếu như bạn tự học thì bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian mà bạn phải mất và từ đó bạn sẽ có một trong những công cụ cực kì quan trọng: Thời Gian. Và nhờ nguồn thời gian này mà mình đã cơ hội rất tốt để những mặt lợi ích khác được phát huy và một trong những điều ấn tượng nhất là khi có nhiều thời gian thì nhiều tác phẩm kinh điển mà siêu dày như: "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa" của tác giả La Quán Trung hay "Chiến Tranh và Hòa Bình" của cụ Lev Nikolayevich Tolstoy mà mình nghĩ mình khó có thể cày hết trong một khoảng thời gian nếu như lịch học thêm cứ chằng chịt như vậy.

2. SỰ CHỦ ĐỘNG

Ảnh bởi
Fabio Comparelli
trên
Unsplash
Bản thân mình từ trước khi quyết định tự học cũng đã có một thời gian rèn luyện với khả năng lên kế hoạch, lập thời gian biểu học tập. Song, đến khi bạn phải tự gánh hoàn toàn mọi kiến thức mà bạn phải học thì lúc này, khả năng hoạt định kế hoạch, sắp xếp thời gian, vượt qua sự trì hoãn của bản thân,... thì đều do bạn quyết định. Và một nhân tố cực kì quan trọng khác mà bạn nhận được khi tự học là bạn chủ động được sự thành bại của quá trình tự học của mình. Và theo mình nghĩ thì đây sẽ là một trong những nền tảng xây dựng nên khả năng chịu trách nhiệm của bản thân bạn khi lúc này động lực học duy nhất của bạn là học cho bạn chứ không đi học vì thầy cô, cha mẹ nữa. Đây là con dao hai lưỡi khi nếu bạn sắp xếp tốt và bạn có nội lực bên trong thì bạn sẽ tiến rất xa và ngược lại bạn sẽ lùi cực xa. Và một trong những yếu tố vô cùng quan trọng khác mà mình rất biết ơn về điều này là mình không phải học vì những kiến thức mà người khác bắt mình phải học nữa mà mình được học vì những kiến thức mà mình muốn học. Như mình có nói ở trên, trong lúc học trên lớp thầy cô không quan trọng chứng minh công thức mà thừa nhận thẳng công thức đó để áp dụng làm bài tập luôn thì mình lại lì lợm tìm cách chứng minh nó. Nhiều người bảo mình làm việc vô nghĩa và mình cũng chịu khá nhiều thiệt thòi khi tập trung vào tìm cách chứng minh các công thức thay vì ngồi cày bài tập giống các bạn. Song, vô hình chung, chính cái sự lì lợm và khác người này của mình lại khiến mình hiểu được bản chất của công thức cũng như khái niệm đằng sau nó cũng như khả năng ứng dụng vô cùng rộng lớn của các kiến thức đó. Đồng thời, sự chủ động còn tạo cơ hội để mình học thêm những thứ khác mình thích mà không bị bó buộc trong khuôn khổ mà người khác dạy gì thì mình nghe cái đó nữa ví dụ như việc mình có thể chủ động tìm hiểu thêm về triết học, tâm lý học, thị trường chứng khoán,...

3. RÈN LUYỆN KHẢ NĂNG

Ảnh bởi
Jonathan Chng
trên
Unsplash
Lúc tự học 100%, các kĩ năng như quản lí thời gian, tìm hiểu thông tin, tìm phương pháp học phù hợp nhất cho bản thân, vượt qua cám dỗ, khả năng thuyết trình trước lớp, ngồi cày dự án, chạy deadline, ngồi cày bài về nhà, hoạt định kế hoạch, làm PowerPoint, lên Youtube tìm bài giảng để học, ra thư viện mượn sách,... các kĩ năng này bạn phải tự mình gánh hết và cứ ăn rất nhiều hành từ đó, các kĩ năng này nó lên level từ từ.

4. CƠ HỘI TRẢI NGHIỆM

Ảnh bởi
NEOM
trên
Unsplash
Thật sự phải nói là từ khi quyết định tự học mình có cơ hội trải nghiệm siêu nhiều thứ luôn các bạn ạ. Mình có thời gian để đi học đàn piano, mình đi học võ, mình dành thời gian ở nhà để luyện vẽ, rồi mình tìm hiểu thêm về kĩ thuật siêu trí nhớ để học thêm, mình phát hiện thêm bộ môn triết học cực kì thú vị, và cả môn Lịch Sử chán ngắt trên trường ấy thế mà ở ngoài nó lại vô cùng thú vị và đẹp mê hồn, rồi tiếp theo đó mình tìm hiểu và phát hiện ra các khóa học trên mạng như Coursera rồi mình đăng kí vài khóa để học như khóa Mindshift, mình còn tìm thấy nhiều nguồn học Tiếng Anh miễn phí như khóa luyện phát âm Pronunciation Workshop của thầy Paul Gruber trên mạng rồi mình luyện theo, mình tìm thấy các bài giảng về những chủ đề vô cùng thú vị như về Công Lý Học (Justice) của giáo sư Michael Sandel trên Youtube, mình cũng nhận ra khóa Nhập Môn Tâm Lý Học (Introduce to Psychology) và khóa Thị Trường Tài Chính (Financial Market) trên Open Yale Courses. Các bạn có thể tham khảo thêm về các website tự học do một bạn trên Spiderum tổng hợp lại và chia sẻ:
Rồi mình còn có thời gian để đi cải thiện thêm khả năng bơi lội của mình và học thêm nhiều kiểu bơi khác khi hồi nhỏ mình chỉ biết bơi ếch thì bây giờ mình đi học thêm bơi sải và bơi bướm. Cuối cùng, mình còn sắp xếp thời gian để đi được du lịch với ông bà ngoại ở Nhật Bản. Thật sự, bây giờ nhìn lại thì mình thấy thật sự không thể nào kể hết được cơ hội trải nghiệm mà mình đã có được nếu như cứ cắm mặt mà đi học thêm và tất nhiên là học thì nhiều đấy, thì rộng đấy, song về mặt bằng chung thì nó cũng ở mức gà đều thôi các bạn, nói một cách cho chuyên nghiệp hơn thì nó rộng chứ không có sâu cũng như bạn nhận ra quá nhiều thứ hay ho để đắm mình vào thì vô hình chung thời gian mà các môn mà nhà trường muốn bạn học - vốn không thú vị và mang tính ràng buộc, giáo điều cao, thì bạn lại dành ít thời gian đi nên vô hình chung bạn học rất nhiều song điểm trên lớp của bạn phải gọi là Bullsh*t. Nên bạn cũng cần cân nhắc về điểm này.

5. TIỀN BẠC

Có thể một vài trong số các bạn đang đọc bài viết này thì nhà của các bạn rất giàu có nên có thể bỏ qua phần này. Song, nếu nhà các bạn thuộc mức bình thường hoặc không có điều kiện cho lắm thì các bạn nên cân nhắc về điều này. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến mình quyết định tự học để đỡ đần phần nào gánh nặng tài chính cho bố mẹ. Bây giờ, ngày xưa lúc mình đi học thì tiền phí đóng học thêm dao động từ mức 300 đến 400 ngàn. Chưa kể một số chi phí phát sinh như phí ngày 20/11 tặng quà cho thầy cô hay phí này nọ phát sinh thêm thì mình chỉ giả dụ bạn học phí lấy 300 ngàn thôi và bạn học các môn sau: Toán - Anh - Lý - Hóa - Sinh - Văn. Thông thường, một người bạn của mình hiện tại đang học thêm thì tụi nó học môn Toán không chỉ 1 người mà thường là 2 người và học thêm các môn tự nhiên như Lý - Hóa - Sinh, với mỗi môn ứng với một người và thường tụi nó cũng học thêm môn tiếng Anh nữa. Như vậy, số tiền trung bình của mỗi thầy cô mình cho là 300 ngàn đi thì:
300 x 2 (2 thầy cô Toán) + 300 (môn Anh) + 300 (môn Lý) + 300 (môn Hóa) + 300 (môn Sinh) = 1800/tháng
Như vậy, trung bình một bạn học thông thường thì tốn khoảng 1 triệu 8 với mức tiền học phí mà mình lấy thấp nhất. Bây giờ, 1 năm học các bạn sẽ tốn:
1800 x 12 = 21600 / năm
Tức là 1 năm, các bạn sẽ tốn khoảng 21 triệu 6 trăm ngàn của gia đình. Nhiều bạn có thể đặt câu hỏi về việc thường 1 năm học của các bạn chỉ kéo dài có khoảng 8 tháng thôi mà thì đúng như vậy, song bạn đã tính đến trường hợp trong kì nghỉ hè bạn vẫn phải đi học thêm chưa? Và thông thường lũ bạn mình trong kì nghỉ hè tụi nó vẫn đi học thêm bình thường. Bây giờ, bạn hãy xem xét trong 3 năm cấp 3, các bạn sẽ ngốn của gia đình bao nhiêu tiền:
21600 x 3 = 64800 / 3 năm THPT
Và trong thời cấp 3 của mình, chỉ riêng việc học thêm thôi thì các bạn cũng đã ngốn của gia đình tận 64 triệu 800 ngàn và mức giá học phí này mình lấy là mức sàn 300 ngàn và trên thực tế thì nó còn chắc chắn sẽ cao hơn nữa vì còn các chi phí phát sinh. Bây giờ mở rộng một chút thử xem coi nếu cộng vô với THCS nữa thì nó sẽ là bao nhiêu:
Ở khối THCS thì sẽ có thêm bộ môn Văn vì lúc thi tuyển sinh vào 10 thì môn Văn là môn bắt buộc nên phải cộng thêm số tiền của môn này vào, thế thì số tiền sẽ là: 64800 + (21600 x 4) + (300 x 12 x 4) = 165600 / khối THCS + THPT
Vậy là với một học sinh bình thường thì khi cộng thêm khối THCS gồm 4 năm nữa thì số tiền đã lên đến 165 triệu 600 ngàn đồng. Bây giờ, chúng ta hãy chiến hơn nữa để tính thêm số tiền mà học sinh tiểu học phải trả khi học thêm, thì thông thường các em tiểu học sẽ học chủ yếu 3 môn là Toán - Tiếng Anh - Tiếng Việt. Giờ giả sử các em học chỉ khiêm tốn là 1 thầy cô với 1 môn, vậy số tiền lúc này sẽ là:
165600 + ( 300 x 3 x 12 x 5 ) = 219600 / 12 năm học.
Vậy là chỉ riêng việc học thêm trong suốt chặng đường 12 năm học của các bạn đã ngốn của cha mẹ 219 triệu 600 ngàn. Và số tiền này mình chưa tính các khoản phát sinh thêm như quà của giáo viên hay các khoản quà sinh nhật các thứ. Và trên thực tế, nó sẽ cao hơn và dao động nhiều hơn khoảng này rất nhiều bởi vì có một số bạn mình biết một môn có thể học rất nhiều người và chưa kể lúc lên lớp 9 hoặc lớp 12 thì một số bạn còn bay vô trung tâm luyện thi, một vài bạn khác thì sẽ đốt tiền cha mẹ để vào các trung tâm để luyện thi IELTS. Mà lương trung bình của người Việt Nam là:
"Tiền lương trung bình của lao động Việt Nam 6,5 triệu đồng / tháng" [2]
Như vậy, số tiền trung bình mà người Việt Nam ngồi làm trong vòng 12 năm là:
6.5 x 12 x 12 = 936 triệu / 12 năm.
Điều đó có nghĩa là chỉ riêng phần học thêm của các bạn đã ngốn hết khoảng 23,46% tiền lương mà một người lao động Việt Nam làm cực lực trong 12 năm rồi. Chưa kể đến việc sắp tới bạn vô đại học thì số tiền phí đại học mà ba mẹ bạn phải gánh nữa lại tăng theo hệ lũy thừa. Vả chăng, vì sao mình học cho mình mà ba mẹ phải đốt nhiều tiền đến vậy?
Thế nên, việc bạn tự học không chỉ giúp cho bạn không mà còn giúp cho túi tiền của cha mẹ bạn bớt gào thét lại nữa.

6. VỀ MẶT CẢM XÚC

Ảnh bởi
Tengyart
trên
Unsplash
Cuối cùng là về mặt cảm xúc thì bạn sẽ học được một điều vô cùng quan trọng khi nhận ra hành trình tự học của bản thân mình. Bạn sẽ nhận ra giá trị của sự nỗ lực và những giá trị mà bạn không nhận ra mà bạn nhận được từ trước mà bạn không trân trọng. Ví dụ: lúc trước, lúc mình đậu trường Chuyên thì mình cứ nghĩ là do mình giỏi, do nỗ lực của bản thân mình,... song trên thực tế nó chỉ là một phần nhỏ những gì mà góp lên thành công của mình. Phần thành công to lớn khác mà mình không nhận ra đó chính là kinh nghiệm chinh chiến rất nhiều năm, là sự tận tụy, ân cần, động viên của thầy cô truyền lại cho mình. Là lớp luyện thi, là tiền dạy thêm mà ba mẹ mình đã bỏ ra để cho mình ăn học. Là điều kiện mà mình được hưởng, là nguồn lực tưởng chừng như đơn giản như mạng Internet, điện thoại, tiền sách vở ba mẹ cho tiền mua,... đều đóng một vai trò vô cùng quan trọng mà mình đã quên mất. Từ đó, mình biết học cách trân trọng hơn và biết ơn hơn và một điều quan trọng nhất là mình biết là mình gà mờ, dốt nát và bất tài đến như thế nào. Từ đó, khiến mình cố gắng hơn nữa trong quá trình tự rèn luyện bản thân và quá trình ăn hành sắp tới. Anyway, không biết cái này cho vào phần ưu điểm có đúng không, song cũng để nó ở đây vậy. Giờ mình cùng đến với những phần mà các bạn sẽ mất khi tự học.
====

NHỮNG MẤT MÁT MÀ BẠN PHẢI GÁNH KHI TỰ HỌC MÀ MÌNH NHẬN THẤY

Mọi người thường hô gào lên kêu gọi mọi người tự học. Các sách self-help thường gọi kĩ năng này là kĩ năng vua của mọi kĩ năng. Họ gào lên các lợi ích mà bạn sẽ đạt được trong quá trình tự học. Song, họ lại không hề đề cập một chút gì những gì mà phải đánh mất. Vả chẳng cũng chỉ một cách sơ lược và lướt qua. Những ánh hào quang của giá trị tự học đem lại lấn át đi cái vực thẳm giá trị tương xứng mà bạn phải trả để nhận được lợi ích của quá trình tự học. Bộ Giáo Dục, chính sách nhà nước lúc nào cũng yêu cầu trong Giáo Dục, việc đề cao giá trị tự học hàng đầu, ấy thế mà khi thiết kế sách giáo khoa, theo những thăng trầm và chính trải nghiệm trực tiếp của bản thân mình thì họ thiết kế sách lại không phù hợp với việc tự học ở nhà. Họ kêu gọi mọi em học sinh nên tự học mà cách họ làm lại đi ngược lại với lời nói của họ. Đó là những gì mà mình đã trải nghiệm trong chương trình giáo dục của Bộ đề ra, có thể trong tương lai và trong chương trình mới sẽ khác, song thực trạng hiện tại mà mình cảm nhận là vậy. Do đó, ở phần này, mình sẽ nói về những thứ mà bạn phải gánh và phải trả đúng theo quy luật: "Cái gì cũng có cái giá của nó ".

1. CÁC MỐI QUAN HỆ

Ảnh bởi
Duy Pham
trên
Unsplash
Bạn chắc chắn sẽ mất mát rất lớn trong việc này. Các bạn học sinh thiết lập các mối quan hệ với nhau không chỉ trong trường mà còn chủ yếu qua các buổi học thêm. Mối quan hệ giữa thầy cô giáo và các bạn cũng vậy. Do thầy cô dạy nhiều lớp và mỗi năm phải tiếp xúc cả trăm em học sinh thì số học sinh mà thầy cô nhớ cũng phụ thuộc vào các lớp dạy thêm do các em này gặp và tiếp xúc với các em nhiều hơn. Còn các em không đi học thêm thì do chỉ gặp nhau trên lớp mà thời gian gặp lại vô cùng ít ỏi, cộng thêm việc lúc vào lúc giảng thì cũng có cả chục em học sinh mà một số em gặp thường xuyên trong lớp dạy thêm thì do đã dành nhiều hơn từ trước nên vô tình chung lại chiếm mất spotlight của các em khác - những em không đi học thêm. Từ đây, việc thầy cô thân hơn đối với các em đi học thêm là chuyện dễ hiểu. Một khía cạnh khác trong việc này là như mình đề cập ở trên, lũ bạn của bạn sẽ kết bạn nhau theo khu vực và theo kiểu chúng "ta" và chúng "nó" và sự giao lưu khu vực lại thường xảy ra ở lớp học thêm nhiều hơn. Nói cho dễ hiểu là nhiều lúc tụi nó gặp nhau còn nhiều hơn gặp cha mẹ nên tụi nó sẽ nhanh chóng kết bạn với nhau và hình thành mối quan hệ bàn bè và vòng tròn bạn bè của chúng. Trong khi đó, những bạn khác - vốn có ít thời gian kết bạn hơn, thì theo thời gian sẽ chỉ là bạn cùng lớp và không hơn không kém. Vòng tròn này được thiết lập rất nhanh và có thể chỉ trong vòng nửa học kì đầu của năm lớp 10 mà nó có thể quyết định cả vòng tròn bạn bè trong suốt thời gian học cấp 3. Trong khi đó, lũ bạn mà bạn quen từ cấp 2 thì tụi nó tản ra hết, đứa thì học Công Lập bình thường, đứa thì lên FPT học, đứa thì sang lớp Chuyên khác,... rồi từ từ mối quan hệ với đám này cũng như người dưng nước lã. Câu chuyện anh em lớp 9 không bao giờ quên nhau chỉ là trò cười khi chưa đầy 1 năm sau mà 2 người học chung nhau 4 năm cơ sở mà ngỡ chưa từng quen nhau. Còn lũ bạn học cấp 2 lên học chung lớp cấp 3 thì tụi nó lại tiếp tục gặp nhau và giao lưu với nhau nhiều trong các lớp học thêm và tụi nó mở rộng vòng tròn quan hệ, thiết lập lại cộng thêm với việc thời gian mình gặp nó cũng ít đi nên từ đây thì mối quan hệ cũng trở thành bạn cùng lớp và không hơn không kém. Mặc dù vậy, thường bạn vẫn sẽ có một ít bạn, như mình, có rất ít bạn song những người bạn còn lại - vốn rất ít này, thật sự là những người bạn vô cùng tử tế và rất đáng quý. Nên mình rất trân trọng những người bạn này. Song, nếu xét theo vòng tròn quan hệ cũ mà mình thiết lập từ lúc học cấp 2 qua các lớp học thêm thì hiện tại nếu như ngày xưa mình có 20 người bạn thì bây giờ ứng với nó chỉ có 1 người bạn mà thôi. Dù sao thì nếu nhìn theo hướng tính cực một chút thì đây cũng có thể là một điểm sáng khi bạn có thể lọc được đám "bè" không cần thiết mà dành cho mối quan hệ chất lượng. Nhưng một thách thức lớn mà bạn có thể phải đối mặt trong lúc này là cảm giác bị quên lãng của thầy cô và khi lớp có liên hoan, tiệc tùng, hay vô lớp thì trong lúc tụi bạn đang nói chuyện rôm rả với nhau các vấn đề mà tụi nó ngồi kể nhau nghe từ trước trong các buổi học thêm thì bạn phải ngồi im lặng và đứng ngoài cuộc chơi, và nhiều lúc (mình cảm thấy rất nhiều) là bạn cảm thấy bạn không có cảm giác kết nối với cái lớp học mà bạn đang học, không có cảm giác gắn kết, cảm giác mình là một phần, là một thành viên của lớp mà chỉ là một thằng ngoài cuộc, một thằng FAKE được cài vào lớp, là một người thừa thải không cần thiết trong lớp học. Và tin mình đi, cảm giác này dù đã phải trải qua rất nhiều lần thì lần nào cũng rất đau đớn về mặt tinh thần. Đây là một trong những điều cực kì lớn mà các bạn cần cân nhắc.

2. CHẤP NHẬN MÌNH LÀ CON GÀ

Ảnh bởi
Darius Cotoi
trên
Unsplash
Lúc mình bước vô trường, mình là một trong mười đứa giỏi nhất trong lớp nếu xét theo điểm đầu vào. Song, chỉ trong vòng học kì I không mà thôi, mình bị đánh bật xuống và cuối năm lớp 10, mình là một trong những người ít ỏi không được học sinh giỏi mà xếp loại khá - một con gà trong lớp. Mình từng nghi vấn rất nhiều về điều này và mình nhận ra là mình không phải đang học với tụi nó, lũ bạn mà mình đang đua với dòng chảy cuốn tụi nó theo. Mình từng (hiện tại vẫn còn chút) rất ức chế và cảm thấy rất tức và không công bằng khi tụi bạn trong lớp thì cắm máy điện thoại trên Liên Quân, ngồi lướt điện thoại, ngồi nói chuyện rơm rã, không tập trung chú ý nghe giảng,... trong khi đó, mình phải căng não ra ngồi tập trung suy nghĩ, về nhà phải lấy sách ra, lên mạng tìm hiểu nội dung bài học mà vẫn còn ăn hành với bài giảng trên lớp, điểm số thì liệt. Mình tự hỏi tụi nó chả lẽ giỏi đến thế sao hay do mình bất tài, vô dụng? Rồi cảnh ức chế tiếp theo bạn sẽ gặp đó chính là bạn sẽ chứng kiến những người mà ngày xưa nó học thua mình xa lắm mà bây giờ bị nó vượt mặt và nó không coi mình ra gì. Trong khi đó, cái cách nó học bằng 1/10 công sức mình bỏ công ra cày. Rồi bài giảng trên lớp thầy cô giảng mình thấy nhanh quá trời mà tụi nó chả thèm tập trung nghe gì mà cắm cày điện thoại, cày game,... mà tụi nó làm được và hiểu được rồi điểm cao mới cay! Rồi mình ngồi nghiệm lại câu nói mà mình rất thích trong Bộ Phim Ba Chàng Ngốc là:
"...Hãy học tập vì tất cả đam mê của mình rồi điểm số cao sẽ đi theo bạn..."
(5)
(5)
Rồi sau đó mình nghiệm ra là có thể thứ mà mình đấu với tụi bạn chết tiệt kia không phải là năng lực học của mình với nó mà là giữa mình với dòng chảy mà tụi nó đang ngồi trên đó. Ở đây có thể các bạn thấy khó hiểu thì để mình nêu ra ví dụ minh họa như sau: Bây giờ nếu coi việc tự học là bạn ngồi bạn bơi giữa dòng sông thì tụi bạn của bạn tụi nó đang ngồi trên xuồng và trôi theo dòng chảy của dòng sông. Sở dĩ bạn không đấu lại với tụi nó là chuyện dễ hiểu bởi vì bạn không chỉ đấu với tụi nó không mà còn đấu với kinh nghiệm hàng chục năm mà thầy cô dạy thêm trang bị cho tụi nó và thời gian học thêm mà kiến thức thầy cô đút tận mõm cho tụi nó ăn thì lẽ dĩ nhiên các kiến thức nó đã học từ trước ở nhà thầy cô rồi thì lên lớp thầy cô có giảng hay không cũng chả quan trọng nữa bởi vì tụi nó đã học trước ở nhà thầy cô dạy thêm hết rồi. Bạn thua là một điều dễ hiểu và không có gì đáng xấu hổ hay thổ hẹn cả. Điều này đồng thời cũng có nghĩa là khi bạn mà quyết định tự học thì bạn hãy chấp nhận đồng thời rằng trong lớp bạn sẽ trở thành một con gà và chắc chắn đôi lúc sẽ cảm thấy rất ức chế với công sức mình bỏ ra mà thành quả lại như gáo nước lạnh vào mặt. Do vậy, khi chấp nhận con đường tự học này thì bạn hãy tập trung tận hưởng quá trình học tập của bản thân và đừng quá tập trung vào con điểm. Từ đó, bạn mới có thể tiến xa được trong quá trình tự học đầy chông gai và ngập hành này.

3. SỰ CÔ ĐƠN, LẠC LÕNG

Ảnh bởi
Alex Ivashenko
trên
Unsplash
Đây là một trong những vấn đề mà bạn sẽ đối mặt rất thường xuyên. Theo thời gian thời có thể bạn sẽ xây dựng nên nhiều kĩ năng hay các công cụ hỗ trợ cho việc này. Lý do cho việc mà các bạn sẽ cô đơn hơn trong lúc tự học so với lúc đi học thêm là vì ở lớp học thêm các bạn sẽ được tương tác, trò chuyện với nhau và còn có cơ hội gặp gỡ không chỉ với giáo viên, bạn bè cùng lớp thường xuyên hơn mà còn các bạn còn có cơ hội gặp gỡ các bạn học trường khác, khối Chuyên khác nữa. Trong khi đó, lúc bạn tự học một mình thì bạn đúng chất một mình thật sự. Bạn sẽ ngồi một mình với bản thân, tự ngồi trò chuyện với bản thân, tự mò kiếm thức, tự ngồi giải bài tập, tự động viên bản thân,... Và đôi lúc sẽ có một số khoảng khắc mà bạn muốn chia sẻ với mọi người xung quanh chẳng hạn như bạn vừa căng não và giải ra được bài toán khó hay vừa ngồi học xong 1 hiệp Pomodoro xong thì bạn muốn có ai đó trò chuyện, tán gẫu cùng thì lúc bạn quay ra xung quanh thì chỉ có mình bạn, là phong cảnh căn phòng bạn sống, vẫn là nó và bạn sẽ gắn bó với nó trong khoảng thời gian rất là dài trong quá trình tự học của bản thân. Lúc này, lâu dần, có thể bạn sẽ có một skill lạ đó là ngồi nói chuyện một mình với bản thân. Chẳng hạn bạn vừa mới giải xong bài toán khó hay vừa học được một kiến thức thú vị nào đó thì:
- Ôi! Tôi tuyệt vời thế! Mình đúng là thiên tài mà!" Rồi đâu đó dòng suy nghĩ khác sẽ chen ngang: - Thôi bớt tự luyến đi ông, mới giải được một bài toán mới / học được một kiến thức mới mà bây giờ đã đi gáy bô bô rồi! - Kệ đi, gáy tí có sau đâu ông. Ông này khó tính thế? - Người khôn ngoan là người biết khiêm tốn ông à. - Thôi ông đừng có đạo lý với tôi. - Haiz cái ông này, tôi là ông và tôi chỉ muốn tốt cho chúng ta thôi mà! ...
Và nó cứ tiếp tục kéo dài như vậy, luyên thuyên cho đến hết giờ giải lao hay nhiều lúc là cả mấy tiếng đồng hồ, lúc quay lại thì nhận ra vài tiếng đã trôi qua ( ノ ゚ー゚)ノ
Để ví dụ rõ hơn thì mình xin lấy ví dụ lúc mà mình phát hiện ra và tìm hiểu về lãi kép và quỹ ETFs trong thị trường chứng khoán. Lúc đó, não mình ngồi vẽ ra giấc mơ tỷ phú rồi dòng suy nghĩ kia ngồi cãi lại rồi một dòng khác nữa xen vô cãi nhau tiếp. Mấy dòng suy nghĩ đó cứ ngồi cãi nhau chí chóe trong não suốt mấy ngày trời. Rồi sau đó một thời gian, mình đi lập một tài khoản chứng khoán để bắt đầu với dùng tiết kiệm trong ngân hàng để đầu tư vào các quỹ ETFs thì mới nhận ra là mình chưa đủ 18 tuổi để lập được tài khoản chứng khoán. Thế là mấy dòng suy nghĩ trong não nó lại nổ lên cãi nhau chí chóe suốt mấy ngày tiếp. Anyway, giờ nhớ lại thấy nó khá hài với khá vui. Người ngoài nhìn vào có thể chửi mình khùng mà công nhận có thể mình khùng thật vì ngồi một chỗ rồi đôi lúc lại ngồi cười một mình mà (⊙_⊙;)
Bên cạnh đó, trong thời gian lúc tự học, bạn có thể tận dụng thêm nhiều công cụ hỗ trợ như các video Study with me trên Youtube hay các trang web như Study Stream trên mạng hay các ứng dụng như Forest, Todolist, Google Calendar, Notion,... Đây khả năng cao sẽ là những công cụ, dụng cụ bổ trợ mà bạn sẽ thường xuyên sử dụng tới trong lúc ngồi tự học một mình ở nhà. Ngoài ra thì các bạn có thể thường xuyên bật các kênh Podcast lên để nghe, các bạn có thể tham khảo bài viết ở dưới mà một bác trên Spiderum có tổng hợp lại và chia sẻ:
Cuối cùng thì nghe mình nói sự cô đơn, lạc lõng này có vẻ nhẹ nhàng song trên thực tế thì nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy thật sự cực kì cô đơn cho dù bạn đã dùng hết mọi kĩ năng. Đặc biệt, một trong những cảm giác cô đơn, lạc lõng nhất mà bạn có thể gặp là khi đi học trong lớp, đi ăn liên hoan, đi vô trường hoạt động,... Lúc này, xung quanh bạn có rất rất nhiều người, song, mặc cho rất nhiều người như vậy thì bạn lại cảm thấy vô cùng lạc lõng và cô đơn giữa một bầy người xung quanh. Và thường, khi gặp những trường hợp này thì mình thường chọn giải pháp là làm hay ăn cho nhanh rồi đi về sớm, còn nếu đang đi học trên lớp thì mình lấy một quyển sách nào đó ra đọc để thoát khỏi cái thực tại đầy khó chịu đó.
Vậy nên, đây là một yếu tố quan trọng mà bạn rất cần cân nhắc đến.

4. SỰ NGHI VẤN BẢN THÂN

Ảnh bởi
Simeon Jacobson
trên
Unsplash
Trước khi quá trình tự học, như mình đã đề cập ở trên, mình đã có kinh nghiệm tự học từ trước, cũng như mình cũng đã cày rất nhiều sách về phương pháp học, xem nhiều video về phương pháp, cách học,... Thế nên, lúc ban đầu, mình đã cực kì tự tin trên con đường này. Và theo thời gian, càng đi, càng ăn nhiều hành thì theo lẽ dĩ nhiên, độ tự tin của mình cũng giảm xuống và ngày càng mình càng nghi vấn, đặt câu hỏi về năng lực của bản thân. Hiện tại, số giờ tự học mình đã vượt ngưỡng 1000 giờ từ khá lâu rồi và nếu xét theo phương diện đó thì lúc này mình sẽ pro hơn trước, điểm số cao hơn trước song bây giờ mình vẫn ăn rất nhiều hành. Thế nên, chắc chắn khi bạn quyết định con đường tự học trong giai đoạn từ năm cấp 3 này, bạn có thể sẽ thường xuyên cảm thấy quá tải trước một đống kiến thức, deadline, bài tập mà bạn phải gánh,... Bạn sẽ cảm thấy rất ức và nghi ngờ bản thân cực độ khi mà dù bạn đã rất try hard song kết quả lại tát vào mặt bạn và bạn nhìn thấy lũ bạn mà trước đây học không bằng bạn vượt mặt bạn. Bạn thấy công sức chúng bỏ ra để học chẳng bằng một cắc so với những gì mà bạn bỏ ra. Ấy thế mà chúng vẫn vượt mặt bạn, vẫn cái kiểu học như sét đấm ngang tai trước mặt bạn và cái kết quả của bọn chúng và nếu bạn xui thì bạn có thể bị cô lập và thậm chí, nếu trong một môi trường toxic thì bạn còn bị coi thường nữa. Lúc này, chắc chắn rằng bạn sẽ nghi ngờ bản thân mình cực độ và có thể dẫn đến tình trạng buông xuôi. Bản thân mình, như đã nhai đi, nhai lại rất nhiều lần ở trên, rằng mình đã cày rất nhiều sách self-help về phương pháp học, thử mọi phương pháp học khác nhau mà các sách, video bài giảng người khác hướng dẫn mà vẫn ăn ngập hành. Mình cũng đã bị cô lập trong lớp, bị coi thường về thành tích học tập mà một số giáo viên, bạn bè xung quanh mỉa mai. Mình try hard rất nhiều, cả 2 lần dịp nghỉ Tết năm lớp 10 và 11 vừa rồi mình đều không đi chơi mà cắm mặt ở nhà ngồi học, nghỉ 30/4, 1/5 tiếp tục cắm mặt học tiếp, nghỉ hè vẫn tiếp tục học, xuyên suốt năm học vẫn cắm mặt học mà kết quả như gáo nước sôi vào mặt. Nhiều lúc mình định buông xuôi tất cả, nước trôi mình tới đâu thì mình trôi theo đó, song cuối cùng thì có các câu nói mà mình từng sưu tầm cứ lặp đi lặp lại trong đầu chẳng hạn như câu:
Kể cả màn đêm u tối nhất cũng phải nhường chỗ cho ánh sáng ban mai.
Trích từ sách: Nhà Thờ Đức Bà Paris - tác giả Victor Hugo
Rồi mấy suy nghĩ mà tụi nó thường cãi nhau chí chéo trong đầu cũng ngồi động viên kiểu như: "Thôi buồn làm gì. Mình đạt kết quả không tốt trong trường là mình chỉ không tiếp thu được kiến thức mà người ta bắt mình học thôi chứ có phải là mình là đứa kém cỏi hay thất bại đâu." Hay một dòng suy nghĩ khác động viên là: "Mình thất bại trong trường học đâu có đồng nghĩa là mình sẽ thất bại trong trường đời đâu ông!" hoặc một câu khác nữa là: "Có gì đâu, ông là một con rùa siêu vip pro mà, ông phải chơi theo luật chơi của bầy khỉ là phải leo lên cây mà ông vẫn đu lên được chút đỉnh và vẫn bám trụ được tới bây giờ thì lúc tụi khỉ chết tiệt đó nhảy xuống nước thì coi có solo lại với ông nổi không đây?! Haha, tất nhiên là không rồi, bro. Nên vui lên nào!".
Một nhân tố khác mà các bạn có thể thấy bất ngờ khi nó có thể giúp cho bạn vượt qua giai đoạn này là sách. Mình không quảng cáo hay gì đâu, mình đọc chủ yếu để thoát li với cuộc đời, ấy vậy mà khi đọc, khi mình đọc về cuộc đời của các nhân vật, chứng kiến các nhân vật trải qua khổ đau, kiếp nạn, rồi sau đó họ trải qua, đối mặt với chúng thì mình tự nhiên thấy thương thương cũng như đồng cảm với nhân vật đó xen lẫn chút ngưỡng mộ nữa. Rồi sau đó, lúc gấp quyển sách lại, tự nhiên mình cảm thấy an nhiên, nhẹ lòng hẳn ra mà chả biết vì sao. Có thể là vừa thoát li khỏi hiện thực chết tiệt rồi đi du lịch, theo dõi, đồng hành một thời gian với hành trình các nhân vật trong sách mà đem lại cho mình nguồn động lực, cảm hứng chăng? Mình cũng không biết nữa, song, nó chính là mình trong những công cụ quan trọng giúp mình vượt qua chúng. Và không chỉ riêng các quyển sách ở thể loại văn học mà thôi mà còn các quyển sách khác nữa như mấy quyển triết hay sách self-help hay mấy quyển sách về lịch sử,... thì nó chả có nhân vật nào cả, cũng thường không có câu chuyện để theo dõi, mà thay vào đó, không biết các bạn cảm nhận làm sao, chứ bản thân mình cảm thấy khi đọc chúng, mình giống như đang trò chuyện với các tác giả của các quyển sách đó vậy, và chúng cũng là một trong những công cụ giúp mình rất nhiều trong lúc mình cảm thấy cô đơn, lạc lõng.
Tất nhiên, mình không ép buộc bạn phải đọc sách vì ngoài chúng còn có rất nhiều thứ khác giúp bạn như lúc bạn chơi một nhạc cụ hay lúc bạn vẽ tranh,... Chúng tưởng là hoạt động vô bổ mà hóa ra lại lợi hại vô cùng và cũng đã giúp ích mình rất nhiều cũng như nó có thể rất phù hợp cho các bạn không thích đọc sách hay gặp khó khăn trong việc đọc như việc mắc chứng khó đọc (Dyslexia). Bên cạnh đó, còn rất nhiều hình thức như xem phim hay tập thể dục. Nghe thì nó chả thấm và chả liên quan cái khỉ gì cả song, nó lại là một trong như công cụ vô cùng đắc lực trong lúc bạn phải trải qua giai đoạn đầy khó khăn này.

5. ĐỘNG LỰC

Động lực ở đây mà bạn chủ yếu phải dựa phải là nội lực bên trong vì các ngoại lực bên ngoài sẽ không còn tác dụng nhiều nếu bạn liên tục sử dụng chúng trong thời gian dài. Bản thân mình ngày trước đã phải nghe và xem rất nhiều video về truyền động lực, motivation,... Một số video điển hình như là các video truyền động lực của Quyết Tâm Mạnh như video dưới đây:
Tuy nhiên, nghe nhiều riết chai tai, cái gì làm đi làm lại mãi trong thời gian dài thì đến một lúc nào thì tai của bạn có thể sẽ không thấm nữa. Bây giờ các video truyền động lực kiểu như thế này thì không còn là một điểm nhấn, không còn thúc đẩy được nhiều cho bản thân mình nữa. Thế nên, bạn phải cần một nguồn động lực khác quan trọng hơn các yếu tố bên ngoài nhiều để có thể thúc đẩy bản thân mình tiến lên. Một số yếu tố khác như sách self-help có thể bơm cho bạn một nguồn động lực tạm thời để thúc đẩy bạn tiến lên, song theo thời gian, khả năng cao bạn sẽ dần dà cảm thấy rất vô vị trước những nguồn động lực này. Nên thúc đẩy từ nội lực bên trong là cực kì quan trọng. Và bản thân mình nghĩ rằng việc thúc đẩy nguồn động lực bằng một mục tiêu nào đó thì có thể là một nguồn động lực tạm ổn song chắc chắn sẽ không có giá trị lâu dài. Để mình lấy ví dụ về một nguồn động lực mục tiêu của bản thân cho bạn xem thử như sau: Bản thân mình từng thất bại rất nhiều từ năm lớp 2 thi vào lớp Sở của trường tiểu học, đến năm lớp 5 thi vào lớp 6 lại tiếp tục thất bại trong việc thi tuyển vào trường Chuyên thuộc cấp THCS. Thế nên, nguồn động lực mà mình đặt mục tiêu đề ra là đậu vào trường THPT Chuyên là rất lớn cho những năm mà mình dành để ôn thi. Và nguồn động lực này khá tốt song nó chỉ là hàng dùng một lần mà thôi. Khi mình thành công đạt được mục tiêu đã đề ra, mình cảm thấy rất vui lúc ban đầu, song cảm giác đi theo sau bạn đã tưởng tượng lúc mà bạn hoàn thành được mục tiêu chưa? Đó chính là sự trống rỗng, vô vị, hóa ra nó không tuyệt vời như mình tưởng. Và thứ cảm giác này sẽ là nguồn cản lớn để cho bạn đạt kết quả làm mục tiêu tiếp theo. Hiện tại, bản thân mình đã trải qua cảm giác vô vị đó nên mình chắc chắn sẽ không đặt mục tiêu tiếp theo là đậu vào đại học top, điểm đại học cao nữa vì khi đó có thể mình vui lúc đầu song cái cảm giác vô vị, chán chường đi theo sau thi chả dễ chịu chút nào và nếu như bạn đặt mục tiêu tiếp theo sau đó nữa là được việc làm lương cao, cuộc sống gia đình,... thì cái vòng lẫn quẫn đạt được mục tiêu rồi lại chán chường lao tiếp như con thiêu thân đó vô những mục tiêu khác để đạt kết quả. Cái vòng lẫn quẫn vô vị đó mình không muốn lao vào và cũng không khuyến khích các bạn dùng cái đó làm động lực cho bản thân để tiến lên khi các bạn lấy kết quả để làm động lực cho bản thân.
Một nguồn động lực khác mà mình từng sử dụng là tưởng tượng ra những viễn cảnh tồi tệ nhất của bản thân nếu không cố gắng làm. Và nó cũng có hiệu quả nhất định, song giá trị cảm xúc, tinh thần mà nó mang lại giống như cực hình hơn và không là nguồn động lực tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn nếu dùng trong khoảng một thời gian dài.
Vậy nên, theo mình, thứ nguồn động lực mà tốt nhất bạn nên sử dụng là nội lực bên trong của bạn. Bạn phải tự thúc đẩy chính bản thân mình không vì kết quả, mục tiêu hay vì ai khác và tập trung tận hưởng quá trình hơn là kết quả. Đọc thì có vẻ cảm thấy sáo rỗng và vô vị song đó chính là trải nghiệm mà mình đã nghiệm ra và đang trải nghiệm một cách lành mạnh hơn. Một điều khác mình có thể chắc chắn là bản thân mỗi người trong chúng ta sẽ có nguồn động lực thúc đẩy riêng cho bản thân mình. Song, mình nghĩ là sẽ phù hợp hơn nếu nguồn động lực đó là một nguồn động lực lành mạnh và bạn có thể sử dụng chúng lâu dài. Ngồi gõ đến đây thì mình tự nhiên nhớ đến câu mà mình hay tâm niệm cho bản thân mà mình luôn cố gắng thực hiện từng ngày mà mình đề xuất bạn có thể áp dụng thử:
Tốt hơn bản thân mình ngày hôm qua.
Bản thân mình chắc chắn sẽ không đồng tình với việc so sánh bản thân mình với người khác để từ đó lấy nó làm nguồn động lực cho bản thân. Song, với việc so sánh bản thân mình với chính bản thân mình thì khác, bạn chỉ cần so sánh mình với chính bản thân mình và việc bản thân mình tốt hơn từng ngày, như thế thôi cũng là quá đủ rồi. Có một tập podcast mà mình rất thích và cũng nhờ tập này mà từ đó cũng thích luôn từ "cặm cụi" mà tập podcast này dùng, bạn có thể nghe thử tập podcast đó dưới đây:
Hay một câu khác mà mình cũng hay dùng để động viên bản thân là:
Gắng hết sức mình là được!
Ngoài ra, trong quá trình ăn hành ở trường thì dần dà, bạn có thể trở nên chán ghét luôn cái môn học mà bạn đang học ở trường. Để mình ví dụ nhé: Bạn học Chuyên Toán và suốt ngày bạn cứ ngồi giải đạo hàm, tính tích phân, giải sin cos,... Bạn chẳng biết nó có công dụng gì, hay toán học có cái gì mà người ta bắt bạn học nhiều thế? Bạn bực bội song vẫn phải cắm mặt học và làm đống bài tập chết tiệt đó. Bạn cay cú và theo thời gian, có khả năng cao là bạn chỉ học môn đó một cách đối phó và khi dừng việc học ở trường dừng lại và không ai bắt ép bạn học môn toán nữa thì bạn cũng dừng luôn việc học toán. Quả thật, nếu là như vậy thì đây chắc chắn là một điều rất đáng tiếc đó bạn ạ. Bản thân mình nghĩ rằng, nếu không may mắn tình cờ tìm được những quyển sách hay video về vấn đề này thì có lẽ bây giờ mình chắc cũng toang và mất niềm tin vào những môn học đó lắm. Thì như ví dụ cụ thể về bộ môn Toán mà mình đang ví dụ thì bạn có thể tham khảo thêm 2 bộ sách cực kì hay sau, đặc biệt là những bạn đang cực kì mất niềm tin vào bộ môn Toán:
Một quyển sách "toán hiệp" cực kì vui tươi, trong sáng và có khả năng vực dậy được tinh thần suy sụp, mất niềm tin vào bộ môn Toán của bạn. Nó có thể cho bạn thấy được thế giới muôn màu muôn vẻ của thế giới toán học đầy lý thú mà do chính bác Ngô Bảo Châu và bác Nguyễn Phương Văn dày công viết. Chưa kể đến là những tranh minh họa đầy thơ mộng chắc chắn sẽ cuốn hút bạn vào thế giới tưởng đầy khó chịu như toán mà lại lung linh huyền ảo vô cùng. Chắc chắn đây là một trong những quyển tiểu thuyết về toán học mà mình đề xuất cho bạn nhất! - Nguồn ảnh: <a href="https://vi.wikipedia.org/wiki/Ai_v%C3%A0_Ky_%E1%BB%9F_x%E1%BB%A9_s%E1%BB%9F_nh%E1%BB%AFng_con_s%E1%BB%91_t%C3%A0ng_h%C3%ACnh#/media/T%E1%BA%ADp_tin:Ai_v%C3%A0_Ky_%E1%BB%9F_x%E1%BB%A9_s%E1%BB%9F_nh%E1%BB%AFng_con_s%E1%BB%91_t%C3%A0ng_h%C3%ACnh.gif">(6)</a>
Một quyển sách "toán hiệp" cực kì vui tươi, trong sáng và có khả năng vực dậy được tinh thần suy sụp, mất niềm tin vào bộ môn Toán của bạn. Nó có thể cho bạn thấy được thế giới muôn màu muôn vẻ của thế giới toán học đầy lý thú mà do chính bác Ngô Bảo Châu và bác Nguyễn Phương Văn dày công viết. Chưa kể đến là những tranh minh họa đầy thơ mộng chắc chắn sẽ cuốn hút bạn vào thế giới tưởng đầy khó chịu như toán mà lại lung linh huyền ảo vô cùng. Chắc chắn đây là một trong những quyển tiểu thuyết về toán học mà mình đề xuất cho bạn nhất! - Nguồn ảnh: (6)
Quyển tiếp theo là quyển Những con số ma thuật, Sách gối đầu giường dành cho những ai... sợ toán của tác giả Hans Magnus Enzensberger, được minh họa bởi Rotraut Susanne Berner do dịch giả Kiều Hoa dịch ra tiếng Việt.
Quyển sách kể về hành trì của cậu bé Robert, một cậu bé chúa ghét toán học. Song, điều kì diệu đã xảy ra khi bỗng một đêm, cậu nằm mơ thầy ngài Quỷ Số đầy tinh quái và từ đây, hành trình trong mơ của cậu đúng nghĩa đen bắt đầu với những câu chuyện, cái hồn, của tuyệt diệu của môn Toán học đến với cậu và bạn sẽ được hành trình theo dõi hành trình đó khi theo dõi hành trình đó. Trong quá trình đọc, mình cũng nghiệm ra một số bài học nhân văn sâu sắc mà ngài Quỷ Số có nói khi ngài Quỷ Số nói về cái khó khăn, cái vất vả của những con "Quỷ Số" khi phải giải, chứng minh một bài toán. Quyển sách này có thể là một hành trình đầy lý thú mà mình đề xuất bạn có thể tìm đọc thử. - Nguồn ảnh: <a href="https://kenosa.vn/the-knowledge-nhung-con-so-ma-thuat-sach-goi-dau-giuong-cho-nhung-ai-sotoan-hoc.htm">(7)</a>
Quyển sách kể về hành trì của cậu bé Robert, một cậu bé chúa ghét toán học. Song, điều kì diệu đã xảy ra khi bỗng một đêm, cậu nằm mơ thầy ngài Quỷ Số đầy tinh quái và từ đây, hành trình trong mơ của cậu đúng nghĩa đen bắt đầu với những câu chuyện, cái hồn, của tuyệt diệu của môn Toán học đến với cậu và bạn sẽ được hành trình theo dõi hành trình đó khi theo dõi hành trình đó. Trong quá trình đọc, mình cũng nghiệm ra một số bài học nhân văn sâu sắc mà ngài Quỷ Số có nói khi ngài Quỷ Số nói về cái khó khăn, cái vất vả của những con "Quỷ Số" khi phải giải, chứng minh một bài toán. Quyển sách này có thể là một hành trình đầy lý thú mà mình đề xuất bạn có thể tìm đọc thử. - Nguồn ảnh: (7)
Bản thân cả hai quyển trên mình đều không chủ động trực tiếp mua mà tình cờ bắt gặp trong thư viện trường (quyển đầu) và thư viện tỉnh ở phòng đọc thiếu nhi (quyển sau). Và tất nhiên, mình đã mượn về và đọc và rất ấn tượng với hai quyển này. Và tất nhiên còn rất nhiều bộ sách khác rất ấn tượng về môn Toán mà các bạn có thể tham khảo như trang dưới đây:
Bên cạnh đó, các bạn có thể tham khảo thêm về series sách dưới đây nói về những lĩnh vực khác, môn khác cũng lý thú không kém cạnh gì:
Những quyển này mình không mua mà toàn vô thư viện mượn đọc nên cũng không tốn tiền mua. Nó tốn công, song cũng rất thú vị, các bạn có thể tìm đọc nhé.
Ngoài ra, một vài quyển nói về phương pháp học nói chung cũng rất thú vị mà các bạn có thể tham khảo như quyển "A mind for number" và quyển "Học cách học" cực kì dễ đọc của tác giả Barbara Oakley và các đồng tác giả mà các bạn có thể tìm đọc. Và lại again lần nữa khi quyển đầu tiên mình cũng tìm thấy trong thư viện tỉnh và chỉ có quyển thứ hai mình mới lên mạng đặt mua về mà thôi. Bên cạnh đó, quyển "Học cách học" còn có một bài giảng trên Coursera và còn có một khóa "Mindshift" - khóa này cũng có cả bản sách, rất thú vị mà các bạn có thể tham khảo thêm nữa.
Cuối cùng thì, như mình đã đề cập ở trên, không nhất thiết các bạn phải đọc để tìm thấy niềm vui trong môn học, các bạn có thể tìm thấy nó trên mạng qua các video, ví dụ như về các video phỏng vấn các thí sinh tham dự kì thi Vật Lý Quốc Tế hay các video minh họa animation mà kênh Vật Lý Chill làm cũng rất truyền cảm hứng để các bạn tham khảo nữa. Hay các bài giảng như "Học cách học" và "Mindshift" trên Coursera mà mình đã đề cập ở trên.
Vậy nên, bạn có thể lựa chọn hướng đi phù hợp với mình là được rồi.
Đường nào mà chẳng tới thành Rome.
Trên đây là một số gợi ý của mình về vấn đề này. Đôi lúc, mặc dù cho đã áp dụng hết tất cả các cách này thì mình vẫn không có chút một động lực nào cả và thật sự thì trong lúc đó mình cũng chả biết làm gì hơn ngoài ăn với ngủ và cố gắng thực hiện theo các thói quen đã thiết lập từ trước.
Tuy vậy, động lực thúc đẩy mỗi người mỗi khác nên đây sẽ là điều mà các bạn cũng cần đặt lên bàn cân để cân nhắc và đưa ra quyết định.

6. SỰ TIN TƯỞNG

Ảnh bởi
Alex Shute
trên
Unsplash
Trong lúc tự học, không chỉ riêng sự tin tưởng của bản thân bạn bị lung lay mà còn những người xung quanh bạn nữa. Về vấn đề này thì chắc chắn đây không là cảm giác dễ chịu gì cả. Trong đợt họp phụ huynh cuối kỳ II lớp 11 vừa rồi, điều mà thậm chí còn tệ hơn cả việc ba mẹ đi họp phụ huynh về và ngồi chửi mình sml thì đó chính là họ còn không thèm đi họp phụ huynh cho mình. Đó như một nhát dao đâm xuyên tim mình khi sự tin tưởng của họ không còn ở mình nữa và họ cũng không còn bận tâm gì tới việc học của mình nữa. Mình ra sao thì ra, sống chết mặc bay. Và thứ họ chỉ hỏi sau đó chỉ gói gọn trong câu: "Được lên lớp không?" hay "Còn được đi học tiếp không?" mà thôi.
Tất nhiên, không phải ai cũng xúi quẩy và bị mất hết niềm tin như mình. Song, chắc chắn, khi phải tự mình ngồi gánh thì kết quả của bạn từ đó cũng giảm xuống. Từ đây, sự tin tưởng vào bạn của mọi người xung quanh của theo đó mà giảm sút đi.
Đây là một vấn đề mà các bạn nên cân nhắc kĩ tiếp theo khi quyết định lao xác vào.
Ảnh này mình lấy từ một bài viết khá thú vị về hiệu ứng này, bạn có thể bấm vào để đọc thử - Nguồn ảnh: <a href="https://www.opencolleges.edu.au/informed/features/the-matthew-effect-what-is-it-and-how-can-you-avoid-it-in-your-classroom/">(9)</a>
Ảnh này mình lấy từ một bài viết khá thú vị về hiệu ứng này, bạn có thể bấm vào để đọc thử - Nguồn ảnh: (9)
Về hiệu ứng Matthew thì đã có một bác trên Spiderum viết về vấn đề này, bạn có thể đọc nó ở phần mình để bên dưới:
Hiệu ứng xuất phát từ sách phúc âm và nguyên văn của nó như sau:
"For to every one who has will more be given, and he will have abundance; but from him who has not, even what he has will be taken away." — Matthew 25:29, RSV. "I tell you, that to every one who has will more be given; but from him who has not, even what he has will be taken away." — Luke 19:26, RSV. And he answered them, "To you it has been given to know the secrets of the kingdom of heaven, but to them it has not been given. For to him who has will more be given, and he will have abundance; but from him who has not, even what he has will be taken away." — Matthew 13:11–12, RSV. Trích từ: https://en.wikipedia.org/wiki/Matthew_effect
Như các bạn có thể thấy: "Người nào có sẽ tiếp tục có, người nào không có thì ngay cả thứ đang có thì sẽ dần bị tước đoạt hết đi."
Và cái hiệu ứng chết tiệt này bạn khả năng cao sẽ mắc phải và tất nhiên là theo vế sau rồi. Bạn sẽ dần mất đi tất cả những thứ mà bạn đã từng có. Đây chính là một trong những thứ chết tiệt nhất mà bạn phải cực kì cân nhắc khi quyết định tự học. Để hiểu rõ lý do tại sao là như vậy thì bạn có thể đọc bài viết của một bạn trên Spiderum mà mình có để ở trên về cái hiệu ứng chết giẫm này.
Chắc chắn, đây chính là một trong những thứ mà bạn cần cân nhắc kĩ lưỡng nhất khi quyết định hành trình ngập hành này.
Oke, mình nghĩ về vấn đề giáo dục tới đây là tạm ổn rồi. Bây giờ ta hãy xét đến khía cạnh học sinh.

HỌC SINH

Trên diễn đàn Spiderum đã từng nổ ra tranh cãi cực liệt giữa hai bác về học sinh trường Chuyên. Một bên thì bảo như lũ cừu, một bên thì quan niệm khác. Tuy nhiên, đứng ở góc nhìn của mình thì mình thấy bác nào nói cũng đúng cả. Bạn gọi học sinh là lũ gà hay những con người năng động, hoạt bát cũng đúng cả.
Học sinh của trường về cơ bản cũng là học sinh mà thôi nên có học sinh năng nổ, có học sinh trầm tính, có học sinh "quái nhân" học tập, có học sinh mê chơi, có học sinh có các cặp đôi (có nhiều là đằng khác).
Thế nên, để đưa ra định nghĩa học sinh trường Chuyên thế nào một cách phổ quát rất khó. Ví dụ có một bạn nói rằng học sinh của trường như lũ cừu hay toàn bọn quái nhân giỏi toàn diện thì cũng đúng vì cũng có một bộ phận trong đó giống như vậy. Và một ở chiều ngược lại thì các bạn khác phản bác lại là tụi nó toàn là lũ học lệch và rất có cá tính lại cũng đúng nữa. Để thấy rõ được điều này thì các bạn chỉ cần tham gia các event, ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ,... của trường là biết và cũng có nhiều bạn trong số đó học cực kì lệch.
Bạn nói học sinh của trường chỉ biết học mà thôi cũng đúng mà bạn khác nói học sinh của trường tham chơi còn nhiều hơn tham học cũng đúng. Có một số bạn cứ tới giờ ra chơi là bay xuống sân đánh bóng chuyền, lấy máy ra luyện game, hay cứ rảnh là rủ nhau đi đá banh. Một trong những điều mình bất ngờ nhất về tụi này là tụi này từng rủ nhau tập thể để đi xem phim "sẽ gầy" trên Google Meet. Và tụi nó cực kì mê bóng đá và có thể nói là theo truyền thống luôn như khối Chuyên Toán của mình được mệnh danh là khối năm này cũng mê cái bộ môn này - mặc dù mình cũng không thích cũng không ghét, lâu lâu tới giải đá bóng lại rủ nhau lại nhà coi.
Rồi học sinh của trường cũng có vài lúc đánh nhau, và nhiều lúc đi trễ, không soạn văn, chưa làm bài tập về nhà, lên sổ đầu bài ngồi, trực trễ,... Rồi cũng yêu đương, bắt cặp nhau các thứ. Tuy nhiên, khía cạnh mà mình chưa từng gặp ở trường cho tới hiện nay là không thấy các vụ liên quan đến quan tình dục hay các vấn đề liên quan đến ma túy. Đây là dấu hiệu đáng mừng mà theo quan điểm cá nhân mình đánh giá.
Và nếu có một điểm khác so với các học sinh trường khác thì khả năng cao là nó khác nhau ở điểm này:

BỆNH NGÔI SAO

Không biết các bạn nghĩ gì nhưng mình nghĩ cái bệnh này cực kì dễ gặp ở các bạn học sinh học trường top và ở các trường đại học trên thế giới như đại học Harvard cũng có cái bệnh là bệnh Harvard nữa mà. Anyway, ngày trước mình cũng mắc phải cái bệnh này nên các bạn hãy cẩn thận trước căn bệnh ngôi sao này mà nhiều lúc ông thầy dạy bộ môn Giáo Dục Quốc Phòng có gọi vui là bệnh trên mây hay bệnh cột điện.
Mình nghĩ viết về học sinh nhiêu đây là tạm ổn rồi. Và chắc cũng tạm dừng nội dung bài viết tại đây được rồi.

LỜI KẾT

Ảnh bởi
Matt Botsford
trên
Unsplash
Mình viết bài này từ ngày 6 tháng 5 năm 2023 và dự định là viết trong vài ngày. Song, ai ngờ đâu tới tận đang ngồi gõ những dòng này là ngày 3 tháng 6 năm 2023 lúc 6:37 AM mà mình mới tới đây - tức gần 1 tháng.
Hiện tại do công việc bận đột xuất một thời gian và mình cũng không muốn để bài viết này tới tháng 7 tháng 8 mới đăng lên. Do vậy mà đoạn kết mình viết hơi vội, mong các bạn thông cảm.
Đến đây các bạn có thể có thắc mắc, thì một trong những thắc mắc đó có thể là: "Sao ông bất mãn nhiều vậy?"
Thì để trả lời cho phần này thì mình sẽ mượn lời của cụ John Stuart Mill để trả lời thay mình:
" ... It is better to be a human being dissatisfied than a big satisfied. Better to be Socrates dissatisfied than a fool satisfied. And if the fool or the pig are of a different opinion, it is because they only know their side of the question. ..." - John Stuart Mill, [3]
Hình ảnh của cụ - <a href="https://vi.wikipedia.org/wiki/John_Stuart_Mill">(10)</a>
Hình ảnh của cụ - (10)
Ok. Tạm thời tới đây thôi. Trên đây là quan điểm và góc nhìn tới từ cá nhân mình, hy vọng hữu ích với các bạn.
Have a nice day!

TÀI LIỆU ĐÃ SỬ DỤNG VÀ THAM KHẢO

Ảnh:

(1) Ảnh này mình chụp vào ngày 8 tháng 5 năm 2023, lúc 15:30 với thiết bị chụp là Samsung SM-G885F.
(2) Ảnh mình chụp vào ngày 9 tháng 5 năm 2023, vào lúc 10:47 với thiết bị chụp là Samsung SM-G885F.
(3) Ảnh mình chụp vào 10 tháng 5 năm 2023, vào lúc 10:27 , sau khi thi xong 2 môn thi đầu tiên của kỳ thi là Vật Lý và Ngữ Văn. Với thiết bị chụp là Samsung SM-G885F.
(4)
(5)
(6)
(7)
(8)
(9)
(10)

Tham Khảo:

...

Trích Dẫn:

[1] Thích Gì Làm Nấy, Cẩm nang lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh theo cách của người Nhật - trang 261 - tác giả Ryu Murakami - dịch giả: Thanh Tâm, Ái Tiên và Xuân Trinh - Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội - In xong và nộp lưu chiểu năm 2017 - ISBN: 978-604-944-828-7.
Mình trích một câu nhỏ trong quyển sách đó ra và trên thực tế thì mình thấy khúc bàn luận của tác giả khá hay mà nếu mình đem lên trên trích dẫn hết thì sẽ không phù hợp lắm nên mình sẽ trích dẫn khúc bàn luận của tác giả ở dưới này và việc trích dẫn của mình hoàn toàn phù hợp với Luật Sở Hữu Trí Tuệ Của Việt Nam, mình xin được mạn phép trích dẫn nội dung bàn luận của tác giả như sau:
"... HÌNH ẢNH NGƯỜI GIÁO VIÊN ĐƯỢC MONG ĐỢI - Ryu Murakami Hệ thống giáo dục không theo kịp thời đại: Cả bố và mẹ tôi đều là giáo viên. Hai người đã về hưu vào những năm 1970 nhưng thi thoảng họ lại nói, "May mà mình không phải giáo viên thời nay, giáo viên bây giờ vất vả quá". Khi tôi hỏi bố mẹ rằng nền giáo dục xưa và nay khác nhau ở điểm nào, cả hai chỉ ra rất nhiều điểm khác biệt về học sinh, phụ huynh, rồi cả giáo viên, ban giám hiệu, liên đoàn lao động và Bộ Giáo dục Khoa học (hồi bố mẹ tôi còn làm việc, Bộ Giáo dục Khoa học được gọi là Bộ Giáo dục). Tuy nhiên, khi tôi hỏi vậy cụ thể là thay đổi ra sao, bố mẹ tôi bảo khó nói bằng lời lắm, nhưng nhìn chung là khác, và họ lại bảo, "May mà mình không phải làm giáo viên thời nay". Quả là nền giáo dục Nhật Bản trong vòng hai mươi năm trở lại đây đã có quá nhiều vấn nạn như bắt nạt, bạo lực học đường, học sinh bỏ học,... Nguyên nhân căn bản là bởi những suy nghĩ và hệ thống giáo dục trong giai đoạn tăng trưởng cao độ vẫn còn áp dụng đến ngày nay đã không còn phù hợp với thời đại. Không phải giáo dục không tốt mà tôi nghĩ chẳng qua nó không thích ứng được với sự thay đổi của cơ cấu sản xuất, cơ chế tuyển dụng và của bản thân việc giáo dục. Cơ cấu sản xuất đã biến đổi từ nền công nghiệp quy mô lớn sang nền công nghiệp sản xuất giá trị cao lấy kĩ thuật công nghệ cao làm trọng tâm và các ngành dịch vụ. Cơ chế tuyển dụng thay đổi ở điểm chính phủ đã bãi bỏ cơ chế tuyển dụng "trọn đời". Sự thay đổi của xã hội nằm ở việc xã hội đang đa dạng hóa, kéo theo sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo. Giáo dục không phải chỉ cần tình yêu mà còn cần tiền: Có lẽ trong thời gian tới, khoảng cách chênh lệch trong giáo dục sẽ rõ ràng và trầm trọng hơn. Vấn đề thực tế là trong giáo dục phần lớn mọi thứ bị chi phối bởi "tiền". Tư tưởng cho rằng giáo dục phải bằng tình yêu không sai, nhưng có một điều rõ ràng không cần bàn cãi là giáo dục cần nhiều tiền. Trình độ học vấn của con cái được quyết định bởi điều kiện kinh tế của bố mẹ. Tính chất đầy đủ của nền giáo dục do trạng thái và quy mô tài chính của nhà nước và các địa phương tự trị quyết định cũng đã thay đổi. Ví dụ, vấn đề một lớp dưới ba mươi học sinh lúc nào cũng là vấn đề bàn cãi bởi nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề phí nhân sự, phí xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trong nhà trường. Những ý kiến cho rằng vì giáo dục là rường cột của quốc gia nên ta cần phải chi thêm kinh phí cho giáo dục là đúng, tuy nhiên ngân khố của các địa phương tự trị cũng như ngân khố của nhà nước toàn là vay nợ, không có khoản nào thừa ra để chi cho giáo dục. Chính xác là nhà nước đã chi nhiều thứ lãng phí. Những ý kiến cho rằng nên sử dụng chi phí xây dựng các công trình công cộng không hiệu quả vào mảng giáo dục là chính xác, nhưng để làm được điều đó cần đến những động thái chính trị dài hơi. Hơn nữa, mấu chốt cơ bản của "cải cách cơ cấu" mà chính quyền hiện nay cố gắng thực thi đang áp dụng chủ nghĩa tư bản, nguyên tác thị trường vào rất nhiều lĩnh vực, phân bố tài nguyên một cách hiệu quả. Dòng chảy thị trường hóa không dừng: Những khẩu hiệu như "những vấn đề người dân làm được, hãy để người dân làm", "chính phủ nhỏ", "chuyển đổi từ nhà nước xuống các địa phương" cho thấy nhà nước đã không còn tiền, không những hết tiền mà còn đang vay nợ, không còn khả năng đổ ngân sách vào những nơi nghèo khó, vì thế người dân hãy tự lực cánh sinh đi. Việc triệt để quy chế, loại bỏ chi tiêu lãng phí của các quan chức chính phủ có những mặt tốt trong cải cách cơ cấu, tuy nhiên nó cũng khiến cho khoảng cách kinh tế giữa những người dân ngày càng lớn hơn. Và cũng không thể hồi phục kinh tế như thời kì phát triển cao độ được, thị trường không cho phép việc bắt đầu phân bố lại tài nguyên trên quy mô toàn xã hội. Vì thế, không còn cách lựa chọn nào khác, không thể nào ngăn cản được dòng chảy của sự cải cách cơ cấu làm nảy sinh sự cách biệt trong xã hội. Trong trường hợp chính phủ quên đi việc xây dựng Safety Net (sự bảo trợ xã hội tối thiểu để cứu những người thất bại trong quá trình cạnh tranh), khoảng cách chênh lệch về kinh tế của cá nhân sẽ dẫn đến những sự cách biệt về giáo dục và các dịch vụ y tế. Trong hệ thống giáo dục có sự chênh lệch khoảng cách sẽ dẫn đến những nguy cơ rất lớn. Những người thất bại trong cạnh tranh sẽ mất đi sự kiêu hãnh của mình và hướng sự giận dữ đến xã hội. Chính những người này sẽ là đối tượng dễ bị tội phạm, những giáo phái mê tín hay các tổ chức chính trị cực đoan lôi kéo. Và như thế sẽ làm nảy sinh ra những bất ổn nghiêm trọng trong xã hội. Giáo dục không gần gũi với nguyên lí thị trường: Giáo dục không phải là ngành sản xuất kinh doanh hàng hóa, đối tượng của giáo dục là con người, cho nên không thể chỉ cần năng suất cao và tính hợp lí là đủ. Vì thế, đối với những người muốn nhắm đến công việc giáo viên hay làm việc liên quan đến giáo dục, tôi không thể đưa ra lời khuyên như hãy tự mình trau dồi kiến thức cũng như kĩ năng để có thể làm việc trong những trường dạy thêm, trường dự bị đại học chú trọng doanh thu, hay tại những trường tư thục nặng tính kinh doanh. Bởi vì nếu như tất cả những nguồn nhân lực xuất sắc tập trung hết vào đó, những nơi chắc chắn có thể bảo đảm cho họ một mức thu nhập cao hay những trường tư thục không có tệ nạn bạo lực học đường, thì hệ thống giáo dục công lập của Nhật Bản chẳng phải sẽ bị hủy hoại, xã hội sẽ rơi vào bất ổn sao? Tuy nhiên, tôi cũng không khuyến khích bạn làm việc ở những trường học chất lượng kém, ngày ngày phải đối phó với những học sinh yếu kém. Ở những ngôi trường như thế, "giao tiếp, nói chuyện với học sinh bằng chính tình yêu thương thì chắc chắn hiểu nhau hơn" là không thể. Hơn nữa, do ảnh hưởng của tình trạng ít con, việc tuyển dụng giáo viên trên phạm vi cả nước cũng trở nên khó khăn hơn. Đừng dùng uy giáo viên áp đặt học trò: Tôi nên có những lời khuyên như thế nào đối với những ai muốn trở thành giáo viên nhỉ? Giáo viên là một nghề vô cùng quan trọng vì thế tôi phải nói rằng, trước hết tôi muốn các bạn coi trọng ý chí và nguyện vọng trở thành giáo viên của mình. Ngày xưa, lúc toàn dân đồng lòng dốc sức giúp cho đất nước bước vào con đường hiện đại hóa, phát triển cao độ, việc dùng uy để áp đặt học trò là có thể. Vào thời đại sản xuất hàng công nghiệp chất lượng cao, giá rẻ trở thành nền công nghiệp chủ lực, mục đích của giáo dục là đào tạo ra nhân lực có thể làm việc ở những công ty tốt, có quy mô lớn, vì thế học sinh tuân theo chỉ thị của giáo viên là hợp lí. Giáo viên có thể chỉ cho các em cách sống giàu sang rằng hãy làm việc cho những tập đoàn có giá trị cao. Với cách sống đó, trên thực tế hầu hết người Nhật Bản đã giàu có về mặt kinh tế. Nhưng xã hội "có các quan chức lãnh đạo tốt, và nếu vào các ngân hàng, doanh nghiệp hay trường học, bạn sẽ được bảo đảm về mặt lợi ích" cũng đã kết thúc từ lâu. Chính vì thế, quyền uy được trao cho giáo viên cũng đã mất đi và sự quản lí bằng quyền uy trở nên vô hiệu. Kết luận: Trước hết hãy vui sống, còn dạy dỗ hãy để sau Điều tôi mong đợi trong tương lai không phải là phục hồi lại quyền uy của giáo viên mà chính là giáo viên có tiếng nói chung với học sinh. Với những ai mong muốn làm giáo viên trong tương lai, việc trau dồi kiến thức, kĩ năng là hiển nhiên, nhưng tôi mong các bạn trước hết hãy ưu tiên "làm cuộc sống của mình phong phú, sung túc, hãy vui trong cuộc sống". Mình cứ vui, cứ có cuộc sống phong phú, sung túc, rồi sau đó hãy tiếp xúc với các em. Bởi trẻ nhỏ, học sinh là người quan sát giáo viên của mình chính xác nhất. Các em có khả năng đoán được giáo viên nào sống vui vẻ, ai có cuộc sống nhàm chán. Những chỉ thị từ các giáo viên có đời sống buồn tẻ, nhàm chán đối với các em nhỏ chỉ đơn thuần là sự cưỡng chế, ép buộc mà thôi. Bố mẹ tôi khi có học sinh đến nhà thăm vào ngày nghỉ thường hay nhờ tôi nói rằng: "Con ra bảo bố mẹ không có nhà" - bố mẹ tôi giả vờ đi vắng để học sinh về. Vào ngày nghỉ, họ không muốn gặp các em, họ muốn làm việc mình thích. Chẳng hạn như bố tôi là họa sĩ nên ông sẽ vẽ tranh, còn mẹ tôi sẽ đọc những cuốn sách bà yêu thích. Tuy vậy, với tư cách con trai họ, nói ra cũng hơi kì nhưng tôi thấy học sinh ngay cả ngày nghỉ cũng tìm đến nhà thầy cô giáo để chơi, chứng tỏ bố mẹ tôi đều rất được các em yêu quý, ngưỡng mộ. Đối với trẻ con (tôi không nói đến trẻ sơ sinh), các em mong đợi thầy cô và bố mẹ có được "sức hút" hơn là những người thầy, bậc cha mẹ lúc nào cũng chơi bên cạnh các em. Việc có sức hút chính là ở việc họ có thể tạo cho cuộc sống của mình niềm vui, sự sung túc. Viết năm 2003. ..." - Trích từ sách: Thích Gì Làm Nấy, Cẩm nang lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh theo cách của người Nhật - trang 261, 262, 263, 264 - tác giả Ryu Murakami - dịch giả: Thanh Tâm, Ái Tiên và Xuân Trinh - Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội và Công Ty Cổ Phần Văn Hóa Đông A - In xong và nộp lưu chiểu năm 2017 - ISBN: 978-604-944-828-7.
[2] Xem lúc 11:33 PM, ngày 31 tháng 5 năm 2023
[3]